Kinh tế thị trường xã hội: Lý thuyết và mô hình của một số nước, so sánh với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 4830
Bạn đang xem tài liệu "Kinh tế thị trường xã hội: Lý thuyết và mô hình của một số nước, so sánh với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfkinh_te_thi_truong_xa_hoi_ly_thuyet_va_mo_hinh_cua_mot_so_nu.pdf

Nội dung text: Kinh tế thị trường xã hội: Lý thuyết và mô hình của một số nước, so sánh với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam

  1. 1 Phần I: Các lý thuyết kinh tế KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI: LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH CỦA MỘT SỐ NƯỚC, SO SÁNH VỚI MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA VIỆT NAM PGS.TS. Hà Văn Hội 1. Tổng quan về lý thuyết kinh tế thị trường xã hội Bản chất của kinh tế thị trường xã hội Kinh tế thị trường xã hội là khái niệm về một hình thái kinh tế thị trường mới ra đời đầu tiên ở Tây Đức (Cộng hoà Liên bang Đức) mà tác giả là những người theo trường phái kinh tế thị trường như Freiburg, Frederich, F.A.von Hayek, Wolf Ogen. Về bản chất, kinh tế thị trường xã hội gần giống với kinh tế thị trường nhưng mục tiêu của nó là “gắn kết trên cơ sở thị trường các nguyên tắc tự do và bình đẳng xã hội.” Tuy nhiên, cần tránh hiểu nhầm vấn đề tự do trên thị trường. Khái niệm kinh tế thị trường xã hội hoàn toàn khác các quan điểm của “chủ nghĩa tự do mới.” Kinh tế thị trường xã hội không đồng nhất với cái gọi là “kinh tế thị trường tự do.” Đây là mô hình kinh tế được các nhà kinh tế theo trường phái tự do của Mỹ đề xuất, mà bản chất của nó là giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước và để cho nền kinh tế tự vận hành thông qua các công cụ của nó. Kinh tế thị trường xã hội cũng không đồng nhất với các quan điểm kinh tế, xã hội của những người trọng tiền. Những người này muốn giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước nhưng đồng thời cũng muốn chiến đấu với lạm phát bằng cách theo đuổi một chính sách hạn chế kiểm soát lượng cung tiền tệ. Hơn nữa, họ cho rằng tiến trình kinh tế tự nó hoàn toàn có khả năng chịu đựng các biến động có tính chu kỳ nếu nhà nước kiềm chế không can thiệp. Theo các nhà khởi xướng thì kinh tế thị trường xã hội là một mô hình kinh tế không phải XHCN và cũng không phải TBCN mà như một “con đường thứ ba,” thực chất con đường thứ ba này là từ bỏ chủ nghĩa tư bản tự do, đồng thời chống độc quyền, bảo vệ những nguyên lý của kinh tế thị trường. Theo Alfred Muller Armack, một trong những tác giả của mô hình kinh tế thị trường xã hội ở CHLB Đức: “Đối với chúng ta giờ đây, cả hai mô hình kinh tế: kinh tế thị trường tự do và kinh tế kế hoạch hóa, đều đã trở nên nỗi thời, chúng ta cần phát triển mô hình thứ ba, đó không phải là sự hỗn hợp thuần túy hoặc là sự thỏa hiệp của hai mô hình trước mà chính là sự tổng hợp những hiểu biết về thời đại của chúng ta hiện nay. Chúng ta gọi mô hình thứ ba này là “kinh tế thị trường xã hội.”1 Nội dung của lý thuyết kinh tế thị trường xã hội Với mô hình kinh tế thị trường xã hội, thể chế và cơ quan chính phủ có vai trò đảm bảo ổn định xã hội có tầm quan trọng đặc biệt. Những cơ quan có liên quan tới chính sách xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò chủ đạo, nhằm cố gắng loại trừ lạm phát và thất nghiệp bằng các biện pháp tiền tệ và tài khóa. Một mặt, mô hình kinh tế thị trường xã hội tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tạo ra và duy trì kinh tế thị trường, mặt khác đảm bảo sự công bằng xã hội. 1 Từ điển bách khoa toàn thư,
  2. 2 Phần I: Các lý thuyết kinh tế Điều này, trên thực tế là một cách thức chính trị không dễ đối phó, đặc biệt trong các giai đoạn suy thoái kinh tế. Như đã đề cập ở trên, các nguyên tắc của thị trường tự do và công bằng xã hội được thống nhất trong mô hình Kinh tế thị trường xã hội, một mặt, nó khuyến khích và nhấn mạnh các nhân tố kích thích các sáng kiến cá nhân vì lợi ích của nền kinh tế; mặt khác, nó loại bỏ các phát triển không mong muốn bất cứ khi nào có thể, ví dụ như sự thiếu thốn, cùng cực của một số nhóm xã hội, lạm phát và thất nghiệp. Tóm lại, có thể hiểu một cách ngắn gọn kinh tế thị trường xã hội là một nền kinh tế thị trường kết hợp tự do với công bằng xã hội. Điều này có vẻ trái với bản chất nền kinh tế thị trường nói chung, vì trong nền kinh tế thị trường nói chung, tự do và công bằng không thể nào dung hợp được. Người ta phải luôn luôn đứng trước sự lựa chọn: nếu nhiều tự do thì ít công bằng, nếu nhiều công bằng thì ít tự do, tức là chúng luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Tuy nhiên, theo lý thuyết về kinh tế thị trường xã hội thì tự do và công bằng lại có thể dung hợp với nhau mà không xảy ra sự đối nghịch. Cụ thể hơn, trong kinh tế thị trường xã hội, sáng kiến cá nhân được kích thích một cách mạnh mẽ vì lợi ích cá nhân và lợi ích toàn xã hội, đồng thời phòng tránh được khuyết tật lớn của nền kinh tế thị trường, chống lạm phát, giảm thất nghiệp, bảo vệ và trợ giúp các tầng lớp xã hội khi họ lâm vào cảnh khó khăn, nghèo khổ, che chắn cho họ, bảo đảm cho họ có cuộc sống an toàn và xứng đáng, phù hợp với trình độ phát triển chung của xã hội. Như vậy, kinh tế thị trường xã hội vừa tạo dựng và duy trì một nền kinh tế thị trường, vừa thực hiện công bằng xã hội. Tính thống nhất này đạt được là nhờ kinh tế thị trường xã hội sẽ phát huy hết các nguồn tăng trưởng và nhờ thành quả kinh tế mà nó mang lại, các tiền đề vật chất, tài chính cho chính sách xã hội. Đó quả là một thách đố cực lớn, có thể nói là lớn nhất trong nền kinh tế, nhất là khi nền kinh tế có khó khăn, do những biến động bên trong hoặc do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những tiêu chuẩn sau đây giúp chúng ta định hình kinh tế thị trường xã hội: Thứ nhất là quyền tự do cá nhân. Các cơ quan ra quyết định được phi tập trung hóa, các thị trường vận hành theo chức năng và những nhân tố quyết định đảm bảo quyền tự do cá nhân trong lĩnh vực kinh tế. Đây là lĩnh vực của chính sách cạnh tranh, giúp tạo ra một mô hình chung, trong đó, các tiến trình cạnh tranh kinh tế có thể hoạt động bình thường theo chức năng của mình. Cạnh tranh được nhìn nhận như một biện pháp khuyến khích bằng cách thí điểm và tìm lỗi (trial and error: thử và sai) sức sáng tạo và sức mạnh của cá nhân, triển vọng kiếm được lợi nhuận bằng sự mạo hiểm, chấp nhận thất bại. Thứ hai là nguyên tắc về công bằng xã hội. Một thị trường vận hành theo chức năng chỉ có thể phân phối thu nhập theo năng lực đóng góp của các cá nhân; nó không thể cùng lúc tính đến cả các mặt con người và xã hội. Tương tự như vậy, nhiều vấn đề khác của thị trường chỉ có thể được giải quyết thông qua một chính sách xã hội được xây dựng một cách tương ứng để giúp đỡ những người chưa bao giờ, không thường xuyên hoặc hiện thời không tham gia vào tiến trình kinh tế và cần phải được bảo vệ khỏi những khó khăn không phải do lỗi của họ gây ra. Thứ ba là chính sách chống biến động chu kỳ. Cạnh tranh và chính sách xã hội tự bản thân chúng ta sẽ là đầy đủ nếu nền kinh tế tự nó có thể ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế có các biến động có chu kỳ mà khéo léo nó là các mức tăng trưởng kinh tế khác nhau. Trong nhiều trường hợp, năng lực của thị trường xuất hiện điểm thắt nút hoặc quá tải mà tự nó không thể
  3. 3 Phần I: Các lý thuyết kinh tế giải quyết được. Cùng với khung chính trị, xã hội và cạnh tranh nói chung của kinh tế thị trường xã hội nhằm bảo vệ tự do cá nhân và công bằng xã hội, nhà nước cũng cần phải xây dựng các chính sách mang tính cơ cấu, tăng trưởng và chu kỳ. Thứ tư là chính sách tăng trưởng, chính sách này tạo khung cơ sở hạ tầng và pháp lý không thể thiếu nếu phát triển kinh tế được giải phóng khỏi tình trạng gián đoạn. Chính sách tăng trưởng bao hàm những động lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, thừa nhận tiến bộ công nghệ và cải thiện hiệu quả sản xuất. Nó cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy và khuyến khích cải tiến công nghệ. Tuy nhiên cần lưu ý là các biện pháp can thiệp và công nghệ đầy hứa hẹn hoàn toàn không phải chỉ phụ thuộc các công ty lớn mà thông thường là do các công ty quy mô vừa phát triển. Một chính sách công nghệ được soạn thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, khuyến khích sự tập trung, vì lý do đó, sẽ đi ngược lại các quan điểm nền tảng của kinh tế thị trường xã hội. Thứ năm là chính sách cơ cấu. Có nhiều thị trường ở đó những thay đổi cần thiết về cấu trúc bị các nhân tố tự nhiên, kỹ thuật và các nhân tố khác cản trở. Nếu có những vấn đề tồn tại dai dẳng trong việc điều chỉnh cấu trúc toàn bộ các ngành công nghiệp và các vùng đang ở trong tình trạng khó khăn, bắt buộc phải có một chính sách cơ cấu tương ứng nhằm hỗ trợ việc cải thiện tình hình. Trên thị trường lao động, tính cơ động chuyên môn có thể được hỗ trợ bằng các chương trình tái đào tạo và hoặc tái định cư nhằm giảm thất nghiệp cơ cấu. Thứ sáu là sự tuân thủ thị trường hay nói đúng hơn là sự tuân thủ cạnh tranh, áp dụng đối với tất cả các chính sách kinh tế được đề cập từ trước tới giờ. Nó có nghĩa là các biện pháp kinh tế mang tính chính sách cần mang lại một sự công bằng xã hội, ổn định kinh tế, tăng trưởng và một cơ cấu kinh tế cân bằng phù hợp với mục tiêu kinh tế trong khi không làm cản trở quá mức hoạt động cạnh tranh trên thị trường. Sáu tiêu chuẩn này hợp lại với nhau là căn cứ triết học và lý luận của kinh tế thị trường xã hội, chúng bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau, thành một khối lượng tác không thể tách rời. Trong khối thống nhất sáu tiêu chuẩn ấy, mở đầu là thị trường, kết thúc là thị trường, ở giữa là bốn loại chính sách của nhà nước. 2. So sánh mô hình kinh tế thị trường xã hội của một số nước với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam Trong thực tiễn, mô hình kinh tế thị trường xã hội được thực thi từ cuối thập kỷ 90, đây là một mô hình kinh tế thị trường hiện đại diễn ra chủ yếu ở nước CHLB Đức và một số nước Bắc Âu khác. Một trong những kiến trúc sư chủ xướng mô hình kinh tế thị trường xã hội là tiến sĩ kinh tế Gornot Gutmann - chủ tịch hội các nhà khoa học kinh tế và khoa học xã hội CHLB Đức. Chủ nghĩa tự do mới khi xây dựng lý luận về nền kinh tế thị trường xã hội đã coi sự hoạt động của hệ thống giá trị cả hình thành trên cơ sở tác động của cung cầu trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo là tiền đề quan trọng nhất của nó. Bước đi đầu tiên của CHLB Đức trong việc triển khai áp dụng mô hình kinh tế thị trường xã hội là cải cách tiền tệ năm 1948 và trong những năm tiếp theo cho phép sự tự do hình thành giá cả trên nhiều thị trường. Điều này dẫn đến một bước đột phá của các “doanh nghiệp tự do trên thị trường.” Tuy nhiên, sau đó nền kinh tế CHLB Đức bắt đầu bộc lộ những hạn chế của mô hình kinh tế thị trường xã hội mà nước này đang áp dụng như lạm phát cao, suy thoái kinh tế cùng tỷ lệ thất nghiệp cao
  4. 4 Phần I: Các lý thuyết kinh tế Một mô hình kinh tế khác là kinh tế thị trường “xã hội phúc lợi” được áp dụng ở Thụy Điển từ những năm 30 của thế kỷ XX. Mô hình này được xây dựng không dựa hoàn toàn trên lý thuyết kinh tế thị trường xã hội mà dựa trên lý thuyết Ngôi nhà chung cho mọi người của phái Xã hội - Dân chủ, mà đại diện là cựu Thủ tướng Thụy Điển P.A.Hanson; xuất phát từ mục tiêu của “chủ nghĩa xã hội chức năng,” với khẩu hiệu: “bình đẳng, đảm bảo xã hội, hợp tác và sẵn sàng giúp đỡ.” Trong mô hình này, sự phát triển được thực hiện kết hợp hài hòa giữa mở rộng phúc lợi xã hội với kinh tế thị trường tư nhân. Thực hiện mô hình này, Thụy Điển đã đạt được những thành công nhất định, đưa Thụy Điển từ một trong những nước nghèo nhất châu Âu trở thành một trong những quốc gia giàu nhất châu lục này. Trong nền kinh tế ở quốc gia Bắc Âu này, mặc dù các hoạt động kinh doanh lớn nằm trong tay một nhóm nhỏ nhưng sự phân hóa giàu, nghèo dần dần được thu hẹp. Tuy nhiên, việc giữ mức phúc lợi xã hội cao cho mọi công dân dần dần trở thành gánh nặng cho nền kinh tế; phúc lợi xã hội “nuốt“ mất 1/3 GNP; sự thiếu hụt ngân sách và cán cân thanh toán luôn trầm trọng; năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp giảm; lạm phát cao. Do đó, từ giữa những năm 70 đến những năm 90 (thế kỷ XX) nền kinh tế ngày càng trở nên trì trệ. Do vậy, sau gần 50 năm thực hiện mô hình kinh tế thị trường “xã hội phúc lợi” với mức tiền lương cao và chế độ tiền lương mang tính bình quân, đến những năm 90, Thụy Điển đã phải đặt mục tiêu giảm lạm phát lên trên mục tiêu đảm bảo toàn dụng công nhân; giảm thuế thu nhập từ 72% xuống còn 50%; tăng thuế gián thu; cắt giảm bớt các khoản trợ cấp phúc lợi; tư nhân hóa trong các lĩnh vực dịch vụ. Nghĩa là một số đặc trưng của mô hình đã bị loại bỏ. Mặc dù, trong thực tế, khi triển khai mô hình kinh tế thị trường xã hội, các nước CHLB Đức, Thụy Điển đều gặp phải những vấn đề khá nan giải trong quá trình vận hành nền kinh tế. Tuy nhiên, các nước này đều tuyên truyền rằng kinh tế thị trường xã hội rất hợp với các nước đang phát triển. Họ cho rằng, trong những năm gần đây, kinh tế thị trường xã hội này càng được chú ý vận dụng, đã mang lại những thành quả bước đầu ở một số nước châu Mỹ Latinh và bắt đầu ở cả một số nước châu Phi lạc hậu. Thời gian qua, Việt Nam đã kiên trì đi theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo mô hình này, Việt Nam đã sử dụng cơ chế thị trường với tư cách thành quả của nền văn minh nhân loại làm phương tiện để năng động hóa và đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Chúng ta không rập khuôn theo mô hình kinh tế thị trường tự do, dù là dựa vào lý thuyết của chủ nghĩa tự do cổ điển hay lý thuyết của chủ nghĩa tự do mới hoặc rập khuôn theo bất kỳ mô hình kinh tế nào khác. Bởi thực tế đã cho thấy, bản thân nền kinh tế thị trường tự do không tự động dẫn đến công bằng xã hội mà trái lại, có khi còn làm cho phân hóa giàu nghèo trở nên quá mức, kéo theo nhiều mâu thuẫn xã hội nan giải. Chúng ta chú ý kết hợp sử dụng cả “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường với “bàn tay hữu hình” của nhà nước để phòng ngừa và khắc phục những thất bại của thị trường trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trên nguyên tắc công bằng. Chúng ta còn chú ý tham khảo và tiếp thu có lựa chọn những kinh nghiệm hay của mô hình kinh tế thị trường xã hội trong việc thực hiện các chính sách phúc lợi công cộng, nhưng không sao chép mô hình đó2. Về đường lối phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Giai đoạn mới của sự phát triển đất nước đòi hỏi công 2 GS.TS. Phạm Xuân Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Công bằng xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường và Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
  5. 5 Phần I: Các lý thuyết kinh tế cuộc đổi mới phải đi vào chiều sâu và toàn diện hơn, phải dứt khoát hình thành nhanh và đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường và hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện đầy đủ những nguyên tắc của kinh tế thị trường. Đồng thời, càng đi vào kinh tế thị trường, càng phải chăm lo tốt hơn phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, văn hoá, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Phải đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và sự đóng góp của toàn xã hội để thực hiện tốt yêu cầu này; phải đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực xã hội, thực hiện tốt hơn yêu cầu gắn kết giữa kinh tế và xã hội”3. Như vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, yếu tố công bằng xã hội tiếp tục được nhấn mạnh. Mặt khác, định hướng xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã bao hàm yếu tố dân chủ, tự do, phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 – 2010 đã chỉ rõ: “nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi người đều có thể phát huy hết tài năng, tham gia vào quá trình phát triển.” Về cơ bản, yếu tố tự do và công bằng xã hội đã được thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây. Nhưng chúng ta phải khẳng định rằng tự do ở đây phải trong khuôn khổ, phù hợp với chính sách và pháp luật chứ không phải là tự do cá nhân. Xuất phát từ những đặc trưng và tiêu chuẩn của kinh tế thị trường xã hội, trên cơ sở so sánh với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng hai mô hình này có điểm giống nhau là đều hướng tới tự do và công bằng xã hội. Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có điểm khác so với mô hình kinh tế thị trường xã hội mà một số nước đã áp dụng. Nói đến kinh tế thị trường định hướng XHCN là nói đến kinh tế không phải là kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc, cũng không phải kinh tế kế hoạch hoá tập trung, cũng không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vì chưa có đầy đủ các yếu tố xã hội chủ nghĩa. Tính “định hướng xã hội chủ nghĩa” làm cho thể chế kinh tế thị trường ở nước ta khác với kinh tế thị trường khác, đó là việc quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội vừa đảm bảo sự phát triển bền vững, vừa thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế, hạn chế tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, thực hiện mục tiêu phát triển con người. Về quản lý, thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vai trò quản lý điều tiết nền kinh tế của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là sự thể hiện rõ rệt định hướng XHCN và cũng là sự khác biệt cơ bản giữa kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự quản lý, điều tiết nền kinh tế của nhà nước XHCN bằng pháp luật đảm bảo mục đích của nền kinh tế, sự vận động của chế độ sở hữu, phân phối theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi người. Nền kinh tế thị trường xã hội là sự cố gắng tổng hợp chủ nghĩa tư bản và những cái mạnh của trào lưu xã hội dân chủ. Nhưng về cơ bản kinh tế thị trường xã hội là đối lập với chủ nghĩa xã hội, với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lí của nhà nước. Thuyết kinh tế thị trường xã hội thực chất là một thuyết 3 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X - http:// www.cpv.org.vn/
  6. 6 Phần I: Các lý thuyết kinh tế trừu tượng, một hình thái kinh tế không tưởng, thoát li thực tế xã hội và phủ nhận sự khác nhau cơ bản, về bản chất giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Tuy trong thời gian đầu sau Chiến tranh thế giới II, mô hình kinh tế thị trường xã hội ở CHLB Đức có đem lại một sự phát triển kinh tế nhất định, nhưng khi chủ nghĩa tư bản ngày càng đi vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền thì thuyết đó càng tỏ ra không có căn cứ thực tế và khoa học. Còn cơ chế kinh tế của Việt Nam chúng ta lại vận động theo kiểu khác. Việt Nam không cho phép chủ nghĩa cá nhân cực đoan tồn tại, ảnh hưởng tới sự đồng thuận xã hội, bởi vì khi chủ nghĩa cá nhân tăng lên thì cái bánh nhỏ lại mà lòng ham muốn ăn bánh thì nhiều hơn, khiến cho sự đồng thuận bị de dọa. Trong thời gian tới, chúng ta vẫn tích cực hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường, định hướng XHCN trên cơ sở các nhiệm vụ: Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; Hoàn thiện thể chế về sở hữu, phân phối, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế; Hoàn thiện thể chế đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường; Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội; Hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp của nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.4 Mục đích của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển,” góp phần đảm bảo “dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh.” Như vậy, tự do và công bằng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được khẳng định. Trong việc vận dụng mô hình kinh tế thị trường xã hội, do tình hình kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa của mỗi nước đều có đặc thù riêng nên không thể áp dụng nguyên một mô hình nào đó từ bên ngoài. Trong quá trình thực thi mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của nhà nước, Việt Nam chủ yếu nhấn mạnh đến yếu tố tự do và công bằng của kinh tế thị trường xã hội. Đó chính là sự sáng tạo của Việt Nam trong việc sử dụng thành quả của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, vận dụng mô hình kinh tế thị trường xã hội, Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn như sau: Thuận lợi: Thứ nhất, khát vọng công bằng xã hội là lẽ đương nhiên. Khát vọng tự do cá nhân là một dấu hiệu của thời đại. Khát vọng tự do và công bằng xã hội lại được Đảng CSVN luôn nhấn mạnh. Điều đó thích hợp với kinh tế thị trường xã hội. Thứ hai, truyền thống cộng đồng đoàn kết ở Việt Nam đã có từ lâu và ngày càng được củng cố. Truyền thống cộng đồng đoàn kết là đặc trưng rất thích hợp với nền kinh tế thị trường xã hội. Thứ ba, Việt Nam cũng như một số nước châu Á, nhà nước vốn có từ lâu trong lịch sử và đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý xã hội. Việc nêu cao vai trò của Nhà nước cũng rất thích hợp với nền kinh tế thị trường xã hội. 4 Nghị quyết số 22/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCHTƯ Đảng khóa X về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN
  7. 7 Phần I: Các lý thuyết kinh tế Khó khăn: Thứ nhất, với một nước xuất phát từ nông nghiệp, người dân nhất là nông dân, không nhạy cảm và phản ứng rất chậm với các tín hiệu thị trường, vì họ chưa quen làm ăn theo quy luật của thị trường. Thứ hai, thời gian Việt Nam áp dụng cơ chế thị trường chưa được lâu, song bên cạnh những thành tựu, chúng ta đã phải trả giá không nhỏ cho những hiện tượng tiêu cực, do cách làm ăn thuần tuý chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến các hình thức lừa đảo, hối lộ, trốn thuế, nợ nần khó trả, thương mại hoá tràn lan, xâm nhập cả vào các lĩnh vực dễ thương tổn như y tế, giáo dục, văn hoá đã làm cho các giá trị đạo đức, tinh thần bị băng hoại và xuống cấp, đồng tiền chi phối nhiều quan hệ giữa người với người, sự phân hoá giàu nghèo và bất công xã hội có chiều hướng tăng lên, lối sống ích kỷ, thực dụng có nguy cơ ngày càng tăng Không thể phủ nhận rằng, các vấn đề nói trên, dù ít dù nhiều cũng là các vấn đề của bản thân cơ chế quản lý. Trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam, cơ chế quản lý mới đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, nên có biểu hiện không đồng bộ, thiếu hụt, chưa thực sự tạo ra môi trường an toàn và ổn định cho sản xuất và kinh doanh. Cơ sở pháp lý của các hoạt động kinh tế, các hoạt động tài chính, ngân hàng, phân cấp quản lý còn có nhiều điều bất cập Kết luận Từ việc phân tích những quan điểm lý luận và thực tiễn của việc thực hiện mô hình kinh tế thị trường xã hội ở một số nước trên thế giới, cho thấy, kinh tế thị trường xã hội tỏ ra có ưu thế hơn nền kinh tế của trào lưu tân tự do hiện đại (như các nước Anh, Mỹ đang theo đuổi) ở chỗ khó khăn ít hơn, vượt qua khó khăn tốt hơn, nhanh chóng hơn, phát triển theo chiều sâu để bắt kịp yêu cầu hiện đại, do đó sức mạnh kinh tế tiếp tục lớn hơn. Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế cũng cần nghiên cứu, theo dõi kỹ quá trình áp dụng mô hình kinh tế thị trường xã hội của các quốc gia điển hình để học hỏi có lựa chọn, phù hợp với đặc thù trong nước.