Đánh giá tác động của các hiệp định tự do thương mại FTA đến nền kinh tế Việt Nam thông qua một số phương pháp định lượng
Bạn đang xem tài liệu "Đánh giá tác động của các hiệp định tự do thương mại FTA đến nền kinh tế Việt Nam thông qua một số phương pháp định lượng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- danh_gia_tac_dong_cua_cac_hiep_dinh_tu_do_thuong_mai_fta_den.pdf
Nội dung text: Đánh giá tác động của các hiệp định tự do thương mại FTA đến nền kinh tế Việt Nam thông qua một số phương pháp định lượng
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH TỰ DO THƯƠNG MẠI FTA ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM THÔNG QUA MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG PGS.TS. Phạm Tiến Đạt, ThS. Dương Hoàng Linh Viện chiến lược và chính sách tài chính – Bộ Tài chính TÓM TẮT Cho tới nay có khá nhiều các công trình đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do ở Việt Nam. Trong đó các phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là phương pháp mô hình cân bằng tổng thể (CGE), mô hình cân bằng từng phần và mô hình lực hấp dẫn. Bài viết nêu khái quát lịch sử hình thành cũng như lý thuyết cơ sở của các mô hình cũng như tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước từ trước tới nay. Từ đó đưa ra các ưu nhược điểm của 3 dạng mô hình này để đưa ra gợi ý trong việc lựa chọn các mô hình trong phân tích tác động của các FTA tới Việt Nam. Mô hình cân bằng tổng thể phù hợp nhất trong trường hợp phân tích các tác động về cơ cấu kinh tế, thương mại và có đủ nguồn lực và số liệu; mô hình cân bằng từng phần thích hợp nhất trong việc phân tích theo ngành; mô hình lực hấp dẫn phù hợp với việc phân tích tác động của một yếu tố cụ thể tới khối lượng thương mại. Từ khóa: Mô hình cân bằng tổng thể (CGE), mô hình GTAP, mô hình cân bằng từng phần, mô hình lực hấp dẫn (Gravity Model) Cho tới nay, Việt Nam đã kí kết 12 hiệp định tự do thương mại, gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, tham gia khối ASEAN; việc đẩy mạnh thương mại đã đem lại những thành quả to lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta theo hướng tích cực. Tầm ảnh hưởng của các hiệp định tự do thương mại đối nền kinh tế là rất lớn chính vì vậy việc đánh giá tác động của các hiệp định thương mại đặc biệt là các đánh giá định lượng là nhu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Cho tới nay có rất các phương pháp định lượng khác nhau được sử dụng để đánh giá các tác động của hiệp định tự do thương mại của Việt Nam, mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm riêng. Mục đích của bài viết này là tổng kết lại các phương pháp định lượng phổ biến nhất được sử dụng trong các nghiên cứu đánh giá tự do thương mại ở Việt Nam mà cụ thể là 3 phương pháp được sử dụng phổ biến nhất đó là phương pháp mô hình cân bằng tổng thể (CGE), phương pháp mô hình cân bằng từng phần (Partial Equilibrium) và phương pháp mô hình trọng lực (Gravity Model). 1. Các phương pháp đánh giá tác động hội nhập thuế quan tới thương mại quốc tế 1.1. Mô hình cân bằng tổng thể (CGE) Lý thuyết cân bằng tổng thể (CGE) được Léon Walras phát triển từ những năm 1870, và trở thành một nhánh quan trọng của lý thuyết kinh tế vĩ mô. Lý thuyết này tìm cách giải thích cung, cầu và giá của tổng thể một nền kinh tế với rất nhiều thị trường của rất nhiều mặt hàng. Theo đó giá cân bằng của các mặt hàng có tồn tại, và rằng khi giá thị trường của tất cả các mặt hàng đạt tới trạng thái cân bằng thì nền kinh tế đó đạt tới cân bằng tổng thể. Trong các thập kỷ qua, mô hình cân bằng tổng thể đã ngày càng được ứng dụng phổ biến để nghiên cứu các mối quan hệ tương tác của các thị trường và các chủ thể cũng như xu hướng biến động của giá cả và sản lượng trong nền kinh tế. Cân bằng tổng thể (CGE) là phương pháp phân tích mô phỏng nền kinh tế dựa trên lý thuyết của Léon Walras, trong đó nền kinh tế được xem xét như một hệ thống bao gồm các bộ phận (các ngành sản xuất, hộ gia đình, nhà đầu tư, chính phủ, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu) có liên quan chặt chẽ tới nhau. Mô hình CGE là một công cụ rất hữu hiệu để phân tích các chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô, là chiếc cầu nối giữa các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định. Mô 102
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hình này giúp giải thích các nhân tố tác động đến cung, cầu và giá cả trên tất cả các thị trường trong toàn bộ nền kinh tế. Mô hình cân bằng tổng thể đòi hỏi sử dụng máy tính và các công cụ toán do việc mô phỏng hoạt động của nền kinh tế là tương đối phức tạp. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, khả năng tính toán được tăng cường nhanh chóng, mô hình cân bằng ngày càng được sử dụng một cách rộng rãi hơn trong việc phân tích kinh tế. Dữ liệu đầu vào của mô hình cân bằng tổng thể thường là bảng ma trận hạch toán xã hội (SAM), các dữ liệu về thuế, về thuế hải quan, Hiện tại có 2 dạng mô hình cân bằng tổng thể là mô hình cân bằng tổng thể dạng tĩnh (Static CGE Model) và mô hình cân bằng tổng thể dạng động (Dynamic CGE Model). Trong đó mô hình tổng thể dạng động được sử dụng nhiều hơn do nó cho phép đưa vào trong trạng thái cân bằng những cú sốc khi có sự thay đổi về các điều kiện bên ngoài từ đó tìm ra trạng thái cân bằng mới. Mô hình cân bằng dạng động cho phép việc phân tích tác động của các thay đổi bên ngoài như tác động thay đổi của chính sách, tác động thay đổi của khủng hoảng, tác động thay đổi giá dầu một cách toàn diện đối với toàn nền kinh tế. Tuy nhiên ở Việt Nam việc ứng dụng các mô hình cân bằng tổng thể hầu hết mới chỉ áp dụng mô hình CGE dạng tĩnh1. Mô hình cân bằng tổng thể hiện được sử dụng khá rộng rãi để đánh giá các tác động việc điều chỉnh thuế suất nói chung và điều chỉnh thuế quan nói riêng. Trên thế giới, trong nghiên cứu tác động của các hiệp định tự do thương mại tới nền kinh tế cũng có nhiều các công trình xây dựng mô hình cân bằng tổng thể riêng để phân tích như nghiên cứu Fan và Zheng (2001) đánh giá tác động việc gia nhập WTO với tự do hoá thương mại của Trung Quốc; nghiên cứu của Young Man Yoon,Chi Gong,Taek-Dong Yeo (2009) đánh giá tác động của các hiệp định thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó cũng có nhiều các công trình đánh giá sử dụng mô hình GTAP (một trong các dạng mô hình tổng thể được áp dụng rộng rãi trong việc đánh giá tác động của gia nhập WTO hay tự do hoá thương mại). Có thể kể một số các công trình sử dụng mô hình này đó là: báo cáo của ủy ban thương mại quốc tế của Hoa Kỳ2 (2015) sử dụng mô hình GTAP, mô hình BDS và mô hình EK để đánh giá tác động hiệp định NAFTA; nghiên cứu ; nghiên cứu của Ali, Ashfaque (2017) đánh giá tác động của hiệp định thương mại Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Trong những năm gần đây, mô hình cân bằng tổng thể đã được sử dụng một cách rộng rãi hơn ở Việt Nam trong phân tích tác động của các hiệp định thương mại tới nền kinh tế, bên cạnh các nghiêu cứu xây dựng mô hình cân bằng tổng thể chuyên biệt cho Việt Nam như nghiên cứu của Viện chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2008) đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam; nghiên cứu của Fucase, E., và Martin, W (1999) đánh giá thực hiện các cam kết AFTA đối với Việt Nam; nghiên cứu của Nguyễn Chân và Trần Kim Dung (2003) đánh giá tác động của các hiệp định thương mại đối với Việt Nam; nghiên cứu của Phạm Lan Hương (2007) phân tích ảnh hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế tới Việt Nam. Trong các nghiên cứu trên hầu hết các cơ sở dữ liệu được xây dựng trên bảng đầu ra năm 1996, bảng ma trận hạch toán xã hội (SAM) năm 1999, 2000, 2003 và 2007. Bên cạnh hướng tiếp cận này, một số nghiên cứu khác ứng dụng mô hình GTAP để phân tích tác động của các hiệp định tự do thương mại tới kinh tế Việt Nam như báo cáo của Multrap (2011) sử dụng mô hình GTAP để đánh giá tác động của các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam; nghiên cứu của Lê Thị Thùy Vân (2015) đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do đến các ngành kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Phân tích chung các mô hình cân bằng tổng thể cho thấy điểm mạnh của mô hình cân bằng tổng thể là nó mô phỏng nền kinh tế do đó có thể đánh giá một cách toàn diện nhiều yếu tố khác nhau liên quan tới nền kinh tế. Ngay cả trong việc phân tích thương mại, mô hình cân bằng tổng thể cũng có khả năng đánh giá toàn diện các mặt hàng, và tác động lan toả sự thay đổi trong một mặt hàng tới các mặt hàng khác từ đó có thể đánh giá được tương đối đầy đủ tác động của thuế quan tới cơ cấu nhập khẩu. Tuy nhiên, mô hình cân bằng tổng thể cũng có những hạn chế nhất định. Mô hình cân bằng tổng thể đòi hỏi dữ liệu tương đối lớn và đầy đủ. Đồng thời, việc xây dựng mô hình cân bằng tổng thể cũng đòi hỏi phải phải khái quát hoá các ngành trong nên kinh tế, do đó phải xử lý dữ liệu trong mô hình bằng cách lấy 1 Nguyễn Mạnh Toàn (2010) 2 U.S. International Trade Commission) 103
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng thuế quan trung bình của một số ngành, mặt hàng lớn mà không thể đi chi tiết từng ngành hàng nhỏ (mô hình cân bằng tổng thể có thể tiếp cận khoảng 25 tới khoảng hơn 100 mặt hàng so với việc phân loại hàng nghìn mặt hàng theo thuế quan HS. 6 chữ số). Bên cạnh đó mô hình cân bằng tổng thể tĩnh chỉ xem xét dữ liệu trong 1 thời điểm (thường là 1 năm) và bỏ qua các dữ liệu trong quá khứ, chính vì vậy kết quả phân tích của mô hình cân bằng tổng thể thường bỏ qua yếu tố xu thế do dó việc đánh giá tiềm năng trong tương lai có những hạn chế nhất định. Điểm yếu này có thể được khắc phục thông qua việc sử dụng phương pháp ước lượng “đệ quy” đối với mô hình tổng thể hay phương pháp “viễn cảnh hoàn hảo”. Tuy nhiên ngay cả hai phương pháp này cũng có những nhược điểm nhất định, phương pháp “đệ quy” bỏ qua yếu tố lý thuyết kinh tế trong khi đó phương pháp “viễn cảnh hoàn hảo” lại dùng những giả định về nhân tố trong mô hình là có thể xác định được trong tương lai. 1.2. Mô hình cân bằng từng phần Lý thuyết cân bằng từng phần (Partial equilibrium model) được Alfred Marshall xây dựng và phát triển. Cân bằng từng phần là trạng thái cân bằng cục bộ trong từng phần của nền kinh tế hay từng phần của thị trường. Theo định nghĩa của Gorge Stiger thì mô hình cân bằng từng phần là mô hình dựa trên khoảng số liệu hạn chế ví dụ như cân bằng cung cầu trong một sản phẩm trên thị trường. Từ đó có thể khái quát: mô hình cân bằng từng phần là mô hình giả lập hoạt động của một bộ phận trong nền kinh tế, và ở đó trạng thái cân bằng của bộ phận này phải được xác lập. Mô hình cân bằng cung cầu là một trong những mô hình cân bằng từng phần phổ biến nhất. Trong đó điểm cân bằng cung cầu đạt được trên thị trường đối với một loại hàng hoá đơn lẻ ở mức giá xác định. Bên cạnh mô hình cung cầu còn có các mô hình cân bằng từng phần khác trong nền kinh tế như mô hình tiền tệ IS/LM. Mô hình cân bằng từng phần do tập trung trên mảng dữ liệu tương đối hạn chế do đó để mô hình cân bằng từng phần có thể hoạt động được đòi hỏi phải sử dụng một số giả định như sau: + Giá xác định trong mô hình cân bằng từng phần là như nhau đối với tất cả các đối tượng trong mô hình. + Hành vi của các bộ phận trong mô hình không thay đổi theo thời gian. + Hay nói cách khác các phần khác của nền kinh tế ngoài mô hình là không thay đổi). + Các nhân tố có thể linh động và có thể dễ dàng chuyển dịch từ ngành này sang ngành khác. Mô hình cân bằng từng phần cũng được áp dụng một cách khá rộng rãi trong phân tích tác động thương mại. Trong đó mô hình phổ biến nhất là mô hình SMART, mô hình SMART là một công cụ đo lường để phân tích tác động của thương mại. Mô hình này có thể áp dụng trong việc đánh giá cơ cấu hàng hoá nhập khẩu thông qua việc phân tích tác động của từng loại hàng hoá và các hàng hoá liên quan (hàng hoá thay thế và hàng hoá bổ sung). Theo mô hình này sự thay đổi chính sách thuế sẽ tác động không chỉ tới giá hàng hoá trực tiếp chịu điều chỉnh thuế quan mà còn tác động tới giá cả của các hàng hoá liên quan. Mô hình cân bằng từng phần sử dụng hệ số co giãn cung và cầu và hệ số co giãn thay thế để xác định điểm cân bằng trong thương mại. Mô hình SMART chuẩn mà WB xây dựng với các giả định là: - Các phân tích của mô hình không chịu ảnh hưởng của thu nhập - Giả định về độ co giãn: hàng hoá nhập từ các quốc gia khác nhau không phải là hàng hoá thay thế hoàn hảo. - Cung xuất khẩu là hoàn toàn co giãn. Việc tính toán hiệu ứng thương mại tạo lập và chuyển hướng thương mại ở mô hình SMART được tính toán theo 2 bước: Bước 1: Ước lượng hàm lợi ích U = Σug(mg) + n 104
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Trong đó n là số lượng tiêu thụ hàng hoá trong nước còn lại. ug là hàm lợi ích của hàng hoá g mg là lượng cầu nhập khẩu trung bình của hàng hoá g Tối đa hoá hàm lợi ích theo công thức: d d mg,c = ʄ(p g,c p g,#c), Ɣ g,c d n = y – Σ Σ(p g,c. mg,c) d w p g,c = p gc (1 + tg,c) MFN tg,c = tg (1-Ɵg,c) Trong đó: d - p gc là giá nhập khẩu từ quốc gia c d - p g,#c là giá nhập khẩu trung bình tất cả các hàng hoá từ các quốc gia khác quốc gia c. MFN - tg,c là thuế suất của hàng hoá g từ quốc c, tg là thuế suất nhập khẩu theo quy chế tối huệ quốc, Ɵg,c là tỷ suất ưu tiên khi nhập khẩu từ quốc gia c. w - p g,c là giá thế giới - y là thu nhập quốc dân - n là phần tiêu dùng còn lại sau khi nhập khẩu của thu nhập quốc dân. Bước 2: Tính toán hiệu ứng chuyển hướng thương mại và tạo lập thương mại: Đối với hiệu ứng tạo lập thương mại: Trong đó εg,c là co giãn cầu của hàng hoá g từ quốc gia c. TC là khối lượng tạo lập thương mại (kim ngạch gia tăng do điều chỉnh thuế) Đối với hiệu ứng chuyển hướng thương mại: 105
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Trong đó: TD là hiệu ứng chuyển hướng thương mại σg,c,#c là độ co giãn thay thế giữa hàng hoá g từ nước c và các nước khác c Có khá nhiều các nghiên cứu quốc tế sử dụng mô hình SMART để đánh giá tác động của các hiệp định tự do thương mại như nghiên cứu của Meredith A. McIntyre (2005) đánh giá sự hội nhập của cộng đồng các nước đông phi (EAC) đối với Kenya, nghiên cứu của Vani archana (2017) về tác động của vốn đầu tư nước ngoài và các hiệp định tự do thương mại đến ngành công nghiệp của Ấn Độ, v.v Ở Việt Nam cũng có một số các nghiên cứu sử dụng mô hình SMART để đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tới Việt Nam như báo cáo Multrap (2011) sử dụng mô hình SMART để đánh giá tác động của FTA tới Việt Nam đặc biệt trong phân tích ngành và việc phân bổ nguồn lực nhằm bổ sung các hạn chế của phương pháp GTAP; nghiên cứu của Lê Thị Thùy Vân (2015) cũng sử dụng SMART đánh giá song song cùng với các phương pháp khác, v.v Nhìn chung, ưu điểm của mô hình cân bằng từng phần là khá đơn giản dễ giải thích, đồng thời có thể phân tích giữa hai tác động về tạo lập thương mại và chuyển hướng thương mại. Tuy nhiên, mô hình cân bằng từng phần có khá nhiều điểm hạn chế, mô hình này có tính chủ quan khá cao do người nghiên cứu phải xác định được độ co giãn cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó mô hình cân bằng từng phần sử dụng giả định việc điều chỉnh một dòng thuế không có tác động tới các dòng thuế khác và các hiệu ứng lan toả là tối thiểu. Tuy nhiên trên thực tế giả định này thường ít thoả mãn, do đó độ chính xác của mô hình từng phần vẫn còn nhiều hạn chế. 1.3. Mô hình lực hấp dẫn (Gravity Model) Mô hình lực hấp dẫn lần đầu tiên được sử dụng bởi Tinbergen (1962), từ đó tới nay, mô hình lực hấp dẫn đã không ngừng được hoàn thiện. Mô hình lực hấp dẫn (gravity model) là mô hình được xây dựng trên cơ sở thương mại giữa hai quốc gia tuân theo quy luật tương tự với quy luật trọng lực hấp dẫn của Newton tức là kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia tỷ lệ thuận với quy mô của hai nền kinh tế đồng thời tỷ lệ nghịch đối với khoảng cách giữa hai nước. Mô hình lực hấp dẫn chuẩn có dạng: Xij = G(Mi*Mj/Dij) Và có thể được viết lại dưới dạng: Trong đó: G: là hằng số Xij là kim ngạch thương mại giữa hai nước i và nước j Mi là biến số đại điện cho quy mô nền kinh tế của nước i. Mj là biến số đại điện cho quy mô nền kinh tế của nước j. Dij là khoảng cách giữa 2 quốc gia i và j. Các nghiên cứu ban đầu thường sử dụng tổng thu nhập quốc dân (GDP) là thước đo quy mô của nền kinh tế tuy nhiên các nghiên cứu sau này bổ sung thêm nhiều biến số khác nhau như biến số về mặt chính sách, biến số như giá cả vận tải, đầu tư nước ngoài, các yếu tố chính trị, các yếu tố về thuế quan, các yếu tố liên quan tới chỉ số giá, lạm phát cũng yếu tố tỷ giá vào trong mô hình. Mô hình lực hấp dẫn là mô hình tương đối hiệu quả trong phân tích thương mại, mô hình lực hấp dẫn có thể phân tích thương mại từ nhiều nhân tố khác nhau. Đồng thời, do xét tới yếu tố khoảng cách mô hình 106
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng này đặc biệt phù hợp trong việc phân tích cơ cấu xuất nhập khẩu phân theo đối tác thương mại. Mô hình lực hấp dẫn đã được áp dụng rộng rãi cả trong nước và quốc tế như nghiên cứu của Khatibi (2008) đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đối với ngoại thương của Ka- dắc-tan, nghiên cứu của Wee Chain Koh (2013) về triển vọng thương mại của Bru-nây trong hội nhập ASEAN; nghiên cứu của Francesco Di Comite và cộng sự (2014) về cắt giảm thuế quan, các đối tác thương mại và khoảng cách tiền lương của 17 nước OECD; nghiên cứu của Okubo (2003) nghiên cứu về hiệu ứng thương mại nội vùng ở Nhật Bản. Trong nước cũng có nhiều nghiên cứu sử dụng mô hình lực hấp dẫn để phân tích tác động tự do thương mại tới Việt Nam như nghiên cứu của của Từ thuý Anh và Đào Nguyên Thắng (2008) tiếp cận theo mô hình lực hấp dẫn theo dạng mô hình của Frank và Rose, theo đó việc tập trung thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN được xác định là chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố bao gồm có GDP của các nước, thu nhập bình quân của Việt Nam và các quốc gia ASEAN, và khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và các quốc gia trên; nghiên cứu của Trí Thái Đỗ (2006) dùng mô lực hấp dẫn để phân tích thương mại giữa Việt Nam và 23 nước Châu Âu. Nhìn chung mô hình lực hấp dẫn có yêu điểm là có yêu cầu thấp hơn về số liệu so với các mô hình khác. Mô hình lực hấp dẫn cũng có thể sử dụng vào nhiều mục đích và có thể sử dụng để tập trung phân tích sâu một yếu tố tác động tới thương mại. Mặc dù vậy, mô hình lực hấp dẫn cũng có những hạn chế, dạng mô hình lực hấp dẫn là dạng phi tuyến tính nên khi ước lượng mô hình có thể gập những khó khăn khi giải thích các biến số bổ sung vào mô hình; bên cạnh đó mô hình lực hấp dẫn chỉ có thể phân tích các yếu tố tác động vào thương mại chứ không thể phân tích theo chiều ngược lại. 2. Đánh giá chung các phương pháp định lượng phân tích tác động Qua các nghiên cứu thực nghiệm này có thể thấy các phương pháp phân tích thương mại được áp dụng một cách khá đa dạng, mỗi phương pháp phân tích có những ưu nhược điểm riêng và được sử dụng tuỳ theo mục đích phân tích và nguồn dữ liệu phân tích. Bên cạnh đó để thể có một đánh giá toàn diện tác động thương mại của các hiệp định tự do thương mại việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp đánh giá khác nhau để cái nhìn đa chiều và đầy đủ các tác động của các hiệp định thương mại đối với nền kinh tế. Phương pháp áp dụng mô hình cân bằng tổng thể: Việc sử dụng mô hình cân bằng tổng thể có ưu điểm là hiệu quả và độ chính xác cao cũng như có những đánh giá đầy đủ và toàn diện về nhiều vấn đề trong đó có cơ cấu nhập khẩu. Tuy nhiên, mô hình tổng thể bỏ qua yếu tố xu hướng trong một giai đoạn dài và chỉ xét điều kiện cân bằng trong một thời điểm do đó thường chỉ đánh giá được tác động ban đầu của hội nhập. Mô hình tổng thể dạng động, kết hợp với các phương pháp “đệ quy” hoặc “viễn cảnh hoàn hảo – G-Cubed” có thể đánh giá và dự báo tác động trong dài hạn tuy nhiên hai phương pháp này khá phức tạp và cũng có khá nhiều giả định dẫn tới các hạn chế về độ chính xác trong dự báo. Thêm vào đó mô hình cân bằng tổng thể đòi hỏi số liệu tương đối lớn do đó việc sử dụng mô hình cân bằng tổng thể có hiệu quả nhất trong việc đánh giá hiện trạng thương mại và nền kinh tế và đánh giá cơ cấu kinh tế, cơ cấu thương mại. Phương pháp áp dụng mô hình cân bằng từng phần mà cụ thể là mô hình cân bằng từng phần (SMART) cũng tỏ ra khá hiệu quả trong việc đánh giá tác động hội nhập. Ưu điểm của mô hình SMART là có thể tách biệt được 2 hiệu ứng chuyển hướng thương mại và tạo lập thương mại cũng như đưa ra được các nguyên nhân rõ ràng trong việc thay đổi thương mại. Tuy nhiên, mô hình SMART bỏ qua hiệu ứng lan toả giữa các ngành với giả định các ngành này ít có tác động qua lại do đó khó có thể sử dụng mô hình SMART để đánh giá tác động về cơ cấu trong trung và dài hạn. Mô hình SMART được sử trong việc phân tích ngành hoặc phân tích một mặt hàng cụ thể. Phương pháp áp dụng mô hình lực hấp dẫn: Mô hình lực hấp dẫn được áp dụng khá phổ biến trong việc phân tích thương mại giữa các nước. Các nghiên cứu thực nghiệm về mô hình lực hấp dẫn tỏ ra hữu hiệu trong việc phân tích tác động thương mại và đặc biệt là thay đổi cơ cấu thương mại theo các nước đối tác do có xét tới các yếu tố về quy mô và khoảng cách. Mô hình lực hấp dẫn cũng có thể dễ dàng chỉnh sửa để sử dụng phân tích với nhiều mục đích khác nhau bằng việc đưa thêm các biến số phù hợp vào phương trình ước lượng. Một ưu điểm khác là mô hình lực hấp dẫn là mô hình có xét tới các xu thế trong quá khứ nên kết quả của mô hình này có thể dùng để phân tích các xu hướng dài hạn. 107
- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ali, Ashfaque (2017) , “A CGE Analysis of Pakistan-Turkey Free Trade Agreement”, MPRA Paper 78318. [2] Arastou Khatibi (2008), “Kazakhstan’s Accession to the WTO: A Quantitive Assessment”, ECIPE Working Paper • No. 02/2008. [3] Francesco Di Comite, Antonella Nocco Gianluca Orefice (2014), “Tariff reductions, trade patterns and the wage gap”, CEPII Working Paper, N2014-02. [4] Fucase, E., and Martin, W., (1999). “Evaluating the Implication of Vietnam’s Accession to the ASEAN Free Trade Area (AFTA): A Quantitative Evaluation, Draft, Washington DC” [5] Lê Thị Thùy Vân (2015), “Đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến các ngành kinh tếvà thu ngân sách nhà nước củaViệt Nam, định hướng và giải pháp đến năm 2020”, Đề tài cấp Bộ - Bộ Tài chính. [6] Meredith A. McIntyre (2005), “Trade Integration in the East African Community: An Assessment for Kenya”, IMF Working paper, WP/05/143. [7] Mutrap (2011), Báo cáo “Đánh giá tác động mở cửa thị trường trong WTO và các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam và các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Bộ công thương giai đoạn 2011-2015”. [8] Nguyen Chan, and Tran Kim Dung (2003), “Using Structuralist CGE Model to Evaluate Impacts of Trade Liberalization in Vietnam”, Using Structuralist CGE Model to Evaluate Impacts of Trade Liberalization in Vietnam, Paper Presented at the Final Dissemination Workshop of Research Project “The effects of External Liberalization on Vietnam Economic Performance and Income Distribution” funded by the Ford Foundation, 21 October 2003, Hanoi. [9] Nguyễn Mạnh Toàn (2010), “Giới thiệu cấu trúc cơ bản và nguyên lý hoạt động của mô hình cân bằng tổng thể dạng động”, Tạp chí khoa học và công nghệ, Đại học Đà Nẵng - số 6 (41).2010. [10] Phạm Lan Hương (2007), “Phân tích ảnh hưởng của hội nhập kinh tế quốc tế qua mô hình cân bằng tổng thể”, Báo cáo số 5A tại Hội thảo “Tác động của hội nhập nền kinh tế quốc tế đến nền kinh tế - tài chính Việt Nam”. [11] Tri Thai Do (2006), “A Gravity model for Trade between Vietnam and twenty-three European contries”, [12] Tinbergen, Jan. (1962), “Shaping the World Economy: Suggestions for an International Economic Policy”, American Journal of Agricultural Economics, Volume 46, Issue 1, 271–273. [13] Từ Thuý Anh và Đào Nguyên Thắng (2008), “Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại của Việt Nam với Asean+3”, CEPR Bài nghiên cứu NC-05/2008. [14] Vani Archana (2017), “Impact Of Fdi And Fta On Indian Industries”, [15] Viện chiến lược Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2008), “Đánh giá tác động của gia nhập WTO tới nền kinh tế Việt Nam - Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể (CGE)”. [16] Young Man Yoon, Chi Gong, Taek-Dong Yeo (2009), “A CGE Analysis of Free Trade Agreements among China, Japan, and Korea”, Journal of Korea Trade, 13(1), 45-64. [17] Wee Chian Koh (2013), “Brunei Darussalam’s Trade Potential and ASEAN Economic Integration: A Gravity Model Approach”, Southeast Asian Journal of Economics 1(1), December 2013: 67-89. 108