Năng suất lao động của Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2019

pdf 11 trang Gia Huy 19/05/2022 2210
Bạn đang xem tài liệu "Năng suất lao động của Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2019", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnang_suat_lao_dong_cua_thanh_pho_da_nang_giai_doan_2010_2019.pdf

Nội dung text: Năng suất lao động của Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2019

  1. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 01 (69) - 2021 23 Năng suất lao động của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2019 Nguyễn Việt Quốc Phạm Hồng Linh Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng Email liên hệ: quocnguyenk47@gmail.com Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung phân tích, đánh giá thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất lao động thành phố Đà Nẵng năm 2019 đã tăng 2,34 lần (tính theo giá hiện hành) so với năm 2010, gấp gần 1,8 lần mức NSLĐ bình quân cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng NSLĐ thành phố giai đoạn 2010 - 2019 chỉ ở mức trung bình (bình quân 8,19%/năm), ở mức xấp xỉ so với tốc độ tăng NSLĐ bình quân cả nước. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân năm khá thấp ở các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như Vận tải kho bãi (1,15%); Thông tin truyền thông (3,48%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (5,08%) cũng như của thành phần kinh tế ngoài nhà nước (3,46%). Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến NSLĐ của thành phố chưa thật sự bức phá đúng như kỳ vọng. Do đó, việc xây dựng một chiến lược tổng thể, đặc biệt là việc phân bổ và sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực đầu tư là một trong những giải pháp chính nhằm cải thiện mạnh tốc độ tăng NSLĐ của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. Từ khóa: năng suất lao động, cải thiện năng suất lao động, thành phần kinh tế The current situation of labor productivity in Da Nang during 2010 - 2019 Abstract: This study is to focus on analysing and evaluating the current situation of labor productivity in Da Nang during the period of 2010 - 2019, then proposing solutions to progress in the coming years. Over the 10-year period, the city’s labor productivity increased by 2.34 times (at current prices) compared to 2010, estimated nearly 1.8 times higher than the whole country’s average labor productivity. However, during this period, Da Nang’s labor productivity improvement percentage is considered to reach only the medium scale (at the average of 8.19%/ year), approximately the national one. The growth rate of annual labor productivity is quite low in the city’s key economic sectors, such as Transportation and storage (1.15%); Information and communication (3.48%); Accommodation and catering services (5.08%), as well as non-state economic sectors (3.46%). That is one of the main reasons hindering the city’s labor productivity. Therefore, it is critical for the city to build a master strategy, focusing on allocating and utilizing efficiently the resources to enhance the growth rate of city’s labor productivity in the coming years. Keywords: labor productivity; improvement of labor productivity; economic sectors Ngày nhận bài: 05/08/2020 Ngày duyệt đăng: 01/02/2021 1. Đặt vấn đề Theo OECD (2002), năng suất lao động được đo lường bằng tỷ lệ của sản phẩm đầu ra và đầu vào lao động. Đầu ra sản phẩm có thể được đo lường bằng tổng sản phẩm đầu ra hoặc
  2. 24 Nguyễn Việt Quốc, Phạm Hồng Linh giá trị tăng thêm; đầu vào lao động được đo lường bằng một trong các chỉ tiêu: (i) số giờ lao động; (ii) số lượng lao động. Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đã xác định cụ thể năng suất lao động là số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc (hoặc trên mỗi giờ lao động)(1). NSLĐ là một chỉ số gián tiếp thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia hay một địa phương. Tại Việt Nam, báo cáo Năng suất lao động Việt Nam (2015) của Viện Năng suất Việt Nam đã trình bày khá đầy đủ về các khái niệm năng suất tại Việt Nam: Năng suất lao động, năng suất yếu tố tổng hợp, năng suất lao động trong một số khu vực kinh tế, và so với một số nước. Một nghiên cứu từ một góc độ khác của Chương và Mỹ (2016) đã tính toán tăng trưởng năng suất lao động theo tiếp cận tăng trưởng - chia sẻ. Sự tăng trưởng năng suất lao động được tính toán dựa trên sự đóng góp của các hiệu ứng nền kinh tế: hiệu ứng dịch chuyển, hiệu ứng nội ngành, hiệu ứng động. Ở cấp độ địa phương, nghiên cứu “Đánh giá và phân tích tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2018” của Tăng Văn Khiên (2019) đã nghiên cứu, trình bày được phương pháp và cách tính năng suất lao động, tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp TFP, từ đó phân tích biến động của năng suất lao động và biến động của tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp TFP thành phố giai đoạn 2011 - 2018. Kết quả của những nghiên cứu nói trên bước đầu giúp làm rõ về các khái niệm, phương pháp tính toán cũng như thực trạng và biến động năng suất lao động tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, góp phần thực hiện đánh giá chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhìn chung mới dừng lại ở việc tính toán và chỉ ra vai trò của tăng trưởng NSLĐ trong tăng trưởng GDP của nền kinh tế chứ chưa đánh giá và lượng hóa NSLĐ đối với từng ngành, từng thành phần kinh tế. Thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng cho thấy, các chỉ tiêu liên quan đến năng suất như năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp đã dần được cải thiện, song vẫn ở mức thấp so với một số địa phương khác và thấp so với nhu cầu phát triển. Tốc độ tăng năng suất lao động trên địa bàn thành phố cũng có những sự biến động theo xu hướng giảm dần đặc biệt là trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, việc cải thiện NSLĐ trong cơ cấu các ngành, các khu vực kinh tế của thành phố vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Cụ thể, một số ngành kinh tế nằm trong định hướng phát triển của thành phố nhưng giá trị và tốc độ tăng về NSLĐ cũng chỉ ở mức khá như Vận tải kho bãi; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe động cơ khác, thậm chí một số ngành còn thấp hơn mức bình quân chung của thành phố như Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Giáo dục, đào tạo; Nghệ thuật vui chơi giải trí; trong tương quan năng suất lao động giữa các khu vực kinh tế thì NSLĐ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các loại hình kinh tế khác như kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề xuất nhiệm vụ nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này cho thấy, nghiên cứu làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động là vấn đề hết sức cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 2. Tổng quan sự phát triển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 Theo số liệu Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, GRDP theo giá thực tế thành phố Đà Nẵng năm 2019 ước đạt 109.150 tỷ đồng, gấp 3,14 lần năm 2010 và tốc độ tăng bình quân giai
  3. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 01 (69) - 2021 25 đoạn 2010 - 2019 đạt 7,89%/năm. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố thiếu sự ổn định. Đối với các ngành kinh tế thì dịch vụ là lĩnh vực có quy mô lớn nhất, ước đạt 70.233 tỷ đồng, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt 7,69%/năm. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24.456 tỷ đồng, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt 8,54%/ năm. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là lĩnh vực chiếm tỷ trọng thấp nhất, với quy mô năm 2019 chỉ ước đạt 2.048 tỷ đồng, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt 2,56%/năm. Đối với các phân ngành kinh tế, một số ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 cao hơn so với mức bình quân chung phải kể đến như: Dịch vụ lưu trú và ăn uống; CN cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý nước thải; CN SX phân phối điện, nước khí đốt nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Thông tin truyền thông; Nghệ thuật vui chơi giải trí; CN khai thác mỏ; Hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. Biểu đồ 1. Quy mô và tốc độ tăng trưởng GRDP TP. Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 (Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng) Đối với các loại hình kinh tế, loại hình kinh tế ngoài nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong tổng quy mô nền kinh tế thành phố. Giai đoạn 2010 - 2019, tỷ trọng đóng góp của loại hình kinh tế ngoài nhà nước có xu hướng tăng từ 57,5% năm 2010, tăng lên 62,41% năm 2019, đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng tăng từ 6,68% năm 2010, tăng lên 11,91% năm 2019, trong khi đó tỷ trọng đóng góp của loại hình kinh tế nhà nước có xu hướng giảm từ 35,64% năm 2010, xuống còn 25,68% năm 2019. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của khu vực kinh tế ngoài nhà nước Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 đạt thấp, bình quân chỉ đạt 8,45%/năm; trong khi tốc độ này của khu vực nhà nước là 4,40%/năm, của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 14,98%/năm.
  4. 26 Nguyễn Việt Quốc, Phạm Hồng Linh Biểu đồ 2. Tỷ trọng GRDP TP. Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 theo loại hình kinh tế (Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng) Với quy mô dân số thành phố năm 2019 là 1.134.310 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm đến 70% và 51% lao động có tay nghề, cho thấy nguồn nhân lực là một trong những lợi thế phát triển quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Bắt nguồn từ sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch mạnh từ lao động trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sang nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong giai đoạn 2010 - 2019, cơ cấu lao động tiếp tục có sự chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang các ngành khác đã làm cho lao động trong nông nghiệp tiếp tục giảm xuống còn 5% trong tổng số lao động có việc làm trong năm 2019 so với mức 8,89% năm 2010, tỷ lệ lao động trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng cũng giảm từ 44,10% năm 2010 xuống còn 28,92% năm 2019, trong khi đó tỷ lệ lao động trong nhóm ngành dịch vụ tăng từ 57,01% năm 2010 lên 66,08% năm 2019. Cùng với sự chuyển dịch lao động giữa các khu vực kinh tế, thì lao động giữa các loại hình kinh tế cũng có những sự chuyển dịch đáng kể. Trong đó, lao động khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 26,76% năm 2010 xuống còn 17,10% năm 2019; lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 66,86% năm 2010 lên 76,18% năm 2019; trong khi đó tỷ trọng lao động trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gần như được duy trì ở mức 6,38% năm 2010 và đạt 6,72% năm 2019. 3. Thực trạng năng suất lao động của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 3.1. Tổng quan năng suất lao động của thành phố Đà Nẵng Năng suất lao động của Đà Nẵng năm 2019 theo giá hiện hành ước đạt 187,74 triệu đồng/lao động tăng gấp 2,34 lần năm 2010. Tuy nhiên, tốc độ tăng NSLĐ của Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 có xu hướng giảm dần. Trong khi tốc độ tăng NSLĐ năm 2011 đạt đến 22,21% thì tốc độ tăng NSLĐ trong những năm sau đó có xu hướng giảm dần, cụ thể năm 2012 tốc độ tăng đạt 10,55%, năm 2016 tăng 7,08% và năm 2019 tốc độ tăng chỉ còn 3,47%. Theo đó, tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2010 - 2019 chỉ đạt 8,19%/năm.
  5. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 01 (69) - 2021 27 Biểu đồ 3. Năng suất lao động và tốc độ tăng NSLĐ của Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 (Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng) So với mặt bằng chung của cả nước, mặc dù NSLĐ của Đà Nẵng đạt giá trị khá cao, gấp gần 1,8 lần mức NSLĐ bình quân cả nước, tuy nhiên mức tăng NSLĐ của Đà Nẵng trong giai đoạn 2010 - 2019 đạt mức trung bình khá, chỉ ở mức xấp xỉ so với tốc độ tăng NSLĐ bình quân cả nước. Mặc dù năng suất lao động của thành phố Đà Nẵng so với các tỉnh thành phố lớn trong cả nước là khá cao, năng suất lao động năm 2018 của Đà Nẵng chỉ thấp hơn so với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và thấp hơn chút ít so với Hải Phòng, còn cao hơn so với các địa phương còn lại như Cần Thơ, Khánh Hòa, hay các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của thành phố có những sự biến động theo xu hướng giảm dần, đặc biệt là trong những năm gần đây. Bảng 1. NSLĐ và tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam và Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2019 Việt Nam Đà Nẵng NSLĐ (triệu đồng/ Tốc độ tăng NSLĐ (%) NSLĐ (triệu đồng/ Tốc độ tăng NSLĐ (%) người) theo giá (Giá hiện hành) người) theo giá (Giá hiện hành) thực tế thực tế 2010 43,99 - 80,23 - 2015 79,35 6,28 141,02 9,18 2016 84,47 6,45 150,99 7,08 2017 93,22 10,36 164,71 9,08 2018 102,16 9,59 181,43 10,16 2019 110,4 8,07 187,74 3,47 Bình quân - 8,25 - 8,19 2010 - 2019 (Nguồn: Tính toán từ Niên giám thống kê) 3.2. Năng suất lao động theo khu vực kinh tế và ngành kinh tế Trong giai đoạn 2010 - 2019, NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng bình quân cao nhất với 6,99%/năm, so với 5,51%/năm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và 2,53%/năm của khu vực dịch vụ. Trong số các ngành kinh tế cấp I, ngành Hoạt động kinh
  6. 28 Nguyễn Việt Quốc, Phạm Hồng Linh doanh bất động sản là ngành có NSLĐ cao nhất với bình quân một lao động năm 2019 theo giá hiện hành ước đạt 1.823,60 triệu đồng, gấp 9,71 lần mức NSLĐ xã hội chung của toàn thành phố. Tiếp theo là ngành Công nghiệp khai thác mỏ và Thông tin truyền thông với mức đạt được lần lượt là 679,74 triệu đồng và 625,15 triệu đồng, lần lượt cao hơn 3,62 và 3,32 lần mức NSLĐ xã hội chung của toàn thành phố. Các ngành có mức NSLĐ đạt trên 100 triệu đồng/lao động lần lượt là Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; CN SX phân phối điện, nước khí đốt nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Vận tải kho bãi; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; CN cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý nước thải; Nghệ thuật vui chơi giải trí; CN chế biến, chế tạo; Giáo dục, đào tạo; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe động cơ khác; Xây dựng; Dịch vụ lưu trú và ăn uống. Ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức NSLĐ xã hội đạt được khá thấp, chỉ đạt 70,44 triệu đồng/lao động. Đối với ngành Hoạt động kinh doanh bất động sản, mặc dù là ngành có NSLĐ cao nhất với bình quân một lao động năm 2019 theo giá hiện hành ước đạt 1.823,60 triệu đồng tuy nhiên tốc độ tăng NSLĐ xã hội bình quân trong giai đoạn 2010 - 2019 chỉ tăng 3,57% (thấp hơn mức bình quân chung của toàn thành phố với 4,43%). NSLĐ ngành Hoạt động kinh doanh bất động sản có những thời điểm tăng mạnh, đặc biệt vào các năm 2011, 2012, 2014, tốc độ tăng có năm lên đến 59,2% (năm 2012), tuy nhiên cũng có những năm NSLĐ giảm mạnh như năm 2013 giảm 35,2%, năm 2016 giảm 42,4% và trong thời gian gần đây cũng đang có xu hướng giảm do sự phát triển thiếu ổn định của thị trường bất động sản thời gian qua. Ngành Công nghiệp khai thác mỏ và CN chế biến, chế tạo là 02 ngành có tốc độ tăng NSLĐ bình quân khá cao với mức tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 lần lượt là 6,87% và 7,33%, cao hơn mức tăng bình quân chung của toàn thành phố. Tuy nhiên, trong khi ngành Công nghiệp khai thác mỏ đạt giá trị NSLĐ là 679,74 triệu đồng cao hơn 3,62 mức NSLĐ bình quân chung toàn thành phố, thì ngành CN chế biến, chế tạo chỉ đạt giá trị NSLĐ là 150,91 triệu đồng. Ngành Thông tin truyền thông với mức NSLĐ đạt được là 625,15 triệu đồng gấp 3,32 lần mức NSLĐ xã hội chung của toàn thành phố với mức tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt 3,48%. Mặc dù mức tăng thấp hơn mức tăng bình quân chung của toàn thành phố nhưng nhìn chung tốc độ tăng của ngành Thông tin truyền thông là khá ổn định qua các năm. Ngành Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và Hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành có mức NSLĐ đạt được khá cao trong giai đoạn 2010 - 2019, năm 2019 NSLĐ của các ngành ước đạt lần lượt là 575,47 triệu đồng và 414,08 triệu đồng, lần lượt gấp 3,07 lần và 2,21 lần mức NSLĐ xã hội chung của toàn thành phố. Tuy nhiên, tốc độ tăng NSLĐ (theo giá so sánh 2010) của ngành là khá thấp, thậm chí tốc độ tăng bình quân cho cả giai đoạn 2010 - 2019 đạt giá trị âm. Ngành Vận tải kho bãi và Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là các ngành cũng có mức NSLĐ đạt khá cao trong giai đoạn 2010 - 2019, năm 2019 NSLĐ của các ngành ước đạt lần lượt là 237,15 triệu đồng và 315,98 triệu đồng, lần lượt gấp 1,26 lần và 1,68 lần mức NSLĐ xã hội chung của toàn thành phố. Bên cạnh đó, tốc độ tăng NSLĐ của ngành mặc dù còn thấp, trung bình giai đoạn 2010 - 2019 lần lượt chỉ đạt 1,15%/năm và 1,38%/năm nhưng tốc độ tăng khá ổn định qua các năm.
  7. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 01 (69) - 2021 29 Ngành Dịch vụ lưu trú, ăn uống và Giáo dục, đào tạo là các ngành có tốc tăng NSLĐ ở mức khá, với giá trị tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt bình quân lần lượt là 5,08%/năm và 3,02%/năm, tuy nhiên giá trị về NSLĐ của ngành vẫn chỉ ở mức khá khiêm tốn, chỉ với lần lượt là 111,32 triệu đồng/lao động và 140,35 triệu đồng/lao động, thấp hơn cả giá trị NSLĐ xã hội chung của nền kinh tế thành phố. Biểu đồ 4. Tốc độ tăng NSLĐ xã hội (giá so sánh 2010) phân theo 3 khu vực kinh tế (Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng) 3.3. Năng suất lao động theo thành phần kinh tế Trong các thành phần kinh tế, NSLĐ khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn cao hơn so với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, năm 2019 giá trị NSLĐ 02 khu vực ước đạt lần lượt là 249,84 triệu đồng/lao động và 294,75 triệu đồng/lao động, cao lần lượt gấp 1,83 và 2,16 lần so với khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Kết quả này cho thấy, bên cạnh khu vực kinh tế nhà nước thì việc gia tăng sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài đã có tác động tích cực nhất định đến cải thiện NSLĐ thông qua việc các doanh nghiệp này mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến vào đầu tư trong nước. Không chỉ đạt giá trị NSLĐ cao, khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn có tốc độ tăng NSLĐ cao hơn so với khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong giai đoạn 2010 - 2019, tốc độ tăng NSLĐ bình quân của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt lần lượt là 6,2%/năm và 10,63%/năm so với chỉ 3,46%/năm của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Điều này cho thấy, tại Đà Nẵng hiện đang có một khoảng cách rất xa về NSLĐ giữa thành phần kinh tế ngoài nhà nước với hai thành phần kinh tế còn lại. Đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, thì NSLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tại thành phố Đà Nẵng vẫn là khá cao so với mặt bằng chung của cả nước và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Năm 2018, NSLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tại Đà Nẵng đạt 130,29 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành) gấp hơn 2,5 lần so với cả nước và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Điều này được lý giải bởi Đà Nẵng có nhiều yếu tố như môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực công nghệ, quản trị điều hành của doanh nghiệp tốt hơn so với các địa phương khác cùng khu vực.
  8. 30 Nguyễn Việt Quốc, Phạm Hồng Linh Biểu đồ 5. Năng suất lao động theo giá hiện hành phân theo thành phần kinh tế (Nguồn: Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng) 4. Đánh giá chung về năng suất lao động của thành phố Đà Nẵng 4.1. Kết quả đạt được Thực trạng năng suất lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua cho thấy, so với mặt bằng chung của cả nước, NSLĐ của Đà Nẵng đạt giá trị khá cao, năng suất lao động năm 2018 của Đà Nẵng chỉ thấp hơn so với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và thấp hơn chút ít so với Hải Phòng, còn cao hơn so với các địa phương còn lại như Cần Thơ, Khánh Hòa, hay các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Một số ngành kinh tế của thành phố theo định hướng phát triển của thành phố(2) như Thông tin truyền thông; Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là những ngành kinh tế có mức năng suất lao động khá cao. Đối với các khu vực kinh tế, mặc dù NSLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tại thành phố Đà Nẵng là thấp hơn so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng NSLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tại thành phố Đà Nẵng vẫn là khá cao so với mặt bằng chung của cả nước và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đây cũng là kết quả tích cực cho quá trình đầu tư, quan tâm của chính quyền thành phố trong việc nỗ lực cải thiện thị trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực so với các địa phương khác cùng khu vực. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, chính quyền thành phố khá quan tâm đến việc cải thiện năng suất lao động. Cụ thể, chính quyền thành phố đã ban hành các chính sách nhằm cải thiện năng suất lao động trên địa bàn thành phố như các chính sách về khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; chính sách nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khu vực tư; cũng như các chính sách về tiền lương cho người lao động. 4.2. Hạn chế và nguyên nhân Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực về NSLĐ trong giai đoạn vừa qua, thực trạng về năng suất thành phố vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện:
  9. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 01 (69) - 2021 31 - Mặc dù NSLĐ về mặt giá trị khá cao, tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của thành phố có những sự biến động theo xu hướng giảm dần, đặc biệt là trong những năm gần đây. Tốc độ tăng NSLĐ chỉ xấp xỉ với mức bình quân chung của cả nước. - Một số ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt được khá cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng NSLĐ chỉ đạt ở mức khá thấp như Dịch vụ lưu trú và ăn uống, thậm chí một số ngành còn đạt mức tăng NSLĐ dưới mức bình quân chung của thành phố như CN cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý nước thải; CN SX phân phối điện, nước khí đốt nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Thông tin truyền thông; Nghệ thuật vui chơi giải trí; Hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ. - Một số ngành kinh tế nằm trong định hướng phát triển của thành phố nhưng giá trị và tốc độ tăng về NSLĐ cũng chỉ ở mức khá như Vận tải kho bãi; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe động cơ khác, thậm chí một số ngành còn thấp hơn mức bình quân chung của thành phố như Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Giáo dục, đào tạo; Nghệ thuật vui chơi giải trí. - Khu vực kinh tế ngoài nhà nước được xác định là động lực chính của nền kinh tế thành phố nhưng mức năng suất lao động đang ở mức khá thấp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước từ mức 57,5% GRDP toàn thành phố năm 2010 đã tăng lên 62,41% năm 2019, tương ứng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước đã giảm trong cơ cấu GRDP. Tuy vậy, năng suất lao động của khu vực này lại không tăng tương ứng với sự gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chậm góp phần làm giảm tốc độ tăng năng suất lao động bình quân toàn thành phố. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có năng suất lao động bình quân cao hơn nhưng lại chỉ chiếm gần 12% trong cơ cấu kinh tế. Nhìn chung, NSLĐ của thành phố Đà Nẵng đạt mức khá so với mặt bằng chung của cả nước và địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, nếu so với nội tại của nền kinh tế thành phố thì mức NSLĐ vẫn chưa như kỳ vọng và chậm cải thiện qua các năm. Những hạn chế này xuất phát từ những nguyên nhân sau: - Trong những năm qua mô hình tăng trưởng của thành phố chủ yếu theo chiều rộng chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, song cơ cấu nội bộ các khu vực kinh tế còn nhiều bất cập. - Tỷ phần đóng góp bình quân của nhân tố năng suất các yếu tố tổng hợp đến tăng GRDP thành phố trong giai đoạn 2011 - 2018 là gần 23% (Tăng Văn Khiên, 2019). Mức đóng góp này là thấp hơn so với mức đóng góp của tài sản cố định, nhưng cao hơn so với mức đóng góp của lao động. Tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp trong giai đoạn 2010 - 2019 là không ổn định và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. - Khu vực kinh tế nhà nước chậm phát triển, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vẫn chỉ ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Bên cạnh đó, năng suất lao động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn thấp là nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất lao động chung của nền kinh tế thành phố. - Khu vực kinh tế ngoài nhà nước của thành phố Đà Nẵng phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Do đó, năng lực quản trị điều hành của nhiều doanh nghiệp còn yếu, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn, quản lý tài chính còn thiếu minh bạch nên khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, nguồn vốn hoạt động chủ yếu dựa vào gia đình, bạn
  10. 32 Nguyễn Việt Quốc, Phạm Hồng Linh bè hoặc thế chấp tài sản vay vốn. Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức và tiếp cận trong việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 một cách có hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành còn nhiều bất cập. Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố(3), chỉ có khoảng 35% doanh nghiệp đã áp dụng ISO 9001 và có đến 50% doanh nghiệp được khảo sát chưa áp dụng tiêu chuẩn này. - Các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước của thành phố đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp này thường có nguồn vốn không lớn và thường thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh ngay tại nơi ở (nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể); đặc biệt các cơ sở sản xuất trong khu dân cư còn đứng trước áp lực phải di dời theo quy định bảo vệ môi trường của thành phố. Trong khi đó, để thuê đất trong các khu công nghiệp của thành phố thì các doanh nghiệp này không đủ điều kiện để thuê đất cũng như giá thuê đất vẫn còn cao so với khả năng của các doanh nghiệp này. Do đó, khi thực hiện di dời thì rất khó tìm được địa điểm phù hợp với quy hoạch và không đủ vốn để đầu tư mua đất và xây dựng nhà xưởng mới phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đây chính là vòng luẩn quẩn của bài toán giải quyết mặt bằng kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố. - Môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính tại thành phố có nhiều bước tiến đáng kể tuy nhiên thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều thủ tục cũng như các giấy phép con không còn hợp lý, thời gian chờ đợi xử lý hồ sơ chiếm nhiều thời gian; các lĩnh vực còn rườm rà như thiết kế, xây dựng, thẩm định Việc này làm tăng chi phí thời gian cũng như chi phí không chính thức của doanh nghiệp qua đó làm giảm NSLĐ chung. Môi trường kinh doanh tại thành phố nhìn chung còn thiếu minh bạch, khó tiếp cận thông tin, đặc biệt còn nhiều khó khăn trong việc đấu thầu dự án đầu tư của nhà nước, tiếp cận các dự án về cơ sở hạ tầng, hợp đồng nhà nước Sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt theo chiều hướng cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường bị tác động bởi các doanh nghiệp lớn (chủ yếu là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước) trong khi doanh nghiệp nhỏ luôn bất lợi Vì vậy, dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh và gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể mở rộng quy mô, trưởng thành và lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh thật sự. 5. Kết luận và những vấn đề đặt ra đối với việc tăng năng suất thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến Giai đoạn 2010 - 2019, bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng cũng đang đối mặt với một số thách thức lớn trong quá trình phát triển. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ vào tăng vốn đầu tư, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn thấp; năng suất lao động chưa đạt được như tiềm lực sẵn có. Trên cơ sở phân tích thực trạng năng suất lao động, nghiên cứu này nhận diện một số vấn đề trọng tâm đối với việc tăng năng suất thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến như sau: Thứ nhất, Xây dựng một chiến lược tổng thể cho việc cải thiện năng suất lao động của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. Đặc biệt là việc phân bổ và sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực đầu tư, cải thiện năng suất lao động tập trung vào một số ngành nằm trong định hướng phát triển của thành phố có NSLĐ còn thấp như Vận tải kho bãi; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe động cơ khác; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Giáo dục, đào tạo và Nghệ thuật vui chơi giải trí.
  11. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 01 (69) - 2021 33 Thứ hai, Tận dụng và tiếp cận với những thành tựu và những bước phát triển mới của khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp phải là đội ngũ tiên phong thực hiện công việc này nhưng với vai trò của mình nhà nước phải có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, thậm chí phải dùng các những biện pháp cứng rắn, ép buộc để doanh nghiệp phải đổi mới. Thứ ba, Nhanh chóng thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng góp phần nâng cao khả năng tiếp cận khoa học công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn, đảm bảo cho quá trình tăng năng suất lao động bền vững. Thứ tư, Nâng cao tốc độ tăng năng suất lao động đối với các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như du lịch, thương mại, công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics Thứ năm, Tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần chính sách đột phá nhằm cải thiện tiền lương, thu nhập và các yếu tố đời sống của người lao động. Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố tổng hợp góp phần vào tăng trưởng năng suất lao động. Chú thích: (1) Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả sử dụng phương pháp tính toán NSLĐ theo định nghĩa này của Tổ chức Lao động Quốc tế. Theo đó, NSLĐ bằng GRDP chia cho tổng số người làm việc bình quân trong kỳ. (2) Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (3) Kết quả khảo sát phục vụ dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” Tài liệu tham khảo Freeman, R. (2008). Labour productivity indicators. Comparison of two OECD databases, productivity differentials and the Balassa-Samuelson effect. Retrieved from OECD Statistics Directorate Website: oecd. org/dataoecd/57/15/41354425. pdf. Huỳnh Ngọc Chương và Lê Nhân Mỹ. (2016). Tăng trưởng năng suất lao động tại Việt Nam: Tiếp cận từ phân tích tăng trưởng - chia sẻ. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 19. Jorgenson, D. Gollop, F. and Fraumeni, B. (1987). Productivity and U.S. Economic Growth. Harvard University Press, Ma. OECD. (2002). Measuring productivity-OECD Manual: Measurement of Aggregate and Industry-Level Productivity Growth. Organisation for Economic Co-operation and Development. Tăng Văn Khiên. (2018). Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp: phương pháp tính và ứng dụng. Nxb Thống Kê. Hà Nội. Tăng Văn Khiên. (2019). Đánh giá và phân tích tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2018. Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp thành phố. Viện Năng suất Việt Nam. (2016). Báo cáo Năng suất Việt Nam 2015. Truy xuất từ http:// vnpi.vn/vn/thu-vien-tai-lieu/bao-cao-trong-nuoc/bao-cao-nang-suat-viet-nam-2015-1444. aspx, ngày 09/8/2020. Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng. (2010 - 2019). Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng. Nxb Thống kê.