Giáo trình Vệ sinh phòng bệnh

pdf 71 trang Miên Thùy 02/04/2025 80
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Vệ sinh phòng bệnh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_ve_sinh_phong_benh.pdf

Nội dung text: Giáo trình Vệ sinh phòng bệnh

  1. UBND TỈNH LÀO CAI TRƯỜNG TRUNG HỌC Y TẾ BÀI GIẢNG VỆ SINH PHÒNG BỆNH Tài liệu dùng cho đối tượng Y sỹ - Điều dưỡng trung cấp Năm 2016
  2. LỜI NÓI ĐẦU Để thống nhất nội dung giảng dạy trong Nhà trường, đáp ứng nhu cầu tài liệu học tập và tham khảo cho giáo viên và học sinh, Trường Trung học Y tế Lào Cai tổ chức biên soạn và biên tập giáo trình và bài giảng các môn học sử dụng trong đào tạo các đối tượng học sinh trong Nhà trường. Căn cứ chương trình môn Vệ sinh phòng bệnh trong chương trình đào tạo trung cấp Y sỹ và Điều dưỡng của Trường Trung học Y tế Lào Cai. Trường THYT Lào Cai tiến hành biên soạn, biên tập giáo trình Vệ sinh phòng bệnh. Giáo trình này là tài liệu chính thức dùng giảng dạy, nghiên cứu, học tập của ngành Y sỹ và Điều dưỡng trung cấp của Trường. Giáo trình được biên tập và biên soạn dựa trên các giáo trình Vệ sinh phòng bệnh của Trường THYT Lào Cai, Bộ Y tế và một số trường Đại học, Cao đẳng Y tế, sự tham gia đóng góp ý kiến của các giáo viên trong Trường và các cơ sở y tế tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Do điều kiện về thời gian có hạn cũng như một số yếu tố khách quan, chủ quan nên giáo trình này không tránh khỏi những khiếm khuyết và hạn chế nhất định. Trong quá trình sử dụng rất mong được sự góp ý của đồng ghiệp giáo viên và học sinh để Tài liệu ngày một hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dạy - học. THAY MẶT NHÓM TÁC GIẢ Bs. Hồ Kim Dung 2
  3. Học phần 13 VỆ SINH PHÒNG BỆNH Số tiết học lý thuyết: 30 Số đơn vị học trình: 2 Thời điểm thực hiện học phần: Học kỳ II -Năm thứ nhất I. MỤC TIÊU 1. Trình bày được một số kiến thức cơ bản về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ, mối liên quan giữa môi trường - sức khoẻ và biện pháp nâng cao sức khoẻ. 2. Trình bày được các biện pháp dự phòng bệnh tật; các yếu tố nguy cơ gây bệnh thường gặp có liên quan đến sức khoẻ cá nhân và cộng đồng và đề xuất các biện pháp giải quyết. 3. Trình bày được các biện pháp cơ bản nhằm bảo vệ và cải tạo môi trường sống, đề phòng tai nạn và phòng bệnh, xử lý ổ dịch. 4. Vận dụng các kiến thức đó học vào việc bảo vệ, cải tạo môi trường sống và góp phần để phòng tai nạn, phũng chống dịch, 5. Tuyên truyền giáo dục cộng đồng thay đổi hành vi có lợi cho sức khoẻ con người. II. NỘI DUNG TT Tên bài học Số tiết 1 Môi trường và sức khoẻ 2 2 Ô nhiễm môi trường và các biện pháp phòng chống. 5 3 Dịch tễ học đại cương 2 4 Cung cấp nước sạch 3 5 Xử lý chất thải 2 6 Xử lý phân 2 7 Phòng và diệt các côn trùng truyền bệnh 2 8 Vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân 2 9 Vệ sinh trường học 2 10 Vệ sinh bệnh viện - trạm y tế 2 11 Vệ sinh lao động 2 12 Phòng chống tai nạn, thương tích 2 13 Phòng dịch, bao vây, dập tắt một vụ dịch ở cộng đồng 2 Cộng 30 III. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HỌC PHẦN 1. Giảng dạy lý thuyết - Địa điểm : Tại phòng học lý thuyết. - Phương pháp thuyết trình tích cực hoá, kết hợp mô hình vật mẫu, tranh ảnh... xem băng video, slide và thảo luận nhóm. 2. Đánh giá - Kiểm tra thường xuyên: 1 điểm kiểm tra hệ số 1 - Kiểm tra định kỳ: 1 điểm kiểm tra hệ số 2 3
  4. - Thi kết thúc học phần: Bài thi viết sử dụng câu hỏi truyền thống có cải tiến kết hợp câu hỏi trắc nghiệm. IV. TÀI LIỆU DÙNG ĐỂ GIẢNG DẠY VÀ HỌC - Sức khoẻ môi trường - Trường Đại học Ytế công cộng - Môi trường và sức khỏe cộng đồng - Trường Đại học Y Hà Nội - Vệ sinh lao động và nghề nghiệp- Trường Đại học Y Hà Nội - Vệ sinh - Môi trường- Dịch tễ, Trường Đại học Y Hà Nội - Giáo trình Học phần Vệ sinh phòng bệnh - Trường trung cấp Y tế Lào Cai. 4
  5. MỤC LỤC BÀI 1. MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHOẺ 6 BÀI 2. Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG 10 BÀI 3. DỊCH TỄ HỌC ĐẠI CƯƠNG 14 BÀI 4. CUNG CẤP NƯỚC SẠCH 20 BÀI 5. XỬ LÝ CHẤT THẢI 27 BÀI 6. XỬ LÝ PHÂN 29 BÀI 7. PHÒNG VÀ DIỆT CÁC CÔN TRÙNG TRUYỀN BỆNH 34 BÀI 8. VỆ SINH NHÀ Ở, VỆ SINH CÁ NHÂN 37 BÀI 9. VỆ SINH TRƯỜNG HỌC 41 BÀI 10. VỆ SINH BỆNH VIỆN, TRẠM Y TẾ 45 BÀI 11. VỆ SINH LAO ĐỘNG 54 BÀI 12. PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH 56 BÀI 13. PHÒNG DỊCH, BAO VÂY, DẬP TẮT MỘT VỤ DỊCH TẠI CỘNG ĐỒNG 60 5
  6. BÀI 1. MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHOẺ Mục tiêu học tập 1. Trình bày được khái niệm và cấu trúc của hệ sinh thái. 2. Nêu được khái niệm về môi trường và một số vấn đề cấp bách của môi trường toàn cầu và ảnh hưởng của môi trường đến sức khoẻ. 3. Trình bày những cấp bách về sức khỏe – môi trường ở Việt Nam 4. Trình bày được chiến lược quốc gia về sức khỏe môi trường ở Việt Nam Nội dung 1. Hệ sinh thái 1.1. Khái niệm Hệ sinh thái là một khái niệm chỉ sự thống nhất của một phức hợp các loài động vật, thực vật và vi sinh vật với các nhân tố môi trường vật lý của một vùng xác định mà ở đó có sự tương tác giữa các sinh vật với nhau và giữa sinh vật với môi trường thông qua tuần hoàn vật chất và dòng năng lượng. 1.2. Cấu trúc của hệ sinh thái - Môi trường: Đáp ứng tất cả các yêu cầu sống và phát triển của mọi sinh vật trong hệ sinh thái. - Vật sản xuất (sinh vật tự dưỡng): Bao gồm các vi khuẩn có khả năng hoá tổng hợp và cây xanh. Đó là những vật có khả năng tổng hợp được chất hữu cơ nhờ năng lượng mặt trời để xây dựng cơ thể của mình. - Vật tiêu thụ: Bao gồm động vật, các vật này dinh dưỡng bằng chất hữu cơ lấy trực tiếp hoặc gián tiếp từ vật sản xuất. - Vật phân giải: Gồm các vi khuẩn và nấm. Các vật này phân giải xác chết và chất thải của các vật sản xuất nói trên và vật tiêu thụ. Giữa các thành phần nói trên luôn luôn có sự trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin theo chuỗi thức ăn, dòng năng lượng và chu trình sinh địa hoá. Chuỗi nối liền các sinh vật, vật này ăn sinh vật kia để sống gọi là chuỗi thức ăn. Chuỗi thức ăn có thể xem như là các ống dẫn dòng năng lượng và chất dinh dưỡng qua các hệ sinh thái. Cuộc sống của mọi vật trên trái đất (kể cả con người) đều dựa trên chu trình này, do đó việc bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái và hoạt động tự nhiên của các chu trình bày có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hệ sinh thái tồn tại và hoạt động nhờ 2 chức năng cơ bản: chu trình tuần hoàn vật chất và dòng năng lượng giữa 4 thành phần của nó. Hệ sinh thái không bao giờ tĩnh tại mà luôn luôn thay đổi, môi trường của hệ sinh thái thay đổi, các thành phần trong hệ cũng luôn luôn biến động. Các hệ sinh thái tự nhiên đều có khả năng tự điều chỉnh, tức là khả năng tự lập lại cân bằng mỗi khi bị ảnh hưởng bởi một giới hạn nhất định, nếu vượt quá giới hạn hệ sinh thái sẽ bị huỷ. Hệ sinh thái 6
  7. Môi trường Vật tiêu thụ Vật sản xuất - Vật tiêu thụ bậc 1 - Vật tiêu thụ bậc 2 Vật phân giải Cấu trúc hệ sinh thái 2. Môi trường 2.1. Khái niệm Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. 2.2. Một số vấn đề cấp bách của môi trường toàn cầu 2.2.1. Ô nhiễm không khí Ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây nên các bệnh về đường hô hấp như hen, các bệnh dị ứng...Sự tích tụ các chất độc trong không khí làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và hệ sinh thái. 2.2.2. Sự ấm dần toàn cầu - Nhiệt độ trái đất được quyết định bởi sự cân bằng giữa năng lượng bức xạ mặt trời và nhiệt độ mà toàn bộ trái đất toả ra không gian. - Trái đất được bao quanh bởi khí nhà kính, các khí nhà kính: CO2, CH4, N2O3, CFC3, trong đó khí CO2 là quan trọng nhất (chiếm khoảng 50% các khí nhà kính). - Các khí nhà kính hấp thụ nhiệt lượng phóng xạ từ bề mặt trái đất, khí này tăng lên, lượng nhiệt thu vào càng khó thoát ra khỏi trái đất làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên. - Trái đất ấm dần làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người, người ta dự báo vào năm 2100 nhiệt độ trái đất sẽ tăng 20C và mực nước biển tăng khoảng 50 cm. Mực nước biển cao hơn sẽ đe doạ những lục địa thấp bị nhấn chìm làm mất nhà cửa, đất đai. Nhiệt độ trái đất tăng lên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến nông nghiệp và hệ sinh thái, cũng như làm trầm trọng thêm những vấn đề sa mạc hoá và sự thiếu hụt lượng nước. 7
  8. 2.2.3. Sự suy giảm tầng ozon - Tầng ozon được thấy ở tầng bình lưu, với độ cao hơn 10.000m. - Tầng ozon giữ vai trò quan trọng trong việc hấp thụ tia cực tím của ánh nắng mặt trời. - Tầng ozon bị phá huỷ bởi một số hoá chất do con người tạo ra như CFC3 được sử dụng rộng rãi như các chất làm lạnh trong tủ lạnh, điều hoà nhiệt độ, mạch điện tử, các chất sủi bọt trong đệm ghế, các chất xịt trong bình xịt phun. Ngoài ra các hoá chất khác cũng gây phá huỷ tầng ô zôn như Halon (được sử dụng trong chất dập lửa) KCl3CH4 (Triclometan) dùng làm chất tẩy. - CFC3 là những hoá chất ổn định, khi thải vào bầu khí quyển chúng không phân huỷ, nhưng khi tới tầng bình lưu hấp thụ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, nó phân huỷ và giải phóng ra các nguyên tử clo. Những nguyên tử clo tạo thành một phản ứng chuỗi với hàng triệu phân tử ô zôn. Kết quả làm phá huỷ tầng ô zôn. - Khi tầng ô zôn bị phá huỷ làm cho tia tử ngoại chiếu xuống trái đất tăng lên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người và phá huỷ hệ sinh thái. 2.2.4. Mưa axit Mưa axit là hậu quả do khí thải các khí sunfua oxit, nito oxit vào trong không khí qua quá trình đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch như dầu và than. Những hoá chất này tan vào trong các đám mây, sau các phản ứng hoá học phức tạp chuyển thành H 2SO4 rơi xuống đật tạo thành mưa axit. Hậu quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. 2.2.5. Ô nhiễm đời sống sinh vật biển Các chất ô nhiễm xâm nhập đại dương qua nhiều kênh khác nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh vật biển. 2.2.6. Sự mất đi của các rừng nhiệt đới Tổ chức FAO cho thấy rừng nhiệt đới của thế giới đang bị phá với tốc độ nhanh. Vào cuối năm 1990, có khoảng 42 triệu ha rừng nhiệt đới bị phá huỷ. Sự mất đi của rừng nhiệt đới đã dẫn đến hậu quả: - Góp phần vào hiệu ứng nhà kính. - Phá huỷ khả năng làm sạch không khí. - Đe doạ đời sống của các động vật hoang dã. - Tạo ra các vùng bán sa mạc. - Làm tăng tình trạng lụt lội trên quy mô lớn. 3. Những vấn đề cấp bách về sức khoẻ - môi trường ở Việt Nam - Tỷ lệ nhân dân được cung cấp nước sạch chưa đủ để đảm bảo yêu cầu sức khoẻ. - Tình trạng vệ sinh môi trường ngày càng yếu kém. - Việc quản lý vệ sinh thực phẩm còn yếu kém, trình độ nhận thức vệ sinh thực phẩm của nhân dân chưa cao. - Lượng rác thải ở các đô thị chưa được thu gom và xử lý tốt, đặc biệt là các chất thải ở các bệnh viện, nhà máy. - Môi trường không khí khu vực đô thị đang bị ô nhiễm ngày càng nặng nề do các cơ sở công nghiệp ngày càng nhiều, hệ thống giao thông chưa được cải tạo và mật độ ô tô, xe máy quá cao. 8
  9. - Nhiều loại hoá chất độc hại từ công nghiệp, chất tẩy rửa, hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đã và đang làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, đất và thảm thực vật, bên cạnh đó ảnh hưởng của hóa chất do chiến tranh còn rất nặng nề (các bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng). - Nạn phá rừng, săn bắn động vật hoang dã đã và đang làm mất dần đi sự cân bằng sinh thái gây ra các thảm hỏa thiên tai như lũ quét, hạn hán, cháy rừng - Số vụ tai nạn giao thông tăng nhanh. - Các bệnh dịch nguy hiểm liên quan đến môi trường như tả, lỵ, thương hàn đang có chiều hướng quay trở lại và gia tăng. - Các bệnh dịch liên quan đến công nghiệp hóa. - Đội ngũ cán bộ sức khỏe môi trường còn thiếu. - Chưa có nhiều nghiên cứu về nguy cơ sức khỏe môi trường và tác hại của chúng lên sức khỏe nhân dân. - Chưa tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu thêm về sức khỏe – môi trường và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường. - Hệ thống pháp luật về môi trường còn yếu, thiếu, bên cạnh đó công tác thanh tra về sức khỏe môi trường chưa làm tốt. 4. Chiến lược quốc gia về sức khỏe môi trường ở Việt Nam - Rà soát lại những hoạt động sức khỏe – môi trường của các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước để phối hợp hành động, trong đó Bộ y tế giữ vai trò trọng tâm, tiến tới thành lập một ban chỉ đạo về sức khỏe môi trường. - Xây dựng một hệ thống đào tạo cán bộ sức khỏe môi trường từ trung học đến sau đại học để đào tạo ra một đội ngũ vững vàng cho tương lai. - Chuyển đổi tổ chức và đào tạo lại cán bộ, chuyên khoa Vệ sinh dịch tễ đang công tác trong hệ thống Y tế dự phòng thành cán bộ quản lý sức khỏe môi trường. - Từng bước xây dựng đội ngũ thanh tra sức khỏe, môi trường. - Nỗ lực tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ việc đào tạo và nghiên cứu về sức khỏe – môi trường. - Nhanh chóng xây dựng các văn bản pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn sức khỏe – môi trường. - Tiếp cận các kiến thức, kinh nghiệm về quản lý sức khỏe môi trường của quốc tế. Lượng giá: 1. Trình bày cấu trúc của hệ sinh thái 2. Trình bày sự mất đi của rừng nhiệt đới 3. Trình bày chiến lược quốc gia về sức khỏe môi trường ở Việt Nam BÀI 2. Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG Mục tiêu học tập 1. Trình bày được tác nhân gây ô nhiễm không khí, nước, đất, nội thất. 9
  10. 2. Trình bày được hậu quả và các biện pháp phòng chống ô nhiễm không khí, nước, đất, nội thất. Nội dung I. Ô nhiễm không khí Ô nhiễm không khí là khi trong không khí có mặt một chất lạ hoặc có sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí gây nên những tác động có hại hoặc gây ra sự khó chịu cho con người. Chất gây ô nhiễm thường tồn tại dưới dạng hơi, khí, bụi ở nồng độ cao hơn nồng độ bình thường của nó hoặc là chất đó bình thường không có trong khí quyển. 1. Tác nhân gây ô nhiễm không khí 1.1. Tác nhân lý hoá - Ô nhiễm không khí do bụi - Ô nhiễm không khí do các tia phóng xạ 1.2. Tác nhân hoá học Ô nhiễm không khí do các hợp chất chứa Cacbon: CO, CO2 Ô nhiễm không khí do các hợp chất chứa Lưu huỳnh: SO2 SO3 Ô nhiễm không khí do các hợp chất chứa Ni tơ: NO, NO2. N2O5 Ô nhiễm không khí do các hợp chất trừ sâu 1.3. Tác nhân vi sinh vật Vi sinh vật có nhiều nhất trong không khí vào mùa hè và mùa thu, ngày trời quang số lượng vi khuẩn nhiều hơn ngày mưa. Trực khuẩn dịch hạch sống trong môi trường không khí khô hanh được 5 ngày, trực khuẩn bạch hầu được 30 ngày, trực khuẩn lao được 70 ngày, Nha bào trực khuẩn than 10 năm. 2. Nguồn gây ô nhiễm 2.1. Ô nhiễm không khí do sản xuất công nghiệp - Do đốt cháy nhiên liệu ở nhiệt độ cao - Do bốc hơi, dò dỉ trên các dây truyền sản xuất - Do chất thải khí từ các nhà máy 2.2. Ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông - Do đốt cháy nhiên liệu - Do phát tán bụi đường (gây phát tán vi sinh vật có hại vào không khí gây ô nghiễm không khí) 2.3. Ô nhiễm không khí do hoạt động của con người. - Do các phương tiện đun nấu. - Do các thiết bị điện. - Do các chất thải rắn phân huỷ bốc hơi. - Do sử dụng hoá chất trong nông nghiệp. 3. Tác động của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khoẻ 3.1. Cơ quan hô hấp - Bụi thực vật, phấn hoa có thể gây co thắt phế quản, gây hen, giảm chức năng hô hấp. 10