Bảo hộ thương mại - Những vấn đề thách thức của Việt Nam đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa
Bạn đang xem tài liệu "Bảo hộ thương mại - Những vấn đề thách thức của Việt Nam đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- bao_ho_thuong_mai_nhung_van_de_thach_thuc_cua_viet_nam_doi_v.pdf
Nội dung text: Bảo hộ thương mại - Những vấn đề thách thức của Việt Nam đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa
- BẢO HỘ THƯƠNG MẠI - NHỮNG VẤN ĐỀ THÁCH THỨC CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI VIỆC MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRADE PROTECTION - CHALLENGES FOR VIETNAM IN EXPANDING EXPORT MARKETS ThS. Võ Thị Hoài Trường Đại học Sài Gòn Tóm tắt Chính sách mở cửa hội nhập và thúc đẩy tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng bảo hộ thương mại của nhiều thị trường lớn. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ và các doanh nghiệp trước mục tiêu phát triển kinh tế và lợi nhuận trong thời gian tới. Tìm kiếm những giải pháp để tận dụng được thời cơ từ các FTA đã ký kết và khắc phục những khó khăn từ các rào cản của các quốc gia trên thế giới là một trong những công việc quan trọng cần nghiên cứu và trao đổi. Trong bài viết này, tác giả xin được phân tích những vấn đề về bảo hộ thương mại, những biện pháp bảo hộ thương mại mà các quốc gia đang áp dụng làm ảnh hưởng tới chính sách xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ của Việt Nam trong thời gian tới để có thể thực hiện được các chỉ tiêu về xuất khẩu hàng hóa và thực hiện chính sách hội nhập sâu rộng. Từ khóa: bảo hộ thương mại; giải pháp của Việt Nam Abstract Vietnam's policy of integration and promoting export growth is facing a wave of trade protectionism in many major markets. This will pose many challenges for the Government and businesses in the goal of economy development and profitability improvement in the future. Finding solutions to take advantage from the signed FTAs and overcoming the difficulties from the other countries’ barriers is one of the important jobs that need to be studied and discussed. In this article, the author would like to analyze trade protectionism’s issues and the trade protection measures that other countries are applying which affecting Vietnam's goods export policy. On that basis, proposing some solutions and tasks of Vietnam in the coming time to be able to fulfill the targets of goods export and implement extensive integration policies. Keywords: trade protectionism; solutions of Vietnam 1. Mở đầu Thành công của Việt Nam trong thời gian qua là đã đàm phán và ký kết được số lượng khá nhiều các FTA, đặc biệt việc gia nhập CPTTP và EVFTA được coi là thành công lớn của Việt Nam, mở ra cơ hội tăng thêm GDP rất lớn bằng cách xâm nhập vào thị trường rộng lớn với nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng ta cũng đang phải đối mặt với làn sóng bảo hộ thương mại cả công khai và bán công khai bằng 159
- nhiều hình thức khác nhau của các quốc gia phát triển. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải nhanh chóng thích nghi và tìm ra hướng đi hợp lý để có thể khắc phục được khó khăn và nắm lấy cơ hội. Để làm được điều này ngoài nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ và cơ quan liên ngành phối hợp để xây dựng các chiến lược kinh tế nhanh chóng và hợp lý còn cần phải sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, sự cải cách thể chế, pháp luật và nhiều giải pháp đồng bộ được thực thi để đạt được hiệu quả tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng. 2. Tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu Nội dung về bảo hộ thương mại rất được quan tâm hiện nay khi chúng ta đang tăng cường các chính sách hội nhập qua việc đã ký kết thành công nhiều hiệp định FTA thế hệ mới nhưng cũng đang đối mặt với làn sóng bảo hộ thương mại tại nhiều thị trường lớn của Việt Nam. Đã có nhiều công trình của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý, của nhiều cơ quan quản lý về thương mại nghiên cứu về vấn đề này. Về bài viết trên các tạp chí chuyên ngành có thể kể đến như là:” Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam” của Lê Quang Thuận, Nguyễn Thị Phương Thúy. Bài viết phân tích về xu hướng, tác động của bảo hộ thương mại và đề xuất một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc vượt qua thách thức của bảo hộ thương mại; bài viết “Xu hướng mới trong bảo hộ thương mại trên thế giới và những khuyến nghị đối với Việt Nam” của các tác giả Ngô Tuấn Anh, Nguyễn Cẩm Tú, Ngô Anh Thái đăng trên Tạp chí Tài chính nhằm phân tích ảnh hưởng của bảo hộ thương mại và một số kiến nghị đối với nước ta Đề tài cấp Bộ có:“Ảnh hưởng của một số hiện tượng bảo hộ thương mại nổi bật trong thời gian gần đây và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” (Bộ Công thương, năm 2018). Đã có những hội thảo được tổ chức như “Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế tốt nhất trong phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại” do Bộ Tài chính, Bộ Công thương và USAID Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, nghiên cứu các vấn đề tồn tại liên quan đến đấu tranh chống lại các hành vi gian lận và lẩn tránh biện pháp bảo hộ thương mại. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cũng tổ chức các hội thảo có liên quan như hội thảo “Thương mại quốc tế - Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”, do Trường Đại học Hải Phòng và Đại học Thương mại tổ chức; “Tác động của xu hướng bảo hộ thương mại đến nền kinh tế Việt Nam”, do Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) tổ chức; “Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới - Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” do Học viện Ngân hàng, Khoa Kinh doanh Quốc tế tổ chức Đồng thời nhiều hội thảo với các nội dung có liên quan cũng sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Điều đó cho thấy nội dung về bảo hộ thương mại là nội dung nghiên cứu cấp thiết rất cần sự phân tích, đánh giá, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp của những người nghiên cứu, quản lý về kinh tế. Những công trình nghiên cứu này là tư liệu tham khảo được tác giả sử dụng cho bài viết của mình. Trên cơ sở đó tác giả tập trung vào nội dung nghiên cứu bao gồm: - Phân tích khái quát về bảo hộ thương mại, những tác động tích cực và tiêu cực khi các quốc gia áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại; - Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, những thành công và hạn chế; các biện pháp nhằm bảo hộ thương mại cho thị trường trong nước của một số nước trên thế giới hiện nay gây trở ngại cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam; 160
- - Một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới. Cơ sở lý thuyết là học thuyết chủ nghĩa trọng thương, lý thuyết lợi thế tuyệt đối của A.Smith. Phương pháp nghiên cứu xuyên suốt toàn bộ nội dung bài viết là phương pháp luận biện chứng duy vật, trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, kiểm chứng lý luận trong thực tiễn nhằm phân tích, bàn luận những vấn đề lý luận, thực trạng, hạn chế, bất cập để đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn. Những phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp (sưu tầm tài liệu, số liệu, nghiên cứu chính sách) phân tích, bàn luận, tổng hợp, đánh giá được tác giả sử dụng trong bài viết của mình. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Khái quát về bảo hộ thương mại và tác động của bảo hộ đối với các quốc gia 3.1.1. Khái quát về bảo hộ thương mại Bảo hộ thương mại hay còn gọi là bảo hộ mậu dịch là thuật ngữ kinh tế học, là việc thực hiện các chính sách đóng cửa thanh toán nội địa, danh mục hàng hóa hạn chế xuất nhập khẩu được thể hiện qua biện pháp tác động của Nhà nước vào lĩnh vực thương mại bằng các hình thức như nâng cao một số tiêu chuẩn thuộc các lĩnh vực như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ hay việc áp đặt thuế xuất nhập khẩu cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu nào đó để bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước mà mình có lợi thế nhằm hạn chế nhập khẩu. Trái với bảo hộ thương mại, tự do thương mại là việc các nước trong hệ thống đa phương tự nguyện loại bỏ hoặc giảm bớt các hạn chế hoặc rào cản về sự phân biệt đối xử với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây được coi là hai hình thức đối nghịch nhau trong các chính sách thương mại của các quốc gia. Trong đó mỗi chính sách đều có những mục đích khác nhau. Mục đích thực hiện nguyên tắc thương mại tự do nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Ngược lại, chính sách bảo hộ thương mại được áp dụng khi các quốc gia có nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thấp, nhà nước đang cần thi hành chính sách bảo vệ nền kinh tế và nền sản xuất trong nước phát triển ổn định; các ngành chưa có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và thị trường thế giới nên cần có sự trợ giúp của Nhà nước để có thêm thời gian hoặc có điều kiện tăng năng lực cạnh tranh. Trong thời gian qua, với chính sách mở cửa và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước chúng ta đã xác định về mục tiêu của hội nhập quốc tế tại Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Chủ trương của Việt Nam là lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế. Trên cơ sở đường lối chỉ đạo đó, đến thời điểm hiện nay (tháng 2/2020) Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi và 161
- đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). 12 FTA đã có hiệu lực thực thi (AFTA, AJCEP, VJEPA, AIFTA, AANZFTA, VCFTA, VKFTA, VN - EAEU FTA, CPTPP, AHKFTA); ký thông qua nhưng chưa có hiệu lực là EVFTA, đang đàm phán 3 FTA (RCEP, Việt Nam - EFTA FTA, Việt Nam - Israel FTA) [Trung tâm WTO và Hội nhập, 2020]. Độ mở cửa của Việt Nam trong các FTA đang ở mức rất cao, đặc biệt là 2 FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam với EU (EVFTA). FTA trong khuôn khổ ASEAN cam kết cắt giảm 98% số dòng thuế, CPTPP cắt giảm 100% dòng thuế và EVFTA 99% số dòng thuế. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, cà phê, dệt may được dự kiến xóa bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 7 năm hay sau 4 năm thực thi. Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây làn sóng chống toàn cầu hóa có xu hướng gia tăng do có sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các quốc gia; sự phân hóa quyền lợi trong nội bộ các quốc gia. Nhằm gia tăng lợi ích của quốc gia mình một số nước hiện đang thực hiện chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp dịch chuyển trở về nước. Nhiều chính phủ mặc dù đối ngoại thì tuyên bố ủng hộ tự do hóa thương mại, lên án chủ nghĩa bảo hộ nhưng trên thực tế lại hành động ngược lại. Trào lưu chủ nghĩa bảo hộ hiện nay được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có 3 hình thức bảo hộ thương mại thường được áp dụng là thuế chống bán phá giá, áp dụng thuế chống trợ cấp, biện pháp thuế quan tự vệ. Ngoài ra còn nhiều những biện pháp phi thuế quan khác được các nước áp dụng như hạn ngạch nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính, tăng các hạn chế định lượng, thắt chặt các thủ tục hải quan, trợ cấp phí xuất khẩu hay các rào cản kỹ thuật. Việc Anh rời khỏi EU và Mỹ rút khỏi TTP để ký kết các hiệp ước song phương thay vì đa phương là minh chứng cho xu thế bảo hộ thương mại. Xung đột thương mại của Mỹ và Trung Quốc với việc áp thuế các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ và sự trả đũa của Trung Quốc được coi như đỉnh điểm của vấn đề bảo hộ thương mại như một trào lưu ngày càng mở rộng. 3.1.2. Tác động của bảo hộ thương mại đối với các quốc gia Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng bảo hộ thương mại là con dao hai lưỡi. Nó là vấn đề cần đặc biệt quan tâm và sự tác động của nó tới các quốc gia được đánh giá cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực: - Bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ thị trường trong nước: Việc hạn chế hàng hóa từ nước ngoài vào thị trường trong nước bằng các rào cản thị trường sẽ là một biện pháp bảo vệ cho sản xuất hàng hóa trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp còn non trẻ và chưa có năng lực cạnh tranh lớn. Đối với các nước có nền sản xuất đang phát triển, các doanh nghiệp sẽ có thị trường và khách hàng nội địa để có thể sản xuất hàng hóa với số lượng lớn, có thể thực hiện từng bước nâng cao, đổi mới hình thức mẫu mã chất lượng để dần dần khẳng định được vị trí chỗ đứng của mình và dần chiếm được thị phần mà trong bị sức ép quá lớn từ hàng hóa nhập khẩu với chất lượng và giá cả hơn hẳn. Từ việc sản xuất gia tăng dẫn tới doanh nghiệp sẽ có khả năng mở rộng thị trường, sử dụng thêm nhiều lao động và là nguyên nhân dẫn tới giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao đời sống của người lao động. 162
- - Áp dụng bảo hộ thương mại hợp lý góp phần cân bằng thị trường: thường công cụ phòng vệ được đưa ra khi quốc gia cân nhắc đến việc bảo vệ cho ba chủ thể tham gia vào thị trường kinh doanh, bao gồm: DN sản xuất trong nước, DN xuất khẩu nước ngoài và lợi ích của người tiêu dùng. Trong đó nếu áp dụng một mức thuế tự vệ hợp lý thì sẽ chặn đứng được hành vi bán phá giá của DN nhập khẩu nước ngoài, giúp DN trong nước có một khung giá vừa phải không bị chèn ép của hàng nhập khẩu nhưng lại không bị quá ỷ lại vào sự bao cấp, bao tiêu của nhà nước, buộc phải đổi mới quản trị, quản lý để nhằm có được những bước đột phá tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường biện pháp quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Người tiêu dùng có khả năng lựa chọn sản phẩm với giá cả hợp lý, chất lượng cạnh tranh và không bị chèn ép bởi các hành vi thống lĩnh thị trường của các DN trong nước. Vì vậy, lợi ích to lớn của bảo hộ thương mại không phải là bảo vệ DN trong nước mà chính là tạo sự công bằng trong một môi trường có sự cạnh tranh hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, nếu bản thân sản xuất trong nước không tự lực cánh sinh thì sẽ dẫn đến sự lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ nước ngoài và dẫn tới tình trạng ngày hôm nay có thể được hưởng mức giá hàng hóa rẻ nhưng ngày mai có thể phải chấp nhận một giá nhập khẩu rất đắt. - Bảo hộ mậu dịch có ý nghĩa đối với việc giữ dìn và bảo vệ văn hóa và truyền thống dân tộc: Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng lâu đời được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Những giá trị văn hóa đó được thể hiện và giữ lại, cách điệu và thể hiện trong nhiều sản phẩm hàng hóa được các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Những yếu tố văn hóa đó sẽ dần mất đi khi người tiêu dùng sử dụng nhiều các mặt hàng nhập khẩu. Ngoài ra, bảo hộ thương mại cũng có thể là yếu tố để tăng nguồn thu của quốc gia thông qua các loại thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa. Về mặt tiêu cực: Mặc dù chính sách bảo hộ mậu dịch có những tác động tích cực nhất định đối với nền kinh tế, nhưng khi tính toán trên góc độ kinh tế thì những lợi ích mà chính sách bảo hộ mậu dịch mang lại được ít hơn thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội. Những tác động tiêu cực của chính sách bảo hộ mậu dịch có thể kể đến như là: - Ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng: Đối với các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, người tiêu dùng không có điều kiện để lựa chọn hàng hóa chất lượng cao và giá thành cạnh tranh như ở các nước theo đuổi thương mại tự do và ngay cả các nhà sản xuất cũng không có động lực để áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu khiến giá cả hàng hóa trong nước trở nên đắt đỏ và người tiêu dùng bị hạn chế khả năng được lựa chọn hàng hóa. Từ đó, có thể hạn chế sức mua của dân chúng. - Ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong nước: Áp dụng chính sách bảo hộ thương mại không hợp lý sẽ dẫn tới các doanh nghiệp ỷ lại vào sự bảo hộ của nhà nước mà không có động lực đầu tư khoa học công nghệ, máy móc hiện đại để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp có thể vẫn tồn tại và bán được hàng hóa của mình nhưng đó là những hàng hóa kém chất lượng. Về lâu dài sẽ kéo theo cả một 163
- nền kinh tế trì trệ, lạc hậu và kém phát triển. Đồng thời có thể dẫn tới sự độc quyền và lạm dụng độc quyền không phải xuất phát từ yếu tố ngành nghề lĩnh vực đòi hỏi đầu tư vốn và công nghệ hiện đại làm hạn chế khả năng đầu tư mà do sự vận động chính trị của những thế lực có quyền lực đặc biệt. Nhiều quốc gia có lợi thế sản xuất một số hàng hóa không tiếp cận được nơi không có lợi thế sản xuất dẫn tới tình trạng nơi thì dư thừa hàng hóa nơi lại không đủ nguồn cung cấp gây nên sự lãng phí các nguồn lực. - Khi các doanh nghiệp được bảo hộ sẽ làm cho thị trường thế giới bị chia cắt manh mún, môi trường thương mại trở nên kém thuận lợi. Thay vì mỗi quốc gia có thể tập trung vào lợi thế của mình để mở rộng thị trường cung cấp một số sản phẩm hàng hóa cho nhiều quốc gia khác nhau thì các rào cản của bảo hộ thương mại khiến cho ngoài việc các quốc gia không phát huy được lợi thế của mình còn phải phân bố nguồn lực cho việc sản xuất các mặt hàng mình không có lợi thế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Từ đó dẫn tới tình trạng lãng phí tài nguyên và lãng phí tài chính không cần thiết. Nền kinh tế các quốc gia cũng không thể phát triển mạnh mẽ được vì không phát huy được lợi thế của mình. Việc gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại của các quốc gia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa của các nước, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như Chính phủ của các nước phải có những biện pháp và chiến lược chủ động vượt qua rào cản của các biện pháp phòng vệ thương mại tại các nước. 3.2. Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và các biện pháp bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 3.2.1. Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam Theo mục tiêu chỉ đạo được đặt tại Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quyết định Phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 thì đối với hoạt động xuất khẩu, định hướng đối với mặt hàng xuất khẩu Việt Nam là: - Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: đây được đánh giá là nhóm hàng chúng ta có lợi thế về tài nguyên nhưng tài nguyên đó không phải là vô tận để khai thác nên cần định hướng giảm dần xuất khẩu thô để chuyển sang tăng về xuất khẩu sản phẩm chế biến. Theo đó định hướng xuất khẩu giảm dần (tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020) - Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp nên cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 21,2% năm 2010 xuống còn 13,5% vào năm 2020. - Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo: đây là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu nên cần được chú trọng đẩy mạnh theo hướng phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 40,1% năm 2010 tăng lên 62,9% vào năm 2020. 164
- - Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hóa khác): Rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 12% năm 2010 tăng lên 19,2% vào năm 2020. Đối với thị trường xuất khẩu, chúng ta phát triển định hướng về cơ cấu thị trường đến năm 2020: châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 46%, châu Âu khoảng 20%, châu Mỹ khoảng 25%, châu Đại Dương khoảng 4% và châu Phi khoảng 5%. Như vậy thị trường chúng ta hướng đến và phát triển vẫn là Châu Á (với các thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ), Châu Âu (với các thị trường lớn như Hà Lan, Đức, Anh, ) Châu Mỹ (Mỹ, Canada, Mehico, ) Thực hiện mục tiêu đặt ra, Việt Nam hiện đang có những thành công nhất định trong xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực. Theo thống kê của WTO, nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ 50 thì đến năm 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu. Theo số ước của liên Bộ, tính đến hết tháng 7 năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (7 tháng năm 2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội là tăng trưởng xuất khẩu từ 7%-8% trong năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,66 tỷ USD, tăng 8,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,12 tỷ USD, tăng 4,7%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 12,92 tỷ USD, tăng 5,6%. Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt. Canada tăng 32,9% (đạt 1,83 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 21,9%, túi xách, vali mũ ô dù tăng 16,5%. Mexico tăng 23,43% (đạt 1,31 tỷ USD), trong đó, thủy sản tăng 21,28%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,8%, dệt may tăng 24,63%, giày dép tăng 11,17%. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 27,51 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Những mặt hàng chủ lực đều tăng cao như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 32,2% (đạt 2,25 tỷ USD); dệt may tăng 10,1% (đạt 7,03 tỷ USD); giày dép tăng 15,3% (đạt 3,18 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 77,1% (đạt 2,3 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 81,9% (đạt 4,18 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 52% (đạt 2,07 tỷ USD). [Báo cáo xuất khẩu tháng 7-2019]. Về việc duy trì xuất siêu, Việt Nam đã đạt xuất siêu trong 6 năm kể từ năm 2012, chỉ duy nhất năm 2015 có cán cân thương mại thâm hụt. Nhìn chung, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu về xuất khẩu như: hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng (nếu năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì đến năm 2019 là 32 mặt hàng); thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng 165
- cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA; xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt; cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD)[Bộ Công thương, 2019] Bên cạnh những thuận lợi đã có thì vấn đề xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt cũng đang đối mặt với những khó khăn và thách thức như: sự cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm ngày càng khốc liệt giữa các nước xuất khẩu; sự đa dạng về mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, một số mặt hàng chỉ mới “đóng đinh” vào một vài thị trường cố định nên khi có sự biến động, hạn chế của thị trường nhập khẩu đó sẽ gây tác động rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất về đầu ra của sản phẩm; việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế; sự phụ thuộc lớn về nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc; khả năng tài chính để tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm khách hàng và mở rộng cơ hội kinh doanh ra thị trường nước ngoài của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn bị hạn chế vì vậy thị trường xuất khẩu chưa đa dạng (Ví dụ như ở thị trường Châu Mỹ, nếu tính riêng thị trường châu Mỹ, Mỹ chiếm gần 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu lục này); hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né tránh thuế đang là vấn đề cần quan tâm; tình hình thế giới luôn có những biến động khó lường, làn sóng bảo hộ thương mại gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp dù rất tích cực và chủ động vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Việc xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng càng nhiều thì sự đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại càng tăng như là tất yếu cần được giải quyết. 3.2.2. Các biện pháp phòng vệ thương mại của một số thị trường lớn ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu của Việt Nam Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính hết năm 2018, đã có 144 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (trong đó, năm 2018 có 19 vụ việc mới được khởi xướng). Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (27 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ việc), Ấn Độ (17 vụ việc) và EU (14 vụ việc). Trong số 144 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, có 81 vụ việc về chống bán phá giá, 30 vụ việc tự vệ có liên quan đến hàng hóa Việt Nam, 14 vụ việc trợ cấp và 19 vụ việc chống lẩn tránh thuế. Như vậy, nếu như năm 2017 chỉ có 13 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng, thì năm 2018 đã tăng lên 19 vụ việc (trong đó có 6 vụ việc chống bán phá giá, 7 vụ việc tự vệ, 4 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc chống lẩn tránh thuế), tăng thêm xấp xỉ 50%. [Thế Hoàng, 2019]. Trong thời gian gần đây Việt Nam đã bị Mỹ điều tra PVTM chống bán phá giá 14 vụ, trong đó 13 vụ bị kiện đồng thời với kiện Trung Quốc. Ngoài ra còn có 6/6 vụ việc điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được áp dụng đồng thời đối với hàng hóa của Trung Quốc.[Quốc Cường, 2019]. Đây là vấn đề đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức cần được quan tâm và có giải pháp khắc phục. Để hạn chế và kiểm soát hàng nhập khẩu vào thị trường nội địa, các quốc gia sẽ ban hành các biện pháp như một rào cản mà hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng được mới có thể 166
- vượt qua. Rào cản thương mại thường được thể hiện dưới các hình thức: công cụ thuế quan và công cụ phi thuế quan. Công cụ thuế quan là biện pháp áp đặt thuế đối với mỗi đơn vị hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào mỗi quốc gia. Thuế nhập khẩu là loại thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia. Công cụ này là loại rào cản khá phổ biến trong thương mại quốc tế giai đoạn trước. Hiện nay, thông qua việc cùng nhau đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), các nước đang dần loại bỏ thuế nhập khẩu cho đối tác có FTA đối với phần lớn các loại hàng hóa. Nhưng khi làn sóng bảo hộ thương mại đang ngày càng gia tăng, với mục đích các nước quay về với việc bảo vệ thị trường trong nước, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đa dạng. Cụ thể như là: - Biện pháp chống bán phá giá được xem là một biện pháp nhằm đối phó với các hành vi bán sản phẩm với giá thấp của các nước xuất khẩu so với giá hàng hóa trên thị trường nội địa. Để bảo vệ cho sự công bằng của hoạt động thương mại, các nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp như tăng thuế quan nhập khẩu đối với những hàng hoá đã xác định là bán phá giá. Mức thuế quan được xác định dựa trên kết quả xác định mức phá giá, gọi là thuế chống bán phá giá. - Biện pháp chống trợ cấp là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu. Khi nước nhập khẩu chứng minh là lượng hàng hoá vào thị trường của họ tăng nhanh do được trợ cấp từ nước xuất khẩu, việc áp đặt một mức thuế đủ để làm mất sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu, giúp loại bỏ đối thủ cạnh tranh quá mạnh đối với các nhà sản xuất kinh doanh trong nước sẽ được áp dụng. - Biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp tự vệ có thể áp dụng dưới nhiều hình thức như: hạn ngạch, thuế nhập khẩu phụ thu trong đó phổ biến là thuế nhập khẩu. Lý do áp dụng biện pháp này không vì cạnh tranh công bằng như hai biện pháp trên mà vì cần bảo vệ doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh quá yếu của nước sở tại. Từ trước đến nay, biện pháp bảo hộ thương mại mà các quốc gia nhập khẩu áp dụng chủ yếu là biện pháp chống bán phá sản. Số lượng biện pháp tự vệ và biện pháp chống trợ cấp là rất thấp so với số lượng các vụ việc chống bán phá giá. Tuy nhiên, xu hướng điều tra áp dụng các biện pháp tự vệ trong 09 tháng đầu năm năm 2019 đã có sự thay đổi rõ nét. Số lượng các vụ việc tự vệ có sự gia tăng so với các năm trước đó. Trong vòng 9 tháng, các nước Thành viên WTO đã tiến hành khởi xướng điều tra tổng cộng 27 vụ việc tự vệ. Đây là số lượng vụ việc cao nhất trong 15 năm trở lại đây và với xu hướng hiện tại, số lượng vụ việc có thể vượt ngưỡng vụ việc tự vệ cao nhất đã từng đạt được vào năm 2002 (34 vụ). Số liệu vụ việc các biện pháp phòng vệ thương mại do nguồn WTO thống kê có thể minh chứng cho điều này. 167
- Nguồn : Thống kê của WTO Ngoài ba biện pháp chủ yếu đó thì hiện nay còn rất nhiều biện pháp phi thuế quan mà các nước nhập khẩu dựng lên qua việc thông qua các văn bản luật, nghị định, thông tư, quyết định của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ nay chính quyền địa phương quy định về các biện pháp vệ sinh an toàn thực thẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp phòng vệ thương mại (TR - bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ), và các biện pháp hạn chế định lượng xuất nhập khẩu (như cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu) Có thể nói, hiện xu hướng bảo hộ hàng hóa trong nước ở các quốc gia nhập khẩu đã có nhiều sự thay đổi lớn theo chiều hướng, thay vì áp dụng những biện pháp bảo hộ mang tính lộ liễu như áp đặt lệnh cấm, hạn chế số lượng hoặc áp đặt thuế suất nhập khẩu cao, nhiều nước đã sử dụng các biện pháp bảo hộ được lồng vào những lý do chính đáng như bảo vệ những ngành sản xuất trong nước trước những hành động thương mại không lành mạnh, bảo vệ sức khỏe con người, kiểm soát chất lượng, môi trường, quy định về an toàn thực phẩm, điều kiện lao động, kiểm soát dịch bệnh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, ghi nhãn hàng hóa, v.v Ví dụ như hàng hóa thuộc mặt hàng thực phẩm muốn nhập khẩu vào Nhật Bản đều phải đảm bảo dư lượng hóa chất nông nghiệp tối đa (MRLs) cho phép. Thực phẩm bị phát hiện vượt quá mức MRLs trong danh sách xác nhận được coi là vi phạm Luật Vệ sinh Thực phẩm và bị từ chối tại cảng. Một hành vi vi phạm có thể dẫn đến việc tăng cường giám sát (khoảng 30%) tất cả các hoạt động nhập khẩu của cùng loại hàng hóa từ quốc gia đó. Sau hai lần vi phạm vượt mức MRLs cụ thể, sản phẩm đó có thể phải theo lệnh yêu cầu giám định rất tốn kém, bị giữ lại và bị kiểm tra 100% , do đó sẽ bị trì hoãn kéo dài tại cảng. Để trở về tình trạng giám sát bình thường sau một hành vi vi phạm, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi yêu cầu phải có hồ sơ 60 lần kiểm tra đạt kết quả sạch hoặc một năm không có hành vi vi phạm. Sau nhiều lần vi phạm, sẽ yêu cầu phải có 300 hồ sơ kiểm tra sạch và 2 năm không có hành vi vi phạm trước khi được loại bỏ lệnh yêu cầu giám định (100% bị giữ lại và kiểm tra). Đối với việc hàng hóa không có MRLs chính thức hoặc tạm thời, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã thiết lập giới hạn chung về dung sai cho phép tối đa là 0,01ppm với hầu hết các loại hóa chất[trungtamwto]. 168
- Theo thống kê của WTO về số lượng các biện pháp phi thuế được sử dụng bởi các quốc gia ở các nhóm nước và khu vực cho thấy châu Á là khu vực đứng đầu về việc sử dụng biện pháp phi thuế trong chính sách thương mại của mình, trong đó những biện pháp được các nước khu vực này sử dụng nhiều nhất là biện pháp vệ sinh dịch tễ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp chống bán phá giá, biện pháp hạn chế số lượng; trong khi EU là khu vực đứng đầu về việc sử dụng hạn ngạch thuế quan; Bắc Mỹ là khu vực đứng đầu về việc sử dụng các biện pháp đối kháng. Chẳng hạn theo UNCTAD, có đến 89% mặt hàng và 91% giá trị hàng nhập khẩu vào Trung Quốc chịu ảnh hưởng của các rào cản phi thuế, trong đó đáng kể là rào cản kỹ thuật. Trung Quốc sử dụng rào cản phi thuế khá đồng đều đối với các nhóm mặt hàng nông sản và phi nông sản. Đối với thị trường châu Mỹ, tính đến hết năm 2018, Mỹ đang có 3.041 biện pháp SPS, 1.631 biện pháp TBT, 393 biện pháp AD, 131 biện pháp CV, 496 biện pháp tự vệ đặc biệt, 59 biện pháp hạn chế số lượng và 52 biện pháp hạn ngạch thuế quan. EU có 707 biện pháp SPS (trong đó có 153 biện pháp đang còn hiệu lực), 1.248 biện pháp TBT (trong đó có 151 biện pháp còn hiệu lực), 131 biện pháp AD và 19 biện pháp CV. Ngoài ra, EU vẫn đang duy trì 18 biện pháp hạn chế số lượng và 87 biện pháp hạn ngạch thuế quan trong chính sách thương mại quốc tế của mình[wto.org]. Đây là những thị trường lớn của Việt Nam và việc các thị trường lớn này áp dụng mạnh mẽ các biện pháp phòng vệ thương mại đã ảnh hưởng rất lớn cho việc xâm nhập của hàng hóa Việt Nam vào thị trường tại các nước này. Bên cạnh đó, các nước cũng đẩy mạnh việc điều tra các vụ việc lẩn tránh thương mại là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm. 3.3. Những khuyến nghị nhằm thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trước xu hướng bảo hộ thương mại 3.3.1. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp chủ động trước xu hướng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu Ngày 01/3/2020 Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững. Đây sẽ là đầu mối giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm tình hình, cập nhật những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam; nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại làm kinh nghiệm cho việc xây dựng hệ thống cảnh báo và hướng giải quyết ở Việt Nam; xây dựng mạng lưới các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước; xây dựng chiến lược, sách lược và thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại. Muốn đề án thực hiện có 169
- hiệu quả cần có sự tập trung trí tuệ của các nhà kinh tế, các chuyên gia về kinh tế quốc tế để nghiên cứu và tư vấn cho sự vận hành của hệ thống. Đây được coi là một đầu mối hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nên đội ngũ chuyên trách cần được tập huấn những kiến thức đầy đủ về thương mại quốc tế để hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp. Nhà nước, bằng cách chính sách ngoại giao mềm dẻo cũng cần thực hiện tốt các công việc nhằm khuếch trương các thế mạnh trong nền kinh tế Việt Nam về những loại hàng hóa có giá cả cạnh tranh mà không phá giá, không gian lận thương mại. Tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vi phạm để đảm bảo uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có hành vi lẩn tránh thương mại. Tăng cường quản lý chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại là việc làm cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước cũng như giữ vững hình ảnh, uy tín của hàng xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh thương mại thế giới nhiều biến động như hiện nay Có chiến lược xây dựng và ban hành tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Đối với lĩnh vực công nghiệp, trên cơ sở chiến lược phát triển tổng thể của từng ngành, tập trung đầu tư vào những khâu còn yếu, giảm thiểu khâu sản xuất, gia công. Đặc biệt cần có chính sách đầu tư thỏa đáng nhằm phát triển các ngành nghề sản xuất phụ liệu, không để hiện tượng phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện của các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc. Xây dựng các cụm công nghiệp đồng bộ, các trung tâm nguyên phụ liệu theo hướng chuyên môn hóa. Từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của sản phẩm điện tử, dệt may, da giầy Đối với lĩnh vực nông nghiệp cần điều chỉnh lại quy hoạch, bố trí lại vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu. Có chính sách hỗ trợ, tư vấn trong việc áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến, đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ và giống mới vào sản xuất. Có như vậy thì mới có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh của các thị trường lớn. 3.3.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường xuất khẩu Để đáp ứng được các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường lớn, bản thân các doanh nghiệp cần phải chủ động thực hiện biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với các tiêu chuẩn do các nước nhập khẩu đặt ra. Những công việc mà doanh nghiệp cần phải thực hiện như: đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định cơ hội thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý. Doanh nghiệp nên dành những khoản chi phí lớn cho việc đầu tư các nghiên cứu ứng dụng công nghệ để sản xuất được những sản phẩm đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Muốn tồn tại và phát triển, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực trong việc tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về phòng vệ thương mại để có thể xử lý nhanh chóng các vụ kiện ngay từ ban đầu, nhằm tránh nguy cơ gây tổn thất về thời gian và tiền của. Có như vậy mới là cách bảo vệ quyền lợi của mình một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Cần tăng cường năng lực quản trị kinh doanh và kiến thức pháp lý của người quản lý doanh nghiệp, hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp luật hoặc nghiên cứu pháp luật trước khi đưa ra những quyết sách quan trọng để tránh những vụ kiện tụng vì thiếu hiểu biết. Đối với chiến lược kinh doanh nên thực hiện việc đa dạng các thị trường xuất nhập khẩu và sản phẩm hàng 170
- hóa xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít thị trường dẫn đến không trở tay kịp khi bị áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại. Thực ra, doanh nghiệp không thể phòng tránh hay đối phó được với các biện pháp bảo hộ mà chỉ có cách thức duy nhất đó là thích nghi và tuân thủ. Nếu chúng ta đảm bảo tuân thủ được các biện pháp này thì chúng ta sẽ vượt qua được các rào cản, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật. Vì vậy, các doanh nghiệp phải áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế trong việc sản xuất, nuôi trồng hàng hóa của mình để đảm bảo đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường khó tính ở nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không nên bỏ qua thị trường nội địa để cân đối với sự sụt giảm trong xuất khẩu. 3.3.3. Phát huy vai trò của các Hiệp hội trong việc góp phần thúc đẩy phát triển xuất khẩu Cần nâng cao vai trò của các Hiệp hội trong việc tăng cường hợp tác, đoàn kết, bảo vệ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực kháng kiện. Một thực tế là tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp Việt rất yếu, vì lợi nhuận rất dễ phát sinh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, các Hiệp hội cần phát huy vai trò là đầu mối hỗ trợ và liên kết giữa các doanh nghiệp để có kế hoạch đối phó chung với các vụ kiện. Đồng thời, bằng sức lan tỏa của mình cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước chủ động tìm hiểu, tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại để đảm bảo được sự phát triển bền vững của xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Hiệp hội cũng cần đẩy mạnh các hoạt động tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị thương hiệu của sản phẩm tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Cần tích cực, chủ động triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho các doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế. 4. Kết luận Tóm lại, bảo hộ thương mại của các nước phát triển sẽ là khó khăn và thách thức cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta phải thích ứng và tìm ra hướng đi phù hợp cho nền kinh tế của đất nước trong mỗi thời kỳ và mỗi giai đoạn. Không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện hệ thống pháp luật minh bạch, rõ ràng, khả thi; tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các các cấp ngành từ trung ương tới địa phương; nâng cao năng lực tự thân của các doanh nghiệp kết hợp với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước đó là một trong những giải pháp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Công thương (2019), Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 2. Lê Quang Thuận & Nguyễn Thị Phương Thúy (2018/12/20), Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam, Truy xuất từ gioi-va-kien-nghi-doi-voi-viet-nam-301021.html 171
- 3. WTOCENTRE (2019/12/20), Các biện pháp bảo hộ thương mại trên thế giới gia tăng ở mức kỷ lục, Truy xuất từ ho-thuong-mai-tren-the-gioi-gia-tang-o-muc-ky-luc 4. Thủ tướng Chính phủ (2020/3/01) Quyết định số 316 về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” 5. Phân tích và dự báo thị trường (2019/8/08), Kết quả xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 và dự báo 5 tháng cuối năm. Truy xuất từ nhap-khau-7-thang-dau-nam-2019-va-du-bao-5-thang-cuoi-nam/ 6. Thế Hoàng (2019/5/22), Hàng xuất khẩu Việt Nam dính 144 vụ kiện phòng vệ thương mại. Truy xuất từ phong-ve-thuong-mai-d100730.html 7. Quốc Cường (2019), Mỹ gia tăng kiện phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam. Truy xuất từ viet-nam-413912.html 8. wto.org 172