Những khoảng tối của bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011- 2017 và một số kiến nghị

pdf 15 trang Gia Huy 18/05/2022 3250
Bạn đang xem tài liệu "Những khoảng tối của bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011- 2017 và một số kiến nghị", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_khoang_toi_cua_buc_tranh_tang_truong_kinh_te_viet_nam.pdf

Nội dung text: Những khoảng tối của bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011- 2017 và một số kiến nghị

  1. NHỮNG KHOẢNG TỐI CỦA BỨC TRANH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011- 2017 VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GS.TS. Ngô Thắng Lợi PGS.TS. Trần Thị Vân Hoa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Năm 2017 kết thúc khá ấn tượng bởi những thành quả đạt được của cả giai đoạn 2011-2017. Về kinh tế - xã hội, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng về tăng trưởng kinh tế, GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kèm theo đó là một loạt các con số “kỷ lục” về tăng trưởng kinh tế đạt được, xét từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, bài viết muốn đi sâu vào một khía cạnh ngược lại: Đằng sau những thành quả đạt được là những “khoảng tối” đang chi phối khá đậm nét bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 cả về mặt số lượng và chất lượng. Trong đó không thể không nhắc đến tính chất đậm nét của mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công, sự phụ thuộc lớn của tăng trưởng bởi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tính chất kém hiệu quả của tăng trưởng. Những khoảng tối đó, ở một mức độ nhất định đã cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua và cần phải có sự đột phá trong những năm tới, để có thể đạt được tăng trưởng nhanh, bền vững và hiệu quả cao. Từ khoá: Tăng trưởng, gia công, hiệu quả, khởi nghiệp, bền vững 1. Các thành quả đạt đƣợc về tăng trƣởng kinh tế giai đoạn 2011- 2017 Theo Báo cáo cập nhật được công bố bởi Ngân hàng Thế giới (WB) (12/2017): Kinh tế Việt Nam, với sự hỗ trợ tích cực bởi các yếu tố trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, đã được đánh giá là đang tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ năm 2011 đến 2017 và năm 2017 đạt được tăng trưởng cao nhất, kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định tốt nhất. 13
  2. Bảng 1: Năm thành quả tăng trƣởng đáng ghi nhận của giai đoạn 2011-2017 Chỉ tiêu 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Tăng trưởng GDP (%) 6,24 6,25 5,42 5,98 6,68 6,21 6,81 Tăng trưởng CN CB-CT(%) 9,5 4,5 7,6 8,7 10,5 11,9 17,8 Tăng trưởng xuất khẩu (%) 20,8 18,1 15,3 13,8 7,9 9,0 21,1 Tăng trưởng GDP/người (%) - 7,4 3,1 7,5 2,7 2,6 7,6 Cán cân thương mại (tỷ USD) -3,8 +0,7 0 +2,4 -3,6 +2,5 +2,7 Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ số liệu Tổng cục Thống kê Bảng 1 cho thấy: (i) Xu hướng tăng trưởng giai đoạn 2011-2017 của Việt Nam khá tích cực và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh đặt ra là khả thi. Tăng trưởng trung bình năm đạt 6,2%, năm 2017 đạt mức cao nhất trong thời kỳ này (6,81%), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (5,2%), châu Á (6%) và toàn thế giới (3,6%) (số liệu ADB). (ii) Cấu trúc tăng trưởng theo ngành đã chuyển dịch đúng hướng CNH, HĐH tốc độ tăng trưởng ngành CN chế biến, chế tạo tăng gấp 2,7 lần so với mức tăng trưởng chung. Ngành nông nghiệp có xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành, với những ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao như lâm nghiệp và thuỷ sản thì xu hướng chuyển đổi của ngành nông nghiệp đạt tốc độ cao hơn nhiều. Một số ngành dịch vụ chất lượng cao đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao liên tục từ 2011 đến 2017. Đến năm 2017, đạt cao nhất, đó là ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (8,14%). Sau đó là kinh doanh bất động sản (4,07%). (iii) Nền kinh tế Việt Nam được kh ng định là một nền kinh tế mở với xu hướng tích cực, không những kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh (bình quân năm giai đoạn 2011-2017 cao hơn 2,6 lần mức tăng trưởng GDP, riêng năm 2017 gấp 3 lần), mà kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt mốc 400 tỷ USD vào năm 2017. Cán cân thương mại đang có chiều hướng tích cực, xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu thường xuyên đạt được trong giai đoạn 2011-2017. (iv) Kết quả tăng trưởng tổng thu nhập cao đã làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2017 đạt trên 5%, năm 2017 đạt cao nhất (7,6%), với mức 53,5 triệu đồng (tương đương với 2385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016). Tỷ lệ lạm phát được khống chế ở mức thấp, thường xuyên ở mức dưới 5%, năm 2017 chỉ là 1,7%, tạo điều kiện để nâng cao mức thu 14
  3. nhập thực của dân cư. Tỷ lệ nghèo đói vì thế giảm đi khá lớn. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 ước tính chỉ còn 8%. Có được những thành công nói trên, là do cả các yếu tố bên trong lẫn các yếu tố bên ngoài. Ở bên ngoài, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi tốt hơn, xu hướng tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu cũng hồi phục, rõ nét nhất là trong năm 2017 (theo đánh giá của WB), nhờ sự gia tăng đầu tư, thương mại và sản xuất công nghiệp. Các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc đều có sự phục hồi vững chắc, đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, phải kh ng định vai trò quan trọng của “Chính phủ kiến tạo”, nhất là trong năm 2017, đã kiên định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, chủ động bám sát kế hoạch, có kịch bản tăng trưởng cho từng quý và cả năm, chỉ đạo theo chuyên đề, đặt ra các giải pháp tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Về chính sách, Chính phủ điều hành theo hướng chuyển dần từ sử dụng cơ chế chính sách ưu đãi chủ yếu sang coi trọng xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. 2. Những “khoảng tối” của bức tranh tăng trƣởng kinh tế năm 2017 Thứ nhất, sự suy giảm rất sâu tăng trưởng ngành khai thác dầu khí Bảng 2. Tăng trƣởng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (%) 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Tăng trưởng công nghiệp 6.8 5.8 5.9 7.6 9.7 7.57 9.4 Tăng trưởng khai thác khoáng sản -0.1 5 -0.16 2.4 6,5 -4 -7.1 Trong đó Than 3.9 -0.9 -1.7 0 3.6 -2.9 -0.5 Dầu khí -0.8 10.2 -0.5 2.5 8 -8 -9.3 Nguồn: Tính toán từ các số liệu của Tổng cục Thống kê Các số liệu thống kê các năm qua bảng 2 đã cho thấy giai đoạn 2011-2017, ngành khai thác khoáng sản có biểu hiện tăng trưởng thất thường, xu hướng suy giảm ngày càng mạnh ở 2 năm cuối. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của ngành này giảm sâu nhất (-7,1%), trong đó, sự giảm sút nặng nề nhất trong sản lượng khai thác của ngành khai thác dầu khí (-10,8% sản lượng và -9,3% giá trị) là nguyên nhân chính. Sự suy giảm sản lượng khai thác dầu đã dẫn đến những hậu quả khá lớn, không chỉ làm giảm sút tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, mà 15
  4. quan trọng hơn, ảnh hưởng đến một số khía cạnh liên quan chuỗi sản xuất và tiêu thụ: (i) Ngành chế biến dầu (hoá dầu) trong nước không tăng trưởng được, sản phẩm khí hoá lỏng sản xuất có tốc độ tăng trưởng âm trong nhiều năm (năm 2017: -10,8%); (ii) Do nhu cầu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu như xăng, dầu, khí đốt tăng khá lớn làm cho tăng trưởng nhập khẩu các sản phẩm đó tăng liên tục (năm 2017 là 9% sản lượng và 34% giá trị đối với xăng và 43% đối với khí hoá lỏng), cao hơn nhiều so với tăng trưởng nhập khẩu chung cùng kỳ (20,8%). Các nguyên nhân của sự giảm sút này có thể thấy là: (i) Giá dầu đã liên tục có xu hướng giảm xuống, năm 2017 giá đầu ở mức thấp hơn so với nhiều năm trước, đã làm cho khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút, trong khi đó các cường quốc như Nga, Mỹ, kể cả các nước trong khối APEC cũng đều có kế hoạch tăng sản lượng khai thác; (ii) Sản lượng khai thác dầu thô giảm liên tục, năm 2017 giảm mạnh nhất do hầu hết các mỏ đều đã qua thời điểm “đỉnh” khai thác, hiện tại đang thuộc giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ theo như sơ đồ công nghệ; (iii) Sự giảm giá dầu giai đoạn 2014-2017 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động tìm kiếm thăm dò để đưa các công trình khai thác mới đưa vào để bổ sung sản lượng khai thác, năm 2017 chỉ đưa 1 công trình mới vào khai thác. Thứ hai, bức tranh tăng trưởng nhờ gia công đậm nét hơn Trong nông nghiệp: Nông nghiệp công nghệ cao (cả trồng trọt và chăn nuôi) hiện nay đang phụ thuộc 80% bởi giống nhập khẩu, các yếu tố đầu vào khác trong sản xuất nông nghiệp cũng đang phải nhập khẩu với số lượng lớn như phân bón (11%), thuốc trừ sâu (34,9%), máy móc thiết bị, xăng dầu phục vụ nông nghiệp (17,3%). Trong khi đó việc sản xuất các sản phẩm này trong nước còn khá hạn chế: sản xuất thức ăn gia súc (3,6%), thuốc trừ sâu (-2,6%), phân hoá học (6,7%) (các con số tính toán từ báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2017). Mặc dù ngành chế biến, chế tạo được xem là động lực tăng trưởng nhanh năm trong toàn giai đoạn 2011-2017 (đạt 9,6 %/năm), năm 2017 tăng gấp 2 lần so với mức tăng trưởng chung (đạt 14,5%), đóng góp 9,4% vào tăng trưởng công nghiệp. Tuy nhiên, tính chất hoạt động vẫn mang hình dáng của những “công xưởng gia công”. 16
  5. Hình 1. Tăng trƣởng một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo 2017 Nguồn: Tính toán từ các số liệu của Tổng cục Thống kê Hình 1 cho thấy năm 2017, tăng trưởng ngành CN chế biến, chế tạo đạt 14,5% chủ yếu là do kết quả của các ngành gia công, lắp ráp đạt tốc độ tăng trưởng cao: sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học 32,7% (gấp 2,25 lần tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo), lắp ráp ti vi 30,5% (gấp 2,1 lần). Trong khi đó các ngành chế biến, chế tạo từ nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo, nhiều ngành rất quan trọng nhưng tăng trưởng rất thấp như: Chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, dệt may, giầy dép, sản xuất thuốc lá, Tăng trưởng nhờ vào gia công, xét trên phạm vi quốc tế thì đó chính là sự phân công lao động theo chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và đó cũng có thể gọi là hiệu ứng tốt cho các nước có trình độ công nghệ thấp nếu được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do trình độ công nghệ quá thấp, việc chỉ đảm nhận được khâu gia công là hợp lý. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia có khá nhiều nguyên liệu thô, lại phải xuất khẩu đi để nhập lại các hàng hoá trung gian và gia công lắp ráp, vì thế, nếu nằm quá lâu và bị chi phối quá nhiều vào gia công, thì tính hiệu quả, chất lượng tăng trưởng sẽ là một vấn đề cần phải xem xét. Trong một tương lai không xa nữa (chúng ta đang nằm ở thời kỳ dân số vàng), tăng trưởng nhờ vào gia công sẽ còn nhiều hệ không tích cực khác liên quan đến tính bền vững của tăng trưởng. Khi giá lao động trong nước cao dần lên, khâu “gia công” trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không còn được các tập đoàn quốc tế “phân công” cho Việt Nam nữa. 17
  6. Thứ ba, tăng trưởng nhanh vẫn chịu sự chi phối bởi các doanh nghiệp FDI Điểm bất cập thứ hai đã cho thấy tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011-2017 vẫn mang nặng tính chất tăng trưởng nhờ gia công. Một điểm đáng nói hơn, các hoạt động gia công đó lại được diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI gần như 100% vốn nước ngoài. Bình quân năm giai đoạn 2011-2017, khu vực CN chế biến chế tạo tăng 9,6% nhưng khu vực FDI đã đóng góp khoảng 2/3 vào thành quả này. Năm 2017, tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 14,5%, đóng góp 9,4 điểm phần trăm tăng trưởng ngành CN trong đó, Samsung và Formosa chiếm 4,02 điểm phần trăm (42,7%) (tính toán từ các số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đến 1/12/2017 tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó doanh nghiệp FDI tăng 6,9%, còn khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng chỉ tăng 3,9%. Một điều đáng nói hơn nữa, các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động dưới dạng tạm nhập tái xuất và các lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu kiểu này đóng vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế. Hình 2. Tăng trƣởng xuất nhập khẩu năm 2017 Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê Theo hình 2, đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao năm 2017 (21,1%) là nhờ sự đóng góp chính của ở các doanh nghiệp FDI với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 73% và tăng trưởng 26% (không kể dầu thô). Trong khi đó khu vực trong nước, các số liệu tương ứng là 27% và 16%. Tương tự như vậy kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực FDI chiếm 66% tăng 24%, khu vực trong nước các số liệu tương ứng 18
  7. là 35% và 17%. Một số sản phẩm xuất khẩu được sản xuất ở các doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu và đạt tốc độ tăng trưởng nhanh như điện thoại (chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu và tăng 31,4%), điện tử, máy tính (các số liệu tương ứng là 15% và tăng 36,5%), kim ngạch nhập khẩu phụ tùng, linh kiện của các sản phẩm đó cũng chiếm tỷ trọng cao và tăng trưởng nhanh: linh kiện điện tử,máy tính (chiếm 20% kim ngạch nhập khẩu và tăng trưởng 35%), linh kiện điện thoại (các số liệu tương ứng: 12% và 53,2%). Nguyên nhân của tình trạng tăng trưởng được chi phối chính bởi các doanh nghiệp FDI là do các doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực tư nhân có nhiều hạn chế về năng lực sản xuất kinh doanh, lại luôn gặp khó khăn trong quá trình hoạt động và sự liên kết và hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI chưa tốt. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2017 vẫn có 12.113 doanh nghiệp tuyên bố giải thể và 60553 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể (xấp xỉ với năm 2016). Trong số các doanh nghiệp hoạt động, có 55,2% luôn gặp khó khăn hoặc là sản xuất không thay đổi, trong đó 61% cho rằng khó cạnh tranh, 32,7% vì vấn đề tài chính, 32% không tuyển được lao động. Năm 2017, có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới nhưng chỉ có 16.200 là doanh nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 12.8%, thấp hơn năm 2016 chiếm 18%). Thứ tư, hiệu quả tăng trưởng còn rất thấp. Có thể theo dõi hiệu quả tăng trưởng qua các chỉ số: hiệu quả sử dụng vốn – hệ số ICOR (tỷ lệ đầu tư so với GDP/tốc độ tăng trưởng GDP) và năng suất lao động xã hội (GDP/lao động) qua bảng dưới: Bảng 3. Hệ số ICOR và tốc độ tăng trưởng NSLĐ Việt Nam giai đoạn 2011-2017 Trung bình 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2011-2017 ICOR 5.34 5.92 5.63 5.18 4.88 5 4.9 5,2 Tốc độ tăng 3.49 3.06 3.83 4.72 6.68 4.91 6 4.7 NSLĐ (%) Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê Bảng số liệu trên cho thấy: - Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (tính theo hệ số ICOR) đang có xu hướng tăng dần, hệ số ICOR của năm 2017 đạt mức tương đương với 3 năm gần đây và thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2011-2017 (5,2). Tuy nhiên, nếu xét hiệu quả 19
  8. sử dụng vốn, so với các nước ở vào cùng thời kỳ tăng trưởng nhanh và trình độ công nghệ tương xứng với Việt Nam thì con số 5,2 (trung bình giai đoạn 2011- 2017) và 4,9 của năm 2017 thì còn qua thấp (tức là ICOR còn quá cao). Nhật Bản (những năm 1970), Hàn Quốc, Đài Loan (những năm 1980) cũng với mục tiêu tăng trưởng nhanh và trình độ công nghệ như Việt Nam hiện nay nhưng hệ số ICOR chỉ là 2.5-3 (tức là chỉ bằng ½ của Việt Nam). Nguyên nhân của hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, xuất phát từ nhiều nhân tố, trong đó đáng quan tâm nhất, đó là: (i) Phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý, chưa có “điểm rơi” hướng tới những ngành hay vùng động lực; (ii) Cơ cấu vốn đầu tư chưa hợp lý với tỷ lệ đầu tư công, đầu tư từ ngân sách còn quá cao; (iii) Quản lý quá trình đầu tư vốn còn nhiều bất cập. - NSLĐ xã hội giai đoạn 2011-2017, bình quân năm đã tăng lên (4,7%), năm 2017, đạt 6%, tăng lên tới 25% so với mức trung bình của cả giai đoạn. Tuy nhiên, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, (theo sức mua tương đương năm 2011), năng suất lao động của Việt Nam đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% NSLĐ của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Chênh lệch mức NSLĐ của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Lào từ 220 USD lên 1.422 USD. NSLĐ của Việt Nam thấp hơn và ngày càng chênh lệch so với các nước được giải thích bởi: (i) Tỷ lệ thất nghiệp (hữu hình và trá hình) còn khá cao trong khi lao động có việc làm trình độ, năng lực lao động thấp; (ii) Công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao và 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất; (iii) Lao động Việt Nam chủ yếu đảm nhận sản xuất các sản phẩm và công đoạn sản xuất gia công, không tạo ra sản phẩm có thương hiệu để cung ứng cho thị trường. 3. Khuyến nghị giải pháp cho năm 2018 và những năm tiếp theo Ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2018 Để làm nền cho việc đề xuất các giải pháp cho năm 2018 và những năm tiếp theo, bài viết ước lượng con số tăng trưởng năm 2018 theo phương pháp xu thế, có chú ý đến những thay đổi (dự báo) về các điều kiện sản xuất kinh doanh của năm 2018. 20
  9. Bảng 4. Ƣớc tính tốc độ tăng trƣởng GDP năm 2018 theo xu thế tăng trƣởng giai đoạn 2011-2017 2011- 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2017 Tốc độ tăng 6,24 6,25 5,42 5,98 6,68 6,21 6,81 6,25 trưởng (%) Hệ số tăng 1,01 0,87 1,11 1,12 0,93 1,1 1,05 trưởng Nguồn: Tính toán từ số liệu Báo cáo Tổng cục Thống kê Như vậy, với việc dự báo theo xu thế tăng trưởng GDP giai đoạn 2011- 2017, khả năng tăng trưởng GDP của năm 2018 có thể đạt con số 6,57%. Nhưng nếu dựa thêm vào các dự báo về xu hướng sản xuất kinh doanh của quý 1 năm 2018 theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp, theo đó: 48,2% số doanh nghiệp đánh giá sản xuất tốt lên (năm 2017 là 44,5%), 49,2% doanh nghiệp dự kiến khối lượng sản xuất tăng lên (so với năm 2017 là 46,2%), 43,6% doanh nghiệp có khối lượng hợp đồng sản xuất tăng lên (năm 2017 là 39,3%) và 35,8% doanh nghiệp dự kiến khả năng xuất khẩu hàng hoá tăng lên (năm 2017 là 32,3). Như vậy, có thể thấy khả năng tăng trưởng năm 2018 có thể cao hơn khoảng 3%-5% so với mức trung bình của giai đoạn 2011-2017. Như vậy bằng phương pháp ngoại suy, có chú ý đến những khả năng tốt hơn của năm 2018, tăng trưởng GDP của VN có thể dự kiến đạt mức từ 6,5 đến 6,9%. Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng nói trên, năm 2018 và những năm tiếp theo, cần hướng tới khắc phục các nguyên nhân của những rào cản tăng trưởng kinh tế năm 2017. Theo đó một số khuyến nghị giải pháp như sau: Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước. Giải pháp này hướng tới việc nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp cho các doanh nghiệp trong nước phải xuất phát từ những quan điểm giải quyết khó khăn của họ trong quá trình hoạt động. Theo đó một số khuyến nghị cụ thể như sau: - Quan trọng nhất vẫn là thực hiện nhanh quá trình “cởi trói” cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh và bảo vệ hợp pháp của nhà đầu tư, tuyệt đối không đặt ra các rào cản, các 21
  10. điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương đã được “phân vai” với các nhiệm vụ cụ thể từ rà soát để loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính còn rườm rà, mang nặng tư tưởng “xin - cho”, đến việc xây dựng các cơ chế tài chính, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp - Tháo gỡ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ và vừa, cần tiếp tục hỗ trợ với mức độ mạnh hơn các chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng vốn, đa dạng hoá các hình thức cho vay, các sản phẩm cho vay, đơn giản hoá thủ tục vay và thanh toán, đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn cho các doanh nghiệp. - Hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các bộ ngành thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu; tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cụ thể về quy định trong (AEC), nhằm giúp doanh nghiệp hiểu chính xác và đầy đủ về các nội dung cốt lõi của AEC để định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp. Thứ hai, thực hiện chính sách nhằm tạo tăng trưởng tích cực đối với các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và than đá. Vấn đề này không phải quan điểm muốn hướng tăng trưởng vào các ngành khai thác tài nguyên mà xuất phát từ: (i) Ngành khai thác dầu mỏ ở Việt Nam đang cần phải gia tăng sản lượng, không chỉ để hướng về xuất khẩu sản phẩm thô, mà còn làm cơ sở cho sự phát triển các ngành công nghiệp chế biến (hoá dầu) có giá trị gia tăng cao ở trong nước, làm cơ sở cho phát triển các ngành công nghiệp thế hệ thứ 3 (có dung lượng vốn cao): (ii) Việt Nam hiện nay vẫn nhập khẩu than, trong khi đó than sạch trong nước đang bị tồn kho lớn do giá trong nước khá cao; (iii) Ngành khai thác dầu mỏ và than đá đã qua giai đoạn phát triển đỉnh cao nên gặp nhiều khó khăn trong khai thác, tìm kiếm thăm dò nguồn mới. 22
  11. Trước mắt, để thúc đẩy tăng trưởng của nhóm sản phẩm này cần: - Bám sát diễn biến của thị trường để có phản ứng chính sách cũng như điều tiết cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm hiệu quả tối ưu và đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP của ngành khai thác dầu mỏ, khí đốt và than đá. - Nghiên cứu và thông qua các chính sách về thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất. Ví dụ như với trường hợp ngành than, trong thực tế hiện nay, tổng hợp các loại thuế và phí chiếm trong giá thành than hiện nay khoảng 14-15% đối với than tiêu thụ trong nước và khoảng 35% đối với than xuất khẩu. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (2%) thì thuế tài nguyên đối với than hầm lò hiện nay khoảng 12%, than lộ thiên khoảng 14%, cao hơn từ 7-10% so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu. - Riêng đối với than, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tập đoàn dầu khí, tập đoàn điện lực, các tập đoàn hóa chất, xi măng ưu tiên sử dụng than của TKV trên cơ sở giá thị trường. Tuy nhiên, Bộ bổ sung, giá bán than tối đa phải bằng giá than nhập khẩu, và đề nghị nhiều Bộ, ngành vào giám sát, kiểm tra cơ cấu giá. Thứ ba, tiếp tục chuyển đổi từ công nghiệp gia công sang chế biến chế tạo bằng chính sách tiếp tục xem FDI là động lực tăng trưởng nhưng cần có giải pháp gắn kết các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI. Khuyến nghị này có 2 nội dung: - Tiếp tục tăng cường các chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của dòng vốn này, trong thời gian tới, cần lưu ý đến nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đặc biệt chú trọng các dự án FDI có quy mô vốn lớn, các nhà đầu tư công nghệ gốc. Chỉ tiếp nhận các dòng FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ và có đặt nội dung hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong nước và các FDI dưới dạng liên danh liên kết với các doanh nghiệp trong nước. - Thực hiện liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Giải pháp này một mặt nhằm thục hiện gắn kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, và hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế. Thực hiện 23
  12. giải pháp này, cần xây dựng và thực hiện lộ trình thực hiện gắn với doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp Việt Nam theo chuỗi giá trị toàn cầu với quan điểm chủ đạo là đẩy mạnh phát triển CN hỗ trợ trong nước xung quanh quỹ đạo của các doanh nghiệp FDI. Các định hướng chính thực hiện như sau: - Phối hợp hoặc có thể yêu cầu các doanh nghiệp FDI khi lập dự án xin cấp phép đầu tư phải lập hồ sơ chuỗi và công bố các cấu phần tiềm năng cho doanh nghiệp sở tại. Bên cạnh việc lôi kéo các dự án FDI của Chính phủ, các doanh nghiệp nội địa cần chủ động đầu tư các công nghệ phù hợp, chọn lộ trình phát triển thích hợp để chủ động liên kết được với các đối tác phù hợp và đón nhận các cấu phần sản xuất có lợi thế so sánh và giá trị tăng cao hơn. - Xây dựng các kế hoạch để thực hiện sự hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI trước hết trong việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa, nhất là năng lực nhân lực có thể đảm nhận những hoạt động kỹ thuật cao, năng lực hấp thụ công nghệ cao. - Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đây chính là chìa khóa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp, đồng thời cũng là chìa khóa cho các mối liên kết doanh nghiệp nội địa - doanh nghiệp FDI khi làn sóng FDI mới đổ dồn vào Việt Nam sau các định hướng lại nền kinh tế vĩ mô. - Xây dựng các chính sách khuyến khích (nếu có thể, gắn thành điều kiện) để các doanh nghiệp FDI chuyển giao các cấu phần gia công, cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp nội địa. Các chính sách khuyến khích đó, có thể nhấn mạnh đến chính sách đất đai, chính sách ưu đãi thuế, chính sách lãi suất đối với các sản phẩm tạo ra được từ hoạt động liên kết. Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu triển khai (R&D) tăng cường khởi nghiệp theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Giải pháp này nhằm nâng cao trình độ công nghệ của kinh tế quốc nội trong bối cảnh kinh tế mở bằng con đường “hun đúc” công nghệ nội sinh. Thực hiện điều đó có tác dụng nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ và hiệu quả tăng trưởng trong các ngành kinh tế, thực hiện tốt sự liên kết các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI. Có hai kiến nghị cụ thể đối với giải pháp này: - Thực hiện tăng cường khởi nghiệp theo quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để định hướng các hoạt động khoa học công nghệ trong các đơn vị 24
  13. nghiên cứu các cơ quan, viện, trường đại học. Trong bối cảnh này, cần phải hình thành mô hình trung tâm cạnh tranh, trong đó trọng tâm là liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm trọng tài trung gian. Nhà nước đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, thay mặt doanh nghiệp chi vốn cho các trường đại học và các viện nghiên cứu. Thực chất đây là mô hình được học hỏi từ các trung tâm cạnh tranh trên thế giới. Trung tâm bao gồm các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà đầu tư và các tổ chức kinh tế - xã hội tự nguyện liên kết, phối hợp với nhau nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của từng thành viên tham gia. - Đặt nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình nghiên cứu và triển khai cho các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường chuyên ngành nhất là ở lĩnh vực kỹ thuật. Điểm mới trong đề xuất này là không đặt nhiệm vụ cho các đơn vị này một cách chung chung, mà cần có những hợp đồng nghiên cứu và triển khai (R&D) cụ thể, đối với từng loại công nghệ mới áp dụng trong sản xuất có khả năng thích ứng và gắn trực tiếp với địa bàn cụ thể như nói ở trên. Trong quá trình đó, cần có sự hỗ trợ tài chính và phương tiện kỹ thuật không phải chỉ của nhà nước mà là đã dạng hoá các nguồn hỗ trợ. - Hướng hoạt động R&D liên quan đến đổi mới công nghệ vào các khu công nghệ cao. Đây là một hướng cần làm và thậm chí cần xem như là hoạt động cần đặc biệt ưu tiên đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực này ở các khu công nghệ cao. Theo quan điểm của bài viết, đây là địa bàn tốt nhất để thực hiện nhanh việc nghiên cứu mang tính chất “lồng ấp”, áp dụng thí điểm, tiếp đó là áp dụng sản xuất trong khu công nghệ cao để tính toán hiệu quả kinh tế và các điều kiện để áp dụng, để từ đó, phát triển ra các doanh nghiệp, các địa phương và các vùng có nhu cầu sử dụng. Thứ năm, tăng cường chính sách kích cầu đầu tư trong nước, nhất là khu vực tư nhân. Kích cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước là chính sách có hiệu ứng “hai trong một” đối với chúng ta hiện nay. Một mặt, nhằm mục tiêu khắc phục điểm yếu về kinh tế nội địa thời gian qua do đầu tư trong nước có xu hướng bị “chìm dần”. Năm 2017, mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư GDP đạt trên 33,3%. Tuy nhiên vẫn cần phải đạt mục tiêu cao hơn lên (34-35%) mới đủ lực để tăng trưởng nhanh. 25
  14. Nhất là tỷ lệ vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong nước còn thấp (khoảng 40%) cần được “kích” để cao hơn lên (khoảng 45-50%, giảm đầu tư từ khu vực nhà nước xuống khoảng 30%). Liên quan đến “kích” cầu đầu tư khu vực tư nhân, cần thực hiện các chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Cụ thể: - Về môi trường đầu tư: các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, vẫn tiếp tục cần với mức độ mạnh hơn các chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ngoài ra là các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, thuê đất đai, thành lập doanh nghiệp, các chính sách thuế, cần được ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Về cơ hội bỏ vốn: cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như: cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu, giới thiệu khách hàng, nhà cung cấp, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cụ thể các nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp v.v 26
  15. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2018); Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. 2. Ngân hàng Thế giới (2017), Báo cáo Cập nhật Kinh tế khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương 2017. 3. Ngô Thắng Lợi và Nguyễn Quỳnh Hoa (2017), Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. 4. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. 5. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018, Tài liệu phục vụ phiên họp Chính phủ tháng 12/2017. 27