Bước đầu nhận diện đặc trưng cơ bản của tinh thần kinh doanh

pdf 13 trang Gia Huy 2570
Bạn đang xem tài liệu "Bước đầu nhận diện đặc trưng cơ bản của tinh thần kinh doanh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfbuoc_dau_nhan_dien_dac_trung_co_ban_cua_tinh_than_kinh_doanh.pdf

Nội dung text: Bước đầu nhận diện đặc trưng cơ bản của tinh thần kinh doanh

  1. BƯỚC ĐẦU NHẬN DIỆN ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TINH THẦN KINH DOANH INITIALLY IDENTIFYING THE BASIC CHARACTERISTICS OF ENTREPRENEURSHIP Th.S Phạm Hương Giang Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt Nghiên cứu về doanh nhân, tinh thần kinh doanh là chủ đề nghiên cứu quen thuộc trên thế giới, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau như kinh tế học, xã hội học hay khoa học quản lý và tâm lý học. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn là một chủ đề nghiên cứu còn khá mới. Dựa trên các tài liệu thứ cấp của đề tài Đạo đức Phật giáo và tinh thần kinh doanh của người dân đô thị Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường (mã số Nafosted VIII1.1-2012.05), bài viết sẽ cung cấp các quan điểm khác nhau xung quanh định nghĩa tinh thần kinh doanh và công bố một số kết quả đo lường tinh thần kinh doanh của người dân ở đô thị Việt Nam hiện nay. Từ khóa: tinh thần kinh doanh, nhận diện, Abstract The study of entrepreneurs, entrepreneurship is familiar topics studied in the world, attracting the attention of many researchers from various fields such as economics, sociology and management science and psychology. However, in Viet Nam, this is still a research topic is relatively new. Based on the secondary literature of the subject of Buddhist ethics and entrepreneurial spirit of the people in urban Viet Nam in conditions of market economy (code Nafosted VIII1.1-2012.05), the article will provide different perspectives around defining entrepreneurship and published some of the results of measurement entrepreneurial spirit of people in urban Viet Nam today. Key words: entrepreneurship, NỘI DUNG 1. Đặt vấn đề Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các nhà tư sản dân tộc và khích lệ họ bằng một bức thư đề ngày 13/10/1945 để khẳng định vai trò của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Từ sau Đổi mới cho đến nay, đội ngũ doanh nhân đã có sự phát triển nhanh chóng, vị thế, vai trò của doanh nhân đã được thừa nhận rộng rãi trong xã hội. Mặc dù đến nay chưa có một số liệu chính thức về doanh nhân Việt Nam, song qua sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam được ghi nhận trong các báo cáo thường niên về doanh nghiệp của VCCI cũng phần nào phản ánh được sự phát triển của đội ngũ doanh nhân. Năm 2007 có khoảng 149 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động thì sau 8 năm số lượng doanh nghiệp tăng lên 2,9 lần, ước tính đạt 436 nghìn doanh nghiệp (VCCI, 2016: 22). Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, hai từ “doanh nhân” 483
  2. đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, “nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước” (Điều 51). Bên cạnh đó, “doanh nhân” đã trở thành một giá trị xã hội, nghiên cứu của (VCCI & GEM, 2015) cho thấy có 67,2% người trưởng thành được hỏi có ước muốn trở thành doanh nhân. Nghiên cứu về doanh nhân là chủ đề nghiên cứu quen thuộc trên thế giới, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau như kinh tế học, xã hội học hay khoa học quản lý và tâm lý học. Tinh thần kinh doanh được xem là giá trị cốt lõi của doanh nhân (Nguyễn Viết Lộc, 2011) và là một chủ đề nghiên cứu còn khá mới ở Việt Nam. Dựa trên các tài liệu thứ cấp của đề tài Đạo đức Phật giáo và tinh thần kinh doanh của người dân đô thị Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường (mã số Nafosted VIII1.1- 2012.05), bài viết sẽ cung cấp các quan điểm khác nhau xung quanh định nghĩa tinh thần kinh doanh và công bố một số kết quả đo lường tinh thần kinh doanh của người dân ở đô thị Việt Nam hiện nay. 2. Một số quan điểm về tinh thần kinh doanh 2.1. Định nghĩa tinh thần kinh doanh Tinh thần kinh doanh được dịch từ thuật ngữ Entrepreneurship trong tiếng Anh theo cách dịch của Nguyễn Viết Lộc (2011). Cho đến nay, chưa có sự thống nhất trong cách dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt, entrepreneurship còn được dịch là tinh thần doanh nhân khởi nghiệp (Trịnh Quốc Anh, 2011), tinh thần doanh nhân (Lê Ngọc Thông & Lê Ngọc Cương, 2013) hay tinh thần doanh thương (Mai Hà và các cộng sự, 2015) (dẫn theo Hoàng Thu Hương & Phạm Hương Giang, 2016). Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất Richard Cantillon là người đầu tiên quan tâm đến vai trò của tinh thần kinh doanh (entrepreneurship) từ thế kỷ 18. Tuy nhiên, trải qua hơn 250 năm kể từ khi được Cantillon đề cập đến lần đầu tiên, đến nay chưa có sự thống nhất về định nghĩa tinh thần kinh doanh. Đây vẫn là một khái niệm có nhiều chiều cạnh và mập mờ (Wennekers and Thurik, 1999; Iversen, Jørgensen and Malchow-Møller, 2008). Trên thế giới, định nghĩa tinh thần kinh doanh gắn liền với định nghĩa về doanh nhân, xem doanh nhân là những người đổi mới, sẵn sàng đương đầu với rủi ro và tính bất định, là những người làm chủ, những người lãnh đạo và quản lý. Các nhà kinh tế học chủ yếu tập trung vào chức năng của doanh nhân, điều này được phản ánh khá đầy đủ trong định nghĩa của Wennekers và Thurik: “TTKD là khả năng và sự sẵn sàng rõ rệt của các cá nhân, tự bản thân, trong các nhóm, ở trong và ngoài các tổ chức, nhận thức và sáng tạo ra các cơ hội kinh tế mới (sản phẩm mới, phương pháp sản xuất mới, kế hoạch tổ chức mới và sự kết hợp thị trường sản phẩm mới) và giới thiệu các ý tưởng của họ với thị trường, mặc dù có những rủi ro và những trở ngại khác, bằng việc ra các quyết định dựa trên vị trí, hình thức và sự sử dụng các nguồn lực và các thể chế”(Wennekers & Thurik, 1999: 46- 47). Trong khi đó, từ góc độ xã hội học, B. Berger và các cộng sự đã đề xuất cách hiểu khác nhấn mạnh vào tính giá trị của hoạt động kinh doanh, xem tinh thần kinh doanh là 484
  3. một hoạt động kinh tế có khả năng đem lại những giá trị và sự đổi mới. Mặt khác, Gartner và Peter Drucker cho rằng tinh thần kinh doanh cần phải được nhìn nhận từ quá trình mà những tổ chức mới chính là các doanh nghiệp được thiết lập. Ở Việt Nam, các nghiên cứu tập trung khai thác các khía cạnh gồm có: 1) Doanh nhân và sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, 2) Mối quan hệ giữa văn hóa với doanh nhân, kinh doanh 3) Định nghĩa và các tiêu chí đánh giá tinh thần kinh doanh. Trong đó, doanh nhân được xem là một cộng đồng xã hội gồm những người làm nghề kinh doanh, họ có thể là cá thể sản xuất, buôn bán hoặc kinh doanh dịch vụ, cũng có thể là chủ của một doanh nghiệp có vài ba người hoặc vài ba ngàn người (Đỗ Minh Cương, 2009). Họ chính là nhà đầu tư, là nhà quản lý, là người chèo lái con thuyền doanh nghiệp mà điểm khác biệt của doanh nhân với những người khác là ở chỗ họ là người dám chấp nhận mạo hiểm, rủi ro khi dấn thân vào con đường kinh doanh. Bên cạnh đó, đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mối quan hệ giữa văn hóa và doanh nhân, kinh doanh đã thu hút sự quan tâm của các nhà văn hóa học, xã hội học. Từ góc độ này, các nhà nghiên cứu đã cho thấy những tác động tích cực và không ít rào cản từ văn hóa truyền thống tới sự phát triển kinh tế đất nước (Phạm Duy Đức, 2007; Nguyễn Xuân Kính, 2008; Nguyễn Thị Ngọc Anh, 2010). Những năm gần đây, tiêu chí đánh giá tinh thần kinh doanh bắt đầu được đề cập trực tiếp trong các nghiên cứu của Nguyễn Viết Lộc (2011), Hoàng Thu Hương (2013), Lê Ngọc Thông & Lê Ngọc Cương (2013), Tinh thần kinh doanh được xem là “những giá trị cốt lõi thuộc về tố chất, năng lực và phẩm chất đạo đức mà doanh nhân có và theo đuổi” (Nguyễn Viết Lộc, 2011: 232), hoặc là “sự sẵn sàng và quyết tâm chuyển đổi những ý tưởng sáng tạo thành những hoạt động đổi mới trong hoạt động kinh doanh. Biểu hiện của nó là việc dám chấp nhận rủi ro và dám làm” (Lê Ngọc Thông & Lê Ngọc Cương, 2013:105). Như vậy, tiêu chí xác định tinh thần kinh doanh chính là khả năng dám nghĩ, dám làm, dám hiện thực hóa những ý tưởng mới và đó là những phẩm chất đặc trưng của doanh nhân. Nguyễn Viết Lộc (2011, 2013) cho rằng các yếu tố cốt lõi của tinh thần kinh doanh là cơ sở để phân biệt những người làm nghề kinh doanh với các nhà quản trị hay thương gia, đó là: 1) Nắm bắt cơ hội kinh doanh, sự khởi nghiệp, 2) Thái độ chấp nhận rủi ro, 3) Sáng tạo – đổi mới, và 4) đạt thành quả có tính bền vững. Tương tự như vậy, Nguyễn Hồng Sơn & Phan Chí Anh (2013) nhấn mạnh 3 đặc điểm hành vi của nhà khởi nghiệp như: 1) chấp nhận rủi ro thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, 2) đổi mới và sáng tạo và 3) tạo ra giá trị (tính cho cá nhân và xã hội). Trong khi đó, Lê Ngọc Thông & Lê Ngọc Cương (2013) đề xuất một số các tiêu chí khá khác so với các tác giả trên để đánh giá về tinh thần kinh doanh, bao gồm 1) tha thiết mong đợi được thực hành nghề nghiệp, 2) Có ý tưởng kinh doanh rõ ràng, 3) sẵn sàng và tích cực thực hiện ý tưởng kinh doanh, 4) mong muốn và nhanh chóng thành lập công ty riêng, 5) có khả năng tạo vốn, tìm vốn kinh doanh, 6) sẵn sàng và có khả năng vượt qua các rào cản trong quá trình thành lập công ty, 7) có khả năng và hứng thú tham gia các lớp, các khóa bồi dưỡng tinh thần doanh nhân. Nhìn chung, đặt trong điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, khái niệm doanh nhân Việt Nam có sự khác biệt so với khái niệm doanh nhân trên thế giới. Nếu như các định nghĩa về doanh nhân trên thế giới nhấn mạnh tới một số yếu tố cơ bản của tinh thần 485
  4. kinh doanh đó là sự khởi nghiệp, sự đổi mới, khả năng đương đầu với rủi ro hoặc những điều kiện bất định, năng lực quản lý và điều hành doanh nghiệp thì ở Việt Nam, các tác giả tập trung vào việc xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nhân trong khi đó các tiêu chí đánh giá cũng như đo lường tinh thần kinh doanh vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. 2.2. Đặc trưng cơ bản của tinh thần kinh doanh Qua những quan điểm về tinh thần kinh doanh đã phân tích ở trên, chúng tôi thấy rằng, nói đến tinh thần kinh doanh nghĩa là nói đến sự sáng tạo ra các tổ chức mới, do vậy đề cập tới tinh thần kinh doanh là đề cập tới sự khởi nghiệp. Mặt khác, các nghiên cứu đã công bố đều xem doanh nhân là người đem lại sự đổi mới, kiến tạo giá trị mới cho xã hội (Schumpeter, 1949; Knight, 1942; Gartner, 1989; B. Berger, 1991; Wennekers & Thurik, 1999; Drucker, 2011; Ries, 2011; ) cho nên sự khởi nghiệp gắn liền với tính sáng tạo – đổi mới được xem là một trong những đặc trưng cơ bản của tinh thần kinh doanh. Hơn nữa, quá trình doanh nhân kiến tạo một giá trị mới đồng nghĩa với việc họ đang đầu tư cho một loại sản phẩm mới để đưa ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự đón nhận của thị trường đối với bất kỳ một loại sản phẩm mới nào là điều không thể dự liệu trước. Điều đó có nghĩa là sự khởi nghiệp, sự đổi mới – sáng tạo luôn gắn liền với điều kiện không chắc chắn. Do đó, bên cạnh sự khởi nghiệp gắn liền với tính sáng tạo – đổi mới chính là thái độ đối với những điều kiện không chắc chắn/tính bất định. Nó chính là sự thử thách đối với bản lĩnh của doanh nhân, đặc biệt trong sự biến động, cạnh tranh khốc liệt của thị trường như hiện nay. Theo Hofstede, thái độ tránh bất định tránh những điều kiện không chắc chắn được xem là một trong các chiều cạnh của văn hóa, được hiểu là “mức độ mà cá nhân trong một nền văn hóa cảm thấy bị đe dọa bởi những tình huống mơ hồ và chưa biết trước” (Hofstede 2005: 167, trích theo Wu n.d.). Khung lý thuyết chiều kích văn hóa do Hofstede xây dựng có ảnh hưởng khá nhiều tới các nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quốc gia theo lối nghiên cứu định lượng. Sau này, Yoo và các cộng sự đã phát triển thang đo chiều kích văn hóa ở cấp độ cá nhân. Lý thuyết này gần đây được vận dụng phổ biến hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, Poon và các cộng sự (2012) cho rằng tinh thần kinh doanh cần được xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế của các quốc gia. Đối với các nước phương Tây, định nghĩa tinh thần kinh doanh được phát triển trong bối cảnh nền kinh tế tư bản chủ nghĩa nên chủ yếu nhấn mạnh vào các chiều cạnh như sự đổi mới hay chấp nhận rủi ro/tính không chắc chắn. Trong khi đó ở các quốc gia đang phát triển thì sự phát triển tinh thần kinh doanh liên quan tới tự làm chủ (trích theo Poon và các cộng sự, 2012). Khi so sánh về mức độ của tinh thần kinh doanh ở các quốc gia, nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng tỷ lệ những người tự làm chủ trong lực lượng lao động của một quốc gia làm cơ sở để so sánh về tinh thần kinh doanh (Iversen và các cộng sự, 2008:18). Mặt khác, tự làm chủ là một thang đo được sử dụng rộng rãi nhất về quyền sở hữu kinh doanh và hoạt động khởi nghiệp. Nó được đo lường hàng năm thông qua các cuộc khảo sát về lực lượng lao động (OECD, 2012: 25). Một người tự làm chủ được định nghĩa là cá nhân theo đuổi các cơ hội đầu vào như là một cách tổ chức hoặc kết hợp các phương tiện của sản xuất (Poon và các cộng sự, 2012:311). Do đó, trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu đã công bố về tiêu chí đánh 486
  5. giá tinh thần kinh doanh, chúng tôi tôi xác định đặc trưng cơ bản của tinh thần kinh doanh gồm có: sự khởi nghiệp gắn liền với tính sáng tạo – đổi mới và thái độ đối với những điều kiện không chắc chắn/tính bất định. Đồng thời lựa chọn đối tượng khảo sát chính là nhóm tự làm chủ. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số kết quả nghiên cứu nằm trong khuôn khổ đề tài Nafosted VIII1.1-2012.05. 3. Một số kết quả đo lường tinh thần kinh doanh Phạm vi về nội dung nghiên cứu: Qua tổng hợp và phân tích các tài liệu đã có về TTKD, tiếp cận từ góc độ văn hóa học, xã hội học, trong nghiên cứu về đạo đức Phật giáo và TTKD, chúng tôi nhấn mạnh tới hai đặc trưng của TTKD là sự khởi nghiệp gắn liền với đổi mới và tránh bất định/thái độ tránh những điều kiện không chắc chắn. Ngoài ra, để xem xét mức độ gắn kết với hoạt động kinh doanh trong nhóm tự làm chủ, chúng tôi chú ý tới hai đặc trưng khác đó là cam kết kinh doanh và định hướng kinh doanh. Tóm lại, các biến quan sát đo lường TTKD bao gồm: sự khởi nghiệp, mức độ gắn kết với hoạt động kinh doanh và chỉ số tránh bất định. Các biến quan sát này được đo bằng thang Likert 5 điểm với điểm tăng dần từ 1 đến 5 về mức độ đồng tình với các nhận định trên (1: hoàn toàn không đồng tình, 5: hoàn toàn đồng tình). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ bước đầu phân tích đặc trưng cơ bản về tinh thần kinh doanh trong nhóm doanh nhân theo đạo Phật từ dữ liệu của đề tài Nafosted VIII1.1-2012.05. Đối tượng khảo sát: Mục đích nghiên cứu nhằm chỉ rõ mối quan hệ giữa đạo đức Phật giáo và tinh thần kinh doanh do đó đối tượng khảo sát phải thỏa mãn hai yếu tố: “Phật giáo” và “Tinh thần kinh doanh”. Thứ nhất, đối với yếu tố “Tinh thần kinh doanh”, chúng tôi lựa chọn khảo sát ba nhóm đối tượng gồm có: nhóm tự làm chủ, làm công ăn lương, thanh niên chưa đi làm. Sở dĩ, những người làm công ăn lương được đưa vào khảo sát do tính chất công việc của họ khác biệt hoàn toàn với tính chất công việc của nhóm tự làm chủ. Nếu như nhóm làm công ăn lương thì công việc mang tính chất ổn định, còn nhóm tự làm chủ thường đối diện với rủi ro, bất định trong công việc. Do đó, nhóm làm công ăn lương được lựa chọn để làm căn cứ so sánh với nhóm tự làm chủ. Đồng thời, chúng tôi cũng giả định rằng có sự khác biệt về thái độ tránh rủi ro cũng như động cơ lựa chọn nghề nghiệp giữa hai nhóm này. Trong khi đó, khảo sát đối tượng thanh niên chưa đi làm nhằm đánh giá định hướng việc làm và tiềm năng khởi nghiệp kinh doanh Thứ hai, đối với yếu tố “Phật giáo”, chúng tôi giới hạn việc xác định đối tượng khảo sát của đề tài trong cộng đồng những người theo đạo Phật. Không khảo sát những người theo các tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo, bởi chúng tôi muốn tập trung tìm hiểu sự ảnh hưởng của Phật giáo tới tinh thần kinh doanh. Tuy nhiên, việc xác định tín đồ Phật giáo hiện nay chưa có sự thống nhất nên trong nghiên cứu này chúng tôi đề xuất sử dụng tiêu chí “đi lễ chùa” để lựa chọn đối tượng khảo sát (Hoàng Thu Hương và cộng sự, 2016). Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ tìm trong số những người đi lễ chùa có thỏa mãn các điều kiện của các nhóm đối tượng khảo sát để tiến hành phỏng vấn, cụ thể gồm 3 nhóm: tự làm chủ, làm công ăn lương và thanh niên chưa đi làm. 487
  6. Phương pháp nghiên cứu: Với các biến quan sát được xây dựng để đo lường các khái niệm về định hướng giá trị đạo đức, tinh thần kinh doanh như đã trình bày, chúng tôi sử dụng 3 bộ bảng hỏi dành cho 3 nhóm đối tượng khảo sát (tự làm chủ, làm công ăn lương và chưa có việc làm) để tiến hành đo lường về các đặc trưng tinh thần kinh doanh cũng như định hướng giá trị đạo đức của người dân đô thị Việt Nam, qua khảo sát trường hợp hai trung tâm Phật giáo của cả nước có sự đối lập về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội là thành phố Hà Nội (433 bảng hỏi) và thành phố Huế (252 bảng hỏi). Phần sau đây, chúng tôi sẽ phân tích một số kết quả đo lường tinh thần kinh doanh từ dữ liệu của đề tài Nafosted VIII1.1-2012.05. 3.1 Quyết định khởi nghiệp của doanh nhân Phật tử Theo VCCI (2014) trong năm 2013 ở Việt Nam, cứ 100 người trưởng thành thì chỉ có 4 người thực hiện khởi sự kinh doanh, 12 người đang là chủ sở hữu và quản lý những hoạt động kinh doanh mới, có thời gian hoạt động dưới 3,5 năm và 16 người hiện đang là chủ sở hữu và quản lý các hoạt động kinh doanh đã phát triển được từ 3,5 năm trở lên. Ở các nước cùng trình độ phát triển với Việt Nam, các tỷ lệ này lần lượt là 10, 12 và 14 người. Như vậy Việt Nam hiện đang có tỷ lệ khởi sự kinh doanh rất thấp (VCCI, 2014). Đồng thời, nghiên cứu cũng ghi nhận sự chi phối của giới tính, trình độ học vấn, tuổi đối với ý định khởi sự kinh doanh. Nam giới có ý định khởi nghiệp cao hơn so với nữ giới (25,3% so với 22,9%), trình độ học vấn càng cao càng có xu hướng khởi sự kinh doanh nhiều hơn. Chỉ có 11,4% người có trình độ tiểu học có ý định khởi sự kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở những người có trình độ đại học là 35,3%, trình độ thạc sỹ là 73,9% và trình độ tiến sỹ là 80%.Hơn nữa, tuổi càng cao thì tỷ lệ người có ý định khởi sự càng giảm. Chỉ có 24,2% thanh niên có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới, trong khi tỷ lệ này ở những người trung niên chỉ là 10,7%. Thực trạng tỷ lệ thanh niên có ý định khởi sự kinh doanh cao hơn người trung niên đúng với hầu hết các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến đối tượng thanh niên để xây dựng các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp (VCCI & GEM, 2015). Trong nghiên cứu này, khi khảo sát về động cơ khởi nghiệp của doanh nhân Phật tử kết quả thu được như sau: Bảng 1: Động cơ khởi nghiệp của nhóm tự làm chủ Nhóm tự làm chủ STT Lý do khởi nghiệp Chung Nam Nữ Do hoàn cảnh (nhu cầu cần 1 việc làm, thu nhập, thừa kế gia 56,8% 47,3% 62,1% đình, ) Thấy cơ hội tốt để kinh doanh 2 và thấy có đủ khả năng khởi 30,6% 36,5% 27,3% sự kinh doanh 3 Khác 12,6% 16,2% 10,6% 488
  7. Trong mẫu khảo sát có tới 56,8% doanh nhân tự làm chủ được hỏi khởi nghiệp với các lý do liên quan đến hoàn cảnh như nhu cầu cần việc làm, muốn tăng thu nhập, thừa kế gia đình, điều này thể hiện mạnh mẽ hơn ở nữ giới (62,1%) so với 47,3% ở nam giới, Kết quả này phù hợp với công bố của VCCI & GEM (2015) khi cho rằng người Việt Nam tham gia vào kinh doanh đa phần để tận dụng cơ hội tăng thu nhập. Bên cạnh đó, đối chứng với nhóm Phật tử làm công ăn lương cho thấy nhóm Phật tử tự làm chủ có độ tuổi cao hơn (M=40,2, SD =12,9) so với Phật tử làm công ăn lương (M = 32,3, SD = 10,7), trình độ học vấn thấp (40% doanh nhân Phật tử có trình độ học vấn từ Cao đẳng trở lên) so với 81.1% ở nhóm Phật tử làm công ăn lương, hơn nữa đa số đã lập gia đình (78.4%). Như vậy, có sự khác biệt khá rõ về đặc điểm nhân khẩu giữa nhóm doanh nhân Phật tử tự làm chủ so với Phật tử làm công ăn lương. Do độ tuổi khởi nghiệp cao hơn nên dễ hiểu vì sao sự khởi nghiệp của doanh nhân Phật tử tự làm chủ có liên quan nhiều đến yếu tố hoàn cảnh gia đình, đặc biệt sau khi kết hôn. 3.2 Mức độ gắn kết với hoạt động kinh doanh Đánh giá về thực trạng kinh doanh, GEM sử dụng chỉ báo “ý định khởi sự kinh doanh” đồng thời đo lường việc “từ bỏ kinh doanh” nhằm tìm hiểu tình hình và triển vọng phát triển kinh doanh của người dân. Năm 2013, Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành từ bỏ hoạt động kinh doanh của mình trong vòng 12 tháng là 4,3%, trong đó có 2,5% hoạt động kinh doanh đã phải chấm dứt và 1,8% hoạt động kinh doanh được bán lại cho người khác vẫn tiếp tục hoạt động. Các tỷ lệ này của Việt Nam đều thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước ở cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên, nếu so với tỷ lệ các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu - TEA, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh ở Việt Nam vẫn ở mức khá cao, 27,6%. Điều này có nghĩa là cứ có 100người mới tham gia vào các hoạt động kinh doanh thì có 28 người sẽ khác sẽ từ bỏ kinh doanh. Tương tự, cứ 100 hoạt động kinh doanh mới được khởi sự thì 16 hoạt động kinh doanh khác phải chấm dứt (VCCI, 2014). Trong bất cứ nền kinh tế nào, khởi sự kinh doanh luôn đồng hành cùng với việc từ bỏ kinh doanh. Từ bỏ kinh doanh không chỉ được xem xét dưới khía cạnh tiêu cực mà còn được nhìn nhận ở góc độ tích cực khi mỗi cá nhân khi từ bỏ hoạt động kinh doanh của mình, bằng cách bán hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh lại có thể là những mầm mống cho sự thành công cho xã hội trong tương lai vì họ đã học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm từ những hoạt động kinh doanh trước. Với giả định được đặt ra “nếu kiếm được một công việc lâu dài, ổn định cùng với tính chất công việc và mức thu nhập tương đương thì ông/bà có từ bỏ công việc hiện tại hay không”, kết quả khảo sát cho thấy có 41,7% số người tự làm chủ được hỏi có dự định chuyển đổi việc làm. Điều này cho thấy sự gắn kết với hoạt động kinh doanh của nhóm này còn lỏng lẻo, phù hợp với kết quả thu được ở phần trên về định hướng khởi nghiệp khi có tới hơn 50% số người được hỏi trong nhóm này khởi nghiệp vì lý do hoàn cảnh. Mặc dù, tự làm chủ là những người có sự tự chủ cao về tài chính, phương thức kinh doanh, mục tiêu kinh doanh và các hoạt động kinh doanh khác nhưng vẫn có một số người dự định chuyển đổi công việc và ngược lại một số người xem kinh doanh là sự nghiệp để theo đuổi. Để tìm hiểu rõ hơn điều này, chúng tôi khảo sát một số yếu tố liên quan đến đặc điểm địa bàn khảo 489
  8. sát, đặc điểm cá nhân có tác động đến dự định chuyển đổi nghề nghiệp của nhóm tự làm chủ, kết quả như sau: Bảng 2: Các yếu tố tác động đến dự định chuyển đổi nghề nghiệp của nhóm tự làm chủ Tỷ lệ % Hà Nội (n=191) 41,4 Địa bàn khảo sát Huế (n=97) 42,3 Giới * Nam (n=102) 33,3 Nữ (n=185) 46,5 HN 1 (n=65) 46,2 Hôn nhân HN 2 (n=212) 40,1 HN 3 (n=9) 44,4 35 tuổi (n=155) 40,6 Nhóm tuổi <=35 tuổi (n=131) 43,5 Ghi chú: * p<0,05 HN1: Chưa kết hôn; HN2: Đã kết hôn; HN3: Ly hôn/ly thân/Góa Kiểm định tương quan giữa các biến số đặc điểm cá nhân và địa bàn khảo sát tới dự định chuyển đổi công việc, chúng tôi chỉ ghi nhận sự liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa yếu tố giới tính và dự định chuyển đổi việc làm. Điều đó có nghĩa là tồn tại sự khác biệt về giới trong dự định chuyển đổi việc làm. Nữ giới có nhu cầu chuyển đổi sang công việc tương đương có tính chất ổn định hơn so với nam giới. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu khác khi xem xét sự tác động của yếu tố giới tính tới hoạt động kinh doanh. GEM (2014) cho thấy chỉ số lo sợ thất bại của Việt Nam là 56,7%, trong đó nữ giới có tỷ lệ lo sợ về thất bại trong kinh doanh nhiều hơn nam giới, 60,2% so với 53,7% do đặc tính cẩn thận của nữ giới. Hơn nữa, nó cũng có phần tương đồng với kết quả nghiên cứu của VCCI và ILO (2007)cho rằng dường như sự định kiến với phụ nữ trong kinh doanh cũng là yếu tố góp phần khiến cho phụ nữ ít muốn cam kết với hoạt động kinh doanh hơn so với nam giới. Mặc dù các yếu tố khác như trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nhóm tuổi không ghi nhận sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi xem xét tác động tới cam kết kinh doanh, song sự khác biệt về tỷ lệ cam kết kinh doanh trong mỗi nhóm cũng gợi lên một số điều cần xem xét. Thanh niên và những người chưa kết hôn lại có xu hướng tìm kiếm công việc ổn định hơn công việc kinh doanh có nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Đây là điểm đáng chú ý trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực khuyến khích thúc đẩy sự phát triển tinh thần khởi nghiệp của thanh niên. Nghiên cứu này mới chỉ khảo sát trong nhóm những người theo đạo Phật nên không thể khái quát chung cho thanh niên nhưng cần tiếp tục có những 490
  9. khảo sát so sánh về tinh thần khởi nghiệp của thanh niên trong các nhóm tôn giáo khác nhau, để kiểm chứng sự tác động của yếu tố tôn giáo đến tinh thần khởi nghiệp. Tóm lại, xét về cam kết kinh doanh chúng tôi ghi nhận chỉ có hơn một nửa số tự làm chủ sẵn sàng gắn kết với hoạt động kinh doanh, còn lại khoảng 40% mong muốn chuyển sang công việc có thu nhập tương đương. Điều này có thể dễ hiểu bởi lẽ đặc điểm văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước ưa sự ổn định vẫn tác động không nhỏ tới người dân nói chung và trong nhóm doanh nhân Phật tử tự làm chủ ở Việt Nam, kể cả đối với nhóm thanh niên và nhóm chưa kết hôn trong mẫu khảo sát này nói riêng. Bên cạnh cam kết kinh doanh, mức độ gắn kết với hoạt động kinh doanh còn được đánh giá qua chỉ báo định hướng kinh doanh, kết quả của nghiên cứu cho thấy như sau: Bảng 3: Các yếu tố tác động đến dự định kinh doanh trong 2 năm tới của nhóm tự làm chủ ở khu vực đô thị Duy trì quy mô và mức độ Mở rộng kinh Kế hoạch hoạt động doanh khác hiện tại Giới* Nam (n=104 ) 46,2 42,4 11,5 Nữ (n=92) 59,9 28,6 11,5 ≤ 35 (n=162) 66,0 23,5 10,5 Tuổi > 35 (n=133) 41,4 46,6 12,0 <PTTH (n=49) 81,6 10,2 8,2 PTTH (n=109) 54,1 33,9 11,9 Trình độ Cao đẳng học vấn 52,4 35,7 11,9 (n=42) Đại học (n=82) 43,9 45,1 11,0 Trên ĐH (n=8) 25,0 50,0 25,0 HN 1 (n=65) 44,6 41,5 13,8 Hôn nhân HN 2 (n=221) 57,5 31,2 11,3 HN 3 (n=9) 66,7 33,3 0 Địa bàn Hà Nội (n=197) 45,2 41,6 13,2 Huế (n=100) 74,0 18,0 8,0 Ghi chú: * p< 0,05; p<0,01; < 0,001; MS: Mean Square HN1: Chưa kết hôn; HN2: Đã kết hôn; HN3: Ly hôn/ly thân/Góa Phân tích về dự định kinh doanh cho thấy xu hướng duy trì hoạt động kinh doanh hiện tại rơi vào các nhóm nữ (59,9%), nhóm dưới 35 tuổi (66,0%), trình độ học vấn thấp (chưa tốt nghiệp PTTH 81,6%, tốt nghiệp PTTH 54,1%), nhóm đã kết hôn (57,5%), và nhóm ở địa bàn Huế (74%). Trong đó, chỉ có yếu tố tình trạng hôn nhân không có ý nghĩa thống kê còn lại các mối liên hệ giữa yếu tố giới, độ tuổi, trình độ học vấn, địa bàn khảo sát và dự định kinh doanh của nhóm tự làm chủ đều có ý nghĩa thống kê. Từ đây có thể thấy rằng nam giới, những người có trình độ học vấn cao, những người đã kết hôn và ở thành phố Hà Nội có xu hướng mở rộng kinh doanh hơn. 491
  10. Nhìn chung, xét trong bối cảnh đất nước đang chuyển đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đa số người dân Việt Nam khởi nghiệp vì mục đích tăng thu nhập, tìm kiếm sinh kế. Trong mẫu khảo sát cho thấy phần lớn doanh nhân Phật tử tự làm chủ khởi nghiệp ở độ tuổi gần 40 và đã lập gia đình, trình độ học vấn thấp hơn so với nhóm làm công ăn lương nên khiến cho họ khó có cơ hội có được một việc làm ổn định, hạn chế trong sự cam kết gắn bó với kinh doanh và định hướng phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng khởi nghiệp trong hoàn cảnh nhiều khó khăn nhưng sự khởi nghiệp của họ đã chứng minh họ là những người năng động khi đã tự tạo được việc làm cho mình và góp phần tạo công ăn việc làm cho xã hội. 3.3 Chỉ số tránh bất định (UAI) Tránh bất định là một trong những đặc trưng cơ bản của TTKD, đồng thời cũng là một trong các chiều cạnh văn hóa của cá nhân. Từ những năm 1970, những nghiên cứu văn hóa của Geert Hofstede theo lối định lượng đã có ảnh hưởng tới khá nhiều nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chiều kích văn hóa tới các lĩnh vực hoạt động khác trong đời sống kinh tế xã hội. Trong nghiên cứu này, xem xét chỉ số tránh bất định (UAI) của người dân đô thị thì chỉ số UAI trung bình chung trên mẫu khảo sát là 4,07/5 điểm. Trong đó, nhóm tự làm chủ có chỉ số UAI trung bình cao nhất là 4,15, trong khi đó nhóm chưa đi làm có chỉ số UAI trung bình thấp nhất là 3,88, nhóm làm công ăn lương có chỉ số UAI trung bình là 4,10. Bảng 4: Chỉ số tránh bất định của người dân đô thị UAI n Mean SD Nhóm tự làm chủ 300 4,15 0,82 Nhóm làm công ăn lương 207 4,10 0,79 Nhóm chưa đi làm 171 3,88 0,84 Chung 678 4,07 0,82 Chỉ số UAI hàm ý đến mức độ mà các thành viên của một nền văn hóa cảm thấy bị đe dọa trong các tình huống mập mờ hoặc không quen thuộc (Hofstede, Hofstede and Minkov, 2012). Do vậy, khi chỉ số UAI cao chỉ ra xu hướng của các thành viên mong muốn các quy tắc chính thức, hơn nữa sự không chắc chắn sẽ dẫn đến tâm lý lo lắng nhiều hơn so với chỉ số UAI thấp. Trong mẫu khảo sát, nhóm tự làm chủ bao gồm các thành viên hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực và quy mô khác nhau, với tính chất hoạt động kinh doanh luôn đối diện với rủi ro và bất định. Do vậy, trong kinh doanh buôn bán, thuật ngữ “lòng tin” thường được họ nhắc đến với một tâm lý bất an. Hofstede là người đề xuất đo lường chỉ số tránh bất định, song thang đo do ông phát triển là thang đo các chiều cạnh văn hóa ở cấp độ quốc gia. Sau này, Yoo và các cộng sự (2011) đã phát triển thang đo này ở cấp độ cá nhân gọi là Individual Cultural Values Scale (CVSCALE). Thang đo CVSCALE được đánh giá là thang đo linh hoạt có thể đo lường văn hóa ở bất cứ cấp độ nào, cá nhân, nhóm hoặc quốc gia (Prasongsukarn, 2009; Yoo và các cộng sự, 2011). Cụ thể, thang đo này cũng cho phép các nhà nghiên cứu tính 492
  11. toán được các chỉ số về khoảng cách quyền lực, tránh bất định, tính tập thể, nam tính và định hướng dài hạn. Trên cơ sở thang đo CVSCALE, chúng tôi đã xây dựng những mệnh đề nhằm tìm hiểu chiều cạnh của chỉ số UAI của nhóm tự làm chủ. Kết quả thu được như sau: Bảng 5: Mức độ đồng tình của người dân đô thị với các chiều cạnh của tâm lý tránh bất định Mức độ đồng tình (%) Mean SD 1 2 3 4 5 Tôi cần được cung cấp các hướng dẫn cụ thể đối với mọi việc để tôi 3,97 1,2 5,7 11,0 10,7 25,8 46,8 biết tôi cần phải làm gì Với tôi trong cuộc sống và công việc, việc thực hiện theo sát các 4,17 1,2 4,3 7,4 8,4 27,1 52,8 hướng dẫn và quy trình có ý nghĩa quan trọng Luật lệ và quy định là quan trọng vì chúng cho tôi biết tôi cần phải 4,32 1,0 3,7 5,7 5,7 24,7 60,2 làm gì Theo tôi quy trình làm việc cần 4,27 1,0 3,0 5,4 8,4 28,2 55,0 được chuẩn hóa Mọi quá trình hoạt động trong 4,06 1,2 6,1 7,8 8,4 29,4 48,3 cuộc sống đều cần có hướng dẫn Ghi chú: 1: Hoàn toàn không đồng ý; 2: Có phần không đồng ý; 3: Lưỡng lự; 4: Đồng ý một phần; 5: Hoàn toàn đồng ý Trong số các chiều cạnh của tâm lý tránh bất định, mệnh đề “Luật lệ và quy định là quan trọng vì chúng cho tôi biết tôi cần phải làm gì” nhận được tỷ lệ hoàn toàn đồng tình cao nhất là 60,2%, có phần đồng tình là 24,7%. Tiếp đó là mệnh đề “Theo tôi quy trình làm việc cần được chuẩn hóa" có 55% người trả lời hoàn toàn đồng ý và 28,2% đồng ý một phần. Những mệnh đề được đưa ra phản ánh tâm lý ưa thích quy định, luật lệ, quy trình logic.Có thể thấy trong lĩnh vực kinh doanh thường xuyên đối diện với những rủi ro, bất định cho nên việc ưa thích các quy tắc, luật lệ là điều dễ hiểu. Nghiên cứu GEM (2014) đã cho thấy chỉ số lo sợ thất bại của Việt Nam năm 2013 là 56,7%, được cải thiện hơn trong năm 2014 với tỉ lệ là 50,1%, giảm so với mức 56,7% của năm 2013. Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trong năm 2014 đã giúp dần lấy lại lòng tin của người làm kinh doanh. Lo sợ thất bại là một trong những yếu tố tâm lý quan trọng cản trở sự tham gia vào kinh doanh của các cá nhân. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các doanh nhân nói chung và doanh nhân theo đạo Phật nói riêng ngày càng phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt. Điều này cũng có thể lý giải vì sao họ có xu hướng tìm đến với tôn giáo như một điểm tựa về tinh thần trong hành trình tiến tới thành công. 493
  12. Kết luận Tinh thần kinh doanh là một chủ đề đã được bàn luận khá nhiều trên thế giới và cũng là vấn đề đang thu hút sự thảo luận của các nhà kinh tế học Việt Nam. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế nói chung và tinh thần kinh doanh nói riêng. Phật giáo là một tôn giáo được du nhập vào nước ta ngay từ đầu Công nguyên và cho đến nay đã có sự ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội của người dân Việt Nam. Tuy nhiên để trả lời cho giả thuyết: Phật giáo ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động kinh doanh, đặc biệt sau Đổi mới cho đến nay, khi tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có sự chấn hưng mạnh mẽ là một khoảng trống còn ít được quan tâm nghiên cứu. Tiếp cận từ góc độ nghiên cứu liên ngành: xã hội học tôn giáo, kinh tế học tôn giáo, văn hóa học để khảo sát tại hai trung tâm là Hà Nội và Huế cho phép chúng tôi gợi mở một số vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa đạo đức Phật giáo và Tinh thần kinh doanh của người dân ở đô thị. Bước đầu, nghiên cứu cho thấy đa số nhóm doanh nhân tự làm chủ khởi nghiệp gắn liền với sự thúc đẩy của hoàn cảnh, song hầu hết họ đều nhìn thấy cơ hội cải thiện thu nhập trong hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng ghi nhận sự tác động của các yếu tố gia đình, độ tuổi tới động cơ khởi nghiệp. Ngoài ra, chỉ có hơn một nửa số tự làm chủ sẵn sàng gắn kết với hoạt động kinh doanh, còn lại khoảng 40% mong muốn chuyển sang công việc có thu nhập tương đương. Tuy nhiên, với mẫu khảo sát trong khuôn khổ doanh nhân theo đạo Phật cho nên để khẳng định những yếu tố tác động tới tinh thần kinh doanh cần tiếp tục khai thác các hướng nghiên cứu như: sự tác động của các yếu tố văn hóa đặc biệt là văn hóa truyền thống hay yếu tố tôn giáo tới tinh thần kinh doanh, phân tích thang đo văn hóa ở cấp độ cá nhân từ lý thuyết các chiều cạnh văn hóa của Hofstede và Yoo cùng các cộng sự. Từ đó, đề xuất những giải pháp thúc đẩy sự phát triển tinh thần kinh doanh và “đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo” theo tinh thần của Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị. TÀI LIỆU THAM KHẢO Dương Thị Liễu (2011) ‘Giáo trình Văn hóa Kinh doanh’, Nxb Kinh tế quốc dân, p. 168. Đỗ Minh Cương (2009) ‘Bàn về khái niệm doanh nhân Việt Nam’, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 25, pp. 253–261. Hoàng Thu Hương (2013) ‘Tiếp cận xã hội học về mối quan hệ giữa tôn giáo và tinh thần kinh doanh’, Tạp chí Xã hội học, số 2 (133), 2(122), pp. 16–37. Hoàng Thu Hương & Phạm Hương Giang (2016) ‘Về định nghĩa tinh thần kinh doanh và nghiên cứu tinh thần kinh doanh ở Việt Nam’, Tạp chí Xã hội học, 3 (135), pp. 85–94. Hoàng Thu Hương và cộng sự (2016) ‘Tín đồ Phật giáo Việt Nam: Thực trạng thống kê và đề xuất mới về đo lường’, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, tập 2, số. Hofstede, G., Hofstede, G. J. and Minkov, M. (2012) Văn hóa và Tổ chức: phần mềm tư duy duy - giao lưu giữa các nền văn hóa và tầm quan trọng của nó cho sự sống còn. Edited by Đinh Việt Hòa và Nhóm dịch Pailema. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia. 494
  13. Iversen, J., Jørgensen, R. and Malchow-Møller, N. (2008) ‘Defining and Measuring Entrepreneurship’, Foundations and Trends® in Entrepreneurship, 4(1), pp. 1–63. doi: 10.1561/0300000020. Lê Ngọc Thông and Lê Ngọc Cương (2013) ‘Tinh thần doanh nhân - Từ lý thuyết tới thực tế và các gợi ý với sinh viên Việt Nam’, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 192(II). Nguyễn Viết Lộc (2011) ‘Tinh thần kinh doanh-đặc điểm cốt lõi để xây dựng văn hóa doanh nhân’, in Tạp chí khoa học, ĐHQGHN, Kinh tế và kinh doanh 17. Tạp chí khoa học, ĐHQGHN, Kinh tế và kinh doanh 17, pp. 232–239. OECD (2012) ‘Measuring Women Entrepreneurship’, in Entrepreneurship at a Glance 2012. OECD Publishing. Phùng Xuân Nhạ (chủ biên) (2010) ‘Nhân cách doanh nhân và văn hóa doanh nhân Việt Nam’, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, pp. 1–11. Poon, J. P. H., Thai, D. T. and Naybor, D. (2012) ‘Social capital and female entrepreneurship in rural regions: Evidence from VietNam’, Applied Geography, 35(1– 2), pp. 308–315. doi: 10.1016/j.apgeog.2012.08.002. Prasongsukarn, K. (2009) ‘Validating the cultural value scale (Cvscale): A case study of Thailand’, ABAC Journal, 29(2), pp. 1–13. Thanh Kim Huệ and Hoàng Văn Hoa (2013) ‘Vai trò, vị thế của đội ngũ doanh nhân trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020’, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 190(II), pp. 90–94. Trần Ngọc Thêm (2006) ‘Văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nhân Việt Nam’, in Hội thảo Văn hóa doanh nhân Việt Nam. VCCI (2014) ‘Báo cáo chỉ số kinh doanh Việt Nam năm 2013’, pp. 1–71. VCCI (2016) Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015, NXB Thông tin và Truyền thông. doi: 10.1017/CBO9781107415324.004. VCCI & GEM (2015) ‘Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014’, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 53. doi: 10.1017/CBO9781107415324.004. Wennekers, S. and Thurik, R. (1999) ‘Linking entrepreneurship and economic growth’, Small business economics, 13, pp. 27–55. doi: 10.1007/s11187-009-9233-3. Yoo, B., Donthu, N. and Lenartowicz, T. (2011) ‘Measuring Hofstede’s Five Dimension of Cultural Values at the Individual Level: Development and Validation of CVSCALE’, Journal of International Consumer Marketing, 23, pp. 193–210. 495