Một số vấn đề lí luận về biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ

pdf 10 trang Gia Huy 3290
Bạn đang xem tài liệu "Một số vấn đề lí luận về biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmot_so_van_de_li_luan_ve_bieu_hien_cam_xuc_qua_tranh_ve.pdf

Nội dung text: Một số vấn đề lí luận về biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF EDUCATION TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH JOURNAL OF SCIENCE Tập 18, Số 7 (2021): 1213-1222 Vol. 18, No. 7 (2021): 1213-1222 ISSN: 2734-9918 Website: Bài báo nghiên cứu* MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ BIỂU HIỆN CẢM XÚC QUA TRANH VẼ Võ Thị Tường Vy, Trần Lâm Thúy Vy* Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam *Tác giả liên hệ: Trần Lâm Thúy Vy – Email: thuyvy5896@gmail.com Ngày nhận bài: 01-02-2021; ngày nhận bài sửa: 10-3-2021; ngày duyệt đăng: 21-7-2021 TÓM TẮT Bài viết trình bày cơ sở lí luận của biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ, làm rõ hướng tiếp cận tranh vẽ, trình bày đạo đức nghiên cứu, tiêu chí phân tích tranh vẽ. Biểu hiện cảm xúc được thể hiện thông qua công cụ trung gian là tranh vẽ, cụ thể là màu sắc, đường nét và nội dung câu chuyện trong tranh. Quá trình tìm hiểu biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ bắt đầu từ lúc khách thể chọn nguyên vật liệu vẽ tranh đến khi hoàn thành sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phỏng vấn về tranh vẽ là rất quan trọng, vì như vậy, việc phân tích biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ sẽ có căn cứ, tránh chủ quan. Mục đích của bài báo này nhằm cung cấp thông tin cơ sở cho việc tìm hiểu, phân tích biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ; từ đó, tạo tiền đề triển khai một kênh giao tiếp, tiếp cận tâm lí hiệu quả bên cạnh ngôn ngữ có lời. Từ khóa: biểu hiện cảm xúc; tranh vẽ; đạo đức nghiên cứu; kĩ thuật phân tích tranh vẽ 1. Đặt vấn đề Cảm xúc là một trong những khái niệm phổ biến trong tâm lí học, được nhiều người quan tâm và nghiên cứu. Theo giáo trình Tâm lí học đại cương (Nguyen, 2013), cảm xúc được chia thành 3 mức độ: màu sắc xúc cảm của cảm giác, xúc cảm và tình cảm. Bài báo tập trung tìm hiểu mức độ hình thành thấp nhất của cảm xúc đó là màu sắc xúc cảm của cảm giác. Theo Nguyễn Quang Uẩn, màu sắc xúc cảm của cảm giác xuất hiện liên quan đến những tình huống cụ thể, mang tính chất tạm thời và không bền vững như cảm xúc hay tình cảm. Vì mang tính chất tạm thời và phụ thuộc vào tình huống, nó bộc lộ tính năng động của tâm lí và cách thức hoạt động của vô thức. Thông qua màu sắc xúc cảm của cảm giác, ta có thể tìm hiểu những khía cạnh sâu sắc của tâm lí cá nhân. Để tìm hiểu biểu hiện cảm xúc ở mức độ màu sắc xúc cảm của cảm giác, tranh vẽ là một công cụ hiệu quả. Trong tranh vẽ, màu sắc, đường nét và câu chuyện kể thể hiện biểu hiện của cảm xúc. Tranh vẽ tạo cơ hội cho cá nhân bộc lộ những điều khó nói, thể hiện cảm xúc và tư duy một cách hữu hình. Bên cạnh đó, theo Phân tâm học, tranh vẽ còn là nơi bộc lộ những khía cạnh của Cite this article as: Vo Thi Tuong Vy, & Tran Lam Thuy Vy (2021). Some theoretical issues of emotional expression through drawings. Ho Chi Minh City University of Education Journal of Science, 18(7), 1213-1222. 1213
  2. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 7 (2021): 1213-1222 vô thức, tính năng động của tâm lí. Hiểu được cách thức phân tích tranh vẽ cũng như cách thức triển khai hoạt động tìm hiểu biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thấu hiểu tâm lí cá nhân. 2. Giải quyết vấn đề 2.1. Lí luận về cảm xúc và biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ Về khái niệm cảm xúc, có nhiều tác giả trong và ngoài nước đã đề cập như Daniel Goleman (2011); S. T. Rubinstêin, K. Platonov (2019); Oatley và Jenkins (1996), Vũ Dũng (2008) Theo tác giả Nguyễn Quang Uẩn, “Xúc cảm đó là những rung cảm xảy ra nhanh chóng, nhưng mạnh mẽ và rõ rệt hơn so với màu sắc xúc cảm của cảm giác. Nó mang tính chất khái quát hơn và được chủ thể ý thức ít nhiều rõ rệt hơn so với màu sắc xúc cảm của cảm giác. Xúc cảm phản ánh ý nghĩa của các hiện tượng, tình huống liên quan tới nhu cầu động cơ của con người dưới hình thức các trải nghiệm trực tiếp (hài lòng, sợ hãi, lo lắng )” (Nguyen, et al, 2018, p119) . Cảm xúc của con người cũng được phân chia thành các mức độ: cấp độ nguyên sơ là màu sắc xúc cảm của cảm giác; sau đó là xúc cảm và bền vững hơn là mức độ tình cảm. Về thuật ngữ biểu hiện cảm xúc chính là sự truyền tải cảm xúc của một cá nhân đến với người khác. Nó được biểu hiện thông qua nhiều yếu tố như ngôn ngữ có lời, ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm nét mặt, tông giọng Lúc này, biểu hiện cảm xúc được dùng để giao tiếp giữa người với người. Bên cạnh đó, biểu hiện cảm xúc còn là những hành vi mà cá nhân không kiểm soát được, ví dụ như run rẩy tay chân hay sự thay đổi sinh lí liên quan đến các cảm xúc (tim đập nhanh, đau bụng, thở gấp ) và chúng được dùng để suy luận trạng thái cảm xúc. Con người có thể nhận thức được biểu hiện cảm xúc của bản thân, nhưng có thể họ không kiểm soát được (Malchiodi, 2011). Như vậy, biểu hiện cảm xúc là sự phản ánh thái độ hoặc trạng thái cảm xúc của cá nhân đối với sự việc, sự kiện cụ thể, mang tính chất tình huống. Biểu hiện cảm xúc được chủ thể biểu hiện ra bên ngoài thông qua biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể để bộc lộ cảm xúc của bản thân hoặc người khác quan sát những biểu hiện này để đoán cảm xúc của chủ thể. Biểu hiện cảm xúc xuất hiện trong những tình huống cụ thể, mang tính chất tạm thời và được thể hiện qua tranh vẽ. Vì biểu hiện cảm xúc mang tính chất tình huống và tạm thời nên biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ được tìm hiểu ở mức độ thấp nhất của cảm xúc, đó là màu sắc xúc cảm của cảm giác. Màu sắc xúc cảm của cảm giác là một sắc thái cảm xúc đi kèm với quá trình cảm giác nào đó. Ví dụ: màu xanh da trời gây cho ta cảm xúc khoan khoái, nhẹ nhõm, dễ chịu. Cảm giác về màu đỏ gây cho ta một cảm giác rạo rực, nhức nhối Trong phạm vi bài báo này, biểu hiện cảm xúc được thể hiện trong tranh vẽ, cụ thể là qua màu sắc, đường nét, nội dung tranh. Đó là những cảm xúc được biểu hiện trong những câu chuyện cụ thể, cảm xúc mang tính nhất thời, phụ thuộc vào tình huống và gắn liền với một cảm giác nhất định (Nguyen, 2013). 1214
  3. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Tường Vy và tgk Biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ được nhiều nhà tâm lí học danh tiếng quan tâm và dày công nghiên cứu như Sigmund Freud, Gestalt, Carl Jung (Gussak, & Rosal, 2016). Trong đó, Jung là một trong những tác giả có nhiều công trình nghiên cứu giá trị và lí thuyết của ông được các nhà lâm sàng áp dụng rộng rãi khi sử dụng tranh vẽ để làm việc với các thân chủ có vấn đề về cảm xúc. Jung cho rằng tranh vẽ của một người biểu hiện thái độ, ý thức, sự quan tâm của cá nhân đó, đồng thời biểu hiện cả sự vận hành của vô thức. Ông cho rằng tranh vẽ là kênh chuyển đổi vô thức thành ý thức. Biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ được biểu hiện thông qua hình ảnh với đường nét, hình dáng, màu sắc, sự ưu tiên, góc độ, vị trí tranh vẽ và nội dung hiển hiện trong tranh. Thông qua tranh vẽ, sự hợp lí và vô lí của tâm thần cũng được bộc lộ, đây là những gợi ý cho quá trình tìm hiểu những cảm xúc bị dồn nén. Bên cạnh đó, tranh vẽ còn cho thấy cách vận hành của tâm trí, cách ứng phó của cá nhân đối với các vấn đề, sự kiện diễn ra trong cuộc sống. Tìm hiểu biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ không chỉ là phân tích tranh vẽ mà còn phân tích sự tương tác giữa người phân tích tranh và khách thể vẽ tranh. Sự kết hợp này làm cho quá trình tìm hiểu biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ được trọn vẹn và sâu sắc hơn (Jung, 1997). 2.2. Tranh vẽ dưới góc độ Phân tâm học Tìm hiểu các khía cạnh tâm lí qua tranh vẽ được tiếp cận dưới nhiều quan điểm tâm lí học. Theo tâm lí học nguyên mẫu, khi phân tích tranh vẽ người phân tích tập trung vào nội dung và cấu trúc của tranh. Người phân tích lắng nghe mô tả của khách thể về các chi tiết trong tranh để từ đó hiểu được ý nghĩa ẩn dụ của tranh thay vì chỉ dựa vào những hình ảnh biểu tượng. Song song đó, người phân tích cần kết nối được bức tranh với trải nghiệm chủ quan của khách thể thông qua ngôn ngữ ẩn dụ. Như vậy, khi làm việc với tranh vẽ người phân tích cần quan sát tranh để thấy được nội dung và bố cục, trao đổi, lắng nghe khách thể để kết nối tranh vẽ với những khía cạnh tâm lí chân thực của khách thể, hiểu được ý nghĩa ẩn dụ của tranh (Gussak, & Rosal, 2016). Theo tâm lí học theo trường phái Gestalt, tranh vẽ được sử dụng để chuyển dịch năng lượng và cảm xúc vào các trải nghiệm hiện tại, gia tăng nhận thức về thực tại của khách thể về những diễn biến tâm lí bên trong, từ đó đạt được sự thấu hiểu và chuyển hoá. Có thể thấy các nhà tâm lí học theo trường phái Gestalt cho rằng tranh vẽ chính là cách cá nhân trải nghiệm hiện tại với những hình ảnh được bày ra trước mắt, những cảm xúc diễn biến trong quá trình vẽ tranh và khi quan sát tranh vẽ. Từ đó, khách thể có thể khám phá các hình ảnh trong tâm trí và các trạng thái cảm xúc mà họ trải qua (Verfaille, et al., 2018). Theo tâm lí học diễn đạt, khách thể diễn đạt những hình dung, suy nghĩ và cảm xúc của cá nhân thông qua hình ảnh theo ba cấp độ: cảm giác/ chuyển động, tri giác/ cảm xúc và nhận thức biểu tượng. Làm việc với tranh vẽ lúc này được xem là biện pháp gia tăng sự nhận thức của khách thể (Gussak, & Rosal, 2016). Theo lí thuyết Phân tâm học, làm việc với tranh vẽ chính là khám phá các xung đột vô thức, đưa vô thức lên ý thức. Khách thể có thể đạt được sự tự thấu hiểu. Để làm được 1215
  4. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 7 (2021): 1213-1222 điều này, các nhà phân tích tranh vẽ cần làm việc dựa trên sự chuyển cảm và sự kháng cự trong quá trình trao đổi với thân chủ. Như vậy, ở hướng tiếp cận này ta thấy được có sự tham gia và sử dụng chất liệu phân tích tranh vẽ ở cả khách thể và nhà phân tích (Verfaille, et al., 2018). Trong bài báo, tranh vẽ được xem xét dưới góc độ Phân tâm học bởi vì đây là hệ thống lí thuyết nghiên cứu sâu sắc về vô thức, biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ được bộc lộ thông qua cơ chế phóng chiếu. Theo đó, tranh vẽ là nơi phóng chiếu những suy nghĩ, cảm xúc, mâu thuẫn hay thế giới tâm thần. Tranh vẽ ở đây không chỉ là một bức tranh đơn thuần mà nó là tranh vẽ phóng chiếu (projective drawing). Thông qua phân tích màu sắc, đường nét và câu chuyện kể, biểu hiện cảm xúc được làm rõ. Tranh vẽ phóng chiếu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như: - Tranh vẽ là nơi thể hiện bản thân mà không cần sử dụng lời nói, thông qua đó tạo kênh giao tiếp bằng hình ảnh biểu tượng (Kapitan, 2011). - Thông qua tranh vẽ, những mâu thuẫn nội tâm, nỗi sợ, tương tác của cá nhân với gia đình cũng như góc nhìn của khách thể về thế giới xung quanh được bộc lộ (Malchiodi, 1998). - Tranh vẽ cho thấy những góc độ tâm vận động (psychodynamic), như xác định xu huớng tính dục hay sức mạnh của cái tôi (ego) (Malchiodi, 2011). - Cuối cùng, tranh vẽ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, dùng làm nền tảng cho việc phát triển hệ thống lí thuyết và các lượng giá sau này. Với các mục đích sử dụng tranh vẽ như trên, các nhà lâm sàng hay người phân tích tranh vẽ có thể xác định định hướng rõ ràng khi làm việc với khách thể. Khi thực hiện tìm hiểu biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ, có những quy tắc về đạo đức trong nghiên cứu cần được tuân theo. Cụ thể như sau: - Nghiên cứu được thực hiện khi có sự đồng ý tham gia của khách thể. - Trong quá trình vẽ tranh hoặc phỏng vấn, khách thể có quyền dừng tham gia nghiên cứu nếu muốn. - Đảm bảo tính bảo mật về thông tin cá nhân, chỉ được dùng cho mục đích nghiên cứu. - Vẽ tranh được thực hiện trong tình trạng ẩn danh, đảm bảo quyền riêng tư và tạo cảm giác an toàn cho khách thể chính. - Khi khách thể xúc động, người nghiên cứu dừng quá trình vẽ tranh, nâng đỡ khách thể và hỏi xem nếu tiếp tục thực hiện vẽ tranh có ổn không, nếu khách thể đồng ý thì việc vẽ tranh mới được tiếp tục (American Psychology Association, 2002). 2.3. Kĩ thuật phân tích biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ Phân tích tranh vẽ của khách thể là một tiến trình, nó bắt đầu khi người phân tích tiếp xúc với khách thể lần đầu tiên. Những thông tin, quan sát mà người phân tích thu thập được sẽ trở thành nguồn dữ liệu bổ sung cho việc hiểu tranh vẽ của khách thể. Quá trình hoàn thành tranh vẽ bao gồm 2 phần: quá trình vẽ tranh và khi tranh vẽ được hoàn thành. 1216
  5. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Tường Vy và tgk Trước khi bắt tay vào vẽ tranh, khách thể chọn lựa giấy và chất liệu. Quan sát quá trình này sẽ giúp người phân tích hiểu thêm về ý nghĩa của của bức tranh đối với khách thể. Tác giả Malchiodi (2011) đã ghi nhận có 5 cách mà khách thể vẽ tranh sử dụng các nguyên vật liệu: i) Trước khi vẽ tranh: các nét vẽ nguệch ngoạc, bôi bẩn, tiếp xúc với các nguyên vật liệu cần được xem xét như những yếu tố tích cực và chủ động của khách thể khi được yêu cầu tham gia vẽ tranh. ii) Giải phóng ngẫu nhiên: làm tràn, bắn tung tóe, đấm, hay những hành vi mang tính phá huỷ có tính chất mất kiểm soát là một trong những yếu tố rất cần được lưu tâm. iii) Nghệ thuật như là một cách phòng vệ: sự lặp đi lặp lại một cách rập khuôn; sao chép, truy tìm và làm khác với số đông là những điều cần được phân tích trong tranh vẽ. iv) Hình tượng hóa: những giao tiếp bằng hình tượng được thay thế cho giao tiếp bằng ngôn từ. v) Cách bộc lộ được hình thành hay nói cách khác là nghệ thuật trong sự biểu hiện đầy đủ của ngôn từ: sản phẩm mang tính hình tượng được tạo ra nhằm mục đích (Tran, 2009). Bên cạnh đó, khi quan sát quá trình vẽ tranh của khách thể còn cần chú ý đến những yếu tố sau đây: Tốc độ vẽ: Tốc độ vẽ tranh thể hiện tính chủ động và mức độ thích nghi của khách thể. Trình tự vẽ: Hình ảnh được vẽ trước hay sau là một yếu tố cần phân tích, nó cho thấy mức độ quan tâm của khách thể đối với các chi tiết đó. Ở hình vẽ người, người phân tích cần quan sát thứ tự các nhân vật cũng như thứ tự các bộ phận cơ thể mà khách thể vẽ. Người đầu tiên khách thể vẽ thường là người mà họ thích nhất, người cuối cùng có thể là người mà họ không thích. Thứ tự vẽ các bộ phận cơ thể thường thấy là đầu, thân đến tứ chi. Nếu nhân vật thiếu đi bộ phận cơ thể nào đó thì có thể vấn đề liên quan đến bộ phận đó. Mức độ sẵn sàng khi tham gia vẽ tranh: Mức độ sẵn sàng tham gia vẽ tranh cho thấy sự thích nghi ngoại cảnh. Đồng thời nó cũng cho thấy mức độ an toàn trong mối quan hệ với người phân tích tranh. Sự tẩy xóa, thay đổi chủ đề, nội dung: Những chi tiết tẩy xóa nhiều hay bỏ đi có thể phản ánh những vấn đề đang vướng mắc hoặc gặp khó khăn với chủ đề đó. Việc tẩy xóa quá mức còn cho thấy cảm giác thiếu chắc chắn, thiếu quyết đoán, biểu hiện cho cảm giác bồn chồn và thiếu sự hài lòng đối với bản thân. Với những khách thể có ức chế các hoạt động tinh thần, họ thường chép lại tranh hơn là tự vẽ, gạch xóa và tẩy rất nhiều, nét vẽ không vững, run rẩy. Biểu hiện cảm xúc và những bình luận khi vẽ tranh: Đây là những yếu tố cần lưu ý và cần được ghi chép cẩn thận khi quan sát quá trình vẽ tranh, có thể nó phản ánh cảm xúc cũng như nội tâm của khách thể. 1217
  6. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 7 (2021): 1213-1222 Độ tập trung: Mức độ tập trung của khách thể cho thấy mức độ chú ý hay mất tập trung. Bên cạnh đó nó còn cho thấy mức độ độc lập cũng như tự chủ trong hoạt động (Kapitan, 2011). Sau khi hoàn thành tranh vẽ, người thực hiện nghiên cứu tiến hành phỏng vấn và phân tích tranh vẽ. Dưới đây là những tiêu chí phân tích và điều cần lưu ý trong quá trình phân tích tranh vẽ. Sau khi hoàn thành bức tranh, đây là giai đoạn người phân tích bắt đầu trò chuyện với khách thể về sản phẩm. Từ đó, khách thể bộc lộ cảm xúc cũng như suy nghĩ của bản thân về bức tranh cũng như quá trình vẽ tranh. Thông qua đối thoại, người phân tích có thể hiểu được đời sống nội tâm của họ. Khi trò chuyện với khách thể, người phân tích tranh cần sử dụng những câu hỏi mở, văn phong gần gũi, rõ ràng, dễ hiểu. Dưới đây là một số lưu ý khi đặt câu hỏi: - Tránh sử dụng câu hỏi “tại sao?”. Đây là câu hỏi không hiệu quả bởi lẽ đôi khi nó mang lại cảm giác phán xét và soi mói, có những khách thể cảm thấy khó khăn khi giải thích vì sao họ vẽ bức tranh đó. Trong trường hợp này, câu hỏi “cái gì?” sẽ giúp họ nói về bức tranh dễ dàng hơn. Hoặc người phân tích có thể mô tả những gì mà mình thấy trong tranh và dừng lại đợi họ phản hồi. Khách thể sẽ bổ sung thêm một số thông tin về các nhân vật cũng như chi tiết trong tranh. Người phân tích cần giữ tâm thế “không biết” khi trò chuyện với khách thể, tạo cơ hội để họ cởi mở thể hiện bản thân. - Phản hồi cảm xúc là điều cần thiết trong quá trình trò chuyện với người tham gia nghiên cứu, đặc biệt là khi họ bộc lộ những cảm xúc mạnh trong tranh vẽ. Khi người phân tích phản hồi cảm xúc với khách thể, họ sẽ cảm thấy được chấp nhận và có môi trường an toàn để bộc lộ bản thân. - Người phân tích tranh có thể hỏi một số câu hỏi dưới đây khi bắt đầu trò chuyện với khách thể: + Những câu hỏi mở đầu cuộc đối thoại được đặt ra nhằm gợi mở để khách thể bắt đầu nói về sản phẩm. + Những câu hỏi giúp người tham gia nghiên cứu bộc lộ cảm xúc được đặt ra nhằm tìm hiểu thế giới cảm xúc của họ. Bên cạnh đó để khuyến khích họ tiếp tục câu chuyện và phóng chiếu suy nghĩ, cảm xúc lên các nhân vật trong tranh, người phân tích có thể hỏi những câu hỏi tập trung vào một đối tượng cụ thể trong tranh. + Thông qua các câu hỏi về các nhân vật, chi tiết trong tranh, câu trả lời của khách thể sẽ ở ngôi thứ ba. Việc khách thể trả lời câu hỏi của người phân tích tranh ở ngôi thứ ba sẽ tạo cho họ cảm giác an toàn, nhất là với trường hợp đề cập các sang chấn nghiêm trọng mà họ đã trải qua. Cách kể chuyện này cũng để họ trở thành chuyên gia trong việc tạo ra ý nghĩa cho bức tranh của chúng (Malchiodi, 1998, 2011). Sau khi khách thể hoàn tất quá trình vẽ tranh, tiếp theo là giai đoạn phân tích tranh. Đầu tiên, người phân tích cần tập trung chú ý đến cảm nhận đầu tiên khi xem tranh. Lúc 1218
  7. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Tường Vy và tgk này, quan trọng hơn cả việc phân tích tranh, đó chính là nhấn mạnh đến cảm xúc mà người phân tích có. Người phân tích tranh cần nhận thức được ấn tượng mà họ cảm thấy và cần giữ ấn tượng này cho các giai đoạn sau. Đôi khi, ấn tượng đầu tiên lại có sự liên hệ gần với thế giới vô thức. Thay vì đặt hết sự tập trung vào việc tìm kiếm các hình ảnh biểu tượng thì người phân tích cần có cái nhìn tổng thể đối với tranh vẽ, có nghĩa là nhìn một cách tổng quan hơn là tổng hợp các phần lại với nhau. Dưới đây là các tiêu chí phân tích biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ: i) Việc lựa chọn giấy và màu sắc: Khách thể không chọn các công cụ vẽ một cách ngẫu nhiên. Khi có sự chọn lựa, họ sẽ chọn lựa loại giấy và bút chì. Sự lựa chọn này tiết lộ tâm trạng và đặc điểm nhân cách của khách thể. Ví dụ như khách thể chọn bút chì có đầu to cho thấy khách thể có tính quyết đoán, trong khi đó những khách thể gặp khó khăn trong việc bộc lộ bản thân sẽ thích dùng bút chì có đầu to vừa phải. Kích thước của giấy là một chỉ báo đáng xem xét về không gian mà khách thể muốn có trong cuộc sống thường ngày. Trang giấy càng lớn thì khách thể càng muốn thể hiện bản thân nhiều hơn. Trong trường hợp khách thể chọn trang giấy nhỏ hơn cho thấy họ tập trung tốt hơn (Boyatzis, et al., 1994). Màu sắc khách thể sử dụng trong tranh có liên quan đến cách khách thể bộc lộ cảm xúc. Với mỗi khách thể, mỗi màu sắc có một ý nghĩa riêng. Ý nghĩa của màu sắc còn phụ thuộc vào bối cảnh và nền văn hóa mà khách thể sống. Như vậy, ta có thể thấy không có mẫu số chung cho ý nghĩa của màu sắc. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý về màu sắc khi phân tích tranh của khách thể, như việc sử dụng số lượng màu sắc hạn chế hay chỉ sử dụng một màu duy nhất, sử dụng màu sắc khác thường so với các bức tranh mà khách thể thường vẽ hoặc nhấn mạnh vào một màu sắc nào đó hơn hẳn các màu sắc khác. Bên cạnh đó, màu sắc còn thể hiện xung năng, màu càng lạnh thì xung năng càng bị kìm nén, các màu sắc sặc sỡ thể hiện cho xung năng mạnh mẽ. Trong trường hợp không có màu sắc, ta liên tưởng đến sự tránh né tình cảm. ii) Phân tích sự lặp đi lặp lại: Khi khách thể vẽ họ tự do bộc lộ bản thân, truyền tải những thông điệp tích cực, tiêu cực và cả những thứ không quan trọng. Vì thế, khi phân tích tranh, không nên kết luận vội vã. Phân tích tranh vẽ của khách thể thông qua những lần lặp đi lặp lại các yếu tố như màu sắc, hình dáng, các chi tiết xuất hiện nhiều lần sẽ cho người phân tích thấy được ý nghĩa của bức tranh. iii) Kích thước của các nhân vật và sự vật, đặc biệt là nhân vật: Hầu hết các tài liệu về phóng chiếu trong tranh vẽ cho rằng kích thước của người trong tranh là một yếu tố quan trọng cần quan tâm, hầu như nó liên quan đến hình ảnh bản thân và lòng tự trọng của người vẽ (Malchiodi, 2011). Khi được yêu cầu khách thể vẽ hình người, các nhà nghiên cứu thấy rằng khách thể bộc lộ bản thân một cách biểu tượng qua tranh vẽ và họ tạo ra những hình ảnh tự hoạ để phản ánh bản thân. iv) Việc sử dụng không gian trong tranh vẽ: Tranh vẽ đặt giữa trang giấy cho thấy khách thể có cảm giác an toàn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp dù hình vẽ đặt giữa 1219
  8. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 7 (2021): 1213-1222 trang giấy nhưng cảm giác an toàn nội tâm của khách thể thiếu chắc chắn. Tranh vẽ đặt phía dưới trang giấy cho thấy khách thể thiếu cảm giác an toàn, có xu hướng buồn bã, trầm cảm. Tranh vẽ đặt phía trên cao trang giấy cho thấy khách thể cần sự hỗ trợ liên quan đến cảm giác không an toàn và thiếu quả quyết, có xu hướng phụ thuộc, sợ phải hành động độc lập, có xu hướng né tránh những trải nghiệm mới lạ hoặc duy trì những huyễn tưởng (Malchiodi, 1998, 2011). v) Các đường nét (line and stroke) cho thấy đặc điểm nhân cách cũng như thế giới nội tâm của khách thể: Khách thể hay vẽ những đường nét dài là những khách thể có hành vi kiểm soát, đôi khi đây cũng là một dấu hiệu của sự ức chế. Với những nét vẽ ngắn, đứt nét cho thấy khách thể có xu hướng gây hấn hay dễ kích động. Khi trong tranh xuất hiện những nét vẽ cực kì ngắn, nét chấm hình tròn nguệch ngoạc ta có thể hình dung về một khách thể lo âu, thiếu chắc chắn, trầm cảm và rất nhút nhát. Với những nét vẽ ngắn, nếu chúng có hình dáng rõ ràng, được vẽ dứt khoát cho thấy người vẽ cảm thấy an toàn, có tham vọng. Trong trường hợp nét vẽ không có phương hướng rõ ràng, uốn lượn và đứt nét cho thấy khách thể thiếu cảm giác an toàn và có xu hướng dễ dao động. Những nét vẽ thẳng đứt gãy cho ta liên tưởng đến người bồng bột, quyết định vội vàng. Những nét cong đứt khúc cho thấy khách thể có đặc điểm chậm chạp, thiếu quyết đoán, phụ thuộc, cảm xúc và phục tùng (Malchiodi, 1998, 2011). vi) Lực tì khi vẽ tranh cho thấy những đặc điểm về nhân cách của khách thể: Nét vẽ có lực ấn mạnh cho thấy khách thể có cực kì căng thẳng. Nét ấn mạnh còn biểu hiện tính quyết đoán, quyền lực và tham vọng ở khách thể. Đồng thời, có thể thấy ở những khách thể này có tính gây hấn, xu hướng phản ứng ra bên ngoài. Đối với những nét vẽ có lực ấn nhẹ, ta có thể thấy đây là những khách thể thích nghi kém, hay chần chừ, thiếu quyết đoán, dễ sợ hãi, thiếu cảm giác an toàn và rụt rè. Bên cạnh đó, khách thể còn có mức độ năng lượng thấp hoặc đang ở trong trạng thái trầm cảm (Boyatzis et al., 1994). vii) Kích thước tranh vẽ bộc lộ nhiều về thế giới nội tâm của khách thể: Tranh vẽ to có liên quan đến xu hướng gây hấn, bành trướng, phóng đại, cảm giác thiếu hụt cơ chế phòng vệ bù trừ, năng động quá mức, dễ xúc động và phấn khích. Tranh vẽ nhỏ cho thấy khách thể có cảm giác tự ti, thiếu tính năng động, có xu hướng thu rút, nhút nhát, thiếu cảm giác an toàn, có xu hướng trầm cảm, cấu trúc của cái tôi yếu, có xu hướng thoái lui, mức năng lượng của khách thể cũng thấp, thiếu hụt khả năng nội thị và lạc quan một cách vô lí (Malchiodi, 1998, 2011). Tranh vẽ bộc lộ thế giới nội tâm của khách thể rất đa dạng, tiết lộ một số chỉ báo về trạng thái tâm lí hoặc sự kiện sang chấn mà khách thể đã trải qua (Gussak, & Rosal, 2016), đồng thời những phân tích này cần dựa vào mức độ phát triển về mặt tâm trí của khách thể. 3. Kết luận Biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ được bộc lộ thông qua màu sắc, đường nét, câu chuyện trong tranh vẽ. Có nhiều lí thuyết khác nhau để phân tích biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ 1220
  9. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Võ Thị Tường Vy và tgk như lí thuyết phân tích, tâm lí học tâm lí học Gestalt, lí thuyết phân tâm Tuy nhiên, để phân tích biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ đạt được tính khách quan, cần dựa trên nhiều khía cạnh như sản phẩm của khách thể, nền tảng lí thuyết, diễn giải của khách thể về tranh và quan sát quá trình vẽ tranh. Trong suốt tiến trình vẽ tranh, những biểu hiện có lời hay không lời, lực tì bút, cách sử dụng hoạ cụ, việc lựa chọn giấy, những phản ứng, thứ tự vẽ đều được quan sát và ghi chép cẩn thận để bổ sung tư liệu cho việc phân tích tranh. Cần tránh việc chỉ dựa vào nền tảng lí thuyết để phân tích ý nghĩa tranh vẽ của khách thể. Bởi lẽ biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ mang đặc điểm cá nhân, có ý nghĩa riêng đối với khách thể. Tuy nhiên nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm mà không có nền tảng lí luận có thể dẫn đến chỉ là diễn giải chủ quan và thiếu hàm lượng khoa học. Vì vậy, việc kết hợp giữa phân tích biểu hiện cảm xúc qua tranh vẽ theo các định hướng lí thuyết với các phương pháp khác như quan sát, phỏng vấn lâm sàng và phân tích chuyển cảm là cần thiết để đem lại kết quả khách quan nhất.  Tuyên bố về quyền lợi: Các tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về quyền lợi. TÀI LIỆU THAM KHẢO American Psychology Association (2002). Ethical Principles of Psychologists and Code of Conduct (Effective June 1, 2003, as amended 2010). Boyatzis, C. J., & Varghese, R. (1994). Children's emotional associations with colors. The Journal of genetic psychology, 155(1), 77-85. Gussak, D., & Rosal, M. (Eds.). (2016). The Wiley handbook of art therapy. Hoboken, NJ: Wiley- Blackwell. Jung, C. G. (1997). Jung on Active Imagination, London: Routledge. Kapitan, L. (2011). An introduction to art therapy research. Routledge. Le, M. D. (2013). Nghien cuu nhung bieu hien xuc cam tieu cuc trong hoat dong hoc tap [Research about emotion expression in studying]. PhD Psychology. Hanoi: Ha Noi University of Education. Malchiodi, C. A. (1998). Understanding children's drawings. Guilford Press. Malchiodi, C. A. (Ed.). (2011). Handbook of art therapy. Guilford Press. Nguyen, X. T. (2013). Tam li hoc dai cuong [General Psychology]. Hanoi: Vietnam Education Publishing House. Nguyen, Q. U., Nguyen V. L., & Dinh, V. V. (2018). Giao trinh Tam li hoc dai cuong [General Psychology]. Hanoi: Vietnam Education Publishing House. Tran, T. M. D. (2009). Nhan biet tam li tre em qua tranh ve [Realizing psychology of children through drawings]. Hanoi: Science and Technics Publishing House. Verfaille, M. (2016). Mentalizing in arts therapies. London: Karnac Books. Vu, D. (2008). Giao trinh Tam li hoc quan li [Management Psychology]. Hanoi: Vietnam Education Publishing House. 1221
  10. Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 7 (2021): 1213-1222 SOME THEORETICAL ISSUES OF EMOTIONAL EXPRESSION THROUGH DRAWINGS Vo Thi Tuong Vy, Tran Lam Thuy Vy* Ho Chi Minh City University of Education, Vietnam *Corresponding author: Tran Lam Thuy Vy – Email: thuyvy5896@gmail.com Received: February 01, 2021; Revised: March 10, 2021; Accepted: July 21, 2021 ABSTRACT The article presents general information on emotional expressions through drawings, clarifies some approaches to projective drawing, presents research ethics, and some criteria for drawing analysis. Emotional expressions through drawing, specifically colours, shapes, strokes, and the story behind it. The analysis starts when a person chooses their favourite materials. At the end of the process, after they finish their product, collecting and analysing them is one of the most important parts for evaluating the whole process. In addition, interviewing drawers about the picture, how they feel, and their emotions while drawing is necessary. The purpose of the article is to provide information for further research on emotional expression through drawing. After that, creating a new channel of communication, in addition to the use of verbal language, helps psychologists to approach more easily and effectively with human. Keywords: emotional expressions; projective drawing; research ethnic; projective drawing techniques 1222