Tập đoàn điện lực Việt Nam với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số

pdf 12 trang Gia Huy 18/05/2022 2490
Bạn đang xem tài liệu "Tập đoàn điện lực Việt Nam với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftap_doan_dien_luc_viet_nam_voi_dam_bao_an_ninh_nang_luong_qu.pdf

Nội dung text: Tập đoàn điện lực Việt Nam với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số

  1. 535 TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM VỚI ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA TRONG KỶ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ Văn Công Vũ, Nguyễn Lê Thu Hiền Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Bài viết nghiên cứu những điểm mới trong vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, quá trình số hóa các khâu sản xuất, vận hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong kỷ nguyên kỹ thuật số, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng điện của quốc gia trong thời đại mới. Trên cơ sở xây dựng khung lý luận về vấn đề an ninh năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số, tác giả thống kê, phân tích nguồn dữ liệu thứ cấp, đánh giá thực trạng và vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gắn với kỷ nguyên kỹ thuật số. Từ khóa: An ninh năng lượng; EVN; Kỹ thuật số. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo về chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng [1]. Theo đó, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân về năng lượng đang nổ lực từng ngày để đưa công nghệ, thiết bị hiện đại vào hệ thống sản xuất và phân phối, từng bước chuyển đổi số trong kỷ nguyên kỹ thuật số, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là một trong số những công ty về năng lượng, tiên phong trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện của quốc gia gắn với những yêu cầu đổi mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Thời gian qua, có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỷ thuật số như: công trình của Frank Umbach (2018) về Energy Security in a Digitalized World and its Geostrategic Implications (An ninh năng lượng trong kỷ nguyên số hóa và ý nghĩa của nó) [2]; Nghiên cứu của Nguyễn Anh Đức (2019) về Bảo đảm an ninh năng lượng trong khu vực và trên thế giới: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam [3];
  2. 536 Bài viết của Hà Xuyên (2019) về Giải pháp trước mắt đảm bảo an ninh năng lượng điện [4] Các công trình cho thấy kết quả nghiên cứu nghiêm túc và thuyết phục về an ninh năng lượng và vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về vị trí, vai trò của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Do đó, việc nghiên cứu về vấn đề Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh thế giới đang bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của kỹ thuật số. Để phân tích sâu và giải quyết vấn đề nghiên cứu, tác giả sử dụng chủ yếu phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp nguồn dữ liệu thứ cấp, ngoài ra còn sử dụng phương pháp logic kết hợp lịch sử, từ đó đánh giá thực trạng vấn đề và đề xuất giải pháp phù hợp trong thời gian tới. 2. NỘI DUNG 2.1. An ninh năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số Theo Điều 3, Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” [5]. Từ khái niệm đó, có thể đưa ra quan niệm về an ninh kinh tế quốc gia: đó là các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm về kinh tế cho mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia luôn được ổn định trước những tác động của nền kinh tế thế giới. Hệ thống an ninh kinh tế quốc gia xét trên từng lĩnh vực, từng mặt hàng chiến lược ngoài các bộ phận: an ninh lương thực; an ninh thông tin; an ninh tài chính tiền tệ; an ninh môi trường sinh thái thì an ninh năng lượng là một bộ phận quan trọng, cần được quan tâm và bảo đảm một cách chặt chẽ. Đặc biệt, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, sự phát triển của khoa học và công nghệ đòi hỏi việc chuyển đổi số và áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong quá trình sản xuất, phân phối và đảm bảo vấn đề an ninh là yêu cầu thiết yếu. Trong thời gian gần đây, kỹ thuật số hay còn gọi là công nghệ số đang bùng nổ và có tác động ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh năng lượng. Sự phát triển của công nghệ số yêu cầu các lĩnh vực, ngành nghề phải thích ứng với với những cách thức hoạt động mới, hầu hết liên quan đến việc chuyển đổi kỹ thuật số mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang dần tiếp cận, nổi bật là trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và Internet vạn vật (IoT).
  3. 537 Như vậy, có thể hiểu, an ninh năng lượng là một phạm trù thuộc hệ thống an ninh kinh tế quốc gia, đó là sự ổn định, phát triển bền vững về vấn đề năng lượng của quốc gia mà cụ thể trong phạm vi nghiên cứu này là của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm an ninh năng lượng trong kỷ nguyên kỹ thuật số đó là sự phòng ngừa, bảo vệ, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm đến an ninh năng lượng của quốc gia thông qua các công cụ, phương tiện kỹ thuật số, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại mới – kỷ nguyên kỹ thuật số. Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả đề cập đến vấn đề an ninh năng lượng điện quốc gia và sự chuyển đổi số cũng như quá trình áp dụng công nghệ số hiện đại trong các dây chuyền sản xuất và phân phối của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay. 2.2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được hình thành theo Quyết định số 147/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/06/2006 về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Quyết định 148/2006/QĐ-TTG về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đến ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm: Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; Xuất nhập khẩu điện năng; Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây truyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện; Tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán, tư vấn thẩm tra và giám sát thi công công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp [6]. Thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, EVN hiện có 3 tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) và 8 công ty thủy điện/nhiệt điện thuộc lĩnh vực sản xuất điện năng, 5 tổng công ty điện lực kinh doanh điện năng đến khách hàng là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC),Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC). Phụ
  4. 538 trách lĩnh vực truyền tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Trong thời gian qua, thông qua những nỗ lực hoạt động và phát triển, EVN ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia. Với kết quả nổi bật là EVN cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. Cùng với đó, hệ thống điện đạt quy mô lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Công tác đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đạt kết quả rất ấn tượng, góp phần giữ vững an ninh kinh tế, chính trị, quốc phòng của quốc gia. Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới đánh giá là thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn [7]. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, mang lại những kết quả tích cực, việc ứng dụng công nghệ trong các khâu, các giai đoạn quản lý và vận hành là giải pháp được EVN chú trọng đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển của kỷ nguyên kỹ thuật số, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng điện cho cả nước. Một số kết quả khả quan góp phần đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia gắn với việc ứng dụng công nghệ số ở EVN, có thể kể đến như sau: Thứ nhất, đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880MW, tăng 6.320MW so với năm 2018. Qui mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới. Bảng 1. Điện thương phẩm năm 2019 Kế hoạch Ước TH Tăng so So sánh TT Đơn vị năm 2019 năm 2019 năm 2018 Kế hoạch Toàn EVN 211.950 209.420 8,87% 98,8% Trong đó: Nội địa 207.784 8,65% I Các TCT Điện lực 210.300 207.350 8,64% 98,6% 1 TCTĐL miền Bắc 72.500 70.000 8,91% 96,6% 2 TCTĐL miền Nam 73.350 72.600 8,90% 99,0% 3 TCTĐL miền Trung 19.050 19.150 9,06% 100,5% 4 TCTĐL TP Hà Nội 19.550 19.500 8,87% 99,7% 5 TCTĐL TP HCM 25.850 26.100 6,80% 101,0% II EVN bán trực tiếp 1.650 2.070 37,18% 125,5% Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của EVN
  5. 539 Điện thương phẩm đạt 209,42 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018, trong đó điện thương phẩm nội địa ước đạt 207,7 tỷ kWh, tăng trưởng 8,65% (miền Bắc tăng 8,9%, miền Trung tăng 9,31%, miền Nam tăng 8,3%). Các Tổng Công ty Điện lực miền Trung và TP HCM vượt kế hoạch điện thương phẩm năm 2019 [8]. Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện trong hệ thống. Các nhà máy thuỷ điện đã đảm bảo phát điện, đáp ứng tốt nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và dân sinh, trong đó đã cấp 4,41 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải, gieo cấy lúa vụ Đông Xuân cho đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Các nhà máy nhiệt điện than, khí đã được huy động tối đa và vượt kế hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt [8]. Thứ hai, công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục có chuyển biến tốt, đã cung cấp dịch vụ điện trực tuyến trên cổng Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các địa phương, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm ASEAN 4. Trong năm 2019, EVN và các đơn vị tiếp tục phát triển các dịch vụ về điện và đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ, trong đó: đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tại Trung tâm hành chính công hoặc Cổng thông tin dịch vụ công tại 63/63 tỉnh/thành phố và từ tháng 12/2019, EVN đã cung cấp các dịch vụ cấp điện qua lưới trung áp, hạ áp và thanh toán tiền điện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch. Đa dạng các hình thức thanh toán tiền điện, đẩy mạnh hình thức thu tiền điện theo phương thức không sử dụng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt đạt 46,54% về số lượng khách hàng vượt 3,06% so với yêu cầu tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (EVNHANOI đạt 98,39%, EVNHCMC đạt ~97,88%) và đạt trên 87% trên tổng doanh thu. EVN và các đơn vị đã triển khai cung cấp hợp đồng và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử. Tính đến cuối năm 2019, EVN đã bán điện trực tiếp cho trên 28,03 triệu khách hàng, tăng hơn 1,0 triệu khách hàng so với 2018. Các đơn vị thuộc EVN đã tiếp nhận và giải quyết 7,4 triệu yêu cầu, trong đó số yêu cầu tiếp nhận tại phòng giao dịch khách hàng chỉ chiếm ~10%, còn lại là các yêu cầu qua các kênh của Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH) như Tổng đài, Web CSKH, App CSKH, Zalo page , Cổng dịch vụ công trực tuyến, trung tâm hành chính công, trong đó các kênh giao dịch qua Internet chiếm tỷ lệ 6,62%. Thời gian cấp điện mới cho khách hàng tiếp tục được rút ngắn, trong đó bình quân thời gian cấp điện lưới trung áp là 3,84 ngày, cấp điện sinh hoạt khu vực thành thị là 2,28 ngày, khu vực nông thôn là 2,81 ngày và ngoài sinh hoạt là 2,89 ngày [8].
  6. 540 Thứ ba, Thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện được giao, đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện EVN đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác đấu thầu để đảm bảo được các yếu tố công bằng, cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả. EVN đã xây dựng hệ thống tiêu chí công tác lựa chọn thầu và triển khai thực hiện đánh giá hàng năm. Đồng thời, EVN là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa, mẫu hóa trong quản lý đấu thầu để góp phần giảm chi phí, giảm thời gian triển khai thực hiện. Từ khi Bộ KH&ĐT triển khai đấu thầu qua mạng cho đến nay, EVN luôn là đơn vị đi đầu trên cả nước trong việc tổ chức đấu thầu qua mạng. Trong năm 2019, các đơn vị EVN đã thực hiện thành công 9.376 gói thầu qua mạng, chiếm tỷ lệ 48,0% tổng số gói thầu thực hiện trong năm, với tổng giá trị trúng thầu khoảng 21.700 tỷ đồng [8]. Hình 1: Kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng của EVN từ năm 2016 đến nay Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của EVN Thứ tư, Hoàn thiện thể chế quản lý và cải cách hành chính EVN đã hoàn thành việc rà soát xây dựng, ban hành được hệ thống Quy chế quản lý nội bộ áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (áp dụng đến đơn vị cấp III của Tập đoàn) với 45 Quy chế quản lý nội bộ. Đặc biệt, EVN đã ban hành nhiều Quy chế quan trọng như Quy chế quản trị, Quy chế về công tác cán bộ, Quy chế quản lý đầu tư xây dựng, Quy chế sản xuất kinh doanh điện, các Quy chế về công tác quản lý tài chính Trong đó, Quy chế quản trị là một quy chế điều chỉnh các nguyên tắc quản lý, điều hành cơ bản của các cấp quản lý trong toàn Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Công tác cải cách hành chính (CCHC) được Tập đoàn xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và
  7. 541 tăng cường thực hiện để đảm bảo nâng cao hiệu quả trong điều hành sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị. Trong năm 2019, EVN tiếp tục cải cách, đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ từ các đơn vị cho EVN, tăng cường báo cáo điện tử và cập nhật số liệu trong các phần mềm dùng chung, điều chỉnh báo cáo định kỳ theo đó đã giảm 86% các báo cáo bằng bản giấy (giảm từ 129 xuống còn 18 loại báo cáo bằng bản giấy). Từ ngày 01/01/2019, EVN đã chính thức đưa vào thực hiện việc gửi, nhận báo cáo định kỳ theo hình thức điện tử trên EVNPortal. Trong năm 2019, EVN tiếp tục rà soát, biểu mẫu hóa các loại báo cáo (tăng từ 45 loại lên 95 loại báo cáo theo biểu mẫu) và giảm bớt các báo cáo đính kèm file (từ 48 loại báo cáo xuống còn 31 loại). Các đơn vị sẽ chỉ nhập dữ liệu vào mẫu biểu được xây dựng trên EVNPortal, các Ban/Văn phòng chủ trì tiếp nhận, sử dụng số liệu được kịp thời và chính xác. Ngoài ra, EVN cũng đã rà soát, đồng bộ số liệu giữa EVNPortal và các phần mềm dung chung và giảm được 10% đầu mục dữ liệu báo cáo (từ 383 đầu mục xuống còn 369 đầu mục) [8]. Áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình quản lý điều hành ở tất cả các lĩnh vực như xây dựng Văn phòng số cho tất cả các văn bản đi đến trong nội bộ Tập đoàn đến các đơn vị, số hóa các tài liệu, văn bản; tăng cường công tác họp trực tuyến và giảm các cuộc họp không cần thiết Thứ năm, Thực hiện tốt nghị Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ chính trị, Chỉ thị số Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CMCN 4.0 Năm 2018, Tập đoàn đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm mục đích đưa EVN thành Tập đoàn mạnh, phát triển bền vững, hiệu quả, có dịch vụ khách hàng tốt, phấn đấu trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực. Phát huy những kết quả bước đầu trong năm 2018, trong năm 2019, Tập đoàn tiếp tục triển khai các Đề án/dự án thành phần. Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhằm sớm đưa các sản phẩm vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, góp phần hiện đại hóa hệ thống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động của các đơn vị. Trong năm 2019, Tập đoàn đã thông qua 13 trên tổng số 40 đề án/dự án thành phần thuộc Đề án. Đến nay, một số đề án/dự án thành phần đã được ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả hữu hiệu như: Dự án “Thực hiện số hóa công tác Quản lý kỹ thuật lưới điện phân
  8. 542 phối” do EVNCPC thực hiện, đề án “Phát triển lưới điện thông minh của EVNHCMC đối với cấu phần tự động hóa lưới điện”. Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành được chú trọng và tăng cường nhằm nâng cao độ tin cậy vận hành và tăng năng suất lao động, như: Trang bị hệ thống quan trắc thủy văn cho các NMTĐ, các hệ thống giám sát online cho các thiết bị chính; Triển khai hệ thống tự động điều khiển tổ máy (AGC), hệ thống giám sát diện rộng trên hệ thống điện; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ứng dụng hiệu quả phần mềm PMIS trong quản lý kỹ thuật nguồn, lưới điện; Thực hiện điều khiển xa và phát triển các trạm biến áp không người trực Tính đến cuối năm 2019, đã đưa vào vận hành 57 trung tâm điều khiển và thực hiện điều khiển xa cho 625 trạm biến áp 220kV và 110kV không người trực (chiếm 75,6% tổng số trạm biến áp), trong đó 100% trạm biếp áp thuộc CPC và EVNHCMC đã chuyển sang không người trực từ năm 2018. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và chuyển đổi số: EVN tiếp tục nâng cấp, bổ sung các tính năng các hệ thống phần mềm dùng chung và triển khai thống nhất trong toàn Tập đoàn, như: quản lý tài chính vật tư (ERP), quản lý nhân sự (HRMS), hệ thống quản lý kỹ thuật, quản lý đầu tư xây dựng. Hệ thống Văn phòng điện tử (E-Office) tiếp tục được nâng cấp và triển khai đến các đơn vị cấp 3, cấp 4. Tỷ lệ phát hành văn bản điện tử và lập hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại nhiều đơn vị đạt trên 80%, góp phần rút ngắn thời gian chỉ đạo điều hành, giảm chi phí văn phòng phẩm, chi phí chuyển phát văn bản. Đối với hệ thống E-cabinet, EVN đang phối hợp cùng VNPT cài đặt và kiểm thử hệ thống, kiểm tra an ninh bảo mật để chuẩn bị đưa vào triển khai chính thức. EVN đẩy mạnh công tác số hóa quy trình nghiệp vụ và đã "số hóa" được trên 90% các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Tập đoàn. Theo đánh giá sơ bộ của các công ty tư vấn, đến nay quá trình chuyển đổi số của EVN đạt trên 50% và dự kiến đến 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số [8]. EVN đã triển khai cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 từ cuối năm 2018. Đã hoàn thành nâng cấp và triển khai thống nhất đến tất các các CTĐL hệ thống phần mềm Quản lý khách hàng dùng điện CMIS 3.0, hệ thống phần mềm thu thập dữ liệu từ xa (EVNHES), quản lý dữ liệu đo đếm, hệ thống hóa đơn điện tử, kết nối đến Cổng thông tin dịch vụ công Trung tâm hành chính công của Chính phủ và 63 tỉnh thành. Thứ sáu, công tác truyền thông Đối với công tác truyền thông nội bộ, trong năm 2019 đã phát hành 130 bản tin truyền thông bằng hình ảnh EVNnews và 39 Bản tin điện tử EVN qua hệ thống E-Office; ấn phẩm Tạp chí Điện lực với chuyên đề Quản lý & Hội nhập và chuyên đề Thế giới điện với 24 số đã được phổ biến rộng rãi đến các đơn vị thành viên với nội dung phong phú, phản ánh các hoạt động của Tập đoàn, phổ biến các chủ trương, chính sách và chỉ đạo điều hành của Tập
  9. 543 đoàn đến đông đảo CBCNV ngành Điện. Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị vẫn tích cực phát huy hoạt động các trang web và thông tin điện tử; củng cố và tiếp tục mở rộng đội ngũ cộng tác viên để hỗ trợ cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ tuyên truyền cho các sự kiện, hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị. Đối với riêng trang web của EVN (kể cả các chuyên mục Văn hóa và Tiết kiệm Năng lượng) đã đăng tải 4760 tin, bài trong năm 2019 và đã có 15,6 triệu lượt truy cập, tăng tới 80% so với năm 2018. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn về việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ truyền thông trong tình hình mới, vào tháng 9/2019 vừa qua, EVN cũng đã đưa vào vận hành trang thông tin trên mạng xã hội Facebook hoạt động dưới dạng fanpage với tên gọi ĐIỆN LỰC VIỆT NAM. Sau 3 tháng hoạt động, đến nay trang fanpage đã có hơn 5200 người theo dõi và đã đăng tải 123 nội dung đa dạng (tin, bài viết, ảnh, clip, ) với số lượng tiếp cận thông tin lên tới hơn 1,1 triệu lượt và 150 nghìn lượt tương tác (thích, bình luận, chia sẻ) [8]. Trong thời kết nối Internet rộng khắp như hiện nay, số lượng người sử dụng mạng xã hội Facebook hiện nay là rất lớn nên việc triển khai truyền thông qua mạng xã hội được đánh giá đã mang lại hiệu quả cao, các thông tin do EVN chủ động cung cấp đã đến nhanh và nhiều hơn tới công chúng so với các phương thức truyền thống Với những kết quả tích cực mà EVN đạt được trong thời gian qua, đã khẳng định được vị trí, vai trò của EVN trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thông qua việc số hóa, áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào các quy trình vận hành và sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình hoạt động và chuyển đổi số ở EVN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập và bộ lộ một số mặt hạn chế như: Thứ nhất, khó khăn về điều kiện tự nhiên. Năm 2019, tình hình khô hạn xảy ra ở hầu hết các khu vực trong cả nước, lượng nước về các hồ chứa ở mức rất thấp so với năm 2018 và so với trung bình nhiều năm. Do lưu lượng nước về rất kém nên sản lượng thủy điện huy động trong năm 2019 giảm 16,3 tỷ kWh so với năm 2018 và thấp hơn 7,0 tỷ kWh so với kế hoạch năm; Thứ hai, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng quá tải trên lưới điện đã giảm nhiều so các năm trước nhưng vẫn xảy ra quá tải cục bộ tại một số đường dây, trạm biến áp ở các địa bàn có nhu cầu phụ tải lớn tại khu vực miền Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội; Tiến độ đầu tư một số dự án chậm; Vướng mắc trong qui định pháp luật về đầu tư xây dựng; Thứ ba, công tác chuyển đổi số đang được triển khai nhưng tiến độ triển khai vẫn còn chậm. Một số nội dung rất mới như ứng dụng AI, Bigdata, Blockchain chưa phổ biến, khiến các đơn vị trong quá trình nghiên cứu gặp lúng túng; ngoài ra, việc triển khai hợp tác với
  10. 544 các đối tác trong và ngoài nước về chuyển giao khoa học, công nghệ vẫn chưa được diễn ra mạnh mẽ. Thứ tư, nguồn nhân lực thực hiện các đề án hay dự án đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có đủ điều kiện tập trung thời gian và tư duy nghiên cứu những công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Trước những khó khăn, hạn chế vẫn còn tồn tại nêu trên, trong giai đoạn đến, cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục, nhất là trong xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế số. 2.3. Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gắn với kỷ nguyên kỹ thuật số Trong thời gian đến, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong kỷ nguyên kỹ thuật số, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và kinh doanh. Theo đó, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau: Thứ nhất, có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn ứng phó với sự thay đổi của điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu của tự nhiên, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đồng bộ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tiếp tục triển khai áp dụng các công nghệ và thiết bị mới, hiện đại trong quá trình quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành; Thực hiện lộ trình xây dựng trạm biến áp không người trực đã được phê duyệt, phấn đấu đến cuối năm 2019 thực hiện điều khiển xa và rút nhân viên trực vận hành cho tổng số 676 trạm (bao gồm 66 trạm 220kV và 610 trạm 110kV). Nghiên cứu xây dựng TBA số, chuyển đổi sang TBA số với lộ trình phù hợp. Từng bước triển khai giám sát bản thể MBA tùy theo mức độ quan trọng. Ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera giám sát vào công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, giám sát vận hành đường dây truyền tải. Cần hoàn thành tốt các đề án, dự án thành phần của Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” đã được giao. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung trong quản lý điều hành và tích hợp thành hệ thống Quản lý thông tin (MIS - Management Information System). Thứ ba đẩy nhanh quá trình triển khai chương trình chuyển đổi số (Digital Transformation) để cấu trúc lại dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và quản lý hiệu quả tài sản. Hoàn thành xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin trọng yếu.
  11. 545 Thứ tư, tiếp tục khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, giá thành hợp lý, có thể áp dụng đại trà. Khuyến khích cá nhân, tập thể đề xuất sáng kiến, giải pháp kỹ thuật phục hồi thiết bị, nghiên cứu áp dụng những thiết bị, công nghệ mới để thay thế những thiết bị đã cũ hiện không còn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất. Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hợp tác quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến. Tăng cường sử dụng, khai thác tối đa các điều khoản về chuyển giao công nghệ, đào tạo trong các hợp đồng mua sắm dây chuyền sản xuất, vật tư thiết bị, đảm bảo làm chủ công nghệ sau khi tiếp nhận và tự nâng cấp, mở rộng khi cần thiết, tránh lệ thuộc vào nhà cung cấp, tiết kiệm kinh phí. Thứ sáu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cả về chuyên môn và về năng lực công nghệ thông tin. Có chính sách cử cán bộ, nhân viên đi học tập ở nước ngoài để tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến để quay về áp dụng cho phù hợp với điều kiện của EVN 3. KẾT LUẬN Trong những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không ngừng nổ lực trong hoạt động chuyển đổi số ở quá trình quản lý, sản xuất và phân phối sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Với những kế hoạch, chính sách triển khai áp dụng công nghệ, kỹ thuật số một cách bài bản và có tính khoa học cao, việc số hóa trong sản xuất và kinh doanh của EVN đã mang lại nhiều kết quả tích cực: thời gian nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực, tỷ lệ chính xác cao góp phần đảm bảo an ninh năng lượng điện của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình hoạt động và chuyển đổi số ở EVN vẫn còn gặp nhiều hạn chế như: các yếu tố về thiên tai; việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện còn gặp nhiều khó khăn; Tình trạng quá tải trên lưới điện; Tiến độ đầu tư một số dự án chậm; Vướng mắc trong qui định pháp luật về đầu tư xây dựng; Một số nội dung rất mới như ứng dụng AI, Bigdata, Blockchain chưa phổ biến; nguồn nhân lực chưa có đủ điều kiện tập trung thời gian và tư duy nghiên cứu những công nghệ mới. Do vậy, thời gian tới cần áp dụng các biện pháp đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống thể chế, cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học, công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, tiến tới phát triển nhanh và bền vững, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh mới.
  12. 546 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. [2] Frank Umbach (2018), Energy Security in a Digitalized World and its Geostrategic Implications, Regional Project Energy Security and Climate Change Asia- Pacific (RECAP), China [3] Nguyễn Anh Đức (2019), Bảo đảm an ninh năng lượng trong khu vực và trên thế giới: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, truy cập ngày 14/08/2019 [4] Hà Xuyên (2019) về Giải pháp trước mắt đảm bảo an ninh năng lượng điện, Thời báo Tài chính Việt Nam, truy cập ngày 29/05/2019 [5] Quốc hội (2004), Luật An ninh quốc gia [6] Tổng quan về Tập đoàn Điện lực Việt Nam, website: 877.aspx [7] Đinh Liên (2019), EVN khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Cổng thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam. [8] Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của EVN