Tác động của hội nhập kinh tế khu vực và phát triển thương mại xuyên biên giới đến tài nguyên rừng: Nghiên cứu trường hợp hành lang kinh tế Đông - Tây và suy thoái tài nguyên rừng ở Lào và Việt Nam

pdf 14 trang Gia Huy 18/05/2022 2650
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của hội nhập kinh tế khu vực và phát triển thương mại xuyên biên giới đến tài nguyên rừng: Nghiên cứu trường hợp hành lang kinh tế Đông - Tây và suy thoái tài nguyên rừng ở Lào và Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_hoi_nhap_kinh_te_khu_vuc_va_phat_trien_thuong_m.pdf

Nội dung text: Tác động của hội nhập kinh tế khu vực và phát triển thương mại xuyên biên giới đến tài nguyên rừng: Nghiên cứu trường hợp hành lang kinh tế Đông - Tây và suy thoái tài nguyên rừng ở Lào và Việt Nam

  1. TÁC ĐỘNG CỦA HỘI NHẬP KINH TẾ KHU VỰC VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI XUYÊN BIÊN GIỚI ĐẾN TÀI NGUYÊN RỪNG: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG - TÂY VÀ SUY THOÁI TÀI NGUYÊN RỪNG Ở LÀO VÀ VIỆT NAM ECONOMIC REGIONALIZATION AND ITS IMPACT ON FOREST RESOURCES: THE CASE STUDY OF THE EAST - WEST ECONOMIC CORRIDOR AND FOREST DEGRADATION IN LAOS AND VIETNAM PGS. TS. Bùi Đức Tính ThS. Nguyễn Mạnh Hùng ThS. Hoàng Thị Kim Thoa Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế Tóm tắt Nghiên cứu này được thực hiện nhằm làm rõ sự tác động của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây đến suy thoái tài nguyên rừng ở Lào và Việt Nam - một minh chứng về sự tác động của hội nhập kinh tế khu vực và phát triển thương mại xuyên biên giới đến tài nguyên rừng. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả để phân tích số liệu định lượng và định tính được thu thập từ các nguồn khác nhau, bao gồm số liệu thứ cấp và số liệu sơ cấp, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thiết lập tuyến Hàng lang kinh tế Đông - Tây đã tạo ra những tác động theo 2 chiều hướng khác nhau đến kinh tế - xã hội và môi trường. Lợi ích thiết thực do EWEC mang lại là sự phát triển mạng lưới giao thông đã tạo động lực thúc đẩy hợp tác trao đổi thương mại, với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trên toàn tuyến đạt được trong năm 2015 là 2,15 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2006 (643 triệu USD). Bên cạnh đó, nhiều vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa đã phát triển ở nhiều địa phương có EWEC đi qua (điển hình là tỉnh Quảng Trị của Việt Nam), góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, dưới tác động của EWEC, hoạt động mua bán gỗ xuyên biên giới diễn ra một cách nhanh chóng và xuất hiện tình trạng xâm thực đất rừng để mở rộng và phát triển cây trồng hàng hóa ở các địa phương một cách thiếu kiểm soát là những nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái tài nguyên rừng. Từ khóa: Hành lang kinh tế Đông - Tây, Thương mại xuyên biên giới; Suy thoái tài nguyên rừng Abstract This study investigated impact of economic regionalization on forest resources with a focus on the case study of the East - West Economic Corridor (EWEC) operation between Laos and Vietnam. This study applies descriptive statistics methods to analyze quantitative and qualitative data that is collected from the different data sources, including secondary and primary data. The research results show that there is a positive and negative influence of the EWEC on economic, social and environment in many localities along it. Firstly, The EWEC’s a morden transport system that has supported to increase trade cooperation between the countries. For example, the export and import value between the coutries along EWEC reached 2.15 billion USD in 2015, more than 3 times to 54
  2. 643 million dollars in 2006. In addition, the EWEC brings the opportunity for localities in developing cash crops production and creating employment, increasing their income, such as Quang Tri province in Vietnam. However, under the impact of the EWEC, the cross- border timber trade has been being increasingly taking place and extension of cash crops area scale by accessing to forest land in locals whithout the local authorities’control that are the key factors that cause degradation of forest resources. Key words: East - West Economic Corridor, the cross-border trade, degradation of forest resources 1. Giới thiệu Hành lang Kinh tế Đông - Tây (East-West Economic Corridor - EWEC) là một trong những sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng vào năm 1998 nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế giữa 4 nước Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (ADB, 2009). Sự ra đời của EWEC đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Tác động rõ nét nhất đó là hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh thông qua sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản - JIBIC (ADB, 2009). Cùng với sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trở nên sôi động, mức độ lưu thông hàng hóa đã tăng lên đáng kể do thực hiện các chính sách cải cách về hải quan (ADB, 2009). Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 4 quốc gia dọc EWEC đạt được 2,15 tỷ USD trong năm 2015, tăng gấp 3 lần so với năm 2006 (643 triệu USD) (ADB, 2009; englishnews.thaipbs.or.th). Tuy nhiên, kể từ khi EWEC chính thức được thông tuyến năm 2006, trao đổi thương mại các nguồn tài nguyên có tính chất xuyên biên giới ngày càng gia tăng và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia có EWEC đi qua trong việc quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học. Nguồn tài nguyên được trao đổi ở đây chủ yếu là gỗ với nguồn cung cấp chính từ Lào và Myanmar. Trong giai đoạn 2009 - 2014, giá trị gỗ xuất khẩu của Lào đạt 1,7 tỷ đô la, trong đó giai đoạn từ 2013 - 2014 chiếm đến 70% tổng giá trị gỗ xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ gỗ Lào chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam, chiếm 96% giá trị xuất gỗ xuất của Lào (năm 2014), trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 63% và thị trường Việt Nam là 33% (haiquan.quangtri.gov.vn). Mặt khác, dưới tác động của EWEC, thị trường tiêu thụ nông sản đã được mở rộng không chỉ ở trong khu vực các nước có EWEC đi qua mà còn tiếp cận được thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Điều này đã khuyến khích các nông hộ tăng quy mô sản xuất bằng cách xâm nhập diện tích rừng nhằm gia tăng diện tích canh tác các loại cây trồng hàng hóa. Bằng chứng điển hình là ở huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), nếu như năm 2005 diện tích canh tác của 2 loại cây trồng chuối và sắn chỉ có 4.920 ha, thì đến năm 2015 đã tăng lên 14.872 ha, bình quân tăng 11,7%/năm giai đoạn 2005 - 2015 (Phòng Thống kê huyện Hướng Hóa, 2005 và 2015; UBND huyện Hướng Hóa, 2008 và 2015). Sự xâm thực vào diện tích rừng không chỉ được diễn ra trong phạm vi huyện Hướng Hóa mà còn vượt qua khỏi biên giới của quốc gia. Nhiều hộ nông dân ở huyện Hướng Hóa đã sang 55
  3. Lào để thuê đất trồng chuối ở trên các cánh rừng dọc theo dòng sông Xê Pôn (ranh giới giữa Lào và Việt Nam), ước tính có khoảng trên 300 hộ, với diện tích bình quân khoảng 2,5 ha/hộ (UBND huyện Hướng Hóa, 2015). Như vậy, tài nguyên rừng ở các địa phương có EWEC đi qua đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do nạn phá rừng ngày càng gia tăng. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có phần tác động không nhỏ của hoạt động thương mại xuyên biên giới trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây - một lỗ hỏng của chính sách hội nhập kinh tế khu vực. Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm trả lời được các câu hỏi: có mối quan hệ tương quan giữa phát triển thương mại xuyên biên giới trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây với nạn phá rừng hay không? Sự xâm thực diện tích rừng để mở rộng đất canh tác các loại cây trồng hàng hóa ở các địa phương sau khi EWEC được thông tuyến diễn ra như thế nào? Có sự thiếu vắng chính sách quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng ở các quốc gia khi thiết lập tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây hay không? Kết quả nghiên sẽ là những thông tin hữu ích và có cơ sở khoa học cho các nhà làm chính sách trong việc hoạch định và xây dựng các chiến lược phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Khung phân tích Trong thời gian gần đây, đã có một số nghiên cứu đề cập đến tác động của chính sách hội nhập kinh tế khu vực đến kinh tế - xã hội và môi trường. Sirivanh (2007) lập luận rằng việc thiết lập hành lang kinh tế đã tác động đến các cộng đồng dân cư sinh sống dọc trên tuyến hành lang đi qua, cụ thể là sự gia tăng về di cư lao động, mất đất canh tác và thay đổi sinh kế. Zu Hua (2006) cho rằng các hành lang kinh tế tạo ra những tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, đó là người dân dễ dàng tiếp cận tài nguyên rừng do tuyến hành lang kinh tế đã kết nối được với các cánh rừng thông qua phát triển mạng lưới giao thông. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán gỗ và động vật hoang dã trái phép ngày càng gia tăng; tài nguyên rừng giảm nhanh hơn, đặc biệt là những khu rừng gần các tuyến đường thuộc hành lang kinh tế, trong khi đó diện tích trồng các loại cây cọ dầu, cao su tăng nhanh. Rõ ràng, các kết quả nghiên cứu trên đây đều chỉ ra rằng chính sách hội nhập kinh tế khu vực đều tác động tích hợp đến tất cả 3 trục kinh tế - xã hội - môi trường. Dựa trên cách tiếp cận phân tích của các nghiên cứu trước đây, trong phạm vi nguồn dữ liệu và thông tin thu thập được, nghiên cứu này tập trung phân tích tác động của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đến tài nguyên rừng ở các địa phương. Theo khung phân tích được trình bày ở sơ đồ 1, nghiên cứu sẽ làm rõ mối liên hệ giữa nạn phá rừng ở các địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây với sự phát triển thương mại gỗ có tính chất xuyên biên giới và sự mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng hàng hóa dưới tác động của EWEC. 56
  4. Hành lang kinh tế Đông - Tây Phát triển thương mại Hoạt động mua bán xuyên biên giới gỗ xuyên biên giới Phát triển các loại cây trồng hàng hóa Sự xâm thực diện tích Suy thoái rừng tài nguyên rừng Sơ đồ 1. Khung phân tích nghiên cứu 2.2. Lựa chọn điểm nghiên cứu và thu thập số liệu Vùng nghiên cứu được lựa chọn đó là vùng cửa khẩu biên giới giữa Lào và Việt Nam, bao gồm 2 cặp cửa khẩu Dansavanh - Lao Bảo, Salavan - La Lay; huyện Hướng Hóa và Đakrông thuộc tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở vùng nghiên cứu được xác định, việc thu thập số liệu phục vụ nghiên cứu được thực hiện như sau: - Thu thập số liệu thứ cấp: được thực hiện tại các cửa khẩu của Việt Nam, Chi cục hải quan tỉnh Quảng Trị; UBND huyện Hướng Hóa và Đakrong nhằm thu thập số liệu và thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu gỗ giữa Lào và Việt Nam, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên môi trường. Số liệu thứ cấp được sử dụng trong nghiên cứu này được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, với các thời điểm cũng khác nhau tùy vào đặc điểm và sự sẵn có của nguồn số liệu, do đó phạm vi thời gian của bộ số liệu thứ cấp ở trong nghiên cứu này được giới hạn từ trước thời điểm EWEC được thiết lập đến năm 2015, trong đó trọng tâm là thời điểm 2015. - Thu thập số liệu sơ cấp: Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyến sâu KII (Key Informant Interview), thảo luận nhóm (Focus Group Discussion) và kỹ thuật thiết kế bảng hỏi điều tra nông hộ. Phỏng vấn chuyên sâu được thực hiện tại các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện của tỉnh Quảng Trị. Trong khi đó, các cuộc thảo luận nhóm được tổ chức ở cấp huyện với sự tham gia của các cán bộ quản lý và người dân địa phương. Ngoài ra, nghiên cứu này lựa chọn huyện Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị để thu thập số liệu liên quan đến tình hình sản xuất các loại cây trồng hàng hóa trong 57
  5. giai đoạn 2005 - 2015. Có 2 xã ở huyện Hướng Hóa nằm trên EWEC được lựa chọn điều tra, bao gồm xã Thuận và xã Hướng Tân. Tại huyện Đakrông, có 2 xã đã được lựa chọn, gồm xã Ba Nang và xã Avao. Hai xã này nằm cách Hành lang Kinh tế Đông Tây Khoảng 50 km, chỉ có đường giao thông kết nối đến trung tâm xã, việc đi vào các Bản khá biệt lập - không có đường ô tô. Vì vậy, đây được xem là 2 xã không chịu ảnh hưởng bởi EWEC. Hình 1. Địa điểm điều tra số liệu sơ cấp 2.3. Mẫu điều tra Mẫu điều tra được xác định bằng việc sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Tại Hướng Hóa, xã Thuận có 613 hộ và xã Hướng Tân có 710 hộ, N = 1323 hộ, sai số kỳ vọng là 10%, vậy quy mô mẫu cần điều tra là là 95 hộ1. Để phòng ngừa sai sót trong quá trình điều tra, nghiên cứu lựa chọn thêm số mẫu điều tra với tỷ lệ 20% tổng số mẫu điều tra, do đó quy mô mẫu điều tra cho 2 xã này là 115 hộ. Tương tự, tại ĐaKrông, xã Ba Nang có 528 hộ, xã Avao có 566 hộ, tổng thể N =1094, với sai số kỳ vọng 10%, quy mô mẫu điều tra n = 92 hộ, và tỷ lệ mẫu bổ sung được lựa chọn là 20% mẫu điều tra. Như vậy, quy mô mẫu điều tra tại 2 xã Không có EWEC là 110 hộ. 1Áp dụng công thức xác định cỡ mẫu điều tra của Slovin (1960): n=N/(1+Ne2). Trong đó: n - cỡ mẫu điều tra; N - tổng số hộ ở 2 xã; e - sai số kỳ vọng. 58
  6. 2.4. Phương pháp phân tích số liệu Nghiên cứu này sử dụng các kỹ thuật thống kê mô tả (descriptive statistical analysis tools) để phân tích số liệu định lượng và định tính. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng phương pháp “before - and - after” và kết hợp các kiểm định thống kê để đánh giá và so sánh sự khác biệt về các giá trị thống kê ở 2 thời điểm trước và sau khi có tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Phát triển thương mại xuyên biên giới trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây Kể từ khi EWEC được thiết lập từ năm 1998 đến nay, đã có rất nhiều chương trình, dự án, thiết chế được đề xuất thực hiện và tập trung vào các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng; thương mại và đầu tư; du lịch và công nghiệp; nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Trong số các lĩnh vực kể trên, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được xem là lĩnh vực ưu tiêu hàng đầu, bao gồm các hạng mục quan trọng như: Cầu Hữu nghị 2 (Second Friendship Bridge) nối liền giữa Mukdahan (Thái Lan) và Savannakhet (Lào); Dự án mở rộng và nâng cấp 4 tuyến đường cao tốc của Thái Lan; Xây dựng Cửa khẩu Lao Bảo; Nâng cấp Quốc lộ 9 từ Lao Bảo đến Đông Hà; Xây dựng đường hầm Hải Vân Trong giai đoạn 2009 - 2012, tổng số vốn đầu tư cho EWEC ước tính đạt đến 1,5 tỷ USD, chủ yếu được huy động từ ADB và JIBIC, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 90%. Như vậy, kể từ khi EWEC được thiết lập, các chính sách phát triển luôn được ưu tiên cho lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và người, xúc tiến phát triển du lịch. Trong khi đó, vấn đề quản lý tài nguyên môi trường vẫn chưa được chú trọng phát triển, tỷ trọng vốn đầu tư cho lĩnh vực môi trường là rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng vốn đầu tư cho tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn 2009 - 2012. Nguồn: ADB, 2009 Hình 2. Cơ cấu vốn đầu tư vào các lĩnh vực của EWEC giai đoạn 2009 - 2012 59
  7. Bằng việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, EWEC đã có một hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, hiện đại và thông suốt nối liền từ Myanmar đến Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy mở rộng hợp tác và trao đổi thương mại giữa các quốc gia có EWEC đi qua. Số liệu ở hình 3 cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu - nhập khẩu hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây tăng trưởng liên tục qua các năm trong giai đoạn 2004 - 2015. Nếu như năm 2004, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tại cặp cửa khẩu Myawaddy-Mae Sod (Myanmar-Thái Lan) đạt được ở mức 274 triệu USD thì đến năm 2015 lên đến 627 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2004. Tại cặp cửa khẩu Mukdahan-Savannakhet (giữa Thái Lan và Lào), tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2015 là 1,34 tỷ USD (tăng gấp 9,6 lần so với năm 2004). (Nguồn: Hình 3. Giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa qua EWEC Hàng hoá được trao đổi dọc Hành lang chủ yếu phản ánh lợi thế so sánh của mỗi nước. Xăng dầu, vật liệu xây dựng, cà phê, và xe tải là 4 mặt hàng chủ lực của Thái Lan xuất khẩu sang thị trường Lào, chiếm trên 35% tổng giá trị xuất khẩu. Ngược lại, đồng, hàng may mặc là 2 mặt hàng chính của Lào xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, chiếm đến 90% tổng giá trị xuất khẩu ( Mặt khác, cấu trúc hàng hóa xuất khẩu đã có sự thay đổi đáng kể sau khi EWEC chính thức được thông tuyến. Điển hình là tỷ trọng giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ của Lào sang Thái Lan đã giảm từ 97% (năm 1999) xuống còn 50% năm 2004 và còn khoảng 1% trong năm 2008, lý do là toàn bộ mặt hàng gỗ của Lào đã chuyển sang thị trường Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi EWEC chính thức đi vào hoạt động (ADB, 2009). Đối với Thái Lan, trước khi EWEC được thiết lập, các mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan sang Lào qua cặp cửa khẩu Mukdahan- Savannakhet chủ yếu là hàng tiêu dùng, điện tử và xe máy, nhưng từ năm 2008 đến nay thì các mặt hàng như xăng dầu, vật liệu xây dựng, thực phẩm, trái cây là sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chính của Thái Lan sang thị trường Lào ( 3.2. Phát triển thương mại xuyên biên giới và suy thoái tài nguyên rừng 3.2.1. Thương mại gỗ xuyên biên giới Kể từ khi EWEC được thiết lập, hoạt động mua bán gỗ xuyên biên giới (transboundary timber trade) giữa Lào và Việt Nam đã gia tăng một cách nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, giá trị gỗ xuất khẩu từ Lào sang 60
  8. Việt Nam tăng từ 61,96 triệu USD (năm 2010) lên đến 319,38 triệu USD (năm 2014). Sự gia tăng về khối lượng cũng như giá trị sản phẩm gỗ nhập khẩu đã làm tăng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Lào trong thời gian gần đây và trở thành nước nhập siêu của Lào. Số liệu ở bảng 1 cho thấy, tỷ trọng giá trị mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Lào sang Việt Nam chiếm đến 92,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Lào thông qua cửa khẩu Lao Bảo và La Lay. Bảng 1. Xuất - nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Lao Bảo và La Lay (triệu USD) 2010 2011 2012 2013 2014 1. Giá trị xuất - nhập khẩu 261,84 413,83 364,85 504,53 485,55 Xuất khẩu 34,25 57,78 72,08 61,85 47,14 Nhập khẩu 227,59 356,05 292,77 442,68 438,41 2. Sản phẩm xuất khẩu 34.24 57,77 72,07 61,84 47,13 Hàng tiêu dùng 17,12 28,89 36,04 30,92 23,57 Vật liệu xây dựng 10,27 17,33 21,62 18,55 14,14 Nông sản 6,85 11,55 14,41 12,37 9,42 3. Sản phẩm nhập khẩu 134,97 206,45 151,35 285,41 346,02 Gỗ 61,96 133,86 93,99 254,56 319,38 Thạch cao 3,65 3,41 3,88 3,82 2,24 Đồng 69,36 69,18 53,48 27,03 24,4 (Nguồn: Chi cục Hải quan tại cửa khẩu Lao Bảo và La Lay, Quảng Trị) Theo số liệu báo cáo của Tổng cục hải quan Việt Nam, có 6 cửa khẩu chính được sử dụng để nhập khẩu gỗ từ Lào. Bảng 2 chỉ ra sự khác biệt về khối lượng và giá trị nhập khẩu gỗ giữa các cửa khẩu. Phần lớn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào qua 6 cửa khẩu là gỗ xẻ - là loại gỗ quý có giá trị thị trường rất cao. Tính về lượng gỗ nhập khẩu, Bờ Y là cửa khẩu có lượng gỗ nhập năm 2015 lớn nhất, kế tiếp là cửa khẩu Nậm Cắn, Lao Bảo, Cầu Treo và La Lay. Tuy nhiên, xét về giá trị kim ngạch, Lao Bảo là cửa khẩu đứng đầu về giá trị nhập khẩu gỗ năm 2015, tiếp đến là Bờ Y, La Lay và Cầu Treo. Nếu phân tích chi tiết về loại gỗ, cửa khẩu Bờ Y nhập khẩu gỗ tròn là chủ yếu, trong khi đó tại cửa khẩu Lao Bảo chủ yếu là nhập gỗ xẻ. Điều này đồng nghĩa rằng, các loại gỗ nhập khẩu qua Lao Bảo là các loại gỗ rất quý (chủ yếu là gỗ xẻ), có giá trị thị trường là rất cao. Bảng 2. Tính hình nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ Lào tại một số cửa khẩu năm 2015 Gỗ xẻ Gỗ tròn Cửa khẩu K.lượng Giá trị K.lượng Giá trị (m3) (Tr. USD) (m3) (Tr.USD) 1. Các cửa khẩu dọc EWEC 128.300 133,20 38.600 21,10 - Lao Bảo (Quảng Trị) 91.400 89,10 2.800 6,20 - La Lay (Quảng Trị) 36.900 44,10 35.800 14,90 61
  9. 2. Các cửa khẩu khác 231.800 95,90 211.048 72,10 - Cầu Treo (Hà Tĩnh) 65.000 27,30 9.500 2,70 - Cha Lo (Quảng Bình) 27.800 21,00 4.700 1,80 - Nậm Cắn (Nghệ An) 115.500 24,50 748 0,20 - Bờ Y (Kon Tum) 23.500 23,10 196.100 67,40 Tổng cộng 360.100 229,10 249,648 93,20 (Nguồn: Tổng Cục Hải Quan Việt Nam) Sự phát triển thương mại gỗ xuyên biên giới nằm trên EWEC trong những năm gần đây là do 2 nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh gỗ xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Theo Cục Hải quan Quảng Trị, có khoảng 80 - 90% đơn đặt hàng xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là sang thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, dựa vào lợi thế tuyến đường giao thông trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Trị đã tập trung nguồn vốn để nhập khẩu gỗ từ Lào, sau đó thực hiện một số khâu sơ chế và xuất bán sang Trung Quốc bằng vận tải đường bộ thông qua tuyến Quốc lộ 1A đến cửa khẩu Hà Thanh. Tính đến nay, có trên 150 doanh nghiệp lớn nhỏ ở tỉnh Quảng Trị tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ từ Lào. Thứ hai, cơ chế quản lý tài nguyên rừng ở Lào còn lỏng lẻo và nảy sinh tình trạng tiêu cực trong việc phân bổ hạn ngạch khai thác gỗ. Theo một báo cáo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Forest Trend và Bộ phát triển quốc tế, Vương quốc Anh-DFID (2010), các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp của Lào và chính quyền địa phương nắm quyền phân bổ hạn ngạch khai thác gỗ để xuất bán sang thị trường Việt Nam và xảy ra tình trạng nhận tiền hối lộ từ các Công ty khai thác và xuất khẩu gỗ tại Lào. Chính vì vậy, khối lượng gỗ xuất khẩu thực tế sang thị trường Trung Quốc và Việt Nam cao gấp nhiều lần so với khối lượng gỗ khai thác hàng năm theo hạn ngạch (Denis Smirnov, 2015). Như vậy, cửa khẩu Lao Bảo và La Lay của tỉnh Quảng Trị đóng vai trò quan trọng trong việc nhập khẩu gỗ từ Lào sang Việt Nam nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Sự phát triển mạng lưới giao thông trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây là một trong những yếu tố chủ chốt tác động rất lớn đến sự phát triển thương mại sản phẩm gỗ có tính chất xuyên biên giới trong những năm vừa qua. Rõ ràng, có lỗ hỏng chính sách về quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường rừng trong quá trình thiết lập EWEC. Hầu như các nhà làm chính sách chỉ chú trọng đến việc tăng cường hợp tác phát triển kinh tế giữa các quốc gia thành viên mà không quan tâm đến khía cạnh môi trường, đặc biệt là quản lý tài nguyên rừng. Trong khi đó, các chính sách quản lý tài nguyên rừng của Lào đang bộc lộ nhiều điểm yếu và có phần tiêu cực trong quản lý, dẫn đến tình trạng khai thác gỗ thiếu hợp lý và tạo ra sự suy giảm đa dạng sinh học tài nguyên môi trường rừng ( Theo báo cáo của Cục lâm nghiệp-Lào, tỷ lệ che phủ rừng của Lào đã giảm từ 49% (1982) xuống còn 45% (1992) và 41,5% năm 2002. Tỷ lệ suy thoái tài nguyên rừng ở Lào đạt ở mức 0,4% (46.000 ha) giai đoạn 1982-1992 và đạt ở mức 1,2% (134.000 ha) giai đoạn 62
  10. 1999-2002. Đặc biệt, trong giai đoạn 2002 - 2010, tài nguyên rừng của Lào tiếp tục bị mất khoảng 325 nghìn ha, điều này đã làm cho tỷ lệ che phủ rừng đã giảm xuống còn 40,3% năm 2010 (Forest trends and DFID, 2010). 3.2.2. Sự xâm thực diện tích rừng để phát triển cây trồng hàng hóa dọc EWEC Với lợi thế có tuyến đường giao thông nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nhiều mặt hàng nông sản địa phương dọc EWEC đã tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa xuất khẩu đã hình thành và phát triển. Sự mở rộng thị trường tiêu thụ đã tạo động lực cho các nông hộ mở rộng quy mô sản xuất bằng cách xâm thực diện tích rừng để gia tăng diện tích sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng ở các hộ gia đình là hoàn toàn mang tính chất tự phát và phong trào, trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất rừng. Điều này đồng nghĩa rằng, diện tích đất ở các địa phương dọc tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây đang bị khai thác quá mức và thu hẹp dần, dẫn đến nguy cơ suy thoái đất nghiêm trọng do thiếu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như kỹ thuật canh tác của người sản xuất còn hạn chế. Nguồn: Số liệu điều tra năm 2015 Hình 4. So sánh diện tích cây trồng hàng hóa của các nông hộ giữa năm 2005 và 2015 Số liệu ở hình 4 phản ánh sự thay đổi diện tích canh tác của một số loại cây trồng hàng hóa dựa vào đất rừng của các hộ điều tra trong năm 2015 so với năm 2005. Kết quả thống kê cho thấy, diện tích đất trồng sắn, chuối, cao su và gừng của các hộ ở 2 huyện đã tăng lên đáng kể, trong đó chủ yếu là tăng diện tích trồng sắn và chuối. Nếu như năm 2005, bình quân diện tích trồng chuối và sắn của các hộ điều tra chỉ có khoảng từ 100-240 m2/hộ thì đến năm 2015 đã tăng lên 3,9 nghìn m2/hộ, tăng gấp 20 lần so với năm 2005. Để đánh giá tác động của EWEC đến sự thay đổi về diện tích đất canh tác của 2 loại cây trồng chuối và sắn, nghiên cứu tiến hành kiểm định sự bằng nhau về diện tích trung bình của 2 loại cây trồng này giữa nhóm hộ có kết nối với EWEC và nhóm hộ không kết nối với EWEC (nhóm đối chứng). Kết quả kiểm định cho thấy, diện tích trung bình của cả 2 loại cây trồng ở nhóm hộ có kết nối với EWEC cao hơn nhiều so với nhóm hộ không có kết nối với EWEC ở mức ý nghĩa thống kê 1%. Điều này một lần nữa giúp chúng ta khẳng định rằng, 63
  11. sự xâm thực diện tích rừng để mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng hàng hóa dưới tác động của Hành lang Kinh tế Đông - Tây là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Bảng 3. Kết quả kiểm định sự bằng nhau về diện tích của 2 loại cây trồng chuối và sắn giữa nhóm hộ có kết nối với EWEC và nhóm hộ không kết nối với EWEC Levene's Test for Equality t-test for Equality of Means Diện tích các loại cây trồng of Variances F Sig. t df Sig. (2-tailed) Chuối Phương sai đồng nhất 36,74 0,000 -3,67 223,00 0,000 Phương sai không đồng nhất -3,31 123,39 0,001 Sắn Phương sai đồng nhất 1,40 0,238 -3,48 223,00 0,001 Phương sai không đồng nhất -3,40 182,39 0,001 (Nguồn: Số liệu điều tra năm 2015 được xử lý bằng phần mềm SPSS) Điều đáng chú ý ở đây là diện tích trồng Keo của các hộ không có sự thay đổi giữa năm 2005 và 2015, trong khi trồng rừng không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn có chức năng tăng tỷ lệ che phủ rừng và chất lượng môi trường. Theo ý kiến của các nông hộ, khi chưa có EWEC các sản phẩm như sắn và chuối hầu hết được dành cho tiêu dùng gia đình và làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, kể từ năm 2004 trở lại đây (sau khi có EWEC), các sản phẩm này đã có thị trường tiêu thụ. Ví dụ, là sự ra đời nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa vào năm 2004 đã mở ra kênh tiêu thụ sản phẩm sắn cho các hộ dân địa phương, tạo điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh cây sắn ở huyện Hướng Hóa và Dakrông của Quảng Trị, với diện tích trên 9,5 nghìn ha và có khoảng 2 nghìn ha sắn ở 2 huyện Sepon và Muongnoong thuộc tỉnh Savanakhet của Lào. Nguồn: Niên giám thống kê huyện Hướng Hóa Hình 5. Diện tích và sản lượng chuối ở huyện Hướng Hóa giai đoạn 2005 - 2015 Tương tự, sự mở rộng diện tích sản xuất chuối ở huyện Hướng Hóa cũng là một trong những trường hợp điển hình. Chuối được đánh giá là loại cây trồng chủ lực có thị trường tiêu thụ khá rộng, không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc và Thái Lan. Trong hơn 10 năm qua, diện tích trồng chuối ở huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị đã tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2005 diện tích 64
  12. trồng chuối ở trên địa bàn huyện Hướng Hóa chỉ có 2.920 ha, thì đến năm 2015 đã tăng lên 6.372 ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt ở mức 8,12%/năm. Toàn bộ diện tích đất trồng chuối ở trên địa bàn huyện Hướng Hóa là đất rừng, tập trung phần lớn ở các xã Thuận, Tân Long, Tân Thành và Hướng Lộc. Trước đây, hầu hết diện tích đất rừng được người dân địa phương sử dụng để trồng các loại cây ngắn ngày như mía, ngô, đậu lạc và lúa rẫy. Sau khi có thương lái Trung Quốc thu mua sản phẩm chuối, gần như toàn bộ diện tích này đã được chuyển đổi sang trồng chuối. Đặc biệt, khi thị trường tiêu thụ chuối ngày càng được mở rộng, nhiều hộ nông dân đã sang Lào để thuê đất trồng chuối dọc theo dòng sông Xê Pôn (ranh giới giữa Lào và Việt Nam). Ước tính có khoảng trên 300 hộ ở các xã Thuận, Tân Long và Tân Thành sang thuê đất ở Lào, với diện tích bình quân khoảng 2,5ha/hộ. Theo kết quả điều tra, mức giá thuê bình quân cho 1 ha đất trồng chuối là 6 triệu đồng/năm, thời hạn thuê là 7-8 năm (theo vòng đời của vườn chuối). Số liệu thống kê ở hình 6 phản ánh thực trạng sử dụng đất rừng để canh tác một số loại cây trồng hàng hóa ở huyện Hướng Hóa năm 2015. Trong số 7 loại cây trồng được đưa vào thống kê thì sắn là loại cây trồng có diện tích lớn nhất, với 8.500 ha (chiếm 39,18%), đứng vị trí thứ 2 là diện tích trồng chuối (chiếm 29,37%), tiếp đến là diện tích cà phê (chiếm 23,05%). Trong khi đó, diện tích các loại cây trồng truyền thống trước đây như cao su, cà phê, hồ tiêu và đặc biệt là diện tích rừng trồng Keo lai còn khá khiêm tốn. (Nguồn: Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hướng Hóa) Hình 6. Diện tích một số cây trồng sử dụng đất rừng ở huyện Hướng Hóa năm 2015 4. Kết luận và hàm ý chính sách Hội nhập kinh tế khu vực là một trong những nội dung và hình thức hợp tác của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại trong thế giới ngày nay. Những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đều được các quốc 65
  13. gia trên thế giới hoàn toàn thừa nhận, đồng thời là động lực thúc đẩy để hình thành các hình thức hợp tác mới trong thế kỷ XXI với diện cam kết rộng và mức cam kết sâu hơn. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại, trong đó có hội nhập kinh tế khu vực đã và đang đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các quốc gia trên thế giới như tăng trưởng chưa bền vững, ô nhiễm và suy thoái tài nguyên môi trường ngày càng gia tăng Vì vậy, nghiên cứu đánh giá sự tác động của chính sách hội nhập kinh tế khu vực và phát triển thương mại xuyên biên giới đến tài nguyên rừng - Trường hợp Hành lang kinh tế Đông - Tây là một trong những minh chứng điển hình để lý giải và làm rõ mối quan hệ giữa hội nhập kinh tế và vấn đề quản lý tài nguyên môi trường trong bối cảnh hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự ra đời của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây đã làm phá vỡ các rào cản thương mại trước đây giữa các nước trong khu vực Tiểu vùng Sông Mêkong bao gồm Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Đặc biệt, một hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh và thông suốt, nối liền cảng Mawlamyine của Myanmar đến Cảng Đà Nẵng của Việt Nam, tạo động lực hết sức mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nghèo của các quốc gia nằm trên tuyến Hành lang này. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực kể trên, EWEC cũng tạo ra những tác động theo chiều hướng tiêu cực đến tài nguyên rừng của các địa phương, cụ thể là sự gia tăng về thương mại gỗ xuyên biên giới và sự xâm thực diện rừng để phát triển các loại cây trồng hàng hóa một cách tự phát và không có quy hoạch. Đến nay, hầu như vẫn thiếu vắng các chính sách can thiệp từ phía chính quyền ở cấp độ địa phương cũng như Chính phủ. Kết quả nghiên cứu này phần nào chỉ ra những bất cập trong việc thực hiện các chính sách hội nhập kinh tế khu vực thông qua thiết lập các tuyến hành lang kinh tế, trong đó không chỉ giới hạn ở phạm vi Hành lang Kinh tế Đông - Tây mà có các tuyến hành lang kinh tế khác như Hành lang kinh tế phía nam (Southern economic corridoe - SEC), đặc biệt là tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam (North - South economic corridor - NSEC) khi mà tuyến hành lang này bao gồm 3 tuyến đường chính dọc theo trục Bắc - Nam đi qua rất nhiều địa phương của các nước tiểu vùng Mêkong - GMS kết nối với Trung Quốc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các hàm ý chính sách được đưa ra trong nghiên cứu này đó là: Chính phủ Lào cần sớm thay đổi cơ chế phân bổ hạn ngạch khai thác gỗ nhằm hạn chế những tiêu cực trong quản lý rừng hiện nay ở các địa phương, tiến tới ban hành lệnh đóng cửa rừng. Đối với tỉnh Quảng Trị, việc phát triển các loại cây trồng hàng hóa là xu thế tất yếu trong điều kiện hiện nay khi phần lớn sinh kế của người dân địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, với diện tích canh tác là đất đồi núi. Tuy nhiên, Quảng Trị cần sớm điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; chú trọng đến việc tăng cường đầu tư thâm canh các loại cây trồng hàng hóa trên cơ sở cải thiện chất lượng giống, đầu tư phân bón và đổi mới kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất cây trồng, thay vì gia tăng sự xâm thực vào diện tích rừng để mở rộng diện tích. Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm rừng trồng đang phát triển theo chiều hướng tốt, cũng như tận dụng lợi thế về mạng lưới giao thông phát triển dọc EWEC, tỉnh Quảng Trị cần có chính sách để khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích rừng trồng Keo lai nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập, đồng thời góp phần tích cực trong việc cải thiện chất lượng môi trường mang tính bền vững. 66
  14. TÀI LIỆU THAM KHẢO Asian Development Bank. 2009. Regional Economic Impacts of Cross-Border Infrastructure: A General Equilibrium Application to Thailand and Lao PDR. ADB Working Paper Series on Regional Economic Integration. Asian Development Bank. 2009. East-West Economic Corridor (EWEC) Strategy and Action Plan, Development Study of the East-West Economic Corridor Greater Mekong Subregion, Manila. Asian Development Bank. 2010. Strategy and Action plan for the greater mekong subregion east-west economic corridor. ISBN 978-92-9092-070-0 Publication Stock No. RPT090659. Denis Smirnov. 2015. Assessment of scope of illegal logging in laos and Associated trans- boundary timber trade. WWF project. Forest trends and DFID. 2010. Timber markets and trade between Laos and Vietnam: a commodity chain analysis of vietnamesedriven timber flows. ISBN: 1-932928-41-3. Phòng Thống kê huyện Hướng Hóa. Niên giám thống kê năm 2005, 2008, 2010, 2013, 2015. Hướng Hóa, Quảng Trị. Sirivanh Khonthapane. 2007. ‘Reviewing the poverty impact of regional Economic Integration in Lao PDR”, Paper presented at A Greater Mekong ? Poverty, Integration and Development conference, University of Sydney, September 2007. The Henry l. Stimson center. 2008. Transboundary environmental governance in southeast asia. ISBN: 0-9770023-4-9. Washington, DC 20036 Zu Hua. 2006. The Chinese Academy of Sciences, “Land use and land cover changes along the main roads with time and current threats to biodiversity in Xishuangbana”, the paper presented at the regional policy dialogue on “Social and Environmental Impacts of Economic Corridors”, September 18, 20th, 2006, Mekong Institute, Khon Kaen, Thailand. Pp 17. UBND huyện Hướng Hóa. Báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội qua các năm: 2007, 2008, , 2015 Hướng Hóa, Quảng Trị. lag/ 2c6bd07bb713&mid=ea60c2d2-3426-4531-bb20- ab03a17f5135&itemid=7364&page=DetailHQ 67