Một số vấn đề cơ bản đối với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số
Bạn đang xem tài liệu "Một số vấn đề cơ bản đối với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- mot_so_van_de_co_ban_doi_voi_viet_nam_trong_qua_trinh_chuyen.pdf
Nội dung text: Một số vấn đề cơ bản đối với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số
- 101 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ SỐ ThS. Trần Thị Mãn Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên TÓM TẮT Ngày nay, kinh tế số (KTS) là một xu thế tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. KTS sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam: (i) giúp các doanh nghiệp thay đổi quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm theo hướng hiện đại nhằm nâng cao sức cạnh tranh của đơn vị; (ii) là cơ hội để con người được tiếp xúc và trải nghiệm những tiện ích thú vị của công nghệ tối tân; (iii) là thời cơ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tranh thủ thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đi kèm với các lợi ích đó, quá trình tiến đến KTS khiến Việt Nam gặp phải nhiều thách thức: sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, rủi ro an ninh mạng, nguồn nhân lực phát triển công nghệ số, Vì vậy, để con đường tiến đến KTS của Việt Nam được thành công, rất cần sự nổ lực của mọi thành phần kinh tế trong nước, sự sáng tạo của người lao động và đội ngũ lãnh đạo. Đặc biệt Nhà nước cần phải có một hệ thống giám sát chất lượng để đảm bảo nền kinh tế quốc gia hoạt động an toàn và hiệu quả. Từ khóa: kinh tế số, công nghệ 4.0, thương mại điện tử, rủi ro an ninh mạng 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thời đại này, hoạt động kinh tế không chỉ đơn thuần là việc gặp gỡ trao đổi hàng hóa trực tiếp giữa người với người mà còn dựa trên nền tảng kỹ thuật số hay còn gọi là KTS. KTS bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên công nghệ kỹ thuật để giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ được thực hiện qua thương mại điện tử một cách dễ dàng hơn. Nền KTS phát triển mạnh mẽ song hành cùng công nghệ số đã tạo nên sự biến đổi to lớn và nhanh chóng đối với nền kinh tế xã hội và đời sống con người. KTS tạo ra nhiều loại hình kinh doanh đa dạng và cải tiến không ngừng cho nhân loại và đã đóng góp một tỷ trọng đáng kể vào nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên quá trình tiến đến KTS cũng làm phát sinh không ít các thách thức đáng quan tâm đối với xã hội. Trong phạm vi của bài viết, tác giả sẽ nghiên cứu vai trò của KTS và thách thức đối Việt Nam trong quá trình thực hiện KTS, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU TRƯỚC Trong chuyên đề số 4: “Phát triển nền kinh tế số nhìn từ kinh nghiệm một số nước Châu Á và hàm ý đối với Việt Nam” của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trung tâm Thông tin – Tư liệu (2018) đã đưa ra kinh nghiệm KTS của Singapore, Hàn
- 102 Quốc và Trung Quốc như: xây dựng cơ sở hạ tầng số, sáng kiến quốc gia thông minh, thanh toán điện tử, phát triển ngành công nghệ thông tin – truyền thông, phổ cập Internet, Chính phủ điện tử, ngân hàng số, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam. Tuy nhiên các hàm ý chính sách của bài viết nêu ra chưa được dựa trên những vấn đề thách thức thực tế đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện KTS. Trong bài viết “Kinh tế số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam” của nhóm tác giả Hà Quang Thụy, Phan Xuân Hiếu, Nguyễn Trí Thành, Trần Trọng Hiếu, Trần Mai Vũ, Nguyễn Hữu Đức, Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu và Công nghệ Tri thức, Phòng thí nghiệm Công nghệ Vật liệu Nano trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội (2020) đã nêu ra khái niệm KTS, vai trò KTS, thách thức của KTS đối với Việt Nam, từ đó đưa ra giải pháp. Tuy nhiên các vấn đề được nêu ra trong bài mang tính vĩ mô và có một số nội dung mang tính chuyên môn cao, do đó nội dung bài viết sẽ trở nên khó tiếp cận đối với một nhóm người nhất định. Bài viết của tác giả cũng được trình bày dựa trên khung phân tích ấy, tuy nhiên nội dung bài viết tập trung ở một góc độ vi mô hơn, gần gũi và thiết thực hơn với độc giả. 3. KHÁI NIỆM KINH TẾ SỐ KTS là gì? Theo R.Bukht và R.Heeks, khung khái nhiệm KTS gồm ba phạm vi: KTS lõi, KTS phạm vi hẹp và KTS phạm vi rộng, cụ thể khung khái niệm được chỉ dẫn như hình 1: Hình 1: Khái niệm kinh tế số theo phạm vi Nguồn: Rumana Bukht and Richard Heeks. Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy. Paper No. 68, Centre for Development Informatics, Global Development Institute, SEED, 2017 Theo nhóm cộng tác KTS Oxford, KTS là một nền kinh tế vận hành thông qua Internet. KTS bao gồm tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế như: công nghiệp, nông nghiệp,
- 103 dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, mà công nghệ số được áp dụng. Đặc trưng của KTS gồm ba quá trình xử lý đan xen nhau: xử lý vật liệu, xử lý năng lượng, xử lý thông tin. Trong đó, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Xét về bản chất, KTS là một phần của nền kinh tế. Mô hình KTS hoạt động dựa trên ứng dụng của công nghệ số kết hợp với nguồn dữ liệu lớn để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, dịch vụ số mới hoặc thậm chí là hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho các doanh nghiệp với sự hội tụ hàng loạt công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? Theo Klaus Schwab - người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới, "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin (CNTT) để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học". Theo định nghĩa của Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn. Trong đó: Trí tuệ nhân tạo (tên đầy đủ là Artificial Intelligence - AI): là một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Đây là trí tuệ do con người lập trình thông qua các phần mềm chuyên dụng nhằm giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người và có được những trí tuệ như con người, ví dụ: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp bằng ngôn ngữ, biết học và tự thích nghi. Vạn vật kết nối (Internet of Things – viết tắt là IoT): là mạng lưới thiết bị kết nối Internet, trong đó mỗi con người và đồ vật đều được cung cấp một định danh của riêng mình, tất cả đều có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác giữa người với người, hay giữa người với máy tính. Nói một cách khác, IoT là một tập hợp các thiết bị về công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet để kết nối Internet với thế giới bên ngoài nhằm thực hiện một công việc nào đó. Dữ liệu lớn (Big Data): theo định nghĩa của Gartner, Big Data là tài sản thông tin có khối lượng dữ liệu lớn, đa dạng. Để xử lý hiệu quả nguồn dữ liệu này đòi hỏi phải có
- 104 công nghệ mới có tốc độ cao. Thông qua đó, con người sẽ đưa ra các quyết định hiệu quả, khám phá được các yếu tố ẩn sâu trong dữ liệu và tối ưu hóa được quá trình xử lý dữ liệu. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, CMCN 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions ) và công nghệ nano. Các yếu tố cốt lõi của CMCN 4.0 có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu không có nguồn dữ liệu đủ lớn theo đúng nghĩa thì cho dù con người có áp dụng công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể mang lại quyết định hiệu quả, nghĩa là, khi bộ dữ liệu càng lớn, càng đa dạng và chi tiết thì các thuật toán trên máy tính sẽ càng chạy chính xác hơn để đưa ra những quyết định tốt hơn. Ngược lại, nếu không có trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối thì dữ liệu lớn sẽ không có ý nghĩa và sẽ không thể có bước nhảy vọt trong lĩnh vực sinh học và vật lý. Và KTS hoạt động dựa trên nền tảng đó. 4. VAI TRÒ CỦA KINH TẾ SỐ Đặc trưng của CMCN 4.0 là sự hợp nhất về công nghệ, khả năng kết nối, xử lý thông tin thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn. Đặc biệt, khả năng ấy được phát triển lên thành cấp số nhân. Công nghệ 4.0 là nền tảng cho KTS tại các quốc gia phát triển với tốc độ chóng mặt. Đồng thời đây là cơ hội giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới mạng. Do đó, tiến đến KTS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như sau: Một là, đối với doanh nghiệp: Tiến đến KTS sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp được tiếp cận công nghệ hiện đại và sẽ mang đến nhiều sự thay đổi vượt trội. Khi đó, họ sẽ tìm mọi cách để thay đổi quy trình sản xuất, cấu trúc và chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng hiện đại, hiệu quả và minh bạch nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đây cũng là động lực để các ngân hàng chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình theo hướng số hóa. Thêm vào đó, KTS sẽ mang đến cho các cơ sở kinh doanh sự thuận tiện trong quản lý dữ liệu và chống được các rủi ro vận hành. Đặc biệt, sự xuất hiện của kỹ thuật kết nối Internet, điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, thực tế ảo kết hợp với việc tận dụng lợi thế kinh tế quy mô sẽ giúp các đơn vị giảm thiểu được tổng chi phí giao dịch, vận chuyển và chi phí quản lý. Từ đó họ sẽ tiết kiệm được chi phí hoạt động và nâng cao lợi nhuận kinh doanh. Riêng đối với các doanh nghiệp mới thành lập và chuẩn bị thành lập, khi hạ tầng kỹ thuật số vững chắc sẽ là chìa khóa vững chắc để thúc đẩy họ khởi nghiệp thành công. Đặc biệt, với nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với thị trường lớn trong và ngoài nước.
- 105 Hai là, đối với người lao động nói riêng và người dân nói chung: Đối với người lao động, KTS tạo ra những đột phá trong ứng dụng công nghệ, thay đổi tư duy và phương thức làm việc của con người. Đây là cơ hội để họ tiếp xúc với công nghệ tối tân và học hỏi nhiều kỹ năng mới để thích nghi và hội nhập. Bên cạnh đó, KTS sẽ tạo ra các loại hình kinh doanh đa dạng và cải tiến không ngừng thu hút đông đảo nguồn lao động trong xã hội. Đối với tất cả người dân trong xã hội nói chung, tiến đến KTS, họ sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận những sản phẩm có nhiều tiện ích và trải nghiệm mới mẻ, mang lại lợi ích thiết thực. Nhờ sự ứng dụng công nghệ số vào các phương thức hoạt động kinh tế, hàng ngày con người có thể trao đổi, mua bán thông tin, hàng hóa, một cách dễ dàng và thuận tiện thông qua các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về dịch vụ ăn uống, vận chuyển, thông qua đó, người dân có nhiều trải nghiệm thú vị với công nghệ và đời sống trở nên phong phú hơn. Ba là, đối với nền kinh tế quốc gia: Tại Việt Nam, KTS tạo ra thời cơ mới giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tranh thủ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, KTS giúp gia tăng tính kết nối giữa các chủ thể kinh tế và chu trình kinh tế nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet. Từ đó, quy trình kinh tế được lược bỏ nhiều khâu trung gian, xóa mờ đường biên giới địa lý và tăng cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ trong quy trình sản xuất chế biến nông sản của Việt Nam, từ trước đến nay, vì áp dụng các phương pháp truyền thống nên chi phí sản xuất cao trong khi giá trị xuất khẩu chưa thực sự cao. Kể từ khi áp dụng KTS, tất cả các khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến cho đến khâu nghiên cứu thị trường, quản lý chất lượng, đều được ứng dụng công nghệ blockchain nên nông sản Việt đã mang lại giá trị cao và mang thương hiệu đặc trưng cho đất nước. Một ví dụ khác, khi nói đến KTS chúng ta không thể không nhớ tới các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh như trang mạng xã hội Facebook, giao thông vận tải Uber, Grap, GoViet, các nhà phân phối Lazada, Shoppee, Ngoài ra, xã hội ngày nay còn xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như: các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả của bất kỳ một tin tức nào, hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu khách sạn nào, Tất cả các mô hình kinh doanh này đã góp phần định hình một thời đại kinh tế mới, thời đại KTS. Với sự ứng dụng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp cũng đang từng bước tiến gần vào chuỗi công nghệ toàn cầu nhằm vươn lên một tầm cao mới. Nơi khởi nguồn cho sự bùng nổ công nghệ thông tin là các nước phát triển phương Tây. Giai đoạn 2000-2010, Google, Amazon, Facebook và Apple đều được khởi nguồn từ các quốc gia này. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu, tất cả các nước
- 106 phát triển như Mỹ, Úc, Singapore đều lấy công nghệ làm cốt lõi. Họ luôn lấy “quốc gia số” làm tầm nhìn và mục tiêu của quốc gia. Từ đó, các Chính phủ xây dựng các chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Lịch sử cũng cho thấy nền kinh tế của các nước Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc có thu nhập cao phần lớn là nhờ sự bức phá đầu tư vào công nghệ. Vì vậy, để quá trình tiến đến KTS thành công và thuận lợi, Việt Nam cần bắt kịp về công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với thời đại. Việt Nam có nền chính trị ổn định kết hợp với tiềm năng về nguồn nhân lực dồi dào và ham học hỏi cho thấy Việt Nam rất phù hợp với việc tiếp thu và phát triển công nghệ số. Ngoài ra, Việt Nam vốn có tiềm năng thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiến đến KTS thuận lợi. 5. THÁCH THỨC VÀ KHÓ KHĂN CỦA VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KTS Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt những nền tảng công nghệ như Vietnam Airlines dùng máy bay không người lái, công nghệ thực tế ảo tăng cường hiệu quả hoạt động. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều xu hướng công nghệ lớn có thể tạo hình thù cho nền KTS như: Grap, Uber, Sự hội nhập kinh tế ngày càng hiệu quả hơn qua các hiệp định thương mại tự do chứng tỏ Việt Nam ngày càng có sự gắn kết hơn với nền kinh tế thế giới. Theo thứ trưởng Vũ Đại Thắng (2019), kinh tế Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, đến năm 2018 KTS Việt Nam tăng lên 9 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 30 tỷ USD. Đây là sự gia tăng đáng mừng trong quá trình thực hiện KTS tại Việt Nam, tuy nhiên quá trình này vẫn còn gặp nhiều thách thức đáng kể, cụ thể: Một là, KTS góp phần làm sâu sắc thêm sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Trong nền KTS, các doanh nghiệp khổng lồ về công nghệ sẽ có cơ hội phát triển và tăng trưởng nhanh chóng, trong khi đó các đơn vị bị hạn chế về công nghệ sẽ ngày càng trở nên nghèo đi và bị bỏ lại phía sau. Tức là, bước vào KTS, nhà cung cấp nào mạnh về công nghệ sẽ trở thành nhà thống trị và ngược lại. Bên cạnh đó, khi một quốc gia hướng đến nền KTS nghĩa là tất cả các doanh nghiệp trong quốc gia đó phải chấp nhận nhiều luật chơi mới. Trong các luật chơi này, rào cản thâm nhập thị trường thấp hơn so với thị trường truyền thống, do đó các doanh nghiệp cần phải đổi mới liên tục. Nghĩa là, nền KTS yêu cầu các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi này phải có sự sáng tạo để thích ứng nhanh với thị trường nếu không muốn bị lạc hậu. Hai là, bước vào kỷ nguyên số đòi hỏi bản thân người lao động phải thay đổi để thích nghi với môi trường mới. KTS tạo ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người lao
- 107 động, tuy nhiên khi tham gia vào thị trường này, đòi hỏi người lao động phải đổi mới để thích nghi vì các kỹ năng, kiến thức và cả phương thức kinh doanh truyền thống trước đây đã và đang chuyển dần sang môi trường số. Trong thời đại số thu nhập của người lao động sẽ bị thay đổi theo sự thay đổi của công nghệ. Khi đó, lương của nhân viên sẽ được trả theo trình độ tay nghề và kỹ năng của họ trong quá trình thích ứng với công việc. Thậm tệ hơn, xã hội có thể xảy ra trường hợp thất nhiệp công nghệ dài hạn do công nghệ thay đổi nhanh chóng và liên tục. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ cướp đi cơ hội việc làm của nhiều người lao động trong các ngành công nghiệp, điện tử, ngân hàng, đồng thời nhiều việc làm mới được tạo ra nên đòi hỏi con người phải tích cực tăng cường học hỏi và đổi mới bản thân. Vấn đề thất nghiệp và trang bị kỹ năng mới cho nguồn nhân lực trong thời đại số không chỉ xảy ra đối với nhân viên lao động mà còn tác động đến cả các vị trí lãnh đạo. Để phù hợp với sứ mệnh mới trong thời đại mới, tại nhiều đơn vị có thể sẽ xảy ra tình trạng đổi ngôi lãnh đạo. Chính vì vậy, bên cạnh người lao động, những người đang ngồi ở vị trí lãnh đạo cấp cao cũng phải luôn sẵn sàng tâm thế cho việc thay đổi công việc. Ba là, KTS dẫn đến sự xuất hiện nhiều rủi ro về an ninh mạng. Như đã phân tích ở trên, bước vào kỷ nguyên KTS, con người sẽ được tiếp cận nhiều công nghệ mới với nhiều tiện ích mới và có những trải nghiệm thú vị đi kèm. Điều này đồng nghĩa với việc xã hội sẽ phải đối mặt với các rủi ro về an ninh mạng như: xâm phạm quyền riêng tư, khai thác trái phép dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại và phi thương mại; nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng những thông tin không chính xác hoặc cố tình đăng tin giả, phát ngôn thù ghét để hãm hại người khác. Thực tế cho thấy đã từng có rất nhiều trường hợp xảy ra đối với các cá nhân khi sử dụng Internet như: bị hack facebook; dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc thậm chí bị mua bán và bị khai thác giữa các tổ chức; ngoài ra, một số cá nhân còn rao tin khuyến mãi giả trên facebook để ăn cắp thông tin khách hàng, Điều này cũng cho cho thấy rằng, các rủi ro trong lĩnh vực công nghệ đã và đang diễn ra rất nhiều và vô cùng phức tạp. Vì vậy, khi công nghệ số càng phát triển thì có nguy cơ sẽ kéo theo nhiều lỗ hổng bảo mật. Điều này sẽ trở thành một bài toán khó gây áp lực đối với xã hội trong kỷ nguyên số. Bốn là, rủi ro hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thương mại điện tử. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhờ sự phát triển của công nghệ nên nhiều nhu cầu tiêu dùng của người dân đã được đáp ứng kịp thời và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc kinh doanh dựa trên ngành thương mại điện tử vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Đặc thù của thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp mặt nhau trực tiếp, họ chỉ liên lạc và trao đổi thông tin qua mạng Internet, sau đó tiến hành giao nhận hàng qua bên thứ ba và
- 108 thanh toán. Chính vì vậy, người mua khó có thể kiểm soát được chất lượng hàng hóa mình đã thanh toán. Do đó, nhiều gian hàng trực tuyến đã lợi dụng kênh thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng so với thông tin tư vấn ban đầu. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân quảng bá các sản phẩm dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử nhưng đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử lại không có trụ sở ở Việt Nam. Kết quả là khi có vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch thì quyền lợi của người tiêu dùng lại không được cơ quan có chức trách bảo vệ chính đáng. Chính vì lẽ đó người tiêu dùng sẽ mất lòng tin vào thương mại điện tử và dần dần quay trở lại với phương thức giao dịch truyền thống đó là trao đổi trực tiếp. Khi đó, KTS sẽ không phát huy hiệu quả. Năm là, quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia trong kỷ nguyên số sẽ dẫn đến hiện thượng chảy máu chất xám. Như đã trình bày ở trên, ngày nay, tất cả các quốc gia số như Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc đều lấy công nghệ làm cốt lõi. Nền kinh tế của các nước này phát triển phần lớn là nhờ sự bức phá đầu tư vào công nghệ. Do đó, với các lợi thế về môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo đi kèm với chính sách đãi ngộ hấp dẫn, các quốc gia này sẽ là những “cục nam châm” thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ chảy máu chất xám ra nước ngoài và sẽ gây khó khăn cho kinh tế nước nhà. 6. GIẢI PHÁP Xuất phát từ các thách thức trên, để quá trình tiệm cận đến KTS thành công và thuận lợi, Việt Nam cần phải thực hiện các giải pháp sau: Một là, thúc đẩy KTS ở mọi thành phần, đặc biệt chú trọng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để thực hiện thành công việc chuyển đổi KTS một cách hiệu quả, không chỉ cần mỗi sự nổ lực của Chính phủ mà còn cần có sự nổ lực của mọi thành phần kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân. Muốn tồn tại và phát triển vững mạnh trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tối ưu hóa mô hình kinh doanh như: thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, thanh toán điện tử, Chính phủ điện tử, thậm chí khuyến khích các hoạt động trực tuyến trong mọi lĩnh vực trong đời sống. Việc chuyển đổi cả mô hình và cách thức áp dụng công nghệ số trong quản lý kinh tế là vô cùng cần thiết trong bối cảnh này. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều việc làm mới trên nền tảng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Vấn đề này rất cần sự phối hợp của khu vực tư nhân bởi đây là bộ phận phần lớn tạo ra việc làm cho thị trường. Từ đó tiếp tục nhân rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các ngành. Nhà nước nên coi các doanh nghiệp tư nhân là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
- 109 Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp chiếm tỷ trọng đa số và đóng vai trò chủ chốt trong vấn đề tạo việc làm cho người dân. Đồng thời loại hình doanh nghiệp này có vị trí khá quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Do đó, Chính phủ cần có chính sách để thúc đẩy đầu tư công nghệ cho loại hình doanh nghiệp này. Trước tiên, Chính phủ phải quyết tâm và nỗ lực đào tạo KTS cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo động lực triển khai và ứng dụng KTS cho nhân viên. Từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua một rào cản rất lớn trong chuyển đổi số. Việc đào tạo này phải được thực hiện đồng thời với việc triển khai và ứng dụng công nghệ trong KTS để đảm bảo tính thực tiễn và giải đáp các vướng mắc kịp thời. Tiếp đến, các đơn vị phải có định hướng để phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân trong tổ chức, phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh. Hai là, chú trọng đầu tư vào con người, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (2019) đã từng nói rằng, đối với tài nguyên thiên nhiên, khi con người càng khai thác thì tài nguyên sẽ càng cạn kiệt nhưng đối với chất xám của con nguời, khi càng khai thác thì tài nguyên sáng tạo sẽ càng sinh sôi nảy nở. Một khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế Hàn Quốc cũng nhận định rằng: “ Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”. Vậy nên, người lao động cần phải tích cực tìm hòi, học hỏi nghiên cứu để nâng cao hiểu biết, trang bị cho mình những vốn kiến thức cần thiết đáp ứng kịp thời và phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ số. Nghĩa là người lao động phải tự khai thác nguồn chất xám của mình – nguồn tài nguyên vô tận - để thích nghi với thời đại. Ngoài ra, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu cần phát huy vai trò của mình trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là gắn liền hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế. Chú trọng đến chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ba là, đảm bảo an toàn an ninh mạng. Sở dĩ ngày nay có quá nhiều vụ việc lừa đảo và thiếu tính bảo mật về dữ liệu cá nhân qua mạng một phần là do sự nhận biết của người dân về quyền riêng tư còn hạn chế đồng thời sự am hiểu và kỹ năng của họ về việc sử dụng Internet an toàn còn thấp và chưa theo kịp tốc độ phổ biến của công nghệ, một phần khác là do đạo đức kém của một nhóm người chỉ biết chạy theo lợi ích cá nhân. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa cần phải kể đến đó là Nhà nước chưa có sự quan tâm đúng mực về các sự việc này. Hiện nay, tại Việt Nam, các thiết chế thực thi và bảo vệ quyền riêng tư cá nhân liên quan đến tấn công mạng vẫn còn yếu và kém hiệu quả. Thiết nghĩ, đứng trước các rủi
- 110 ro không an toàn trong môi trường trực tuyến như hiện nay, trước mắt, Nhà nước nên có chính sách phổ cập Internet cho nhóm người dân có kỹ năng hạn chế trong việc sử dụng Internet đồng thời nâng cấp tốc độ xử lý của các nhà mạng sao cho nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Tiếp đến, Nhà nước cần đưa ra các chính sách đặc biệt chú trọng đến việc bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng và pháp luật về thương mại điện tử. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Nhà nước nên tạo ra một kênh thông tin chính thống cho phép người dân được quyền phản ánh các trường hợp lừa đảo trên các kênh thương mại điện tử, vi phạm quyền bảo mật thông tin dữ liệu cá nhân, từ đó Nhà nước có thể chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các dấu hiệu sai phạm xảy ra. Thêm vào đó, để bảo vệ người tiêu dùng, Nhà nước phải có biện pháp giải quyết một cách triệt để và thỏa đáng các nội dung phản ánh, khiếu nại nói trên. Muốn giải quyết các vấn đề này, các giải pháp pháp lý bằng luật, những quy định dưới luật và các biện pháp kỹ thuật là chưa đủ. Do đó, nhằm bảo về quyền riêng tư và tài sản người tiêu dùng, Nhà nước cần cụ thể hóa thêm các quyền đối với đời sống riêng tư của cá nhân tại Luật Dân sự 2015; nội dung về xử lý dữ liệu cá nhân người dùng khi doanh nghiệp tiến hành mua bán, chia tách, sáp nhập, Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế giải quyết việc xâm phạm quyền riêng tư và tài sản dữ liệu, giải quyết tranh chấp - xung đột giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, giữa bên mua và bên bán, giữa tư nhân và Nhà nước, một cách rõ ràng, lành mạnh và công minh. Bốn là, xây dựng chính sách thu hút nhân tài. Tiến sĩ Thân Nhân Trung có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nghĩa là những người có tài cao, học rộng và có đạo đức chính là nhân tố cốt lõi làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi bước vào kỷ nguyên số, sự tranh chấp trong các hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự xảy ra rất nhiều. So với trong đời thực, trong nền KTS, tốc độ và mức độ của các cuộc tranh chấp sẽ nhân lên gấp bội. Vì vậy, nếu Chính phủ không có một hệ thống tư pháp đủ tốt để bảo vệ công dân số thì việc chảy máu chất xám tại Việt Nam là việc không thể tránh khỏi. Nghĩa là khi đó sẽ có một số cá nhân sẵn lòng di cư sang các quốc gia khác để thích nghi với các hệ thống tư pháp tốt hơn bởi vì ở đó họ được pháp luật tôn trọng và được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Do đó, trước mắt, Nhà nước cần chú trọng đến hệ thống xử lý các tranh chấp trong kỷ nguyên này để bảo vệ những người thực sực có tài có đức. Đồng thời, Chính phủ cần phải xây dựng chính sách hấp dẫn phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài ở lại cống hiến cho đất nước thích ứng với thời đại kỹ thuật số. Năm là, Chính phủ phải tiên phong làm gương trong lĩnh vực này. KTS là xu thế tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Trong tương lai, vị trí nền kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào vị trí của quốc gia trong bản đồ KTS trong khu vực và mức độ ứng dụng các sản
- 111 phẩm và dịch vụ số của Chính phủ, cộng đồng và ngành công nghiệp. Do đó, trước tiên Chính phủ phải tiên phong trong lĩnh vực này. Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, đồng thời các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại KTS. Ngoài ra, Chính phủ Việt nam cần tham gia nhiều diễn đàn trong khu vực, thúc đẩy quỹ đầu tư mạo hiểm. Tranh thủ các mối quan hệ đối tác với các nước tiên tiến trên thế giới để tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ nhằm hướng đến đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Tại Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế năm 2019, Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh đã phát biểu rằng, theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Do đó, khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình rất cao. Sau 15 năm thăng trầm, Việt Nam đã làm được công nghệ Chính phủ điện tử, Chính phủ số và các doanh nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian tới, quá trình tiến đến KTS của Việt Nam sẽ còn gặp phải nhiều bài toán khó hơn. Khi đó, rất cần sự nổ lực phối hợp của cả khu vực tư và khu vực công, đặc biệt là sự sáng tạo của người lao động. Có thể nói KTS và kinh tế tri thức có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chúng thúc đẩy lẫn nhau cùng tăng trưởng. Kinh tế tri thức là nền tảng của KTS, KTS là một mục tiêu của kinh tế tri thức. Nền kinh tế Việt Nam đang còn ở mức thấp, do đó lộ trình phát triển KTS Việt Nam phải tôn trọng quy luật biến đổi lượng – chất. Chính vì vậy, Việt Nam cần có một lộ trình phù hợp và tối ưu nhất để tiến đến KTS thành công, không nên đi tắt đón đầu sẽ dễ dẫn đến thất bại. 7. KẾT LUẬN Cuộc cách mạng 4.0 với nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn nền kinh tế, xã hội và cách quản trị quốc gia. Hai nhiệm vụ quan trọng nhất đóng vai trò dẫn dắt phát triển KTS tại Việt Nam là Xây dựng Chiến lược phát triển KTS và Quản lý Nhà nước về KTS. Vì vậy, bên cạnh việc đổi mới về tư duy và nhận thức, Việt Nam cần thay đổi cả thể chế để đảm bảo quá trình phát triển bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần xây dựng nền tảng thống nhất kết nối hệ thống đổi mới sáng tạo, tận dụng được sức mạnh từ tất cả các bên: tư nhân và Nhà nước; trong nước và nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu, cung cấp hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Việt Nam
- 112 cần phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và của các tổ chức chính trị - xã hội. Từ góc độ quản lý, Nhà nước cần xây dựng, điều chỉnh hệ thống giám sát, đo lường sao cho hiệu quả nhằm tạo môi trường làm việc minh bạch, rõ ràng, thuận lợi để hỗ trợ KTS phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Rumana Bukht and Richard Heeks. Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy. Paper No. 68, Centre for Development Informatics, Global Development Institute, SEED, 2017. 2. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nghị quyết 23-NQ/TW “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 3. Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? (2017), nghiep-40-la-gi-post750267.html, truy cập ngày 20/6/2019. 4. Hà Quang Thụy, Phan Xuân Hiếu, Nguyễn Trí Thành, Trần Trọng Hiếu, Trần Mai Vũ, Nguyễn Hữu Đức, Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu và Công nghệ Tri thức, Phòng thí nghiệm Công nghệ Vật liệu Nano trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc giá Hà Nội (2020), Kinh tế số: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam, truy cập ngày 31/08/2020. 5. Ngọc Quỳnh (2018), An toàn không gian mạng cho phát triển kinh tế số, truy cập ngày 11/08/2020. 6. TTXVN, Kinh tế số là gì, truy cập ngày 20/08/2020. 7. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (2019), Kinh tế số và những vấn đề trọng tâm tại Việt Nam, so-va-nhung-van-de-trong-tam-tai-viet-nam.aspx, truy cập ngày 10/08/2020. 8. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trung tâm Thông tin – Tư liệu (2018), chuyên đề số 4: Phát triển nền kinh tế số nhìn từ kinh nghiệm một số nước Châu Á và hàm ý đối với Việt Nam. 9. VnExpress -Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (2019), Thủ tướng: “Chất xám là tài nguyên càng khai thác càng nảy nở”, chat-xam-la-tai-nguyen-cang-khai- thac-cang-nay-no.aspx, truy cập ngày 15/07/2020.