Cơ sở lý thuyết về thương mại tự do và các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Cơ sở lý thuyết về thương mại tự do và các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- co_so_ly_thuyet_ve_thuong_mai_tu_do_va_cac_tac_dong_cua_cac.pdf
Nội dung text: Cơ sở lý thuyết về thương mại tự do và các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ THƯƠNG MẠI TỰ DO VÀ CÁC TÁC ĐỘNG CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM ThS. Lê Vũ Tường Vy Trường Đại học Quy Nhơn TÓM TẮT Trải qua nhiều thế kỷ, thực tiễn thường xuyên biến đổi, xã hội ngày càng hiện đại văn minh; nhưng các tư tưởng của lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith, đặc biệt là lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo vẫn còn sống mãi, vẫn được những con người của xã hội hiện đại tiếp tục nghiên cứu và vận dụng vào đời sống thực tiễn của mỗi quốc gia. Nghiên cứu các lý thuyết thương mại tự do (TMTD), Việt Nam đã mở cửa và công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng đã tạo nên những gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là một trong những nước có nền kinh tế hướng xuất khẩu mạnh mẽ nhất trong khối các nước ASEAN. Trong tiến trình này có sự tác động không nhỏ của các hiệp định TMTD đã được ký kết. Bài viết tập trung phân tích cơ sở lý thuyết về TMTD và làm rõ các tác động của các hiệp định TMTD đến nền kinh tế Việt Nam. Từ khóa: FTA, hiệp định thương mại tự do, Thương mại tự do 1. Đặt vấn đề 1.1. Sự cần thiết lựa chọn vấn đề nghiên cứu Lý thuyết thương mại tự do (TMTD) là một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh, phát triển từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Lý thuyết sau bao giờ cũng có sự kế thừa và phát triển của lý thuyết trước và mang tính khoa học ngày càng cao, ngày càng sát với thực tiễn. minh họa là lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo là lý thuyết cơ sở cơ bản của thương mại quốc tế. Tuy vẫn còn một số hạn chế, nhưng lý thuyết lợi thế so sánh có một ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đối với mọi quốc gia. Những nhà kinh tế đi sau và theo Ricardo đã bổ sung và hoàn thiện lý thuyết lợi thế so sánh sát với thực tiễn, làm phong phú lý thuyết lợi thế so sánh. Việc nghiên cứu và vận dụng lý thuyết TMTD vào tình hình cụ thể của Việt Nam là việc làm cần thiết, góp phần nhận diện lợi thế so sánh của Việt Nam; trên cơ sở đó có những định hướng và giải pháp thích hợp nhằm phát huy và phát triển lợi thế so sánh của Việt Nam trong phân công lao động quốc tế góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại trong bối cảnh mới. Nghiên cứu các lý thuyết TMTD, vận dụng lý thuyết TMTD giải thích cho TMTD ở Việt Nam: Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith: Việt Nam đã xác định được lợi thế của mình sản xuất nông nghiệp và sản xuất những mặt hàng sử dụng nhiều lao động. Trong thời gian này Việt Nam chủ yếu tập trung xuất khẩu những mặt hàng nông sản, những mặt hàng thô chưa qua sơ chế và sau này là những mặt hàng như dệt may, giày dép những mặt hàng sử dụng nhiều lao động. Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo: Việt Nam đã xác định XK những mặt hàng lợi thế của mình và những mặt hàng Việt Nam ít bất lợi nhất theo quan điểm của lợi thế so sánh, tham gia vào hoạt động ngoại thương Việt Nam chú trọng XK mặt hàng thế mạnh là nông sản và hàng tiêu dùng nhưng bên cạnh đó còn chú trọng những mặt hàng khác. 33
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Mô hình Heckscher-Ohlin: trước đây Việt Nam chủ yếu XK các mặt hàng thô có hàm lượng lao động cao như: than, cà phê, dầu thô, may mặc đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế do có nguồn nguyên vật liệu phong phú, đa dạng; nguồn nhân công dồi dào, giá nhân công rẻ nhưng hiện tại Việt Nam đang tích cực và chủ trương thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ bên ngoài để thay thế mặt hàng XK theo hướng tăng mặt hàng có hàm lượng chất xám cao để tăng kim ngạch XK, đồng thời giảm các mặt hàng là nguyên liệu thô chưa qua sơ chế để sử dụng một cách có hiệu quả hơn các nguồn lực để phát triển kinh tế một cách bền vững. Việc nghiên cứu và vận dụng lý thuyết TMTD vào tình hình cụ thể của Việt Nam là việc làm cần thiết, góp phần nhận diện lợi thế so sánh của Việt Nam; trên cơ sở đó có những định hướng và giải pháp thích hợp nhằm phát huy và phát triển lợi thế so sánh của Việt Nam trong phân công lao động quốc tế góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại trong bối cảnh mới. Nắm bắt được tình hình, Việt Nam đã chủ trương mở cửa nền kinh tế. Sau khi gia nhập WTO (2007), Việt Nam chính thức bước chân vào trường quốc tế và đang nỗ lực hội nhập kinh tế thế giới. Sự góp mặt của Việt Nam trên sân chơi kinh tế toàn cầu thể hiện qua việc Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do. Thương mại tự do là chính sách phổ biến giữa các chính trị gia, doanh nhân và các nhà kinh tế. Các chuyên gia tin rằng thương mại tự do là một giải pháp hữu hiệu cho các nước bởi những lý do sau: Thị trường mở rộng, cơ hội mở rộng Hiệp định tự do thương mại khu vực tạo điều kiện cho hàng hóa và dịch vụ tự do qua biên giới bằng cách giảm các rào cản thương mại truyền thống như thuế quan, hạn ngạch và lệnh cấm. Thiết lập một môi trường thương mại không hạn chế và không thiên vị đã thúc đẩy cạnh tranh, truyền cảm hứng cho đổi mới và tạo ra lợi ích cho tất cả các bên. Mặc dù cạnh tranh quốc tế có thể gây tổn hại cho một số ngành trong nước nhưng cuối cùng nó cũng mang lại sự ổn định kinh tế và xã hội lớn hơn cho các quốc gia, nhiều cơ hội tiếp cận với các thị trường mới và tăng vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các mức giá thấp hơn và nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Nền kinh tế mạnh mẽ hơn Hiệp định tự do thương mại khu vực đặt các nước trên một con đường chung dẫn đến sự thịnh vượng. Từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tới tăng cường an ninh khu vực, thương mại tự do cho phép các nước tham gia có được một loạt các lợi ích về kinh tế, xã hội và chính trị. Cạnh tranh, đổi mới và chuyển giao kiến thức được kích thích bởi tự do thương mại đã tạo ra sự tăng trưởng ở các nước phát triển và cũng như đang phát triển. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bhutan đã tăng hơn 77% kể từ khi ký kết Hiệp định tự do thương mại khu vực Nam Á (SAFTA). Các nước SAFTA khác như Ấn Độ và Sri Lanka cũng đã đạt được mức tăng trưởng tương tự. Ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế, thương mại tự do còn làm tăng mức độ hấp dẫn đầu tư của một quốc gia. Bằng cách giảm thiểu các hạn chế thương mại và khuyến khích minh bạch hơn, các Hiệp định tự do thương mại khu vực đã tạo ra một khả năng tiên liệu về kinh tế, làm an lòng các nhà đầu tư và làm tăng khả năng đầu tư. Ví dụ như, theo Ngân hàng Thế giới, dòng vốn ròng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến Kenya đã tăng hơn 250% sau khi nó góp phần hình thành khối thương mại Cộng đồng Đông Phi (EAC). Mức sống được cải thiện Thương mại tự do cũng tạo ra các lợi ích xã hội. Những nước cởi mở hơn đối với thương mại quốc tế đều có tỉ lệ có việc làm cao hơn, thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn so với các quốc gia hạn chế thương mại. Ví dụ, tỷ lệ hộ nghèo của Mê-hi-cô, theo Ngân hàng Thế giới định nghĩa là tỷ lệ dân số sống dưới mức 2 USD một ngày, đã giảm 63% kể từ khi nước này ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994. Hơn nữa, tại Mê-hicô, những ngành xuất khẩu từ 60% các sản phẩm của mình trở lên trả lương cao hơn 39% so với các ngành không xuất khẩu (XK). Canada cũng được hưởng các lợi ích xã hội của 34
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng NAFTA; theo Ngân hàng Thế giới, nước này đã giảm 23% tỉ lệ thất nghiệp kể từ khi ký thỏa thuận tự do thương mại khu vực. Quản trị tốt hơn Các hiệp định tự do thương mại khu vực cũng thúc đẩy quản trị tốt bằng cách kết hợp các cam kết ràng buộc với minh bạch, thủ tục đúng đắn và trách nhiệm giải trình trước công chúng. Trong khi mức sống được cải thiện khiến người ta ít cần phải tham nhũng hơn, thì các cam kết quốc tế đã khiến tham nhũng không còn cơ hội nảy nở và phát triển. Đối với Rwanda, theo bộ Chỉ số Quản trị Toàn cầu (WGI) của Ngân hàng Thế giới, việc gia nhập Cộng đồng kinh tế Đông Phi EAC đã góp phần giảm 220% tham nhũng. Các quốc gia khác cũng đã gặt hái được những lợi ích chính trị từ thương mại tự do. Ví dụ, El Salvador đã được cải thiện mức xếp hạng xã hội pháp quyền WGI của mình lên 92% và xếp hạng chất lượng quản lý nhà nước của mình lên 388% từ khi tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Cộng hòa Dominica - Trung Mỹ - Hoa Kỳ (CAFTA- DR). Những quốc gia khác cùng kí tên trong Hiệp định này là Honduras và Nicaragua cũng đã có những cải thiện tương tự. An ninh được tăng cường Ổn định chính trị và thịnh vượng cá nhân được đẩy mạnh nhờ tự do thương mại cũng dẫn đến tăng cường an ninh và ổn định khu vực. Khi các quốc gia giao thương tự do, họ trở nên gắn kết với nhau hơn về mặt kinh tế và ít có khả năng đi đến chiến tranh. Ví dụ, kể từ khi hình thành Liên minh châu Âu, lục địa đã trải qua hai cuộc thế chiến giờ đây là nơi có những quốc gia an bình nhất trên thế giới. Đơn giản vì con đường dẫn đến sự thịnh vượng cũng là con đường dẫn tới hòa bình. Trên đây là những tác động tích cực của thương mại tự do (Trích Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2013). Tuy nhiên, những tác động của thương mại tự do đối với các nền kinh tế mới nổi không phải lúc nào cũng tích cực. Vì vậy, Việt Nam cũng phải nhận thức rõ ràng những tác động tích cực, thuận lợi và khó khăn, thách thức của thương mại tự do đối với các nước đang phát triển. Xuất phát từ hai lý do trên tác giả đã thực hiện nghiên cứu: “Cơ sở lý thuyết về thương mại tự do và các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam”. 1.2. Vấn đề nghiên cứu Vấn đề thứ nhất chính là nghiên cứu cơ sở lý thuyết về tự do thương mại mà sau này Việt Nam đã vận dụng chúng vào thực tiễn thương mại quốc tế tại Việt Nam. Vấn đề thứ hai thực tế các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam. 1.3. Nội dung nghiên cứu - Cơ sở lý thuyết về tự do thương mại - Các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam: Phân tích tác động tích cực, thuận lợi; khó khăn, thách thức và đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới. 2. Cơ sở lý thuyết về tự do thương mại 2.1. Khái niệm Tự do thương mại là chính sách kinh tế mà theo đó Chính phủ không phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu (NK) hoặc cản trở XK bằng việc áp dụng thuế đối với hàng NK hoặc trợ cấp cho các loại hàng hóa XK, do vậy khi các quốc gia có tự do thương mại thì sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các nước được thực hiện không có sự kiểm soát bằng những chính sách quản lý NK. Với chính sách này thì các quốc gia sẽ điều chỉnh chính sách thương mại của mình theo hướng giảm thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển hoạt động thương mại cả bề rộng lẫn chiều sâu. Tự do thương mại sẽ tạo điều mở rộng quy mô XK của mỗi nước đồng thời nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc NK, mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ các nước khác thâm nhập thị trường nội địa dễ dàng hơn. 35
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 2.2. Lý thuyết tự do thương mại 2.2.1. Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith Trên cơ sở vận dụng học thuyết giá trị - lao động, Adam Smith cho rằng cơ sở để trao đổi thương mại giữa các quốc gia chính là lợi thế tuyệt đối. Lợi thế tuyệt đối trong lý thuyết của Adam Smith là chi phí sản xuất thấp hơn. Mỗi quốc gia có lợi thế tuyệt đối về một sản phẩm nào đó và các quốc gia sẽ có lợi nếu mỗi quốc gia chuyên môn hóa sản xuất sản phẩm mà mình có lợi thế tuyệt đối rồi đem so sánh trao đổi cho nhau. Lý thuyết lợi thế của Adam Smith đề cao vai trò cá nhân và doanh nghiệp, ủng hộ một nền thương mại tự do, không có sự can thiệp Chính phủ. Việc không có sự can thiệp của Chính phủ đối với hoạt động thị trường không chỉ góp phần làm tăng tỷ lệ tiết kiệm xã hội mà nó còn góp phần mở rộng thị trường. Nếu xóa bỏ độc quyền thương mại và các biện pháp bảo hộ thì thị trường trong nước sẽ được hội nhập với thị trường quốc tế, khi đó sẽ tạo ra một thị trường tự do và rộng lớn là điều kiện đủ để thúc đẩy phân công lao động, đảm bảo sự tăng trưởng mỗi quốc gia. 2.2.2. Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo Bằng lý thuyết lợi thế so sánh, Ricardo đã chứng minh rằng thương mại mang lại lợi ích cho các bên tham gia và minh họa cho tầm quan trọng của chính sách tự do thương mại đối với chính sách phát triển của một quốc gia. Ricardo lập luận rằng trong hệ thống tự do thương mại, mỗi nước sẽ phân bổ vốn và lao động của quốc gia mình theo hướng có lợi và hiệu quả nhất do vậy khi các quốc gia tập trung vào sản xuất sản phẩm mà mình có lợi thế so sánh thì tổng sản lượng của mỗi loại hàng hóa trên toàn thế giới sẽ gia tăng và kết quả là tất cả các quốc gia đều trở nên giàu có hơn. Quy luật lợi thế so sánh cho phép các quốc gia dù không có lợi thế tuyệt đối vẫn có thể tham gia vào thương mại thế giới để làm lợi cho mình dựa vào các hàng hóa mà nước đó có lợi thế so sánh. Lý thuyết lợi thế so sánh được xây dựng dựa trên sự nhận thức về giá tương đối, có nghĩa là mỗi quốc gia cần sản xuất các ngành hàng phù hợp nhất với điều kiện của họ, đó là lợi thế tự nhiên hay tổng hợp và trao đổi hàng hóa được sản xuất bởi các nước khác. Sự đánh đổi giữa các sản phẩm hàng hóa giữa các bên sản xuất như vậy được gọi là chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội để tạo ra một đơn vị hàng hóa là số lượng của hàng hóa khác phải từ bỏ để tạo ra nguồn lực sản xuất ra loại hàng hóa đó. Như vậy chi phí cơ hội được xác định bằng chi phí tương đối của một sản phẩm hàng hóa so với hàng hóa khác và một quốc gia sẽ sản xuất các loại hàng hóa có chi phí thấp nhất. Khi các quốc gia tham gia vào trao đổi thương mại quốc tế, số lượng và chủng loại hàng hóa dành cho tiêu dùng tăng lên và khi tiêu dùng tăng thì tổng thu nhập tăng lên, điều này sẽ tạo điều kiện cho tiết kiệm tăng từ đó dẫn đến tích lũy được vốn trong nền kinh tế. (Ricardo & Fogarty, 1995) Mặc dù còn có những hạn chế nhất định như mô hình Ricardo chỉ tính đến một yếu tố sản xuất duy nhất là lao động và sản phẩm được trao đổi giữa các quốc gia chỉ phụ thuộc vào duy nhất chi phí sản xuất ra chúng nhưng quy luật lợi thế so sánh của Ricardo là một trong những quy luật quan trọng nhất của kinh tế thương mại (Quốc tế) và cho đến nay, bản chất của quy luật này không hề thay đổi. Nó đúng với mọi quốc gia trên thế giới. 2.2.3. Mô hình Heckscher-Ohlin Mô hình Heckscher-Ohlin cũng được xây dựng dựa trên giá định cơ bản giống như mô hình Ricardo nghĩa là thương mại quốc tế xảy ra sự khác biệt về chi phí tương đối giữa các nước. Trong mô hình Heckscher-Ohlin đất đai được thêm vào như là yếu tố thứ hai của sản xuất để phản ánh các nguồn lực tài nguyên. Lợi thế so sánh được xác định bởi sự khác biệt trong giá tương đối của các yếu tố sản xuất cũng như tỷ lệ khác nhau của các yếu tố này được sử dụng trong sản xuất. Sự khác biệt về giá tương đối được xác định bằng sự khan hiếm tương đối các nguồn lực sản xuất, do đó giá tương đối của hàng hóa được sản xuất bằng các yếu tố khan hiếm đắt hơn so với hàng hóa cùng loại được sản xuất bằng các yếu tố dư thừa. Mỗi quốc gia 36
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng sẽ có lợi thế trong việc sản xuất những hàng hóa mà nó sử dụng các yếu tố sản xuất đặc biệt rẻ so với các quốc gia khác và như vậy các quốc gia sẽ có lợi khi XK những hàng hóa như vậy và NK hàng hóa không có lợi thế sản xuất do chi phí sản xuất tương đối đắt so với NK chúng. Điều kiện tiên quyết để mô hình Heckscher-Ohlin hoạt động tối ưu đó là thương mại phải được tự do hoàn toàn, không có thuế quan và những cản trở phi thuế quan khác vì Heckscher lập luận rằng tự do thương mại là chính sách thương mại tốt nhất do “ nó tạo ra khả năng thỏa mãn tối đa mong muốn của con người” Heckscher et al (1991,68). Ngoài ra, tự do thương mại sẽ phát huy hiệu quả việc phân bố các tài nguyên do đó điểm sẩn lượng cân bằng của nền kinh tế được dịch chuyển ra ngoài đường giới hạn khả năng sản xuất của quốc gia (bao gồm toàn bộ khả năng tăng trưởng trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa). Hai nhà kinh tế học Heckscher và Ohlin ngoài việc phát triển các lý thuyết về lợi thế so sánh bao gồm cả đất đai như là một yếu tố bổ sung cho lao động trong hàm sản xuất, họ còn đóng góp cho khung lý thuyết thương mại quốc tế bằng cách phát triển định lý cân bằng giá yếu tố sản xuất. Cốt lõi của định lý này là giá cả tương đối cảu các hàng hóa sẽ cân bằng. Tuy nhiên, hai giả định tạo nên sự cân bằng đó là các kỹ thuật sản xuất được sử dụng như nhau và giả định rằng mối quan hệ giữa giá hàng hóa và các yếu tố là mối quan hệ đồng biến, do đó khi giá cả hàng hóa cân bằng thì điều tương tự xảy ra đối với các yếu tố tương tự như đất đai, lao động và vốn. Định lý này cho thấy các nước có lao động giá rẻ có lợi thế so sánh so với các nước có chi phí cho lao động cao trong các hàng hóa thâm dụng nhiều lao động, chẳng hạn như các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Chi phí (giá) cho lao động, đó là tiền lương, theo đó được dự báo sẽ cân bằng khi các nước tham gia vào thương mại quốc tế trong điều kiện tự do thương mại. Như vậy, trao đổi thương mại không chỉ dẫn tới cân bằng giá của hàng hóa mà còn làm cân bằng các yếu tố sản xuất mà không phụ thuộc vào nhu cầu hay khả năng cung ứng các yếu tố sản xuất của mỗi quốc gia. Định luật này nhấn mạnh đến sự thay thế và di chuyển các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia nhằm đạt được trạng thái cân bằng tương đối và tuyệt đối. Mô hình Heckscher-Ohlin đã lý giải được quá trình giao thương giữa các quốc gia dựa vào các yếu tố sản xuất dư thừa và giá thấp, nghĩa là một quốc gia chỉ sản xuất và XK những hàng hóa nào mà nó thâm dụng các yếu tố dư thừa các quốc gia đó. 2.2.4. Lý thuyết thương mại mới Theo Ricardo và Heckscher-Ohlin, lý do xảy ra trao đổi thương mại giữa các quốc gia là do sự khác biệt tương đối các yếu tố sản xuất của mỗi quốc gia đối với hàng hóa và các quốc gia sẽ XK hàng hóa thâm dụng các yếu tố dư thừa và NK hàng hóa thâm dụng yếu tố khan hiếm. Như vậy bản chất của hàng hóa XK và NK trong mô hình này là khác nhau. Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế lại có hiện tượng là giữa các nước mặc dù nguồn lực cũng như năng suất lao động không khác biệt nhiều nhưng trao đổi thương mại giữa các nước này lại khá lớn ví dụ như Nhật và Hàn quốc, Pháp và Đức, Mỹ và Canada. Ngoài ra các nước phát triển trao đổi thương mại với nhau không phải chỉ có mua bán những sản phẩm do khác biệt về nguồn lực hay năng suất, nghĩa là bán hàng hóa này và mua hàng hóa khác mà họ còn buôn bán với nhau cùng một loại sản phẩm như ô tô hoặc rượu. Như vậy, nếu vận dụng các lý thuyết thương mại của Ricardo hay Heckscher- Ohlin nói trên thì sẽ không thể giải thích một cách thuyết phục và các hiện tượng trao đổi thương mại này. Từ khi các nhà kinh tế nhận thấy hiện tượng trao đổi thương mại này đã cố gắng giải thích bằng lý thuyết thương mại mọi ngành nhưng vẫn chưa giải thích được một cách toàn diện và triệt để. Đến năm 1979, bằng bài viết (Tăng lợi nhuận, cạnh tranh độc quyền và thương mại quốc tế). Paul Krugman đã đánh dấu sự ra đời của lý thuyết thương mại mới trên cơ sở lý luận về lợi ích kinh tế theo quy mô, sự đa dạng về sở thích của người tiêu dùng và cạnh tranh độc quyền. Krugman lý luận rằng sự khác biệt cơ bản giữa các quốc gia chỉ là một lý do giải thích tại sao thương mại diễn ra. Các quốc gia cũng trao đổi thương mại bởi vì những lợi thế được tạo ra bằng sự chuyên môn hóa làm tăng lợi nhuận trong một ngành không liên quan đến lợi thế so sánh. Thương mại nội ngành là đặc trưng trong thương mại quốc tế. Ví dụ: Pháp XK rượu vang sang Nam Phi và đồng thời cũng NK rượu từ Nam Phi về điều này sẽ không thích hợp trong mô hình dựa trên lợi thế so sánh. Tuy nhiên, mô hình thương mại nội ngành không thể tự dự báo vì thương mại nội ngành xảy ra do sự 37
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng khác biệt hóa trong sản xuất các sản phẩm cùng loại nhằm cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn về chất lượng hàng hóa (như mặc hàng rượu chẳng hạn). Do lợi thế theo quy mô sản xuất dẫn đến sự phân chia ngẫu nhiên lao động giữa các quốc gia. Như vậy, lý thuyết thương mại mới tập trung nhiều vào phân bổ nguồn lực hơn là sản xuất hàng hóa để giải thích cho lợi ích từ thương mại (Krugman, 1990). Ngày nay, công nghệ là một động lực cho chuyên môn hóa quốc tế, trong nhiều ngành công nghiệp, kiến thức có được từ nghiên cứu và phát triển và kinh nghiệm có thể quyết định lợi thế cạnh tranh quốc gia. Đổi mới công nghệ có thể tạo ra hiệu ứng lan truyền tới phần còn lại của nền kinh tế. 3. Những tác động của hiệp định thương mại tự do đối với kinh tế Việt Nam 3.1. Việt Nam và các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) Sau khi gia nhập WTO (2007), Việt Nam chính thức bước chân vào trường quốc tế và đang nỗ lực hội nhập kinh tế thế giới. Sự góp mặt của Việt Nam trên sân chơi kinh tế toàn cầu thể hiện qua việc Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do, 3 Hiệp định đang trong vòng đàm phán và 1 Hiệp định đang trong quá trình xem xét (số liệu tính đến tháng 03/2018). Các hiệp định đã ký kết: TPP – CPTPP; ASEAN-AEC; ASEAN - Ấn Độ; ASEAN – Australia/New Zealand; ASEAN – Hàn Quốc; ASEAN – Nhật Bản; ASEAN – Trung Quốc; Việt Nam – Nhật Bản; Việt Nam – Chile; Việt Nam – Hàn Quốc; Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu; ASEAN - Hồng Kông Các hiệp định chưa ký kết: RCEP (ASEAN+6): Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. Hiện tại Hiệp định này vẫn đang trong quá trình đàm phán. Việt Nam – EU: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 1/12/2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Hiện tại, hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định và lên kế hoạch ký kết hiệp định trong năm 2018. Việt Nam – EFTA: Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012. Hiện tại FTA này vẫn đang trong quá trình đàm phán. Việt Nam – Israel: Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel bắt đầu khởi động đàm phán từ ngày 2/12/2015. Hiện tại FTA này vẫn đang trong quá trình đàm phán. FTA – Free Trade Agreement hay Hiệp định Thương mại tự do được xác lập trên cơ sở tự do đàm phán, thỏa thuận về các ưu đãi đối với thuế NK, XK; hạn ngạch và lệ phí đối với hàng hóa theo lộ trình chung hướng tới cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các quốc gia tham gia Hiệp định, nhằm tiến tới xây dựng một khu vực mậu dịch tự do. FTA bao gồm 04 loại là: + FTA song phương: đàm phán và ký kết giữa hai quốc gia; + FTA đa phương: đàm phán và ký kết giữa nhiều quốc gia khác nhau; + FTA khu vực: đàm phán và ký kết giữa các quốc gia trong cùng một khu vực; + FTA giữa một quốc gia với một tổ chức. Nội dung chính trong các FTA: Với mục đích xây dựng một thỏa thuận chung cho các nước thành viên của FTA tự nguyện cắt giảm và được tiếp nhận các ưu đãi về thuế, lệ phí và hạn ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu nên thông thường Hiệp định Thương mại hàng hóa sẽ bao gồm 04 nội dung chính sau: 38
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng + Một là, nội dung về cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan; + Hai là, đưa ra danh mục mặt hàng, lĩnh vực được cắt giảm thuế quan; + Ba là, lộ trình cắt giảm thuế quan; + Bốn là, các quy định về quy tắc xuất xứ của hàng hóa. 3.2. Hiệp định thương mại tự do và những tác động tới kinh tế Việt Nam 3.2.1. Những mặt tích cực, thuận lợi Một là, Thị trường mở rộng, cơ hội mở rộng, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ Nhìn nhận một cách khách quan, khi tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng mới. Lợi ích đầu tiên đó là cơ hội mới cho phát triển XK. Có thể thấy rất rõ cơ hội này khi các nước xóa bỏ thuế NK cho hàng hóa của Việt Nam. “Như với AEC, các doanh nghiệp (DN), hàng hóa của Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường của cả 10 nước ASEAN với 620 triệu người tiêu dùng. Hay như Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ giúp nâng mức tăng XK lên 21%/năm, giúp XK của Việt Nam vào EU trong năm 2020 tăng thêm 16 tỉ USD so với trường hợp không có EVFTA. Bên cạnh đó, khi tham gia vào các hiệp định bao gồm nhiều nước, như Hiệp định TPP, cơ hội để Việt Nam tham gia vào một chuỗi cung ứng mới hình thành trong khu vực sẽ rất cao. Nếu các DN tận dụng được cơ hội để trở thành một thành tố, một mắt xích trong dây chuyền cung ứng đó thì khả năng phát triển sản xuất, vươn ra phạm vi toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với việc tự tìm thị trường”. Bên cạnh việc mở rộng thị trường, việc tham gia các Hiệp định FTA cũng giúp các doanh nghiệp có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Cho đến nay, 70% NK của Việt Nam đến từ khu vực Đông Á và hơn 50% XK là vào khu vực này. Nếu có tình huống bất lợi nào đó xảy ra trong khu vực thì hoạt động xuất nhập khẩu lập tức sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, XK lại là động lực chính của tăng trưởng GDP. “Vì vậy, Việt Nam có nhu cầu cân bằng lại thị trường, dẫn đến việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Liên minh Hải quan và Hoa Kỳ. Các hiệp định này sẽ giúp chúng ta cân bằng lại thị trường xuất nhập khẩu của mình. Đây là một định hướng chiến lược”. Khi có quan hệ FTA thì khi đi vào các thị trường như Châu Âu hay Bắc Mỹ hàng hóa xuất khẩu của các DN Việt Nam sẽ có lợi thế trong trung hạn trước các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các đối thủ trong khu vực. “Một cơ hội rất lớn mà các Hiệp định FTA thế hệ mới đem lại là giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, một định hướng lớn của Đảng, và hỗ trợ tích cực trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế theo hướng cải thiện cơ chế điều hành kinh doanh, tạo ra một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới, thuận lợi, thông thoáng hơn, minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn trước đây. Mô tả từ thực tiễn Việt Nam Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy các thế hệ hiệp định thương mại tự do (FTA) nối tiếp nhau diễn ra trong quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa. Mức độ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đã chuyển dần từ thấp lên cao, từ hẹp sang rộng, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế khu vực và thế giới. Các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, nội dung đều vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và một phần đầu tư, đề cập nhiều đến thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, DN nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và cả những quy định “ngoài kinh tế” hay “kinh tế chính trị”. Các FTA này khi có hiệu lực sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới thể chế của các bên liên quan. Tham gia các FTA giúp 39
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng chúng ta có cơ hội cơ cấu lại xuất, nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác sẽ tăng cao sau khi có FTA. Tuy nhiên, khía cạnh này được thể hiện rõ hơn trong quan hệ FTA với những đối tác có cơ cấu xuất, nhập khẩu mang tính bổ sung, như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hàn Quốc. Với các đối tác còn lại (ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ) tính bổ sung thấp, nếu như không nói là cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc. Với việc có thêm nhiều FTA, XK của Việt Nam sẽ tăng lên nhưng DN Việt Nam cũng sẽ đối mặt bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Với VKFTA, quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được cải thiện. FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn từ Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là có thể kỳ vọng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực, như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, nông nghiệp chế biến Đặc biệt, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan có lộ trình đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước, như hoa quả tươi, chế biến (thuế suất khoảng 30% - 50%); một số rau quả nhiệt đới và nhất là những mặt hàng, như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, đỗ đỏ (thuế suất những mặt hàng này rất cao, từ 241% đến 420%, do đây là hàng hóa đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc). Cùng với EEU, chúng ta nối lại quan hệ buôn bán, đầu tư đã có từ rất lâu với quy mô lớn giữa Việt Nam với các nước trong khối, đặc biệt là Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan. Quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và 3 nước này được dự kiến cao gấp 3 lần hiện nay, sẽ tăng với tốc độ 18% - 20%/năm và quy mô đến năm 2020 sẽ đạt khoảng từ 7,2 tỷ USD đến 8 tỷ USD. Khi EVFTA được ký kết, sẽ bổ sung 7% - 8% tăng trưởng trung bình của Việt Nam, có tới 90% hàng hóa vào thị trường EU được hưởng thuế suất 0%, tạo ra lợi thế về lượng xuất khẩu và phần giá trị gia tăng thu được. XK của Việt Nam sang EU sẽ tăng khoảng 10% đến năm 2025 . TPP hiện được coi là “hiệp định của thế kỷ XXI”, hướng tới một sân chơi mới nhằm tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế nên tiêu chuẩn và mục tiêu đặt ra rất cao. Đây cũng là một hiệp định có vị trí và tầm chiến lược quan trọng nhất đang được đàm phán tại thời điểm hiện nay trên thế giới. TPP sẽ tạo điều kiện cân bằng lại quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn sẽ tạo đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ca-na-đa với thuế NK bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt của các tập đoàn đa quốc gia. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội XK và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại. Với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng. TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này, do vậy sẽ có tác dụng rất tốt để hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính. Khi tham gia TPP, tốc độ tăng trưởng về đầu tư và tiêu dùng dự kiến sẽ tăng từ 1,03% đến 2,11%. Ước tính mỗi năm, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm về giá trị tuyệt đối từ 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD. TPP cũng góp phần dịch chuyển lao động từ các ngành mà Việt Nam không còn lợi thế so sánh như nông nghiệp sang các ngành có lợi thế hơn, như da giày, dệt may, dịch vụ tiện ích Rõ ràng, với TPP chúng ta sẽ tăng tốc mở cửa với thế giới, tạo lập một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó - cơ sở để xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh. Cuộc đàm phán đã kết thúc, chắc chắn khung khổ pháp lý của TPP sẽ là khuôn mẫu cho việc vận hành các nền kinh tế trong thế kỷ XXI, với 40
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng những quy phạm, quy định cao hơn, toàn diện hơn, Việt Nam sẽ được chơi trên một sân chơi đẳng cấp - sân chơi của các “đại gia” kinh tế, sẽ có thêm nhiều cơ hội để kết nối sâu hơn với kinh tế toàn cầu và có cơ hội phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một thỏa thuận lớn với nhiều tham vọng, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho các nước thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này có tiềm năng được mở rộng với nhiều thành viên mới khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc đang bày tỏ mối quan tâm trong việc tham gia vào hiệp định. Đối với Việt Nam, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ làm tăng sản lượng xuất khẩu lên 4% và nhập khẩu 3,8%. Các DNXK trong lĩnh vực giày da, dệt may và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động dường như sẽ nắm bắt tốt các cơ hội thương mại đến từ hiệp định này. Ước tính gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào hiệp định sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập 157 tỉ USD mỗi năm. Các con số này có thể còn lớn hơn. Việc gia nhập thêm của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Thái Lan có thể sẽ mang đến 486 tỉ USD tổng thu nhập cho các nền kinh tế thành viên. Những lợi ích này là to lớn hơn so với những lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm Mỹ, có thể mang lại. Có lẽ lợi ích to lớn nhất chính là việc xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước và đối với các loại thuế không thể dỡ bỏ thì mức giảm sẽ rất đáng kể. Lấy ví dụ, thuế suất của xuất khẩu bò New Zealand vào Nhật sẽ giảm từ 38,5% hiện tại xuống còn 9% khi hiệp định này được áp dụng. Ngoài việc tăng các tiêu chuẩn lao động và tiêu chuẩn liên quan môi trường, CPTPP còn mang lại các quy trình hải quan minh bạch và hiệu quả, giúp việc XK và NK giữa các thị trường thành viên diễn ra dễ dàng hơn. Cuối cùng, Hiệp định có những chương cụ thể với các quy định liên quan trao đổi dữ liệu cũng như giúp cho việc trao đổi dịch vụ diễn ra dễ dàng. Nhìn chung, những cải thiện này đồng nghĩa với khoảng 500 triệu người tại 11 quốc gia có thể tiếp cận với nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ đa dạng với giá rẻ hơn. Cùng với hơn 10.000 tỉ USD sản lượng kinh tế - chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, các quốc gia này mang đến nhiều triển vọng cho cộng đồng DN. Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Mỹ không còn nữa nhưng thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn khác như Nhật, Úc, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Dù là DN đã có hoạt động giao thương trong khu vực hay các công ty đang tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới, nhiều tổ chức đã nhận thấy những lợi ích tiềm năng CPTPP có thể mang đến cho họ. Các số liệu từ một khảo sát DN trên toàn cầu được thực hiện dưới sự ủy quyền của HBSC cho thấy khoảng gần một nửa (46%) các DN tại 6 quốc gia thuộc CPTPP được khảo sát kỳ vọng Hiệp định sẽ có ảnh hưởng tích cực lên việc kinh doanh của họ. Tại Việt Nam, con số này ấn tượng hơn với 63% DN chia sẻ quan điểm tích cực này. Hai là, Làn sóng chuyển giao công nghệ Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Duẫn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trước đây và kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng không ngừng. Khi các Tập đoàn lớn trên thế giới, công ty đa quốc gia vào Việt Nam đã mang theo máy móc, thiết bị, công nghệ cao tạo cơ sở thúc đẩy quá trình thay đổi cũng như cải tiến hoạt động sản xuất, sản phẩm, dịch vụ tại Việt nam. Trong bối cảnh hội nhập, môi trường kinh doanh được đổi mới tích cực, khuyến khích, ưu đãi các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, ưu tiên dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ là tiền đề 41
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng quan trọng để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng được hương ưu đãi về thuế quan, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan và các chế độ đãi ngộ khác, đã tạo điều kiện cho hàng hóa của các DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. Hội nhập giúp lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam từng bước giao lưu với nền khoa học và công nghệ thế giới, tạo thuận lợi cho sự phát triển nhanh cũng như bền vững của DN Việt Nam. Trong đó, sự tham gia liên doanh, liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ với các đối tác nước ngoài mang lại cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ cao. Đồng thời, từng bước thu hẹp khoảng cách về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu phát triển cũng như nâng cao năng lực sáng tạo, áp dụng khoa học và công nghệ, góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận trình độ quản lý chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực. Ba là, Liên kết đào tạo và thương mại Làn sóng đầu tư nước ngoài và giá trị thương mại không tự tăng khi có các FTA, mà các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải tích cực cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể để tận dụng, khai thác những cơ hội từ các Hiệp định này. Bên cạnh đó, tham gia hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng mở ra cơ hội tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, nhưng ngược lại đòi hỏi các nhà sản xuất, kinh doanh phải cạnh tranh bằng chất lượng. Khi các DN đến Việt Nam để cân nhắc đầu tư, kinh doanh, ông Jonathan Moreno, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay vấn đề họ quan tâm là nguồn nhân lực có chất lượng và sẵn sàng làm việc cho DN nước ngoài. Do đó, một phần quan trọng trong hoạt động thúc đẩy đầu tư, thương mại ở Việt Nam của AmCham là hợp tác với các trường đại học và sinh viên để hỗ trợ phát triển sợi dây liên kết giữa giáo dục và thương mại ở Việt Nam, nhằm phát triển đội ngũ nguồn nhân lực sẵn sàng cạnh tranh ra thị trường quốc tế. Phân tích về năng suất lao động tại Việt Nam hiện nay, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế Trưởng Ngân hàng thế giới, cho hay năng suất lao động 4%/năm, tăng chậm hơn trong khu vực, thể hiện ở những ngành đang thâm dụng lao động. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như sản xuất sẽ được đẩy mạnh hơn nếu năng suất lao động được cải thiện trong thời gian tới, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển năng động hơn như thuế, thanh khoản, giải ngân vốn Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ông Sebastian Eckardt cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh việc cải thiện và tăng năng suất lao động, bởi thực tế hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Lào, Campuchia Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực lớn nhất của Việt Nam là con người, hàng năm có hơn một triệu bạn trẻ gia nhập lực lượng lao động, đồng thời Việt Nam đang cam kết hướng đến mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Trong đó, chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần cung cấp việc làm và đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam . 3.2.2. Những khó khăn và thách thức Cùng với những thuận lợi thì cũng nhiều khó khăn và thác thức mới đối với Việt Nam khi tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới. Khó khăn Thứ nhất là, nhiều khác biệt so với hiệp điện thương mại tự do truyền thống. Điển hình như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, dự kiến sẽ ký kết và có hiệu lực vào năm 2018; hay như sáng kiến về Hiệp định TPP11 gồm 11 nước đối tác, không bao gồm Mỹ. Trên thực tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới so với các hiệp định thương mại tự do truyền thống có nhiều điểm khác biệt. Đầu tiên là, phạm vi cam kết rộng hơn, không chỉ bao gồm các nội dung cam kết về chính sách thuế quan, chính sách phi thuế quan đối với hàng hóa, dịch vụ mà còn mở rộng sang các lĩnh vực mới, tiếp cận tới các chính sách sau biên giới 42
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng của các nước như đầu tư, lao động, môi trường, cạnh tranh, DN Nhà nước, mua sắm công, thương mại điện tử Thứ hai là, mức độ tự do hóa, mở cửa thị trường sâu rộng hơn với các tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới như thay vì nguyên tắc tiến tới giảm dần và xóa bỏ thuế quan đến mức 0 - 5% cho các dòng thuế thì các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hướng tới xóa bỏ hầu hết, tiến tới 100% các dòng thuế về mức 0%; mở cửa mạnh các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, vận tải, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ Thứ ba là, nhiều cam kết về thế chế, pháp luật của các hiệp định yêu cầu được nội luật hóa, gắn với việc cải cách, tái cơ cấu, ứng phó với các biến đổi và thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0 Thứ tư là, lộ trình thực hiện các cam kết trong các FTA này thương ngắn hơn, thay vì 10 năm như truyền thống thì thường chỉ từ 5 - 7 năm, có nhiều cam kết thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc trong khoảng thời gian từ 2 - 3 năm. Vấn đề cuối cùng, đó là các cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hiệp định FTA thường rõ ràng, được mở rộng và cụ thể hơn. Thách thức Đối với các DN thì thách thức chính của việc hình thành AEC và các Hiệp định FTA là sức ép cạnh tranh do mở cửa thị trường. Với việc thành lập AEC, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ dỡ bỏ gần như hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với hàng hoá nội khối, có nghĩa là gần như toàn bộ hàng hoá ASEAN qua biên giới các nước sẽ có mức thuế NK bằng 0%. Điều này chắc chắn sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nhà sản xuất. Tuy nhiên, đây là thực tế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà các quốc gia tham gia vào tiến trình này cần chấp nhận, miễn là lợi ích thu được phải luôn lớn hơn chi phí của việc thay đổi cơ cấu do cạnh tranh. Ngoài ra, một thách thức lớn đó còn đến từ những hạn chế trong nội tại của nền kinh tế như: hạn chế trong tiếp cận lao động và nguồn nhân lực, hạn chế trong tiếp cận tín dụng, hạn chế trong tiếp cận khoa học - công nghệ, trong năng lực đổi mới và sáng tạo hay hạn chế trong năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Hạn chế từ hệ thống DN của Việt Nam. Đó là chất lượng và năng suất của DN còn thấp. Tỷ lệ các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế gần như tuyệt đối, chiếm 96% tổng DN. Sự tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu còn nhiều hạn chế. Năng lực cạnh tranh của các sản phẩm XK của Việt Nam còn hạn chế. 4. Giải pháp cho thời gian tới để thực thi các FTA Để thực thi các FTA, đáp ứng nhu cầu hội nhập, trong thời gian tới cần tập trung vào một số công việc cấp bách sau: Về thể chế kinh tế Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải chấp nhận “luật chơi” và “cách chơi”. Đổi mới thể chế phải là một khâu đột phá, gắn kết việc đổi mới thể chế trong nước với thể chế hội nhập một cách hài hòa, nhuần nhuyễn Thực tế cho thấy môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều và do đó tự do hóa với bên ngoài chưa thực sự đi kèm với tự do hoá các nguồn lực bên trong. Không có hệ thống pháp luật phù hợp, không có môi trường kinh doanh thì không thể khai thác được lợi thế của các FTA. Bên cạnh đó cần có bộ máy chuyên môn với chức năng nhiệm vụ rõ ràng thực thi việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu lực của pháp luật và thể chế. Cải cách thể chế môi trường kinh doanh cần có bước đi phù hợp, nhưng phải đặt trong mối quan hệ hệ thống: việc làm trước phải mở đường cho việc làm sau, không tạo ra xung đột pháp lý và mâu thuẫn chính sách. Với xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế, nền kinh tế Việt Nam “có đặc thù riêng”, làm sao để nền 43
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng kinh tế này tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ kinh doanh tốt của thế giới mà các nước đi trước phải mất cả vài trăm năm để có. Thể chế hành chính phải có những điều khoản đòi hỏi các cơ quan và chức vụ hành chính phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các sai phạm hành chính trong phạm vi quyền quản lý của mình. Do đó thủ tục hành chính cũng phải được thể chế hóa và đòi hỏi thực thi nghiêm minh. Bên cạnh đó cũng rất cần một đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, được đào tạo cơ bản, có đạo đức nghề nghiệp. Luật Thương mại và các cơ chế, chính sách quản lý rất cần được bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thực hiện thuận lợi hóa thương mại. Luật Thuế xuất, nhập khẩu cũng cần được sửa đổi cho thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp và các bộ luật hiện hành; tương thích với các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán cũng như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã được phê duyệt. Cùng với đó, cần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, đồng bộ và khả thi. Về cải cách và hỗ trợ doanh nghiệp Trong một cuộc điều tra năm 2011 cho thấy, 95% trong tổng số 2.500 DN được khảo sát trên 10 tỉnh, thành phố là siêu nhỏ, tỷ lệ này vẫn giữ nguyên trong năm 2014, phần lớn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới khoảng 2 - 3 thế hệ. Trong đó, 75% số máy móc, dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% là đồ tân trang. Chỉ khoảng 30% số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, khiến các DN thuộc khu vực này không có đủ năng lực tài chính để đầu tư cho máy móc, công nghệ. Hy vọng về đầu tư nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ, có tác động lan tỏa đã không trở thành hiện thực. Chỉ có 5% số doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình thấp, và số hợp đồng chuyển giao công nghệ, bí quyết rất hạn chế. Các trung tâm, hiệp hội phải có trách nhiệm hỗ trợ DNNVV, DN mới thành lập trong việc đào tạo nhân lực, kỹ năng quản lý, quản trị, tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin về thị trường cũng như môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Đặc biệt, các trung tâm này phải hỗ trợ DN cả tiếp cận nguồn vốn thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV ở địa phương và các quỹ tài chính khác dành cho khu vực DN này. Yêu cầu bức thiết là cần phải nhanh chóng triển khai áp dụng các hệ thống quản lý môi trường, như ISO 14.000, HACCP, thực hiện quản lý tốt (GMP), thực tiễn nuôi trồng tốt (GAP). Cần có một luật hỗ trợ DNNVV, kết nối DNNVV với chuỗi giá trị toàn cầu. Xử lý vấn đề tỷ giá, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay từ ngân hàng. Không chỉ có vấn đề hạ lãi suất mà quan trọng là làm sao cải tiến các thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho DN không chỉ bằng tài sản thế chấp mà cần phải định hướng vào việc cho các DN sáng tạo, vào những dự án, lĩnh vực có tiềm năng. Khả năng bị kiện hay trả đũa sẽ gia tăng trong thời gian tới, vì vậy việc chuẩn bị và minh bạch hóa sổ sách, kế toán, theo dõi thông tin, phối hợp công bố thông tin, nhân lực am hiểu luật lệ, vận động hành lang, ngoại giao sẽ là những vấn đề DN phải chuẩn bị. Cần phát huy vai trò của Việt kiều trong việc hàng Việt Nam có thể đặt chân vào từng thị trường nhỏ, lẻ. Đổi mới công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại Cần phải tạo những chuyển biến mạnh mẽ nhằm cung cấp kịp thời tình hình chính trị, thị trường, chính sách, biện pháp quản lý xuất, nhập khẩu, rào cản Theo đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường mới, mặt hàng mới, thâm nhập các kênh phân phối, tham dự hội chợ, triển lãm được xem là những việc cần làm ngay. Triệt để sử dụng Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam (www.vnex.com.vn) để quảng bá thương hiệu của DN tới đối tác nước ngoài nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Chuẩn bị nguồn nhân lực 44
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối của bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực. Để góp phần thúc đẩy sự tham gia của các DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần phải có một hệ thống giáo dục hiện đại tạo ra các nguồn nhân lực đủ kỹ năng và năng lực cần thiết để sẵn sàng làm việc. Với triển vọng hoàn tất các FTA trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai. Sẽ không thể có kinh tế thị trường nếu không có những con người nắm vững và vận hành tốt các quy luật của kinh tế thị trường. Đây chính là bài học kinh nghiệm của các “con rồng Châu Á” mà Việt Nam cần phải học tập. Như vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhu cầu của cả hiện tại lẫn tương lai là rất quan trọng. 5. Kết luận Một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang bước vào giai đoạn thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam. Chúng tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam: thị trường mở rộng, cơ hội mở rộng, nền kinh tế phát triển, tạo nên làn sóng chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo và thương mại Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ. Đó là sức ép cạnh tranh do mở cửa thị trường đối với DN, hay đó là chất lượng và năng suất của DN còn thấp và cũng xuất phát từ hạn chế trong nội tại của nền kinh tế Nhưng nếu trong thời gian tới chúng ta dần đổi mới thể chế kinh tế, cải cách và hỗ trợ DN, chuẩn bị nguồn nhân lực thì khi thực thi các FTA chúng ta đã gặt hái được những kết quả đáng mừng. Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong nên kinh tế thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2013, [3] Paul R.Krugman- Maurice Obstfeld: Kinh tế học quốc tế- lý thuyết và chính sách; tập I (Những vấn đề về thương mại quốc tế); NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 1996. [4] “The Free-Trade Miracle,” Project Syndicate, 21/10/2016 ky-dieu-mang-ten-tu-thuong-mai/ [5] CPTPP tiếp lửa tự do thương mại, [6] Nhìn lại lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (2017), [7] Tạp chí thương gia và thị trường 23/02/2018, Nhiều cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt với các FTA thế hệ mới, [8] Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới: Khó khăn là gì? he-moi-kho-khan-la-gi/c/23234530.epi [9] Heckscher et at, 1991 a,b: Heckscher- Ohlin trade theory – Cambridge, Mass: MIT Press [10] Krugman Paul R, 1990, Rethinking International Trade, Cambridge, Mass: MIT Press [11] Romer, Paul, M, 1990. Endogenous Technological Change. Journal of Political [12] Ricardo, David, and Michael P.Fogarty (1965). The principle of political economy anf taxation. London: Dent 45