Một số giải pháp phát triển kinh tế số để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 3460
Bạn đang xem tài liệu "Một số giải pháp phát triển kinh tế số để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmot_so_giai_phap_phat_trien_kinh_te_so_de_dat_muc_tieu_tang.pdf

Nội dung text: Một số giải pháp phát triển kinh tế số để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

  1. 52 MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM TS. Hồ Thanh Thủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh TÓM TẮT Sau hơn 30 năm mở cửa và thực hiện đổi mới kinh tế thì mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên đã không còn tạo ra động lực phát triển ổn định và bền vững. Chính phủ đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn của mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó phát triển kinh tế số được xem là xu hướng tất yếu để tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong bối cảnh làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Để hoàn thành được các mục tiêu đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tạo ra phương thức điều hành mới, cách làm mới, góp phần quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số nhằm phát triển nhanh, bền vững, để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh dẫn đầu Châu Á. Trên cơ sở phân tích một số cơ hội của kinh tế số được coi như là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bài viết đã đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra. Từ khóa: Kinh tế số, phát triển kinh tế số. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng, đặc biệt là sự tác động của đại dịch COVID - 19. Hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi hàng hoá giữa người với người mà dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Đó chính là nền kinh tế số. Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng, ) mà công nghệ số được áp dụng [1]. Xét về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động, quản lý của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số phát triển đã mở đường cho sự đổi mới và phát triển trên toàn cầu. Việc áp dụng những tiến bộ công nghệ trong thời gian qua đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống. Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý. Công nghệ số xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội, như các trang thương mại điện tử, quảng
  2. 53 cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận, cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng. Ở tầm vĩ mô, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Đặc trưng của kinh tế số là có thể được tập hợp trong 3 quá trình xử lý chính đan xen với nhau, bao gồm: xử lý vật liệu; xử lý năng lượng; xử lý thông tin. Trong đó, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet giúp kết nối hóa các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Nền kinh tế số hiện có trị giá hơn 3.000 tỷ USD và sử dụng xấp xỉ 10% năng lượng điện của toàn thế giới [2]. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và mọi quy mô đang gia tăng sự phụ thuộc vào nền tảng Internet an toàn, ổn định và đáng tin cậy, giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động vận hành hàng ngày. Chính có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến giao thông vận tải (Uber, Grab, goViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppe) Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu phòng khách sạn nào đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số. Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế gắn chặt với đẩy mạnh kinh tế số, nhằm mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, 30% GDP vào năm 2030. Đây được coi là kim chỉ nam, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trên toàn cầu thì những đóng góp của kinh tế số hóa đối với các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi công nghệ toàn cầu đang rất rõ nét. Việt Nam cũng phải hòa nhịp cùng guồng quay kỹ thuật số của thế giới và phải có thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra bước ngoặt giúp kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Do đại dịch COVID – 19 kéo dài, các nước đang phát triển như Việt Nam lại sớm có cơ hội tốt để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số phát triển nhanh hơn tạo lập cách sống mới, văn hoá mới
  3. 54 trong xây dựng phát triển đô thị. Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cho Việt Nam phương tiện, công cụ “ đi tắt đón đầu” đúng hướng cùng thế giới tiến bộ. 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 2.1. Kinh tế số - đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có 37% dân số sử dụng mạng xã hội (trong đó 73% có tương tác phục vụ công việc); người tiêu dùng số mới tăng trưởng đều đặn trung bình 63% mỗi năm; thời gian sử dụng Internet trung bình khoảng 4 giờ/ngày; giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông tăng đều đặn hằng năm đã tạo ra nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số [3]. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng Xu thế phát triển của nền kinh tế số được dẫn dắt bởi thương mại điện tử. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển bởi hiện tại hơn 70% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh, trong đó 70% thuê bao di động đang sử dụng mạng 3G, 4G. Có 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động. Tỷ lệ sở hữu điện thoại trung bình là 1,7 máy/người, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua điện thoại di động chiếm 72%, mua hàng trực tuyến online qua điện thoại chiếm 53% [4]. Năm 2019, doanh thu bán lẻ thị trường Việt Nam ước đạt 211 tỷ USD, trong đó doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 10,4 tỷ USD tương ứng 4,92% thị phần bán lẻ. Chỉ trong một thời gian ngắn, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25% -30%/năm, dự tính sẽ đạt mốc 50 tỷ USD chiếm khoảng 12% thị trường bán lẻ trong nước đến năm 2025 [5].
  4. 55 Với những giá trị to lớn mà nền kinh tế số đã và sẽ mang đến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam xác định kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số là đòn bẩy để Việt Nam có thể đi nhanh, đi tắt, trở thành "con hổ" thứ 5, biểu tượng trỗi dậy tiếp theo của châu Á. Hiện nay, nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực sau Indonesia và Singapore. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng là là sự hợp nhất về mặt công nghệ; khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực; phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, biến đổi toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị, ngày càng giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới mạng. Hiện nay, một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba tham gia mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh. Có thể nói, sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu trị giá 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của thế giới; trong thập kỷ tới được kỳ vọng sẽ nâng lên tới mức 25% GDP của thế giới [6]. Việt Nam đang đứng trước thời cơ mới để hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình và thu hẹp khoảng cách phát triển. Theo Báo cáo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt quy mô khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Nếu chuyển đổi số thành công, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới [6]. Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 64 triệu người sử dụng Internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội. Cùng với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của Internet, các thiết bị di động và mạng xã hội, nên ngày càng nhiều cá nhân tham gia mạng lưới thương mại điện tử. Có tới 25% tổng số người dân tham gia mua hàng trực tuyến qua mạng Facebook hoặc Zalo. Việt Nam xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Năm 2018, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD. Dự kiến, năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13 tỷ - 15 tỷ USD [7].
  5. 56 Sự phát triển sôi động của kinh tế số tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các nền tảng thương mại điện tử có thể đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn cả trong và ngoài nước. Khi tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, người lao động phải đổi mới để thích nghi vì các kỹ năng, kiến thức và các phương thức kinh doanh truyền thống trước đây cũng chuyển sang môi trường số. Việc này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động. Một trong những cú hích để đẩy mạnh phát triển kinh tế số ở Việt Nam là cú bắt tay của gã khổng lồ Amazon với T&T Group (với sự hỗ trợ của Ngân hàng SHB). Amazon là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, nằm trong Big Four công nghệ cùng với Google, Apple và Facebook. Amazon tập trung vào thương mại điện tử, điện toán đám mây, truyền tải trực tuyến và trí tuệ nhân tạo. Amazon cũng được biết đến là "gã khổng lồ" dẫn đầu thương mại điện tử toàn cầu với "sứ mệnh" là bệ đỡ cho tương lai phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhóm nhỏ và vừa. Tính đến năm 2018, Amazon đã đem lại cơ hội cho hơn 200.000 doanh nghiệp SMEs với doanh thu vượt 1 triệu USD; tăng trưởng doanh thu của nhóm đạt 20% và doanh số bán hàng ấn tượng hơn với mức tăng trưởng 50%. Hiện Amazon đang vận hành trang thương mại điện tử tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ và hơn 300 triệu tài khoản khách hàng đang hoạt động. Với sự bùng nổ của mảng thương mại điện tử trong những năm qua, doanh thu Amazon đã liên tục được cải thiện và ước đạt 238 tỷ USD trong năm 2019 chiếm gần 10% doanh thu thương mại điện tử toàn cầu. Xu hướng tăng trưởng doanh thu toàn cầu của Amazon được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số đạt 356 tỷ USD đến năm 2022 với tăng trưởng bình quân năm khoảng 15%/năm [5]. Đối với Việt Nam, mặc dù xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế song việc xuất khẩu sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới các thị trường quốc tế còn hạn chế. Nhằm mục tiêu nâng tầm thương hiệu Việt, hỗ trợ các doanh nghiệp và người bán hàng đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu, Amazon đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào ngày 4/12/2019. Tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề “Vươn mình ra biển lớn”, Amazon Global Selling đã chia sẻ về chiến lược năm 2020 tại Việt Nam cũng như công bố Biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Công Thương và kế hoạch phối hợp với T&T Group. Một trong những nội dung hợp tác quan trọng của các bên đó là Amazon Global Selling, T&T Group, Ngân hàng SHB sẽ đồng hành, triển khai chiến lược dài hạn tại Việt Nam trong chương trình xây dựng và vận hành các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại chi nhánh lớn của SHB trên toàn quốc mà bước đầu là hai trung tâm đã được mở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. 57 Có thể thấy, sự hợp tác của SHB, T&T Group với Amazon không chỉ đánh dấu sự ghi nhận của các tập đoàn lớn quốc tế đối với vị thế và nâng tầm hình ảnh đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, mà còn góp phần mở ra tương lai tươi sáng cho nền kinh tế số, góp phần thúc đẩy nhanh nền kinh tế số mà đất nước đang hướng tới. Cú bắt tay của các nhà đầu tư quốc tế tầm cỡ với doanh nghiệp Việt cũng sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của các khoản đầu tư, giúp chúng ta nhanh chóng nắm bắt được mục tiêu. 2.2. Một số hàm ý để kinh tế số đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2030 và 30% GDP vào năm 2030 Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ. Do vậy, trong tương lai gần, Việt Nam cần tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, góp phần mang lại những bứt phá cho Việt Nam trong mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Kinh tế số, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình những năm qua từ 25% - 30%/năm. Tốc độ phát triển nhanh của kinh tế số, thương mại điện tử và sự mở rộng nhanh chóng của không gian mạng cũng đặt Việt Nam trước các khó khăn, thách thức trong phát triển. Hiện tại, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. Thói quen giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng của đa số người tiêu dùng là trở ngại lớn, làm tăng chí phí cho cả xã hội, doanh nghiệp và người dân. Nhận thức của người dân về kinh tế số còn hạn chế, kỹ năng sử dụng Internet an toàn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ. Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, mặc dù phát triển khá nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số, nhưng thương mại điện tử hiện vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, tranh chấp trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng về cả quy mô và mức độ. Đặc thù của thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp mặt, chỉ liên lạc qua mạng, nên hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên mạng Internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, quảng bá, cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trên các sàn thương mại điện tử nhưng đơn vị quản lý sàn lại không có trụ sở ở Việt Nam. Vì vậy, nếu xảy ra những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn.
  7. 58 Chính vì vậy, để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số và đạt được mục tiêu như đã xác định, cần thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng nền tảng để kinh tế số phát triển, tăng tốc trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Trước hết, cần chuyển đổi trọng tâm chiến lược kinh tế. Trong hơn ba thập kỷ đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và bao trùm. Điều này đạt được thông qua chiến lược phát triển thị trường, mở cửa nền kinh tế với thương mại quốc tế, thu hút nhiều đầu tư FDI, phát triển sản xuất và trở thành thị trường lao động giá rẻ cạnh tranh. Giờ đây khi đã đạt mức thu nhập trung bình, Việt Nam bắt đầu nhận thấy phải cạnh tranh về thị trường lao động giá rẻ với các quốc gia thu nhập thấp. Chiến lược kinh tế đã mang đến thành công cho Việt Nam với mức tăng trưởng GDP cao trong hơn ba thập kỷ vừa qua sẽ không tiếp tục đem lại mức tăng trưởng và phát triển tương tự trong tương lai. Để chuyển từ vị thế quốc gia thu nhập trung bình sang thu nhập cao, Việt Nam cần bước ra khỏi việc là thị trường lao động giá rẻ và phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn vốn FDI để tăng trưởng xuất khẩu, mà chuyển sang tăng cường năng lực sử dụng công nghệ, cải thiện năng suất yếu tố tổng hợp trên tất cả các ngành công nghiệp. Con đường phía trước là nâng cao năng suất lao động, cải thiện các ngành công nghiệp dựa vào tri thức thông qua ứng dụng công nghệ, cải cách cơ cấu, phát triển kỹ năng và giáo dục. Paul Krugman đã từng nói: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn thì gần như chính là tất cả. Một đất nước có năng lực cải thiện mức sống qua thời gian hay không, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng gia tăng sản lượng của người lao động”. Khu vực khởi nghiệp công nghệ và nâng cao năng suất của đội ngũ lao động lành nghề chính là con đường để Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao, vượt qua giai đoạn thu nhập trung bình thấp và tiến tới trở thành quốc gia thu nhập cao. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua đầu tư cẩn trọng vào cả hạ tầng cứng và mềm, đem lại tăng trưởng bao trùm và tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trên tất cả các ngành công nghiệp. Thứ hai, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử và pháp luật về thương mại điện tử và thuế. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; chú trọng tới các chính sách để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng
  8. 59 nhái, hàng giả trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước để đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Tăng cường quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thứ ba, xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo Trên cơ sở đó, sẽ ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh chương trình Chính phủ điện tử trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm giao thông, du lịch sẽ thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử bằng các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số. Nhanh chóng chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G (sẽ tạo cơ sở hạ tầng tốt cho việc kết nối theo xu hướng Internet kết nối vạn vật, mở ra cơ hội kinh doanh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và nhanh hơn 4G gấp nhiều lần) để có thể theo kịp xu hướng thế giới (hiện Việt Nam bắt đầu thử nghiệm dịch vụ 5G và điện thoại thông minh tích hợp 5G). Cùng với xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông hiện đại, trở thành nền tảng của nền kinh tế số, cần chú trọng việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng sẽ giúp Việt Nam có được sự tin tưởng của các đối tác nước ngoài, là môi trường an toàn để đầu tư kinh doanh, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta phát triển các sản phẩm phục vụ an ninh mạng. Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam. Đội ngũ nhân lực cho nền kinh tế số trước hết là từ các chuyên gia kinh tế số cao cấp. Trong bối cảnh trình độ nền kinh tế thấp, Việt Nam thiếu vắng các chuyên gia kinh tế số cao cấp, những người có đủ kiến thức và kỹ năng đa lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kinh tế, quản lý, xã hội, v.v.), để định hình phát triển kinh tế số ở tầm quốc gia. Công việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia kinh tế số là rất cấp thiết, tuy nhiên, không thể hoàn thành công việc này một sớm một chiều được. Trước mắt, Chính phủ cần tổ chức một
  9. 60 nhiệm vụ kinh tế - xã hội với thời gian đủ phù hợp để hình thành một nhóm cộng tác các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực liên quan (khoa học, công nghệ, kinh tế, quản lý, xã hội, v.v.) để tham gia xây dựng một kế hoạch kinh tế số trung hạn. Một kế hoạch trung hạn được kiểm định trong thực tiễn sẽ tạo tiền đề xây dựng một chiến lược quốc gia về kinh tế số dài hạn. Đội ngũ nhân lực cho kinh tế số còn là các lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên viên kinh tế số. Thành phần chủ chốt đối với sự phát triển kinh tế số Việt Nam là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quyết tâm và nỗ lực tự đào tạo về kinh tế số của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định trong việc tạo động lực triển khai và ứng dụng các thành phần kinh tế số, giúp doanh nghiệp vượt qua một rào cản rất lớn cho chuyển đổi số là trình độ cạnh tranh của Việt Nam còn rất thấp (năm 2019, Việt Nam xếp hạng 67 trong số 141 quốc gia-vùng lãnh thổ [8]. Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp cần phối hợp để nâng cao kiến thức và kỹ năng về kinh tế số cho lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng với việc thay đổi chương trình đào tạo theo kịp các xu thế công nghệ mới, đẩy nhanh việc xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin bằng việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sớm tiếp cận lĩnh vực này thì cũng rất cần thay đổi giáo dục theo hướng tăng tính tự học, tự cập nhật và học suốt đời. Có chính sách kết nối với cộng đồng khoa học công nghệ trong nước với nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, cũng cần có những chính sách để bảo đảm không ai bị tụt hậu lại phía sau, như hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, cân bằng công nghệ số và những kỹ năng cốt yếu, tránh tình trạng ngày càng có nhiều người lao động, nhất là những lao động có kỹ năng thấp bị mất việc làm sẽ dẫn đến gia tăng bất bình đẳng và có thể gây xung đột xã hội. Thứ năm, tạo những điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong nền kinh tế số. Thông thường tư duy của chúng ta trước đây vẫn xem doanh nghiệp nhà nước là các đầu tàu, mũi nhọn trong các ngành kinh tế, nhưng “cuộc chơi” giờ đây đã thực sự thay đổi, hiện nay đặc trưng của Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp nhà nước mới giữ vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng, mô hình kinh doanh mới và sáng tạo. Ông cũng cho rằng, bằng việc phát huy tinh thần doanh nhân (Entrepreneurship), các quốc gia ASEAN có thể đối mặt và vượt qua được các khó khăn và thách thức mà làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến.
  10. 61 Đặc biệt là từ năm 2019, rất nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân xuất hiện và đã đầu tư vào những lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế, đó là những lĩnh vực đặc trưng của công nghệ 4.0 và đầu tư vào phát triển hạ tầng của nền kinh tế - những lĩnh vực mà lâu nay chỉ có khu vực kinh tế nhà nước mới làm. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân rất hào hứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số. Vậy, làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng có được những lợi ích từ cuộc cách mạng công nghệ số này? Câu trả lời là trí tuệ nhân tạo - một trong những động cơ để phát triển kinh tế số. Để Việt Nam có thể có thứ hạng cao về trí tuệ, để ứng dụng nó nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì cần phải có một cơ sở dữ liệu lớn được chia sẻ rộng khắp từ các bộ, ngành. Nhưng trong khi thực tế vẫn còn hiện tượng “cát cứ” về dữ liệu khiến việc phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn gặp khó. Do đó, Chính phủ cần phải phá bỏ sự “cát cứ” đó và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển quốc gia số, qua đó phát triển công nghệ số, giúp doanh nghiệp có khả năng tham gia vào mảng sản xuất và phát triển khu vực và toàn cầu. 3. KẾT LUẬN Trong thời đại số ngày nay, kinh tế số đã trở thành xu thế phát triển tất yếu đối với các nền kinh tế trên thế giới. Kinh tế số bao gồm rất nhiều loại hình kinh tế mới và đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và cơ hội việc làm cho người lao động. Bài báo đã có một số phân tích cơ bản được kinh tế số là đòn bẩy để thực hiện tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Chuyển đổi trọng tâm chiến lược kinh tế; hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, đặc biệt là các chuyên gia cao cấp về kinh tế số; tạo những điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong nền kinh tế số là những giải pháp có ý nghĩa trong công cuộc phát triển kinh tế số Việt Nam đạt mục tiêu 20% GDP vào năm 2030 và 30% GDP vào năm 2030. Chúng ta phải tin tưởng vào tương lai kinh tế số Việt Nam sẽ phát triển nhanh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời đại số ngày nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] “Kinh tế số là gì?”, truy cập ngày 5/9/2020 [2] “Nền kinh tế số của Việt Nam có thể sẽ kém cạnh tranh hơn”, truy cập ngày 5/9/2020. [3] Xem tuong-de-phat-trien-kinh-te-so, truy cập ngày 10/9/2020.
  11. 62 [4] Xem tin-nhan-rac-473110/, truy cập ngày 10/9/2020. [5] Xem tac-mo-ra-co-hoi-cho-doanh-nghiep-trong-nuoc-379109/, truy cập ngày 10/4/2020. [6] Xem but-pha, truy cập ngày 9/9/2020. [7] Xem Tapchicongsan.org.vn/guest/nghien-cuu/2018/815928/kinh-te-so-va-co-hoi- de-viet-nam-but-pha, truy cập ngày 10/9/2020. [8] Xem Klaus Schwab. The Global Competitiveness Report 2019. WEF, 2019.