Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường hoa kỳ trong bối cảnh bảo hộ thương mại

pdf 13 trang Gia Huy 18/05/2022 1910
Bạn đang xem tài liệu "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường hoa kỳ trong bối cảnh bảo hộ thương mại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnang_cao_nang_luc_canh_tranh_cho_hang_nong_san_xuat_khau_cua.pdf

Nội dung text: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường hoa kỳ trong bối cảnh bảo hộ thương mại

  1. NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO HÀNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM VÀO THỊ TRƯỜNG HOA KỲ TRONG BỐI CẢNH BẢO HỘ THƯƠNG MẠI IMPROVING VIETNAM’S AGRICULTURAL EXPORT COMPETITIVENESS TO UNITED STATES’ MARKET IN THE CONTEXT OF PROTECTIONISM PGS,TS. Doãn Kế Bôn Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Hoa kỳ là thị trường có nhiều tiềm năng đối với xuất khẩu hàng nông sản của nước ta. Nhưng Hoa kỳ cũng là thị trường có những quy định rất khắt khe về chất lượng, đặc biệt từ ngày ông Donal Trump làm tổng thổng, đã triển khai nhiều chính sách về thuế quan và phi thuế quan có tính chất bảo hộ thương mại, đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu nông sản của nước ta. Bài viết tập trung phân tích thực trạng bảo hộ thương mại và đặc điểm thị trường, thực trạng năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu nước ta vào thị trường Hoa kỳ trong bối cảnh bảo hộ thương mại trong thời gian tới Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, nông sản xuất khẩu, thị trường Hoa kỳ, bối cảnh bảo hộ thương mại Abstract The United States is a potential importer of Vietnam’s agricultural products. However, the US is also a market with high standard regarding quality which has been continously enhanced since Donald Trump gained presidential status. The US has imposed multiple tariff as well as non-tariff policies which have a tremendous impact on Vietnam’s agricutural exports. This paper focuses on analysing the competitive potential of Vietnam’s export on international market, as well as focusing on evaluating the current context of trade protectionism globally, fromm which recommendations and suggestions will be drawn in order to improve competitiveness for Vietnam agricultural exports to the US Keywords: Competitiveness, agricultural export, US market, protectionism Khái niệm bảo hộ thương mại, cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh bảo hộ thương mại Bảo hộ thương mại là hoạt động của chính phủ sử dụng các chính sách về thuế quan và phi thuế quan nhằm cản trở hàng nhập khẩu. Các chính sách về thuế quan là sử dụng mức thuế nhập khẩu cao đánh vào hàng nhập khẩu làm giá hàng nhập khẩu tăng cao so với hàng sản xuất trong nước làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Các chính sách về phi thuế quan chủ yếu sử dụng các biện pháp về hạn chế số lượng (biện pháp 27
  2. cấm nhập khẩu, tạm dừng nhập khẩu, hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan, giấy phép ), các biện pháp về hàng rào kỹ thuất TBT và SPS, các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ), và các biện pháp liên quan đến quy tắc xuất xứ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Nhưng sử dụng phổ biến nhất đối với hàng nông sản, vẫn là các biện pháp về hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại Cạnh tranh là hiện tượng phổ biến trong tự nhiên, xã hội và kinh tế. Cạnh tranh kinh tế chính là những quan hệ kinh tế giữa các chủ thể của nền kinh tế thị trường. Trên thực tế có nhiều quan niệm về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh, trong khuôn khổ bài viết này cạnh tranh được hiểu là sự ganh đua của các chủ thể cùng loại nhằm giành lấy thị trường và lợi nhuận cao nhất, trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và các lợi ích khác bản chất cạnh tranh là tối đa hóa lợi nhuận. Cạnh tranh kinh tế ở cả ba cấp độ: nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm là khả năng trao đổi sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Vậy bản chất năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu trong bối cảnh bảo hộ thương mại là khả năng cung cấp đầy đủ số lượng sản phẩm và cơ cấu mặt hàng đa dạng, chất lượng đảm bảo, với giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu về hàng rào kỹ thuật(TBT) và các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS), không bị áp các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ và có uy tín trên thị trường so với đối thủ cạnh tranh Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh bảo hộ Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được cấu thành bởi hai nhóm yếu tố: nhóm yếu tố cấu thành nên giá bán sản phẩm và các yếu tố ngoài giá, đó là sự vượt trội về cơ cấu sản phẩm, sản phẩm mới, về chất lượng và khả năng đáp ứng hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ, uy tín thương hiệu và khả năng cung ứng hàng hóa. Năng lực cạnh tranh sản phẩm được đánh giá bằng các chỉ tiêu cụ thể sau: - Cơ cấu và khả năng đổi mới sản phẩm Cơ cấu mặt hàng thường được đánh giá thông qua chỉ tiêu tính đa dạng phong phú của mặt hàng xuất khẩu, khả năng đáp ứng của cơ cấu sản phẩm so với nhu cầu thị trường nhập khẩu. Cơ cấu sản phẩm có chủng loại, kích cỡ, mẫu mã phong phú phù hợp với nhu cầu thị trường, có khả năng cung ứng các sản phẩm có hàm lượng chế biến cao có giá trị gia tăng cao sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn. Khả năng đổi mới sản phẩm thể hiện năng lực cung ứng các hàng hóa mới đáp ứng được nhu cầu mới, nhu cầu thường xuyên biến đổi của thị trường. Khả năng tạo ra các sản phẩm mới được thị trường tiếp nhận sẽ nâng cao khả năng thâm nhập và mở rộng thị trường, tạo nên sự cạnh tranh có tính độc quyền tạm thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu. - Chất lượng sản phẩm Chất lượng hàng nông sản được người tiêu dùng rất quan tâm, đặc biệt ở các nước phát triển như Hoa kỳ. Hàng nông sản chất lượng thấp khó thâm nhập thị trường. Cùng một mức giá, những sản phẩm có chất lượng cao hơn sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Khi xem chất lượng hàng nông sản không những xem xét mức chất lượng, mà còn xem xét các đặc tính nổi trội của sản phẩm. 28
  3. - Khả năng đáp ứng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ Theo Hiệp định TBT và SPS của WTO, tất cả các nước thành viên đều có quyền đặt ra các hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu, và hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản ngày càng tăng, phức tạp và khắt khe hơn, đặc biệt là các nước phát triển, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật như Hoa kỳ. Những hàng nông sản không có khả năng đáp ứng các hàng rào kỹ thuật không có khả năng thâm nhập thị trường, các sản phẩm càng đáp ứng tốt các hàng rào kỹ thuật sẽ có uy tín trên thị trường và có khả năng cạnh tranh cao. Chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ là các biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời mà nước nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi nước đó điều tra và thấy rằng hàng nhập khẩu bán phá giá, hoặc được trợ cấp vượt quá quy định của WTO và làm tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến hàng hóa cùng chủng loại hoặc tương đương trong nước, hoặc được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến gây tổn hại đến sản xuất trong nước. Khi bị áp thuế chống bán giá, chống trợ cấp, và thuế tự vệ, thì hàng hóa nhập khẩu ngoài thuế nhập khẩu còn bị áp thêm thuế chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ. Mức thế tùy thuộc bào biên độ bán phá giá, mức trợ cấp và mức độ gây tổn thất cho hàng nhập khẩu khi bị áp dụng biện pháp tự vệ. Như vậy hàng hóa xuất khẩu sẽ bị tác động rất mạnh và giảm khả năng cạnh tranh và giảm khả năng thâm nhập thị trường xuất khẩu [5]. - Giá cả sản phẩm Giá cả là chỉ tiêu quan trọng thể hiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Những sản phẩm có cùng chất lượng, nhưng có giá cả thấp hơn sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, khi xem xét chỉ tiêu giá cả cần xem xét mối quan hệ giữa giá cả và chất lượng. Giá cả trên mức chất lượng càng thấp thì sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn - Uy tín của thương hiệu sản phẩm Hoạt động trong cơ chế thị trường các doanh nghiệp phải tạo được uy tín thông qua thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường. Uy tín của thương hiệu sản phẩm tạo được hình ảnh sản phẩm và định vị sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. Uy tín của thương hiệu sản phẩm tạo nên khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Uy tín thương hiệu được tạo ra trong quá trình hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động kinh doanh bền vững. - Khả năng cung ứng sản phẩm Khả năng cung ứng hàng hóa là khả năng đáp ứng đúng những yêu cầu của lô hàng về số lượng, chất lượng, bao bì, thời gian giao hàng. Tránh các trường hợp giao hàng chậm, giao hàng bị thiếu, chất lượng không đảm bảo và không đồng đều, thiếu tinh thần trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng 2. Thực trạng bảo hộ và đặc điểm thị trường Hoa kỳ về mặt hàng nông sản 2.1. Thực trạng chính sách bảo hộ thương mại ở thị trường Hoa kỳ Cũng giống như các thị trường khác chính sách bảo hộ thương mại ở thị trường Hoa kỳ bao gồm chính sách thuế quan và chính sách phi thuế quan. 29
  4. - Chính sách bảo hộ bằng thuế quan: Chính sách bảo hộ bằng thuế quan chủ yếu là sử dụng mức thuế cao đối với hàng nông sản nhập khẩu. Tại thị trường Hoa kỳ, mức thuế quan bình quân cho tất cả các mặt hàng năm 2012 là 3,01%, năm 2014 là 2,96%, năm 2016 là 2,87% thì năm 2017 đã tăng là 3,36%. Mức thuế hàng nông sản năm 2008 là 5,3%, thì đến năm 2018 đã tăng 0,2% nên 5,5% [1], và thuế MFN năm 2019 tăng thêm 0,25% so với năm 2019 do áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung với các nước đặc biệt là Trung quốc. Như vậy mức thuế quan đối với hàng nông sản tại thị trường Hoa kỳ so với toàn thế giới và với thị trường EU hay Trung quốc thì ở mức thuế tương đối thấp, nhưng một điều chú ý là, đối với thị trường thế giới mức thuế đối với hàng nông sản có xu hướng giảm xuống (thuế MFN năm 2018 so với 2008 giảm 1,5%, thuế song phương giảm 2%, Thị trường EU giảm 4,8%, thị trường Trung quốc giảm 0,2%, trong khi đó thị trường Hoa kỳ không giảm mà còn tăng 0,2%. Sự tăng thuế nhập khẩu nói chung và đối với hàng nông sản nói riêng, đã gây ra những tranh chấp giữa Hoa kỳ với Canada và Meexico, giữa Hoa kỳ với Nhật bản, EU, Hàn quốc và đặc biệt gây ra chiến tranh thương mại Hoa kỳ - Trung quốc, điều này tác động lớn đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Mặt khác Việt Nam và Hoa kỳ đã có hiệp định thương mại năm 2001, nhưng chưa có Hiệp định thương mại tự do, nên hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu phải chịu mức thuế MFN, trong khi đó Hoa kỳ có nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, và hàng nông sản của các nước này khi xuất khẩu vào Hoa kỳ được hưởng mức thuế song phương. Trong khi đó mức thuế song phương thường thấp hơn mức thuế MFN từ 5- 5,2%, điều này gây bất lợi trong cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ. - Chính sách bảo hộ phi thuế quan: Chính sách bảo hộ phi thuế quan chủ yếu là biện pháp hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dich tễ, chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ và biện pháp hạn chế số lượng. Theo WTO, tính đến hết năm 2018, Hoa kỳ đang có 3.041 biện pháp SPS, và có 1.631 biện pháp TBT so với trên toàn thế giới là 14.552 biện pháp SPS và 22.941 biện pháp TBT thì các biện pháp TBT và SPS của Hoa kỳ chiếm một tỷ lệ cao (SPS chiếm 20,9% và TBT chiếm 7,1% toàn thế giới). Nhưng đến năm 2019 các biện pháp SPS đã tăng lên là 3.137 và biện pháp TBT là 1.756. Trong khi đó biện pháp SPS hoàn toàn được áp dụng cho hàng nông sản, thực phẩm [1]. Riêng năm 2018 phía Hoa kỳ coa 393 biện pháp chống bán phá giá, 132 biện pháp chống trợ cấp, 496 biện pháp tự vệ còn hiệu lực, 59 biện pháp hạn chế số lượng và 52 biện pháp hạn ngạch thuế quan, là quốc gia đứng đầu Châu Mỹ về các biện pháp phi thuế quan. Hoa kỳ cũng là nước có số vụ quan ngại thương mại nhiều nhất khu vực TBT có 51 vụ, SPS có 31 vụ [1]. Năm 2019 biện pháp chống bán phá giá là 406, 144 biện pháp chống trợ cấp, 496 biện pháp tự vệ và 59 biện pháp hạn chế số lượng. Ngoài ra Hoa kỳ cũng là nước đứng đầu về số vụ tranh chấp liên quan đến các biện pháp phi thuế quan. Cụ thể liên quan đến TBT là 25 vụ, đến chống bán phá giá 55 vụ chiếm khoảng 10% tổng số vụ tranh chấp của WTO. Đặc biệt quy định “quy về không” (zeroing) trong chống bán phá giá của Hoa kỳ luân bị các nước khiếu lại dẫn đến các tranh chấp thương mại về chống bán phá giá mà Hoa kỳ là bị đơn, trong đó có Việt Nam. 30
  5. Theo UNCTAD, 71% mặt hàng và 83% giá trị hàng nhập khẩu vào Hoa kỳ chịu ảnh hưởng của các biện pháp phi thuế. Trong đó 100% hàng nông sản nông sản nhập khẩu chịu sự điều chỉnh của các biện pháp phi thuế quan. Tính bình quân, một mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ chịu ảnh hưởng của 14,8 biện pháp phi thuế quan, trong đó biện pháp phi thuế quan là TBT, đặc biệt là SPS được sử dụng phổ biến hơn cả 2.2. Đặc điểm của thị trường Hoa kỳ đối với hàng nông sản - Hoa kỳ là một thị trường rộng lớn với gần 300 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 trên 62.606 USD/năm. Hoa kỳ là một trong những thị trường nông sản lớn nhất thế giới, Hoa kỳ là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, mà hầu hết từ nguồn nhập khẩu, trong đó khoảng 70% là cà phê arabica và 30% còn lại là cà phê robusta[3], rau quả tươi, đặc biệt là nhu cầu về trái cây có xu hướng tăng cao. Mức tiêu thụ trái cây/đầu người tăng chủ yếu ở nhóm trái cây nhiệt đới như dứa, xoài, đu đủ, nho, xoài, lê tầu, quýt, anh đào, cây việt quất Chuối là loại trái cây được tiêu thụ mạnh nhất ở Hoa kỳ. Theo tính toán giai đoạn 2008-2018 cứ 100 pound trái cây thì có 25 pound chuối được tiêu thụ, tiếp đến là dứa, táo, cam, nho, dâu tây, bưởi, đào và một số loại khác. Dứa không những tiêu thụ ở dạng đóng hộp mà lượng dứa tươi có nhu cầu tăng cao trong những năm gần đây. Lượng táo tiêu thụ trung bình ở mức 17,6 pound/đầu người, cam tiêu thụ trung bình 11,4 pound/đầu người [2]. Thị trường nhập khẩu chính của Hoa kỳ là các nước thuộc NAFTA, các nước nam bán cầu gồm Braxin, Autralia, Achentina,. NewZealand, Nam phi và Peru, các nước Nam mỹ và các nước châu Á. Hoa kỳ là thị trường nông sản rất tiềm năng cho các nhà xuất khẩu thế giới trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam và cũng là thị trường cạnh tranh rất gay gắt. - Hoa kỳ là thị trường tiêu thụ nông sản rất đa dạng bao gồm cà phê, chè, điều, hạt tiêu, cao su, gạo rau quả tươi, rau quả khô, rau quả đã qua chế biến, động vật và thịt động vật, đồ uống không cồn, đường và các chất tạo bọt và yêu cầu về mức chất lượng cũng rất khác nhau, từ mức chất lượng trung bình đến mức cao, đây là điều kiện thuận lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù, yêu cầu đa dạng về chất lượng nhưng lại đòi hỏi cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo pháp luật của hoa kỳ, đây là điều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. - Nhu cầu mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau quả hữu cơ ở Hoa kỳ có xu hướng tăng cao. Theo thống kê, rau quả hữu cơ là những mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường bán lẻ trong suốt ba thập kỷ qua, chiếm trên 39% doanh số bán hàng trên thị trường hữu cơ Hoa kỳ. Theo ước tính, doanh thu từ rau quả hữu cơ có thể đạt 18,5 tỷ USD vào năm 2018 tăng 300% so với năm 2000. Các sản phẩm trái cây hữu cơ có mặt tại hàng chục ngàn cửa hàng thực phẩm và được bày bán trên 73% số lượng cửa hàng rau quả trên khắp Hoa kỳ[2]. Các loại rau quả hữu cơ được tiêu thụ nhiều nhất tại Hoa kỳ là cà chua, rau ăn lá, cà rốt, khoai tây, bí, đậu, nấm, cần tây, súp lơ xanh, cam, dâu tây, cam, táo, đào và chuối. - Hoa kỳ là một thị trường có những quy định rất khắt khe và chặt chẽ đối với nông sản nhập khẩu. Các mặt hàng rau quả khi nhập khẩu vào Hoa kỳ phải tuân thủ các quy định về chất lượng, các quy định về thủ tục và thông báo hàng đến của Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm FDA, Hoa kỳ kiểm sóat chặt chẽ sự ảnh hưởng của các loại sâu bệnh đến các loại trái cây, các loại trái cây tươi nhập khẩu vào Hoa kỳ phải được chiếu xạ để diệt các 31
  6. loại sâu bệnh; Tuân thủ các quy định về nhập khẩu và kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan kiểm định và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc FDA; Tuân thủ các quy định về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA), trong một số trường hợp phải xin giấy phép; Phải phù hợp các quy định về môi trường của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa kỳ (EPA) về dư lượng thuốc trừ sâu. Đối với hạt có dầu và các loại cây, hạt nguyên liệu công nghiệp và dược liệu phải phù hợp các quy định về thực vật quý hiếm. Đối với một số loại cây, hạt có chứa chất ma túy phải phù hợp với các quy định của Cơ quan kiểm soát ma túy (DEA). Phải tuân thủ các quy định về Luật chống khủng bố sinh học ban hành 12/6/2002; Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm(FSMA) có hiệu lực năm 2011. Phù hợp các quy định về ghi nhãn, quy định về xuất xứ hàng hóa, về bản quyền, quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm, về cảnh báo và tự động giữa hàng khi những hàng hóa nhập khẩu vi phạm các quy định và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa kỳ (APHIS) có một danh mục các mặt hàng được phép nhập khẩu vào Hoa kỳ, ngoài danh mục này các nước xuất khẩu phải tuân thủ quy chế của APHIS về đăng ký các loại nông sản, đặc biệt là rau quả tươi để được phép nhập khẩu vào Hoa kỳ[2]. 3. Thực trạng năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu nước ta vào thị trường Hoa kỳ trong bối cảnh bảo hộ thương mại Nông sản nước ta xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ nhìn chung kim ngạch xuất khẩu còn chưa cao, một số mặt hàng ở một số thời điểm có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng lại kém tính ổn định, khả năng cạnh tranh chưa cao và được thể hiện trên các mặt sau: - Mặt hàng nông sản Việt Nam khá đa dạng và phong phú. Nhưng để xuất khẩu mặt hàng trái cây vào thị trường Hoa kỳ còn gặp nhiều khó khăn và trải qua nhiều quy trình nghiêm ngặt. Đầu tiên phải đàm phán để được lọt vào danh sách hàng nhập khẩu trái cây của Hoa kỳ, nếu mặt hàng này chưa lằm trong danh mục, sau đó phải được kiểm tra theo chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn đảm bảo các quy định của Hoa kỳ mới được pháp xuất khẩu vào Hoa kỳ. Trong thời gian vừa qua nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam trong đó có các mặt hàng trái cây như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vũ sữa được xuất khẩu vào Hoa kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu cơ cấu chưa phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới nói chung và thị trường Hoa kỳ nói riêng . Như nhu cầu về cà phê trên thị trường Hoa kỳ chủ yếu là loại cà phê Arbica, chiếm trên 70%, chỉ khoảng gần 30% là cà phê robusta nhưng cà phê Việt Nam sản xuất chủ yếu là loại cà phê robusta, trong khi đó giá cà phê robusta chỉ bằng khoảng 60-70% giá cà phê arbica [6]. Do đó việc mở rộng và phát triển thị trường cho mặt hàng cà phê cũng gặp nhiều khó khăn. Hoặc khoảng 80% nhu cầu về cao su trên thị trường thế giới là loại SR, nhưng cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên của Việt Nam chủ yếu là loại 3L, nên việc tiếp cận vào thị trường tiêu thụ nhiều cao su SR như Hoa kỳ cũng còn nhiều hạn chế. - Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua có kim nghạch xuất khẩu tăng nhưng khả năng đổi mới mặt hàng còn hạn chế. Chủ yếu vần xuất khẩu ở dạng thô, tỷ lệ sản phẩm qua chế biến để xuất khẩu còn thấp, bình quân chỉ khoảng 20-25%. Trong khi đó tỷ lệ này ở các nước trong khối ASEAN bình quân đặt trên 50% [3]. Khi xuất khẩu ở dạng thô phần giá trị gia tăng thấp nên hiệu quả xuất khẩu không cao. Giá cả hàng nông sản thô trên thị trường Hoa kỳ lại thấp và thường xuyên biến động với biên độ cao. Do đó 32
  7. tổng trị giá xuất khẩu thấp và dễ gặp rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác trong quá trình hội nhập rất nhiều các mặt hàng nông sản chưa qua chế biến được xếp vào danh mục hàng nhạy cảm và nhạy cảm cao để làm chậm quá trình giảm thuế nhập khẩu, như vậy hàng nông sản chưa qua chế biến sẽ ít được hưởng lợi từ quá trình hội nhập và điều này đã cản trở hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của nước ta Khả năng đổi mới các mặt hàng còn thấp, trong đó thị trường Hoa kỳ có nhu cầu thường xuyên thay đổi, ưa chuộng các sản phẩm với các mẫu mã mới với và các tính năng mới, cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường Hoa kỳ. - Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta hiện nay chất lượng còn thấp và không đồng đều, kém độ thuần khiết. Gạo không thuần gíống, cà phê kích thước hạt không đều, thu hoạch cả quả chín quả xanh, độ ẩm không thích hợp, dễ bị nấm mốc , khả năng cạnh tranh chưa cao, chủ yếu đáp ứng cho khu vực thị trường có mức nhu cầu thấp và trung bình, không đòi hỏi khắt khe về chất lượng, chấp nhận mức giá thấp chất lượng không cao, chỉ có một số ít mặt hàng đủ điều kiện đáp ứng cho khu vực thị trường có nhu cầu cao chấp nhận mức giá cao chất lượng tốt. Trong khi đó thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi về chất lượng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Do đó nâng cao chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường cho hàng nông sản Việt Nam là một vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. - Về khả năng đáp ứng hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ. + Về đáp ứng hàng rào kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ; Cơ bản các hàng nông sản của Việt nam đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ của thị trường Hoa kỳ. Kim ngạch các mặt hàng tăng hàng năm. Một số mặt hàng rau quả mới như vải, vũ sữa đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường. Tuy nhiên một số hàng nông sản của ta chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn như bị nấm mốc, mức tạp chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật cao vượt quá mức quy định và còn để tồn dư lượng thuốc kháng sinh, hoá chất trên các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Mặt khác, các loại rau quả Việt Nam chủ yếu được sản xuất, thu hoạch và chế biến bằng các phương pháp và công nghệ lạc hậu, công nghệ bảo quản, việc xử lý sâu bệnh, dư lượng thuốc sâu và thuốc bảo vệ thực vật, việc đáp ứng về phẩm cấp, kích cỡ hoặc độ chín còn nhiều hạn chế, đây là các khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. . Nhiều doanh nghiệp thiếu các thông tin cụ thể về các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ của Hoa kỳ. + Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ ít bị điều tra chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ. Chủ yếu mặt hàng cá tra, và tôm nước ấm bị áp thuế bán phá giá, trong đó thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đã hết hiệu lực, hiện tại chỉ còn mặt hàng cá tra vẫn bị áp thuế chống bán phá giá (đây là mặt hàng đầu tiên bị áp thuế chống bán phá giá và vẫn còn tồn tại cho đến hiện nay). Khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Hoa kỳ, các doanh nghiệp có xu hướng bán giá thấp để nâng cao khả năng cạnh cho sản phẩm. Vì vậy hàng nông sản của Việt Nam có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Mặt khác Việt Nam là thị trường thặng dư thương mại lớn của Hoa kỳ và phía Hoa kỳ cũng tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại trong đó có các biện pháp bảo hộ phi thuế 33
  8. quan mà chủ yếu là các biện pháp TBT, SPS, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ để hạn chế nhập khẩu, đảm bảo cán cân thương mại. Và điều này cũng làm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt nam trong đó có hàng nông sản dễ bị áp dụng các biện pháp trên. - Nếu chỉ nhìn vào yếu tố giá, thì giá của nhiều hàng nông sản Việt Nam thấp hơn giá của các sản phẩm cùng loại trong khu vực và thế giới. Nhưng đồng thời chất lượng hàng nông sản của ta còn thấp, do đó tương quan giá/chất lượng lại cao hơn .Như vậy thực chất giá hàng nông sản của Việt Nam còn cao hơn các nước trong khu vực, do đó khả năng cạnh tranh thấp hơn. Cùng gạo 5% tấm giá gạo Việt Nam chỉ bằng 80-90% giá gạo của Thái lan, nhưng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam thấp hơn gạo của Thái lan trên thị trường thế giới, . Giá sầu riêng Mongthon hạt lép của Thái lan là 0,5USD/kg thì giá sầu riêng trái vụ của Việt Nam là 1,4USD/kg giá gấp gần 3 lần mà chất lượng lại thấp hơn, giá chuối tươi xuất khẩu được ở các tỉnh Đồng bằng sông cửu long thường ở mức 115- 120USD/tấn, trong khi đó ở Philippin chỉ ở mức 110-115USD/tấn[3]. Ngoài ra chi phí vận chuyển, tổn thất trong vận chuyển, bảo quản và các chi phí khác cũng cao. Việt Nam lại ở xa Hoa kỳ cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của rau quả của Việt Nam trên thị trường Hoa kỳ, và do thiếu thông tin nên việc chọn thời điểm để định giá bán còn chưa hợp lý, dự trữ hàng hoá trong thời gian dài, nhưng khi giá còn thấp đã bán hết hàng, khi giá lên cao lại không có hàng để bán. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cạnh tranh với nhau hạ giá hàng xuất khẩu. Cùng một thời điểm, cùng là cà phê Robusta có doanh nghiệp xuất được với giá 470USD/T nhưng có doanh nghiệp chỉ xuất với giá trên 300USD/T[6] - Việc xây dựng, bảo vệ và khai thác thương hiệu cho hàng nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Chưa tạo ra được nhiều những thương hiệu có uy tín cho hàng nông sản trên thị trường thế giới nói chung và Hoa kỳ nói riêng. Nhiều mặt hàng kể cả các mặt hàng có thị phần lớn cũng chưa có thương hiệu, chưa thiết lập được các kênh phân phối ở nước ngoài mà phụ thuộc nhiều vào hệ thống phân phối của nước ngoài, việc mở rộng thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn. - Khả năng tổ chức thực hiện các hợp đồng xuất khẩu còn nhiều hạn chế, thời gian giao hàng còn chậm so với quy định của hợp đồng, giao thiếu số lượng, chất lượng không phù hợp và do thu mua ở nhiều cơ sở khác nhau, cho nên chất lượng trong một lô hàng không đồng đều nhau, vi phạm quy chế ghi nhãn của Hoa kỳ và nhiều lô hàng phải trả về, có nhiều phát sinh trong quá trình và khả năng giải quyết các phát sinh còn chậm làm giảm uy tín của các doanh nghiệp trên giao dịch hàng nông sản ở thị trường Hoa kỳ, cũng đã làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản nước ta. Mặt khác từ chính sách bảo hộ thương mại của Hoa kỳ đã dẫn đến chiến tranh thương mại giữa Hoa kỳ và Trung quốc, chiến tranh thương mại cũng đã tạo nên những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam Như vậy, nhìn chung hàng nông sản xuất khẩu của nước ta chất lượng còn thấp, không đồng đều, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn, khả năng đổi mới mặt hàng chậm, cơ cấu chưa thực đa dạng phong phú và phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới, giá lại cao, khả năng thực hiện các hợp đồng xuất khẩu còn nhiều bất cập. Chưa tạo được uy tín cho sản phẩm cũng như doanh nghiệp trên thị trường thế giới, do đó khả năng cạnh tranh còn hạn chế. 34
  9. Nguyên nhân của tình trạng trên là: -Trong sản xuất hàng nông sản còn phân tán, chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình, chưa tạo ra được nhiều các vùng chuyên canh để có thể tạo ra những lô hàng lớn có tính đồng nhất, chất lượng đồng đều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặt khác do sản xuất phân tán ở các hộ gia đình nên chi phí sản xuất, thu hoach, chế biến, tập trung nguần hàng để xuất khẩu cao làm gỉam khả năng cạnh tranh của sản phẩm. - Chúng ta chưa có nhiều giống vật nuôi cây trồng cho sản phẩm có chất lượng cao.Trong một thời gian dài việc sản xuất hàng nông sản ở nước ta chú ý nhiều đến việc tạo ra những giống cây trồng vật nuôi cho năng suốt cao mà chưa chú trọng tạo ra được những giống cây trồng vật nuôi cho sản phẩm có chất lượng cao. Thời gian gần đây nhiều giống cây trồng vật nuôi sạch mần bệnh cho sản phẩm có chất lượng cao được đưa vào sản xuất như giống gạo ST25, nhưng so với các nước trong khu vực còn thiếu cả về mặt lượng và mặt chất. - Trình độ sản xuất, công nghệ thu hoạch, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến còn thiếu đồng bộ và lạc hậu so với các nước trong khu vực . Dẫn đến chất lượng hàng nông sản của nước ta chưa cao, kém khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Việc phát triển những sản phẩm mới cũng còn nhiều hạn chế, mới chỉ chú trọng đến những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật mà ít chú trọng đến những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, trong khi đó nhóm hàng này ở Việt Nam rất có tiềm năng. Điều này cũng làm hạn chế đến khả năng cạnh tranh chung của hàng nông sản ở nước ta. - Một phần hàng nông sản được tiêu thụ trực tiếp thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất với các cơ sở chế biến hoặc người xuất khẩu, còn phần lớn được tiêu thụ thông qua các đầu mối trung gian . Dù tiêu thụ theo hình thức nào thì hệ thống tiêu thụ hàng nông sản hiện nay cũng chưa được gắn kết chặt chẽ.Nhiều khi người sản xuất không trực tiếp bán được sản phẩm cho các nhà máy hoặc người xuất khẩu, hoặc các nhà máy hoặc người xuất khẩu không mua được hàng của người sản xuất. Đặc biệt khi tiêu thụ thông qua các đầu mối trung gian là các tư thương, người sản xuất thường bị ép gía, ép cấp, đường đi của hàng hoá bị kéo dài và chi phí trung gian cao làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu. Mối liên hệ giữa người sản xuất và xuất khẩu còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp chưa tạo được nguồn hàng ổn định. Nhiều khi ký được hợp đồng xuất khẩu mới đi tập trung hàng, dẫn đến chất lượng không đồng đều và chậm thời gian giao hàng. - Công tác nghiên cứu, tổ chức khai thác và mở các thị trường mới của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhiều lúng túng. Việc xây dựng, bảo vệ và khai thác thương hiệu cho hàng nông sản chưa được quan tâm đúng mức, nhiều mặt hàng kể cả các mặt hàng có thị phần lớn trên thị trường thế giới cũng chưa có thương hiệu. Nghiệp vụ kinh doanh xuất khẩu còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa có phương pháp kiểm tra giám sát và điều hành quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, chưa thiết lập được các kênh phân phối ở nước ngoài mà phụ thuộc nhiều vào hệ thống phân phối của nước ngoài, việc chọn thời điểm để định giá bán còn chưa hợp lý, dự trữ hàng hoá trong thời gian dài, nhưng khi giá còn thấp đã bán hết hàng, khi giá lên cao lại không có hàng để bán. Tất cả các điều đó cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản nước ta. 35
  10. 4. Một số kiến nghị Từ phân tích trên, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng nông sản của nước ta trong bối cảnh bảo hộ thương mại, mà chủ yếu là tăng thuế nhập khẩu, tăng cường áp dụng các biện pháp TBT, SPS, chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ thì nguyên tắc cơ bản của các giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Hoa kỳ là chủ động đàm phán hiệp định thương mại tự do với Hoa kỳ để được hưởng thuế quan ưu đãi, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng các biện pháp TBT, SPS, và tránh các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ. Cụ thể cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau: - Tiếp tục đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do với Hoa kỳ, tạo cơ hội cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản. Trong bối cảnh bảo hộ thương mại để tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu nói chung và cho hàng nông sản nói riêng vào thị trường Hoa kỳ cần tiến hành đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do với Hoa kỳ, để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu nông sản vào Hoa kỳ. Việt Nam đã ký hiệp định TPP trong đó có Hoa kỳ, đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức cam kết giảm thuế sâu đối với hàng nhập khẩu trong đó có hàng nông, lâm, thủy sản. Điều này rất có lợi cho năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên khi ông Donal Trump lên làm tổng thống đã rút khỏi hiệp định (11 nước còn lại đã điều chỉnh một số nội dung của hiệp định và ký kết một hiệp định mới có tên là CPTPP). Chính vì thế để tạo được sự cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu cần tiếp tục ký kết hiệp định thương mại tự do với Hoa kỳ. Có thể đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hoa kỳ, hoặc thuyết phục Hoa kỳ tiếp tục tham gia hiệp định TPP đã được 12 nước ký kết, hoặc hiệp định CPTPP đã được 11 nước ký kết và thông qua. Định hướng để Hoa kỳ tiếp tục thực hiện hiệp định TPP (hoặc tham gia CPTPP), với mức cắt giảm thuế cao và phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản sẽ rất có lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. - Để nâng cao chất lượng và đáp ứng được các biện pháp TBT, SPS của Hoa kỳ đồng thời giảm giá thành, cần thực hiện các biện pháp sau: + Quy hoạch tổng thể các vùng sản xuất hàng nông sản tập trung chuyên canh có tính liên nghành, liên vùng, có đủ quy mô để áp dụng các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật và thu hút vốn đầu tư vào sản xuất và chế biến hàng nông sản. Việc quy hoạch vùng sản xuất phải kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng thực sự tạo thành các trung tâm có đủ khả năng cung cấp hàng nông sản có chất lượng cao và đồng nhất cho xuất khẩu. + Trên cơ sở các vùng chuyên canh cần tập trung đầu tư nghiên cứu lựa chọn các giống cây trồng vật nuôi thích hợp. Các giống cây trồng vật nuôi phải đảm bảo được các yêu cầu: 1. Cho năng suât, chất lượng cao và ổn định đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu; 2. Phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng chuyên canh sản xuất; 3. Sạch mần bệnh và cho phép áp dụng các công nghệ sản xuất chế biến “sạch”, đáp ứng các điều kiện về TBT và SPS. Để thực hiện điều đó, phải có một quy chế xét duyệt và tuyển chọn giống chặt chẽ, tránh không để các trường hợp giống không đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường. Đồng thời phải quy hoạch các cơ sở nghiên cứu sản xuất giống, tập trung đầu tư cho một số cơ sở có 36
  11. quy trình sản xuất khoa học có khả năng tạo ra các giống tốt mang tầm cỡ quốc gia. Xây dựng kế hoạch nhập các giống tốt để từng bước hoàn thiện các bộ giống phù hợp với điều kiện của nước ta, góp phần tạo ra các hàng nông sản đa dạng có chất lượng đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. + Phải gắn kết các vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, tránh trường hợp khi quy hoạch xong vùng nguyên liệu lại không có cơ sở chế biến, hoặc vùng nguyên liệu lại không đáp ứng đủ cho cơ sở chế biến. Đồng thời áp dụng công nghệ sản xuất “sạch” , thực hiện liên doanh liên kết và tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ thu hoạch, công nghệ bảo quản chế bién sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn cho hàng nông sản đủ khả năng cạnh tranh xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Thực hiện liên kết chuỗi cung ứng, đảm bảo chuỗi cung ứng sạch từ trang trại đến bàn ăm để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Hoa kỳ + Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cấp quốc gia cho các sản phẩm nông sản , đặc biệt cho các hàng nông sản xuất khẩu, thành lập các tổ chức chuyên môn có đủ năng lực và thiết bị kiểm tra các sản phẩm xuất khẩu.Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng nông sản xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng như hệ thống ISO, GMP, HACCP . Cập nhật thông tin các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn hàng nông sản của các thị trường Hoa kỳ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất chế biến và xuất khẩu hàng nông sản , tuyệt đối không để các lô hàng có chất lương kém, đặc biệt không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đáp ứng tốt các quy định về TBT, SPS từ thị trường Hoa kỳ. - Hạn chế bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới và Hoa kỳ hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện domino, kiện kép, kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp. Mặt hàng nông, lâm, thủy sản có nguy cơ cao bị kiện các biện pháp phòng vệ thương mại . Trong các biện pháp phòng vệ thương mại thì biện pháp kiện bán phá giá và biện pháp tự vệ được Hoa kỳ áp dụng phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng. Để hạn chế các tác động tiêu cực của xu thế này, Bộ Công Thương nên thường xuyên cập nhật với các DN và hiệp hội DN về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để các DN nắm vững, có kế hoạch ứng phó hiệu quả, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường. Nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó giúp các DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của mình và có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế việc vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá. Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với DN trong quá trình xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn đầu khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện cho đến khi khởi xướng điều tra, trả lời câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, điều trần công khai và ra phán quyết. 37
  12. Chủ động theo dõi chặt chẽ quy trình điều tra của nước nhập khẩu để đảm bảo các bước trong quy trình điều tra tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO. Trong trường hợp phát hiện những điểm không tuân thủ, sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ cân nhắc đưa biện pháp chống bán phá giá mà nước nhập khẩu áp dụng ra các cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO Bộ Công Thương nên hỗ trợ các DN nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại của Hoa kỳ. Tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ; Chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào; Đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế. -Tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Hoa kỳ - Trung quốc để đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường quản lý nhà nước nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung .Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài do chuyển dịch đầu tư từ chiến tranh thương mại tạo ra để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa kỳ - Phải nâng cao chất lượng giảm giá thành sản phẩm , đặc biệt là giảm các chi phí trong quá trình sản xuất chế biến sản phẩm. Đổi mới và đa dạng hoá hình thức tiêu thụ nông sản, chú trọng hình thức tiêu thụ thông qua hợp đồng, rút ngắn đường đi cho hàng hoá, giảm bớt các chi phí trung gian, góp phần nâng cao giá tiêu thụ cho hàng nông sản, giảm chi phí đầu vào cho các đơn vị chế biến và người xuất khẩu từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu. - Tăng cường năng lực nghiên cứu tiếp cận, tổ chức thị trường thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại ở mọi cấp độ. Xoá bỏ dần việc xuất khẩu qua thị trường trung gian, thâm nhập vào các phân khúc thị trường mới, chú ý tìm các thị trường ngách, thực hiện đa dạng hoá thị trường để tạo tính cạnh tranh cho mặt hàng. Đồng thời chú trọng việc xây dựng thương hiệu và nhãn sinh thái cho hàng nông sản, từng bước tạo lập uy tín cho hàng nông sản xuất khẩu nước ta trên thị trường Hoa kỳ. - Tăng cờng công tác thông tin thị trường,cung cấp đầy đủ thông tin cho người sản xuất, đồng thời nâng cao khả năng dự báo nhu cầu thị trường, bao gồm nhu cầu ngắn hạn,trung hạn, dài hạn, kể cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu, giám sát chặt chẽ sự biến động giá cả của thị trường hàng nông sản, để từ đó quyết định thời điểm mua bán, mức dự trữ và quy hoạch sản xuất cho thích hợp. - Các doanh nghiệp cần tăng cường công tác giám sát và điều hành để nâng cao chất lượng nghiệp vụ tổ chức thực hiện hợp đồng xuất khẩu, giao hàng đúng thời hạn, đủ về số lượng phù hợp về chất lượng và bao bì, hợp tác và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt chú trọng đến vấn đề giải quyết khiếu nại của khách hàng, nhất là đối với thị trường Hoa kỳ thường nhập các lô hàng lớn, coi trọng chất lượng, ghi nhãn và giải quyết các vấn đề phát sinh, từng bước nâng cao uy tín, xây dựng mối quan hệ tin cậy và khả năng thích ứng nhanh trên thị trường, để nâng cao khả năng cạnh trang cho hàng nông sản xuất khẩu nước ta trên thị trường Hoa kỳ. 38
  13. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. GS.TS. Đinh Văn Sơn (2019) Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam năm 2019 - Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam 2. Xuất khẩu sang Hoa kỳ những điều cần biết - Thương vụ Việt Nam tại Hoa kỳ 3. Nghiên cứu đưa ra một số giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để nâng cao hiệu quả xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam - Đề tài NCKH cấp bộ 2017 4. Đề án” Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2010-2020 định hướng đến năm 2030” Bộ Công thương 5. Hiệp định TBT, SPS, Hiệp định chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ của WTO 6. GAIN Report (2017), Vietnam coffee annual 2017, USDA Foreign agricultura service 39