Phân tích tác động của phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Tiếp cận theo phương pháp bảng cân đối liên ngành

pdf 15 trang Gia Huy 18/05/2022 2080
Bạn đang xem tài liệu "Phân tích tác động của phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Tiếp cận theo phương pháp bảng cân đối liên ngành", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphan_tich_tac_dong_cua_phat_trien_nganh_cong_nghiep_ho_tro_d.pdf

Nội dung text: Phân tích tác động của phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Tiếp cận theo phương pháp bảng cân đối liên ngành

  1. PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP: TIẾP CẬN THEO PHƯƠNG PHÁP BẢNG CÂN ĐỐI LIÊN NGÀNH ANALYSIS OF SUPPORTING INDUSTRIAL DEVELOPMENT’S IMPACTS ON VIETNAM’S ECONOMICGROWTH IN THE CONTEXT OF INTEGRATION: APPROACH BY INTERSECTORAL BALANCE SHEET METHOD ThS. Vũ Thị Thanh Huyền Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Bài nghiên cứu sẽ đi vào xem xét vai trò của ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định hợp tác, các khu vực mậu dịch tự do. Để tận dụng những cơ hội từ hội nhập, đẩy lùi các thách thức, phát triển CNHT sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và cả nền kinh tế, Dựa trên cách tiếp cận phương pháp bảng cân đối liên ngành (I/O), bài viết xác định các hệ số tác động giữa ngành CNHT với các ngành sản xuất khác trong nền kinh tế và với toàn bộ nền kinh tế, từ đó, kết luận của bài viết cho thấy rằng, ngành CNHT có vai trò quan trọng với tư cách là ngành cung ứng đầu vào cho các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Từ khóa: công nghiệp hỗ trợ, tăng trưởng kinh tế, bảng I/O. Abstract The paper will examine the role of supporting industries (SI) to Vietnam's economic growth in the context of Vietnam has been integrating increasingly deeper with the world economy, participating in many agreements cooperation, the free trade areas. To take advantage of the opportunities from the integration, push back the challenge, developing SI will have a very important significance in raising the localization rate, improving value- added to products and enhancing competitiveness for products and the whole economy, Based on the approach of intersectoral balance sheet (I/O), the paper of identifying the impact coefficients between supporting industries and other manufacturing sectors in the economy and the entire economy, thereby , the conclusion shows that supporting industries have an important role as a sector that provides inputs for the manufacturing sectors in the economy. Keywords: supporting industry, economic growth, I/O table. NỘI DUNG 1. Đặt vấn đề Trong những năm vừa qua, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu hơn vào các tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, gần đây nhất là tham gia các đàm phán AEC, EVFTA, TPP, với nhiều kỳ vọng sẽ gia tăng lợi ích cho Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh 615
  2. tế. Để tận dụng các cơ hội từ hội nhập, theo nhiều ý kiến chuyên gia, Việt Nam sẽ cần thúc đẩy hơn nữa các ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí hàng trung gian, cũng như nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu, Bên cạnh đó, phát triển CNHT còn thúc đẩy quá trình cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp, thu hút FDI, Phát triển CNHT sẽ tạo tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đưa ra những phân tích về tác động của phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ là những cơ sở cần thiết cho việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển CNHT để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 2. Tổng quan nghiên cứu Nghiên cứu về vai trò của ngành CNHT đối với nền kinh tế đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Các nghiên cứu đều khẳng định vai trò tích cực của phát triển CNHT đến tăng trưởng kinh tế tại mỗi quốc gia. Mô hình kim cương của Michael Porter (1990) đã xác định, một trong bốn yếu tố hình thành nên lợi thế cạnh tranh quốc gia là Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan. Còn theo các nghiên cứu của Junichi Mori (2005), Nguyễn Thị Xuân Thúy (2005) thì cho rằng, CNHT đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc và nhanh chóng hội nhập với kinh tế quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó, tác động đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tương tự, Hoàng Văn Châu (2010) cũng cho rằng, CNHT góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn vì (i) nó là điều kiện cần thiết để duy trì nguồn vốn FDI cho ngành lắp ráp cuối cùng tương đối lâu hơn so với một quốc gia không có ngành CNHT cạnh tranh; (ii) sản phẩm của ngành CNHT có thể được xuất khẩu tới các quốc gia mà ngành lắp ráp cuối cùng ở đó đang có nhu cầu và (iii) sự phát triển của ngành CNHT sẽ tạo nên ảnh hưởng tích cực trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, Các vai trò khác như: tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, cũng được bổ sung trong các nghiên cứu của Trương Thị Chí Bình (2010), Lê Xuân Sang và Nguyễn Thị Thu Huyền (2011), Như vậy, các nghiên cứu đã đưa ra một số luận cứ lý thuyết để khẳng định vai trò của ngành CNHT đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào xem xét một cách độc lập, làm rõ tác động của ngành CNHT đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia. Từ đó, tác giả xác định mục tiêu trong bài viết này là tập trung phân tích tác động của ngành CNHT đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên việc sử dụng mô hình cân đối liên ngành (I/O). Đây là mô hình được Wassily Leontief (1986) phát triển bằng cách toán học hóa toàn diện quan hệ cung – cầu trong toàn nền kinh tế. Tại Việt Nam, ứng dụng từ mô hình I/O đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng tương đối rộng rãi. Theo Bùi Bá Cường, Bùi Trinh, Dương Mạnh Hùng (2004); Nguyễn Mạnh Toàn (2011), Nguyễn Phương Thảo (2015), mô hình I/O có ý nghĩa quan trọng trong phân tích tác động lan tỏa của một ngành tới toàn nền kinh tế; từ đó, cũng có thể ứng dụng mô hình này để xác định tầm quan trọng và các ngành trọng điểm trong một nền kinh tế quốc dân. Do đó, việc 616
  3. sử dụng mô hình I/O trong phân tích tác động của ngành CNHT với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, theo tác giả, là phù hợp. 3. Một số lý luận cơ bản 3.1. Một số lý thuyết về công nghiệp hỗ trợ Khái niệm: Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) theo nghĩa rộng được hiểu là việc sản xuất ra các sản phẩm trung gian cho quá trình sản xuất chính như sơ chế các nguyên liệu thô hoặc chế tạo một phần những sản phẩm chính tương tự theo tiêu chuẩn kỹ thuật và giấy phép của chính hãng. Hoặc theo nghĩa hẹp “Công nghiệp hỗ trợ gồm một nhóm các hoạt động công nghiệp cung cấp các đầu vào trung gian (gồm linh kiện, phụ tùng và công cụ để sản xuất ra các linh kiện phụ tùng) cho các ngành công nghiệp lắp ráp và chế biến”. Đóng góp của ngành CNHT đến tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập Một là, ngành CNHT có vai trò đối với lợi thế cạnh tranh quốc gia: Theo Michael Porter (1990), bốn thuộc tính của một quốc gia định hình môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy hay kìm hãm việc tạo lập môi trường cạnh tranh quốc gia bao gồm: Các điều kiện về yếu tố sản xuất; Các điều kiện về cầu; chiến lược công ty, cấu trúc và cạnh tranh nội địa; và các ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan. Như vậy, ngành công nghiệp phụ trợ hay chính là ngành CNHT là một trong bốn nhân tố quyết định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Sự tồn tại của các ngành hỗ trợ có khả năng cạnh tranh quốc tế trong một quốc gia tạo ra những lợi thế cho các ngành công nghiệp sử dụng đầu ra theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể là: (i) Thông qua việc tiếp cận hầu hết các yếu tố đầu vào sẵn có từ ngành CNHT, ngành công nghiệp sẽ sinh lời một cách hiệu quả, sớm, nhanh chóng và đôi khi được ưu đãi. (ii) Ngành hỗ trợ tạo ra lợi thế nhờ việc phối hợp liên tục trong sử dụng máy móc và các yếu tố đầu vào khác. Ngành CNHT có khả năng tạo ra mối liên kết giữa các công ty trong chuỗi giá trị và các nhà cung cấp của họ. (iii) CNHT tạo ra quá trình đổi mới và cải tiến thông qua mối quan hệ công việc gần gũi giữa các nhà cung cấp hàng phụ trợ và nhà sản xuất. Người cung cấp giúp các công ty nắm được các phương pháp mới và có cơ hội áp dụng công nghệ mới. Các công ty được phép truy cập nhanh chóng thông tin, những ý tưởng và kiến thức mới và những sáng chế của nhà cung cấp. Họ có sức ảnh hưởng đến nỗ lực kỹ thuật của nhà cung cấp cũng như trở thành người kiểm tra cho việc phát triển các sản phẩm. Việc trao đổi công tác R&D và cùng tham gia giải quyết các vấn đề đưa đến các giải pháp nhanh và hiệu quả hơn. Các nhà cung cấp cũng có xu hướng là một kênh truyền thông tin và sáng chế từ công ty sang công ty. Thông qua quá trình này, tốc độ phát minh trong toàn bộ ngành công nghiệp trong nước được đẩy nhanh. Hai là, CNHT góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập vì (i) một quốc gia với ngành CNHT cạnh tranh có thể duy trì nguồn vốn FDI cho ngành lắp ráp cuối cùng tương đối lâu hơn một quốc gia không có ngành CNHT 617
  4. cạnh tranh; (ii) sản phẩm của ngành CNHT có thể được xuất khẩu tới các quốc gia mà ngành lắp ráp cuối cùng ở đó đang có nhu cầu; (iii) sự phát triển của ngành CNHT sẽ tạo nên ảnh hưởng tích cực trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, từ đó cải thiện phúc lợi của một quốc gia. Ba là, CNHT góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa (CNH). Sự phát triển CNHT trong nước sẽ giúp giảm chi phí sản xuất do nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa và giúp các nhà lắp ráp có vốn FDI mở rộng sản xuất. Thêm vào đó, ngành CNHT phát triển sẽ tạo được nguồn cung đầu vào ổn định, có chất lượng, từ đó giúp đảm bảo được khả năng giao hàng cho các DN trong ngành CN chính. Như vậy, CNHT là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình CNH. CNHT là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn, chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết và linh kiện được sản xuất từ ngành CNHT, do vậy, nếu CNHT kém phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng sẽ bị giới hạn trong một số ít các ngành. Bốn là, vai trò dẫn dắt dòng vốn FDI. Sự tập trung của CN linh phụ kiện sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà lắp ráp nước ngoài đầu tư vào. Ảnh hưởng của FDI đối với nước chủ nhà có thể theo hai hướng tác động trái ngược nhau. Một mặt, sự gia nhập thị trường của các công ty đa quốc gia có thể gây ra tiêu cực cho đối thủ cạnh tranh trong nước trong cùng lĩnh vực bởi vì sau khi tập đoàn đa quốc gia (MNCs) gia nhập thị trường, mức sản lượng của các doanh nghiệp trong nước trong cùng một ngành có thể bị thu hẹp do năng suất của họ thấp hơn các MNCs. Mặt khác, FDI có thể cải thiện năng suất của các nhà cung cấp trong nước thông qua các liên kết ngược. Sản lượng và năng suất của các ngành CNHT trong nước có thể tăng lên do sự bổ sung nhu cầu công nghệ và chuyển giao công nghệ từ MNCs. Vì vậy, một đất nước sẽ có nhiều cơ hội để khai thác các tác động tích cực từ FDI nếu nó có các ngành công nghiệp hỗ trợ cạnh tranh mà có thể mở rộng các giao dịch kinh doanh với các nhà lắp ráp đa quốc gia. Năm là, CNHT giúp tiếp thu chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Rõ ràng, việc mở rộng thu hút FDI vào thị trường nội địa sẽ không chỉ cung cấp một lượng vốn lớn, mà còn đi liền với sự đổi mới và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, các kinh nghiệm về quản lý sản xuất, đào tạo về nhân lực, cũng có thể được truyền đạt thông qua sự hợp tác sản xuất, kinh doanh với các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư nước ngoài. Tóm lại, vai trò của phát triển CNHT đến tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng. Tác động của CNHT đến tăng trưởng không đến ngay lập tức trong ngắn hạn, mà thông qua nhiều kênh khác nhau dẫn đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Một số kênh tác động chủ yếu của CNHT đến tăng trưởng là: (1) tác động trực tiếp đến sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất, (2) tác động đến sự thu hút FDI, (3) phát triển công nghệ, từ đó thúc đẩy việc nâng cao nâng lực cạnh tranh quốc gia và tác động đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. 618
  5. 3.2. Mô hình cân đối liên ngành trong phân tích tác động Bảng cân đối liên ngành (Bảng I/O) bắt nguồn từ những ý tưởng trong cuốn "Tư bản" của Karl Marx khi ông tìm ra mối quan hệ trực tiếp theo quy luật kỹ thuật giữa các yếu tố tham gia quá trình sản xuất. Tư tưởng này sau đó được Wassily Leontief phát triển bằng cách toán học hóa toàn diện quan hệ cung – cầu trong toàn nền kinh tế. Leontief coi mỗi công nghệ sản xuất là một mối quan hệ tuyến tính giữa số lượng sản phẩm được sản xuất ra và các sản phẩm vật chất, dịch vụ làm chi phí đầu vào. Mối liên hệ này được biểu diễn bằng một hệ thống hàm tuyến tính với những hệ số được quyết định bởi quy trình công nghệ. Bảng I/O có thể được lập dưới dạng cạnh tranh hoặc phi cạnh tranh. Trong phạm vi chuyên đề này, tác giả sẽ sử dụng bảng I/O dạng phi cạnh tranh để phân tích tác động của phát triển các ngành sản xuất CNHT đến tăng trưởng đầu ra của toàn nền kinh tế. Sơ đồ cơ bản của bảng I/O dạng phi cạnh tranh có dạng tổng quát rút gọn như sau: Bảng 3.1. Mô hình i/o rút gọn dạng phi cạnh tranh Cầu trung gian Cầu cuối cùng Ngành 1 2 3 C G I E GO d d d d d d 1 X 11 X 12 X 13 C 1 G 1 I 1 E1 X1 d d d d d d 2 X 21 X 22 X 23 C 2 G 2 I 2 E2 X2 d d 3 d X 32 I d d G 3 II d E3 X3 X 31 X 33 C 3 I 3 p p p NK M 1 M 2 M 3 MC MG MI M Thuế NK Tp Tp Tp T T T T 1 2 3 C G I VA V1 V2 III V3 GI X1 X2 X3 Nguồn: Nguyễn Mạnh Toàn, 2011 Ô I: thể hiện chi phí trung gian của các ngành. Ô II: những sản phẩm của các ngành được sử dụng cho nhu cầu sử dụng cuối cùng, bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình (C), tiêu dùng của chính phủ (G), tích lũy tài sản (I), xuất khẩu (X) Ô III: thể hiện giá trị gia tăng của các ngành bao gồm thu nhập của người lao động (L), khấu hao tài sản cố định (K), thặng dư sản xuất (P) và thuế gián thu đánh vào sản phẩm (T). Xét theo cột của bảng I/O, có thể thấy rằng, để thực hiện quá trình sản xuất, mỗi ngành cần phải sử dụng các yếu tố đầu vào từ các ngành khác trong nền kinh tế và kết hợp các yếu tố đầu vào này với giá trị gia tăng để tạo ra giá trị sản xuất cho từng ngành. 619
  6. Quan hệ cơ bản: (A d + A m ).X + Y d + Y m − M = X ⇒ A d .X + Y d + A m .X + Y m − M = X (1) Trong đó: Ad.X là véc tơ chi phí trung gian sản phẩm được sản xuất ra trong nước; Am.X là véc tơ chi phí trung gian là sản phẩm nhập khẩu; Yd là véc tơ nhu cầu cuối cùng sản phẩm được sản xuất trong nước; Ym là véc tơ nhu cầu cuối cùng sản phẩm nhập khẩu (bao gồm nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của cá nhân, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích lũy tài sản và xuất khẩu). Nhu cầu nhập khẩu được chia thành 2 mục đích: cho sản xuất (Am.X) và cho tiêu dùng cuối cùng (Ym) hay: A m .X + Y m = M , Khi đó, phương trình (1) được viết lại là: Ad .X +Y d = X ⇒ X = (I − A d ) −1.Y d (2) Như vậy, quan hệ (2) trở về quan hệ chuẩn của Leontief ở dạng phi cạnh tranh, ma trận nghịch đảo Leontief (I – Ad)-1 phản ánh tốt hơn rất nhiều về độ nhạy và độ lan tỏa của các ngành trong nền kinh tế. Ứng dụng mô hình cân đối liên ngành trong phân tích tác động lan tỏa: Ma trận nghịch đảo Leontief lượng hóa ý niệm của Keynes khi thay đổi 1 đơn vị của cầu cuối cùng sẽ ảnh hưởng lan tỏa đến sản xuất của các ngành trong nền kinh tế là bao nhiêu, và từ đó, tác động đến tổng sản lượng của nền kinh tế là bao nhiêu. Thêm vào đó, ở hầu hết các nước trên thế giới, người ta sử dụng quan hệ Leontief để lựa chọn các ngành trọng điểm của nền kinh tế, để khi nhu cầu cuối cùng của ngành đó tăng lên sẽ kích thích mạnh cả nền kinh tế phát triển thông qua mối quan hệ liên ngành. - Lan tỏa kinh tế (Liên kết ngược): Độ lan tỏa kinh tế (liên kết ngược) dùng để đo mức độ quan trọng tương đối của một ngành với tư cách là bên sử dụng các sản phẩm vật chất và dịch vụ làm đầu vào từ toàn bộ hệ thống sản xuất so với mức trung bình của toàn nền kinh tế. Liên kết ngược được xác định bằng tỷ lê của tổng các phần tử theo cột (tương ứng với ngành đang xét) của ma trận Leontief so với mức trung bình của toàn bộ hệ thống sản xuất. Tỷ lệ này còn được gọi là hệ số lan tỏa và được xác định là: (cộng theo cột của ma trận Leotief) (3) Và Hệ số lan tỏa = n.BLi/ ∑BLi (4) Trong đó: rij là các phần tử của ma trân Leontief; n là số ngành của mô hình. Tỷ lệ này lớn hơn 1 và càng cao thì có nghĩa là liên kết ngược của ngành đó càng lớn và khi ngành đó phát triển nganh sẽ kéo theo tăng trưởng nhanh của toàn bộ các ngành cung ứng (sản phẩm, dịch vụ của toàn hệ thống). - Liên kết xuôi (độ nhạy): 620
  7. Đo mức độ quan trọng của một ngành như là nguồn cung sản phẩm vật chất và dịch vụ cho toàn bộ hệ thống sản xuất. Mối liên kết này được xem như độ nhạy của nền kinh tế và được đo lường bằng tổng các phần tử theo hàng của ma trận nghịch đảo Leontief so với mức trung bình của toàn hệ thống. Chỉ số liên kết xuôi của một ngành được tính như sau: FLi = ∑ rij (cộng theo hàng của ma trận nghịch đảo) (5) Và độ nhạy = n. FLi/ ∑FLi (6) Tỷ lệ này lớn hơn 1 và càng cao có nghĩa là liên kết xuôi của ngành đó càng lớn và thể hiện sự cần thiết tương đối của ngành đó với các ngành còn lại. - Nhân tử nhập khẩu: Gọi k là vec tơ hệ số nhập khẩu giữa giá trị nhập khẩu và giá trị sản xuất đối với từng sản phẩm. Ta có: d V1 = kA là véc tơ ảnh hưởng nhập khẩu trực tiếp trong quá trình sản xuất. (7) d -1 V2 = k (I – A ) đòi hỏi về nhập khẩu cho sản xuất một đơn vị sử dụng cuối cùng. (8) - Tác động đến Giá trị gia tăng (GDP của nền kinh tế) Gọi h là véc tơ hệ số giá trị giá tăng giữa giá trị gia tăng và giá trị sản xuất đối với từng sản phẩm. Ta có tác động đến giá trị gia tăng: V* = h. (I – Ad)-1 (9) 4. Nguồn số liệu và phương pháp tiến hành phân tích tác động Vận dụng ý nghĩa của ma trận nghịch đảo Leontief, tác giả sẽ xem xét tác động của ngành CNHT lan tỏa đến các ngành trong nền kinh tế , đến tổng giá trị sản xuất, hệ số lan tỏa và độ nhạy, tác động đến GDP của nền kinh tế. Về nguồn dữ liệu: sử dụng bảng I/O dạng phi cạnh tranh của Việt Nam trong 2 giai đoạn năm 2007 và 2012. Tác giả tiếp cận khái niệm CNHT theo nghĩa tương đối hẹp, theo đó, CNHT là các ngành sản xuất nguyên vật liệu cơ bản, linh kiện, phụ tùng để phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp cuối cùng. Sản phẩm CNHT ở đây bao gồm các nguyên liệu nhựa, cao su, kim loại, hóa chất cơ bản, linh kiện nhựa - cao su, linh kiện kim loại và linh kiện điện – điện tử. Dựa trên tiếp cận này, tác giả xác định nhóm sản phẩm CNHT tương ứng được xác định trong I/O 2007 và I/O 2012 bao gồm: Bảng 4.1. Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Tên Sản phẩm I/O 2007 I/O VCPA(cấp 5,6) VSIC (cấp 4,5) 2012 Plastic và cao su tổng 52 64 20131+20132 2013 hợp dạng nguyên sinh Sản phẩm từ cao su 55 68 22110+22120 2211+2212 Sản phẩm từ plastic 56 69 22201+22209 2220 621
  8. Sản phẩm gang, sắt, thép 60 74 24100 2410 Sản phẩm kim loại màu, 61 75 24200+24310+24320 2420+2431+2432 kim loại quý, dịch vụ đúc kim loại. Sản phẩm từ kim loại 61 76 25110+25120+25130 2511+2512+2513+ đúc sẵn (trừ máy móc, +25200+25910+ 2520+2591+2592+ thiết bị) 25920+25930+25991 2599 +25999 Sản phẩm linh kiện điện 62 77 26100+26200 2610+2620 tử, máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính Nguồn: Hệ thống các ngành sản phẩm Việt Nam, Tổng cục Thống Kê Do danh mục sản phẩm trong I/O 2007 bao gồm 138 mã ngành; danh mục sản phẩm trong I/O 2012 bao gồm 164 mã ngành và không được phân chi tiết hơn nữa nên trong các nhóm sản phẩm sẽ bị tính gộp với 1 số sản phẩm cuối cùng. Sau khi đã xác định các sản phẩm thuộc nhóm ngành CNHT, tác giả sẽ tiến hành đánh giá tác động theo các bước như sau: Bước 1: tính gộp các sản phẩm, và coi đây là nhóm sản phẩm đại diện cho ngành CNHT. Bước 2: Tính toán các tác động của ngành CNHT đến các tổng giá trị sản xuất của toàn ngành kinh tế, liên kết ngược và liên kết xuôi, ảnh hưởng đến nhập khẩu, giá trị gia tăng theo các công thức (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9). Bước 3: Lập bảng kết quả và đánh giá. 5. Kết quả và đánh giá 5.1. Khái quát về tình hình phát triển ngành CNHT Việt Nam Sau 30 năm đổi mới, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đóng góp khoảng 33,21% trong tổng sản phẩm trong nước (GDP), tốc độ tăng trưởng từ năm 2005 đến nay luôn cao hơn tăng trưởng GDP. Tuy vậy, các ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam sản xuất chủ yếu dựa trên nguồn đầu vào nhập khẩu. Nguyên nhân chính là sự yếu kém của các ngành CNHT. Những năm gần đây, CNHT đã trở thành vấn đề trọng tâm, được chính phủ Việt Nam quan tâm phát triển với nhiều chuyển biến trong nhận thức và chính sách. Dù vậy, nhìn chung, CNHT mới chỉ đáp ứng ở mức thấp nhu cầu tối đa sản xuất tại nội địa. Về Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) lĩnh vực linh kiện phụ tùng: Năm 2015, GTSXCN lĩnh vực linh kiện phụ tùng ước đạt 316 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% GTSXCN toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, sản xuất linh kiện kim loại có GTSXCN cao nhất, đạt 150 nghìn tỷ đồng; GTSXCN linh kiện điện – điện tử đạt 117 nghìn tỷ đồng và phát triển rất mạnh trong 5 năm trở lại đây. Nhìn vào số liệu trên, có thể thấy rằng giá trị sản xuất ngành CNHT chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GTSX toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; do đó, chắc chắn là mức độ đáp ứng được nhu cầu cho ngành sản xuất trong nước còn vô cùng hạn chế. 622
  9. Bảng 5.1. GTSX CN ngành CNHT Việt Nam Đơn vị: tỷ đồng, giá hiện hành Năm 2011 2012 2013 2014 2015 Linh kiện kim loại 79812 92030 105120 124900 150000 Linh kiện điện – điện tử 35320 49990 65019 90500 117000 Linh kiện nhựa – cao su 21200 26360 33044 41400 49000 Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2015 Về số lượng doanh nghiệp: Ước tính đến hết năm 2015, có khoảng 1675 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng, tăng trưởng bình quân về số lượng doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 đạt 10,5%/ năm. Trong đó, sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại phát triển nhất với 750 doanh nghiệp, tuy nhiên tốc độ phát triển không cao. Sản xuất linh kiện điện – điện tử có 540 doanh nghiệp, phát triển rất nhanh, tăng trưởng bình quân (TTBQ) về số doanh nghiệp từ 2011 – 2015 đạt 13,8%/ năm. Sản xuất linh kiện nhựa – cao su có 380 doanh nghiệp, tăng 11,5%/ năm. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa số lượng doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng và với số lượng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chính, có thể thấy một sự chênh lệch bất hợp lý. Năm 2014, tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 63251, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng chỉ có 1675 doanh nghiệp, chiếm 2,65% là một tỷ lệ quá thấp và thể hiện một ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Như vậy, ngành CNHT Việt Nam sẽ khó phát huy vai trò ngành cung ứng đầu vào cho sản xuất công nghiệp trong nước, chúng ta cũng khó có thể nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Hình 5.1. Số lượng dn và lao động lĩnh vực linh kiện phụ tùng năm 2014 Nguồn: Niêm giám thống kê về CNHT các ngành chế tạo Việt Nam, 2016-2017 Về lao động: Năm 2015, lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng thu hút được trêm 224 nghìn lao động, TTBQ về số lượng lao động giai đoạn 2011 – 2015 đạt 6,7%/ năm, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện kim loại và linh kiện điện – điện tử. Đa số doanh nghiệp tham gia sản xuất CNHT thuộc đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới 300 lao động. Đặc trưng của nhóm doanh nghiệp này là họ rất năng động và linh hoạt trong 623
  10. biến động thị trường, đây là điểm mạnh cần phát huy trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, đây là nhóm doanh nghiệp bị nhiều hạn chế bởi vốn, công nghệ, chất lượng nguồn lực, gây ra những khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển ngành CNHT trong nước. Về công nghệ, các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng công nghệ, máy móc của Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, EU và một số máy móc được chế tạo hoặc được nâng cấp trong nước. Các tiêu chuẩn, công cụ quản lý tiên tiến cũng đã được các doanh nghiệp quan tâm và ứng dụng. Tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9000, ISO 9001, các công cụ quản lý 5S, Kaizen được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng khi doanh nghiệp muốn cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp FDI trong nội địa. Khi xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các khách hàng FDI, các tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, về cơ bản, nhìn chung công nghệ trong sản xuất CNHT của Việt Nam còn lạc hậu, do vấn đề thiếu vốn, chất lượng nhân lực thấp, chúng ta khó có thể tiếp cận nhanh với công nghệ sản xuất hiện đại. Hầu hết doanh nghiệp CNHT lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên quá trình đổi mới công nghệ càng kéo dài, mất nhiều thời gian hơn. Trong tiến trình hội nhập, ngành CNHT có thể tận dụng các cơ hội từ việc thu hút đầu tư FDI, tận dụng đội ngũ các chuyên gia từ các nước có ngành CNHT phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, để thúc đẩy nhanh sự phát triển CNHT, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Sản phẩm chính của lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng là các loại linh kiện, phụ tùng phục vụ cho các ngành công nghiệp hạ nguồn trong nước như xe máy, ô tô, máy nông nghiệp, máy động lực, công nghiệp điện tử Hiện mức độ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước còn rất hạn chế. Các sản phẩm doanh nghiệp nội địa sản xuất có chất lượng thấp, giá thành cao (công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới (do hạn chế nguồn lực, qui trình sản xuất kém ) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nội địa. Thêm vào đó, trong số các ngành sản xuất, ngoại trừ xe máy đang là ngành có tỷ lệ % cung ứng trong nước cao, các ngành còn lại có tỷ lệ % cung ứng trong nước tương đối thấp, đặc biệt là ngành công nghiệp công nghệ cao (tỷ lệ % cung ứng trong nước chỉ đạt 10%). Xét về tỷ lệ sử dụng linh kiện điện – điện tử nội địa của các nhà lắp ráp ở Việt Nam, nhìn chung là thấp, trong đó điện tử gia dụng và ô tô – xe máy chiếm % tỷ lệ cung ứng trong nước cao nhất là 30 – 40%, thấp nhất là ngành điện tử chuyên dụng và công nghiệp công nghệ cao (chỉ chiếm 5%). Bảng 5.2. Tỷ lệ sử dụng LK trong nước của các nhà lắp ráp tại VN Tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp tại Việt Nam Lĩnh vực hạ nguồn Tỷ lệ % cung ứng trong nước Xe máy 85-90% Ô tô 15-40% Sản xuất thiết bị đồng bộ 20% Sản xuất máy nông nghiệp, máy động lực 40-60% Sản xuất máy công nghiệp 40% Công nghiệp công nghệ cao 10% 624
  11. Tỷ lệ sử dụng linh kiện điện-điện tử nội địa của các nhà lắp ráp ở Việt Nam Lĩnh vực hạ nguồn Tỷ lệ % cung ứng trong nước Điện tử gia dụng 30-35% Điện tử tin học, viễn thông 15% Điện tử chuyên dụng 5% Ô tô- xe máy 40% Công nghiệp công nghệ cao 5% (Nguồn: Dự thảo tờ trình chính phủ về Dự thảo Nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công thương, 2014) Thị trường và khách hàng chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng là doanh nghiệp FDI, tập trung ở cả doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và doanh nghiệp sản xuất linh kiện. Các khách hàng FDI đã tác động mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam. Đây là điểm mà chúng ta cần hết sức chú ý trong bối cảnh hội nhập. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện là các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Á (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, đây cũng là các quốc gia/ vùng lãnh thổ đầu tư rất lớn vào Việt Nam) và các nước trong khu vực ASEAN. Về nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, thị trường chính cũng là các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Kim ngạch nhập khẩu từ 3 quốc gia này lên đến 21,2 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Tóm lại, trong hơn 10 năm hình thành và phát triển, nhìn chung, ngành CNHT Việt Nam vẫn trong tình trạng kém phát triển, điều này cũng dẫn đến hoạt động sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến nhiều tác động xấu đến hoạt động sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước nói riêng, cũng như tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Kết quả phân tích tác động của ngành CNHT đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam Sử dụng bảng cân đối liên ngành của Việt Nam trong 2 năm 2007 và 2012, tác giả tiến hành tính toán các hệ số tác động của ngành CNHT Việt Nam đến giá trị sản xuất của các ngành trong nền kinh tế; giá trị gia tăng; nhập khẩu và các hệ số liên kết xuôi, liên kết ngược. Kết quả tính toán được trình bày ở bảng dưới đây: Bảng 5.3. Các hệ số tác động của ngành CNHT 2007 2012 Tác động đến nội bộ ngành CNHT sản 1.3319 1.2950 xuất trong nước Tác động đến giá trị sản xuất 1.5436 1.6037 Tác động đến giá trị gia tăng 0.4814 0.3842 Nhân tử Nhập khẩu 0.5186 0.6030 Liên kết ngược 0.9327 0.9485 Liên kết xuôi 4.8958 6.9256 Nguồn: Xử lý số liệu từ bảng I-O 2007, 2012, Tổng cục Thống kê 625
  12. Về tác động của ngành CNHT đến nội bộ ngành sản xuất trong nước và tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế: Ta có, hệ số tác động của ngành CNHT đến bản thân ngành CNHT năm 2007 và 2012 lần lượt là 1.3319 và 1.2950, điều này có nghĩa là, khi GDP của các ngành Công nghiệp hỗ trợ tăng 1 đơn vị thì sẽ làm cho giá trị sản xuất của bản thân ngành đó tăng lần lượt là 1.3319 và 1.2950 đơn vị. Thêm vào đó, giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế sẽ tăng thêm lần lượt là 1.5436 và 1.6037, điều này cho thấy ảnh hưởng của ngành CNHT đến hoạt động sản xuất của toàn nền kinh tế có sự gia tăng trong giai đoạn 2007 – 2012, thể hiện tác động tích cực của ngành đến hoạt động sản xuất của các ngành khác trong nền kinh tế. Khi xem xét tác động của ngành CNHT đến giá trị gia tăng và nhập khẩu: có thể nhận thấy rằng, trong giai đoạn 2007 – 2012, xu hướng là sản xuất CNHT khiến cho giá trị gia tăng của ngành có xu hướng giảm (hệ số tác động của ngành CNHT đến giá trị gia tăng giảm từ 0.4814 xuống 0.3842). Nguyên nhân là do trong giai đoạn này, sản xuất các sản phẩm CNHT đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguyên liệu nhập khẩu (có thể thấy rõ là hệ số tác động đến Nhập khẩu có xu hướng gia tăng trong giai đoạn này, từ 0.5186 lên 0.6030). Thực tế, hiện nay hội nhập kinh tế sâu rộng cho phép sự phụ thuộc, giao lưu lẫn nhau cùng phát triển. Do đó, có thể chấp nhận phát triển một số ngành có vai trò động lực cao và kích thích nhập khẩu nhất định. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta cũng cần có giải pháp giảm dần sự phụ thuộc của các ngành này với các yếu tố bên ngoài để cải thiện dần hệ số kích thích nhập khẩu. Phát triển CNHT không chỉ có ý nghĩa với bản thân ngành, mà còn có tác dụng giảm bớt yêu cầu về nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ bên ngoài. Một điểm đáng lưu ý nữa, khi xem xét Bảng tác động của CNHT, có thể thấy rằng, trong khi chỉ số liên kết ngược của ngành CNHT tương đối thấp (nhỏ hơn 1), chỉ số liên kết xuôi của ngành CNHT lại tương đối lớn, lần lượt là 4.8958 và 6.9256 trong năm 2007 và 2012. Những ngành có chỉ số liên kết xuôi lớn hơn 1 được xem là những ngành có độ nhạy cao, tức là có vai trò quan trọng với tư cách là nguồn cung ứng đầu vào cho nền kinh tế. Như vậy, điều này càng chứng tỏ rằng, ngành CNHT có vai trò quan trọng trong sản xuất cho các ngành trong nền kinh tế, do đó, CNHT cần được đảm bảo phát triển ổn định để phục vụ cho sự phát triển các ngành khác của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bảng 5.4. Một số ngành có liên kết chặt với ngành CNHT 2007 2012 Tên ngành Mã Độ Tên ngành Mã Độ ngành nhạy ngành nhạy Thiết bị truyền thông 63 0.1495 Thiết bị đo lường, kiểm 80 0.2263 (điện thoại, máy fax, ăng tra, định hướng và điều ten, modem ) khiển; đồng hồ; thiết bị bức xạ, thiết bị điện tử y Sản phẩm điện tử dân 64 0.4751 Mô tơ, máy phát, biến thế 81 0.2968 dụng điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện 626
  13. Thiết bị điện chiếu sáng 69 0.1324 Pin và ắc quy 82 0.3406 Đồ điện dân dụng (tủ 70 0.2097 Dây và thiết bị dây dẫn 83 0.3009 lạnh gia đình, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, ) Thiết bị điện khác 71 0.2367 Đồ điện dân dụng (tủ lạnh 85 0.2451 gia đình, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, ) Máy thông dụng 72 0.1269 Thiết bị điện khác 86 0.2929 Máy chuyên dụng 73 0.3219 Máy thông dụng 87 0.2489 Ô tô các loại 74 0.1286 Ô tô các loại 89 0.2080 Xe có động cơ rơ moóc 75 0.1233 Xe có động cơ còn lại (trừ 90 0.2490 (trừ ô tô) ô tô các loại) Tàu và thuyền 76 0.2204 Tàu và thuyền 91 0.2113 Môtô, xe máy 77 0.2210 Mô tô, xe máy 92 0.3460 Phương tiện vận tải khác 78 0.2007 Phương tiện vận tải khác 93 0.2358 còn lại còn lại Xây dựng công trình 89 0.1486 Đường sắt, dịch vụ xây 108 0.2297 đường sắt và đường bộ, dựng đường sắt Xây dựng công trình công ích, Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác Nguồn: Xử lý số liệu từ Bảng I/O 2007, 2012, Tổng cục Thống kê Bảng 5.4 liệt kê một số ngành mà CNHT có độ nhạy (liên kết xuôi) lớn. Các ngành này tập trung phần lớn trong ngành công nghiệp chế tạo liên quan đến sản xuất điện tử; máy móc, thiết bị; ô tô, xe máy. Đây chính là những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ sự phát triển CNHT trong nước. CNHT phát triển sẽ cung ứng các đầu vào trung gian chủ yếu cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp này. 6. Kết luận và hàm ý chính sách Kết luận Từ những kết quả phân tích thực trạng ở trên, có thể thấy rằng, nhìn chung, ngành CNHT Việt Nam vẫn trong tình trạng kém phát triển. Do tình hình kém phát triển của ngành đã dẫn đến ngành CNHT hiện chưa có đóng góp tích cực đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thậm chí, trong giai đoạn 2007 – 2012, đóng góp vào ngành vào tăng trưởng kinh tế (thông qua đóng góp vào giá trị gia tăng) có xu hướng giảm do nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của ngành CNHT đối với sản xuất và tăng trưởng của nền kinh tế, điều này được thể hiện ở chỉ số liên kết xuôi của ngành CNHT đang ở mức tương đối cao, thể hiện rằng, ngành có vai trò quan trọng trong cung ứng cho các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Do đó, CNHT vẫn rất cần đảm bảo 627
  14. phát triển để hạn chế nhập khẩu, thúc đẩy hơn nữa cho sản xuất công nghiệp, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số gợi ý chính sách phát triển ngành CNHT trong giai đoạn hiện nay Thứ nhất, chú trọng tới các chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong giai đoạn đầu phát triển, ngành CNHT Việt Nam rất cần các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển công nghệ, tạo ra mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT. Để thu hút các dự án FDI vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cần có các ưu đãi thích hợp đủ sức hấp dẫn. Đối với các doanh nghiệp FDI có qui mô vừa trở lên,thường có nguồn lực tương đối mạnh, vì vậy, một trong những ưu đãi mà họ quan tâm nhất khi đầu tư vào Việt Nam là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNHT vừa và nhỏ của Nhật Bản có trình độ công nghệ và sản xuất rất cao cũng là đối tượng cần phải hướng tới để thu hút. Các doanh nghiệp này có qui mô vừa và nhỏ, họ cần có sự hỗ trợ và sẵn sàng về mặt hạ tầng như mặt bằng, hệ thống nhà xưởng, thủ tục hành chính trong các cụm công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Một mặt, cần có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia từ các nước có ngành CNHT phát triển, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng ngành CNHT; mặt khác, chính sách cần tập trung hơn nữa trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp trong nước để tạo ra lực lượng nòng cốt cho phát triển CNHT, đáp ứng yêu cầu cung ứng cho các nhà lắp ráp trong nước và tham gia chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực ngành Công nghiệp có thể được thực hiện thông qua hợp tác, liên kết với các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung; cần nâng cao hơn nữa tính liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sản xuất, giữa doanh nghiệp sản xuất CNHT trong nước và các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản. Thứ ba, tăng cường xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp sản xuất CNHT. Trong đó, trước mắt, các chính sách hỗ trợ về công nghệ có thể thực thi thông qua hệ thống Hiệp hội doanh nghiệp, các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, để tiếp nhận các chuyên gia đến từ các nước có ngành CNHT phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, nhằm cung cấp các dịch vụ hướng dẫn về công nghệ, hướng dẫn về tiếp cận công nghệ mới, cũng như đào tạo, nâng cao trình độ về công nghệ cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Trong dài hạn, các trung tâm hỗ trợ, Hiệp hội cần nâng cấp về cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn để cung cấp các dịch vụ như kiểm định chất lượng sản phẩm CNHT cho doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, là cầu nối để thu hút đầu tư vào công nghệ cho các doanh nghiệp CNHT trong nước. Thứ tư, cần tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ thông tin, giới thiệu, xúc tiến thương mại cụ thể đối với sản phẩm CNHT tới các quốc gia khác trên thế giới; phổ biến các thông tin về hội nhập, các cam kết quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước. Các chính sách có thể được thực hiện, cụ thể hóa thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp, ví dụ Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hiệp hội các doanh nghiệp CNHT TP Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, Các tổ chức này cần phát huy tốt hơn vai trò cầu nối về thông tin, đầu 628
  15. tư và xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp CNHT trong nước với các tập đoàn, doanh nghiệp lắp ráp ở tại Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia, /. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1, Trương Thị Chí Bình (2010), Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử gia dụng ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế, ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội. 2, Hoàng Văn Châu, chủ biên (2010), Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đến năm 2020, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. 3, Bùi Bá Cường, Bùi Trinh, Dương Mạnh Hùng (2004), Phương pháp phân tích kinh tế và môi trường thông qua mô hình Input – Output, Nhà xuất bản Thống Kê. 4, Diễn đàn phát triển Việt Nam và các cộng sự. (2007), "Xây dựng công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam", Kenichi Ohno chủ biên, Nhà xuất bản Lao động Xã Hội. 5, Junichi Mori (2005), Development of Supporting Industries for Vietnam’s Industrialization: Increasing Positive Vertical Externalities through Collaborative Training, Master of Arts in Law and Diplomacy Thesis, The Fletcher School, Tufts University. 6, Michael Porter (1990), Competitive advantage of nations. 7, Lê Xuân Sang, Nguyễn Thị Thu Huyền (2011), Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ: Lý luận, thực tiễn và định hướng cho Việt Nam, Hội thảo Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam, tr. 27. 8, Nguyễn Phương Thảo (2015), Sử dụng mô hình cân đối liên ngành trong việc lựa chọn ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam, Tạp chi Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, tập 31, số 4 (2015), trang 1-10. 9, Nguyễn Thị Xuân Thúy (2007), "Chương 2: Công nghiệp hỗ trợ: Tổng quan về khái niệm và sự phát triển", trong Kenichi Ohno chủ biên, Xây dựng công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động Xã hội, Việt Nam, tr. 29-52. 10, Nguyễn Mạnh Toàn (2011), Mô hình cân đối liên ngành trong phân tích và dự báo sản lượng, thu nhập và việc làm, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng – Số 3(44).2011, trang 215 – 223. 11, Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (2016), Niên giám về Công nghệ hỗ trợ các ngành chế tạo Việt Nam 2016 – 2017, Nhà xuất bản Công Thương, Hà Nội. 629