Khởi nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập

pdf 13 trang Gia Huy 18/05/2022 3290
Bạn đang xem tài liệu "Khởi nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkhoi_nghiep_trong_boi_canh_canh_tranh_va_hoi_nhap.pdf

Nội dung text: Khởi nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập

  1. KHỞI NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH CẠNH TRANH VÀ HỘI NHẬP STARTING UP IN THE CONTEXT OF COMPETITION AND INTEGRATION TS. Nguyễn Kiều Trang Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Bài viết tập trung nghiên cứu những thách thức đối với khởi nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập. Trên cơ sở phân tích lý luận và khảo sát 117 doanh nghiệp mới thành lập năm 2015 và 2016 trên địa bàn Hà Nội, nghiên cứu đã chỉ ra tám thách thức chính mà các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay, cụ thể: (1) cạnh tranh, (2) thiếu hụt nguồn nhân lực, (3) công nghệ, (4) nguồn vốn, (5) quan hệ kinh doanh, (6) kinh nghiệm kinh doanh và quản lý, (7) quản trị nguồn nhân lực, và (8) môi trường kinh doanh biến động. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp đối với những nhà khởi nghiệp hiện tại và tương lai, cũng như các đề xuất kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp. Từ khóa: Khởi nghiệp, cạnh tranh, hội nhập, thách thức khởi nghiệp, Việt Nam. Abtract This paper focuses on studying the challenges for start-ups in the context of competition and intergration. On the basis of theory and survey analisis on 117 new enterprises founded in Hanoi in 2015 and 2016, the results showa that there are eight challenges for Vietnam start-ups in the context of competition and intergration, namely: (1) competition, (2) lack of human resources, (3) technology, (4) capital mobilization, (5) business relationship, (6) business and management experiences, (7) human resource management, and (8) unstable business environment. Thereby, the author proposes some solutions for Vietnam current and potential start-ups and State management agencies to support enterprises starting up. Keywords: Start-up, competition, integration, start-up challenges, Vietnam. 1. Mở đầu Khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Theo Hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA), chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 (GEM 2015/2016) đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Có 7/12 chỉ tiêu về điều kiện kinh doanh đạt trên mức trung bình; chẳng hạn chỉ tiêu cơ sở vật chất có đến hơn 38 trên tổng số 62 quốc gia khảo sát đạt trên mức trung bình, chỉ tiêu về chuẩn mực văn hóa xã hội có 35 trên tổng số 62 quốc gia trên mức trung bình (Báo cáo GEM toàn cầu 2015). Tuy nhiên, còn nhiều quốc gia có chỉ số khởi nghiệp ở mức thấp, chẳng hạn như Việt Nam, chỉ có 3 trên tổng số 12 chỉ tiêu đo lường vựợt trên mức trung bình, gồm cơ sở hạ tầng, sự năng động của thị trường nội bộ, và chuẩn mực văn hóa xã hội. Thực tế, quá trình khởi nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và trở thành một trào lưu mới, đặc biệt đối với giới trẻ. Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp 262
  2. mới thành lập có chiều hướng gia tăng. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam có gần 91.765 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 710.600 tỷ đồng, tăng 18,3% về số lượng doanh nghiệp và tăng 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Có thể kể đến một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở Việt Nam như GrabTaxi, Lozi, Big Cat Tính đến tháng 11/2016, Việt Nam có 101.680 doanh nghiệp mới được thành lập, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 24.560, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 126.200 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp phá sản và tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2016 bằng 51% số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Quá trình đào thải các doanh nghiệp trên thị trường đang diễn ra khá gay gắt. Số lượng doanh nghiệp mới ngày càng tăng nhưng chất lượng phát triển không đồng đều và hầu hết đều bị phá sản hoặc bị các doanh nghiệp lớn thu mua lại. Các nhà khởi nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về quá trình khởi nghiệp hoặc chưa có đủ điều kiện để đưa doanh nghiệp phát triển. Bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với các nhà khởi nghiệp. Các doanh nghiệp mới để nắm bắt thị phần ngoài cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, còn phải đối mặt với những doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính, thị phần cao, và khả năng thâu tóm thị trường tốt. Không những vậy, đổi mới công nghệ cũng là rào cản lớn cho các doanh nghiệp ở các quốc gia đang phát triển với trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp. Các doanh nghiệp không thể nắm bắt kịp công nghệ mới sẽ không thể hợp tác với những công ty hay tập đoàn lớn đa quốc gia có quy mô toàn cầu, và cũng gặp khó khăn khi muốn mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, bài viết “Khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh: thách thức và giải pháp” tập trung nghiên cứu thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam và những thách thức mà các nhà khởi nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra giải pháp đối với những người có ý định và vừa mới khởi nghiệp, cũng như đề xuất kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. 2. Cơ sở lý luận 2.1. Tổng quan về hội nhập kinh tế quốc tế Thuật ngữ “hội nhập kinh tế quốc tế” được sử dụng phổ biến từ những năm 80 với nhiều cách tiếp cận và có nhiều đánh giá khác nhau, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào về hội nhập kinh tế quốc tế (Mrak, 2000). Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế được hiểu tương đối phổ biến theo hướng là sự gắn kết nền kinh tế của mỗi quốc gia vào các tổ chức hợp tác kinh tế toàn cầu, trong đó mỗi nước thành viên bị ràng buộc theo quy định chung của tổ chức đó (Nguyễn Hải Thu, 2016). Bản chất của hội nhập kinh tế quốc tế được biết đến với ba nội dung chính, cụ thể: (i) sự đan xen, gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế thế giới; (ii) quá trình xóa bỏ từng bước các rào cản thương mại và đầu tư giữa các quốc gia; và (iii) tạo dựng các nhân tố mới và điều kiện mới, tạo thuận lợi cho công cuộc cải cách kinh tế. 263
  3. Hầu hết các quốc gia hiện nay đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đều dựa trên cơ sở của quá trình khu vực hóa nhằm tạo tiền đề cho các quốc gia làm quen với các hoạt động thương mại quốc tế. Nội dung chính của hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm: Thứ nhất là cải tiến công nghệ tạo điều kiện cho phát triển giao thông vận tải, viễn thông từ đó làm giảm khoảng cách địa lý giữa các quốc gia trong quá trình mở rộng sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, cải tiến công nghệ còn tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mở rộng phạm vi thị trường trên toàn thế giới, và giảm thiểu khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia (Yang và các cộng sự, 2011). Thứ hai là mở rộng thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế, là cơ sở để phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua quá trình mở rộng thương mại hàng hóa và dịch vụ, lượng luân chuyển tiền tệ cũng như hàng hóa tăng cao giữa các quốc gia trên phạm vi khu vực cũng như toàn thế giới, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Ngoài ra, sự ra đời của các tổ chức thương mại hay các hiệp định thương mại quốc tế tạo cơ sở cho quá trình thương mại quốc tế hoạt động một cách thống nhất và phù hợp cho các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau. Thứ ba là quá trình toàn cầu hóa góp phần đẩy mạnh sự phát triển của dòng vốn quốc tế. Các dòng tiền chuyển động từ quốc gia này đến quốc gia khác để chi trả những chi phí nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và hoạt động thương mại. Lượng lưu chuyển vốn FDI trên thế giới ngày càng tăng cao, các công ty ngoài tập trung sản xuất còn hoạt động trên thị trường chứng khoán để huy động nguồn vốn quốc tế (Mrak, 2000). 2.2. Tổng quan về khởi nghiệp Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lao động cho rằng khởi nghiệp là một sự lựa chọn nghề nghiệp của cá nhân giữa việc đi làm thuê hoặc tự tạo việc làm cho chính mình. Theo quan điểm kinh tế và quản trị kinh doanh, khởi nghiệp là việc một cá nhân (một mình hoặc cùng nguời khác) tận dụng cơ hội thị truờng tạo dựng một công việc kinh doanh mới (Nguyễn Thu Thủy, 2015). Khởi nghiệp có thể đựơc phân lọai theo nhiều tiêu chí như theo nhu cầu, theo đặc điểm hay theo mục đích. Một cách khái quát, khởi nghiệp có hai đặc điểm, cụ thể: (i) có tính đột phá tạo ra những điều mới hoặc tạo ra những giá trị tốt hơn; và (ii) có mức độ tăng trưởng không giới hạn. Khởi nghiệp thông qua thành lập các doanh nghiệp nhỏ tạo động lực phát triển cho nền kinh tế (Verzat và Bachelet, 2006). Thông qua quá trình khởi nghiệp, nền kinh tế tăng trưởng bền vững trên ba phương diện: thúc đẩy đổi mới và chuyển giao tri thức; gia tăng cạnh tranh; và tăng cuờng mức độ đa dạng hóa trong toàn ngành và trong doanh nghiệp (Lei-Yu, 2007). Khởi nghiệp còn tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, khai thác triệt để những lợi thế có sẵn và hướng nền kinh tế phát triển mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Thông qua quá trình khởi nghiệp, nền kinh tế của quốc gia trở nên phát triển và mở rộng hơn khi các doanh nghiệp trẻ luôn muốn vươn ra thị trường thế giới để mở rộng quy mô và lợi thế kinh doanh. Khi hầu hết các doanh nghiệp cùng hướng đến mục tiêu chung, mức độ cạnh tranh càng trở nên gay gắt, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có 264
  4. chiến lược kịp thời để giữ vững vị thể và phát triển bền vững trên thị trường (Terpstra và Philip, 1993). Bối cảnh hội nhập với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi các nhà khởi nghiệp cần có những ý tưởng táo bạo và hiệu quả để thu hút đầu tư và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, mức độ cạnh tranh cao cũng trở thành động lực để doanh nghiệp cố gắng vươn lên và tạo vị trí cho doanh nghiệp trên thị trường. 2.3. Những thách thức đối với khởi nghiệp Khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh như hiện nay khiến các doanh nghiệp mới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như mức độ cạnh tranh cao, nhu cầu về nguồn nhân lực tăng, phát triển công nghệ khiến chu kỳ sống của sản phẩm công nghệ ngắn, Có thể kể đến 8 thách thức chính đối với khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh, cụ thể: Thứ nhất, khởi nghiệp diễn ra trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các quốc gia mở cửa thị trường, đẩy mạnh quá trình hội nhập sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn hay mở rộng thi phần. Các doanh nghiệp thành lập mới không những phải cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp trong nước, mà cũng phải đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn vào thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là doanh nghiệp lớn, tài chính ổn định và năng lực quản lý tốt sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nội địa bao gồm các doanh nghiệp mới thành lập trong cuộc chiến tranh giành thị phần (Cẩm Tú, 2016). Thứ hai, nhu cầu lao động tăng cao về cả chất lượng và mặt bằng tiền lương khiến các doanh nghiệp mới trở nên khan hiếm nguồn nhân lực, khi mà trên thị trường lao động xuất hiện các doanh nghiệp FDI với nhiều chính sách đãi ngộ nhân sự thu hút. Để đáp ứng nhu cầu phát triển và cạnh tranh, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần những lao động có trình độ chuyên môn cao, tuy nhiên đội ngũ này hoặc đang làm ở các doanh nghiệp lớn, hoặc phải chi khá nhiều cho tiền lương của họ. Đối với một doanh nghiệp trẻ, điều này rất khó khăn, và nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu trở nên ngày càng thiếu hụt (Định Vân, 2016). Thứ ba, các tiến bộ khoa học trên thế giới khiến công nghệ mới du nhập và thay đổi nhanh chóng, nếu không lựa chọn đúng hay kịp thời thay đổi, sản phẩm của doanh nghiệp dù là mới khởi nghiệp cũng sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời. Hiện nay, vì không đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, nhiều quốc qia trở thành “bãi rác công nghệ”. Các doanh nghiệp của quốc gia đó phải sử dụng những công nghệ lỗi thời, giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài (Kohler, 2016). Thứ tư, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải khó khăn lớn trong hoạt động huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp cũng cần phải tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư và các cá nhân/ tổ chức cho vay để mở rộng quy mô hoạt động. Các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay thường tiếp cận với vốn của các nhà đầu tư hay nguồn vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng, các 265
  5. ngân hàng không dễ cho vay khi doanh nghiệp mới thành lập, tài sản bảo đảm hạn chế và chưa có uy tín trên thị trường. Thêm vào đó, các nhà đầu tư chưa biết được khả năng phát triển của doanh nghiệp, đầu tư mang tính chất mạo hiểm vì vậy khả năng huy động vốn là vô cùng khó khăn (Định Vân, 2016). Thứ năm, các doanh nghiệp mới thành lập cũng thiếu quan hệ kinh doanh với khách hàng và nhà cung cấp do mới tham gia hoạt động kinh doanh nên các mối quan hệ với khách hàng còn hạn chế, chủ yếu là người quen hoặc qua giới thiệu. Đồng thời, trong thời kỳ này có rất nhiều nhà cung cấp nhưng để tìm được nhà cung cấp chất lượng tốt, giá cả hợp lý là một vấn đề khó khăn. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu từ các nguồn thông tin khác nhau, và cũng có rất nhiều trường hợp phải thay đổi nhà cung cấp nhiều lần mới có được đối tác phù hợp nhất. Thứ sáu, các nhà khởi nghiệp đa phần thiếu kinh nghiệm kinh doanh và quản lý doanh nghiệp do mới bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh. Một doanh nghiệp cần có sự quản lý tốt mới có thể phát triển và ổn định, nhưng điều này đối với các doanh nghiệp trẻ rất khó khăn do đội ngũ quản lý có kinh nghiệm hạn chế. Công tác quản lý doanh nghiệp đa phần dựa trên những kinh nghiệm có sẵn, vì vậy các doanh nghiệp khó có thể lường trước được mọi nguy cơ hay có biện pháp đối phó kịp thời trong quá trình hoạt động (Terpstra và Philip, 1993). Thứ bảy, năng lực quản trị nguồn nhân lực và giữ chân nhân tài của các nhà khởi nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số lượng các khởi nghiệp gia tiến hành khởi nghiệp mà chưa từng làm việc tại môi trường thực tế, điều này hạn chế khả năng thấu hiểu nhân viên và cách thức quản lý nguồn nhân lực của họ. Bên cạnh đòi hỏi về năng lực quản trị, khả năng nắm bắt suy nghĩ của nhân viên cũng là thách thức lớn đối với các nhà khởi nghiệp trong chiến lược quản trị nguồn nhân lực và giữ chân nhân tài (Kohler, 2016). Thứ tám, khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những biến động của môi trường kinh doanh, gồm các yếu tố như môi trường tự nhiên, pháp lý, văn hóa, chính trị, xã hội Trong một vài trường hợp, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành đặc thù bị thiệt hại về tài sản cũng như gián đoạn hoạt động kinh doanh, thậm chí có những doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất (Terpstra và Philip, 1993). Nhìn chung, khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế khiến các nhà khởi nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh cũng như biến động thị trường nhằm tận dụng các cơ hội kinh doanh và giữ vững vị thế của mình trên thị trường. 3. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nghiên cứu này, tác giả đã tiến hành thu thập các dữ liệu thứ cấp thông qua các tài liệu như các bài báo, các báo cáo, đề tài nghiên cứu liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và tình trạng khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Những dữ liệu về tình trạng khởi nghiệp được thống kê từ các báo cáo thường niên 266
  6. của Hiệp hội các nhà kinh doanh toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam được đăng tải trên website của các cơ quan này. Ngoài ra tác giả đã thực hiện khảo sát bằng việc đưa ra bảng câu hỏi dành cho 117 chủ doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015-2016 trên địa bàn Hà Nội. Bảng hỏi được gửi qua email đến các doanh nghiệp được lựa chọn với các câu hỏi liên quan đến thông tin chủ doanh nghiệp và những thông tin cơ bản của doanh nghiệp như ngành nghề kinh doanh, loại hình doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảng hỏi cũng đưa ra những câu hỏi đánh giá về mức độ thách thức của một số yếu tố khi khởi nghiệp như: mức độ cạnh tranh gay gắt, nguồn nhân lực, vốn, công nghệ Bảng 1: Mẫu điều tra Slg % Slg % Độ tuổi Giới tính Dưới 30 tuổi 35 29,91 Nam 92 78,63 30-39 tuổi 39 33,33 Nữ 25 21,37 40-49 tuổi 19 16,24 Tổng 117 100 50-59 tuổi 13 11,11 Loại hình doanh nghiệp ≥ 60 tuổi 11 9,40 DNNN 0 Tổng 117 100 Công ty cổ phần 53 45,30 Kinh nghiệm khởi nghiệp Cty TNHH tư nhân 32 27,35 10 năm 10 8,55 Dưới 1 tỷ 16 13,68 Tổng 117 100 1-10 tỷ 61 52,14 Số lao động 10-50 tỷ 29 24,79 Dưới 10 LĐ 32 27,35 50-100 tỷ 11 9,40 10-49 LĐ 44 37,61 Trên 100 tỷ 0 0 50-99 LĐ 27 23,08 Tổng 117 100 100-199 LĐ 14 11,97 Từ 200 LĐ trở lên 0 0 Tổng 117 100 Đối với các dữ liệu thứ cấp thu thập được, tác giả tổng hợp và chọn lọc những thông tin có giá trị và phù hợp nhất phục vụ cho nghiên cứu. Các thông tin sơ cấp sau khi thu thập được thống kê, phân loại, tính toán để có được kết quả. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, tác giả đưa ra những đánh giá về thực trạng khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, những khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp đã và đang gặp phải khi khởi nghiệp. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp đối với những người có ý định và vừa mới khởi nghiệp, đồng thời đề xuất các kiến nghị cho cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. 267
  7. 4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Về thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam Khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của mọi thành phần kinh tế. Theo báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) - một nghiên cứu có quy mô lớn nhất về khởi nghiệp trên toàn cầu, tỷ lệ người trưởng thành nhận thức được cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 là 56,8%, tăng mạnh so với năm 2014 (39,4%) và năm 2013 (36,8%). Tỷ lệ trung bình ở các quốc gia phát triển dựa trên nguồn lực là 53,8%. Theo ông Bùi Anh Tuấn - Cục Phó Cục Đăng ký kinh doanh, kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực tháng 7/2015, cho tới nay, số lượng doanh nghiệp được khai sinh liên tục tăng. Cụ thể, theo công bố của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), năm 2015, Việt Nam đã đạt kỷ lục thành lập mới doanh nghiệp với con số ấn tượng 94,7 nghìn doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký năm 2015 cũng tăng 39,1% so với năm 2014, đạt mức 601.519 tỷ đồng. Với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, năm 2016 được Chính phủ Việt Nam chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh trong năm 2016 đều tăng cả số lượng và chất lượng. Trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt trên 110.000 doanh nghiệp. Đây là tín hiệu hết sức khả quan về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam, khởi nghiệp đã thực sự trở thành trào lưu, đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như Lozi - Mạng xã hội về ẩm thực, mua bán đồ thời trang và điện tử, Hệ thống đặt phòng trực tuyến Vntrip.vn, Beeketing với giải pháp marketing online, Theo báo cáo chỉ số khởi nghiệp toàn cầu GEM 2015/2016, các chỉ tiêu thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 so với năm 2014 không có nhiều thay đổi, không thật sự hỗ trợ tốt cho quá trình khởi nghiệp và phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Chỉ tiêu cơ sở hạ tầng với 4,07/5 điểm vẫn tiếp tục là yếu tố được đánh giá cao nhất trong các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam. Hai chỉ tiêu năng động về thị trường nội địa và chuẩn mực xã hội là hai yếu tố tiếp theo được đánh giá cao. Trong tổng số 12 chỉ tiêu khảo sát về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, chỉ có 3 chỉ tiêu đạt trên mức trung bình, 3 chỉ tiêu có mức độ đánh giá thấp nhất bao gồm: chương trình hỗ trợ của chính phủ với 2,14 điểm; tài chính cho kinh doanh với 2,12 điểm; và giáo dục về kinh doanh ở bậc học phổ thông chỉ đạt 1,57 điểm. Có thể nhận thấy rằng, các chỉ tiêu liên quan đến các chính sách hỗ trợ của nhà nước đang ở mức thấp, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa thực sự được nhà nước tạo điều kiện trong hoạt động kinh doanh. Khi thực hiện so sánh các chỉ tiêu khởi nghiệp của Việt Nam so với các nước được khảo sát, thứ tự xếp hạng của các yếu tố có sự thay đổi. Ba chỉ số có thứ hạng cao nhất là: năng động của thị trường nội địa (11/62); văn hóa và chuẩn mực xã hội (14/62); và chỉ tiêu quy định của chính phủ (15/62). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về điều kiện kinh doanh có thứ hạng thấp nhất của Việt Nam bao gồm: giáo dục về kinh doanh bậc học phổ thông (47/62); giáo dục về kinh doanh sau phổ thông (47/62); chương trình hỗ trợ của chính phủ (50/62); và tài chính cho kinh doanh (50/62). 268
  8. Theo nhận định của các chuyên gia, khởi nghiệp tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tuy nhiên chưa thật sự có hiệu quả. Bên cạnh những khó khăn từ chính doanh nghiệp, các thách thức khởi nghiệp hiện nay phần lớn do các tác động của yếu tố bên ngoài như yếu tố văn hóa giáo dục, chính trị, và tình hình kinh tế. Một yếu tố quan trọng tác động đến khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay là khả năng quản lý cũng như tầm nhìn của các chủ doanh nghiệp còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp khi gặp vấn đề mới tìm cách giải quyết, không có kế hoạch hay phương án dự phòng với những vấn đề phát sinh. Vì thế, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội hay không giải quyết được khó khăn do thiếu bình tĩnh hay sự quyết đoán. 4.2. Về các thách thức đối với khởi nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, đa số các nhà khởi nghiệp của 117 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 - 2016 trên địa bàn Hà Nội là nam (78,63%), ở độ tuổi còn khá trẻ, từ 30 đến 39 tuổi (chiếm 33,33%), những người ở độ tuổi từ 60 trở lên chiểm tỷ lệ nhỏ nhất (9,40%). Kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp của các nhà khởi nghiệp chủ yếu từ 3 đến 5 năm (chiếm 25,64%). Cũng theo kết quả khảo sát, một số lượng lớn các doanh nghiệp được thành lập từ năm 2015-2016 trên địa bàn Hà Nội là công ty cổ phần (45,30%), và công ty TNHH tư nhân (27,35%). Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô hoạt động nhỏ với số lao động từ 10 đến 49 lao động (37,61%) và vốn điều lệ từ 1 đến 10 tỷ đồng. Hình 1: Các thách thức đối với khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập (Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả) Thông qua kết quả khảo sát điều tra các nhà khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội về những thách thức gặp phải khi tiến hành khởi nghiệp, kết quả cho thấy các nhà khởi nghiệp gặp khó khăn nhiều khía cạnh, từ các yếu tố nội tại đến các yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh. Đặc biệt, thách thức về mức độ cạnh tranh gay gắt với điểm trung bình 4,06/5 269
  9. điểm và thách thức về môi trường kinh doanh biến động với 3,64/5 điểm, được đánh giá là hai thách thức lớn nhất của các nhà khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Thách thức về cạnh tranh đang được các nhà khởi nghiệp đánh giá ở mức độ cao, có đến 40 trên tổng số 117 doanh nghiệp mới khởi nghiệp tham gia điều tra khảo sát cho rằng mức độ cạnh tranh hiện nay rất gay gắt, và có 48 trên tổng sô 117 nhà khởi nghiệp cho rằng thách thức về cạnh tranh hiện nay ở mức cao. Qua đó cho thấy, mức độ cạnh tranh hiện nay đối với các nhà khởi nghiệp rất cao, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước và cả các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam đang dần mở cửa thị trường với kinh nghiệm quản trị tốt và tiềm lực tài chính mạnh. Các nhà khởi nghiệp trong nước để có thể đứng vững trên thị trường cần có kinh nghiệm hoạt động, đồng thời cũng phải tạo ra được lợi thế cho mình trên cơ sở vận dụng tối đa những hiểu biết sâu sắc về văn hóa kinh doanh. Thiếu hụt nguồn nhân lực cũng là một trong những thách thức mà các nhà khởi nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với điểm trung bình của khảo sát là 3,43/5 điểm. Các nhà khởi nghiệp cần những nhân viên có kinh nghiệm, có kiến thức và sự sáng tạo để tồn tại và phát triển ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà khởi nghiệp còn hạn chế do chất lượng đào tạo nhân lực hiện nay chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng tốt đang làm việc ổn định ở những doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp khó có thể đáp ứng tốt những đòi hỏi về đãi ngộ đối với họ và đồng thời họ cũng khó có niềm tin vào một doanh nghiệp mới thành lập. Theo kết quả khảo sát, một trong những thách thức thường gặp phải đối với các khởi nghiệp gia là kinh nghiệm kinh doanh và quản lý nhà khởi nghiệp. Qua khảo sát có đến hơn 74% số nhà khởi nghiệp được hỏi cho rằng thách thức này ở mức trung bình trở lên. Tuy nhiên, vẫn có 2% số nhà khởi nghiệp được hỏi cho rằng thách thức này không tồn tại đối với doanh nghiệp họ. Điều này cho thấy, đây là thách thức mà các nhà khởi nghiệp có thể khắc phục được khi bắt tay vào hoạt động kinh doanh. Một trong những thách thức mà nhà khởi nghiệp gặp phải khi mới tiến hành hoạt động kinh doanh là thiếu mối quan hệ với khách hàng, đối tác, nhà cung ứng. Qua khảo sát các nhà khởi nghiệp cho thấy, có đến 64% nhà khởi nghiệp được khảo sát cho rằng thách thức này gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp mới khởi nghiệp họ khi hoạt động. Các nhà khởi nghiệp cần có khách hàng hay nhà cung ứng thì mới có thể tiến hành hoạt động, vì vậy cần có nhà cung ứng tốt nhất hay khách hàng tiềm năng và lâu dài thì doanh nghiệp mới có thể phát triển. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hoàn thành tốt công việc này, sẽ mất một khoảng thời gian nhát định để các nhà khởi nghiệp tạo dựng mối quan hệ ổn định và lâu dài. Và trong khoảng thời gian này, nếu nhà khởi nghiệp không đủ mạnh, và không đủ giỏi để rút ngắn thời gian thì sẽ khó có thể tiếp tục hoạt động. Vấn đề về vốn và khoa học công nghệ cũng được cho là có ảnh hưởng lớn đến quá trình khởi nghiệp, hai yếu tố này với 82% nhà khởi nghiệp được hỏi cho rằng thách thức về công nghệ và 78% đánh giá thách thức về vốn ở mức trung bình trở lên. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì mức độ tiếp cận với các tiến bộ khoa học công nghệ thế giới còn hạn chế, và các phát minh để phục vụ sản xuất còn thấp. Đồng thời, Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên khả năng thu hút vốn đầu tư trong nước khá khó 270
  10. khăn, chủ yếu sẽ phải huy động vốn từ nguồn vay ngân hàng, hay các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các khởi nghiệp gia cũng phải đối mặt với việc quản trị tốt nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Vấn đề này được đánh giá là thách thức lớn với điểm trung bình 3,44/5 điểm với nhiều lý do. Chủ doanh nghiệp rất khó có thể quản trị tốt nguồn nhân lực khi họ đang lo lắng về các vấn đề hoạt động kinh doanh, đối thủ cạnh tranh hay vị thế của mình trên thị trường và nhiều yếu tố chi phối khác. Các khởi nghiệp gia có tiềm lực tài chính tốt sẽ thuê một đội ngũ nhà quản trị nhân lực có kinh nghiệm, nhưng với đa phần khởi nghiệp gia, nguồn vốn hạn hẹp và số lượng nhân viên hạn chế thì đây không phải là giải pháp tối ưu. Biến động của môi trường kinh doanh có tác động lớn đến quá trình khởi nghiệp của các khởi nghiệp gia trẻ hiện nay, với kết quả điều tra có đến 67/117 nhà khởi nghiệp cho rằng yếu tố này là thách thức lớn khi tiến hành hoạt động. Biến động của môi trường kinh doanh phải kể đến như pháp luật, chính trị xã hội, thiên tai. Khi những yếu tố này thay đổi, sẽ tác động hai chiều lên quá trình hoạt động của doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Vì yếu tố này là môi trường bên ngoài, nhà khởi nghiệp không kiểm soát nên cần có những phương án dự phòng để ứng phó với những thay đổi. 5. Một số giải pháp và kiến nghị 5.1. Đối với các nhà khởi nghiệp Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực trạng khởi nghiệp và những khó khăn thách thức của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam, tác giả đưa ra một số giải pháp cho những người có ý định cũng như vừa mới khởi nghiệp. Cụ thể: Thứ nhất, các nhà khởi nghiệp có ý định khởi nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh cụ thể và rõ ràng trước khi tiến hành khởi nghiệp. Như vậy, khi tiến hành hoạt động, doanh nghiệp đã vạch sẵn phương hướng phát triển cụ thể và các hoạt động cần thực hiện, tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp mới cũng cần có những phương án dự phòng cho một số trường hợp xấu có thể xảy ra. Khi đó, doanh nghiệp dù gặp phải vấn đề nghiêm trọng thì chủ doanh nghiệp cũng có thể bình tĩnh giải quyết, có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất một cách kịp thời. Thứ hai, các doanh nghiệp cần có những giải pháp huy động vốn hiệu quả. Trước khi thành lập doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp cần đưa ra ý tưởng kinh doanh và sử dụng những ý tưởng đó để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Các nhà khởi nghiệp cần đặt ra kế hoạch cụ thể về huy động nguồn vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh trong giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các thủ tục, giấy tờ cần thiết phục vụ hoạt động vay vốn ngân hàng cũng cần chuẩn bị đầy đủ, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Thứ ba, doanh nghiệp cũng cần cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới để ứng dụng có hiệu quả trong quá trình sản xuất cũng như kinh doanh. Việt Nam đang là nước có mức độ khoa học công nghệ ở mức thấp trên thế giới, luôn đi sau về trình độ sản xuất, vì thế nên các nhà khởi nghiệp khi có ý định tiến hành lập nghiệp, cần xem xét 271
  11. các vấn đề về khoa học công nghệ. Như vậy, khi tiến hành hoạt động với những tiến bộ khoa học, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được tối đa chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Việc đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp các doanh nghiệp nâng cao trình độ khoa học công nghệ, qua đó làm giảm chí phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ tư, các nhà khởi nghiệp có thể nghiên cứu và triển khai phương án hợp tác với các doanh nghiệp khác hay với những người có cùng ý định kinh doanh để nâng cao hiệu quả ý tưởng kinh doanh cũng như khả năng thành công của doanh nghiệp. Việc hợp tác trong quá trình khởi nghiệp cũng góp phần cải thiện quy mô và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp sẽ có nhiều lựa chọn kinh doanh hơn, quy mô lớn sẽ dễ tiếp cận được với những đối tác lớn có tính chiến lược, từ đó mở rộng quy mô công ty, cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ khác. Thứ năm, các nhà khởi nghiệp trước khi thành lập doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về lĩnh vực đầu tư, về quy mô thị trường, về đối thủ cạnh tranh hay tiềm năng phát triển của lĩnh vực đó. Khi nắm bắt được tất cả những vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ biết rõ nên đầu tư vào đâu, vốn cần có và nên hợp tác với doanh nghiệp nào để doanh nghiệp mình có lợi nhất. 5.2. Đối với các cơ quan nhà nước Bên cạnh giải pháp đề ra cho những người có ý định và vừa mới khởi nghiệp, tác giả đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Cụ thể: Thứ nhất, cơ quan nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp như đơn giản hóa các thủ tục thế chấp vay vốn đối với những khởi nghiệp gia, hay cung cấp các gói vay hỗ trợ những ý tưởng kinh doanh tiềm năng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần gia tăng thời hạn vay vốn cho các doanh nghiệp mới, vì những doanh nghiệp này cần có khoảng thời gian ổn định kinh doanh và thâm nhập thị trường. Thứ hai, nhà nước nên đưa ra các biện pháp ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu, hay các hoạt động kinh doanh trong nước. Những biện pháp có thể đưa ra như giảm thuế xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước, miễn thuế nhập khẩu cho nguyên liệu dùng cho sản xuất, đưa ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi hơn cho một số doanh nghiệp mới thành lập trong một số ngành nghề. Các khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp làm tăng giá thành của sản phẩm, hạn chế khả năng cạnh tranh của sản phẩm với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Nếu nhà nước thực hiện ưu đãi thuế thành công, sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng canh tranh và thu được nhiều lợi nhuận. Thứ ba, các cơ quan chính phủ cần rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Hiện nay, các thủ tục hành chính của Việt Nam phải trải qua nhiều giai đoạn và gây tốn thời gian tiền bạc cho các doanh nghiệp, cũng như các cơ quan nhà nước. Thay vì việc trực tiếp thực hiện các thủ tục này, có thể thay thế bằng việc khai báo qua hệ thống cổng thông tin điện tử, và quy định số ngày chính xác để thực hiện thủ tục, tránh tình trạng làm việc kém hiệu quả, kéo dài thời gian thực hiện. Việc thực hiện 272
  12. khai báo qua cổng thông tin điện tử cũng đã cho thấy hiệu qua thông qua việc khai báo hải quan hay nộp thuế điện tử. Nhà nước cần mở rộng mô hình hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cũng như người dân. Thứ tư, nhà nước nên mở rộng phạm vi ngành nghề kinh doanh và giảm bớt những điều kiện thành lập doanh nghiệp không cần thiết. Nhà nước không nên bó hẹp việc đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi quy định của luật pháp, mà cần cho phép doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề không bị cấm. Bên cạnh đó, cũng cần bỏ đi những điều kiện không cần thiết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp như cụ thể hóa ngành nghề kinh doanh, hay giảm bớt mức vốn pháp định. Thứ năm, nhà nước cần đưa ra những chính sách mang tính lâu dài và ổn định để đảm bảo hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp mới thành lập. Các doanh nghiệp khi mới thành lập một phần thường lo sợ các chính sách pháp luật bị thay đổi, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, và hạn chế đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nhà nước cần cam kết không thay đổi thường xuyên các quy định của pháp luật, và cần lấy ý kiến của doanh nghiệp trước khi thông qua những quy định có liên quan. 6. Kết luận Khởi nghiệp hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập như hiện nay, sự phát triển và mở rộng thị trường toàn cầu giúp các doanh nghiệp có cơ hội hoạt động thương mại với nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khởi nghiệp trở nên khó khăn hơn khi các khởi nghiệp gia phải đối mặt với nhiều thách thức, làm hạn chế khả năng hoạt động cũng như thành công của doanh nghiệp. Bài viết này khái quát về tình hình khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập, từ đó chỉ ra một số thách thức khởi nghiệp hiện nay của các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam. Thông qua kết quả khảo sát điều tra 117 doanh nghiệp mới thành lập năm 2015-2016 trên địa bàn Hà Nội về những thách thức gặp phải khi tiến hành hoạt động doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn trên nhiều khía cạnh, từ các yếu tố nội tại của doanh nghiệp cho các yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh. Đặc biệt, thách thức về mức độ cạnh tranh gay gắt và thách thức về môi trường kinh doanh biến động được đánh giá là hai thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, bài viết đưa ra những giải pháp cần thiết cho các khởi nghiệp gia như đặt ra chiến lược kinh doanh cụ thể, đưa ra phương án huy động vốn cụ thể, cập nhập những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất một vài kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó nhà nước cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập về năng lực tài chính và các thủ tục hành chính cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển và ổn định. Bằng những lợi thế sẵn có và những cơ hội hợp tác kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tác giả hy vọng kết quả nghiên cứu về những thách thức của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ có ý nghĩa thực tiễn to lớn, góp phần vào thành 273
  13. công của các doanh nghiệp trong việc hình thành, duy trì và phát triển vị thế của mình trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO Cẩm Tú (2016), “Nhiều rào cản doanh nhiệp khởi nghiệp”, VOV Việt Nam. Định Vân (2016), “Những khó khăn khi khởi nghiệp”, Báo Passion Việt - Tiếp lửa hành trình ngày 27 tháng 8 năm 2016. Kohler Thomas (2016), “Corporate accelerators: Building bridges between corporations and startups”, Business Horizons Volume 59, Issue 3, May-June 2016, pp. 347-357. Lei-Yu Wu (2007), “Entrepreneurial resources, dynamic capabilities and start-up performance of Taiwan's high-tech firms”, Journal of Business Research Volume 60, Issue 5, May 2007, pp. 549-555. Mrak Mojmir (2000), Globalization: Trends, Challenges and Opportunites for Countries in Transition, United Nations Industrial Development Organization, Vietnam. Nguyễn Hải Thu (2016), “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến kinh tế Việt Nam”, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 168 tháng 6/2016. Nguyễn Thu Thủy (2015), “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tiềm năng khởi sự kinh doanh của sinh viên đại học”, Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Terpstra David E., Philip D. Olson (1993), “Entrepreneurial start-up and growth: a classification of problems”, Entrepreneurship: Theory and Practice, Vol. 17 Issue 3, pp. 5-19. VCCI (2015), Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015. Verzat, C., Bachelet, R. (2006), Developing an entrepreneurial spirit among engineering college students: what are the educational factors?, Edward Elgar Publishing 2006. Yang Qingjuan, Li Bei, Li Kui (2011), “The Rural Landscape Research in Chengdu’s Urban-rural Intergration Development”, Procedia Engineering Volume 21, 2011, pp. 780-788. 274