Chủ nghĩa bảo hộ thương mại kiểu mới và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Chủ nghĩa bảo hộ thương mại kiểu mới và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- chu_nghia_bao_ho_thuong_mai_kieu_moi_va_giai_phap_thuc_day_x.pdf
Nội dung text: Chủ nghĩa bảo hộ thương mại kiểu mới và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam
- CHỦ NGHĨA BẢO HỘ THƯƠNG MẠI KIỂU MỚI VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU VIỆT NAM NEW PROTECTIONISM AND SOLUTIONS FOR PROMOTING VIETNAM EXPORT PGS,TS. Nguyễn Hoàng Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Trước bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, bảo hộ thương mại kiểu mới xuất hiện thay thế cho các biện pháp bảo hộ truyền thống như thuế quan và hạn ngạch. Các hình thức bảo hộ mới phổ biến được các nước phát triển áp dụng như chống bán phá giá, chống trợ cấp, các hàng rào kĩ thuật Xuất khẩu Việt Nam trong những năm gần đây mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ giảm dần. Mặt khác, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ kiểu mới dẫn tới mất cân bằng trên thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đầu tư sản xuất để đáp ứng với những rào cản thương mại mới này Với sự nỗ lực và các biện pháp kịp thời từ chính phủ, sự phối hợp của các hiệp hội cũng như tinh thần cầu thị, cải tiến kĩ thuật của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là tiền đề giúp Việt Nam ứng phó với các rào cản thương mại kiểu mới, thúc đẩy xuất khẩu Việt ra các thị trường quốc tế. Từ khóa: Bảo hộ thương mại, rào cản, xuất khẩu, giải pháp, Việt Nam. Abstract In the recent context of world economy crisis, new kinds of trade protection emerge by replacing traditional ones. These new protections applied by developed countries include anti-dumping, anti-subsidy, technical barriers Vietnam exports increase in recent years, but at a decreasing rate gradually. On the other hand, the rise of new protections leads to an trade imbalance in the market where exporting firms must change their strategies and productions to meet new trade barriers With efforts and measures made by the governmentand related associations,Vietnam exporting firms will respond to newbarriersin international markets. Keywords: Protectionism, export, export barriers, export solutions, Việt Nam. 1. Mở đầu Trong xu thế hội nhập sâu rộng của nền kinh tế thế giới, tự do hóa thương mại được thúc đẩy thông qua các tổ chức, hiệp hội thương mại khu vực và thế giới (ASEAN, EU, AfCFTA, Mercosur, WTO), và các hiệp định tự do thương mại FTAs, các chính sách bảo hộ thương mại truyền thống như hàng rào thếu quan, hạn ngạch không còn phù hợp với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, từ sau hai cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 1997 và 2008, đã tác động nặng nề đến thương mại quốc tế và nền kinh tế các nước, bảo hộ thương mại bắt đầu được nhiều nước áp dụng lại, đảo ngược xu hướng thương mại tự do gần ba thập kỷ trước, nhưng dưới các hình thức mới dựa trên các rào cản phi thuế 11
- quan(Erixon và Sally, 2010; Gunnella và Quaglietti, 2019). Các loại hình này liên quan đến kỹ thuật, như rào cản kỹ thuật đối với thương mại, bao gồm các tiêu chuẩn hoặc yêu cầu bắt buộc về đặc tính sản phẩm hoặc phương pháp sản xuất liên quan được áp dụng nhiều nhất (chiếm 41% tổng số biện pháp phi thuế quan), tiếp theo là vệ sinh và các biện pháp kiểm dịch thực vật chiếm 35% (UNCTAD, 2019b). Một số biện pháp bảo hộ thương mại kiểu mới khác cũng được các nước phát triển xây dựng để hạn chế xuất khẩu từ các nước đang phát triển như Việt Nam. Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan đạt được những kết quả ấn tượng. Trị giá hàng hóa xuất khẩu năm 2019 đạt 263,451 tỷ USD, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (Tổng cụ Thống kê, 2019). Tuy nhiên, xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chiều sâu cảu các loại hình bảo hộ thương mại kiểu mới, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực cho thế giới và các quốc gia, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi chịu tác động trong bối cảnh đó. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương, tính hết năm 2018, đã có 144 vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các vụ kiện chống bán giá cá tra-basa, tôm, chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với thép cuộn, thép chống ăn mòn do Mỹ khởi xướng; chống trợ cấp dây đồng, ống thép không gỉ do Ấn Độ khởi xướng; biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU khiến Việt Nam gặp khó khăn trên thị trường quốc tế. Mặc dù, Việt Nam đã, đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu, nhưng tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước phát triển ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và đổi mới cơ cấu kinh tế, Việt Nam cần có các giải pháp thích ứng. Trên cơ sở đó, tác giả thực hiện đề tài “Chủ nghĩa bảo hộ thương mại kiểu mới và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam, trên cơ sở dữ liệu thu thập và nhận định của các chuyên gia nhằm đánh giá thực trạng xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây, tác động của bảo hộ thương mại kiểu mới và đưa ra những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động hiện nay. 2. Cơ sở lý luận Bảo hộ thương mại hay bảo hộ mậu dịch (Protectionism) là tổng hợp những chính sách thương mại của Chính phủnhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài trong một ngành cụ thể bằng các biện pháp như tăng giá sản phẩm nhập khẩu, giảm chi phí cho các nhà sản xuất trong nước và hạn chế các nhà sản xuất nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước (Abboushi, 2010). Nguyên nhân do sự khác biệt về điều kiện tái sản xuất giữa các quốc gia, khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không giống nhau hay những ngành doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa thể cạnh tranh được với những ngành doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, nhà nước cần có chính sách bảo vệ nhất định, đưa ra rào cản ra đối 12
- với các hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ để tăng khả năng cạnh tranh, bảo hộ cho nền kinh tế kém phát triển, tạo ra sự đồng đều về điều kiện tái sản xuất. Bảo hộ thương mại trong thời gian ngắn có thể hiệu quả, nhưng nếu kéo dài sẽ làm suy yếu nền kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Không có cạnh tranh, các công ty trong ngành công nghiệp được bảo hộ không có nhu cầu đổi mới và cải tiến. Hệ quả là sản phẩm trong nước sẽ giảm chất lượng và đắt hơn so với sản phẩm ngoại nhập (Amadeo, 2019). 2.1. Bảo hộ thương mại truyền thống Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia thường chỉ làm ra những mặt hàng mà mình có lợi thế so sánh cao nhất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Về bản chất, đó là sự phân công lao động trong dây chuyền sản xuất toàn cầu. Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại tuy là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng do sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các quốc gia, giữa các khu vực, tầng lớp, thành phần xã hội trong mỗi quốc gia đã dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Một số quốc gia thúc đẩy các doanh nghiệp dịch chuyển trở về nước mình nhằm gia tăng lợi ích của quốc gia mình. Nhiều chính phủ tuyên bố ủng hộ tự do hóa thương mại, tôn trọng các nguyên tắc thị trường, phê phán chủ nghĩa bảo hộ nhưng trên thực tế lại hành động ngược lại, kể cả áp dụng biện pháp can thiệp hành chính.Cụ thể, hai loại hình bảo hộ truyền thống cơ bản gồm thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Các biện pháp bảo hộ thương mại truyền thống thường được thực hiện thông qua hoạt động lập pháp hoặc các kênh hành chính có tính minh bạch cao (Gandolfo, 2014). Thuế quan là một khoản tiền mà người chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc quá cảnh phải nộp cho hải quan (cơ quan đại diện cho nước chủ nhà). Kết quả của thuế quan là làm tăng chi phí của việc đưa hàng hóa đến một quốc gia (Nguyễn Hoàng Quy và các cộng sự, 2016). Thuế quan có thể được tính theo giá trị hoặc theo số lượng đơn vị hàng hóa nhập khẩu/ xuất khẩu. Đối với một số lượng nhỏ hàng hóa buôn bán trên thế giới, người ta áp dụng thuế quan hỗn hợp bằng cách kết hợp hai cách tính thuế nói trên. Thuế quan là một công cụ chính sách của Chính phủ được sử dụng nhằm đạt được những mục tiêu nhất định trong quá trình tổ chức quản lý nền kinh tế quốc gia. Theo đối tượng đánh thuế, thuế quan gồm 3 loại: thuế quan xuất khẩu, thuế quan nhập khẩu và thuế quan quá cảnh. Trong đó, thuế quan nhập khẩu là loại thuế có vị trí quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Nếu theo phương pháp đánh thuế, thuế quan gồm các loại: thuế quan tính theo đơn vị vật chất của hàng hóa và thuế quan đánh theo giá trị hàng hóa. Thuế tài chính và thuế bảo hộ là hai loại thuế quan đánh theo giá trị hàng hóa (Nguyễn Hoàng Quy và các cộng sự, 2016). Hạn ngạch là việc hạn chế số lượng đối với một loại hàng hóa xuất và nhập khẩu nào đó thông qua hình thức cấp giấy phép (Gandolfo, 2014). Hạn ngạch cũng có tác dụng giống như thuế, hạn chế tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nếu dùng hạn ngạch Chính phủ sẽ không có nguồn thu như thuế. Trên thực tế, hạn ngạch dễ dẫn đến độc quyền kinh doanh và các tiêu cực trong việc tìm cơ hội để có được hạn ngạch. Hạn ngạch thường được áp dụng trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm) và có thể do nước nhập khẩu hoặc xuất khẩu tự áp đặt một cách đơn phương, nhưng cũng có loại hạn ngạch được áp đặt trên cơ sở tự nguyện của bên thứ hai, loại này được gọi là hạn ngạch xuất khẩu tự nguyện. Hạn 13
- ngạch trong chính sách thương mại quốc tế thường dùng để chỉ hạn ngạch nhập khẩu. Hạn ngạch nhập khẩu là quy định của Chính phủ về số lượng hoặc giá trị một mặt hàng hoặc một nhóm mặt hàng được xuất đi hoặc nhập về từ một thị trường nào đó, trong một thời gian nhất định, thường là một năm (Gandolfo, 2014). Hạn ngạch nhập khẩu được áp dụng bằng cách cấp giấy phép nhập khẩu cho một số công ty. Trong khi đó, hạn ngạch xuất khẩu được áp dụng ít hơn hạn ngạch nhập khẩu và thường chỉ áp dụng đối với các mặt hàng quý, thiết yếu đối với một quốc gia (Nguyễn Hoàng Quy và các cộng sự, 2016). Trước những tác động tiêu cực kể trên, ngày nay các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, mà xuất hiện một xu thế mới, đó là áp dụng các biện pháp bảo hộ phi thuế quan khác. Một trong số các biện pháp đó là hạn ngạch thuế quan. Hạn ngạch thuế quan là chế độ trong đó quy định sẽ áp dụng một mức thuế bằng không (0%) hoặc thấp hơn đối với những hàng hóa được nhập khẩu theo đúng số lượng quy định, nhằm đảm bảo cung cấp với giá hợp lý cho người tiêu dùng. Khi hàng hóa nhập khẩu quá số lượng quy định thì sẽ áp dụng mức thuế cao để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. Hạn ngạch thuế quan được sử dụng nhằm đảm bảo hài hòa mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người sản xuất trong nước (Nguyễn Hoàng Quy và các cộng sự, 2016). Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước phát triển và đang phát triển đã đưa ra một loạt các biện pháp hạn chế thương mại, bao gồm thuế quan mới hoặc cao hơn, hạn chế định lượng và các quy định hải quan chặt chẽ hơn. Các thành viên WTO đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế thương mại từ giữa tháng 10 năm 2017 đến giữa tháng 5 năm 2018, trung bình 11 biện pháp hạn chế thương mại mới mỗi tháng so với 9 biện pháp mỗi tháng trong báo cáo trước đó. Việc gia tăng bảo hộ thương mại có thể làm gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu đang lưu hành và gây thiệt hại cho thương mại quốc tế (UNCTAD, 2018).Do đó, một số quốc gia phát triển đã thúc đẩy việc giảm thuế nhập khẩu cho những quốc gia kém và đang phát triển, qua đó có thể góp phần tích lũy thương mại và trao đổi kinh tế. Theo tính toán của UNCTAD (2019a), năm 2017, 65,6% các nước kém phát triển được miễn thuế nhập khẩu. Tỉ lệ các mặt hàng được miễn thuế xuất khẩu từ các nước kém phát triển tăng từ 53,6% vào năm 2010. Từ năm 2010 đến 2017, dòng thuế áp dụng đối với các nước kém phát triển được miễn thuế tăng thêm 9,8%, gấp đôi so với các nước đang phát triển (5,2%). Từ năm 2015 đến năm 2016, con số này là 0,8%; bằng một nửa so với thời từ năm 2010 đến năm 2015 (2%), và gần bằng với các nước đang phát triển (0,7%). 2.2. Bảo hộ thương mại kiểu mới Cùng với sự suy yếu của bảo hộ thương mại truyền thống,trong những thập kỉ qua đã xuất hiện bảo hộ thương mại kiểu mới dựa trên các rào cản phi thuế quan. Đặc điểm chung của những rào cản này là ít công khai và phụ thuộc vào quyền tự quyết của nước chủ nhà hơn so với bảo hộ thương mại truyền thống. So với bảo hộ truyền thống, bảo hộ thương mại kiểu mới có thể cạnh tranh bí mật (Gandolfo, 2014; Gunnella và Quaglietti, 2019). Bảo hộ kiểu mới tập trung vào các lĩnh vực từ lâu đã được bảo vệ như: dệt may, quần áo, giày dép, sắt, thép, điện tử tiêu dùng và nông nghiệp. Các biện pháp thương mại đã gia tăng như trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các cuộc điều tra chống bán phá giá mới đã tăng 15% từ giữa năm 2008 đến giữa năm 2009 và được đánh dấu trong các cuộc điều tra mới cho các biện pháp bảo vệ và đối kháng. Dấu hiệu là các hồ sơ và điều tra về thương mại quốc phòng đang được tổ chức theo quý mà 14
- điểm tăng mạnh là các nhiệm vụ áp đặt trong năm 2010 và 2011. Tuy nhiên, các cuộc điều tra mới ảnh hưởng đến thị phần nhỏ của thương mại thế giới (Erixon và Sally, 2010). Những công cụ bảo hộ mới đang được áp dụng phổ biến gồm: - Hạn chế xuất khẩu tự nguyện(Voluntary export restraint):là một thỏa thuận được đàm phán giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, theo đó nước xuất khẩu “tự nguyện” cắt bớt xuất khẩu vào nước nhập khẩu (Gandolfo, 2014). Các quy định thương mại toàn cầu cho phép các thành viên áp dụng những hạn chế xuất khẩu nếu chúng giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu lương thực ở trong nước, cũng như các nguy cơ về môi trường, cho dù các hạn chế đó có thể gây tổn hại đến những nước nhập khẩu ròng lương thực và thậm chí gây ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Theo WTO, những biện pháp hạn chế nhập khẩu nói trên được đưa ra với một loạt lý do, như bảo vệ môi trường hoặc đảm bảo nguồn cung, cũng như giá cả của các mặt hàng nông sản ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc sử dụng những biện pháp như thế để giải quyết các vấn đề này là những mối nguy hại. Các Chính phủ có thể bị lôi kéo vào xu thế sử dụng những hạn chế xuất khẩu để thay đổi lợi thế của họ về giá hàng hóa xuất khẩu hoặc tăng cường sản xuất theo hướng bất lợi cho các nước khác. Trung Quốc, nước hiện chiếm tới 97% nguồn cung đất hiếm của thế giới, biện minh rằng những lo ngại về môi trường và tình trạng kiệt tài nguyên đã buộc Bắc Kinh phải hạn chế xuất khẩu, dù phải đối mặt với thách thức pháp lý trong khuôn khổ WTO. - Trợ cấp công nghiệp (Industrial subsidies): bao gồm trợ cấp xuất khẩuvà trợ cấp nhập khẩu. Đối với xuất khẩu, trợ cấp có thể là trợ cấp xuất khẩu được trao cho nhà sản xuất nội trên phần sản phẩm mà đơn vị đó xuất khẩu hoặc trợ cấp sản xuất được trao cho nhà sản xuất trong nước trên tổng sản phẩm sản xuất được. Trợ cấp nhập khẩu thực ra là một kiểu trợ cấp sản xuất. Hiệu quả của trợ cấp này là đối với bất kì đầu ra nào, giá mà nhà sản xuất nhận được lớn hơn giá mà người tiêu dùng phải trả nhờ số tiền trợ cấp. Do đó, trợ cấp sản xuất được xếp hạng trên mức thuế quan (Gandolfo, 2014).Các hoạt động trợ cấp xuất khẩu trực tiếp giúp giảm giá hàng xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh hàng nội địa so vơi hàng nhập khẩu. Trong năm 2018, Mỹ sử dụng biện pháp chống trợ cấp nhiều nhất với 10 vụ áp dụng trên 14 vụ khởi xướng, kế đến là Canada với 2/2 vụ khởi xướng, EU áp dụng 1/2 vụ khởi xướng (Cục Phòng Vệ Thương Mại, 2019). - Chống bán phá giá (Antidumping):Theo Gandolfo (2014), bán phá giá là sự phân biệt giá quốc tế diễn ra khi nhà sản xuất bán một mặt hàng ở nước ngoài với giá thấp hơn so với giá trong nước thị trường. Việc điều tra chống bán phá giá với các cáo buộc và áp thuế nhập khẩu cao hơn có chủ đích có thể giúp cho các nhà sản xuất ở một quốc gia nào đó chống lại các đối tác thương mại bị buộc tội là bán hàng hóa với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất. Theo Cục Phòng Vệ Thương Mại (2019), trong năm 2018 Mỹ là quốc gia áp dụng biện pháp này nhiều nhất với 9 vụ áp dụng trên 16 vụ khởi xướng, kế đến là Canada 5/6 vụ khởi xướng, Ấn Độ 5/13 vụ khởi xướng. - Các hàng rào kĩ thuật (Standards protectionism): Hàng rào kĩ thuật trong bảo hộ thương mại kiểu mới gồm nâng cao một số tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ và sản phẩm liên quan đến sức khoẻ. Các tiêu chuẩn này tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế bằng cách giúp người mua nước ngoài đánh giá được quy cách, chất lượng của sản phẩm. Nhưng nếu chúng quá khác biệt 15
- giữa các nước sẽ buộc các doanh nghiệp nước khác có thể phải điều chỉnh lại quy trình sản xuất. Ngoài ra, đòi hỏi thử nghiệm sản phẩm tại nước nhập khẩu để đảm bảo rằng các sản phẩm đó phù hợp với những quy định của nước đó về kỹ thuật và an toàn khiến cho các nhà xuất khẩu phải chịu những quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn hoặc chi phí kiểm tra cao hơn cho quá trình kiểm tra này. - Hạn chế lao động nhập cư(Restrictions on migrant labour):Lao động nhập cư bị hạn chế ở cả nước phát triển và nước đang phát triển. Chẳng hạn như Mỹ đã hạn chế visa diện H1B cho những người nước ngoài làm việc cho các ngân hàng cứu trợ, không có biện pháp tương tự ở EU nhưng số lao động nhập cư ở EU giảm đáng kể và một số chính phủ phải biện minh là “công việc địa phương cho nhân công địa phương” (Erixon và Sally, 2010). - Hạn chế vốn đầu tư FDI (FDI restrictions, “investment nationalism”): Đây không phải là vấn đề chính toàn cầu. Hạn chế đầu tư FDI tập hợp các ngành liên quan đến năng lượng. Bắc Mỹ, châu Âu và Úc quan ngại về các quỹ đầu tư quốc gia mới nổi và sự mở rộng của các doanh nghiệp nhà nước hải ngoại, đặc biệt từ Trung Quốc. Hạn chế vốn đầu tư FDI Trung Quốc đã gia tăng rõ rệt những năm gần đây nhưng UNCTAD cho rằng 85% biện pháp đầu tư FDI mới gần đây đang tự do hóa trong năm (Erixon và Sally, 2010). - Bảo hộ môi trường(Green Protectionism): là chính sách thương mại của các nước nhập khẩu áp dụng đối với các nước xuất khẩu gây ra tình trạng ô nhiễm khi sản xuất sản phẩm. Các nước nhập khẩu cho rằng môi trường của nước sản xuất ra và tiêu dùng phải được bảo vệ khỏi sự hủy hoại môi trường và nguồn tài nguyên do chính việc sản xuất hay tiêu dùng các sản phẩm nhập khẩu (Levinson, 2017; Ritzel và Kohler, 2017). Biện pháp này vừa hợp pháp hơn dưới con mắt của cộng đồng, vừa có thể được áp dụng một cách linh hoạt. Tuy nhiên, do hàng rào về môi trường nghiêm ngặt ở các nước phát triển đối với một số ngành nghề khiến các nhà đầu tư tại các nước này tìm cách đầu tư sang các nước đang phát triển - nơi chú trọng thu hút vốn đầu tư mà vấn đề môi trường không được kiểm soát chặt chẽ nên công đoạn có mức độ ô nhiễm môi trường cao được các nhà đầu tư tại các nước phát triển chuyển sang các nước đang phát triển, làm hủy hoại môi trường ở những quốc gia này (Nguyễn Hoàng Quy và cộng sự (2016). - Hội nhập thương mại (Regional Integration): gần đây cũng nổi lên trở thành một biện pháp bảo hộ thương mại kiểu mới. Các hiệp định thương mại khu vực cũng là một trong những biện pháp giúp các quốc gia thực hiện chính sách bảo hộ trong các mối quan hệ thương mại khu vực. Đây có thể coi là cách hợp pháp duy nhất giúp các quốc gia phát triển các thương hiệu nội địa mà không cần mở cửa thị trường và đối mặt với sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác trên phạm vi toàn cầu, đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa mà không phá vỡ các quy định quốc tế về thúc đẩy xuất khẩu (Štěrbová, 2008). Tại các thị trường mục tiêu, các đối tác công nghiệp trong khu vực được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh từ các quốc gia thức ba. Bảo hộ dựa trên hội nhập khu vực có thể gây nên nhiều rủi ro cho thương mại quốc tế. Bằng cách tạo ra các điều khoản ưu tiên không tương thích với các quy tắc của WTO, chiến lược hội nhập khu vực có thể dẫn đến nguy cơ tăng tranh chấp thương mại với các quốc gia thứ ba (Abida, 2013). Bên cạnh đó, chiến lược hôị nhập khu vực còn tạo ra khoảng cách địa lý thương mại giữa các khu vực khác nhau. Việc tạo nên các quyền lực kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ có thể đe dọa hệ thống thương mại đa phương. 16
- Việc áp dụng các chính sách thương mại bảo hộ bởi một nhóm khu vực có thể có tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại quốc tế và dẫn đến chiến tranh thương mại (Abida, 2013). Một cách khái quát, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra cùng với sự chia rẽ nội bộ khu vực và mỗi nước khá sâu sắc về vấn đề toàn cầu hóa và thương mại. Việc bảo hộ mậu dịch có tác động hai mặt. Một mặt, bảo hộ đem lại lợi ích nhất thời cho các nhà sản xuất trong nước và khuyến khích phát triển một số ngành nghề, hạn chế tiêu dùng; bảo đảm an toàn sức khỏe con người, động thực vật, môi trường, cân bằng cán cân thanh toán và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, tăng việc làm mới và phân phối lại thu nhập. Mặt khác, bảo hộ làm cho các nhà sản xuất trong nước có cơ hội đầu cơ trên giá bán hàng (hay cung cấp dịch vụ) ở mức có lợi nhất cho họ, làm giảm động lực áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng,phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế xét theo mục tiêu dài hạn. Các hàng rào phi thuế quan đôi khi cũng làm nhiễu tín hiệu của thị trường mà người sản xuất dựa vào đó để ra quyết định. Tín hiệu này chính là giá thị trường. Khi bị làm sai lệch, nó sẽ phản ánh không trung thực lợi thế cạnh tranh thật sự chỉ dẫn sai việc phân bổ nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế. Do đó, khả năng xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong trung và dài hạn của người sản xuất bị hạn chế. Không những thế, các hàng rào phi thuế quan thường đòi hỏi chi phí của nhà nước để duy trì hệ thống điều hành kiểm soát thương mại phi thuế quan. Việc sử dụng các hàng rào phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước hầu như không đem lại nguồn thu tài chính trực tiếp nào cho nhà nước, mà thường chỉ làm lợi cho một số doanh nghiệp hoặc ngành nhất định được bảo hộ hoặc được hưởng ưu đãi đặc quyền như được phân bổ hạn ngạch, được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu. Điều này còn dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nội bộ nền kinh tế. 3. Phương pháp nghiên cứu Để cung cấp thông tin cho bài viết, tác giả sử dụng phương pháp thu thập tài liệu từ nguồn tài liệu thứ cấp như tạp chí kinh tế, báo cáo chuyên đề khoa học, tài liệu chuyên ngành, hồ sơ lưu trữ về chủ đề liên quan đến bảo hộ thương mại và xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả cũng tiến hành phỏng vấn các chuyên gia xuất khẩu và bảo hộ thương mại, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các hội thảo, báo cáo chuyên đề hay các buổi giao lưu được tổ chức.Các câu hỏi được đưa ra dưới dạng thảo luậnvấn đề, qua đó các đối tượng được phỏng vấn sẽ trình bày quan điểm, nhận xét hay đưa ra nhận định về xuất khẩu của Việt Nam và bảo hộ thương mại. Nội dung phỏng vấn liên quan đến thực trạng xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây, thành tựu và thách thức của xuất khẩu Việt trên thị trường quốc tế, các vấn đề doanh nghiệp thường gặp phải với bảo hộ thương mại và giải pháp đề ra trước các rào cản từ bảo hộ thương mại kiểu mới. Các thông tin sau khi thu thập sẽ được tổng hợplàm cơ sở lý luậnđể trình bày về sự xuất hiện của các công cụ bảo hộ thương mại kiểu mới cũng như tác động đối với nền kinh tế các nước mà tiêu biểu là Việt Nam.Đối với các số liệu định lượng, tác giả làm tiền đề trong việc phân tích xu hướng kết hợp với các bài phỏng vấn của các chuyên gia kinh tế để đưa ra nhận định, đánh giá đối với bảo hộ thương mại trong giai đoạn hiện nay, từ đó có những giải pháp và kiến nghị thúc nhằm đẩy xuất khẩu Việt Nam. 17
- 4. Kết quả nghiên cứu Dựa trên các tài liệu, báo cáo thu thập cũng như bài phỏng vấn các chuyên gia kinh tế về xuất khẩu đã cho thấy có những kết quả đáng ghi nhận về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể như sau: 4.1. Thực trạng xuất khẩu Việt Nam những năm gần đây Theo số liệu từ Niên giám thống kê giai đoạn 2010 - 2019 của Tổng cục Thống kê,trị giá hàng hóa xuất khẩu năm 2019 đạt 263,451 tỷ USD, tăng 8,4% (tương ứng 20,49 tỷ USD)so với năm 2018.Trong khi năm 2012, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 114,5 tỷ USD. Từ số liệu thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng dần đều qua các năm.Đây là một tín hiệu tốt cho tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Cũng theo thống kê từ Tổng cục Thống kê (2019), trong năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (51,3%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất khẩu trong năm 2019 ở thị trường này là 135,45 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2018, trong đó Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với 15,7% . Kế đến là thị trường châu Mỹ đạt 73,89 tỷ USD, tăng 27,3% so với năm 2018, riêng Mỹ đạt 61,35 tỷ USD.Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu: 47,27 tỷ USD, tăng 2%; châu Đại Dương: 4,46tỷ USD, giảm7,4% và châu Phi: 3,12 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018. Nhìn chung, Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam năm 2019, kế đến là hai thị trường EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 sang EU giảm 1%, trong khi Trung Quốc tăng không đáng kể với 0,1% so với năm 2018. Châu Đại Dương cũng tương tự như EU khi giảm 7,4% giá trị hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2019. Trái lại, Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng 29,1% so với năm 2019. Hình 1: Xuất khẩu Việt Namgiai đoạn 2010 - 2019 Nguồn: Niên giám thống kê 2010 - 2019 18
- Một số nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2019, theo Tổng cục Thống kê (2019) gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; giàydépcácloại; máy móc; thiết bị; dụng cụ và phụ tùng khác; nhóm hàng nông sản; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng thủy sản; gỗ và các sản phẩm gỗ. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu cao nhất với 51,38 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2018. EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc là 4 nơi nhập khẩu ngành hàng này nhiều nhất. Đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 35,93 tỷ USD tăng 21,5% so với năm 2018. Các thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hồng Kông, Hàn Quốc. Hàng dệt may chiếm vị trí thứ 3 với kim ngạch xuất khẩu đạt 32,85 tỷ USD năm 2019, tăng 7,8% so với năm trước. Tính đến hết tháng 12/2019, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 14,85 tỷ USD, kế đến là EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Một số mặt hàng đáng chú ý khác như: nông sản xuất khẩu trong năm 2019 đạt 16,91 tỷ USD, giảm 4,9% so với 2018 trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, kế đến là EU, ASEAN, Mỹ. Giày dép cũng là mặt hàng đem lại giá trị xuất khẩu cao trong năm 2019 với 18,32 tỷ USD được hai thị trường chính là Mỹ và EU nhập khẩu. Trong khi đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản, sắt thép các loại có giá trị xuất khẩu năm 2019 giảm so với 2018 với tỉ lệ giảm lần lượt là 4,9%; 2,8% và 7,4%. Điều này cho thấy mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, khó đoán định, đặc biệt là những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những chuyển biến tích cực. Thứ nhất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu ngày càng được cải thiện, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, quy mô các mặt hàng xuất khẩu ngày càng được mở rộng.Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2019 tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017. Các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như xuất khẩu máy vi tính tăng 20,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,2%; giày dép tăng 12,7%; kim loại thường khác tăng 10,3%; sản phẩm từ sắt thép tăng 9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 11,9%. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu như năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì đến năm 2019 là 32 mặt hàng. Trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thứ hai, thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, như: ASEAN (tăng 1,3%), Hàn Quốc (tăng 8,1%), Nhật Bản (tăng 8,4%), Trung Quốc (tăng 0,1%) (Tổng cụcThống kê, 2019). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt: xuất khẩu sang Canada đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ 19
- USD, tăng 26,8%. Thứ ba, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nói riêng có tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường xuất khẩu.Thống kê cho thấy từ Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 55 đối tác thương mại thông qua việc ký kết 13 FTA và đang đàm phán 03 FTA khác. Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên tham gia FTA đều được hưởng lợi ích. Chẳng hạn, đối với CPTPP, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao. Với Australia là trên 93% số dòng thuế (tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này); cam kết cắt giảm thuế của Canada lên đến 94,9% số dòng thuế (tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam). Để đạt được những kết quả ấn tượng này là sự nỗ lực không ngừng của Đảng và Nhà Nước trong việc thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy xuất khẩu, tham gia kí kết các hiệp định nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh và có cơ hội vươn ra các thị trường quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã kí và có hiệu lực như: FTA giữa Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ năm 2009, FTA giữa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) có hiệu lực từ năm 2010, FTA giữa ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010, FTA giữa Việt Nam - Chi lê (VCFTA) có hiệu lực từ năm 2014, FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc (VKFFTA) có hiệu lực từ năm 2015, FTA giữa Việt Nam - Liên Minh Kinh Tế Á Âu (VN - EAEU FTA) có hiệu lực từ năm 2016, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019;FTA giữa 5 nước ASEAN (Lào, Myanma, Thái Lan, Singapo, Việt Nam) - Hồng Kông (AHKFTA) có hiệu lực từ 11/6/2019.Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm và cập nhật các thông tin quy định về bảo hộ thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và ứng phó với các rào cản thương mại trên thị trường quốc tế. 4.2. Thực trạng và tác động của bảo hộ thương mại đối với xuất khẩu Việt Nam Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù xu hướng bảo hộ thương mại có những tác động tích cực nhất định đối với nền kinh tế, nhưng những lợi ích mà xu hướng bảo hộ thương mại mang lại được ít hơn thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội. Bảo hộ thương mại đang gây ra tác động tiêu cực cho nền kinh tế thế giới, các rào cản thương mại có thể làm giảm 5% sản lượng kinh tế toàn cầu. Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử. Xu hướng bảo hộ trở nên rõ ràng hơn so với những năm trước đó. Trong năm 2018, các nước trên thế giới đã tiến hành khởi xướng mới 140 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó 87 vụ chống bán phá giá, 37 vụ chống trợ cấp và 16 vụ tự vệ (Cục Phòng Vệ Thương Mại, 2019). Mặc dù Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO, song hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định và sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do đó, khi đối diện với các vụ kiện quốc tế, doanh nghiệp loay hoay không biết đối phó như thế nào, hoặc phải chi phí theo kiện rất tốn kém, hoặc thua 20
- kiện và mất trắng thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính hết năm 2018, đã có 144 vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (trong đó, năm 2018 có 19 vụ việc mới được khởi xướng). Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (27 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ việc), Ấn Độ (17 vụ việc) và EU (14 vụ việc).Trong số 144 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, có 81 vụ việc về chống bán phá giá, 30 vụ việc tự vệ có liên quan đến hàng hóa Việt Nam, 14 vụ việc trợ cấp và 19 vụ việc chống lẩn tránh thuế. Như vậy, nếu như năm 2017 chỉ có 13 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng, thì năm 2018 đã tăng lên 19 vụ việc (trong đó có 6 vụ việc chống bán phá giá, 7 vụ việc tự vệ, 4 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc chống lẩn tránh thuế), tăng thêm xấp xỉ 50%. Điển hình của bảo hộ thương mại kiểu mới mà các nước nhập khẩu áp dụng với Việt Nam là vụ kiện chống bán phá giá cá tra-ba sa của Mỹ đối với Việt Nam năm 2003. Bộ Thương Mại Mỹ hàng năm đều tiến hành rà soát hành chính để đánh giá, phân tích, điều chỉnh mức thuế phù hợp với thực tiễn hàng hóa xuất khẩu. Trong đợt rà soát này, Cục Phòng Vụ Thương Mại đã phối hợp chặt chẽ với Thương Vụ Việt Nam tại Mỹ, Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản, doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị Bộ Thương Mại Mỹ xem xét lại vấn đề một công ty bị đơn của Việt Nam nộp chậm một phần câu trả lời để cho phép công ty đó được tham gia rà soát. Với sự tích cực của chính phủ, Bộ Thương Mỹ đã chấp nhận cho đơn vị đó được tham gia rà soát và được lựa chọn là bị đơn bắt buộc. Đặc biệt, công ty này đã nhận được mức thuế là 0 USD/kg và được xác định là không bán phá giá. Đây là thành công không chỉ với doanh nghiệp mà còn thể hiện vai trò quan trọng của chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà xuất khẩu Việt Nam trước các bảo hộ thương mại kiểu mới (Cục Phòng Vệ Thương Mại, 2019). Bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại, nhiều quốc gia cũng đang có xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước một cách khắt khe. Ví dụ điển hình là Trung Quốc liên tiếp thực hiện nghiêm các quy định, siết chặt nhập khẩu nông sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối diện với khó khăn về xu hướng bảo hộ, quy định tiêu chuẩn cao tại các thị trường nhập khẩu như: Các quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; chính sách bảo hộ cao đối với sản xuất nông nghiệp nội địa của nhiều nước; các quy định mới về kiểm nghiệm kiểm dịch và thực hiện kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu nghiêm ngặt và phức tạp về bao bì đóng gói, ký mã hiệu, ngôn ngữ ghi trên bao bì. Theo các chuyên gia đánh giá, các vụ kiện phòng vệ thương mại và các rào cản bảo hộ đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, cụ thể như sau: Thứ nhất là giảm năng lực và lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Các công cụ bảo hộ mậu dịch của Chính phủ các nước nhập khẩu chính là các rào cản thương mại làm cho hàng hóa giữa các quốc gia không được lưu thông. Những mặt hàng ở Việt Nam có lợi thế sản xuất hơn sẽ khó đến được những nơi không có lợi thế sản xuất vì rào cản thương mại. Những nơi được bảo hộ sẽ phải chia sẻ nguồn lực để sản xuất những mặt hàng không có lợi thế dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam. 21
- Thứ hai là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư đáng kể nguồn nhân lực, thời gian và kinh phí cho việc tham gia giải quyết toàn bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Việc theo đuổi một vụ kiện đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức để có thể xử lý một khối lượng công việc không nhỏ trong tuân thủ các quy định pháp lý, thu thập thông tin chứng minh, đảm bảo đúng, đầy đủ, kịp thời những tài liệu, số liệu, thông tin thực tế. Doanh nghiệp cũng như Hiệp hội nếu chưa có hiểu biết đầy đủ cũng như sẵn sàng những điều kiện liên quan sẽ dẫn đến những phương án đối phó ban chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp. Để giải quyết hiệu quả, vụ kiện cần được tập trung xử lý với sự hỗ trợ hợp tác từ nhiều phía, đặc biệt là các đơn vị liên quan. Thứ ba là khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đầu tư sản xuất để đáp ứng với những thay đổi của thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc chuyển sang các thị trường khác cũng sẽ gặp khó khăn hơn vì các khách hàng tại thị trường xuất khẩu mới có thể lợi dụng vụ việc điều tra chống bán phá giá để ép giá hoặc áp đặt những điều khoản, điều kiện không có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Thứ tư là sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị kiện ồ ạt theo hiệu ứng dây chuyền. Trong các vụ kiện chống bán phá giá, mặc dù khó có thể tìm thấy động cơ thực sự đằng sau quyết định khởi kiện của nguyên đơn, các chuyên gia vẫn cho rằng một yếu tố quan trọng là sự gia tăng mạnh mẽ của lượng hàng nhập khẩu vào một nước khiến ngành sản xuất nội địa lo lắng. Tuy nhiên, một vụ kiện chống bán phá giá có thể xảy đến với hàng hóa Việt Nam không phải vì chính hàng hóa Việt Nam bán phá giá mà vì mối đe dọa từ những nước láng giềng có sản phẩm tương tự Việt Nam xuất sang cùng một thị trường. Điều này thể hiện rõ trong vụ kiện Chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam tại EU năm 2005. Hiện tượng “Domino” này ngày càng phổ biến trên thế giới, không chỉ xảy ra đối với các nước có sản phẩm xuất khẩu tương tự mà còn có khả năng xảy ra với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang nước nhập khẩu. Thứ năm là một số biện pháp phòng vệ thương mại kéo dài hàng chục năm, kéo theo chi phí theo đuổi vụ việc tốn kém. Cho đến nay, không có thống kê đầy đủ nào về những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu do những vụ kiện gây ra. Tuy nhiên, để theo kiện doanh nghiệp buộc phải bỏ ra các chi phí vật chất và nhân lực rất lớn phục vụ các yêu cầu tố tụng liên quan như: thuê luật sư tư vấn, trả lời Bảng câu hỏi điều tra, tham gia các phiên điều trần, Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể kham nổi các chi phí này. Điều bất lợi rất lớn nữa là những hậu quả bất lợi này có thể kéo dài nhiều năm. Một biện pháp thuế chống bán phá giá kéo dài ít nhất 5 năm và còn có thể bị gia hạn nhiều lần. Mỗi năm các doanh nghiệp có thể phải mất thêm các chi phí để theo đuổi các thủ tục rà soát hàng năm hoặc cuối kỳ nếu bị yêu cầu. 5. Giải pháp và kiến nghị thúc đẩy xuất khẩu Trong bối cảnh bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn bị, nâng cao năng lực trong nước để ứng phó hiệu quả với những tác động tiêu cực từ các diễn biến của thương mại quốc tế. Theo đó, một số nhóm giải pháp được các chuyên gia đưa ra gồm: 22
- 5.1. Đối với Nhà Nước Trong tình hình hiện nay, các quốc gia phát triển đang lợi dụng trình độ khoa học công nghệ vượt trội hơn để đặt ra ngày càng nhiều rào cản thương mại mới để hạn chế nhập khẩu từ các nước khác, đặc biệt là từ các nước đang và kém phát triển. Do đó, Nhà nước cần thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho nền xuất khẩu Việt Nam. Một là, cần tăng cường tính chủ động đối với công tác phòng chống các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trên cơ sở rà soát tình hình sản xuất, xuất khẩu từng ngành hàng của Việt Nam và cơ chế chống bán phá giá của từng quốc gia, cơ quan chức năng cần lập danh mục các các ngành hàng và các mặt hàng Việt Nam có khả năng bị kiện để có sự phòng ngừa tránh cần thiết. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường xuất khẩu, luật thương mại quốc tế, luật pháp liên quan đến bảo hộ mậu dịch của nước ngoài và phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết nhằm tránh những sơ hở dẫn đến các vụ kiện. Hai là, tăng cường đàm phán cấp Chính phủ trong giải quyết những tranh chấp thương mại. Việt Nam cần có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt thông qua các kênh ngoại giao, tích cực tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định quốc tế về bảo hộ thương mại và tiêu chuẩn hoá song phương cũng như đa phương nhằm chứng minh cho các đối tác và thế giới hiểu rõ năng lực sản xuất của Việt Nam, chứng minh về giá thành cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo đầy đủ yếu tố thị trường, không phá giá, không gian lận thương mại. Ba là, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kháng kiện trong khuôn khổ Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích quốc gia theo luật pháp quốc tế. Cơ quan chức năng xem xét thành lập quỹ trợ giúp theo đuổi các vụ kiện để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp kháng kiện; Cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin cần thiết về thủ tục kháng kiện, giới thiệu các luật sư giỏi ở nước sở tại có khả năng giúp cho doanh nghiệp thắng kiện Bốn là, tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vi phạm để đảm bảo uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Đối với các mặt hàng xuất khẩu, chính phủ cần thành lập các cơ quan kiểm tra chất lượng, vệ sinh, kiểm dịch trước khi cho xuất khẩu. Việc kiểm soát chất lượng hàng xuất khẩu không chặt chẽ nên số lượng hàng xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn và bị trả lại, bị tiêu huỷ hoặc phải bán giảm giá vẫn còn cao gây thiệt hại cho doanh nghiệp và mất uy tín cho hàng hoá của quốc gia xuất khẩu. Năm là, nâng cao chất lượng nhân sự lĩnh vực xuất khẩu. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, cần huy động rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, chính phủ cần quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, một đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng và kỹ thuật giỏi, am hiểu về các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Các cơ quan chuyên trách có thể tổ chức các khoá học ngắn hạn cho các nhà quản lý của các doanh nghiệp về vấn đề bảo hộ thương mại và các biện pháp đối phó. Sáu là, nâng cao năng lực của cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tham tán thương mại tại các nước theo hướng hỗ trợ 23
- tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua cơ chế phối hợp giữa các Hiệp hội ngành hàng và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; thường xuyên theo dõi tình hình, chủ động phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường nhằm chủ động phối hợp ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh. Đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài để trực tiếp đưa hàng Việt Nam vào các siêu thị, chuỗi phân phối lớn tại nước nhập khẩu. 5.2. Đối với các hiệp hội Các hiệp hội có vai trò trung gian trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nước. Nhằm ứng phó với các bảo hộ thương mại trong thời gian tới, thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam, hiệp hội cần thực hiện một số biện pháp sau: Thứ nhất, quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, nhất là các hiệp hội lớn như dệt may, thủy sản, lương thực, cà phê, dày giép. Cải tiến công tác xúc tiến thương mại, không làm diện rộng và tuyên truyền chung chung mà cần tập trung từng trọng điểm, chuyên ngành, chuyên đề sản phẩm. Thay đổi, đổi mới cách tiếp cận thị trường, quảng bá hình ảnh quốc gia và thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam Thứ hai, đầu tư, quan tâm đến công tác dự báo và chuẩn bị các điều kiện để đối phó với các rào cản thương mại quốc tế khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Các hiệp hội thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp nghiên cứu thông tin về giá cả, định hướng phát triển thị trường, những quy định pháp lý của nước sở tại về vấn đề bảo hộ mậu dịch để các doanh nghiệp kháng kiện có hiệu quả, giảm bớt tổn thất do thiếu thông tin. Thứ ba, xây dựng cơ chế tham vấn, thường xuyên phối hợp giữa các bộ, địa phương, hiệp hội về tình hình sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng để cùng nhau giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; nghiên cứu tổ chức các chương trình điều tra dự báo sản lượng, tồn kho và lượng tiêu dùng trong nước để có định hướng cho sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu mới. Thứ tư, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi kiện và kháng kiện. Vấn đề khởi kiện và kháng kiện trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế là đòi hỏi quyền bình đẳng theo nguyên tắc không phân biệt đối sử. Do đó, hiệp hội cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực kháng kiện, tăng cường các quy định về sự phối hợp, bảo vệ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có thể gây ra các vụ kiện của nước ngoài. Các doanh nghiệp khi tham gia hiệp hội nên thiết lập cơ chế phối hợp trong tham gia kháng kiện và hưởng lợi khi kháng kiện thành công để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kháng kiện. 5.3. Đối với các doanh nghiệp Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin, chuẩn bị và sẵn sàng nhiều kịch bản để thích ứng với bối cảnh; chủ động các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá; tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh để tạo sức mạnh đối phó với các tranh chấp thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, tuân thủ tốt luật pháp trong nước và quốc tế cũng như các yêu cầu, các tiêu chuẩn về thông lệ hải quan, thông lệ thương mại và trách nhiệm xã hội của doanh 24
- nghiệp; tranh thủ sự hỗ trợ của Đại sứ quán và các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; phát triển các ngành hàng cả trong nước và nước ngoài. Thứ hai, xây dựng và thực thi một chiến lược kinh doanh xuất khẩu hiệu quả và bền vững. Chiến lược kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp cần đạt mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả xuất khẩu dựa trên đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng tiên tiến, tiêu chuẩn môi trường phù hợp trong quá trình sản xuất. Doanh nghiệp cũng cần có biện pháp nhằm tăng nguồn cung cho xuất khẩu bằng cách phát triển công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa thị trường, đối tác xuất khẩu, nhập khẩu, yếu tố đầu vào. Một chiến lược xuất khẩu bền vững sẽ thu hút sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ thương mại trong và ngoài nước giúp doanh nghiệp xuất khẩu thành công. Thứ ba, doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị sẵn các biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Doanh nghiệp là đơn vị sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu. Để đối phó với nguy cơ bị áp dụng các biện pháp này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá. Bên cạnh đó cần tăng cường việc nghiên cứu nắm bắt các chính sách quản lý nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu khó tính, cảnh giác với các rào cản thương mại của các thị trường này; phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện. 6. Kết luận Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như trên thế giới còn nhiều biến động, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan qua các năm.Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra,hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ kiểu mới ngày càng gia tăng tác động tiêu cực tới quá trình phát triển thương mại quốc tế. Chủ nghĩa bảo hộ cũng gây nên sự ỷ lại, trì trệ trong các nhà kinh doanh nội địa, khiến các doanh nghiệp không còn linh hoạt, hoạt động đầu tư và kinh doanh không đem lại hiệu quả. Ngoài ra, chủ nghĩa này cũng là tác nhân lớn gây nên sự kém đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng hàng hóacũng như giá hàng hóa trở nên đắt hơn so với tự do hóa thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.Các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn bởi các rào cản thương mại kiểu mới do các nước nhập khẩu gây ra. Mỹ là nước có tỉ lệ chống bán phá giá và điều tra các vụ trợ cấp nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trước những thách thức từ các rào cản thương mại kiểu mới, chính phủ đã nỗ lực trong việc đàm phán song phương, đa phương nhằm tăng cường tính chủ động đối với công tác phòng chống các vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp Việt cần không ngừng cải tiến sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật nghiêm ngặt vào quy trình sản xuất cũng như kết hợp với các hiệp hội nhằm nghiên cứu, nắm rõ các thông tin về bảo hộ mậu dịch để 25
- ứng phó khi xảy ra các vụ kiện.Tuy nhiên, trước sự biến động không ngừng của nền kinh tế cũng như ảnh hưởng từ nền chính trị thế giới bất ổn thời gian gần đây, những giải pháp mới cần được tìm hiểu và nghiên cứu thêm trong những nghiên cứu về sau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Abboushi Suhail (2010), “Trade protectionism: Reasons and outcomes”, Competitiveness Review, Vol. 20 No. 5, pp. 384-394. 2. Abida M. (2013), “The Regional Integration Agreements: A New Face of Protectionism”, International Journal of Economics and Finance, Vol 5, No 3. 3. Amadeo K. (2019). Trade Protectionism Methods With Examples, Pros, and Cons. See (accessed 02 March 2020). 4. Cục Phòng Vệ Thương Mại - Bộ Công Thương (2019). Báo cáo phòng vệ thương mại năm 2018, Bộ Công Thương. 5. Erixon, Fredrik and Sally Razeen (2010). Trade, globalisation and emerging protectionism since the crisis. Ecipe, working paper, No 2/2010 6. Gandolfo, Giancarlo (2014). International Trade Theory and Policy. Springer. 7. Gunnella Vanessa, Quaglietti Lucia (2019), “The economic implications of rising protectionism: a euro area and global perspective”, ECB Economic Bulletin, Issue 3/2019. 8. Levinson, Arik (2017). Environmental protectionism: The case of CAFÉ. Economics Letters, Volume 160, November 2017, Pages 20-23. 9. Nguyễn Hoàng Quy, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng Việt, Phan Thanh Tú (2016), Chính sách thương mại quốc tế: Lý luận và thực tiễn Việt Nam hội nhập toàn cầu, NXB Thống Kê. 10. Ritzel, Christian, and Andreas Kohler (2017). Protectionism, how stupid is this? The causal effect of free trade for the world’s poorest countries: Evidence from a quasi- experiment in Switzerland. Journal of Policy Modeling. Volume 39, Issue 6, November-December 2017, Pages 1007-1018. 11. Štěrbová L. (2008), “Could Regional Trade Integration be a Building Block for Global Governance of Trade”, Acta Oeconomica Pragensia, vol. 2008, issue 2, 23-36. 12. Tổng cục Thống kê (2010 - 2019), Niên giám thống kê Việt Nam giai đoạn 2010 - 2019, NXK Thống kê. 13. UNCTAD (2018). Trade and Development Report 2018: Power, Platforms and the Free Trade Delusion. United Nations publication. Sales No. E.18.II.D.7. New York and Geneva. 14. UNCTAD (2019a). TRAINS: The global database on Non-Tariff Measures. See (accessed 14 June 2019). 15. UNCTAD (2019b). Key Statistics and Trends in Trade Policy 2018: Trade Tensions, Implications for Developing Countries. UNCTAD/DITC/TAB/2019/1. Geneva. 26