Tài liệu Bệnh chuyên khoa mắt
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tài liệu Bệnh chuyên khoa mắt", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
tai_lieu_benh_chuyen_khoa_mat.pdf
Nội dung text: Tài liệu Bệnh chuyên khoa mắt
- BỆNH CHUYÊN KHOA MẮT Số tiết học lý thuyết: 13 I. MỤC TIÊU 1. Mô tả được triệu chứng, tiến triển và biến chứng một số bệnh thường gặp thuộc chuyên khoa Mắt. 2. Khám, Chẩn đoán và điều trị các bệnh chuyên khoa Mắt thường gặp. 3. Hướng dẫn chăm sóc, phòng một số bệnh chuyên khoa mắt thường gặp. II. NỘI DUNG Số tiết TT Tên bài học lý thuyết MẮT 13 1 Giải phẫu-Sinh lý mắt 2 2 Bệnh Glôcôm 1 3 Viêm kết mạc 1 4 Viêm loét giác mạc 1 5 Viêm mống mắt 1 6 Đục thuỷ tinh thể 1 7 Chắp, lẹo, mộng thịt, quặm 1 8 Giảm thị lực 1 9 Sang chấn và bỏng mắt 2 10 Các tật khúc xạ của mắt 1 11 Mắt hột 1 III. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HỌC PHẦN 1. Giảng dạy Tại trường bằng phương pháp dạy học tích cực với đồ dùng dạy học là tranh, ảnh, mô hình. 2. Đánh giá - Kiểm tra định kỳ: 2 điểm kiểm tra hệ số 2 IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỂ DẠY VÀ HỌC - Bài giảng Mắt - TMH, Nhà xuất bản Y học - Hướng dẫn quy trình chăm sóc người bệnh - Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện - Giáo trình Học phần bệnh chuyên khoa của Trường
- BÀI 1: GIẢI PHẪU SINH LÝ MẮT Mục tiêu học tập Sau khi học xong bài này, học sinh có khả năng: 1. Mô tả được cấu trúc giải phẫu của nhãn cầu, các bộ phận bảo vệ nhãn cầu và đường dẫn truyền thị giác. 2. Trình bày được một số quá trình sinh lý cơ bản diễn ra trong nhãn cầu. Nội dung Mắt là cơ quan cảm giác đảm nhiệm chức năng thị giác. Nhờ có mắt con người mới tìm hiểu và nhận biết được môi trường xung quanh, tạo điều kiện cho trí tuệ ngày càng phát triển. Về cấu tạo, cơ quan thị giác gồm 3 phần: (1) nhãn cầu, (2) bộ phận bảo vệ nhãn cầu, (3) đường thần kinh và trung khu phân tích thị giác 1. Nhãn cầu Nhãn cầu có hình cầu, chiều dài trục nhãn cầu ở người trưởng thành là 22 – 24mm. Trục nhãn cầu ngắn hoặc dài sẽ gây tật khúc xạ hình cầu cận thị hoặc viễn thị. Hình 1. Thiết đồ cắt đứng dọc nhãn cầu 1. Giác mạc; 2. Kết mạc; 3. Củng mạc; 4. Thị thần kinh; 5. Tiền phòng; 6. Ống Schlem; 7. Mống mắt; 8. Thể mi; 9. Hậu phòng; 10. Thể thuỷ tinh; 11. Dây Zinn; 12. Hắc mạc; 13. Võng mạc; 14. Dịch kính; 15. Hoàng điểm; 16. Tĩnh mạch xoắn; 17. Động mạch mi sau. 1.1. Vỏ bọc nhãn cầu 1.1.1. Giác mạc Giác mạc là một màng trong suốt, rất dai, không có mạch máu, có hình chỏm cầu, chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Đường kính của giác mạc khoảng 11mm, bán kính độ cong là 7,7mm. Chiều dày ở trung tâm là 0,5mm, ở vùng rìa là 1mm. Công suất khúc xạ khoảng 45 đi–ốp (D). Giác mạc được nuôi dưỡng nhờ thẩm thấu từ các mạch máu quanh rìa, từ nước mắt và thuỷ dịch.
- Thần kinh chi phối cảm giác giác mạc gồm nhiều nhánh xuất phát từ dây thần kinh mắt (V1). 1.1.2. Củng mạc Củng mạc là một mô xơ rất dai, màu trắng, chiếm 4/5 sau nhãn cầu. Củng mạc được cấu tạo từ nhiều lớp băng xơ dày đan chéo nhau rất vững chắc, có nhiệm vụ bảo vệ cho các lớp màng và các môi trường bên trong. Độ dày của củng mạc thay đổi tuỳ theo từng vùng. Củng mạc dày nhất là ở vùng cực sau (1 – 1,35mm), mỏng nhất là ở chỗ bám của các cơ trực, chỉ khoảng 0,3mm. Ở vùng rìa độ dày củng mạc là 0,6mm và ở xích đạo là 0,4 – 0,6mm. Cực sau củng mạc có một lỗ thủng đường kính 1,5mm, che lỗ thủng có lá sàng với nhiều lỗ nhỏ để các sợi thần kinh thị giác đi qua. 1.2. Màng mạch Màng mạch hay còn gọi là màng bồ đào gồm ba phần là mống mắt, thể mi và hắc mạc. Trong đó, mống mắt và thể mi gọi là màng bồ đào trước, còn hắc mạc gọi là màng bồ đào sau. Nhiệm vụ chung của màng bồ đào là nuôi dưỡng nhãn cầu và điều hoà nhãn áp. 1.2.1. Mống mắt Mống mắt có hình tròn thủng ở giữa. Mặt trước là giới hạn phía sau của tiền phòng, có màu nâu, xanh hay đen tùy theo chủng tộc. Mặt sau của mống mắt có màu nâu sẫm đồng nhất và là giới hạn trước của hậu phòng. Ở giữa mống mắt có một lỗ tròn gọi là đồng tử. Vai trò chính của mống mắt là điều chỉnh lượng ánh sáng đến võng mạc thông qua việc thay đổi kích thước của đồng tử. 1.2.2. Thể mi Thể mi là phần nhô lên của màng bồ đào nằm giữa mống mắt và hắc mạc. Vai trò của thể mi là điều tiết giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần và tiết ra thuỷ dịch nhờ các tế bào lập phương ở tua mi. 1.2.3. Hắc mạc Hắc mạc là một màng liên kết lỏng lẻo nằm giữa củng mạc và võng mạc. Hắc mạc có nhiều mạch máu và những tế bào sắc tố đen có nhiệm vụ nuôi nhãn cầu và biến lòng nhãn cầu trở thành một buồng tối giúp hình ảnh được thể hiện rõ nét trên võng mạc. 1.3. Võng mạc Võng mạc còn gọi là màng thần kinh, nằm ở trong lòng của màng bồ đào. Đó là nơi tiếp nhận các kích thích ánh sáng từ ngoại cảnh rồi truyền về trung khu phân tích thị giác ở vỏ não. Võng mạc gồm 2 phần là võng mạc cảm thụ và võng mạc vô cảm Trung tâm của võng mạc, tương ứng với cực sau nhãn cầu là một vùng có màu sáng nhạt gọi là hoàng điểm. Chính giữa hoàng điểm có một hố nhỏ lõm xuống gọi là hố trung tâm. Cách hoàng điểm 3,5 – 4mm về phía mũi là gai thị, đây chính là điểm khởi đầu của dây thần kinh thị giác. Gai thị có hình tròn hoặc hơi bầu dục, đường kính khoảng 1,5mm, có màu hồng nhạt, ranh giới rất rõ với xung quanh. 1.4. Tiền phòng và hậu phòng 1.4.1. Tiền phòng Tiền phòng là một khoang nằm giữa giác mạc ở phía trước, mống mắt và thể thuỷ tinh ở phía sau, trong chứa đầy thuỷ dịch.
- Phần trung tâm tiền phòng là chỗ sâu nhất, độ sâu ở đây khoảng 3 – 3,5mm. Càng gần rìa độ sâu tiền phòng càng giảm dần. Độ sâu của tiền phòng còn thay đổi theo tuổi, càng lớn tuổi độ sâu này càng giảm dần do thể tích của thể thuỷ tinh tăng lên. Mắt viễn thị trục nhãn cầu ngắn tiền phòng thường nông. Ngược lại, ở những mắt cận thị trục nhãn cầu dài, tiền phòng thường rộng và sâu hơn người bình thường. Góc tiền phòng ở phía cạnh rìa ngoài của tiền phòng được giới hạn bởi giác –củng mạc ở phía trước và mống mắt – thể mi ở phía sau nên còn gọi là góc mống mắt giác mạc. Hình 3. Cấu tạo góc tiền phòng AC: Tiền phòng; C: Giác mạc; I: Mống mắt; PC: Hậu phòng; CS: Ống Schlem; D: Màng Descemet; Z: Dây Zinn; CP: Thể mi; CM: Cơ thể mi; L: Thể thuỷ tinh; SC: Củng mạc; V: Dịch kính Góc tiền phòng là một vùng có vai trò quan trọng về sinh lý cũng như về phẫu thuật vì đây là nơi phần lớn thuỷ dịch được hấp thụ thoát ra khỏi tiền phòng và phần lớn các phẫu thuật nội nhãn đều phải đi qua vùng này. 1.4.2. Hậu phòng Khoang hậu phòng có giới hạn trước là mặt sau mống mắt và giới hạn sau là mặt trước của màng dịch kính (màng hyaloid). Hậu phòng thông với tiền phòng qua lỗ đồng tử, trong hậu phòng cũng chứa thuỷ dịch giống như tiền phòng. 1.5. Các môi trường trong suốt 1.5.1. Thuỷ dịch Thuỷ dịch là một chất lỏng trong suốt do thể mi tiết ra chứa đầy trong tiền phòng và hậu phòng. - Tuần hoàn thuỷ dịch Thuỷ dịch được các tế bào lập phương của thể mi tiết ra hậu phòng, sau đó phần lớn thuỷ dịch (80%) qua lỗ đồng tử ra tiền phòng, tiếp đó thuỷ dịch đi qua cấu trúc Trabeculum ở góc tiền phòng đến ống Schlemm rồi đi theo các tĩnh mạch nước đến đám rối tĩnh mạch thượng củng mạc rồi đổ vào hệ thống tuần hoàn chung của cơ thể. Phần còn lại của thuỷ dịch (20%)
- được hấp thụ qua màng bồ đào đến khoang thượng hắc mạc rồi được các mao mạch ở đó hấp thụ. - Vai trò của thuỷ dịch Thuỷ dịch là yếu tố quan trọng nhất tác động đến nhãn áp. Nhờ có nhãn áp nên nhãn cầu luôn có hình dạng ổn định, đảm bảo cho chức năng quang học của mắt. Đồng thời thuỷ dịch chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho thể thuỷ tinh và góp phần quan trọng nuôi dưỡng giác mạc. 1.5.2. Thể thuỷ tinh - Hình thể Thể thuỷ tinh là một thấu kính trong suốt hai mặt lồi được treo cố định vào vùng thể mi nhờ các dây Zinn. Thể thuỷ tinh dày khoảng 4mm, đường kính 8 –10mm, bán kính độ cong của mặt trước là 10mm, mặt sau là 6mm. Công suất quang học là 20 – 22 đi–ốp. Thể thuỷ tinh có 2 mặt trước và sau, nơi hai mặt này gặp nhau gọi là xích đạo. Mặt trước tiếp giáp với mặt sau của mống mắt, mặt sau tiếp giáp với màng dịch kính. - Cấu trúc tổ chức học Thể thuỷ tinh gồm 3 phần: – Màng bọc: còn gọi là bao thể thuỷ tinh, là một màng trong suốt, dai và đàn hồi bọc bên ngoài thể thuỷ tinh. – Biểu mô dưới màng bọc: lớp biểu mô này chỉ có một lớp tế bào và chỉ có ở mặt trước. – Các sợi của thể thuỷ tinh: mỗi sợi thể thuỷ tinh là một tế bào biểu mô kéo dài. Các sợi này uốn cong như hình chữ U, đáy quay về xích đạo, đầu quay về phía trung tâm Các sợi thể thuỷ tinh được tạo ra không ngừng trong suốt cuộc đời. Các sợi mới được tạo ra đẩy dồn các sợi cũ vào trung tâm làm thể thuỷ tinh ngày càng đặc lại và hình thành nhân cứng ở giữa ở người trên 35 tuổi. Phần mềm hơn nằm xung quanh nhân cứng gọi là vỏ thể thuỷ tinh. - Vai trò của thể thuỷ tinh Công suất hội tụ của thể thủy tinh có vai trò quan trọng trong hệ thống khúc xạ, giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Khả năng thay đổi độ dày của thể thuỷ tinh gọi là điều tiết, có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần. 1.5.3. Dịch kính Là một chất lỏng như lòng trắng trứng nằm sau thuỷ tinh thể, chiếm toàn bộ phần sau nhãn cầu, lớp ngoài cùng đặc lại thành màng hyaloid. Ở người dưới 35 tuổi màng hyaloid và thể thủy tinh dính với nhau, còn người trên 35 tuổi màng hyaloid và thể thuỷ tinh tách ra thành khoảng trống Berger. Thành phần chính của dịch kính là 1 protein có cấu trúc dạng sợi tên là vitrein và lấp đầy trong các khoang giữa các sợi là axit hyaluronic. 2. Các bộ phận bảo vệ nhãn cầu 2.1. Hốc mắt Có hai hốc mắt nằm hai bên của hốc mũi, được tạo nên từ các xương sọ và xương mặt. Hốc mắt có hình tháp, bốn cạnh có 4 thành xương, đáy quay ra trước và đỉnh quay về phía sau. 2.1.1. Kích thước
- Ở người trưởng thành thể tích hốc mắt trung bình khoảng 29ml. Chiều cao từ đỉnh đến đáy hốc mắt là 40mm. Chiều rộng của đáy hốc mắt xấp xỉ 40mm, chiều cao của đáy khoảng 35mm. 2.1.2. Các thành của hốc mắt a) Thành trên Thành trên còn gọi là trần ổ mắt do xương trán ở phía trước và cánh nhỏ xương bướm ở phía sau tạo thành. Phía ngoài của trần ổ mắt có hố lệ, trong có tuyến lệ chính. Phía trong, gần góc trên trong có hố ròng rọc nằm sau bờ hốc mắt 4mm, đây là chỗ dính của ròng rọc cơ chéo lớn. b) Thành ngoài Thành này rất dày, do ba xương tạo thành. Phía trước có xương gò má ở dưới và mỏm hốc mắt ngoài ở trên. Phía sau là cánh lớn xương bướm. c) Thành dưới Thành dưới còn gọi là nền của hốc mắt. Thành này được tạo nên từ mỏm hốc mắt của xương khẩu cái, xương gò má và mỏm tháp của xương hàm trên. Nền hốc mắt chỉ dày khoảng 0,5 – 1mm nên dễ bị tổn thương khi có chấn thương vùng mặt tạo nên sự thông thương giữa hố mắt và xoang hàm trên. d) Thành trong Thành này có bốn xương gồm mặt bên của thân xương bướm, mặt phẳng của xương sàng, xương lệ và mỏm hốc mắt ngoài của xương trán. Hốc mắt được bao vây xung quanh các xoang, do đó các tổn thương xoang có thể là nguyên nhân của một số bệnh ở mắt. Hình 4. Hốc mắt 2.1.3. Đáy hốc mắt Đáy hốc mắt có hình bầu dục gồm 4 bờ. a) Bờ trên Ở điểm giữa 1/3 trong và 2/3 ngoài của bờ trên là lõm ròng rọc có động mạch trên hố và thần kinh trán đi qua. Góc trong có thần kinh mũi ngoài. 1/3 ngoài có động mạch và thần kinh lệ. b) Bờ ngoài Bờ ngoài có dây chằng mi ngoài bám vào, đầu kia của dây chằng bám vào sụn mi.
- c) Bờ dưới Bờ xương hơi trũng xuống dưới ở 1/3 ngoài tạo nên một khoảng trống khá rộng phía dưới ngoài nhãn cầu, là vị trí thuận lợi cho thủ thuật tiêm cạnh nhãn cầu. Phía dưới điểm giữa của bờ dưới khoảng 1cm có lỗ dưới hố, đi qua đây là một nhánh của thần kinh hàm trên chi phối cảm giác mi dưới gọi là thần kinh dưới hố. d) Bờ trong Xương cuốn lại thành một rãnh gọi là máng lệ, nằm trong máng lệ có túi lệ. 2.1.4. Đỉnh hốc mắt Đỉnh hốc mắt có lỗ thị giác và một khe hình chữ V. Chui qua lỗ thị giác có thần kinh số II và động mạch mắt. Bám vào bờ trong trên lỗ thị giác có gân cơ nâng mi trên và cơ chéo lớn. 2.1.5. Các phần tử nằm trong hốc mắt a) Cơ vận động nhãn cầu Có 6 cơ vận nhãn gồm 4 cơ thẳng là cơ thẳng trên, thẳng dưới, thẳng trong, thẳng ngoài và 2 cơ chéo là cơ chéo lớn, cơ chéo bé. Hình 5. Các cơ vận nhãn – Động tác: Cơ thẳng trên đưa mắt lên trên, cơ thẳng dưới đưa mắt xuống dưới, cơ thẳng trong đưa mắt vào trong, cơ thẳng ngoài đưa mắt ra ngoài. Cơ chéo lớn đưa mắt xuống dưới, ra ngoài và xoáy vào trong, cơ chéo bé đưa mắt lên trên, ra ngoài và xoáy ra ngoài. – Thần kinh chi phối: Cơ thẳng trên, thẳng trong, thẳng dưới và cơ chéo bé do dây thần kinh số III chi phối, cơ thẳng ngoài do dây thần kinh số VI chi phối, cơ chéo lớn do dây thần kinh số IV chi phối. b) Các cơ của mi mắt – Cơ nâng mi trên: Cơ này xuất phát từ các tổ chức xơ ở đỉnh hốc mắt đi hướng ra phía trước, nằm sát trần ổ mắt. Khi gần đến đáy hốc mắt thân cơ toả rộng ra và tận hết bằng một dải gân rộng trong mi mắt. – Cơ vòng mi: Các thớ cơ bao quanh khe mi có nhiệm vụ nhắm kín mắt. Cơ có hai phần là phần hốc mắt và phần mi. Chi phối cho cơ là một nhánh của thần kinh mặt. c) Các gân trong hốc mắt – Màng xơ cơ quanh hốc mắt: Là một màng xơ mỏng có lẫn những thớ cơ trơn tăng cường bao bọc các thành xương của hố mắt và nối liền với màng cứng qua ống thị giác và khe bướm. – Bao Tenon: Là màng xơ bọc ngoài củng mạc bắt đầu từ phía sau giác mạc và kết thúc ở chỗ vào của thị thần kinh. Ở chỗ bám của các cơ vận nhãn bao Tenon quặt ra sau bao bọc các cơ và dính vào bao cơ. Cách rìa giác mạc 3mm, bao Tenon bắt đầu dính chặt vào kết mạc thành một lá duy nhất. d) Tổ chức hố mắt
- Tổ chức hố mắt là một mô mỡ giàu mạch máu lấp đầy những khoảng trống còn lại trong hốc mắt có tác dụng đệm làm giảm thiểu những chấn động cho nhãn cầu khi chúng ta vận động. 2.2. Mi mắt Mỗi mắt có 2 mi, mi trên và mi dưới. Giải phẫu 2 mi gần giống nhau. 2.2.1. Cấu tạo mi mắt Mi mắt có 4 lớp, kể từ trước ra sau bao gồm: – Da mi: mỏng và mịn. Tuyến mồ hôi ở da mi có hình ống gọi là tuyến Moll. – Lớp cơ mi: gồm cơ vòng mi và cơ nâng mi trên. Cơ vòng mi do dây thần kinh số VII chi phối, có tác dụng khép mi làm nhắm mắt. Liệt dây VII gây hội chứng Charles–Bell. Cơ nâng mi trên xuất phát từ đỉnh hốc mắt đi ra phía trước, các thớ cơ bám vào da mi và bờ trên sụn mi. Cơ nâng mi trên do dây thần kinh số III chi phối có tác dụng mở mắt. Khi dây III tổn thương gây hội chứng sụp mi. – Lớp sụn mi: thực chất đây là một tổ chức xơ mà các sợi ép chặt lại khiến chúng có mật độ rắn như sụn. Có hai tấm sụn là sụn mi trên và sụn mi dưới tạo nên một khung tương đối vững chắc cho mi mắt. Trong sụn mi có các tuyến bã Meibomius, có khoảng 25 – 35 tuyến trong mỗi mi mắt, ống tuyến đổ ra bờ tự do của mi. – Lớp kết mạc: là một màng mỏng trong có nhiều mạch máu. Kết mạc có 3 phần, gồm kết mạc mi, kết mạc cùng đồ và kết mạc nhãn cầu. 2.2.2. Tuần hoàn mi a) Động mạch Tuần hoàn chính bắt nguồn từ động mạch trên hố, gồm động mạch mi trên và động mạch mi dưới. Tuần hoàn phụ nuôi dưỡng phần mi ngoại vi bắt nguồn từ động mạch lệ, động mạch thái dương nông... b) Tĩnh mạch Máu từ mi chảy vào hệ thống tĩnh mạch quanh hốc mắt rồi đổ vào xoang tĩnh mạch hang. 2.2.3. Thần kinh vận động và cảm giác mi a) Vận động Dây thần kinh số VII chi phối cơ vòng mi, dây thần kinh số III chi phối cho cơ nâng mi trên. b) Cảm giác Cảm giác mi trên là do nhánh lệ, trán, mũi đều là các nhánh của dây V1 chi phối. Cảm giác mi dưới do thần kinh dưới hố chi phối. 2.3. Lệ bộ
- Hình 6. Lệ bộ 2.3.1. Bộ phận chế tiết nước mắt Nhiệm vụ của nước mắt là dinh dưỡng và bảo vệ giác mạc. Nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ chính nằm ở góc trên ngoài của hốc mắt và các tuyến lệ phụ nằm rải rác ở kết mạc. 2.3.2. Đường dẫn nước mắt Nước mắt được thu nhận vào lỗ lệ trên và lỗ lệ dưới ở góc trong của mi mắt đi vào lệ quản trên và dưới rồi đi qua ống lệ chung dồn về túi lệ. Từ đây nước mắt tiếp tục đi qua ống lệ mũi rồi đổ xuống mũi ở ngách mũi dưới. 3. Đường thần kinh và trung khu thị giác 3.1. Đường thần kinh thị giác Sợi trục của các tế bào hạch tập trung đến gai thị, chui qua lá sàng tạo thành dây thần kinh thị giác (dây số II). Thần kinh thị giác đi đến đỉnh hố mắt rồi chui qua lỗ thị giác để vào trong hộp sọ. Sau đó các sợi trục của các tế bào hạch của nửa võng mạc phía mũi (bó mũi) bắt chéo sang bên đối diện để đi cùng với bó thái dương bên kia đến dừng ở thể gối ngoài. Nơi hai bó mũi bắt chéo nhau gọi là giao thoa thị giác, nằm ngay trên hố yên nên khi tuyến yên phì đại sẽ gây tổn thương thị trường rất đặc hiệu. Hình 7. Đường dẫn truyền thị giác 3.2. Trung khu thị giác ở vỏ não Gồm các vùng vỏ não 17, 18 và 19 thuộc vỏ não thuỳ chẩm, xung quanh rãnh cựa và lấn một phần vào mặt ngoài của thuỳ chẩm. Vùng 17 còn được gọi là diện Brodmann.
- Bài 2. BỆNH GLÔCÔM Mục tiêu học tập: 1. Trình bày được các triệu chứng lâm sàng của bệnh Glôcôm. 2. Trình bày được các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Glôcôm. 3. Nêu được nguyên tắc điều trị bệnh Glôcôm. 4. Nêu được cách phòng và phát hiện sớm bệnh Glôcôm. Nội dung: 1. Đại cương 1.1. Định nghĩa Glôcôm là một nhóm bệnh do nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gây ra nhưng trong giai đoạn toàn phát có 3 dấu hiệu đặc trưng cho mọi hình thái, là: – Nhãn áp tăng cao từ 25mmHg trở lên. – Thị trường thu hẹp. – Soi đáy mắt có dấu hiệu lõm teo đĩa thị. 1.2. Dịch tễ học Glôcôm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở nước ta cũng như trên thế giới, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến mù loà vĩnh viễn. Theo số liệu thống kê của ngành Mắt năm 2002, tỷ lệ mù loà do glôcôm ở Việt Nam là 5,7%. Tỷ lệ glôcôm góc đóng là 79,8% và tỷ lệ glôcôm góc mở là 20,2%. Bệnh glôcôm nguyên phát có tính chất gia đình. Tiền sử gia đình được coi là yếu tố có ý nghĩa trong bệnh glôcôm nguyên phát. Các nhà khoa học đã xác định được gen gây bệnh đối với glôcôm góc mở nguyên phát. Trong glôcôm góc đóng nguyên phát, người ta nhận thấy glôcôm góc đóng có thể được di truyền nhưng tiền sử gia đình không cho phép khẳng định trong tương lai người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm góc đóng có bị glôcôm hay không. Glôcôm là bệnh liên quan đến tuổi, tuổi càng cao tỷ lệ bị glôcôm càng lớn. Bệnh thường gặp ở những người từ 35 tuổi trở lên. Bệnh glôcôm góc đóng hay gặp ở những mắt có cấu trúc đặc biệt như sau: mắt nhỏ, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông, góc tiền phòng hẹp, thể thuỷ tinh to hơn bình thường, vị trí của thể thuỷ tinh nhô ra trước, viễn thị. Glôcôm góc mở thường xảy ra ở những người da đen và da trắng do đặc điểm cấu trúc nhãn cầu và kích thước độ cong giác mạc ở người da đen và da trắng lớn. Glôcôm góc đóng thường xảy ra trên những người da vàng. Điều này được giải thích do nhãn cầu của người da vàng thường nhỏ. Bệnh thường xảy ra trên những cơ địa dễ xúc cảm, tỷ lệ gặp ở nữ cao hơn nam. 2. Triệu chứng chẩn đoán 2.1. Triệu chứng lâm sàng 2.1.1. Glôcôm góc đóng nguyên phát Có ba thể lâm sàng là thể cấp diễn, thể bán cấp và thể mãn tính. a) Cơn cấp diễn Đây là thể lâm sàng điển hình nhất.