Khó khăn và giải phát phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp trong môi trường hội nhập: Trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Hà Tĩnh

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 2960
Bạn đang xem tài liệu "Khó khăn và giải phát phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp trong môi trường hội nhập: Trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Hà Tĩnh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkho_khan_va_giai_phat_phat_trien_to_hop_tac_va_hop_tac_xa_no.pdf

Nội dung text: Khó khăn và giải phát phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp trong môi trường hội nhập: Trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Hà Tĩnh

  1. KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁT PHÁT TRIỂN TỔ HỢP TÁC VÀ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG MÔI TRƯỜNG HỘI NHẬP: TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU TẠI TỈNH HÀ TĨNH DIFFICULT AND DEVELOPMENT FROM COOPERATIVE COOPERATION AND AGRICULTURE COOPERATION IN ENVIRONMENTAL INTEGRATION: RESEARCH CASE IN HA TINH PROVINCE PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hòa Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế ThS. Trần Cao Úy - ThS. Nguyễn Trọng Dũng Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế Tóm tắt Nghiên cứu này được tiến hành trên 13 Hợp Tác Xã (HTX) và 8 Tổ Hợp Tác (THT) gắn với 5 sản phẩm điển hình gồm lợn, bò, lúa, chè và rau trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm xác định các khó khăn và đề xuất các giải pháp phát triển tổ chức hợp tác trong quá trình chuyển đổi để hội nhập hiện nay. Ngoài số liệu thứ cấp được thu thập từ các cơ quan chức năng, phương pháp phỏng vấn sâu người am hiểu (người đứng đầu HTX, phó chủ tịch phụ trách kinh tế xã và những người liên quan) là phương pháp chính để thu thập các thông tin sơ cấp. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhóm khó khăn chính các tổ chức hợp tác ở Hà Tĩnh đang gặp phải hiện nay, gồm: (i) hạn chế về năng lực, kinh nghiệm và tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật; (ii) thiếu niềm tin, nguồn lực và thái độ tuân thủ các nguyên tắc hợp tác của người dân; và (iii) khó khăn trong quá trình vận hành hợp tác (thiếu vốn, trang thiết bị vận hành, khó khăn về thị trường, ). Các giải pháp khắc phục để phát triển cần phải được tiến hành đồng bộ và kịp thời bao gồm: ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ HTX và THT, hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý để tất cả các HTX tái tổ chức theo Luật HTX 2012 thành công và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của hợp tác liên kết, qua đó thu hút họ tham gia vào hoạt động của HTX và THT. Từ khóa: Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Luật HTX 2012, Nông nghiệp, Hà Tĩnh Abstract This study was implemented on 13 cooperatives and 8 cooperative groups related to 5 main agricultural products in Ha Tinh province (pig, cattle, rice, tea and vegetable), aiming to identify difficulties and propose solutions to develop cooperative agencies in the reforming period for integration. Out of secondary data gained from the authorities, primary data mainly gathered from in-depth interviews with informants (director/leader of cooperative agencies and commune vice presidents in charge of economic management). The results indicated that there are three main groups of difficulties that cooperative agencies in Ha Tinh facing, including (i) the limitation of capacity and experience of leaders and technical staffs, (ii) the lacking of trust, resource limitation and the disobeyed attitude to cooperative principles of farmers, and (iii) other difficulties emerge during operation process (lacking of funds and operational equipment, and challenges from market, etc.). The improvement solutions should be synchronously and promptly carried 986
  2. out, including of focusing on capacity building for the leaders and key staffs in cooperative agencies, supporting legal procedures for cooperatives re-organize under the Cooperative Law 2012, and propagating to raise awareness of farmers on the cooperative benefits, hereby attracting them to participate in the cooperative organizations. Keywords: cooperative, cooperative group, cooperative law, agriculture, Hà Tĩnh 1. Đặt vấn đề Phát triển mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã đang là mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta nhiều năm qua trong nỗ lực xây dựng và phát triển nền nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo hướng bền vững (Nguyễn Trọng Đắc và cộng sự, 2014). Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã càng được quan tâm hơn khi hoạt động này được lồng ghép vào như là một tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới” cho các địa phương trên cả nước. Đặc biệt việc ban hành Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác của Chính phủ (năm 2007) và Luật Hợp Tác Xã được Quốc hội ban hành năm 2012 là sự cụ thể hóa vai trò của các tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với những loại hình tổ chức sản xuất này trong thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước hiện nay. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các HTX và THT sản xuất, đặc biệt là các HTX và THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ riêng năm 2015, toàn tỉnh thành lập mới được 1.543 THT, 354 HTX, nâng tổng số HTX lên thành 1.103 với gần 146 ngàn thành viên (Liên minh HTX Hà Tĩnh, 2015). Cùng với đó, các chương trình dự án hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đều hướng đến việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX và THT đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vai trò của THT và HTX trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã được khẳng định, tuy nhiên, con đường phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX ở Hà Tĩnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt nhiều HTX sau tái tổ chức theo Luật Hợp Tác Xã 2012 vẫn đang còn rất lúng túng trong khâu vận hành do quen với mô hình hoạt động và tư duy quản lý của mô hình HTX cũ, yêu cầu về tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với những người quản lý và chính những thành viên của HTX. Bên cạnh đó, đối với các THT, HTX thì tôn chỉ và mục tiêu hoạt động nhằm hướng đến liên kết trong nông dân, tuy nhiên vấn đề làm thế nào để tăng cường kết nối những người nông dân với nhau, làm thế nào để duy trì mối quan hệ bền vững, hiệu quả cũng đang là thách thức lớn. Xuất phát từ những vấn đề đó, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu những khó khăn trong quá trình tái tổ chức các THT và HTX theo Luật HTX 2012, qua đó đề xuất các giải pháp phát triển các HTX và THT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong môi trường hoạt động mới. Ngoài những đề xuất phát triển các THT và HTX, nghiên cứu còn góp phần giúp các nhà quản lý địa phương, các nhà nghiên cứu về chính sách và nghiên cứu HTX, THT nắm bắt thêm thực tế vận hành và nhận biết những nút thắt cần tháo gỡ trong hoạt động của các THT và HTX trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung hiện nay. 987
  3. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1 Phương pháp thu thập thông tin, số liệu Nghiên cứu đã bắt đầu với việc thu thập thông tin thứ cấp từ các báo cáo của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh HTX Hà Tĩnh, Dự án Phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh về tình hình xây dựng và tái tổ chức các HTX và THT đến năm 2015, báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và những thông tin liên quan khác. Dựa vào kết quả thảo luận và thông tin, số liệu cung cấp bởi các cơ quan chức năng liên quan, nghiên cứu được tiến hành trên nhóm các HTX và THT đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp điển hình ở Hà Tĩnh như lúa (cây lương thực), rau (rau và hoa màu), chè (cây công nghiệp), chăn nuôi bò (chăn nuôi gia súc lớn), lợn (chăn nuôi gia súc nhỏ và gia cầm). Bên cạnh đó, đây cũng là những sản phẩm phổ biến, đại diện cho các lĩnh vực cây, con ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Kết quả thảo luận cũng đã giúp xác định được 13 xã đại diện có các HTX và THT đang trong quá trình tái tổ chức theo Luật HTX 2012 và hoạt động mạnh liên quan đến các sản phẩm nói trên (các xã được chọn để thu thập số liệu nghiên cứu bao gồm: Đức Tùng, Đức An, Đức Thủy, Đức Long, Bùi Xá (huyện Đức Thọ), Thạch Thanh, Thạch Kênh, Thạch Long, Thạch Sơn, Phù Việt (huyện Thạch Hà) và Kỳ Tây, Kỳ Thượng, Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh). Số liệu, thông tin sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn sâu, trực tiếp với chủ nhiệm, nhóm trưởng các HTX và THT bằng bảng hỏi bán cấu trúc và phỏng vấn sâu người am hiểu là các đại diện chính quyền địa phương. 2.2 Phương pháp phân tích và xử lý số liệu Các thông tin định tính được tổng hợp và phân tích trực tiếp. Các số liệu định lượng được tổng hợp và xử ý thông qua phần mềm Excel và SPSS. Thống kê mô tả là phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu này. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1 Khái quát về số lượng và thành lập của các HTX, THT trên địa bàn nghiên cứu 3.1.1 Số lượng và phân bổ các HTX, THT theo địa phương Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và trên địa bàn các huyện nghiên cứu có số lượng HTX và THT đang hoạt động khá lớn. Riêng 13 xã nghiên cứu cũng đã có đến 98 HTX và THT đang hoạt động (Bảng 3.1) Bảng 3.1: Tổng số HTX và THT trên địa bàn 3 huyện nghiên cứu Đơn vị HTX THT Chung Đức Thọ 19 22 41 Thạch Hà 14 28 42 Kỳ Anh 4 11 15 Tổng 37 61 98 Nguồn: Điều tra Hợp tác xã và Tổ hợp tác năm 2015 988
  4. Trong các xã thuộc 3 huyện nghiên cứu thì Đức Thọ và Thạch Hà có số lượng các đơn vị hợp tác đang hoạt động đông nhất, lần lượt là 41 và 42 HTX và THT. Trong khi đó, con số này ở Kỳ Anh là 15 với đa phần là các THT (11/15). Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đa phần các HTX và THT đang hoạt động trên địa bàn các huyện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (Bảng 3.2) Bảng 3.2: Số lượng các HTX và THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp HTX THT Chung Đơn vị Số Tổng số Số Tổng số Số Tổng lượng TV lượng TV lượng số TV Đức Thọ 12 8.366 16 221 28 8.587 Thạch Hà 8 1.172 26 275 34 1.447 Kỳ Anh 2 30 9 120 11 150 Tổng 22 9.568 51 616 73 10.184 Nguồn: Điều tra Hợp tác xã và Tổ hợp tác năm 2015 Mặc dù không có nhiều khác biệt về mặt số lượng (28 và 34 HTX, THT) nhưng số lượng thành viên các HTX và THT ở Đức Thọ và Thạch Hà có sự khác biệt rất lớn (8.587 so với 1.447 thành viên), sự khác biệt này càng lớn hơn khi đem so sánh với Kỳ Anh khi tổng số thành viên tham gia các HTX và THT chỉ có 150 người. Nguyên nhân của sự khác biệt xuất phát từ đặc điểm và nguồn gốc hình thành của các HTX đến từ 3 huyện. Ở Đức Thọ hầu hết là các HTX cũ, thành lập từ những năm 1970 - 1990 với số lượng thành viên rất lớn, qua nhiều lần chuyển đổi đến nay số lượng thành viên hầu như đều được duy trì. Trong khi đó ở Thạch Hà, đặc biệt ở Kỳ Anh, các HTX (và cả THT) chủ yếu được thành lập mới (sau năm 2010) với quy mô nhỏ hơn nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. 3.1.2 Tình hình thành lập mới và tái tổ chức theo luật HTX 2012 của các HTX nông nghiệp trên địa bàn nghiên cứu Nhằm đáp ứng tiêu chí 13 về “hình thức tổ chức sản xuất” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng với những quy định mới thông thoáng hơn trong Luật HTX 2012, ở Hà Tĩnh trong giai đoạn từ 2013-2015 đã có rất nhiều HTX và THT nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Hà Tĩnh, các cơ quan quản lý nhà nước và các chương trình dự án. Tất cả 61 THT và 9 HTX liên quan đến sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đã được thành lập trong giai đoạn này ở Đức Thọ, Thạch Hà và Kỳ Anh. Điểm đáng chú ý, đến năm 2015 vẫn còn 9 HTX trên 13 xã nghiên cứu (chủ yếu ở Đức Thọ) vẫn đang còn trong quá trình tái tổ chức (Bảng 3.3). Kết quả phỏng vấn cũng cho thấy khó khăn và vướng mắc lớn nhất dẫn đến công tác tổ chức diễn ra chậm ở các địa phương đó là khâu rà soát tư cách thành viên, góp vốn điều lệ, xác định tài sản, công nợ của HTX và xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX vẫn đang tiếp tục “chờ” các văn bản hướng dẫn để giải quyết các vấn đề này. 989
  5. Bảng 3.3: Số lượng và tỷ lệ các HTX được thành lập mới và tái tổ chức theo Luật HTX 2012 Thành lập mới Đang tái tổ chức Đã hoàn thành tái tổ chức Huyện Số lượng Tỷ lệ (%) Số lượng Tỷ lệ (%) Số lượng Tỷ lệ (%) Đức Thọ 2 16,67 8 66,67 2 12,67 Thạch Hà 6 75,00 1 12,50 1 12,50 Kỳ Anh 1 50,00 0 0,00 1 50,00 Tổng 9 9 4 Nguồn: Điều tra Hợp tác xã và Tổ hợp tác năm 2015 Như đã đề cập ở phần phạm vi, do điều kiện về nguồn lực, nghiên cứu này chỉ tập trung vào việc khảo sát đối với các HTX và THT nông nghiệp hoạt động liên quan đến 5 loại hình sản phẩm nông nghiệp điển hình, phổ biến tại 13 xã nghiên cứu ở Đức Thọ, Thạch Hà và Kỳ Anh, bao gồm lúa, rau, chè, bò, lợn. Kết quả về phân bố các HTX và THT theo các sản phẩm được thể hiện ở Bảng 3.4. Bảng 3.4: Số lượng các HTX và THT khảo sát theo 5 loại sản phẩm mục tiêu. Loại hình Số lượng phân theo các sản phẩm Huyện Tổng HTX THT Lúa Rau Chè Bò Lợn Đức Thọ 12 10 2 12 0 0 0 0 Thạch Hà 5 3 2 0 1 0 3 1 Kỳ Anh 4 0 4 0 0 1 3 0 Tổng 21 13 8 12 1 1 6 1 Nguồn: Điều tra Hợp tác xã và Tổ hợp tác năm 2015 Kết quả cho thấy, hoạt động của 10 HTX và 2 THT ở các xã nghiên cứu thuộc Đức Thọ tập trung chủ yếu vào cây lúa, hoạt động của HTX và THT bao gồm từ sản xuất, thu mua đến chế biến lúa gạo. Đối với huyện Thạch Hà, trong số 5 HTX và THT điều tra có 1 HTX và 2 THT chăn nuôi bò, 1 HTX chăn nuôi lợn và 1 HTX sản xuất rau. Trong khi đó, hoạt động của các THT tại 3 xã huyện Kỳ Anh chủ yếu liên quan đến chăn nuôi bò (3/4 THT), THT còn lại gắn liền với sản xuất chè. 3.2. Các khó khăn đang gặp phải của HTX và THT ở Hà Tĩnh Qua khảo sát cho thấy, có rất nhiều khó khăn mà các HTX và THT đang đối mặt với các mức độ khác nhau. Các khó khăn này có thể chia thành 3 nhóm: (1) khó khăn từ đội ngũ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật; (2) khó khăn đến từ phía người dân; và (3) khó khăn trong quá trình vận hành HTX và THT. 3.2.1 Khó khăn liên quan đến đội ngũ quản lý, chuyên môn kỹ thuật 990
  6. Bảng 3.5: Tỷ lệ HTX và THT gặp khó khăn liên quan đến đội ngũ quản lý, chuyên môn kỹ thuật (ĐVT: %) Theo loại hình Theo thực trạng vận hành Khó khăn Hợp tác Tổ hợp Đã tái tổ Đang tái tổ Thành lập xã tác chức chức mới (n=13) (n=8) (n=3) (n=6) (n=12) 1. Thiếu cán bộ quản lý có năng lực 38,46 0,00 33,33 50,00 8,33 2. Hạn chế kinh nghiệm quản lý 23,08 12,50 33,33 16,67 16,67 3. Thiếu kiến thức, kỹ năng kinh 23,08 12,50 33,33 16,67 16,67 doanh 4. Thiếu cán bộ chuyên môn kỹ thuật 7,69 12,50 33,33 0,00 8,33 5. Tư duy quản lý rập khuôn theo mô 23,08 0,00 66,67 0,00 25,00 hình hợp tác cũ 6. Thiếu kinh nghiệm thương thảo hợp 7,69 0,00 0,00 0,00 8,33 đồng Nguồn: Điều tra Hợp tác xã và Tổ hợp tác năm 2015 Có thể thấy, các HTX đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến đội ngũ quản lý và cán bộ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, khó khăn được đề cập nhiều nhất đối với các HTX đó là vấn đề thiếu cán bộ quản lý có năng lực (38,46%) và số này chủ yếu rơi vào nhóm HTX đang trong quá trình tái tổ chức (50%). Các HTX đều cho rằng những người có năng lực ở địa phương thường không muốn tham gia vào với vai trò là người quản lý HTX hoặc những người có năng lực lại được điều chuyển sang các công tác khác ở địa phương do đó lực lượng quản lý ở các HTX luôn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, một số khó khăn khác đến từ đội ngũ cán bộ quản lý hiện tại được nhiều HTX đề cập đến, đó là hạn chế kinh nghiệm quản lý và thiếu kiến thức, kỹ năng kinh doanh (cùng 23,08%). Các khó khăn này cũng đang xảy ra đối với cả nhóm HTX đã qua tái tổ chức (33,33%), đang tái tổ chức và nhóm HTX, THT mới thành lập (cùng 16,67%). Trong khi đó, tư duy quản lý rập khuôn theo mô hình HTX cũ cũng đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay với 23,08% HTX có cùng ý kiến đề cập. Đặc biệt có đến 66,67% HTX qua tái tổ chức và 25% HTX mới thành lập sau một thời gian hoạt động theo Luật HTX 2012 đều cho rằng tư duy điều hành hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức HTX kiểu cũ. Đối với các THT, hạn chế kinh nghiệm quản lý, thiếu kiến thức, kỹ năng kinh doanh và thiếu cán bộ chuyên môn kỹ thuật đang là những khó khăn chính họ đang gặp phải hiện nay, tuy nhiên tỷ lệ các THT đang gặp những khó khăn này tương đối thấp (12,5%). 3.2.2 Khó khăn liên quan đến người dân 991
  7. Bảng 3.6: Tỷ lệ HTX và THT gặp khó khăn liên quan đến người dân (ĐVT: %) Theo loại hình Theo thực trạng vận hành Khó khăn Hợp tác xã Tổ hợp tác Đã tái tổ Đang tái tổ Thành lập (n=13) (n=8) chức (n=3) chức mới (n=6) (n=12) 1. Thiếu niềm tin, không muốn 15,38 0,00 0,00 33,33 0,00 tham gia vào HTX/THT 2. Không có tiền để góp vốn 15,38 12,50 0,00 16,67 16,67 3. Hạn chế trong nhận thức của 30,77 0,00 0,00 50,00 8,33 người dân về HTX/THT 4. Chưa thực sự tuân thủ các 7,69 12,50 0,00 8,33 16,67 nguyên tắc hoạt động của HTX/THT Nguồn: Điều tra Hợp tác xã và Tổ hợp tác năm 2015 Kết quả cho thấy, có 4 loại khó khăn chính đến từ phía người dân và chính những thành viên của các HTX và THT ở địa bàn nghiên cứu hiện nay, trong đó các khó khăn vẫn chủ yếu đến từ các HTX (tỷ lệ số đơn vị đang gặp phải cao hơn). Trước hết, khi nói đến khó khăn liên quan đến nhận thức của người dân về HTX và THT, có 30,77% các HTX cho rằng một bộ phận người dân hiện nay vẫn còn bị “ám ảnh” bởi mô hình HTX cũ thời kỳ bao cấp, một số khác quen với cách thức hoạt động của HTX theo các Luật HTX cũ, Do đó, mặc dù là thành viên nhưng người dân vẫn không quan tâm đến nghĩa vụ của mình, phó mặc cho ban quản lý và những người đứng đầu, thờ ơ trong mọi hoạt động, thậm chí quên mất mình là thành viên. Khó khăn này chủ yếu rơi vào nhóm HTX đang trong quá trình tái tổ chức theo Luật HTX 2012 (50%). Các khó khăn như không muốn tham gia vào HTX/THT hoặc không có tiền để góp vốn cũng chủ yếu tập trung vào nhóm HTX (cùng 15,38%) và vẫn chủ yếu là nhóm HTX đang trong quá trình tái tổ chức theo Luật HTX 2012. Đối với nhóm HTX thành lập mới, khó khăn chủ yếu đang gặp phải liên quan đến người dân bao gồm: người dân không có tiền góp vốn và người dân chưa thực sự tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của HTX (cùng 16,67% các HTX đang gặp phải). 3.2.3 Khó khăn trong quá trình vận hành 992
  8. Bảng 3.7: Tỷ lệ HTX và THT gặp khó khăn trong quá trình vận hành (ĐVT: %) Theo loại hình Theo thực trạng vận hành Khó khăn Hợp tác Tổ hợp Đã tái tổ Đang tái tổ Thành lập xã tác chức chức mới (n=13) (n=8) (n=3) (n=6) (n=12) 1. Thiếu nguồn lực, thông tin tư vấn 46,15 0,00 00,00 83,33 0,00 để tái tổ chức 2. Thiếu vốn để hoạt động 30,77 12,50 66,67 33,33 16,67 3. Số lượng thành viên không phù hợp 15,38 0,00 33,33 0,00 8,33 để hoạt động 4. Thiếu văn phòng, trang thiết bị làm việc 7,69 12,50 0,00 16,67 8,33 5. Rủi ro trong sản xuất 7,69 0,00 0,00 0,00 8,33 6. Hỗ trợ từ phía địa phương và bên 30,77 12,50 33,33 33,33 16,67 ngoài hạn chế, bất cập 7. Khó khăn về thị trường đầu vào, đầu ra 23,08 12,50 33,33 0,00 50,00 Nguồn: Điều tra Hợp tác xã và Tổ hợp tác năm 2015 Có thể nói khó khăn trong quá trình vận hành của các đơn vị hợp tác cũng là vấn đề đáng quan tâm ở địa bàn nghiên cứu. Kết quả đã có đến 7 loại khó khăn đã được các HTX và THT chỉ ra trong quá trình vận hành hiện nay và vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm các HTX. Thiếu nguồn lực, thông tin tư vấn để tái tổ chức theo Luật HTX 2012 đang là khó khăn lớn nhất được đề cập bởi hầu hết các HTX đang trong quá trình tái tổ chức (83,33%). Đây cũng được xem là khó khăn chính dẫn đến việc tái tổ chức theo luật chậm của nhóm HTX này. Trong khi đó, thiếu vốn để hoạt động được xem là khó khăn chung của tất cả các đơn vị hợp tác ở địa bàn nghiên cứu (lần lượt là 30,77% và 12,5% các HTX và THT cùng gặp phải). Đặc biệt, các HTX sau khi tái tổ chức theo Luật HTX 2012, với yêu cầu về tính chất hoạt động mới đang gặp nhiều khó khăn hơn so với hoạt động theo mô hình trước đây. Tính tự chủ, các yêu cầu về dịch vụ cho thành viên đang đặt ra nhu cầu về vốn lớn hơn, do đó đã có đến 66,67% các HTX sau tái tổ chức đã đề cập đến khó khăn về vốn. Tương tự khó khăn về vốn, các HTX và THT đang gặp khó khăn liên quan đến hạn chế, bất cập trong hỗ trợ từ phía địa phương và bên ngoài. Lần lượt 30,77 và 12,5 các HTX và THT đang gặp phải khó khăn này, trong đó có khoảng 33,33% trong số các HTX đã tái tổ chức hoặc đang tái tổ chức theo luật mới và 16,67% các HTX mới thành lập đều cho rằng hỗ trợ từ phía địa phương chủ yếu về mặt chủ trương, chưa có những hỗ trợ cụ thể về vốn hoạt động hay bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX và THT. Hỗ trợ từ phía các chương trình, dự án của tỉnh là đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn bất cập trong việc hỗ trợ cho một số đơn vị. Ví dụ, trong giai đoạn từ 2012-2015, dự án Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã có chương trình hỗ trợ giống bò cho các hộ chăn nuôi bò thuộc THT chăn nuôi bò xã Thạch Sơn (Thạch Hà) và HTX chăn nuôi bò sinh sản Thắng Lợi (Phù Việt), tuy nhiên, theo phản ánh của các thành viên thì đàn bò được hỗ trợ có tỷ lệ máu ngoại thấp, bò được mua từ vùng núi tỉnh Nghệ An nơi có điều kiện khí hậu, chăm sóc nuôi dưỡng khác biệt so với ở 993
  9. địa phương, do đó bò nuôi rất chậm lớn. Để được hỗ trợ, mỗi hộ phải vay để mua đối ứng thêm 1 con (16 triệu đồng) nhưng với tình hình tăng trưởng của đàn bò hiện tại nhiều hộ gặp rất nhiều khó khăn do áp lực trả nợ đang đến gần. Khó khăn về thị trường đầu vào, đầu ra được xem là khó khăn lớn nhất đối với nhóm HTX thành lập mới và đã tái tổ chức với tỷ lệ các HTX đang gặp phải lần lượt là 50% và 33,33%. Đây cũng là điều dễ hiểu vì đây là nhóm HTX vận hành theo Luật HTX 2012, hoạt động với mục tiêu chủ yếu là làm dịch vụ ra bên ngoài hoặc là đơn vị tổ chức tiêu thụ/cung ứng tập trung cho thành viên của mình, do đó các khó khăn thường gặp liên quan đến chất lượng, giá cả sản phẩm đầu vào hoặc sự ổn định của thị trường đầu ra. Các HTX đang tái tổ chức cho đến nay vẫn hoạt động theo mô hình cũ, vẫn trong vai trò bà đỡ khi thành viên cần nên khó khăn về thị trường chưa phải là vấn đề cấp thiết được họ đề cập. Các khó khăn còn lại như số lượng thành viên không phù hợp (quá đông dẫn đến khó quản lý, khó phân phối lợi ích (đối với các HTX cũ chuyển đổi) và quá ít gây ra khó khăn về vốn góp (đối với các HTX thành lập mới), thiếu văn phòng, trang thiết bị làm việc, và rủi ro trong sản xuất hay xảy ra cũng là những khó khăn được các HTX và THT đề cập, tuy nhiên tỷ lệ đề cập đến những khó khăn này khá thấp. 3.3 Một số giải pháp phát triển HTX và THT trong môi trường mới ở Hà Tĩnh 3.3.1 Giải pháp đối với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật Trước hết, cần phải xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo các cán bộ kỹ thuật cho các HTX và các HTH là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Các thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban điều hành nhóm cần được tập huấn ít nhất các nội dung:1) Đào tạo kỹ năng quản lý HTX/THT, 2) Xây dựng các chiến lược và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, 3) Phân tích, đánh giá thị trường, 4) Tìm kiếm và thực hiện các giao dịch liên kết với đối tác. Đây là những khóa tập huấn cần thiết đối với những người làm quản lý một đơn vị hợp tác và khi được bồi dưỡng những kiến thức liên quan đến những mảng trên, họ có thể tự tin hơn trong việc ra quyết định hoặc xây dựng ý tưởng mới trong quá trình vận hành đơn vị mình. Bên cạnh đó, các HTX và THT cũng cần được đào tạo các cán bộ chuyên môn, kỹ thuật như kế toán, thú y, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt, để có thể hướng dẫn và hỗ trợ thành viên trong quá trình sản xuất và phòng trị bệnh, Ngoài ra, cần phải tổ chức các đợt tham quan các mô hình HTX, THT đang hoạt động tốt ở trong và ngoài tỉnh cho các cán bộ HTX và THT, qua đó giúp họ mở mang kiến thức, hình thành các ý tưởng sản xuất kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu của thành viên và đòi hỏi của thị trường. Đặc biệt đối với các HTX, phía địa phương cần phải có chính sách bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ HTX kế cận, thu hút các cán bộ trẻ có nhiệt huyết, có khả năng để tham gia vào các hoạt động quản lý ở HTX, tạo nguồn cho sau này. 3.3.2 Giải pháp đối với người dân Đối với người dân, quan trọng nhất hiện nay vẫn là khâu tuyên truyền để người dân hiểu được bản chất của HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 và những lợi ích khi tham gia vào HTX và THT, qua đó họ sẽ chủ động, tự nguyện vào HTX hoặc THT và tích cực đóng 994
  10. góp cho hoạt động của các loại hình hợp tác. Giới thiệu và tổ chức tham quan các mô hình kinh tế hợp tác và HTX kiểu mới ở địa phương sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp xóa bỏ tâm lý mặc cảm, thiếu tin tưởng của đông đảo xã viên về mô hình HTX cũ đã tồn tại trong một thời gian dài. Trách nhiệm tuyên truyền và tổ chức tham quan thuộc về chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương cũng như sự vào cuộc sâu sát của Liên minh Hợp Tác Xã, Chi cục Phát triển Nông thôn. Ngoài ra, việc hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức về sản xuất kinh doanh và đặc biệt hỗ trợ tìm kiếm các đối tác đầu vào, đầu ra cho nông dân thông qua trung gian là HTX và THT sẽ góp phần thu hút và tạo thêm động lực cho nông dân tham gia vào những mô hình liên kết này. Điều này bản thân các HTX và THT cũng có thể phát huy các nguồn lực tự có hoặc huy động sự hỗ trợ từ bên ngoài để tiến hành. 3.3.3 Giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành Trước tiên, đối với các HTX chưa hoàn thành công tác tái tổ chức, phía địa phương cần quan tâm thúc đẩy công tác tái tổ chức cho các HTX này. Các đơn vị như Liên minh HTX, Ủy Ban Nhân Dân huyện, xã cần hỗ trợ về mặt pháp lý, thủ tục và thậm chí là nguồn vốn để giúp các HTX sớm đi vào hoạt động theo Luật HTX 2012. Các hỗ trợ của địa phương và từ phía bên ngoài (các dự án, các đơn vị quản lý nhà nước ngoài địa phương) cũng đòi hỏi phải thiết thực hơn, xuất phát từ nhu cầu của các HTX và THT và công tác giám sát trong hỗ trợ cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, nhu cầu hỗ trợ về vốn của các HTX cũng như THT là khá lớn, do đó các địa phương cần tận dụng tối đa các nguồn từ bên ngoài kết hợp với nguồn ngân sách từ chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các HTX trong bước đầu vận hành theo Luật HTX 2012. Tập huấn kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường và hỗ trợ tìm kiếm, liên kết các đối tác cung ứng đầu vào và đầu ra sẽ góp phần giúp các thành viên cũng như các HTX và THT tự tin và mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, các giải pháp trên cần phải được tiến hành một cách đồng bộ, liên tục và phải có sự vào cuộc của không chỉ chính quyền, đoàn thể và địa phương mà còn các đối tác, cơ quan hữu quan bên ngoài mới có thể giúp các HTX và THT vận hành hiệu quả trong giai đoạn môi trường hội nhập hiện tại. 4. Kết luận Từ kết quả nghiên cứu có thể thấy rằng đa số các HTX và THT tồn tại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (73 HTX và THT nông nghiệp/98 HTX và THT) với tổng số thành viên tương đối lớn (trên 10.000 người tham gia). Ngoài các HTX nông nghiệp cũ chuyển đổi và tái tổ chức theo Luật HTX 2012, đã có một số lượng nhất định các HTX nông nghiệp thành lập mới (9/22 HTX nông nghiệp). Trong 05 sản phẩm nông nghiệp điển hình, các HTX và THT liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa và bò được xây dựng nhiều nhất (12 HTX và 6 THT). Trong quá trình hoạt động của các HTX và THT, có 3 nhóm khó khăn chính các tổ chức hợp tác ở Hà Tĩnh đang gặp phải gồm (i) hạn chế về năng lực, kinh nghiệm và tư duy quản lý rập khuôn theo mô hình HTX của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật; (ii) sự thiếu niềm tin, nguồn lực và thái độ tuân thủ các nguyên tắc hợp tác của người 995
  11. dân; và (iii) các khó khăn nảy sinh trong quá trình vận hành hợp tác (thiếu vốn, trang thiết bị vận hành, khó khăn về thị trường, ). Để vượt qua các khó khăn này, các giải pháp phát triển HTX và THT trong môi trường mới được đề xuất bao gồm giải pháp đối với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật như tổ chức các lớp tập huấn về đào tạo kỹ năng quản lý HTX/THT, xây dựng chiến lược và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân tích, đánh giá thị trường, và tìm kiếm, thực hiện các giao dịch liên kết với đối tác. Đối với người dân, cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền hoặc tổ chức các đợt tham quan học hỏi các mô hình HTX hoặc THT thành công nhằm thay đổi quan điểm, thái độ và nhận thức về những lợi ích của hợp tác liên kế. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả vận hành các HTX và THT, các địa phương cần phải quan tâm thúc đẩy công tác tái tổ chức và vận hành các hoạt động sau tái tổ chức. Địa phương cần tận dụng tối đa các nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với nguồn ngân sách từ chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ các HTX và THT vận hành theo Luật HTX 2012. TÀI LIỆU THAM KHẢO Cox, A. & Le, V. 2014. Governmental influences on the evolution of agricultural cooperatives in Vietnam: an institutional perspective with case studies. Asia Pacific Business Review, 20 (3), 401-418. Nguyen Thi Tan Loc and Ngo Thu Hang. 2015. Current situation and prospects of Cooperatives in Vietnam’s Agricultural Sector. Fruit and Vegetable Research Institute, Vietnam. Nguyễn Trọng Đắc, Trần Mạnh Hải và Bạch Văn Thủy. 2014. Hoạt động dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp với kinh tế hộ nông dân ở tỉnh Thái Bình và Hòa Bình, Tạp chí Khoa học và Phát triển số 6, 964-971. Mạc Thị Hồng Lương. 2013. Nghiên cứu thực trạng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Luận Văn Thạc sĩ Khoa học nông nghiệp- Đại học Thái Nguyên. Phạm Bảo Dương. 2014. Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp trong nông nghiệp nông thôn, Tạp chí Kinh tế & Dự báo, số 9/2004, tr.12-14. Trần Quốc Nhân, Lê Duy, Đỗ Văn Hoàng và Nguyễn Duy Cần. 2012. Phân tích lợi ích do hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới mang lại cho người dân: trường hợp nghiên cứu hợp tác xã Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ số 22, 283-293. Trần Quốc Nhân, Hứa Thị Huỳnh và Đỗ Văn Hoàng. 2012. Vai trò của tổ hợp tác trong việc nâng cao nguồn lực sinh kế cho nông hộ: nghiên cứu trường hợp tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ số 23, 174-185. Tran Minh Hai. 2014. Development strategy of the agricultural cooperatives in the Mekong delta, Vietnam: signification of diversification into business and actitities. Doctoral thesis, Kagoshima University, Japan. 996