Giải pháp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản Việt Nam

pdf 9 trang Gia Huy 2820
Bạn đang xem tài liệu "Giải pháp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiai_phap_tham_gia_vao_chuoi_gia_tri_toan_cau_cho_nong_san_v.pdf

Nội dung text: Giải pháp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 GIẢI PHÁP THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU CHO NÔNG SẢN VIỆT NAM SOLUTIONS FOR PARTICIPATING IN THE GLOBAL VALUE CHAIN FOR VIETNAM AGRICULTURAL PRODUCTS ThS. Phan Trọng An Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Email: anpt@due.edu.vn Tóm tắt Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại những cơ hôi to lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng giá trị cho hàng nông sản, song chính những cơ hội đó lại hàm chứa những thách thức gay gắt, nhất là khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và thế giới. Từ việc cung cấp bức tranh toàn cảnh về kết quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của một số mặt hàng nông sản, đánh giá những cơ hội và thách thức, bài viết đưa ra những giải pháp về khoa học – công nghệ, về tổ chức sản xuất, về tổ chức kinh doanh nông sản, về xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm thúc đẩy sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho hàng nông sản Việt Nam. Từ khóa: Chuỗi giá trị toàn cầu; Giải pháp; Nông sản. Abstract: International economic integration provides a great opportunity for Vietnam to expand its export markets and increase the value of its agricultural products. However, it also brings about the considerable challenges for Vietnam, especially the competitiveness of agricultural products in the domestic market and the global market. By providing a general result of participating in the global value chain of several agricultural commodities, evaluating opportunities and challenges, the paper offers solutions on science and technology, on production organization, agribusiness organization, on brand building and promotion to promote the global value chain participation for agricultural products in Vietnam. Keywords: Global value chain; Solutions; Agricultural products. 1. Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp với tinh thần quyết tâm đổi mới tư duy, mở cửa thị trường và chấp nhận cạnh tranh, thực hiện tăng cường năng lực về quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để tổ chức cho nông dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản để đủ sức cạnh tranh quốc tế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo đánh giá của các chuyên gia, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ như cung cấp tín dụng theo chuỗi, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; khâu dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, việc đánh giá những cơ hội và thách thức, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản Việt Nam là vấn đề có tính cấp thiết. 334
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 2. Chuỗi giá trị nông sản toàn cầu 2.1. Chuỗi giá trị toàn cầu Chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động cần thiết của một quá trình sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ kể từ khi nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm đến khi phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng. Như vậy, chuỗi giá trị bao gồm một số hoạt động như thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối và dịch vụ khách hàng (Kaplinsky and Morris, 2001). Nếu các hoạt động của chuỗi diễn ra tại nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu thì chuỗi giá trị đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu chuỗi giá trị toàn nhằm đưa ra những chiến lược, giải pháp phù hợp để nâng cao lợi thế của từng quốc gia trong chuỗi giá trị. 2.2. Chuỗi giá trị nông sản toàn cầu Về cơ bản sự hình thành và phát triển các chuỗi giá trị nông sản toàn cầu cũng giống như sự hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm phi nông sản như đã trình bày trên đây. Tuy nhiên do những đặc thù rất riêng của sản xuất hàng hóa nông sản từ khâu canh tác tới chế biến và tiêu thụ mà chuỗi giá trị nông sản có những đặc thù và tính chất riêng cần lưu ý, nghiên cứu để tham gia thành công và có hiệu quả vào các chuỗi giá trị này. Những đặc điểm riêng của chuỗi giá trị nông sản toàn cầu được khái quát như sau - Đặc điểm về tính mùa vụ và bảo quản Do đối tượng cây trồng của sản xuất nông nghiệp luôn mang tính mùa vụ nên sản phẩm nông sản làm ra cũng mang tính mùa vụ theo, làm cho chuỗi giá trị sản phẩm nông sản thường mang đặc điểm không liên tục và có sự thay đổi rất nhanh khối lượng, chất lượng trong quá trình cung ứng ra thị trường. Thể hiện: vào vụ thu hoạch, khối lượng hàng hóa nông sản tăng nhanh, chất lượng cao và nhu cầu bán ra thị trường rất lớn, làm cho giá nông sản trên thị trường giảm, ngược lại khi hết vụ thu hoạch thì lượng hàng hóa giảm rất nhanh, chất lượng thấp, nhưng giá bán trên thị trường lại cao. Đặc điểm này làm cho việc phân phối hàng hóa trở nên rất khó khăn và giá cả không ổn định. Nông sản là hàng hóa sinh vật tươi sống, dễ bị hỏng, nhanh giảm phẩm chất sau khi thu hoạch, việc vận chuyển đi xa khó khăn nếu không được chế biến, bảo quản tốt trước khi vận chuyển, điều này đồng nghĩa với giá thành sản xuất sẽ tăng lên nếu sản phẩm được trải qua các công đoạn chế biến, chọn lọc và bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật. Đặc điểm này gây ra nhiều khó khăn cho người sản xuất và hạn chế sự phát triển mở rộng của chuỗi giá trị, đặc biệt đối với những sản phẩm được tiêu dùng dưới trạng thái tươi sống như rau xanh, hoa tươi, hoa quả tươi, Và cũng vì vậy, tính toàn cầu hóa các hàng hóa nông sản trở nên rất hạn chế, muốn phát triển được các chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm này tới nhiều quốc gia và với không gian mở rộng, đòi hỏi các nhà sản xuất, kinh doanh phải có công nghệ công nghệ cao, thích hợp về chế biến và bảo quản đồng thời giá cả tiêu thụ phải tăng lên nhiều lần so với giá bán sản phẩm tại nơi sản xuất. - Đặc điểm về tác động của thời tiết, bệnh dịch và an toàn thực phẩm Sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh bởi các nhân tố khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng và các nguồn lực khác như đất đai, nguồn nước. Sự thay đổi những nhân tố này theo bất kỳ chiều hướng nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến kết quả sản xuất, có thể là tích cực có thể là tiêu cực và làm cho tính ổn định của chuỗi giá trị trở nên không bền vững và biến động mạnh theo thời gian. Sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên đã làm cho sản xuất nông nghiệp bị hạn chế mạnh bởi những điều kiện tự nhiên không phù hợp và sản phẩm nông sản bị “khu vực hóa” mạnh mẽ, tập trung nhiều ở một số vùng, trong khi những vùng khác không thể phát triển được. Chính vì vậy chuỗi giá trị nông sản thường mang tính vùng rất cao. Cộng thêm khả năng vận chuyển khó khăn, chi phí tốn kém đã hạn chế mạnh khả năng phát triển các kênh tiêu thụ của chuỗi nông sản đến các vùng xa nơi sản xuất và tính toàn cầu bị hạn chế hơn nhiều so với hàng hóa phi nông sản. Vấn đề dịch bệnh, đòi hỏi về an toàn thực phẩm, đồ uống cũng là những cản trở lớn đến sự phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản trên phạm vi toàn cầu bởi những hàng hóa này ảnh hưởng trực tiếp 335
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 đến sức khỏe, đời sống người tiêu dùng. Chính phủ các nước thường đặt ra những hàng rào kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản nhập khẩu và không cho phép nhập khẩu những lô hàng kém phẩm chất, có mầm bệnh hoặc có chứa hóa chất độc hại quá mức cho phép. - Đặc điểm về tổ chức sản xuất nông nghiệp Do tính truyền thống và tính sinh học của cây trồng, quy định nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng mang những đặc thù khác hẳn với tổ chức sản xuất của hàng hóa phi nông sản. Quá trình sản xuất nông nghiệp thường có sự tham gia của số lượng rất đông các hộ nông dân với trình độ sản xuất, ý thức kinh doanh và nhận biết về thị trường nông sản rất khác nhau. Điều này làm cho chuỗi giá trị trở nên phức tạp và rất khó điều chỉnh để có thể tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đặc biệt là khả năng tự điều chỉnh quy mô sản xuất theo tín hiệu của thị trường, nhất là đối với những sản phẩm được sản xuất ở những quốc gia có số lượng nông dân đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Inđônêsia. Đặc điểm số lượng nông dân đông trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp để thu hút hữu hiệu nông dân cùng sản xuất ra sản phẩm cùng chất lượng, cùng mẫu mã và đưa ra thị trường khối lượng sản phẩm theo đúng nhu cầu thị trường, giảm thiểu tình trạng bất cập giữ cung và cầu trên thị trường về sản phẩm nông sản nào đó. Đây là vấn đề nan giải của chuỗi giá trị nông sản toàn cầu và đang là những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, chế biến trong các chuỗi giá trị nông sản nói chung và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu nói riêng. - Đặc điểm về chế biến và lưu giữ sản phẩm Trong chuỗi giá trị nông sản, hàng hóa muốn vận chuyển đi xa đến những thị trường nằm cách xa nơi sản xuất thì hàng hóa đó không thể vận chuyển dưới trạng thái tươi sống, mà phải thông qua chế biến thành hàng hóa khô hoặc đóng hộp bảo quản, nếu là tươi sống thì cũng phải thông qua các thiết bị bảo quản tốn kém như đã trình bày. Chính vì vậy mà công nghiệp chế biến nông sản đã phát triển đa dạng với nhiều thành tựu to lớn về kỹ thuật và các bí quyết công nghệ cao trong những năm vừa qua, nhưng vẫn chưa tháo gỡ hết mọi vấn đề của chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Thường những công nghệ chế biến cao cấp thì chí phí đầu tư sẽ rất lớn và từ đó giá thành sản phẩm nông sản đã qua chế biến sẽ rất cao, làm cho hiệu quả của chuỗi giá trị có thể giảm, lợi ích của các tác nhân, nhất là những nông dân tham gia chuỗi bị ảnh hưởng tiêu cực và động lực tham gia có thể sẽ mất đi. Khi đó chuỗi giá trị có thể sẽ bị phá sản. Đặc điểm này thường là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thừa lẫn lộn trên thị trường nông sản toàn cầu, tạo ra sự chênh lệnh về giá tiêu thụ rất lớn giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ tùy theo khoảng cách, điều kiện vận chuyển và hiện là thách thức lớn đối với các biện pháp mở rộng các chuỗi giá trị nông sản nói chung và chuỗi giá trị những nông sản mau hỏng, khó bảo quản Những người nông dân tham gia sản xuất ở những chuỗi nông sản này thường chịu rủi ro và thua thiệt lớn khi thị trường biến động. 2.3. Các khả năng tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu - Tham gia trực tiếp Một tác nhân muốn tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị thì tác nhân đó phải tham gia vào tác nghiệp sản xuất một bộ phận nào đó của chuỗi, nghĩa là phải tham gia vào một công đoạn nào đó của toàn bộ dây chuyền tạo ra sản phẩm chung của chuỗi giá trị. Theo đó, trong chuỗi giá trị nông sản, sự tham gia trực tiếp vào chuỗi có thể ở công đoạn sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm thô, hoặc công đoạn chế biến bao gồm sơ chế và tinh chế các nông sản thô. Việc tham gia trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp thường là những hộ nông dân, các trang trại, điền trang, hợp tác xã với quy mô sản xuất rất khác nhau do điều kiện đất đai, nguồn nước và các điều kiện khác quyết định. 336
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Tham gia vào công đoạn chế biến nông sản có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn chế biến thủ công, chế biến cơ giới, chế biến tự động hóa và kết hợp giữa thủ công với tự động hóa. Điều đáng lưu ý là giá trị gia tăng được tạo ra ở hai nhóm công đoạn trên rất khác nhau, thường ở công đoạn sản xuất nông nghiệp đưa ra sản phẩm thô với giá trị gia tăng rất thấp do quá trình sản xuất nặng về thủ công, nhỏ lẻ là chính, kỹ thuật truyền thống, năng suất lao động thấp, mặt khác những hộ nông dân đảm nhận công đoạn này là những người nghèo, khả năng đầu tư vào công nghệ mới rất hạn chế. Họ thường sản xuất theo kinh nghiệm từ đời này truyền qua đời khác. Trong khi đó, sở hữu công đoạn chế biến là những nhà kinh doanh có vốn, có tham vọng đầu tư để kinh doanh và thu lợi nhuận, họ giữ bí quyết chế biến và sử dụng nó để mưu cầu lợi nhuận cá thể. Một nhà chế biến có thể quan hệ với rất nhiều hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, vì vậy họ quan hệ với hộ nông dân thường đi theo nguyên lý “mua đứt - bán đoạn”. Nghĩa là thuận mua vừa bán và họ luôn nằm ở vị thế có lợi, có quyền định giá sao cho phần lợi thuộc về họ. Sự chia sẻ lợi ích giữa hai công đoạn sản xuất nông nghiệp với chế biến công nghiệp là rất khó khăn và luôn mang những mâu thuẫn, đôi khi là đối kháng, bất hợp tác kéo dài từ năm này qua năm khác và phổ biến ở hầu hết các chuỗi giá trị nông sản. Sự hợp nhất giữa hai nhóm chủ thể ở hai công đoạn nói trên là con đường tạo ra mối liên kết dọc và là điều kiện tiên quyết của sự hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản. Trong trường hợp là chuỗi giá trị nông sản toàn cầu thì hai công đoạn này phải được tổ chức rất chặt chẽ để tạo nên mối liên kết dọc bền vững giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến công nghiệp, điều này là vô cùng khó vì nhà chế biến nông sản thường không quan tâm sự hài lòng hay không hài lòng của người nông dân đã cung cấp nguyên liệu cho họ, hơn nữa họ ít khi gắn trực tiếp với nông dân mà thường thông qua các “đại lý, nhà thu gom” mà không được tổ chức, kiểm soát một cách chặt chẽ theo một cách thống nhất nào đó. Chính vì vậy sự tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị nông sản ở công đoạn sản xuất nông nghiệp tuy không khó khăn, thậm chí là dễ dàng vì không đòi hỏi người tham gia phải có nhiều vốn và kỹ thuật, không chịu sự kiểm soát của những tác nhân kế tiếp. Nhưng ở các chuỗi này thường gặp phải những thất bại, rủi ro, nảy sinh từ tình trạng liên kết lỏng lẻo, có thể gọi là “vô tổ chức” giữa các tác nhân trong cùng một công đoạn và giữ các tác nhân ở các công đoạn khác nhau trong chuỗi. - Tham gia gián tiếp Tham gia gián tiếp vào chuỗi giá trị nông sản là sự tham gia vào phân phối các sản phẩm của chuỗi tại những thị trường mà chuỗi vươn tới. Trong sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản các kênh phân phối cũng phát triển theo và thu hút sự tham gia của nhiều tác nhân tại địa bàn tiêu thụ. Vấn đề là, giá trị gia tăng ở công đoạn phân phối thường rất nhỏ và những tác nhân tham gia vào công đoạn này khó thu được lợi nhuận cao, đặc biệt khi các nhà phân phối của chuỗi thường là một bộ phận chính của tác nhân chế biến, họ hướng tới nắm gần như toàn bộ lợi nhuận tạo ra từ chuỗi. Nhìn chung, bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc tham gia gián tiếp vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu là không dễ dàng do các công ty đa quốc gia có thương hiệu lớn đã nắm giữ hầu như toàn bộ khâu này, các tác nhân ở một quốc gia nào đó muốn tham gia chuỗi thì họ buộc phải đương đầu cạnh trạnh với các công ty này. Trong những điều kiện nhất định, nếu các tác nhân mới hình thành và tham gia vào công đoạn phân phối, thì tác nhân đó phải đủ sức đầu tư tạo ra mạng lưới phân phối riêng có hệ thống tiêu thụ tốt, thuận tiện và có tính cạnh tranh cao. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu sâu đối với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu ở nước ngoài và những chuỗi đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam để tìm ra những ngách thị trường mà các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế Việt Nam có đủ sức tham gia lâu dài. 3. Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu Việt Nam hiện có quan hệ với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký hiệp định thương 337
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 mại với 61 nước và thỏa thuận đối xử tối huệ quốc với 68 quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia và thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới, tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hàng hóa của Việt Nam nói chung, hàng nông sản nói riêng sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. 3.1. Những cơ hội và lợi thế Cơ hội dễ dàng nhận diện nhất là hàng Việt Nam có thể thâm nhập nhiều hơn vào các thị trường lớn quốc tế, tiếp cận khoa học, công nghệ và thị trường hiện đại. Với cơ hội mang lại từ thị trường quốc tế, cộng với những thuận lợi mang tính nền tảng mà nền nông nghiệp Việt Nam hiện đang sở hữu sẽ tạo thêm sực mạnh cho hàng nông sản cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài khi hội nhập. Những lợi thế mà nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam có thể kể đến như: Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi, minh bạch và ổn định dài hạn để thu hút đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp có sức cạnh tranh liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị; Môi trường kinh doanh theo cơ chế thị trường; Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đang được đẩy mạnh; Liên kết theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành và phát triển theo chiều sâu; Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh đã bước đầu góp phần tạo lập năng lực tham gia của hàng nông sản Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc gia nhập WTO, hội nhập kinh tế đa phương và song phương đã và sẽ tiếp tục mở đường cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. Các chính sách nông nghiệp, thương mại, khoa học - công nghệ được ban hành và thực hiện đã góp phần vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị chế biến và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Vị thế của nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã được nâng lên một bước so với hàng nông sản của các nước. Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam và một số chuỗi giá trị riêng biệt của doanh nghiệp đã tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chuỗi cà phê của Vinacafe, chuỗi thanh long Bình Thuận, và đặc biệt là các chuỗi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Néscafe, Metro đã đưa hàng nông sản gắn xuất xứ Việt Nam đến hệ thống bán lẻ ở nước ngoài. Đặc biệt, trong khâu tiêu thụ cà phê trên thị trường nội địa, sự tham gia và đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua chủ yếu là do kết quả tích cực của các chiến lược marketing từ các thương hiệu lớn như: Highlands Coffee, Gloria Jean’s, The Coffee Bean, Tea Leaf, Trung Nguyên và Illy, Một số công ty đã bước đầu vươn ra thị trường thế giới với các thương hiệu của cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia quan tâm đầu tư vào ngành cà phê Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực tham gia của cà phê Việt Nam vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào các chương trình phát triển cà phê bền vững. 3.2. Những thách thức Bên cạnh những kết quả bước đầu, vẫn còn rất nhiều thách thức và những hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục, đó là: Nông sản Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo đánh giá của các chuyên gia, có tới trên 80% lượng hàng nông sản của nước ta ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Cùng với đó là rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật tại “sân chơi” hội nhập mà hàng hóa nước ta phải đối mặt. Sự phát sinh tranh chấp thương mại nhưng năng lực giải quyết còn thấp là một trong những thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức về luật pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và kinh nghiệm đối phó của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng chưa đầy đủ. 338
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Năng lực tham gia của các tác nhân vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khiến cho khó thực hiện cơ giới hóa, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. Hầu hết các hộ nông dân đều thiếu năng lực tiếp cận thị trường, họ sản xuất theo kinh nghiệm và dựa vào những tính toán chủ quan về thị trường. Nông sản của Việt Nam mới chỉ tham gia được vào các khâu: Trồng trọt, thu gom, sơ chế và xuất khẩu sản phẩm thô, là những khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị nông sản. Ở những khâu có giá trị gia tăng cao như: R&D, chế biến, phân phối (bán lẻ) chúng ta vẫn chưa tham gia được, hoặc mức độ tham gia còn rất thấp. Trong khâu sản xuất nông sản, nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi. Điều tra của Oxfam hợp tác với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tại tỉnh An Giang cho thấy, trong số ba tác nhân tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu (nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu), nông dân phải bỏ mức chi phí cao nhất (63%), thương lái và các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chi phí 37% còn lại và hưởng lợi thì hoán vị. Trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, phần được hưởng lợi nhiều nhất thuộc về những đơn vị cung ứng phân phối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiếp đến là đầu mối xuất khẩu gạo, sau đó là các doanh nghiệp thu mua chế biến và thương lái. Họ chỉ kinh doanh đã kiếm lời trên 70%, còn nông dân được hưởng lợi thường không tới 30%. Đối với chuỗi giá trị cà phê, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê. Các khâu thu gom, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa hoàn chỉnh và thiếu bền vững, nhiều cấp trung gian. Nông dân chủ yếu bán nông sản cho các thương lái, đại lý thu mua. Mặt khác, do khâu thu gom và chế biến chưa được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật khiến chất lượng nông sản chưa cao nên giá nông sản thấp. Trong khâu tiêu thụ (xuất khẩu và phân phối bán lẻ), việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc duy trì, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam gặp không ít khó khăn do tình trạng ăn cắp thương hiệu hay bị các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam ở thị trường nước ngoài (Thí dụ: Cà phê Trung Nguyên ở một số bang của Hoa Kỳ hay cà phê Tây Nguyên ở Trung Quốc). Năng lực tư duy về quản lý Nhà nước và quản trị kinh doanh theo mô hình chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Cho đến nay, rất ít cán bộ hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch và chính sách phát triển nông nghiệp và thương mại hiểu một cách đầy đủ về chuỗi giá trị toàn cầu và sự cần thiết phải tham gia. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu theo giá FOB, bằng cách tìm kiếm các hợp đồng thương mại và thực hiện theo mô hình trừ lùi (tức là nhận tiền đặt cọc trước rồi mua gom hàng và giao hàng rồi mới chốt giá), bạn hàng xuất khẩu không ổn định và hầu như không có các hợp đồng kỳ hạn. Chính vì vậy, hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu trên 20 tỷ USD/năm, có một số mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới nhưng do có hàng trăm doanh nghiệp cùng xuất khẩu cạnh tranh với nhau nên chúng ta không có vai trò trong việc chi phối thị trường và giá cả. 4. Một số giải pháp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản Việt Nam 4.1. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt và chế biến nông sản Giá trị nông sản hiện nay không chỉ do người lao động tạo ra mà phần lớn bị chi phối bởi hàm lượng khoa học – công nghệ (KHCN) trong nông sản. Hàm lượng KHCN trong sản phẩm không chỉ để khẳng định thương hiệu của mặt hàng mà còn là tiêu chí để xác định trình độ sản xuất của mỗi quốc gia. Để thực hiện được điều này cần: - Ưu tiên đầu tư nghiên cứu, chuyển giao tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống cây trồng chất lượng cao nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam hướng tới hội nhập. Cần tiếp tục tạo ra những giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, có khả năng đề kháng tốt trước dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Công nghệ sinh học tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn để tạo ra một nền nông nghiệp sạch, bền vững. 339
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 - Xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hợp tác xã, các thương lái thu mua đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch với qui mô nhỏ, tại chỗ để làm vệ tinh cung ứng nguyên liệu, bán thành phẩm cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. - Khuyến khích, hỗ trợ cho các loại hình doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản phát triển trở thành các đầu tàu, có thương hiệu mạnh trên thị trường và là trung tâm trong chuỗi liên kết giữa các khâu, các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam. - Nhà nước có cơ chế khuyến khích các trường đại học, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học tạo ra ngày càng nhiều các sản phẩm KHCN có chất lượng cao phục vụ nông nghiệp. - Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Nhà nước có chiến lược và mục tiêu rõ ràng trong đề xuất và tranh thủ sự chuyển giao tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, kêu gọi hỗ trợ về nguồn lực, về tư vấn hoạch định chiến lược, phương pháp triển khai, giám sát đánh giá ứng dụng KHCN trong nông nghiệp. Xây dựng các chương trình hợp tác với các tổ chức nông nghiệp quốc tế trong việc nâng cao năng lực khuyến nông. Liên kết đào tạo, huấn luyện về lĩnh vực khoa học nông nghiệp với các nước trong khu vực và thế giới. 4.2. Giải pháp về tổ chức sản xuất - Đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả: khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại, hợp tác xã chuyên canh có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa. Phát triển kinh tế hộ theo hướng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn thông qua việc tạo điều kiện cho hộ dồn điền đổi thửa, cho thuê đất, tích tụ đất, áp dụng KHCN. Hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Xây dựng và phát triển các hợp tác xã theo chuỗi giá trị nông sản, nâng cao nhận thức và trình độ của người dân, nâng cao chất lượng của đội ngũ quản lý hợp tác xã. Tổ chức các hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng nhằm liên kết, phối hợp các hộ gia đình, các trang trại, các hộ tiểu thương nhỏ lẻ, giúp tăng cường quy mô sản xuất, thay đổi chất lượng quản lý và đầu tư của nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất của nông hộ với doanh nghiệp và thị trường. - Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ nông dân tuân thủ quy hoạch sản xuất, đất đai, hình thành vùng sản xuất tập trung để thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, KHCN cho sản xuất nông sản quy mô lớn. Hoàn thiện chính sách về tài chính, khuyến khích hình thành các quỹ tín dụng nhân dân để huy động vốn nhàn rỗi trong dân; cải cách thủ tục cho vay vốn sao cho thuận lợi hơn, thời hạn cho vay đủ dài, phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh nông sản. - Xây dựng các cơ sở chế biến nông sản Tăng cường đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện sản xuất, giao thông, thông tin liên lạc, cấp thoát nước để khuyến khích doanh nghiệp chế biến nông sản đặt cơ sở chế biến tại địa phương, hỗ trợ nông dân vào mùa thu hoạch. Khuyến khích nông dân phối hợp đầu tư mua các dây chuyền sơ chế nông sản hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sau sơ chế; tạo điều kiện thành lập các hình thức hoạt động sản xuất, dịch vụ của hợp tác xã, trong đó nông dân tự liên kết về vốn, về tổ chức sơ chế, bảo quản máy móc và phân bổ dịch vụ hợp lý giữa các gia đình. Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng sơ chế và bảo quản nông sản để nông dân thuê làm kho chứa tạm thời hoặc thuê địa điểm sơ chế. 340
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 4.3. Giải pháp cải tiến thương mại và xuất khẩu nông sản - Tăng cường đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho các tác nhân cũng như cho các khâu trong chuỗi giá trị từng loại nông sản. - Kiểm soát đầu mối sản xuất xuất khẩu nông sản, nhất là các doanh nghiệp ít vốn, thiếu kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, không có nhà máy chế biến và kho chứa đủ lớn, thiếu thông tin về thị trường nông sản. - Đầu tư xây dựng và hỗ trợ hoạt động cho các sàn giao dịch: hình thành hệ thống sàn giao dịch nông sản kết nối trực tiếp các vùng chuyên canh nông sản chiến lược (lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, cà phê ở Tây Nguyên, ) với hoạt động thương mại tại các thị trường quốc tế chính. Áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro theo cơ chế thị trường như bảo hiểm, xây dựng hệ thống kho, áp dụng các hình thức giao dịch hiện đại (đấu giá, giao sau, thương mại điện tử, ) hạn chế đến mức thấp nhất, tránh các rủi ro về biến động thị trường. - Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu theo hướng từ thấp đến cao, từ việc tham gia thông qua trung gian đến tham gia trực tiếp, phấn đấu vươn lên các nấc thang cao trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. - Phát triển nhanh hệ thống phân phối, hệ thống logistic, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hàng nông sản. Tập trung phát triển một số nhà phân phối lớn, có đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa và từng bước cạnh tranh ở thị trường thế giới, cả hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp lớn như Vinacaphe, Vinatee, Vinafood, cần tập trung đầu tư để sớm khai trương một số sàn giao dịch hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều Khi sàn giao dịch đi vào hoạt động sẽ có các hợp đồng kỳ hạn được ký kết và sẽ nâng cao được năng lực tham gia của hàng nông sản của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển nhanh các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic sẽ tạo điều kiện để giảm chi phí kinh doanh và nâng cao hiệu quả cho cả người sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xây dựng các kho hiện đại, các silo để dự trữ hàng khi mùa thu hoạch tập trung cao điểm. 4.4. Giải pháp về tạo mối liên giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị Tăng cường sự hợp tác giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, tạo mối liên kết bền chặt, lâu dài, từ đó hình thành chuỗi giá trị hiện đại. Trong chuỗi giá trị nông sản hiện đại, các thành quả và lợi ích thu được từ bán sản phẩm cuối cùng được phân chia một cách hợp lý, công bằng giữa các tác nhân. Tạo mối liên kết khăng khít giữa các thành phần tham gia chương trình xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, thương lái, nhà máy chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Sự hợp nhất giữa hai nhóm chủ thể ở hai công đoạn: sản xuất nông nghiệp và chế biến công nghiệp là con đường tạo ra mối liên kết dọc và là điều kiện tiên quyết của sự hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản. Trong trường hợp là chuỗi giá trị nông sản toàn cầu thì hai công đoạn này phải được tổ chức rất chặt chẽ để tạo nên mối liên kết dọc bền vững giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến công nghiệp. Để mối liên kết này thực sự bền vững và phát triển, Nhà nước cần xây dựng cơ chế phù hợp để vừa khuyến khích, tạo động lực cho các bên phát huy tốt nhất vai trò và khả năng của mình, vừa tạo ra hành lang pháp lý buộc họ tuân thủ theo đúng pháp luật. Có như thế, mối liên kết này mới bền vững, lâu dài và hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bên tham gia chương trình. 341
  9. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 1 năm 2018 Về phía các nhà khoa học, cần nghiên cứu, cung cấp giống tốt, sạch bệnh và hướng dẫn nông dân gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đúng cách để tạo ra nông sản có chất lượng. Về phía nông dân, hợp tác xã, sản xuất có định hướng và tuân thủ theo chỉ dẫn của nhà khoa học trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết với các nhà máy chế biến. Về phía các nhà máy chế biến, phải thu mua nông sản hoặc cung cấp dịch vụ bảo quản sau thu hoạch cho nông dân, hợp tác xã. 4.5. Giải pháp về xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản Xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ định hướng, chính sách cho đến sự nỗ lực của các tác nhân trong chuỗi giá trị. - Về phía các nhà khoa học, cần nghiên cứu, cung cấp giống tốt, sạch bệnh và hướng dẫn nông dân gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đúng cách để tạo ra nông sản chất lượng. - Về phía hộ nông dân (thông qua hợp tác xã), sản xuất có định hướng và tuân thủ theo chỉ dẫn của nhà khoa học trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết với các nhà máy chế biến để đảm bảo chất lượng nông sản. - Về phía doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đăng ký thương hiệu nông sản với các cơ quan quản lý trong nước và quốc tế, tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản thương hiệu, nhất là đối với thị trường đòi hỏi nông sản chất lượng cao như Nhật, Đức, Mỹ, Bỉ, Italia và Tây Ban Nha. Đồng thời, chú trọng vào khâu đóng gói bao bì và dịch vụ trước, trong và sau bán hàng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. M4P, Để chuỗi giá trị hiệu quả hơn cho người nghèo, Sổ tay thực hành phân tích chuỗi giá trị, Ngân hàng Phát triển châu á; 2. Đinh Văn Thành (2010), Tăng cường năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, Đề tài cấp Nhà nước; 3. Nguyễn Thị Phương Linh, Phân tích sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nghành cà phê Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu châu Phi & Trung Đông, Số 7/2017; 4. Lê Thị Vân, Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở Tây Nguyên, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” lần 2 năm 2018, tr 222-226; 5. Phan Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm cà phê khu vực Tây Nguyên, Tạp chí KHCN Đại học Đà Nẵng; Số: 2(111).2017 tr: 114-117, 2017; 6. Phan Trọng An, Phan Như Hiển, Giải pháp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cho cà phê Tây Nguyên, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” lần 2 năm 2018, tr 347-351; 7. Võ Tòng Xuân (2011), Nghiên cứu ứng dụng chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, Tạp chí Tia sáng điện thử, ngày 22-6; 8. Kaplinsky and Morris (2001), A handbook for value chain research, The Institurte of Developpment Studies, University of Sussex, Brighton, United Kingdom; 9. Onyas W.I, (2012) An anslysis of Coffee Global Value Chains, Lancaster University, United kingdom; 10. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2015, 2016, 2017. 342