Phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay

pdf 5 trang Gia Huy 19/05/2022 2150
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_doi_ngu_tri_thuc_tinh_quang_ngai_trong_boi_canh_c.pdf

Nội dung text: Phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay

  1. HUFLIT International Conference On Ensuring A High-Quality Human Resource In The Modern Age - Oct 16, 2020 doi: 10.15625/vap.2020.0067 PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH QUẢNG NGÃI TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 HIỆN NAY Lê Đức Thọ Khoa Cơ bản, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng ductho@danavtc.edu.vn TÓM TẮT: Bài viết sử dụng phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp nghiên cứu về thực trạng đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Kết quả cho thấy, trong những năm qua, đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới cho đội ngũ trí thức của tỉnh Quảng Ngãi cả về số lượng và chất lượng. Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Từ khóa: Đội ngũ trí thức, trí thức Quảng Ngãi, cách mạng công nghiệp 4.0. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động rộng lớn, tạo nên những chuyển biến sâu sắc và toàn diện trong đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với các quốc gia cũng như đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Trong đó, việc ứng dụng thành tựu, đưa ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì vai trò của đội ngũ trí thức là rất quan trọng. Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi tính sáng tạo, chủ động của các nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp. Đội ngũ trí thức Quảng Ngãi cần có tâm thế chủ động nhập cuộc, chấp nhận xem xét cái mới, cái khác biệt và chấp nhận sự bài bản, kỷ luật cao. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Quảng Ngãi đã rất chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã tích cực phát huy trí tuệ, sáng tạo, đề xuất triển khai nhiều đề tài, dự án, đề án khoa học đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của Quảng Ngãi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU A. Vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cuộc cách mạng Kỹ thuật số, nền kinh tế kỹ thuật số đang diễn ra, đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi tổ chức sản xuất và thương mại toàn cầu. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng và nhanh chóng, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên những đột phá công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Robot, Internet of things (IoT), In 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử trên nền tảng cách mạng số. Đây là cuộc cách mạng sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít gian nan, thách thức. Đội ngũ trí thức chính là chìa khóa đón đầu để thích ứng tốt với cuộc cách mạng công nghệ lần này, đây là đội ngũ những con người có trí tuệ, khoa học, nhân cách, yêu nước, ham lao động, thích sáng tạo, là những người tạo động lực cho xã hội. Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội” [1]. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Ðội ngũ trí thức nước ta có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bằng hoạt động sáng tạo, trí thức nước ta đã có đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trí thức nước ta còn nhiều mặt hạn chế cần sớm được khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đối với mọi quốc gia, trong mọi giai đoạn lịch sử thì trí thức luôn là nền tảng, là động lực tạo nên tiến bộ xã hội. Đội ngũ trí thức chính là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong quá trình vận động và phát triển xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học kỹ thuật, đội ngũ trí thức càng trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Để đạt được mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải lựa
  2. Lê Đức Thọ 103 chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ trí thức là tinh hoa của xã hội phải là nhân tố tiên phong, nhận trách nhiệm dẫn dắt xã hội thích ứng và nắm bắt những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đội ngũ trí thức sẽ là những người tiên phong nắm lấy khoa học kỹ thuật hiện đại và truyền bá, động viên cho các nhóm xã hội khác [2]. B. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, sử dụng các nguồn tài liệu thứ cấp để nghiên cứu về thực trạng đội ngũ trí thức của tỉnh Quảng Ngãi và đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh Quảng Ngãi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU A. Thực trạng đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi hiện nay Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Đội ngũ trí thức giữ vai trò chính yếu trong hệ thống chính trị, đã và đang có đóng góp to lớn và quyết định trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Quảng Ngãi. Đội ngũ trí thức Quảng Ngãi đã đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ trí thức Quảng Ngãi có thể phân chia thành 5 nhóm như sau: Nhóm các nhà trí thức trong các trường Đại học, Cao đẳng; Nhóm các nhà trí thức trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước; Nhóm các nhà trí thức trong các doanh nghiệp; Nhóm các nhà trí thức đã về hưu, những người hành nghề tự do; Nhóm các nhà trí thức quê gốc Quãng Ngãi đang hoạt động và sinh sống ngoài tỉnh và ở nước ngoài. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 39.000 trí thức, đang công tác trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó, có 33 tiến sĩ, 47 bác sĩ chuyên khoa II, 237 chuyên khoa I, 1.412 thạc sĩ, 23.354 cử nhân, 70 chuyên viên cao cấp, 671 chuyên viên chính [3]. Tổng số trí thức đang công tác trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể quần chúng, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp khoảng 14.000 người (chiếm 1,04 % dân số của tỉnh). Trong đó có 01 Phó Giáo sư, Tiến sĩ, 06 Tiến sĩ (chiếm 0,05 % tổng số trí thức), 132 Thạc sĩ (chiếm 0,9 % tổng số trí thức). Phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh, thu hút ngày càng nhiều trí thức và người lao động tham gia. Nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp cũng có xu hướng phát triển. Hàng năm, toàn tỉnh có hàng chục đề tài, dự án khoa học, công nghệ cấp tỉnh và hàng trăm đề tài cấp cơ sở được nghiên cứu, nhiều công nghệ mới được chuyển giao ứng dụng và hàng nghìn sáng kiến được áp dụng, làm lợi hàng chục tỷ đồng và nhiều lợi ích khác không tính được bằng tiền (trong lĩnh vực hành chính, sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế ). Để nghiên cứu, tiếp thu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò chủ đạo phải là những người có kiến thức, trình độ không ngoài ai khác phải là đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã tích cực phát huy trí tuệ, sáng tạo, đề xuất triển khai nhiều đề tài, dự án, đề án khoa học đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trung bình mỗi năm, tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội từ 40-50 dự án, đề án; thẩm định hàng trăm báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm cung cấp những luận cứ, làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho các chương trình, dự án quan trọng của tỉnh. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã làm lợi cho nhà nước, doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Quảng Ngãi ban hành được chính sách đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa, thu hút cán bộ một cách đồng bộ, đầy đủ và đủ sức tạo sự yên tâm cho cán bộ đã khẳng định quyết tâm của tỉnh trong công tác này. Chủ trương phát triển đảng trong trí thức trẻ tình nguyện một lần nữa khơi dậy quyết tâm, lòng tự hào của mỗi bạn trẻ tình nguyện. Trên cơ sở nắm vững năng lực, trình độ của các trí thức trẻ tình nguyện, qua theo dõi quá trình phấn đấu, nỗ lực học tập của từng học viên, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh đã chỉ đạo thành lập chi bộ sinh viên, cử đảng viên là cán bộ của trường trực tiếp tham gia chi bộ sinh viên, cùng sinh hoạt, hướng dẫn, đồng thời qua đó kịp thời giúp đỡ, tạo nguồn để phát triển đảng trong trí thức tình nguyện. Như vậy, đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ ở Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, lao động sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ở Quảng Ngãi còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và trách nhiệm đối với đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc; chưa gắn việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch hằng năm cũng như dài hạn của địa phương.
  3. 104 PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH QUẢNG NGÃI TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 HIỆN NAY Quảng Ngãi vẫn còn thiếu chuyên gia đầu ngành, những trí thức có năng lực để tổ chức thực hiện các đề tài, dự án có hàm lượng khoa học cao và mang tính đột phá. Một bộ phận trí thức chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, một số trí thức bị tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường, chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trình độ ngoại ngữ của đội ngũ trí thức hiện nay còn yếu, nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Ý thức và quyết tâm học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chính sách thu hút trí thức có trình độ cao chưa thật sự hấp dẫn, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ trí thức hoạt động trong các doanh nghiệp; ở một số ngành xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Chưa xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các hội trí thức thực hiện các dịch vụ công, cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát các hoạt động nghề nghiệp, thực hiện tự chủ về tài chính. Chưa xây dựng và thực hiện các quy định về giải thưởng cho các công trình nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất và đời sống. Môi trường làm việc ở một số nơi chưa thật sự dân chủ, tự do sáng tạo, đặc biệt đối với trí thức khoa học xã hội và văn nghệ sĩ. Công tác cán bộ, công tác quản lý, nhất là khâu đánh giá, sử dụng trí thức còn nhiều bất cập, nhiều điểm không phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu ở một số ngành, lĩnh vực. Việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức còn hạn chế. Những hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và trách nhiệm đối với đội ngũ này chưa đầy đủ, sâu sắc; chưa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch hằng năm cũng như dài hạn của tỉnh. Chưa phát huy tốt vai trò của tổ chức Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, nơi tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức. Việc tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức còn nhiều hạn chế. Công tác thu hút, tập hợp và định hướng hoạt động của các tổ chức tri thức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mô hình, phương thức hoạt động còn nhiều bất cập. chưa gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Công tác dự báo nhu cầu, đánh giá, quy hoạch nguồn nhân lực có chuyển biến, song thiếu đồng bộ ở các cấp, các ngành, mức độ chinh xác chưa cao, làm cho việc hoạch định kế hoạch đào tạo, thu hút phát triển nhân lực thiếu chủ động và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. B. Một số đề xuất giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quảng Ngãi đã khẳng định, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tỉnh, điều đó đã được khẳng định và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 13/10/2011 của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch và các chính sách thực hiện việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi là, việc phát triển nguồn nhân lực trẻ phải gắn với công tác qui hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng phù hợp với yêu cầu của tỉnh, của từng cấp, từng ngành nhằm đáp ứng với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cho nên phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vững mạnh theo hướng "Trí thức hóa đội ngũ cán bộ cấp xã, chuyên môn hóa cán bộ cấp huyện và đào tạo cán bộ cấp tỉnh có tầm chiến lược", thì mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu hụt cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu, quản lý giỏi trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp xã ở các huyện miền núi. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh không ngừng lớn mạnh, có số lượng và cơ cấu hợp lý, có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó phải là bộ phận nhân lực có phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị ngang tầm với nhiệm vụ, trung thành với sự nghiệp đổi mới của Đảng, tận tụy phục vụ quê hương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là một lực lượng quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân – nông dân – đội ngũ trí thức. Đến năm 2020, phấn đấu tỉ lệ đội ngũ trí thức chiếm 2 % dân số toàn tỉnh. Trong đó có 2 % là thạc sĩ và 0,3 % là tiến sĩ, chú trọng phát triển số lượng trí thức có trình độ sau đại học đáp ứng mức chuẩn theo quy định cho tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo, y tế, cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và các đơn vị hoạt động sự nghiệp khoa học, công nghệ. Để thực hiện được mục tiêu này, Quảng Ngãi cần tập trung làm tốt các công việc sau đây: Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức khoa học đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, phẩm chất đạo đức, trách
  4. Lê Đức Thọ 105 nhiệm của đội ngũ trí thức đối với đất nước và tỉnh Quảng Ngãi. Tăng cường tuyên truyền vận động, giáo dục chính trị tư tưởng để bản thân mỗi cán bộ tri thức nhận thức rõ trách nhiệm đối với cộng đồng, với địa phương, với đất nước, từ đó tạo động lực để họ không ngừng phấn đấu, nâng cao năng lực, trình độ bản thân, khẳng định vai trò, vị trí và đóng góp của mình cho xã hội. Hai là, hoàn thiện cơ chế sử dụng đội ngũ trí thức khoa học, nhất là các trí thức có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học uy tín tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia các diễn đàn và hội thảo khoa học, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, công tác phổ biến kiến thức và các hoạt động khoa học khác, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo. Tổ chức tốt các hoạt động tôn vinh trí thức tiêu biểu có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển của tỉnh. Phải sử dụng trí thức một cách hợp lý bởi vì có trí thức là có tiềm lực quan trọng nhưng chỉ khi biết sử dụng có hiệu quả tiềm lực ấy thì mới phát huy được hiệu quả cho địa phương. Nhất là có cơ chế thu hút lựa chọn nhân tài ở cương vị đứng đầu, cấp trưởng. Ba là, thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương, đơn vị. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW, tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo trong triển khai ứng dụng khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội. Các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cởi mở, sẵn sàng trao đổi, lắng nghe, đối thoại với trí thức. Trang bị đầy đủ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị, có cơ chế thông thoáng, đơn giản các thủ tục hành chính trong thực hiện các đề án, nhiệm vụ, đề tài khoa học. Bốn là, đổi mới mạnh mẽ công tác tập hợp trí thức trong và ngoài tỉnh, nhất là trí thức khoa học trẻ, trí thức nắm giữ công nghệ mới của thời kỳ công nghiệp 4.0; đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo của trí thức. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh các cơ chế, chính sách về tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trí thức làm việc và cống hiến. Tổ chức tốt các hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ để kịp thời tôn vinh, khen thưởng, động viên các trí thức có những công trình, giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Năm là, thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Có kế hoạch bố trí sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý, có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có năng lực, có đạo đức tốt về công tác tại địa phương và khuyến khích đội ngũ trí thức tăng cường về cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng công tác thi đua khen thưởng hằng năm, nhằm khuyến khích, tôn vinh trí thức có thành tích trong hoạt động báo chí, văn học - nghệ thuật, khoa học và phát triển công nghệ, thông qua việc tổ chức trao tặng các giải thưởng về báo chí, văn học - nghệ thuật, sáng tạo khoa học và công nghệ, Qua hoạt động này, nhiều nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sỹ được tuyên dương, khen thưởng vì đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Sáu là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức. Xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên; tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, làm cho toàn xã hội hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức, xây dựng một xã hội có nhiều con đường tiến thân và được xã hội trọng dụng. Quan tâm củng cố và phát huy vai trò của tổ chức đảng trong các hội trí thức; lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ, quy định cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ trí thức. Hoạt động đối thoại giữa trí thức với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nhiều địa phương, đơn vị tiến hành thường xuyên, trên tinh thần cởi mở, dân chủ. Bảy là, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức. Phát huy vai trò của các trường đại học trên địa bàn nhằm phối hợp trong dự báo nhu cầu, công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và khai thác sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, tư liệu, có hiệu quả nhất. Khuyến khích lập quỹ đầu tư nguồn lực để doanh nghiệp cùng chia sẻ chi phí đào tạo với các trường đại học nhằm gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nhân tài theo hướng tích cực, chủ động trong việc tiếp cận trình độ quốc tế. Tám là, phát huy tính tích cực của đội ngũ trí thức vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. Để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng trong các lĩnh vực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững thì đòi hỏi đội ngũ trí thức của tỉnh nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi trí thức phải tâm huyết, tích cực học tập, nâng cao trình độ, chủ động nghiên cứu tiếp thu, ứng dụng một cách sáng tạo, hiệu quả các thành tựu của cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để giải quyết các vấn đề cụ thể của thực tiễn và ngay trong công việc của cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc. Ngoài những kỹ năng nghề nghiệp, mỗi trí thức trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần bổ sung cho mình những kỹ năng khác như kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học và đặc biệt là các kỹ năng mềm cần thiết đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 [4].
  5. 106 PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH QUẢNG NGÃI TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 HIỆN NAY IV. KẾT LUẬN Đội ngũ trí thức dù công tác ở ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền nào cũng đều là nguồn lực đặc biệt, là tinh hoa, nguyên khí quốc gia, vốn quý của đất nước nói chung, là nguồn lực quan trọng bậc nhất cho sự nghiệp phát triển kính tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Mỗi trí thức phải xác định việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là trách nhiệm xã hội giao cho mình, đặc biệt là đội ngũ trí thức có trình độ cao và đội ngũ trí thức trong các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội càng cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm. Đội ngũ trí thức phải ra sức thi đua học tập, lao động, sáng tạo để thực sự trở thành một lực lượng hùng hậu, ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. V. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2008), “Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, Hà Nội. [2] Bảo Phượng (2018), “GS.TS. Lê Thị Quý: Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ trí thức phải nắm vai trò tiên phong”, [3] Nguyễn Nhẫn (2018), “Tỉnh ủy Quảng Ngãi gặp mặt đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” Báo Quãng Ngãi, ngày 16/12/2018. [4] Lê Đức Thọ (2018), “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những kỹ năng cần thiết cho sinh viên Việt Nam hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia: “Đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng”, Nxb. Đà Nẵng, tr.612-617. DEVELOP QUANG NGAI PROVINCE'S INTELLECTUAL TEAM IN THE CONTEXT OF THE CURRENT INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0 Le Duc Tho ABSTRACT: The paper uses a method of collecting secondary materials to study the status of intellectual contingent in Quang Ngai province in the context of the current industrial revolution 4.0. The results show that, in recent years, the contingent of intellectuals in Quang Ngai province has actively contributed to the socio-economic development of the province. The Industrial Revolution 4.0 is setting new requirements for intellectual staff of Quang Ngai province both in quantity and quality. The paper also proposes some solutions to build and develop the current contingent of intellectuals in Quang Ngai province.