Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng thổ cẩm Tây Nguyên

pdf 8 trang Gia Huy 18/05/2022 2360
Bạn đang xem tài liệu "Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng thổ cẩm Tây Nguyên", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiai_phap_phat_trien_ben_vung_nganh_hang_tho_cam_tay_nguyen.pdf

Nội dung text: Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng thổ cẩm Tây Nguyên

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH HÀNG THỔ CẨM TÂY NGUYÊN SOLUTIONS FOR THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF CENTRAL HIGHLANDS BROCADE ThS. Lê Trần Thanh Liêm Trường Đại học Cần Thơ Email: lttliem@ctu.edu.vn Tóm tắt Nghiên cứu được thực hiện tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk và Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018. Đối tượng khách du lịch có mua hoặc đã sử dụng trực tiếp các sản phẩm thổ cẩm của vùng Tây Nguyên đã được lựa chọn khảo sát. Trong nghiên cứu này, phương pháp điều tra xã hội học và phương pháp đánh giá theo hình thức cho điểm đã được sử dụng. Dựa vào các kết quả của nghiên cứu, 3 nhóm nhân tố bao gồm: Thương mại điện tử - Kỹ thuật công nghệ và Phát triển nguồn nhân lực - Cơ chế chính sách và Kinh tế hợp tác đã được đề xuất như là nhóm các nhân tố trụ cột để có thể phát triển bền vững ngành hàng thổ cẩm của Tây Nguyên trong tương lai. Từ khóa: Phát triển bền vững; sản phẩm thổ cẩm; Tây Nguyên. Abstract The study was conducted in Buon Ma Thuot city, Dak Lak province and Kon Tum city, Kon Tum province from June 2017 to June 2018. The tourists who have bought or used brocade products of the Central Highlands have been selected for researching. In this study, the sociological survey method and the scoring method were used. Based on that, the research proposed solutions for sustainable development of this crafts sector in the future. The result of this study shows that there are three groups of factor: e-commerce - technology and human resource development - policy mechanisms and cooperative economy - have been proposed as the pillar groups which can develop the brocade industry of the Central Highlands. Keywords: Sustainable development; Brocade product; Central Highlands. 1. Đặt vấn đề Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dệt thổ cẩm không chỉ trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền trong đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình (Lang Hường, 2015). Làm ra các sản phẩm thổ cẩm không chỉ là một công việc, mà thông qua đó, mỗi sản phẩm với hoa văn, họa tiết, màu sắc đều truyền tải những thông điệp và đó cũng chính là tinh hoa văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Thời gian làm ra các sản phẩm thủ công từ thổ cẩm mất khá nhiều thời gian và tâm huyết. Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay, đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội ngành hàng thổ cẩm đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này không chỉ xuất hiện từ bên ngoài như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay từ chính các sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt trong nước. Việc loay hoay định hình các giá trị của sản phẩm, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, duy trì và phát huy nguồn nhân lực hiện có hay nghiên cứu các bước đột phá chiến lược trong khuyến khích, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp cũng còn chưa hiệu quả. Từ đó, đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng này trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá về hiện trạng tiêu dùng sản phẩm thổ cẩm hiện nay từ đó đề ra các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành thổ cẩm trong tương lai là cấp thiết và quan trọng. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Phương pháp thu thập số liệu Số liệu thứ cấp được thu thập từ sách, bài báo khoa học, tạp chí khoa học, các công trình nghiên cứu có liên quan. 343
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Số liệu sơ cấp được thu thập bằng phiếu phỏng vấn cấu trúc đối với 100 du khách đang tham quan du lịch trên địa bàn nghiên cứu. Theo Nguyễn Thị Tố Loan (2013), khi nghiên cứu xác định đối tượng khách hàng của sản phẩm thổ cẩm của làng nghề Kon Klor đã cho rằng: đối tượng tiêu dùng sản phẩm chính từ làng nghề là khách du lịch so với khách quen biết và khách vãng lai cùng trong nghiên cứu. Chính vì vậy, khách du lịch đã được lựa chọn để tham gia vào nghiên cứu này. Đối tượng nghiên cứu phải có mua hoặc đã sử dụng các sản phẩm thổ cẩm của Tây Nguyên. Số lượng mẫu quan sát chia đều cho 2 địa bàn 50 mẫu ở Thành phố Buôn Ma Thuột và 50 mẫu ở Thành phố Kon Tum. Đối tượng nghiên cứu được lựa chọn theo phương pháp phi xác xuất tại thời điểm tiến hành phỏng vấn. Địa điểm nghiên cứu được lựa chọn một cách ngẫu nhiên dựa vào các nơi có đông du khách trên địa bàn. Để đánh giá sự hài lòng của khách hàng, nghiên cứu sử dụng thang đo 5 mức độ để phân tích định tính các thuộc tính của sản phẩm thổ cẩm như: màu sắc, mẫu mã/thiết kế, hoa văn/họa tiết, phụ kiện/khóa kéo, cắt may/đường chỉ, câu chuyện về sản phẩm, giá, tổng thể về sản phẩm – độ bền sử dụng. Trong đó, mức 1 là rất không hài lòng, mức 2 là không hài lòng, mức 3 là có thể chấp nhận được, mức 4 là hài lòng và mức 5 là rất hài lòng. Đối với các giải pháp được đề xuất trong nghiên cứu, đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ tiến hành cho điểm dựa trên thang điểm từ 0 – 10 điểm (số thập phân sử dụng 0.5) nhằm đánh giá mức độ ủng hộ đối với từng nhóm giải pháp. 2.2. Phương pháp xử lý số liệu Số liệu được nhập, mã hóa và xử lý bằng phần mềm Excel với mục tiêu thống kê mô tả, tính toán giá trị trung bình, tỉ lệ %, tỉ trọng các thuộc tính thuộc về đối tượng nghiên cứu. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Thông tin về đối tượng nghiên cứu 3.1.1. Nghề nghiệp của đối tượng tham gia nghiên cứu Đối tượng tham gia nghiên cứu của đề tài là khách du lịch nên các nghề nghiệp được đưa vào khảo sát bao gồm: Lãnh đạo cấp Phòng trở lên của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân; Công chức viên chức Nhà nước; Nhân viên văn phòng làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân; Kinh doanh/buôn bán; Nghỉ hưu; Học sinh/Sinh viên. Kết quả nghiên cứu được thể hiện qua Hình 1. Hình 1. Nghề nghiệp của người tham gia nghiên cứu Kết quả nghiên cứu ở Hình 1 đã cho thấy, đối tượng là người lao động nghỉ hưu chiếm tỉ lệ cao nhất, kế đến là nhân viên văn phòng của các doanh nghiệp tư nhân và kinh doanh/buôn bán. Nhóm lãnh đạo cấp Phòng trở lên của cơ quan quản lý Nhà nước/doanh nghiệp tư nhân, học sinh/sinh viên và công chức/viên chức Nhà nước chiếm tỉ lệ thấp nhất. Sự đa dạng của đối tượng nghiên cứu sẽ giúp kết quả đánh giá khách quan hơn và có khả năng ứng dụng các đề xuất giải pháp tốt hơn. 344
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 3.1.2. Tổng số tiền mua sắm quà lưu niệm và tỉ lệ % số quà lưu niệm là sản phẩm thổ cẩm Tổng số tiền mua sắm quà lưu niệm đã được tiến hành khảo sát nhằm đánh giá mức độ chi tiêu, khả năng chi trả của khách du lịch cho các sản phẩm lưu niệm. Bốn khung mức giá đã được đề xuất bao gồm: Dưới 500,000 đồng; Từ 500,000 đồng đến dưới 1,000,000 đồng; Từ 1,000,000 đồng đến dưới 2,000,000 đồng và từ 2,000,000 đồng trở lên. Trong đó, số lượng khách du lịch chi trả dưới 500,000 đồng và từ 500,000 đồng đến dưới 1,000,000 đồng chiếm tỉ lệ cao nhất. Dựa vào kết quả này, ngành du lịch địa phương có thể đưa ra các giải pháp về loại hình sản phẩm quà tặng với khung giá phù hợp với mức tiêu dùng của du khách. Kết quả chi tiết được thể hiện qua Hình 2. ĐVT:% Hình 2. Tổng số tiền mua sắm quà lưu niệm Nghiên cứu tiếp tục khảo sát để trả lời câu hỏi: trong tổng số món hàng lưu niệm được du khách mua làm quà tặng thì có bao nhiêu sản phẩm có xuất xứ từ thổ cẩm. Tỉ lệ được nghiên cứu tiến hành khảo sát tương ứng với sản phẩm thổ cẩm/tổng số sản phẩm lưu niệm như sau: Không có; 1/5; 1/4; 1/3; 1/2 và Tất cả. Kết quả nghiên cứu được thể hiện qua Hình 3. Hình 3. Tỉ lệ đồ lưu niệm là sản phẩm thổ cẩm/tổng số sản phẩm lưu niệm Từ kết quả nghiên cứu ở Hình 3 đã cho thấy, khách du lịch luôn có nhu cầu mua các sản phẩm từ thổ cẩm để làm quà lưu niệm khi đi du lịch ở Tây Nguyên. Tỉ lệ người không mua sản phẩm thổ cẩm là 0%. Đây là lợi thế rất lớn của ngành hàng này. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển các nhà quản lý và doanh nghiệp cần đa dạng hóa chủng loại và mẫu mã/thiết kế để kích thích nhu cầu mua sắm của khách du lịch. 3.2. Kênh thông tin tiếp cận sản phẩm và nơi mua sản phẩm Kênh thông tin mà người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm là một trong những kết quả quan trọng của nghiên cứu. Điều này sẽ giúp cho các tác nhân tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành hàng xác 345
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 định trọng tâm cho các chiến lược quảng bá sản phẩm. Tỉ lệ % của các nhân tố như: siêu thị/trung tâm thương mại, chợ địa phương, cửa hàng bán quà lưu niệm, điểm tham quan, truyền miệng, báo/tạp chí, sân bay/bến xe đã được tính toán. Kết quả được thể hiện qua Hình 4. ĐVT:% Hình 4. Các kênh thông tin tiếp cận sản phẩm Kết quả nghiên cứu từ Hình 4 đã cho thấy, Siêu thị/trung tâm thương mại, chợ địa phương, cửa hàng bán quà lưu niệm, điểm tham quan là những nơi mà du khách tiếp cận được sản phẩm và thông tin sản phẩm nhiều nhất. Điều này có thể được giải thích dựa vào tính chất khai thác tour du lịch của các công ty du lịch. Khách du lịch trong nghiên cứu này chủ yếu đi du lịch theo nhóm. Chính vì vậy, những địa điểm nêu trên xuất hiện nhiều hơn trong kết quả nghiên cứu. Từ đó, có thể thấy rằng, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm ở những địa điểm như trên. Bên cạnh đó, địa điểm mà du khách mua các sản phẩm thổ cẩm cũng được nghiên cứu trong đề tài này. Những địa điểm như: sân bay/bến xe, siêu thị/trung tâm thương mại, chợ địa phương, cửa hàng bán quà lưu niệm, điểm tham quan đã được tiến hành khảo sát. Các kết quả nổi bật của nghiên cứu, có 39.2% khách du lịch mua sản phẩm ở các chợ địa phương. Từ thực tế quản lý chợ đã cho thấy, các cửa hàng kinh doanh thường không niêm yết giá mà chủ yếu kết quả bán hàng là quá trình trả giá – chốt giá bán giữa người bán và người mua. Chính vì vậy, sẽ gây nên tâm lý e ngại về giá và chất lượng sản phẩm. Điều này cũng bị tác động bởi quá trình kiểm soát hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có thể được rao bán dưới danh nghĩa hàng thủ công của các đồng bào dân tộc thiểu số. Có 21.2% ý kiến của người tiêu dùng cho rằng họ lựa chọn siêu thị hoặc trung tâm thương mại địa phương để mua sản phẩm. Mặc dù, các ý kiến truyền miệng cho rằng việc mua sản phẩm ở siêu thị/trung tâm thương mại có thể giá cả sẽ cao hơn bên ngoài nhưng chất lượng hàng hóa luôn được đảm bảo. Chính vì vậy, du khách vẫn chọn nơi này như là nơi tiêu thụ sản phẩm đáng tin cậy. Trong thiết kế chương trình du lịch của các công ty lữ hành thì việc kết nối với các cửa hàng bán quà lưu niệm có uy tín để đưa khách đến mua sản phẩm cũng được chú trọng. Bởi vì, đây cũng chính là hình ảnh và uy tín của các công ty. Đối với các khách du lịch đi theo nhóm nhỏ hay khách đi lẻ là những người trẻ tuổi hoặc những người sử dụng thành thạo internet thì họ có xu hướng tìm hiểu các trang đánh giá về địa điểm du lịch, các trang cộng đồng về du lịch trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter, Instagram hoặc các website đánh giá về du lịch. Chính vì vậy, việc xây dựng uy tín của các cửa hàng nổi tiếng ở địa phương thông qua việc cam kết chất lượng sản phẩm, liên kết với các công ty du lịch và truyền thông trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội là cần thiết. Phương thức kinh doanh sản phẩm tại các điểm tham quan hiện nay mặc dù được người tiêu dùng lựa chọn nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: hình thức trưng bày sản phẩm chưa thu hút, người trực tiếp giới thiệu sản phẩm (thường là người đồng bào dân tộc thiểu số) chưa có tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng bán hàng chưa tốt, chưa kể được trọn vẹn câu chuyện của sản phẩm. Tuy nhiên, việc khuyến khích đồng bào dân tộc 346
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 thiểu số tham gia vào quá trình kinh doanh sản phẩm thổ cẩm như hiện nay của các điểm du lịch cũng là một điểm sáng nên được phát huy. Sân bay/bến xe là nơi có tỉ lệ người mua sản phẩm thấp nhất trong nghiên cứu này. Người tiêu dùng thường mua sản phẩm ở đây khi họ kết thúc chuyến du lịch của mình mà không còn cơ hội để mua ở những nơi khác. Kết quả chi tiết được thể hiện qua Hình 5. Hình 5. Những nơi mua sản phẩm thổ cẩm chủ yếu của khách du lịch 3.3. Cảm nhận và đánh giá về sản phẩm thổ cẩm Tây Nguyên Đánh giá cảm quan của khách du lịch về các thuộc tính của các sản phẩm thổ cẩm đã được thu thập, thống kê và phân tích. Theo Hoàng Mỹ Hạnh (2016), mỗi dân tộc ở Tây Nguyên khi dệt vải đều có cách tạo hình, phối màu và hoa văn rất riêng. Lấy nền đen hoặc xanh chàm làm chủ đạo, các hình ảnh về đất trời và con người nơi đại ngàn được bàn tay người phụ nữ khéo léo dệt lên những tấm vải. Hình nhà rông, nhà dài, cây nêu, con voi, ché rượu, cảnh con người giã gạo, lên rẫy, đánh chiêng, múa xoang được tái hiện một cách đầy nghệ thuật trên các tà áo, nếp váy. Trang phục của phụ nữ Gia Rai, Ê Đê thường khá giản dị với chiếc váy quấn dài đến mắt cá chân, áo cổ thuyền có tay, họa tiết chạy ngang theo tà áo. Những cô gái Ba Na, MNông được thiết kế theo xu hướng hiện đại hơn với áo cộc tay, chân váy ngang bắp chân và thường kèm sợi dây thổ cẩm rực rỡ buộc trên vầng trán. Còn người Cơ Tu ở bắc Tây Nguyên thì có kỹ thuật dệt thổ cẩm kết hạt cườm nổi vô cùng độc đáo, tạo điểm nhấn bắt mắt Với trang phục nam giới thường chỉ là chiếc khố, một số nơi có mặc thêm áo, song đều được dệt rất kỳ công và đính thêm một số phụ kiện bằng gỗ hay kim loại để tăng phần mạnh mẽ, oai vệ. Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa phóng khoáng vừa uyển chuyển, hòa quyện với thiên nhiên nơi đại ngàn. Không chỉ đẹp mắt, mỗi tấm vải thổ cẩm còn chứa đựng cả những câu chuyện văn hóa, tập quán tốt đẹp. Chẳng hạn, người Gia Rai ở Kon Tum quan niệm người con gái khi về nhà chồng phải tự tay dệt và thêu thùa trang phục của mình, khi lên rẫy phải biết làm chiếc khăn địu con. Người Cơ Ho ở Lâm Đồng thì có tục thách cưới bằng thổ cẩm, tùy điều kiện kinh tế của gia chủ, nhưng sính lễ nhất thiết phải có từ vài cái đến vài chục tấm vải dệt tay truyền thống Chính vì vậy, trong nghiên cứu này các thuộc tính như: màu sắc, mẫu mã/thiết kế, hoa văn/họa tiết, phụ kiện/khóa kéo, cắt may/đường chỉ, câu chuyện về sản phẩm, giá và tổng thể về sản phẩm (thời gian sử dụng) của sản phẩm thổ cẩm Tây Nguyên đã được đưa vào nghiên cứu. Kết quả được thể hiện qua Bảng 1. Bảng 1. Đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng đối với sản phẩm thổ cẩm của Tây Nguyên Đơn vị tính: % Mức độ 1 2 3 4 5 STT Rất không Không hài Có thể chấp Hài lòng Rất hài Thuộc tính hài lòng lòng nhận lòng 1 Màu sắc 0 3 10 50 37 2 Mẫu mã/Thiết kế 1 28 20 40 11 3 Hoa văn/Họa tiết 0 0 50 30 20 347
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 4 Phụ kiện/Khóa kéo 2 17 53 19 9 5 Cắt may/đường chỉ 1 4 16 67 12 6 Câu chuyện về sản phẩm 3 9 61 20 7 7 Giá 0 0 50 43 7 Tổng thể sản phẩm (Thời 4 5 71 15 5 8 gian sử dụng) Ghi chú: Tổng mỗi hàng là 100% Kết quả nghiên cứu ở Bảng 1 đã cho thấy, người sử dụng đánh giá cao hầu như tất cả các thuộc tính của sản phẩm. Trong đó, hoa văn/họa tiết và giá được đánh giá 100% từ mức 3 (có thể chấp nhận được) trở lên. Các yếu tố như: màu sắc của sản phẩm, cắt may/đường chỉ và tổng thể về thời gian sử dụng của sản phẩm được người sử dụng đánh giá cao từ 90% trở lên các ý kiến đánh giá từ mức độ có thể chấp nhận được, hài lòng và rất hài lòng (tỉ lệ lần lượt là 97%, 95% và 91%). Chi tiết về mẫu mã/thiết kế, phụ kiện/khóa kéo, câu chuyện về sản phẩm và những yếu tố có lượt đánh giá không hài lòng và rất không hài lòng cao nhất (tỉ lệ lần lượt là 29%, 19% và 12%). Như vậy, bước đầu có thể nhận định rằng để tăng cường khả năng mua hàng của khách hàng, các sản phẩm thổ cẩm cần phát huy các yếu tố được người tiêu dùng đánh giá cao và khắc phục những hạn chế. Thứ nhất, về mẫu mã/thiết kế: có thể thấy rằng đây các sản phẩm thổ cẩm khá đơn điệu về mẫu mã và thiết kế. Chính vì vậy, chưa đáp ứng được sự đa dạng trong đối tượng người dùng theo các độ tuổi và các nền văn hóa khác nhau (khách nội địa và khách nước ngoài). Thứ hai, về phụ kiện và khóa kéo: các phụ kiện đính kèm như hạt nhựa, hạt cườm, hạt ngọc trai giả, chi tiết gỗ như nút thường kém chất lượng và thiết kế thiếu đồng bộ với sản phẩm. Khóa kéo sử dụng loại chất lượng thấp nên vô hình trung làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và khả năng quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Thứ ba, câu chuyện về sản phẩm: đây là yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, làm tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường giữa các sản phẩm cùng loại. Tính thủ công, sự thân thiện trong nguyên liệu, câu chuyện của những người phụ nữ đồng bào để dệt nên tấm vải hay những họa tiết chim muôn, núi rừng, con suối, bông hoa cũng sẽ góp phần làm cho người tiêu dùng thêm hứng thú về sản phẩm. Từ đó, làm tăng khả năng quyết định mua sản phẩm. 3.4. Giải pháp phát triển ngành hàng thổ cẩm của Tây Nguyên Nhằm đánh giá khách quan các đề xuất giải pháp, người tham gia nghiên cứu được giải thích chi tiết và giải đáp các thắc mắc có liên quan. Đối tượng được phỏng vấn cũng được tư vấn xem tổng thể tất cả các giải pháp, bao gồm cả giải pháp Khác (nếu có), để tự xếp loại các đề xuất giải pháp từ quan trọng đến ít quan trọng hơn. Sau đó, dựa vào quan điểm cá nhân của từng người, điểm số cho từng nhóm giải pháp đã được đánh giá. Kết quả nghiên cứu ở Bảng 2 đã thể hiện điểm số trung bình cho các đề xuất giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành hàng thổ cẩm của Tây Nguyên. Bảng 2. Giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành hàng thổ cẩm của Tây Nguyên Điểm trung STT Giải pháp STDEVP bình 1 Phát triển thương mại điện tử 8.79 0.65 2 Thu hút doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật và công nghệ 8.78 0.66 3 Tăng cường quảng bá sản phẩm 8.49 0.74 4 Nâng cao chất lượng sản phẩm 8.37 0.83 5 Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước 8.36 0.89 6 Đa dạng mẫu mã, thiết kế, hoa văn, họa tiết 8.23 0.77 7 Thành lập các nhóm sản xuất như Hợp tác xã, tổ hợp tác 7.65 0.81 8 Tăng giá bán 6.08 0.85 348
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Từ kết quả trình bày ở Bảng 2, 3 nhóm giải pháp với 8 giải pháp chính được xem là quan trọng nhất bao gồm: Thương mại điện tử - Kỹ thuật công nghệ và Phát triển nguồn nhân lực - Cơ chế chính sách và Kinh tế hợp tác. Theo Huỳnh Trường Huy và Nguyễn Xuân Quang (2009), khi khảo sát 22 sơ sở dệt thổ cẩm tại An Giang, nghiên cứu đã phát hiện một số điểm sau: nghề dệt thổ cẩm hình thành khá lâu, thiết bị sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp, lao động tham gia chủ yếu là nữ, nguyên nhân chính tham gia ngành do tính kế thừa. Hơn nữa, nghề dệt thổ cẩm có một số điểm lợi thế cạnh tranh đó là sử dụng nguồn tơ thiên nhiên, sản phẩm thể hiện nét văn hóa bản địa. Tuy nhiên, một số điểm bất lợi thế đó là thị trường đầu ra hạn chế, phụ thuộc ngành du lịch và tính thời vụ, bị thay thế bởi sản phẩm công nghiệp, khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Kết quả nghiên cứu của Huỳnh Trường Huy và Nguyễn Xuân Quang (2009), đã cho thấy những thuận lợi và bất lợi có những nét tương đồng nhất định với kết quả của nghiên cứu này. Từng nhóm giải pháp được nghiên cứu đề xuất cụ thể như sau: Thứ nhất, về yếu tố thương mại điện tử, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt, sống còn để phát triển. Việc sử dụng nền tảng internet để thực hiện giao dịch trực tuyến (đặt hàng – giao hàng và thanh toán điện tử qua ngân hàng điện tử); trao đổi dữ liệu điện tử giữa các doanh nghiệp ở địa phương và trong toàn Vùng giúp kết nối mạng lưới các doanh nghiệp địa phương để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường, quản trị chất lượng và số lượng của các nguồn cung sản phẩm. Công cụ truyền thông đa phương tiện để quảng bá sản phẩm, tăng cường kể lại các câu chuyện của sản phẩm dưới với các phương thức truyền thông khác nhau như video, tranh ảnh, tờ rơi quảng cáo, phim ngắn, sẽ giúp phổ biến hình ảnh của sản phẩm đến nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn. Chính vì vậy, việc sử dụng công cụ thương mại điện tử sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển ngành hàng thổ cẩm của Tây Nguyên. Thứ hai, về yếu tố kỹ thuật công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy rằng, các sản phẩm thổ cẩm hiện nay trên thị trường tồn tại một số nhược điểm quan trọng như: tính bền màu, họa tiết chưa thật sự tinh tế, tính xu hướng trong thiết kế kém, kiểu dáng chưa phong phú, một số phụ kiện đính kèm kém chất lượng. Chính vì vậy, việc sử dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để khắc phục những hạn chế này là cần thiết. Mục tiêu này có thể đạt được khi thu hút các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư, nghiên cứu để cải thiện các điều kiện hiện có. Song song đó, câu chuyện về sản phẩm thổ cẩm không thể tách rời việc phát triển nguồn nhân lực, chính là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Việc phát triển đột phá ngành hàng này suy cho cùng chính là sự phát triển toàn diện con người, ở đây là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, đồng bào thường làm việc theo thói quen, quyết định theo cảm tính mà chưa thật sự tuân thủ nghiêm ngặc các nguyên tắc, chuẩn mực trong sản xuất theo hướng chất lượng cao. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, kết hợp huy động sự ủng hộ của những người có uy tín trong cộng đồng để đạt được sự đồng thuận. Thứ ba, về cơ chế chính sách và kinh tế hợp tác, các giải pháp về thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã theo quy mô nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư là giải pháp lâu dài. Phát huy nhân tố này bên cạnh các giá trị khác thì tính xã hội, tính cộng đồng, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau được phát huy, thông qua đó còn có thể giữ gìn và phát huy các giá trị tuyền thống của đồng bào. Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu phát triển thì cần đa dạng các nguồn tài chính, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố ngân sách, đầu tư từ Nhà nước, mặc dù đây là yếu tố quan trọng. Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần kêu gọi, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong từng khâu cụ thể của kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, có thể thu hút đầu tư thông qua việc tạo cơ chế, hỗ trợ tích cực về vốn, tín dụng hay cơ sở vật chất ban đầu, quảng bá sản phẩm cho các dự án Khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ các cá nhân và doanh nghiệp. 4. Kết luận Sản phẩm thổ cẩm không chỉ là hàng hóa mà còn là tinh hoa của đồng bào các dân tộc. Việc phát triển ngành hàng này không những giúp giải quyết các mục tiêu kinh tế - xã hội mà còn là giải 349
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 pháp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong nghiên cứu này, việc đưa ra các biện pháp hành động thuộc về các nhóm giải pháp Thương mại điện tử - Kỹ thuật công nghệ và Phát triển nguồn nhân lực - Cơ chế chính sách và Kinh tế hợp tác được xem là sẽ góp phần phát triển bền vững ngành hàng thổ cẩm Tây Nguyên trong tương lai. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoàng Mỹ Hạnh, 2016. Trầm tư thổ cẩm Tây Nguyên. Báo Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 09/11/2018. Truy cập từ 2. Huỳnh Trường Huy và Nguyễn Xuân Quang, 2009. Phân tích lợi thế cạnh tranh nghề dệt thổ cẩm an giang theo phương pháp PACA. Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ. Số 12 (2009). Trang 229-237; 3. Lang Hường, 2015. “Giữ hồn” thổ cẩm Tây Nguyên. Báo Tin Tức. Truy cập ngày 09/11/2018. Truy cập từ 4. Nguyễn Thị Tố Loan, 2013. Xây dựng thương hiệu hàng thổ cẩm của làng nghề Kon Klor tại Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Đại học Đà Nẵng. 350