Chuẩn mực kế toán quốc tế ias 36: Tổn thất tài sản - Một số đề xuất để áp dụng tại Việt Nam

pdf 9 trang Gia Huy 2710
Bạn đang xem tài liệu "Chuẩn mực kế toán quốc tế ias 36: Tổn thất tài sản - Một số đề xuất để áp dụng tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchuan_muc_ke_toan_quoc_te_ias_36_ton_that_tai_san_mot_so_de.pdf

Nội dung text: Chuẩn mực kế toán quốc tế ias 36: Tổn thất tài sản - Một số đề xuất để áp dụng tại Việt Nam

  1. CHUẨN MỰC KẾ TOÁN QUỐC TẾ IAS 36: TỔN THẤT TÀI SẢN - MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỂ ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM INTERNATIONAL ACCOUNTING STANDARDS IAS 36: IMPAIRMENT OF ASSETS - SOME SUGGESTIONS FOR APPLICATION IN VIETNAM ThS. Phạm Anh Tuấn Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36: “Tổn thất tài sản” là chuẩn mực đóng vai trò quan trọng, IAS 36 giúp phản ánh các thông tin về tài sản trên các báo cáo tài chính đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế. Nhận thức được sự cần thiết trong việc tăng tính thống nhất giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế, cũng như tầm quan trọng của chuẩn mực tổn thất tài sản với nền kinh tế nước ta, tác giả xin đưa ra một số đề xuất để có thể xây dựng và áp dụng chuẩn mực này tại Việt Nam. Từ khóa: Chuẩn mực kế toán quốc tế, Tổn thất tài sản, Áp Dụng tại Việt Nam, Chuẩn mực kế toán quốc tế số 36 Abstract International Accounting Standard IAS 36, "impairment of assets" is the touchstone play an important role, IAS 36 help reflect the information of assets on the financial statements to ensure conformity with the actual situation. Recognizing the need for increased consistency between Vietnam accounting standards with international standards, as well as the importance of standard: "impairment of assets" to the economy, the author would like to give some suggestions to be able to develop and apply this standard in Vietnam. Keywords: International accounting standards, Impairment of assets, Application in VietNam, International accounting standards 36 (IAS 36) Đặt vấn đề Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế thế giới đang ngày một hoàn thiện và phát triển theo xu hướng hội nhập. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh . đã và đang phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Trước xu hướng hội nhập toàn cầu đó, tất cả các hoạt động kinh doanh, đầu tư, các quyết định chiến lược đều phải được xem xét và nhìn nhận trên góc độ của các yếu tố quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu này, các chính sách, hệ thống chuẩn mực mang tính quốc tế đã được soạn thảo và ban hành. Tuy nhiên, do sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, nền kinh tế vv mà tại các quốc gia vẫn còn tồn tại sự khác biệt nhất định giữa các chuẩn mực, chế độ, chính sách hiện hành. Cụ thể là trong hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực kế toán quốc tế số 36 (IAS 36) về tổn thất tài sản đã được ban hành nhưng tại một số quốc gia như Việt Nam thì vẫn chưa được xây dựng và áp dụng. Điều này khiến ảnh hưởng đến sự thống nhất và hòa hợp giữa hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với quốc tế; gây cản trở cho quá trình 552
  2. hội nhập. Chính vì vậy, việc xây dựng và áp dụng chuẩn mực IAS 36: “Tổn thất tài sản” đang là một vấn đề được đặt ra đối với các nhà quản lý Nhà nước và các cơ quan xây dựng, soạn thảo chuẩn mực. Tổng quan nghiên cứu Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36: “Tổn thất tài sản” là một trong số các chuẩn mực được rất nhiều các quốc gia trên thế giới tiếp thu, xây dựng và áp dụng cho công tác kế toán phục vụ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam chuẩn mực này vẫn chưa được xây dựng và vận dụng cho công tác kế toán. Chính vì vậy, nội dung này hiện đang được các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo chuẩn mực, các nhà nghiên cứu kinh tế đặc biệt quan tâm. Những nội dung nghiên cứu liên quan tới việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực kế toán IAS 36 tại Việt Nam đã được nhiều tác giả lưu tâm và thực hiện. Tuy nhiên, những đề tài, công trình, bài báo nghiên cứu trực tiếp về vấn đề này theo hiểu biết của tác giả phải kể đến như sau: - Bài báo “Giảm giá trị của tài sản và sự ảo tưởng về giá trị thực của các tài sản trong các doanh nghiệp tại Việt Nam” của tác giả Trần Mạnh Dũng được đăng trên Tạp chí “Nghiên cứu khoa học kiểm toán”. - Luận văn thạc sĩ kế toán: “Chuẩn mực IAS 36 và điều kiện áp dụng chuẩn mực IAS 36 ở Việt Nam” của tác giả Chu Thúy Anh năm 2013. Các công trình khoa học nêu trên đã đi sâu nghiên cứu trực tiếp về chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36: “Tổn thất tài sản” và thực tế hướng vận dụng chuẩn mực này tại Việt Nam. Cụ thể như sau: - Đối với bài báo “Giảm giá trị của tài sản và sự ảo tưởng về giá trị thực của các tài sản trong các doanh nghiệp tại Việt Nam” của tác giả Trần Mạnh Dũng được đăng trên Tạp chí “Nghiên cứu khoa học kiểm toán”. + Bài báo này đã chỉ ra ngắn gọn nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36, bên cạnh đó bài báo cũng đề cập tới cách nhìn nhận đánh giá về giá trị tài sản trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, những hạn chế còn tồn tại khi chưa có chuẩn mực tổn thất tài sản trong quá trình đánh giá giá trị tài sản của doanh nghiệp. + Tuy nhiên, bài báo vẫn còn nhiều nội dung cần phải giải quyết và đi sâu nghiên cứu thêm. Cụ thể là, bài báo mới chỉ đưa ra một cách rất ngắn gọn, vắn tắt về nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36; đồng thời bài báo chưa chỉ ra được những định hướng về việc xây dựng chuẩn mực này tại Việt Nam. - Tiếp theo là luận văn thạc sĩ kế toán: “Chuẩn mực IAS 36 và điều kiện áp dụng chuẩn mực IAS 36 ở Việt Nam” của tác giả Chu Thúy Anh năm 2013. + Luận văn này có thể khẳng định là một công trình nghiên cứu khoa học chi tiết về chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36. Công trình này đã chỉ ra được lịch sử hình thành của chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36, nội dung chi tiết của chuẩn mực, thực trạng việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực này tại Việt Nam giai đoạn đầu năm 2013, điều kiện áp dụng và các giải pháp đề xuất để áp dụng chuẩn mực này tại Việt Nam trên nhiều phương diện như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam phù hợp với quốc tế, 553
  3. xây dựng các biện pháp và lộ trình để triển khai áp dụng, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng vv + Tuy nhiên, luận văn còn một số nội dung cần phải bổ sung nghiên cứu và làm rõ hơn. Cụ thể là, luận văn chưa đi sâu đề cập đến các nội dung cần thiết để có thể áp dụng chuẩn mực này tại Việt Nam như: mô hình tính giá, công tác thẩm định giá trị tài sản vv. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các công trình nêu trên, thông qua bài báo này tác giả sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu bổ sung và làm rõ các nội dung như sau: - Chi tiết nội dung chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 36: “Tổn thất tài sản”. - Công tác xây dựng và vận dụng chuẩn mực “Tổn thất tài sản” tại Việt Nam. - Đề xuất một số định hướng, giải pháp để xây dựng và áp dụng chuẩn mực: “Tổn thất tài sản” tại Việt Nam đối với một số phương diện chính như: xây dựng mô hình tính giá phù hợp, nâng cao công tác thẩm định giá trị tài sản, củng cố và phát triển nền kinh tế, môi trường kinh doanh vv NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 1. Khái quát về chuẩn mực ias 36: “tổn thất tài sản” Chuẩn mực này được công bố năm 1998. Mục đích của chuẩn mực này là để quy định các thủ tục mà một doanh nghiệp phải áp dụng đảm bảo rằng tài sản của doanh nghiệp được sử dụng nhỏ hơn giá trị có thể thu hồi của nó. Một tài sản được sử dụng vượt quá giá trị có thể thu hồi khi giá trị ghi sổ của nó vượt quá giá trị thu hồi, sẽ thu được qua việc sử dụng hoặc nhượng bán tài sản đó. Nếu trường hợp này xảy ra, tài sản đó phải được xem xét như là tổn thất và chuẩn mực này yêu cầu doanh nghiệp công nhận một khoản lỗ tổn thất. Chuẩn mực cũng quy định rõ khi nào doanh nghiệp nên ghi ngược lại một khoản lỗ tổn thất và quy định những công khai cụ thể về những tài sản bị tổn thất. Chuẩn mực này hướng dẫn chi tiết cho việc thực hiện nguyên tắc thận trọng trong việc tính toán giá trị tài sản được báo cáo trên bảng tổng kết tài sản. Chuẩn mực này không được áp dụng cho hàng tồn kho, những tài sản phát sinh từ các hợp đồng xây dựng, tài sản thuế trả chậm hoặc những tài sản phát sinh từ phúc lợi của người lao động bởi vì các chuẩn mực kế toán quốc tế hiện có có thể áp dụng được cho những loại tài sản này khi có những yêu cầu cụ thể để công nhận và đánh giá chúng. Chuẩn mực này áp dụng cho những tài sản có giá trị trên giá trị đánh giá lại (giá trị tương đương) theo các chuẩn mực kế toán quốc tế khác, như cách giải quyết khác được phép trong chuẩn mực kế toán quốc tế 16“ Bất động sản, nhà xưởng và máy móc thiết bị”. Chuẩn mực quy định các dấu hiệu bên ngoài và bên trong doanh nghiệp. Cụ thể, dấu hiệu bên ngoài như sự sụt giảm quan trọng giá thị trường của tài sản, sự thay đổi đáng kể ảnh hưởng không tốt cho đơn vị trong môi trường công nghệ, thị trường, kinh tế và luật pháp; tăng tỷ lệ lãi suất hoặc tỷ lệ hoàn vốn đầu tư của thị trường, giá trị ghi sổ của tài sản thuần cao hơn vốn thị trường. Dấu hiệu bên trong như sự hỏng hóc và lỗi thời của tài sản, sự thay đổi đáng kể ảnh hưởng không tốt đến đơn vị như tài sản không cần dùng, hoạt động kinh tế của tài sản đã và đang trở nên tồi tệ. Khi có dấu hiệu giảm giá trị tài sản, đơn 554
  4. vị tiến hành kiểm tra việc giảm giá trị tài sản, ngược lại, không yêu cầu đơn vị thực hiện kiểm tra giảm giá trị tài sản. Chuẩn mực cũng chỉ ra các phương pháp xác định giá trị thu hồi tài sản. Bao gồm: - Phương pháp giá trị hợp lý trừ chi phí bán tài sản (gọi tắt là giá trị hợp lý): xác định giá trị hợp lý của tài sản căn cứ vào hợp đồng kinh tế, giá cả thị trường hiện tại, giá của những tài sản tương đương Giá trị hợp lý được hiểu là giá trị có thể thu được từ việc bán tài sản trên cơ sở trao đổi ngang giá giữa các bên trừ đi chi phí bán tài sản đó. - Phương pháp giá trị sử dụng để xác định giá trị sử dụng của tài sản, đơn vị cần ước tính luồng tiền tương lai từ việc sử dụng tài sản đó, xác định sự thay đổi có thể có về giá trị và thời gian của luồng tiền trong tương lai, giá trị thời gian của tiền và các nhân tố khác. Giá trị sử dụng được hiểu là giá trị hiện tại của luồng tiền tương lai ước tính từ việc sử dụng tài sản hay đơn vị tạo tiền. Nếu giá trị hợp lý hoặc giá trị sử dụng cao hơn giá trị ghi sổ, thì không cần tính giá trị còn lại và khi đó tài sản không bị giảm giá trị. Nếu giá trị hợp lý không xác định được, đơn vị tiến hành xác định giá trị sử dụng của tài sản. Đối với tài sản chờ thanh lý, giá trị có thể thu hồi là giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán tài sản đó. Dự đoán luồng tiền cần dựa trên các giả định hợp lý, nguồn ngân sách gần đây nhất và không bao gồm luồng tiền phát sinh từ tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc cải thiện hoạt động của tài sản. Thời kỳ dự đoán thường không quá 5 năm; ước tính dự đoán luồng tiền ngoài thời kỳ dự đoán được ngoại suy dựa trên tỷ lệ tăng trưởng đều đặn hoặc giảm dần qua các năm tiếp theo. Trong việc xác định giá trị sử dụng, tỷ lệ chiết khấu trước thuế phản ánh việc đánh giá thị trường hiện tại của giá trị của đồng tiền theo thời gian và rủi ro riêng tài sản. Tỷ lệ chiết khấu không được phản ánh rủi ro dòng tiền trong tương lai đã được điều chỉnh Chi phí giảm giá trị của tài sản được ghi nhận trên Báo cáo kết quả kinh doanh khi giá trị thu hồi của tài sản thấp hơn giá trị ghi sổ. Giá trị có khả năng thu hồi cần phải được dự tính cho một tài sản riêng lẻ. Nếu không thể dự tính được thì doanh nghiệp xác định số có khả năng thu hồi được cho đơn vị phát sinh tiền của tài sản. Đơn vị tạo luồng tiền là nhóm tài sản nhỏ nhất có thể xác định, những tài sản này tạo ra dòng tiền từ việc tiếp tục sử dụng đơn vị tạo luồng tiền phần lớn độc lập với luồng tiền thu từ những tài sản hoặc nhóm tài sản khác Nguyên tắc ghi nhận và tính toán các khoản lỗ do giảm giá cho một đơn vị tạo luồng tiền cũng giống như những nguyên tắc áp dụng cho một tài sản đơn lẻ. Khi kiểm tra một đơn vị tạo luồng tiền để phát hiện ra việc giảm giá trị, giá trị lợi thế về tài sản của công ty liên quan đến đơn vị tạo luồng tiền sẽ còn phải được xem xét. Nếu có dấu hiệu cho thấy giá trị lợi thế hoặc một tài sản của công ty có thể bị giảm giá trị thì giá trị có khả năng thu hồi được xác định cho đơn vị tạo luồng tiền của nhóm tài sản. IAS 36 quy định cách xác định số kết chuyển của một đơn vị tạo luồng tiền và phân bổ khoản lỗ do giảm giá giữa các tài sản của một đơn vị. Một khoản lỗ do giảm giá được ghi nhận những năm trước cần được ghi bút toán đảo khi và chỉ khi có thay đổi trong những ước tính cho việc xác định số có khả năng thu hồi từ lần khoản lỗ do giảm giá gần nhất đã được ghi nhận. Số này chỉ được ghi đảo ở giới 555
  5. hạn không làm tăng số kết chuyển của một tài sản vượt quá số kết chuyển đáng ra đã được xác định cho tài sản đó nếu không có khoản lỗ do giảm giá nào được ghi nhận trong những năm trước. Một bút toán đảo cho một khoản lỗ do giảm giá cần được ghi nhận là thu nhập cho những tài sản được kết chuyển theo chi phí và hạch toán như một khoản tăng sau đánh giá lại cho những tài sản được kết chuyển theo giá trị đánh giá lại. Một khoản lỗ do giảm giá đối với giá trị lợi thế không được ghi đảo trừ khi khoản lỗ do giảm giá gây ra bởi một sự kiện cụ thể bên ngoài có bản chất bất thường không được dự tính là sẽ xảy ra và sự kiện bên ngoài tiếp theo làm đảo ngược ảnh hưởng của sự kiện đó. Vào lần áp dụng đầu tiên cho chuẩn mực này, cần áp dụng phương pháp tiếp diễn tức là không báo cáo lại thông tin so sánh. Những nội dung sau cần được công bố cho từng loại tài sản và cho từng bộ phận phải báo cáo theo hình thức chính của doanh nghiệp (nếu áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế 14). Đầu tiên là giá trị được ghi nhận trong báo cáo thu nhập đối với khoản lỗ do giảm giá và ghi đảo cho những khoản lỗ do giảm giá. Tiếp theo là giá trị được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu đối với lỗ do giảm giá trị và ghi đảo cho những khoản lỗ do giảm giá. Chuẩn mực cũng quy định trình bày cụ thể trong trường hợp chi phí giảm giá trị mang tính trọng yếu và không trọng yếu. 2. Chuẩn mực kế toán ias 36: “tổn thất tài sản” tại Việt Nam Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành QĐ 38/2000/QĐ/BTC ngày 14/03/2000 về việc ban hành và công bố áp dụng Hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và các công ty kiểm toán hoạt động tại Việt Nam. Cho đến năm 2008 trên thế giới đã có 30 chuẩn mực kế toán quốc tế IAS và 08 chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS được ban hành. Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới có ban hành được 26 chuẩn mực kế toán. Cụ thể đối với chuẩn mực về giảm giá trị tài sản hiện nay vẫn không có trong chuẩn mực kế toán Việt Nam. Do đó, tài sản chỉ được ghi nhận theo giá gốc và không được xem xét trên góc độ giảm giá trị. Tuy nhiên, tại Việt Nam đến nay cũng đã có những quy định liên quan đến giảm giá trị tài sản. Mặc dù những quy định này mới chỉ đề cập phần nào những nội dung liên quan tới giảm giá trị tài sản nhưng cũng được coi là nền móng đầu tiên, những tiền đề cho việc xây dựng và áp dụng chuẩn mực này tại Việt Nam. Những quy định đó phải kể đến như: - Thông tư 123 ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính thì phần chênh lệch đánh giá lại tài sản là phần chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại với giá trị còn lại của tài sản ghi trên sổ sách kế toán; - Thông tư 45/2013/TT-BTC Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định; tại khoản 4 điều 4 của thông tư đã đề cập tới các trường hợp có thể dẫn đến việc đánh giá lại giá trị tài sản cố định. - Thông tư 200/2014/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp đã nêu rõ cách thức ghi nhận khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản trên tài khoản 412 vv 556
  6. Trong hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, chuẩn mực về tổn thất tài sản chưa được ban hành, những chuẩn mực khác về tài sản như chuẩn mực về tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình vv thì chưa đề cập đến nội dung này. Tài sản hiện nay vẫn được ghi nhận và phản ánh hoàn toàn căn cứ vào giá gốc. Do đó, nếu như phát sinh một tài sản bị giảm giá trị thì chắc chắn số liệu trên các báo cáo tài chính (BCTC) của đơn vị mà cụ thể là tình hình về tài sản, tình hình tài chính hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không phản ánh chính xác tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của các nhà đầu tư, các nhà quản trị, những người sử dụng BCTC. Giả sử, tài sản chỉ bị giảm giá trị từ 1%-2% thì khi đó tình hình tài chính, kết quả kinh doanh đã có những thay đổi rõ rệt và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định của nhà đầu tư. Ta có thể thấy được tầm quan trọng của chuẩn mực “Tổn thất tài sản” đối với nền kinh tế như thế nào, mà đặc biệt là những người sử dụng BCTC, các nhà đầu tư. Chính vì vậy, việc xây dụng chuẩn mực này tại Việt Nam đang là vấn đề rất đáng quan tâm và lo lắng không chỉ của những người trực tiếp sử dụng BCTC mà còn của cả các cơ quan quản lý kinh tế, những nhà nghiên cứu và xây dựng chính sách. Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến việc hiện nay vẫn tồn tại sự thiếu thống nhất và hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS); mà cụ thể là trong hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam với 26 chuẩn mực đến nay vẫn chưa có chuẩn mực tương đương với IAS 36. Sự thiếu đồng bộ và hòa hợp này xuất phát bởi nhiều nguyên nhân. Theo quan điểm của của tác giả, những nguyên nhân chính phải kể đến như: Thứ nhất, chuẩn mực IAS 36 có thể coi là chuẩn mực có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về giải trình thông tin tài chính trong các đơn vị. Nhận thức được tầm quan trọng của chuẩn mực này rất nhiều quốc gia đã chấp nhận và vận dụng chuẩn mực này vào quá trình thực hiện công tác kế toán tài chính. Tuy nhiên, trong IAS mà cụ thể đối với chuẩn mực IAS 36 việc ghi nhận được thực hiện theo giá trị hợp lý, giá trị sử dụng; nhưng với VAS việc ghi nhận hiện nay được thực hiện theo giá gốc là chủ yếu. Điều này đã tạo ra sự khác biệt, gây ra những khó khăn nhất định trong việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực này tại Việt Nam. Thứ hai, chuẩn mực kế toán quốc tế cho phép sử dụng một cách linh hoạt các ước tính, dự đoán mà điều này được hiện hữu trong chuẩn mực IAS 36 rất rõ ràng (giá trị sử dụng, giá trị hợp lý). Nhưng trong chuẩn mực kế toán Việt Nam với nguyên tắc thận trọng thì những ước tính kế toán này sẽ bị hạn chế rất nhiều, điều này khiến cho những thông tin trên báo cáo tài chính có khả năng bị giảm tính hợp lý không phản ánh chính xác so với thực tế. Sự khác biệt này đã tạo ra rào cản cho việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực tổn thất tài sản tại nước ta. Thứ ba, hiện nay nền kinh tế thị trường ở nước ta đang trong giai đoạn phát triển, thị trường chứng khoán, trị trường tài chính còn khá non trẻ, nhiều thông tin và dữ liệu chưa có cơ sở để tham chiếu. Tại Việt Nam khi hoạt động kế toán tài chính được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc, qua thời gian dài áp dụng nguyên tắc này đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể là mô hình giá gốc thiên về cung cấp thông tin quá khứ nên không thích hợp với các quyết định kinh tế trong môi trường kinh doanh hiện tại theo nền kinh tế thị 557
  7. trường. Khi mà các thông tin trên BCTC của đơn vị chưa đạt được độ tin cậy và tính hợp lý cao, bên cạnh đó cũng không có cơ sở để tham chiếu những thông tin này thì việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế mà cụ thể là chuẩn mực IAS 36 “tổn thất tài sản” tại Việt Nam là điều khá khó khăn. Thứ tư, mục tiêu của chuẩn mực IAS 36 là đảm bảo tài sản được ghi nhận không cao hơn giá trị có thể thu hồi của tài sản. Do đó, để có thể vận dụng chuẩn mực này thì việc định giá, thẩm định tài sản cần được tiến hành liên tục, chính xác. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực để thực hiện công tác định giá còn nhiều hạn chế về trình độ, các quy trình trong công tác định giá còn chưa thực sự khoa học dẫn đến khó có thể đảm bảo độ chính xác, tin cậy làm cơ sở cho việc nhận biết và áp dụng chuẩn mực IAS 36 tại Việt Nam. 3. Một số đề xuất cho việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực ias 36: “tổn thất tài sản” tại Việt Nam Mặc dù còn những hạn chế và khó khăn như đã nêu nhưng theo tác giả việc xây dựng, chuẩn hóa và vận dụng chuẩn mực IAS 36 vào Việt Nam là điều cần thiết, sẽ được thực hiện trong tương lai không xa. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực này ở Việt Nam đòi hỏi phải có lộ trình xây dựng phù hợp, phải có những định hướng và giải pháp thực hiện cụ thể. Theo ý kiến của tác giả, để thực hiện được nhiệm vụ này cần có những phương hướng và giải pháp như sau: Thứ nhất, việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực IAS 36 - tổn thất tài sản là điều tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, một quốc gia như Việt Nam với nền kinh tế thị trường còn non trẻ, môi trường kinh tế xã hội còn chưa thực sự phát triển ổn định và mạnh mẽ thì việc vận dụng chuẩn mực này vào nền kinh tế nước nhà cần phải được xem xét và vận dụng trong chừng mực nhất định, sao cho thật phù hợp với đặc điểm của tình hình kinh tế, xã hội nước ta. Thứ hai, để xây dựng và vận dụng chuẩn mực IAS 36 đòi hỏi cần có sự thống nhất của một hệ thống các chuẩn mực; do đó các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, cập nhật những chuẩn mực đã được ban hành. Đồng thời, các cơ quan này cũng cần bổ sung những chuẩn mực mới để đảm bảo sự thống nhất và hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế; tạo cơ sở cho việc áp dụng IAS 36 tại Việt Nam. Thứ ba, trong chuẩn mực IAS 36 xác định giá trị tài sản được thực hiện theo nguyên tắc giá trị hợp lý. Tại Việt Nam, giá trị hợp lý được định nghĩa trong chuẩn mực kế toán (VAS14) - Doanh thu và thu nhập khác; phương pháp xác định giá trị hợp lý được đề cập trong đoạn 24 của Chuẩn mực kế toán 04 (VAS 04) - Tài sản cố định vô hình và thông tư số 21/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xác định giá trị hợp lý trong xác định giá phí hợp nhất kinh doanh; còn lại chưa có hướng dẫn thống nhất nào về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán. Bên cạnh đó, trong các chuẩn mực kế toán số 03 (VAS 03) - Kế toán tài sản cố định hữu hình, chuẩn mực chung số 01 (VAS 01), chuẩn mực kế toán số 06 (VAS 06) - Thuê tài sản, chuẩn mực kế toán số 10 (VAS 10) - Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái hay chuẩn mực kế toán số 05 (VAS 05) - Bất động sản đầu tư cũng đề cập một phần nội dung về giá trị hợp lý. Giá trị 558
  8. hợp lý được kết hợp kế toán theo giá gốc và đánh giá lại phù hợp với từng loại tài sản và thời điểm lập báo cáo tài chính. Có thể nói, giá trị hợp lý đang được từng bước hình thành tại Việt Nam nhưng vẫn chưa được áp dụng chính thức trong kế toán, vẫn chưa có một định hướng cụ thể về cách sử dụng giá trị hợp lý mặc dù giá trị hợp lý đã được đề cập đến trong Luật Kế toán số 88/2015/QH13. Tại Việt Nam, giá trị hợp lý chưa được sử dụng để trình bày các khoản mục sau ghi nhận ban đầu, do đó mà chưa đạt được mục đích ghi nhận và trình bày các khoản mục trên báo cáo theo những biến đổi của thị trường. Chính vì vậy, để có thể xây dựng và vận dụng chuẩn mực “tổn thất tài sản” tại Việt Nam; ta cần phải quan tâm hơn đến việc xây dựng và áp dụng mô hình giá trị hợp lý vào quá trình ghi nhận và phản ánh tài sản trong các hoạt động kế toán tài chính. Cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước có thể tiến hành nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện chuẩn mực kế toán để đưa ra các hướng dẫn về việc áp dụng mô hình giá trị hợp lý, phương pháp xác định giá trị hợp lý vv để hướng dẫn và điều tiết nền kinh tế vận hành theo mô hình định giá này. Những hướng dẫn này sẽ là cơ sở để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng các chuẩn mực kế toán tiếp theo mà trong đó có chuẩn mực về đo lường giá trị hợp lý. Chuẩn mực này sẽ là nền tảng giúp cho các chuẩn mực khác liên quan tới tài sản được hoàn thiện và xây dựng tại Việt Nam trong đó có chuẩn mực IAS 36: “Tổn thất tài sản”. Thứ tư, trong chuẩn mực IAS 36, tài sản cần phải được định giá một cách nhanh chóng và chính xác. Chính vì vậy, để tạo nền móng cho việc vận dụng chuẩn mực tổn thất tài sản tại Việt Nam thì công tác định giá tài sản cần phải được cải thiện và nâng cao chất lượng. Cụ thể là, công tác thẩm định cần được tiến hành một cách thường xuyên để đảm bảo những thông tin về tài sản luôn được cập nhật; phản ánh đúng tình hình thực tế của tài sản. Hoạt động thẩm định phải được tiến hành bởi một đội ngũ có trình độ cao nhiều kinh nghiệm. Các đơn vị cũng cần xây dựng quy trình thẩm định tài sản một cách chi tiết, phù hợp cho từng loại hình tài sản để đảm bảo sự chính xác và đáng tin cậy. Thứ năm, đất nước ta với nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn phát triển, thị trường chứng khoán và thị trường tài chính vẫn còn non kém, những thông tin về kinh tế tài chính chưa đạt độ tin cậy cao do còn thiếu cơ sở đo lường, tham chiếu dữ liệu. Chính vì vậy, việc xây dựng và vận dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế mà cụ thể là chuẩn mực kế toán IAS 36 với nền tảng là đo lường theo giá trị hợp lý sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại. Do vậy, Việt Nam cần phải từng bước hoàn thiện nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, cần điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống luật pháp và các thể lệ tài chính để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu của chuẩn mực kế toán quốc tế, các thông lệ quốc tế. Điều này sẽ đảm bảo cho các thông tin trên thị trường tài chính, thị trường chứng khoán vv tăng tính minh bạch, thuận lợi hơn cho công tác tìm kiếm thông tin dữ liệu tham chiếu; tạo thuận lợi cho công tác thẩm định định giá tài sản giúp cho việc xây dựng và vận dụng chuẩn mực tổn thất tài sản có cơ sở được thực hiện. Kết luận Hiện nay, trước yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế việc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán ngày càng trở nên cần thiết. Việc xây dựng và áp dụng chuẩn mực kế toán IAS 36: “Tổn thất tài sản” tại Việt Nam là công việc cần phải thực hiện trong thời gian sắp 559
  9. tới. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia có những nét riêng về đặc điểm xã hội, nền kinh tề, lịch sử và văn hóa nên cách tiếp cận các chuẩn mực kế toán quốc tế là không đồng nhất. Với chuẩn mực IAS 36 có những quốc gia tiến hành áp dụng một cách toàn văn, có quốc gia sử dụng làm cơ sở để xây dựng chuẩn mực phù hợp với quốc gia mình, có quốc gia thì dù đã có hệ thống chuẩn mực riêng nhưng cũng sửa đổi để hòa hợp với các thông lệ quốc tế. Trong thời gian tới, để xây dựng và đưa chuẩn mực kế toán IAS 36 vào nền kinh tế Việt Nam, thì cần phải có lộ trình phù hợp với nước ta. Với những giải pháp được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong từng giai đoạn, hy vọng trong tương lai không xa chuẩn mực về tổn thất tài sản sẽ được xây dựng và áp dụng tại Việt Nam, giúp đáp ứng hiệu quả yêu cầu hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chu Thúy Anh(2013), Chuẩn mực IAS 36 và điều kiện áp dụng chuẩn mực IAS 36 ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ kế toán, ĐH Công nghệ TP.HCM. 2. Bộ Tài chính, 26 chuẩn mực kế toán , ban hành từ năm 2001 đến 2005; 3. Trần Mạnh Dũng, “Giảm giá trị của tài sản và sự ảo tưởng về giá trị thực của các tài sản trong các doanh nghiệp tại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán. 4. Nguyễn Thị Đông & Nguyễn Minh Phương (2002), Kế toán quốc tế, NXB Thống kê, Hà Nội. 5. Ngô Thị Thu Hồng & Bùi Thị Hằng (2016), “Nguyên tắc giá trị hợp lý theo Luật kế toán: Lý luận và định hướng áp dụng ở Việt Nam”, Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 11/2016 6. Võ Văn Nhị & Lê Hoàng Phúc (2011), “Sự hoà hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế - Thực trạng, nguyên nhân và định hướng phát triển”, Tạp chí Kiểm toán số 12/ 2011. 7. Lê Hoàng Phúc(2012), “Thực trạng và định hướng sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam”, Tạp chí Kiểm toán số 1/2012. 8. Hennie Van Greuning Marius Koen(2000), Các chuẩn mực kế toán quốc tế, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội. 560