Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay

pdf 13 trang Gia Huy 18/05/2022 2610
Bạn đang xem tài liệu "Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthu_hut_dau_tu_truc_tiep_nuoc_ngoai_vao_viet_nam_trong_boi_c.pdf

Nội dung text: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay

  1. THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI HIỆN NAY ThS. Nguyễn Như Quảng1 Tóm tắt: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới là một vấn đề mang tính thời sự, có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Trong những năm qua, tình hình quốc tế có nhiều biến động lớn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới trong đó có vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh đặc biệt sau đại dịch Covid-19, trong khi FDI ngày càng đóng một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Để làm rõ hơn vấn đề này, bài viết tập trung phân tích những đặc điểm nổi bật của bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam, khái quát bức tranh FDI vào Việt Nam trong những năm 2018 - 2020, từ đó rút ra những nhận xét và đề xuất một số kiến nghị nhằm tiếp tục thu hút hơn nữa FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Bối cảnh mới; đầu tư trực tiếp nước ngoài; thu hút đầu tư nước ngoài ATTRACTING FOREIGN DIRECT INVESTMENT INTO VIETNAM IN THE NEW CONTEXT Abstract: Attracting foreign direct investment into Vietnam in the new context is a topical issue, of great significance in terms of theory and practice. Over the past years, the international situation has had many major changes such as the US-China trade war and the global outbreak of the Covid-19 pandemic, which has negatively impacted the world economy, including the investment problem. foreign direct investment (FDI). Global FDI inflows are on a downward trend, especially after the Covid-19 pandemic, while FDI plays an increasingly important role in economic growth of countries in general and Vietnam in particular. To further clarify this issue, the article focuses on analyzing the salient features of the international and domestic context that affect the attraction of FDI capital into Vietnam, overviewing the picture of FDI in Vietnam in recent years. from 2018 - 2020, from which to draw comments and propose some recommendations to continue to attract more FDI into Vietnam in the coming time. Key words: New context, Foreign Direct Investment, FDI attraction 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vốn FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; chuyển giao khoa học công nghệ Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới đất nước với những chính sách đúng đắn, phù hợp đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài khá lớn, tổng số vốn đăng ký đầu tư tính đến ngày 1 Trường Đại học Thuỷ lợi; Email: nguyennhuquang@tlu.edu.vn 270
  2. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 271 20-12-2020 lên tới 384 tỷ USD (Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020 2020). Tuy nhiên, những năm gần đây bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi nhanh chóng, đã tác động không nhỏ tới việc thu hút FDI vào Việt Nam. Trong khi, ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu tình hình thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới là một vấn đề rất cấp thiết, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách tham khảo, nghiên cứu để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ trong việc thu hút hiệu quả nguồn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 2.1. Bối cảnh mới tác động đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam hiện nay 2.1.1. Bối cảnh quốc tế Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu hướng dịch chuyển FDI ra khỏi Trung Quốc Ngày 22-3-2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố đánh thuế đối với hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ, điều này đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Xu hướng dịch chuyển FDI ra khỏi Trung Quốc đã xuất hiện trong những năm trước đó, nhưng nó trở nên rõ rệt hơn sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần vốn FDI ra khỏi Trung Quốc để đa dạng chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một thị trường đầu vào. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc thu hút FDI như: Vị trí địa lý thuận lợi; chí phí sản xuất rẻ so với các nước trong khu vực; môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện; Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hoá với một số đối tác đầu tư là những quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh những tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại. Điều đó đã và đang tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong thu hút FDI. Mặt khác, xu hướng dịch chuyển FDI ra khỏi Trung Quốc tạo nên làn sóng đón đầu và cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong thu hút vốn đầu tư. Đây là khó khăn lớn đối với Việt Nam trong việc thu hút FDI, nguy cơ nước ta trở thành nơi thu hút những dự án FDI chất lượng thấp là rất lớn, khi các yếu tố đầu vào chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ đang tích cực định vị lại chính mình và đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuế và thuê đất; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng quỹ đất sạch; cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới chính sách đầu tư để tăng cường thu hút hơn nữa làn sóng phân tán FDI ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn là đối thủ lớn trong cuộc đua cạnh tranh thu hút FDI đối với các quốc gia khác. Bởi vì, Trung Quốc đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái đầu tư đầy hấp dẫn; một thị trường đông dân; nền kinh tế lớn đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19. Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới có hiệu lực từ ngày 01-01-2020 và những chính sách ưu đãi lớn để “giữ chân” các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, không dễ dàng khi các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền, công nghệ sản xuất rời khỏi Trung Quốc, hoặc di chuyển một bộ phận dây chuyền, công nghệ sản xuất đó sang các quốc gia khác nếu không có những điều kiện thuận lợi hơn.
  3. 272 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI Thứ hai, đại dịch Covid-19 và nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu làm cho nền kinh tế thế giới phải hứng chịu một cú sốc lớn. Nền kinh tế khủng hoảng trên diện rộng, các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại, đầu tư FDI toàn cầu giảm mạnh. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cộng hưởng cùng với đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trên toàn cầu và trong nội bộ từng nền kinh tế của mỗi quốc gia, hệ thống sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị gián đoạn một cách đột ngột. Vì vậy, nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng lúc này càng trở nên vô cùng cấp thiết, nhằm phân tán rủi ro trong sản xuất và kinh doanh cho các nhà đầu tư. Đại dịch Covid-19 là bài học hữu ích để các doanh nghiệp có những phương án dự phòng, tránh việc “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, dẫn đến việc gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay đang tiến hành dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư mà các quốc gia này lựa chọn. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang có diễn biến rất phức tạp. Chính phủ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện biện pháp chống dịch giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, nhập cảnh, điều này làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động tìm hiểu địa bàn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài và tác động tiêu cực tới việc thu hút FDI vào nước ta hiện nay. Thứ ba, sự thay đổi chính sách đầu tư của các quốc gia có nền kinh tế phát triển Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid -19, đã làm cho nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới có sự thay đổi chính sách đầu tư ra nước ngoài. Mỹ nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn có “quốc tịch” Mỹ quay về đầu tư tại chính quốc gia mình. Chính phủ Mỹ cũng ban hành những chính sách ưu đãi hấp dẫn như giảm thuế cho các doanh nghiệp và cải cách thủ tục đầu tư. Trung Quốc trong những năm gần đây cũng có sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách đầu tư. Số vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc ngày càng lớn và tăng tốc mạnh mẽ vào các nước ASEAN nhằm tận dụng thị trường gia công xuất khẩu, tránh đánh thuế, tận dụng lao động giá rẻ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tái cơ cấu, đào thải mạnh mẽ. Việc tăng vốn đầu tư là minh chứng cho tham vọng xuất khẩu tư bản của Trung Quốc, hiện thực hóa việc chuyển rủi ro và bẫy nợ ra nước ngoài và thực hiện chiến lược “vành đai - con đường”. Mặt khác, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư ra nước ngoài ở một số ngành, lĩnh vực then chốt và ngăn chặn sự thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong nước. Nhật Bản trong những năm gần đây đã từng bước rút dần vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc do chi phí sản xuất ngày càng cao tại đây và những căng thẳng giữa hai quốc gia này về lịch sử, chủ quyền biển đảo. Sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp của mình về nước đầu tư hoặc đa dạng chuỗi cung ứng theo hướng “Nam tiến”, địa điểm đầu tư là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Như vậy, sự thay đổi chính sách đầu tư của các nền kinh tế lớn và phát triển một mặt tạo ra những cơ hội thuận lợi cho nước ta trong việc thu hút FDI từ Trung Quốc và Nhật Bản nhưng một mặt là những khó khăn trong việc thu hút đầu tư từ Mỹ và EU.
  4. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 273 2.1.2. Bối cảnh trong nước Thứ nhất, chính sách ứng phó và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam trước đại dịch Covid-19 Qua bốn lần bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam, Chính phủ đã nhất quán thực hiện chiến lược: phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để. Thực hiện nghiêm 5K trong phòng chống dịch (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người dân, xét nghiệm trên diện rộng đối với những người có mối liên hệ hoặc tiếp xúc gần với người bệnh. Từng bước thực hiện tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho người dân, mục tiêu đặt ra là sớm đạt miễn dịch cộng đồng để tập trung phát triển kinh tế. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều chính sách nhằm tăng cường sức đề kháng cho nền kinh tế, nâng cao năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, tạo tiềm lực để phục hồi nền kinh tế nhanh chóng đã được Chính phủ nêu ra. Những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp FDI được triển khai thực hiện như: Giảm giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ vốn; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; doanh nghiệp được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động Với những chính sách ứng phó linh hoạt trước đại dịch Covid-19, mô hình chống dịch của Việt Nam được đánh giá là rất hiệu quả, chi phí thấp và điều quan trọng là giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó tạo nên sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp FDI đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và ghi điểm đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định đầu tư vào nước ta. Thứ hai, sự ổn định của kinh tế vĩ mô và các Hiệp định thương mại tự do được ký kết Trong những năm qua bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam luôn ổn định và tươi sáng. Năm 2020, dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 2,91% giảm so với các năm trước đây nhưng là một trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế dương. Lạm phát của nền kinh tế trong mức dự đoán và kiểm soát với mức tăng bình quân 3,23% so với năm 2019. Ngân hàng nhà nước đã 03 lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm, lãi suất liên ngân hàng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, chỉ số VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 là 1.103,87 điểm, tăng 14,84% so với cuối năm trước (Bản tin Kinh tế vĩ mô Học viện Ngân hàng 2021, tr.1). Mặt khác, Việt Nam hiện đang rất tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa nước ta và các đối tác, dỡ bỏ các rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Điển hình là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30-06-2019 và có hiệu lực từ ngày 01-08-2020. Với những các cam kết cắt giảm thuế quan đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau theo lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU, 10 năm từ phía Việt Nam và cũng cam kết ưu đãi riêng hoặc ưu đãi tốt hơn trong các ngành dịch vụ, cam kết tự do hóa đầu tư vào một số ngành sản xuất mà Việt Nam mở cửa thị
  5. 274 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI trường riêng cho các nhà đầu tư EU Như vậy, sự ổn định của kinh tế vĩ mô và việc Việt Nam tham gia nhiều FTA đã mở ra cơ hội mới để thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI. Thứ ba, chủ trương và chính sách mới của Đảng, Nhà nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của vốn FDI đối với quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động lớn, để tạo cơ sở pháp lý thu hút nhiều hơn nữa FDI, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương, chính sách mới, như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Với mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu vốn đăng ký khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm). Từ đó, Bộ Chính trị cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp căn bản để toàn bộ hệ thống chính trị đạt mục tiêu đã đề ra. Ngày 27-04-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 50-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ (Nghị quyết số 58/NQ-CP 2020). Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ 01-01-2021), đã kế thừa và khắc phục những hạn chế của Luật Đầu tư 2014 và có nhiều điểm mới tạo động lực cho thu hút FDI vào Việt Nam, như: Giảm số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 xuống còn 227 ngành và bổ sung nhiều ngành nghề được ưu đãi đầu tư; mở rộng cơ hội cho thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Ngoài ra, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính như: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư hứa hẹn những dòng vốn đầu tư FDI vào nước ta trong tương lai ngày càng lớn hơn. Thứ tư, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay ngày càng lớn Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu với sự gia tăng của nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan như: nắng nóng kéo dài, mưa bão, ngập lụt, hạn hán, lốc xoáy, sạt lở đất, xâm nhập mặn Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và các doanh nghiệp trong nền kinh tế ở nước ta hiện nay. Biến đổi khí hậu làm cho các doanh nghiệp trong nước và FDI đều đứng trước nguy cơ: gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động do thời tiết khắc nghiệt, sụt giảm doanh thu, tăng chi phí sản xuất, thiệt hại về sơ sở vật chất, mạng lưới phân phối bị đình trệ, thiếu hụt nguồn nhân lực Tất cả những điều này tác động không nhỏ tới tâm lý, tạo rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ quan tâm, tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. 2.2. Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam những năm 2018 - 2020 Thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay có nhiều biến động, điều đó được thể hiện thông qua: tổng số vốn đầu tư; số lượng dự án; hình thức đầu tư; lĩnh vực đầu tư, đối tác đầu tư.
  6. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 275 - Tổng số vốn đầu tư Tổng số vốn FDI đăng ký Việt Nam trong những năm 2018 - 2020 đạt 102,014 tỷ USD và số vốn thực hiện là 59,460 tỷ USD chiếm 55,3% tổng số vốn đăng ký. Hình 1: Số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2018-2020 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài Trong xu thế chuyển dịch FDI ra khỏi Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, năm 2019 tổng số vốn đăng ký đạt 38,019 tỷ USD tăng 7,2% và số vốn thực hiện đạt 20,380 tỷ USD tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, năm 2020 dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tổng số vốn đăng ký đầu tư giảm 25% so và số vốn thực hiện giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng số vốn thực hiện so với tổng số vốn đăng ký đầu tư cụ thể là năm 2018 chiếm 53,8%; năm 2019 chiếm 53,6%; năm 2020 chiếm 70%. Hình 2: Biểu hiện số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 Nguồn số liệu: Cục Đầu tư nước ngoài Có thể thấy trong những năm 2018 - 2020: số vốn đăng ký cấp mới giảm dần đều qua các năm, số vốn đăng ký điều chỉnh năm 2019 giảm 23% so với năm 2018, nhưng lại tăng 10,5% trong năm 2020. Số lượng vốn góp, mua cổ phần năm 2019 tăng 56% so với năm 2018, nhưng lại giảm 51% vào năm 2020 (Hình 2).
  7. 276 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI - Số lượng dự án và hình thức đầu tư Số lượng dự án: Xu hướng đa dạng chuỗi cung ứng tránh phụ thuộc vào một thị trường trở nên cấp thiết kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, từ đó có rất nhiều nhà đầu tư nước quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Tổng số dự án trong những năm 2018 - 2020 đạt 35621 dự án/lượt dự án. Trong đó có 9452 dự án mới, có 3690 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, 22479 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần. Nhìn chung, số dự án cấp mới, dự án điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần đều tăng trong năm 2019. Nhưng dưới tác động của đại dịch Covid-19 đều giảm trong năm 2020. Số lượt dự án góp vốn, mua cổ phần là biến động lớn nhất, số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn ít có biến động. Hình 3: Số lượng dự án đầu tư tại Việt Nam trong những năm 2018 - 2020 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài Quy mô vốn trung bình trên dự án/lượt dự án của những năm 2018 - 2020 là 2,86 triệu USD. Năm 2018 dự án cấp mới là 5,9 triệu USD/dự án; dự án điều chỉnh tăng vốn là 6,5 triệu USD/lượt; góp vốn, mua cổ phần là 1,5 triệu USD/lượt. Năm 2019 dự án cấp mới là 4,3 triệu USD/dự án; dự án điều chỉnh tăng vốn là 4,2 triệu USD/lượt; góp vốn, mua cổ phần là 1,6 triệu USD/lượt. Năm 2020 dự án cấp mới là 5,8 triệu USD/dự án; dự án điều chỉnh tăng vốn là 5,6 triệu USD/lượt dự án; góp vốn, mua cổ phần là 1,2 triệu USD/lượt dự án (Hình 4). Hình 4: Quy mô vốn trung bình trên dự án/lượt dự án FDI những năm 2018 - 2020 Nguồn: Tác giả thống kê trên cơ sở số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài
  8. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 277 Về hình thức đầu tư: FDI vào Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua bốn hình thức chủ yếu: 100% vốn nước ngoài; liên doanh; hợp đồng BOT, BT, BTO; hợp đồng hợp tác kinh doanh. - Về lĩnh vực đầu tư Trong bối cảnh mới, FDI vẫn được đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ. Bảng 2: Các lĩnh vực đầu tư của FDI vào nền kinh tế Việt Nam những năm 2018 - 2019 Tổng số vốn Tổng số vốn Tổng số vốn đăng ký năm đăng ký năm đăng ký năm STT Lĩnh vực đầu tư 2018 2019 2020 (Triệu USD) (Triệu USD) (Triệu USD) 1 Công nghiệp chế biến, chế tạo 16,588.04 24,561.78 13,601.09 2 Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa 1,627.68 1,010.10 5,142.57 3 Hoạt động kinh doanh bất động sản 6,615.32 3,876.03 4,184.95 4 Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy 3,672.91 2,588.10 1,645.64 5 Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ 2,147.41 1,566.58 1,346.56 6 Vận tải kho bãi 405.53 346.06 611.92 7 Xây dựng 1,183.07 979.03 559.85 8 Dịch vụ lưu trú và ăn uống 578.53 488.89 341.47 9 Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 81.84 1,171.86 286.84 10 Thông tin và truyền thông 560.87 536.60 271.29 11 Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 140.85 99.32 210.63 12 Giáo dục và đào tạo 90.72 64.63 108.34 13 Cấp nước và xử lý chất thải 259.21 249.27 88.01 14 Hoạt động dịch vụ khác 7.77 47.07 43.78 15 Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 213.97 123.60 40.39 16 Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 132.81 211.45 32.56 17 Khai khoáng 25.40 35.59 6.37 18 Nghệ thuật, vui chơi và giải trí 1,133.64 62.74 5.16 19 Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình 0 0.43 2.70 Tổng 35,465.56 38,019.11 28,530.10 Nguồn số liệu: Cục Đầu tư nước ngoài - Về đối tác đầu tư Trong bối cảnh mới, có rất nhiều các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó tiêu biểu dẫn đầu bảng xếp hạng đầu tư là các quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Singarpore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan Trong xu thế phân tán FDI ra khỏi Trung Quốc và sự điều chỉnh chính sách đầu tư của các nền kinh tế lớn, năm 2019 Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan là những quốc gia và vùng lãnh thổ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài sang nước ta
  9. 278 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018 (Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2019 2019). Năm 2020, dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, chỉ có Singarpore, Thái Lan, Đài Loan tăng vốn đầu tư còn lại hầu hết các nước đều giảm quy mô vốn đầu vào nước ta. Trong khi đó, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ có số vốn đầu tư vào nước ta giảm dần trong những năm 2018 - 2020. Mặt khác, xét theo khu vực địa lý: khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á có số vốn đầu tư FDI vào Việt Nam lớn nhất. Trong khi Châu Đại Dương, Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Trung Á có số vốn đầu tư tương đối thấp. Hình 5: FDI phân theo đối tác đầu tư tại Việt Nam những năm 2018 - 2020 Nguồn số liệu: Cục Đầu tư nước ngoài Hình 6: Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 phân theo khu vực địa lý Nguồn: Tác giả tự thống kê trên cơ sở số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài năm 2020
  10. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 279 2.3. Một số nhận xét về tình hình thu hút FDI vào Việt Nam những năm 2018 - 2020 - Tổng số vốn đầu tư Trước những cơ hội do bối cảnh quốc tế đem lại, kết quả thu hút FDI của Việt Nam trong những năm 2018 - 2020 được đánh giá là khá thành công. Trong 32 năm thu hút vốn FDI tại Việt Nam (1988 - 2020), năm 2019 là năm thu hút FDI lớn thứ 2 sau năm 2008 (64 tỷ USD). Để đạt kết quả này, nguyên nhân là do tác động của xu hướng dịch chuyển vốn FDI ra khỏi Trung Quốc sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Làn sóng đầu tư của Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông) vào Việt Nam đều tăng mạnh, nhằm tránh những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, năm 2019, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2018 (Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2019 2019). Riêng năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 28,530 tỷ USD. Mặc dù, giảm so với những năm 2017 - 2019, nhưng con số này lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn 2010 - 2016. Thông qua tổng số vốn đăng ký đầu tư ngày càng lớn vào nước ta, cho thấy sự kỳ vọng, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và cũng thể hiện mức độ hấp dẫn của chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam. Số vốn thực hiện của FDI vào Việt Nam liên tục tăng trong những năm 2018 - 2020. Số vốn thực hiện tăng thể hiện hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư, cơ chế quản lý nhà nước, hiệu lực thực thi của các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, tỷ trọng số vốn thực hiện so với tổng số vốn đăng ký trong những năm 2018 - 2020 chỉ ở mức trung bình, duy nhất năm 2020 có tỷ trọng số vốn thực hiện chiếm 70% so với tổng số đăng ký. Hình 7: Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Số lượng dự án và hình thức đầu tư Trong xu thế dịch chuyển FDI ra khỏi Trung Quốc để đa dạng chuỗi cung ứng và những đổi mới của Việt Nam trong chính sách thu hút FDI trong những năm qua dẫn tới số lượng dự án FDI vào Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, quy mô các dự án chủ yếu vừa và nhỏ. Quy mô dự án nhỏ thường đi kèm với công nghệ lạc hậu. Các doanh nghiệp FDI nhỏ chủ yếu là doanh nghiệp vệ tinh, chuyên cung ứng nguyên liệu cho tập đoàn lớn ở nước ngoài, điều này sẽ cản trở doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, số lượng dự án đầu tư vào nước ta nhiều nhưng chủ yếu đến từ Hàn Quốc (10687 dự án), Trung Quốc (5541
  11. 280 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI dự án), Nhật Bản (3607 dự án), Đài Loan (2327 dự án), số dự án của Mỹ, EU là khá khiêm tốn so với các đối tác đầu tư khác. Về hình thức đầu tư của các dự án FDI cơ bản vẫn là hình thức 100% vốn nước ngoài. Nhưng xu hướng đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp (M&A) tăng mạnh so với trước đây. Bằng cách mở rộng liên doanh, cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp thu công nghệ cao, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý thông qua đầu tư, sản xuất - kinh doanh trực tiếp với chi phí thấp hơn so với các hình thức đầu tư khác. - Về lĩnh vực đầu tư Trong bối cảnh mới hiện nay, FDI đầu tư vào Việt Nam phân bố không đồng đều giữa các ngành nghề, trong đó tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nguyên nhân là do nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng nhân công giá rẻ tại Việt Nam và tăng cường thị trường nội địa. Tuy nhiên, những lĩnh vực mà Việt Nam đặc biệt ưu đãi đầu tư như: công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng; văn hoá, xã hội, thể thao, y tế số vốn đầu tư còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng (Bảng 2). Ngoài ra, một số lĩnh vực đang có xu hướng giảm dần vốn đầu tư như: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; cấp nước và xử lý chất thải; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Còn lại là các lĩnh vực có số vốn đầu tư tăng trưởng thiếu ổn định. - Về đối tác đầu tư Trong xu hướng phân tán FDI ra khỏi Trung Quốc sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, nhưng FDI đầu tư vào nước ta chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đây là những đối tác đầu tư truyền thống, có quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc và Đài Loan đang có xu hướng đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, trong khi Nhật Bản lại có xu hướng chững lại. Mặc dù kỳ vọng rất lớn nhưng FDI của Mỹ và EU vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu tổng số vốn đăng ký đầu tư và đang có xu hướng giảm. Mặc dù, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA, đặc biệt là Hiệp định thương thương mại tự do Việt Nam - EU, nhưng thực tế cho thấy mức độ lan toả của FTA nói chung và EVFTA nói riêng trong việc thu hút FDI vào Việt Nam là chưa cao. Số vốn đầu tư của Mỹ, EU còn khiêm tốn và có xu hướng giảm hiện nay là do Mỹ và EU có sự thay đổi chính sách đầu tư nước ngoài từ sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Mặt khác, là sự khác biệt về thể chế là rào cản lớn tác động không nhỏ tới việc thu hút FDI của Mỹ và EU vào Việt Nam. 2.4. Một số kiến nghị để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay Trong bối cảnh mới hiện nay, cơ hội và thách thức trong thu hút FDI là rất lớn. Vì vậy, để tận dụng tốt cơ hội và hạn chế những thách thức, Việt Nam cần phải thực hiện triệt để những giải pháp sau: Thứ nhất: Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang bùng phát tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều biến chủng mới. Dịch bệnh Covid-19 vẫn là thách thức lớn đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, trước mắt nước ta cần tích cực kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19,
  12. INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS: GLOBAL FDI AND RESPONSES OF FDI ENTERPRISES IN VIETNAM IN THE NEW CONTEXT 281 duy trì trạng thái vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất, hỗ trợ kịp thời và đồng hành cùng các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ quyết định đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai: Trước làn sóng chuyển dịch vốn FDI ra khỏi Trung Quốc, để tránh nước ta trở thành nơi đầu tư của các dự án FDI có quy mô vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động Trong thời gian tới Việt Nam cần tích cực xây dựng hệ tiêu chuẩn quốc gia về thu hút FDI như: quy mô vốn; lĩnh vực đầu tư có thuộc nhóm ưu tiên thu hút hay không; mức độ sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết lan toả và tham gia các chuỗi giá trị; mức độ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Thứ ba: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong thu hút vốn FDI, Việt Nam cần phải xây dựng một hệ sinh thái thu hút đầu tư hấp dẫn, nhiều chính sách và tầng mức ưu đãi cho nhiều đối tác đầu tư, tránh kiểu “ưu đãi cào bằng”. Ưu tiên các nhà đầu truyền thống, quy mô vốn lớn vào Việt Nam; dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, cam kết chuyển giao công nghệ, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thứ tư: Mỹ và EU là nơi tập trung nhiều các công ty xuyên quốc gia có thế mạnh về tài chính và công nghệ hiện đại, mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh tốt. Tuy nhiên, thu hút FDI của Mỹ và EU vào Việt Nam còn khá khiêm tốn là do sự không tương thích về thể chế và chính sách giữa hai bên. Vì vậy, Chính phủ cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách trong đó tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, minh bạch, hạn chế thay đổi, sửa đổi luật và phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhất quán trong chính sách đầu tư và cần phải xây dựng chính sách ưu đãi “đơn nhất và đặc biệt” đối với Mỹ và EU nếu như các dự án đầu tư phù hợp với các tiêu chí của Việt Nam, đảm bảo đảm bảo phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với an ninh, quốc phòng. 3. KẾT LUẬN Tóm lại, bài viết đã phân tích những biến động của tình hình thế giới và sự thay đổi của tình hình trong nước trong những năm 2018 - 2020, qua đó thấy được những cơ hội và thách thức của việc thu hút FDI vào Việt Nam. Trên cơ sở đó, làm rõ thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta. Kết quả nghiên cứu cho thấy từ 2018 đến 2020, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút FDI với tổng số vốn đăng ký rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức như: FDI có xu hướng giảm; sự thay đổi chính sách đầu tư của các quốc gia có nền kinh tế phát triển và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, một số vấn đề về cơ sở hạ tầng, chính sách pháp luật, môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, là những lý do mà một số đối tác chưa lựa chọn Việt Nam để đầu tư. Vì vậy, muốn tận dụng tốt cơ hội đòi hỏi Việt Nam cần thiết phải thay đổi và thích ứng, để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018.2018. xem 20.06.2021,
  13. 282 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ FDI TOÀN CẦU VÀ ỨNG BIẾN CỦA DOANH NGHIỆP FDI TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI 2. Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2019.2019. xem 20.06.2021, 3. Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020.2020. xem 19.06.2021, 4. Học Viện Ngân hàng.2021. Bản tin kinh tế vĩ mô năm 2020, xem 18.06.2021 5. Ninh,Thị Hoàng Lan. 2021. Xu hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau đại dịch Covid-19 và một số đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Công thương, số phát hành 6 tháng 03 năm 2021, xem 25.06.2021 6. Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.2019. xem 25.06.2021, dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-50-nqtw-ngay-2082019-cua-bo- chinh-tri-ve-dinh-huong-hoan-thien-the-che-chinh-sach-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-5629 7. Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ : Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. 2019. xem 20.06.2016, 8. Quốc hội.2020. Luật Đầu tư. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.