Phát triển kênh phân phối thương mại các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Tây Nguyên trong kỉ nguyên số

pdf 6 trang Gia Huy 18/05/2022 2810
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển kênh phân phối thương mại các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Tây Nguyên trong kỉ nguyên số", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_kenh_phan_phoi_thuong_mai_cac_san_pham_nong_nghie.pdf

Nội dung text: Phát triển kênh phân phối thương mại các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Tây Nguyên trong kỉ nguyên số

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 PHÁT TRIỂN KÊNH PHÂN PHỐI THƯƠNG MẠI CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VÀ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TÂY NGUYÊN TRONG KỈ NGUYÊN SỐ DEVELOPING COMMERCIAL DISTRIBUTION CHANNEL ON AGRICULTURAL PRODUCTS AND HIGH-TECH AGRICULTURAL PRODUCTS IN THE CENTRAL HIGHLANDS AT THE DIGITAL AGE ThS. Nguyễn Thị Thanh Thắm Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên ĐT: 0917767334 - Email: thanhtham.ckt@gmail.com Tóm tắt Địa bàn Tây Nguyên đang có nhiều ưu thế trong phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời cũng đang phát triển mạnh mẽ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Đề án phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao của Thủ tướng Chính Phủ. Bài viết nghiên cứu thực trạng kênh phân phối thương mại các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên, từ đó, phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp trong phát triển kênh phân phối thương mại các sản phẩm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên, góp phần phát triển trong chuỗi giá trị các các sản phẩm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trước những xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ khóa: sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, kênh phân phối, thương mại, Tây Nguyên. Abstract The Central Highlands region has many advantages in developing the production of agricultural products, and at the same time, it is also strongly developing the production of high-tech agricultural products following to the project on developing high-tech agricultural areas by the Prime Minister. The paper studies the current situation of commercial distribution channels of agricultural products and high-tech agricultural products produced in the Central Highlands region, therefore, analyzing the situation, proposing solutions in developing distribution channels of agricultural products and high-tech agricultural products manufactured in the Central Highlands, contributing to the development of the value chain of agricultural products and high- tech agricultural products with the trends of the industrial revolution 4.0. Keywords: agricultural products, high-tech agricultural products, distribution channels, trade, Central Highlands 1. Đặt vấn đề Trong những năm trở lại đây, Tây Nguyên đang có sự chuyển mình rõ rệt trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm phát huy lợi thế của vùng. Hơn nữa, đứng trước bối cảnh liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trở thành xu thế tất yếu cho sự phát triển nông nghiệp của vùng, nhất là khi Tây Nguyên nằm trong cùng quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng theo Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/5/2015. Có thể nói, Tây Nguyên là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất và phát triển nông nghiệp. Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai, là một trong 6 vùng kinh tế lớn với nhiều thế mạnh để phát triển nông nghệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo số liệu thống kê 2018 được công bố, toàn vùng có diện tích 5,45 triệu ha trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 44% với trên 2,42 triệu ha. Với vị trí địa lý cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi, Tây Nguyên là nơi sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp hiện đang là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu của nước ta, như cà phê (với 89,4% diện tích cà phê cả nước), hồ tiêu (với 55,2%), điều (với 23,5%), chè (với 16,6%), góp phần giúp Việt Nam trở thành top 5 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy 250
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nông nghiệp Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, hình thành chủ yếu ở khâu sản xuất và chế biến thô, chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Giá trị gia tăng để lại cho Tây Nguyên trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa cao. Nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất chất lượng, thỏa mãn nhu cầu xã hội, phát triển nông nghiệp bền vững, vấn đề hoàn thiện và phát triển kênh phân phối cho các sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ là biện pháp tháo gỡ thực trạng mà còn là tiền đề thúc đẩy, tạo động lực và phương hướng sản xuất bền vững cho nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của vùng. 2. Kênh phân phối thương mại trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chuỗi giá trị sản phẩm kết hợp linh hoạt đang được áp dụng khá rộng rãi trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kênh phân phối thương mại là một phần trong khâu thương mại của chuỗi giá trị sản phẩm. Có thể khái quát chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp được hiểu như một phức hợp những hoạt động do nhiều người, nhiều bên tham gia thực hiện sản xuất sơ cấp, chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ để biến nguyên liệu thô thành thành phẩm, các chức năng hỗ trợ như cung cấp vật tư nguyên liệu đầu vào, dịch vụ tài chính, đóng gói, tiếp thị (Sonja Vermeulen et al., 2018). Chuỗi giá trị khái quát theo các cách tiếp cận khác nhau đều bao gồm các hoạt động chính như cung ứng đầu vào, quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, marketing – bán hàng và dịch vụ và các hoạt động hỗ trợ như quản trị tổng quát, quản trị nhân sự, phát triển công nghệ và hoạt động thu mua. Theo đó, kênh phân phối sản phẩm là một phần quan trọng được đưa ra trong các nghiên cứu về chuỗi giá trị nói chung và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Đầu Sản Thu Ch ế Thương mại Tiêu vào xuất hoạch biế n & dùng Phân phối Hình 1: Chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao Nguồn: Tổng hợp của tác giả Với những thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, sản phẩm nông nghiệp không chỉ là sản phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống mà còn là sản phẩm sạch, hữu cơ có áp dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất, quản lý kết hợp tiếp cận thị trường nhằm tạo sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất, đáp ứng thị trường đi đôi với bảo vệ môi trường, các vấn đề về an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn cũng là những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm trong giai đoạn hiện nay. 3. Thực trạng kênh phân phối thương mại các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên Các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, trong đó có sự đầu tư tích cực khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm nông nghiệp. Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn về cây cà phê, hồ tiêu, điều, chè, ngô, sắn Đây là những cây trồng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích gieo trồng và tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp và diện tích các loại cây cùng loại trên cả nước, như cà phê với 94% sản lượng cả nước (1,2 triệu tấn), hồ tiêu với 54% sản lượng cả nước (80 nghìn tấn), sắn với 26% sản lượng cả nước (2,5 triệu tấn), ngô với 25% sản lượng cả nước (với 1,3 triệu tấn) (Tổng Cục Thống kê, 2018). Hơn thế nữa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Nguyên đang được đầu tư, quan tâm và bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu. Tỉnh Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước về diện tích canh 251
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 tác với 26 vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao với gần 19.00 ha rau, 3.700 ha hoa, 160 ha cây đặc sản dâu tây, actiso, gần 6.400 ha chè. Trong đó có 12 doanh nghiệp sản xuất chế biến chè áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP. Ngoài ra còn có các loại cây chủ lực khác được cơ cấu như cà phê, lúa, các loại vật nuôi chủ lực tập trung chăm sóc như bò sữa với hơn 20.000 con, cá tầm và cá hồi với sản lượng gần 765 tấn/năm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, 2018). Kim ngạch nông sản xuất khẩu chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh (Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, 2018). Tỉnh Gia Lai có hơn 23.500 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tiên tiến, 155 cánh đồng lớn với diện tích hơn 3.000 ha, trong đó 688 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 500ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 46ha rau quả, cà phê, chè Organic. Tỉnh còn có 210 cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ cao với 1.950 con heo nái, 78.785 con heo thịt, 88 trại gia cầm với hơn 380.000 con, 33 trại bò với 218.828 con (Cục Thống kê tỉnh Gia Lai, 2018). Nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao được hình thành trong đó có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt bơ, thanh long, ớt, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê và khu chăn nuôi. Tỉnh KonTum cũng dần hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh, chăn nuôi gia súc tập trung như dê, bò sữa, bò thịt với 3.000 ha, bên cạnh đó là các vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn quốc tế với 500 ha (Cục Thống kê tỉnh KonTum, 2018). Tỉnh Đắk Lăk cũng xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với 40.000 ha cà phê, 3.000 ha hồ tiêu, 8400ha lúa lai, 46.000 ha ngô cao sản, 1.000ha rau an toàn (Cục Thống kê tỉnh Đắc Lắk, 2018). Ngoài ra, bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, Tây Nguyên còn đang phát triển các loại thảo dược vùng ôn đới như sâm Ngọc Linh, bước đầu cũng đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên với vùng có tiềm năng lớn trong sản xuất nông lâm nghiệp nhưng chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp nơi đây thuộc khu vực nông nghiệp, các doanh nghiệp trong khu vực còn lại có quy mô nhỏ, chưa đem lại giá trị gia tăng cao. Việc phân phối theo chuỗi giá trị góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí và gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đã hình thành và củng cố, xây dựng kênh tiêu thụ mới, góp phần rút ngắn giai đoạn. Thêm vào đó, sản xuất lớn, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đang là hướng đi giúp tăng cường mối liên kết giữa nông hộ với các doanh nghiệp trong phát triển chế biến theo chiều sâu, bán sản phẩm trực tiếp có thương hiệu thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Tây Nguyên đang sở hữu một nguồn sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao với số lượng lớn có khả năng chi phối thị trường trong nước và thế giới nhưng cũng do hạn chế trong việc tham gia phân phối vào thị trường mà cho đến nay kênh phân phối vẫn còn nhiều hạn chế. Theo mức độ tiếp cận thị trường cũng như mức độ tham gia giai đoạn thương mại và phân phối trong chuỗi từ thấp đến cao như sau; (1) Bán hàng cho người mua ngẫu nhiên; (2) Bán hàng cho người mua có quan hệ hợp tác; (3) Tham gia một mắt xích trong chuỗi liên kết; (4) Tham gia với tư cách là lãnh đạo chuỗi, ta có thể thấy hiện tại phần nhiều các doanh nghiệp tại Tây Nguyên mới chỉ tham gia chuỗi ở mức độ cấp thấp ở mức (1) hoặc (2). Các trung gian thương mại này tiếp tục bán hàng cho các bên chế biến hoặc các bên nhập khẩu của nước thứ ba. Khi đó, phần nhiều các sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên được tiêu thụ dưới dạng nông sản thô, không tuân thủ tiêu chuẩn nhất định, bán cho trung gian tiêu thụ ngẫu nhiên, hợp đồng theo lô hàng, giá thu mua được xác định sau khi chốt giá hợp đồng dẫn tới thực trạng nhiều sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tây Nguyên chiếm thị phần lớn nhưng lại không có vai trò trong quá trình hình thành giá trên thị trường, thậm chí còn bị lệ thuộc vào giá cả thị trường, sản lượng tăng, xuất khẩu tăng nhưng giá trị gia tăng lại thấp và không ổn định. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Tây Nguyên được phân phối bởi nhiều chuỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc các doanh nghiệp có quy mô khá lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp này trên thị trường gần như đang đứng trung gian giữa các thương lái và các nhà đầu cơ trên thị trường thế giới, vẫn thiếu sự kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng. Không chỉ vậy, hầu như các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chủ yếu dựa vào mạng lưới thu mua của thương nhân, thiếu mạng lưới phân phối chính thống, dẫn tới giá nông sản không ổn định và giá trị gia tăng của nông sản thấp. 252
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Hơn thế nữa, với xu thế sử dụng các sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng bên cạnh các yêu cầu về chất lượng, giá cả đang được người tiêu dùng gia tăng thị yếu. Tuy nhiên, yêu cầu này đối với các sản phẩm nông nghiệp tại nhiều cơ sở, nông hộ trên địa bàn Tây Nguyên còn chưa thực sự quan tâm. Trong giai đoạn vừa qua, kênh phân phối sản phẩm qua các chợ đầu mối được duy trì và ổn định, giải quyết bài toán kết nối cung cầu trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa sản phẩm vùng với hệ thống phân phối, cung ứng nông sản. Tuy nhiên, kênh phân phối này còn có những điểm hạn chế nhất định về mức độ an toàn của các loại nông sản, khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh trên phạm vi địa bàn và các vùng lân cận. Việc kết nối các vùng nguyên liệu, chợ nông sản, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng nông sản vùng trên cả thị trường trong nước và nước ngoài vẫn cần phải có biện pháp can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả phân phối và mở rộng phạm vi tiêu thụ. Hiện nay, sự đầu tư phát triển của các tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư xây dựng theo chuỗi liên kết khép kín đã bước đầu hình thành, tuy nhiên, việc giải quyết kênh phân phối cho các sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của các cơ sở sản xuất hiện tại cũng là một phần quan trọng trong bài toán phát triển bền vững kinh tế vùng. Với những lợi thế và tiềm năng đó trong sản xuất nông nghiệp mà hệ thống kênh phân phối chưa được đầu tư thỏa đáng thì Tây Nguyên không chỉ bị thất thoát cho chính giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp mà còn ảnh hưởng tới sự gián đoạn trong chuỗi giá trị sản phẩm, kích thích sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trong những năm trở lại đây, những bài học đắt giá cho các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa Tây Nguyên trong việc sản xuất chạy theo số lượng, vỡ quy hoạch đã xảy ra không ít, sản xuất cuốn theo thị trường, việc nuôi trồng hay chặt bỏ diễn ra vội vã, khiến người dân rơi vào vòng luẩn quẩn, trở thành thách thức lớn cho ngành nông nghiệp. Với lợi thế của mình cùng những dự án hỗ trợ quy hoạch của nhà nước, việc thiết lập kênh phân phối hoàn thiện bên cạnh quy trình sản xuất đảm bảo kết hợp các yếu tố đầu vào, đầu ra nhằm phát triển kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trở thành vấn đề sống còn, mang tính ổn định lâu dài cho ngành nông nghiệp tại các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên. 4. Giải pháp phát triển kênh phân phối thương mại các sản phẩm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên Mở rộng kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sử dụng công nghệ mới Việc mở rộng kênh phân phối là vấn đề quan trọng trong chủ động tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản trên địa bàn vùng. Nhằm kết nối giữa vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản với hệ thống phân phối, cung ứng nông sản cần thiết phải có các trung tâm thu gom, cung ứng nông sản thông qua không chỉ các chợ đầu mối mà phát triển hơn là trung tâm đầu mối nông sản sử dụng các kỹ thuật mới trong kết nối dữ liệu truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như các loại nông sản và sản lượng cung ứng và các thông tin liên quan tới nông sản. Trung tâm hoạt động trên các vùng có kết nối thông tin dữ liệu hoặc dưới hình thức một trung tâm với các chi nhánh phủ khắp vùng được kết nối dữ liệu xuyên suốt sẽ góp phần tạo ra một kênh tiêu thụ bền vững đối với các mặt hàng nông sản của địa phương, đáp ứng được yêu cầu cung ứng các nông sản đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, góp phần kết nối các vùng nguyên liệu, vùng nông sản, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của mặt hàng nông sản Việt Nam không những trên thị trường trong nước mà còn cả thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này phù hợp với điều kiện kinh tế của vùng, việc mở rộng các chương trình tìm kiếm, phát triển ứng dụng kết hợp với các nguồn lực có sẵn cần có chiến lược rõ ràng để phát triển theo hướng hiện đại mang tầm quốc gia và lớn hơn nữa là tầm quốc tế. Hình thành, củng cố và mở rộng chuỗi liên kết kiểm soát, tăng cường sự tham gia của bốn nhà (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước) trong chuỗi giá trị sản phẩm Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông với doanh nghiệp và với người tiêu dùng, hỗ trợ các 253
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 thành phần tham gia trong chuỗi giá trị từ khuyến nông, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra và chứng nhận chất lượng, phát triển thương hiệu giúp mở rộng và phát triển chuỗi liên kết kiểm soát. Quản trị và kết nối chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp toàn cầu, thiết lập hệ thống thông tin sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn nhất định, tăng cường năng lực quản trị chuỗi với việc ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp trong quản trị và kết nối chuỗi giá trị. Để làm được điều này cần sự chủ động tích cực từ phía người dân, sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, hợp tác thiết lập mã truy xuất nguồn gốc, xây dựng hình ảnh sản phẩm, thông tin quy trình sản xuất bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp có kinh nghiệm cung cấp nông sản cho các đầu mối kết hợp cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong phát triển công nghệ, hỗ trợ phát triển thương hiệu và ứng dụng công nghệ trong phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà khoa học tích cực tham gia hỗ trợ kĩ thuật sản xuất, tư vấn phát triển thương hiệu Cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong các quy hoạch, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp vùng theo xu thế mới. Phát triển các dịch vụ đi kèm việc mở rộng kênh phân phối Phát triển các dịch vụ đi kèm để phát triển kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao như dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn pháp lý, tài chính, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ tư vấn công nghệ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm Hỗ trợ phát triển xây dựng, bảo hộ, duy trì các thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; Tăng cường hoạt động quảng bá, dự báo thị trường và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Bên cạnh các giải pháp đầu tư chiều sâu công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống sản xuất nông nghiệp tốt. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin về môi trường kinh doanh, phân phối, giá cả các mặt hàng của vùng, chủ động áp dụng thương mại điện tử trong giao dịch, mua bán sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của vùng với thị trường trong nước và quốc tế. 5. Kết luận Trước những biến đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng những xu thế mới trong sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên cũng như các vùng khác trên cả nước, phát triển nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao cần có các biện pháp toàn diện từ khâu đầu vào cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm và phân phối là một phần mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ấy. Để khâu phân phối phát triển phù hợp với thực tế sản xuất và định hướng phát triển sản xuất của các địa phương trong vùng, cần có sự tác động phối hợp giữa các biện pháp từ xây dựng tới việc mở rộng kênh phân phối bên cạnh việc đảm bảo số lượng cũng như chất lượng sản phẩm cung ứng, quan tâm phát triển hình ảnh thương hiệu sản phẩm nông sản vùng. Để làm được điều này, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên từ người dân, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước. Khi xác định được kênh phân phối kết hợp với sự phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản giúp gia tăng giá trị tăng thêm cho sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong vùng, giúp phát huy thế mạnh của vùng và góp phần phát triển bền vững kinh tế vùng và kinh tế quốc gia. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Sonja Vermeulen, Jim Woodhill, Felicity Proctor and Rik Delnoye (2008), Chain-Wide Learning for Inclusive Agrifood Market Development: A guide to multi-stakeholder processes for linking small-scale producers to modern markets, Waningen University and Rearch Centre, the Netherlands. 2. Thủ tướng Chính phủ, QĐ 575/QĐ-TTg, “Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ban hành ngày 5/4/2015. 3. Tổng Cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê 2018, tr. 280-441. 254
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 4. Cục Thống kê tỉnh Gia Lai (2019), Niên giám thống kê Gia Lai 2018. 5. Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng (2019), Niên giám thống kê Lâm Đồng, 2018. 6. Cục Thống kê tỉnh Kon Tum (2019), Niên giám thống kê Kon Tum 2018. 7. Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk (2019), Niên giám thống kê Đắk Lắk 2018. 8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tr.90-110. 255