Tài liệu Phân tích hiệu quả của tigecyclin trong điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng trên bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai
Bạn đang xem tài liệu "Tài liệu Phân tích hiệu quả của tigecyclin trong điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng trên bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
tai_lieu_phan_tich_hieu_qua_cua_tigecyclin_trong_dieu_tri_nh.pdf
Nội dung text: Tài liệu Phân tích hiệu quả của tigecyclin trong điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng trên bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 Phân tích hiệu quả của tigecyclin trong điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng trên bệnh nhân nặng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Thị Tuyến1, Tạ Thị Anh Đào1, Vũ Đình Hòa1*, Đỗ Thị Hồng Gấm2, Mai Văn Cường2, Đào Xuân Cơ2, Nguyễn Gia Bình2, Nguyễn Hoàng Anh1, 1Trung tâm DI & ADR Quốc Gia, Trường Đại học Dược Hà Nội, 2Bệnh viện Bạch Mai *Tác giả liên hệ: vudinhhoa@gmail.com (Ngày gửi đăng: 15/7/2020 – Ngày duyệt đăng: 21/10/2020) SUMMARY The use of tigecycline in complicated intra-abdominal infection (cIAI) was investigated and the treatment outcomes of tigecyclin – based regimens on patients was compared to the one without tigecycline. Propensity score matching (PSM) was applied to minimize the bias between two groups of patients. After matching, 108 patients were retained for analysis including 42 patients with tigecycline-based regimens and 66 patients with and other antibiotics. The age, gender, weight, APACHE II, chalson score, sepsis shock, organ failure, K. pneumoniae, A. baumannii, P. aegurinosa isolation, combination with colistin or amikacin between two groups were not significant different. In univariate analysis, patients with tigecycline did not show significant different in treatment outcome. Nevertheless, after adjusted by age, gender, weight, conditions of cIAI, high APACHE II score (≥ 13) and abdominal surgery, tigecyclin treatment was significant predictor to treatment success (OR: 7.13; 95 %CI: 1.93-26.3) in multivariate analysis. Tigecyclin treatment was likely a potential choice to improve the treatment outcome for cIAI. Từ khóa: bệnh nhân nặng, nhiễm khuẩn ổ bụng, tigecyclin. Đặt vấn đề Nhiễm khuẩn ổ bụng (NKOB) là một trong các nguyên nhân phổ biến gây tử vong tại các đơn vị hồi sức tích cực, tỷ lệ tử vong có thể lên tới gần 30 % [3]. Căn nguyên chủ yếu gây nhiễm khuẩn ổ bụng là các vi khuẩn họ Enterobacteriaceae [3], [5]. Tại Việt Nam, các chủng vi khuẩn này kháng carbapenem đã xuất hiện và ngày càng gia tăng. Trên 50 % số bệnh nhân nhập viện được xác định quần cư vi khuẩn kháng carbapenem - nhóm kháng sinh dự trữ để điều trị các chủng Enterobacteriaceae sinh ESBL [10]. Điều này đặt ra yêu cầu cần phát triển các kháng sinh mới có hiệu quả chống lại các vi khuẩn kháng thuốc cũng như quản lý sử dụng các kháng sinh này để bảo tồn hiệu quả của thuốc. Tigecyclin là kháng sinh mới, được cấp phép điều trị NKOB có biến chứng [4]. Các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn phát triển thuốc đã được thực hiện trên các bệnh nhân nhiễm khuẩn có mức độ nặng trung bình, tỷ lệ tử vong dưới 5 % [6]. Tuy nhiên, gần đây một nghiên cứu quan sát trong thực hành lâm sàng cho thấy kháng sinh này chủ yếu được sử dụng trên các bệnh nhân có mức độ nhiễm khuẩn nghiêm trọng hơn, với tỷ lệ tử vong khoảng 10 % [2]. Kết quả từ nghiên cứu này ghi nhận quần thể bệnh nhân nặng có đáp ứng điều trị tương đối tốt với tigecyclin. Tuy nhiên, việc phiên giải dữ liệu còn khá hạn chế do nghiên cứu này không có nhóm đối chứng. Để khắc phục nhược điểm trên, có thể ghép cặp nhóm bệnh nhân sử dụng tigecyclin và nhóm bệnh nhân sử dụng kháng sinh khác để đồng nhất các đặc điểm nhân khẩu học, lâm sàng và phác đồ điều trị thông qua phương pháp ghép cặp điểm xác suất [9]. Vì vậy với mục tiêu so sánh hiệu quả điều trị của tigecyclin và kháng sinh khác, chúng tôi 34
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 thực hiện nghiên cứu này thông qua tiếp cận phương pháp ghép cặp điểm xác suất để đánh giá hiệu quả của tigecyclin trong điều trị NKOB có biến chứng ở bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Đối tượng và phương pháp Đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu tiến hành trên bệnh nhân nội trú có chẩn đoán nhiễm khuẩn ổ bụng tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai thông qua ghi nhận hồi cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Lựa chọn bệnh án của bệnh nhân sử dụng phác đồ kháng sinh chứa tigecyclin (nhóm TGC) hoặc phác đồ kháng sinh không chứa tigecyclin (các thuốc nhóm beta-lactam – nhóm không TGC) trong thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 10/2017; loại trừ bệnh án của bệnh nhân có thời gian dùng kháng sinh ít hơn 48 giờ, trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu thuần tập hồi cứu so sánh hiệu quả điều trị giữa nhóm TGC và nhóm không TGC từ dữ liệu hồ sơ bệnh án nội trú của các bệnh nhân thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ. Sơ đồ thu thập bệnh án của bệnh nhân NKOB sử dụng tigecyclin và không sử dụng tigecyclin từ tháng 01/2016 đến tháng 10/2017 được trình bày trong hình 1. Kết quả thu được 50 bệnh án của các bệnh nhân NKOB dùng tigecyclin và 227 bệnh án của các bệnh nhân NKOB không dùng tigecyclin. Sau khi ghép cặp đối chứng thu được 42 bệnh nhân nhóm TGC và 66 bệnh nhân nhóm đối chứng không đùng TGC. Hình 1. Quy trình thu thập bệnh án của bệnh nhân nhiễm khuẩn ổ bụng nhóm dùng tigecyclin và nhóm không dùng tigecyclin Hiệu quả lâm sàng được đánh giá bởi 1 bác sĩ điều trị trong nhóm nghiên cứu. Bệnh nhân được đánh giá đạt hiệu quả lâm sàng nếu khỏi hoặc cải thiện các triệu chứng của nhiễm khuẩn ổ bụng. Chữa khỏi khi tất cả các dấu hiệu/triệu chứng ban đầu 35
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 đều khỏi và không xuất hiện triệu chứng nhiễm khuẩn mới (hết buồn nôn, nôn; hết đau bụng; hết cứng thành bụng; không có phản ứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc; hết sốt (≤ 37 độ); có nhu động ruột; nhịp tim; nhịp thở; bạch cầu; C-reaction protein (CRP); procalcitonin (PCT) đều trở về ngưỡng bình thường và không còn dịch ổ bụng/áp xe nếu có siêu âm/chụp cắt lớp ổ bụng), đồng thời, không cần can thiệp phẫu thuật hoặc dẫn lưu lại. Bệnh nhân được đánh giá cải thiện khi đáp ứng tất cả các tiêu chí (1) hết cứng thành bụng và có nhu động ruột; (2) một trong các triệu chứng lâm sàng hoặc cận lâm sàng sau có xu hướng cải thiện: đỡ sốt (> 37 độ và ≤ 38.3 độ); nhịp tim, nhịp thở giảm so với lúc đầu (giảm > 20 %); bạch cầu (4000-12000 tế bào/mm3), CRP giảm > 70 %, PCT giảm > 80 % so với lúc đầu; (3) giảm liều hoặc cắt được vận mạch nếu ban đầu bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn hoặc cần dùng thuốc vận mạch; (4) giảm lượng dịch dẫn lưu, dịch tồn dư dạ dày so với lúc đầu; (5) Không cần can thiệp phẫu thuật hoặc dẫn lưu lại. Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý thống kê mô tả, phương pháp ghép cặp, hồi quy logistic Stepwise bằng Microsoft Excel 2010 và SPSS 23. Phương pháp ghép cặp giữa nhóm bệnh và nhóm chứng được thực hiện dựa trên ghép cặp điểm xác suất PSM (propensity score matching). Thực hiện ghép cặp bệnh nhân trong quần thể bệnh nhân trong nhóm TGC với các bệnh nhân nhóm không dùng TGC với các với tỷ lệ 1 bệnh: 2 đối chứng. Các biến số được đưa vào trong mô hình ghép cặp gồm: tuổi, cân nặng, giới tính, điểm APACHE II, điểm Charlson, nhiễm khuẩn ổ bụng có suy đa tạng/sốc nhiễm khuẩn, phân lập được P. aeruginosa, K. pneumoniae, A. baumannii, E. coli, phác đồ phối hợp với colistin, phác đồ phối hợp với amikacin. Kết quả nghiên cứu Ảnh hưởng tương đối của các biến thuộc về đặc điểm mẫu nghiên cứu trên được minh họa theo hình 2. (a) Sự khác nhau tổng (b) Phân phối điểm xác (c) Khác biệt tổng quát quát trước và sau PSM suất trước và sau PSM giá trị trung bình trước và sau PSM Hình 2. Phân phối của điểm xác suất trong quần thể nghiên cứu Kết quả so sánh đặc điểm chung của bệnh nhân, mức độ nặng của bệnh, tác nhân gây bệnh và phác đồ phối hợp giữa nhóm bệnh và nhóm chứng trước và sau khi ghép cặp được trình bày trong bảng 1. 36
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 Bảng 1. Đặc điểm hai nhóm bệnh nhân sử dụng tigecyclin và nhóm chứng trước và sau khi ghép cặp Đặc điểm Trước ghép cặp Sau ghép cặp Nhóm sử dụng Nhóm không sử dụng Nhóm sử dụng Nhóm không sử tigecyclin tigecyclin tigecyclin dụng tigecyclin N = 50 N = 227 N = 42 N = 66 Tuổi 56 (24 - 87) 46 (19 - 93) 58,0 ± 16,4 52,3 ± 16,1 Cân nặng 60,5 (42 - 110) 62 (25 - 157) 60,5 (42-110) 64,75 (25-157) Giới nam 35 (70%) 181 (79,7%) 26 (61,9%) 49 (74,2%) APACHE II 15 (3 - 29) 8 (0 - 30) 15,0 ± 6,1 13,1 ± 6,9 Charlson 1 (0 - 4) 0 (0 - 4) 1 (0-4) 0 (0-4) NKOB có suy đa 44 (88%) 60 (26,4%) 36 (85,7%) 55 (83,3%) tạng/sốc NK Phân lập ra 5 (10%) 0 (0%) 0 (0%) 0 (0%) P.aeruginosa Phân lập ra 5 (10%) 7 (3,1%) 4 (9,5%) 6 (9,1%) K.pneumoniae Phân lập ra A. 4 (8%) 12 (5,3%) 3 (7,1%) 4 (6,1%) baumannii Phân lập ra E. 5 (10%) 8 (3,5%) 3 (7,1%) 5 (7,6%) coli Phác đồ có phối 17 (34%) 17 (7,5%) 11 (26,2%) 11 (16,7%) hợp colistin Phác đồ có phối 10 (20%) 30 (13,2%) 9 (21,4%) 15 (22,7%) hợp amikacin Nhìn chung trước khi ghép cặp, đặc điểm của nhóm bệnh và nhóm chứng có sự khác biệt đáng kể. Các đặc điểm về tuổi, điểm Charlson, có suy đa tạng/sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ bệnh nhân phân lập ra các vi khuẩn P. aeruginosa, K.pneumoniae, A.baumannii, E. coli và tỷ lệ bệnh nhân được phối hợp với colistin ở nhóm bệnh đều cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng. Sau khi thực hiện PSM, số lượng bệnh nhân giảm đáng kể. Nhóm bệnh còn lại 42 bệnh nhân được ghép cặp với 66 bệnh nhân trong nhóm chứng. Sau khi ghép cặp, các đặc điểm về tuổi, cân nặng, giới tính, điểm APACHE II, điểm Charlson, có suy đa tạng/sốc nhiễm khuẩn, phân lập ra P. aeruginosa, K. pneumoniae, A. baumannii, E. coli, phác đồ phối hợp với colistin, phác đồ phối hợp với amikacin không còn sự khác biệt giữa 2 nhóm với giá trị p > 0,05. Các đặc điểm liên quan đến việc sử dụng tigecyclin trong 42 bệnh án đã ghép cặp được chúng tôi tổng kết và trình bày trong bảng 2. 37
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 Bảng 2. Đặc điểm sử dụng tigecyclin Nội dung Số bệnh nhân, n (%) N = 42 Đặc điểm về phác đồ Phác đồ ban đầu 29 (69,0%) Phác đồ thay thế 13 (31,0%) Các kháng sinh phối hợp (*) 42 (100%) carbapenem 41 (97,6%) colistin 11 (26,2%) aminoglycosid 9 (21,4%) glycopeptid 4 (9,5%) quinolon 1 (2,4%) fosfomycin 1 (2,4%) Đáp ứng lâm sàng 32 (76,2%) (*): Không có bệnh nhân nào được dùng tigecyclin đơn độc Đa số bệnh nhân được chỉ định tigecyclin trong phác đồ ban đầu, với tỷ lệ 69,0 %. Trong cả hai loại phác đồ, tigecyclin đều được dùng phối hợp với các kháng sinh khác. Kháng sinh được phối hợp nhiều nhất với tigecyclin là carbapenem và colistin, với tỷ lệ tương ứng là 97,6 % và 26,2 %. Tỷ lệ bệnh nhân đạt hiệu quả điều trị tương đối cao với 76,2 %. Các yếu tố liên quan đến hiệu quả điều trị trong phân tích đơn biến và đa biến được trình bày trong bảng 3. Kết quả từ phân tích đơn biến cho thấy sử dụng tigecyclin và phẫu thuật ổ bụng chưa có ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả điều trị. Ngược lại, yếu tố bệnh nhân NKOB có biến chứng hoặc điểm APACHE ≥13 ảnh hưởng rất lớn đến đáp ứng lâm sàng, với khả năng thành công thấp hơn khoảng 3 lần so với nhóm bệnh nhân không có các yếu tố này. Các thông số này có thể có mối liên quan với việc dùng tigecyclin nên tiếp tục được đưa vào mô hình phân tích đa biến để hiệu chỉnh. Bảng 3. Các yếu tố liên quan đến hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng trong phân tích hồi quy logistic đơn biến và đa biến Yếu tố Thành Không Phân tích Phân tích đa biến công thành công đơn biến (n = 72) (n = 36) OR (95% CI) aOR 95% CI p Phác đồ có 32 10 2,08 (0,88- 7,13 (1,93-26,3) 0,003 tigecyclin 4,94) NKOB có biến 48 31 0,32 (0,11- 0,26 (0,08-0,92) 0,036 chứng 0,94) APACHE II ≥ 32 25 0,35 (0,15- 0,32 (0,12-0,86) 0,024 13 0,82) Phẫu thuật ổ 19 14 0,56 (0,24- 0,23 (0,06 – 0,030 bụng 1,32) 0,87) aOR: Tỉ số odd hiệu chỉnh cho tuổi, giới, cân nặng và các biến số còn lại trình bày trong bảng. Trong phân tích đa biến, kết quả cho thấy sau khi điều chỉnh cho các biến số khác của mô hình, việc sử dụng tigecyclin có liên quan đến khả năng điều trị thành công cao hơn, với OR = 7,13, 95 %CI = 1,93-26,3. Các bệnh nhân NKOB có biến chứng, điểm 38
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 APACHE II ≥13 và có phẫu thuật ổ bụng có liên quan với tỷ lệ điều trị thành công thấp hơn. Bàn luận Trong các nghiên cứu quan sát, việc không tương đồng giữa các nhóm điều trị là không tránh khỏi. Để đảm bảo tương đồng về đặc điểm bệnh nhân nhóm TGC và nhóm không TGC, cách tiếp cận hiệu quả là ghép cặp các ca bệnh và ca chứng. Trong nghiên cứu này, phương pháp ghép cặp giữa nhóm bệnh và nhóm chứng được thực hiện dựa trên ghép cặp điểm xác suất (PSM). Điểm xác suất là kết quả của một phương trình hồi quy logistic đa biến, bao gồm các biến độc lập là các yếu tố gây nhiễu. Ghép cặp xác suất giữa 2 nhóm bệnh và nhóm chứng giúp loại trừ các yếu tố gây nhiễu mà làm mất một số lượng tối thiểu đối tượng nghiên cứu. Từ tập hợp các điểm xác suất tính cho tất cả các bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, chúng tôi thực hiện ghép cặp tỷ lệ 1 nhóm bệnh: 2 nhóm chứng, các điểm gần nhau nhất với độ lệch lớn nhất giữa 2 giá trị điểm xác suất (caliper) là 0,22 (điều này có nghĩa độ lệch chuẩn của log thập phân của điểm xác suất là 22 %). Việc ghép cặp điểm xác suất được thực hiện không có sự thay thế và những giá trị không được ghép cặp sẽ được loại trừ. Kết quả sau PSM, chúng tôi thu được 42 ca bệnh và 66 ca chứng. Kết quả thu được 2 nhóm cân bằng các chỉ số tuổi, giới, cân nặng, APACHE II, chalson, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, phân lập được K. pneumoniae, A. baumannii, P. aeruginosa hoặc E. coli, phối hợp colistin, phối hợp với amikacin. Phần lớn các bệnh nhân NKOB trong mẫu nghiên cứu được sử dụng tigecyclin trong phác đồ kinh nghiệm, chiếm 69 % và chỉ có 31 % bệnh nhân sử dụng tigecyclin trong phác đồ thay thế. Theo WSES 2017, tigecyclin là một lựa chọn điều trị NKOB có biến chứng, đặc biệt trong phác đồ kinh nghiệm do thuốc có hoạt tính kháng nhiều vi khuẩn kị khí, enterococci, một số chủng họ Enterobacteriaceae, Acinetobacter spp., và Stenotrophomonas maltophilia sinh ESBL hoặc sinh carbapenemase [8]. Trong nghiên cứu này, tất cả các bệnh nhân đều được dùng tigecyclin trong phác đồ phối hợp. Kết quả này cũng tương tự kết quả trong một nghiên cứu sử dụng tigecyclin trên bệnh nhân nhiễm khuẩn ổ bụng tại Tây Ban Nha, với tỷ lệ dùng phác đồ có tigecyclin phối hợp với các kháng sinh khác lên tới 95,7 % bệnh nhân [7]. Trong nghiên cứu này, kháng sinh dùng phối hợp với tigecyclin nhiều nhất là piperacillin/tazobactam với 43,5 % bệnh nhân và không có bệnh nhân nào được phối hợp với carbapenem và colistin. Trong khi đó, kháng sinh nhóm carbapenem và colistin là kháng sinh phối hợp với tigecyclin nhiều nhất trong nghiên cứu của chúng tôi. Theo hướng dẫn của WSES 2017 và Châu Á 2014, tigecyclin có thể phối hợp piperacillin/tazobactam hoặc carbapenem trên các bệnh nhân nhiễm khuẩn ổ bụng liên quan đến chăm sóc y tế [5], [8]. Phác đồ tigecyclin phối hợp với piperacillin/tazobactam có thể làm giảm gánh nặng cho các kháng sinh nhóm carbapenem. Tigecyclin không có phổ tác dụng trên trực khuẩn mủ xanh, do đó phối hợp với kháng sinh có phổ trên vi khuẩn này có thể làm tăng hiệu quả điều trị. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các vi khuẩn gram âm tại Khoa HSTC, Bệnh viện Bạch Mai đã đề kháng với piperacillin/tazobactam ở mức rất cao dao động từ 50-90%. Bên cạnh đó, các vi khuẩn không chỉ đề kháng với một loại kháng sinh mà còn đề kháng với nhiều loại kháng sinh và thậm chí đã xuất hiện các chủng kháng carbapenem [1]. Đây có thể là lý do carbapenem và colistin được phối hợp với tigecyclin trong điều trị NKOB tại Khoa HSTC. 39
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân đạt hiệu quả điều trị của nhóm TGC khá cao với 32/42 (76,2 %). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Eckmann (2013) tại 5 nước Châu Âu. Nghiên cứu này cũng ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân nặng sử dụng tigecyclin có đáp ứng lâm sàng khá cao ở các bệnh nhân NKOB có biến chứng [2]. Cụ thể, tỷ lệ đáp ứng là 75,2 % ở nhóm bệnh nhân nhiễm khuẩn mắc phải tại bệnh viện; 75,8 % ở nhóm bệnh nhân có điểm APACHE II ≥ 15 và 54,2 % ở nhóm bệnh nhân có điểm SOFA ≥ 7. Nghiên cứu này kết luận tigecyclin có hiệu quả tốt trên bệnh nhân NKOB có biến chứng mức độ nặng. Kết quả của chúng tôi thấp hơn một chút so với nghiên cứu của Qvist và cộng sự [7]. Cụ thể là, tỷ lệ thành công ở nhóm tigecyclin và nhóm ceftriaxon/metronidazol tương ứng với 81,8 % và 79,4 %. Kết quả khác biệt này có thể do tình trạng bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi nặng hơn với trung vị APACHE II khoảng 15 điểm, trong khi các bệnh nhân trong nghiên cứu Qvist có trung vị điểm APACHE II chỉ ở mức 6-7 điểm. Như vậy một số thông số có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của tigecyclin như nhiễm khuẩn có/không có biến chứng, bệnh nhân có/không có phẫu thuật ổ bụng và điểm APACHE. Trong phân tích đơn biến, hai yếu tố đặc trưng cho mức độ nặng của bệnh nhân bao gồm NKOB có biến chứng, điểm APACHE II ≥ 13 được ghi nhận có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả điều trị với tỷ lệ bệnh nhân được điều trị thành công cao hơn 3 lần so với nhóm không có các yếu tố này. Yếu tố phác đồ chứa tigecyclin và phẫu thuật ổ bụng chưa cho thấy mối liên quan đến hiệu quả điều trị. Chúng tôi tiếp tục đưa các thông số này vào hiệu chỉnh trong mô hình đa biến. Sau khi hiệu chỉnh, kết quả phân tích đa biến cho thấy sử dụng tigecyclin là yếu tố độc lập ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng. Các bệnh nhân dùng phác đồ chứa tigecyclin có tỷ lệ điều trị thành công cao hơn nhiều so với không dùng phác đồ chứa tigecyclin, với OR là 7,1 và 95 % CI : 1,93-26,3. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nhiều so với nghiên cứu gần đây của Solomkin (2016) [9]. Các tác giả cũng đánh giá hiệu quả của tigecyclin trong điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng có biến chứng thông qua phương pháp ghép cặp điểm xác suất, trong đó, có 2.424 bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu bao gồm 606 bệnh nhân dùng tigecyclin và 1.818 bệnh nhân sử dụng các kháng sinh khác. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả lâm sàng, tỷ lệ tái nhập viện và tình trạng ra viện giữa 2 nhóm. Các yếu tố được đưa vào ghép cặp trong nghiên cứu này bao gồm tuổi, giới, mức độ nặng của bệnh, nguy cơ tử vong, vị trí nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc vận mạch, thở máy. Ngoài ra, nghiên cứu này thu thập thông tin qua dữ liệu điện tử với cỡ mẫu rất lớn, gần 2500 bệnh nhân, đồng thời, nghiên cứu không đưa vào một số các yếu tố như căn nguyên gây bệnh và kháng sinh phối hợp như nghiên cứu của chúng tôi. Đây có thể là các nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về kết quả giữa 2 nghiên cứu. Hạn chế của nghiên cứu này là nghiên cứu không can thiệp, thu thập dữ liệu từ thực hành thông qua hồi cứu bệnh án nên một số thông tin có thể thiếu. Do đó, đối với phần đánh giá hiệu quả lâm sàng, nhóm nghiên cứu đã cố gắng xây dựng tiêu chí đánh giá chi tiết để thu thập thông tin tối đa từ bệnh án. Kết luận Sau ghép cặp điểm xác suất, nhóm sử dụng tigecyclin và nhóm đối chứng đã cân bằng về các chỉ số mức độ nặng của nhiễm khuẩn, căn nguyên gây bệnh và kháng sinh phối hợp. Kết quả phân tích đa biến cho thấy hiệu quả của phác đồ chứa 40
- Nghiên cứu Dược & Thông tin thuốc, 2020, Tập 11, Số 5, trang 34-41 tigecyclin cao hơn đáng kể so với phác đồ không chứa tigecyclin trong điều trị bệnh nhân NKOB có biến chứng với điểm APACHE II ≥ 13 và có phẫu thuật ổ bụng. Tài liệu tham khảo 1. Phạm Hồng Nhung, Nguyễn Thị Tuyến, et al. (2018), "Tình hình đề kháng kháng sinh của Klebsiella Pneumoniae, Pseudomonas Aeruginosa và Acinetobacter Baumannii phân lập tại Khoa Hồi sức tích cực và Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2012 - 2016", Tạp chí Y học lâm sàng, pp. 43-51. 2. Bassetti M., Eckmann C., et al. (2013), "Prescription behaviours for tigecycline in real-life clinical practice from five European observational studies", J Antimicrob Chemother, 68 Suppl 2, pp. ii5-14. 3. Blot S., Antonelli M., et al. (2019), "Epidemiology of intra-abdominal infection and sepsis in critically ill patients: "AbSeS", a multinational observational cohort study and ESICM Trials Group Project", Intensive Care Med, 45(12), pp. 1703-1717. 4. European Medicine Agency (2020), Summary of Product Characteristics: Tygacil 50mg powder for solution for infusion. Retrieved on October 21th 2020 from epar-product-information_en.pdf 5. Kurup A., Liau K. H., et al. (2014), "Antibiotic management of complicated intra-abdominal infections in adults: The Asian perspective", Ann Med Surg (Lond), 3(3), pp. 85-91. 6. McGovern P. C., Wible M., et al. (2013), "All-cause mortality imbalance in the tigecycline phase 3 and 4 clinical trials", Int J Antimicrob Agents, 41(5), pp. 463-7. 7. Qvist N., Warren B., et al. (2012), "Efficacy of tigecycline versus ceftriaxone plus metronidazole for the treatment of complicated intra-abdominal infections: results from a randomized, controlled trial", Surg Infect (Larchmt), 13(2), pp. 102-9. 8. Sartelli M., Chichom-Mefire A., et al. (2017), "The management of intra- abdominal infections from a global perspective: 2017 WSES guidelines for management of intra-abdominal infections", World J Emerg Surg, 12, pp. 29. 9. Solomkin J., Mullins C. D., et al. (2016), "Evaluation of Tigecycline Efficacy and Post-Discharge Outcomes in a Clinical Practice Population with Complicated Intra-Abdominal Infection: A Propensity Score-Matched Analysis", Surg Infect (Larchmt), 17(4), pp. 402-11. 10. Tran D. M., Larsson M., et al. (2019), "High prevalence of colonisation with carbapenem-resistant Enterobacteriaceae among patients admitted to Vietnamese hospitals: Risk factors and burden of disease", J Infect, 79(2), pp. 115-122. 41