Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non

pdf 9 trang Gia Huy 2620
Bạn đang xem tài liệu "Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthuc_trang_to_chuc_hoat_dong_tro_choi_am_nhac_cho_tre_mau_gi.pdf

Nội dung text: Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE Educational Sciences, 2021, Volume 66, Issue 4C, pp. 177-185 This paper is available online at THỰC TRẠNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRÒ CHƠI ÂM NHẠC CHO TRẺ MẪU GIÁO Ở TRƯỜNG MẦM NON Lê Thu Trang Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trong giáo dục âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non, trò chơi âm nhạc (TCAN) là một trong những hoạt động hấp dẫn, được trẻ mầm non rất yêu thích. TCAN không những giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu được chơi, được ca hát, vận động mà nó còn là phương tiện góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ. Bài viết khảo sát thực trạng việc tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ ở một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội để thấy được những thuận lợi, khó khăn của giáo viên. Từ đó đưa ra một số đề xuất giúp giáo viên mầm non dạy tốt hoạt động trò chơi âm nhạc để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Từ khóa: trò chơi âm nhạc, giáo dục âm nhạc, trẻ mầm non, giáo viên mầm non. 1. Mở đầu Hoạt động giáo dục âm nhạc (GDAN) cho trẻ ở trường mầm non (MN) với mục tiêu là giáo dục tình cảm đạo đức, thẩm mĩ, hình thành cho trẻ tình yêu thương với thiên nhiên, đất nước, với con người đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát huy năng khiếu, góp phần phát triển trí tuệ và thể chất. Trong hoạt động học của trẻ ở trường MN, quá trình trẻ được tiếp xúc và học hỏi thông qua các hoạt động GDAN như hát, nghe, vận động theo nhạc và TCAN sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về mọi mặt. TCAN là một trong số những hoạt động GDAN ở trường MN được trẻ yêu thích hơn cả bởi ở hoạt động này trẻ sẽ không phải ngồi một chỗ lâu, được vận động, được thả sức bộc lộ cảm xúc của mình. Đó chính là đặc điểm nổi bật của trẻ MN. Có nhiều công trình cũng như tài liệu nghiên cứu về TCAN cho trẻ ở lứa tuổi mầm non đã cho thấy được sự quan tâm và thấu hiểu của các tác giả đối với trẻ. Tác giả Lê Thu Hương trong cuốn Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo các chủ đề đã đầu tư rất nhiều trong việc sưu tầm và tuyển chọn được những trò chơi, những bài hát, những câu đố, phù hợp với từng độ tuổi khác nhau của trẻ để làm tư liệu cho giáo viên mầm non (GVMN) có thêm được nhiều nội dung phục vụ cho việc giảng dạy của mình [1]. Tác giả Lý Thu Hiền đã phân tích các TCAN trong cuốn Trò chơi âm nhạc cho trẻ từ 2 đến 6 tuổi theo hướng tích hợp chủ đề để nhằm giúp GVMN hiểu rõ và biết cách tổ chức các hoạt động TCAN cho trẻ MN[2]. Tác giả Phạm Thị Hoà trong giáo trình Giáo dục âm nhạc, tập 2 đã phân tích, trình bày rất cụ thể về TCAN, hướng dẫn trẻ chơi TCAN như thế nào [3]. Thực tế hiện nay ở trường MN, TCAN còn chưa đa dạng và phong phú, các TCAN thường được tổ chức lặp đi lặp lại. Hầu hết các trò chơi khi cô mới chỉ xướng tên thì trẻ đã nắm được cách chơi cũng như luật chơi như thế nào. Khi tham gia, mặc dù đó là TCAN cũ được chơi rất nhiều nhưng trẻ đều khá thích thú. Tuy nhiên, lâu dài việc tổ chức lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy sẽ ảnh Ngày nhận bài: 2/9/2021. Ngày sửa bài: 29/9/2021. Ngày nhận đăng: 10/10/2021. Tác giả liên hệ: Lê Thu Trang. Địa chỉ e-mail: lantuong20@gmail.com 177
  2. Lê Thu Trang hưởng nhiều tới chất lượng cũng như sự hứng thú của trẻ với TCAN nói riêng và GDAN nói chung. Vì vậy, trong bài viết này tôi muốn làm rõ hơn về thực trạng việc tổ chức hoạt động TCAN cho trẻ ở trường MN để từ đó có những đề xuất nhằm giúp GV dạy tốt hoạt động TCAN. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái niệm Trò chơi âm nhạc 2.1.1. Trò chơi Tác giả Bùi Đức Thịnh và Hoàng Phê trong cuốn Từ điển Tiếng Việt (2006, 2013) cho rằng: “Trò chơi là một hoạt động vui chơi, giải trí” như: trò chơi dân gian, trò chơi âm nhạc, trò chơi vận động, [4-5] Tác giả Hoàng Phê (2016) nhận định: “Trò chơi là hoạt động bày ra để vui chơi, giải trí” như: Ngày hội có nhiều trò chơi, Coi việc đó như một trò chơi [6]. Tác giả Nguyễn Ánh Tuyết trong cuốn Trò chơi trẻ em thì cho rằng: chơi là một hoạt động vô tư, người chơi không chủ tâm nhằm vào lợi ích thiết thực nào cả, trong khi chơi các yếu tố quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội được mô phỏng lại, nó mang đến cho con người trạng thái tinh thần vui vẻ, phấn chấn, dễ chịu [7]. Như vậy, trò chơi là những hoạt động thường dùng để giải trí giúp con người thư giãn và có được trạng thái vui vẻ, thoải mái sau những lúc mệt mỏi, căng thẳng. Bên cạnh đó, trò chơi còn là hoạt động có tính quy tắc, có luật chơi và có tính ganh đua. 2.1.2. Trò chơi âm nhạc Nhận định về trò chơi âm nhạc, tác giả Ngô Thị Nam trong cuốn Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc cho rằng: “Trò chơi âm nhạc là dạng hoạt động âm nhạc tương đối tổng hợp, có sử dụng tất cả các dạng hoạt động âm nhạc khác như: ca hát, vận động theo nhạc, nhảy múa, nghe nhạc, dưới những hình thức hấp dẫn, vừa sức và được trẻ yêu thích” [8]. Tác giả Phạm Thị Hoà trong cuốn Giáo dục âm nhạc, tập 2 cho rằng: “Trò chơi âm nhạc được coi là hình thức hoạt động tích cực. Trò chơi âm nhạc là hoạt động âm nhạc tổng hợp có sử dụng các dạng hoạt động âm nhạc khác dưới hình thức hấp dẫn vừa sức và được trẻ ưa thích” [3]. Như vậy, TCAN là trò chơi có luật do người lớn nghĩ ra đảm bảo vừa thỏa mãn nhu cầu chơi của trẻ vừa giúp trẻ củng cố các kiến thức, kĩ năng về AN và trên hết là giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, thoải mái. 2.2. Hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non 2.2.1. Vai trò, ý nghĩa của trò chơi âm nhạc đối với trẻ mầm non Hoạt động vui chơi có vai trò quan trọng đối với lứa tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này, trẻ rất hiếu động và ham thích vận động vì vậy, TCAN là một trong những hoạt động GDAN được nhiều trẻ yêu thích. Không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng âm nhạc mà các TCAN được tổ chức tập thể còn giúp trẻ hoà đồng hơn với các bạn, nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp trẻ phát triển sự tưởng tượng và sáng tạo. Bên cạnh đó, còn giúp trẻ được vận động một cách thoải mái, bộc lộ những cảm xúc của mình và là một cách thư giãn cho trẻ sau mỗi tiết học. TCAN thỏa mãn nhu cầu được chơi, được ca hát, vận động của trẻ, là phương tiện góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ. Thông qua các bài hát được lựa chọn, trẻ sẽ được giáo dục về cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, giáo dục trẻ về tình đoàn kết, giúp trẻ có được những kĩ năng làm việc nhóm, hoà đồng để sau đó hiểu được những quy tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Những lời ca, những giai điệu trầm bổng trong bài hát cùng với sự hỗ trợ của GV sẽ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng và nói lên được những cảm xúc, mơ ước của mình. 178
  3. Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non TCAN giúp trẻ phát triển về trí tuệ, khi chơi trẻ phải tập trung để thực hiện theo những yêu cầu và hiệu lệnh của GV, trẻ phải ghi nhớ cũng như phải thực hiện những yêu cầu đòi hỏi phải tư duy, sáng tạo; giúp trẻ phát triển về thể chất hiệu quả bởi trẻ được hoà mình vào cuộc chơi, được vận động sáng tạo, được rèn luyện phản xạ nhanh và chính xác hơn. Không những vậy, TCAN còn là một trong những hoạt động quan trọng trong việc luyện tai nghe AN để từ đó trẻ cảm thụ AN được tốt hơn. Bài viết Một số vấn đề cảm thụ âm nhạc của trẻ của tác giả Nguyễn Anh Việt đã cho thấy TCAN là một trong những hoạt động hiệu quả mà GVMN nên lựa chọn để dạy cảm thụ AN cho trẻ [9]. 2.2.2. Tổ chức trò chơi âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non 2.2.2.1. Các dạng trò chơi âm nhạc được tổ chức ở trường mầm non Trò chơi với hát, vận động: với loại trò chơi này, trẻ vừa hát vừa diễn vai các nhân vật như làm chú bộ đội, bác đưa thư, Trong quá trình hát trẻ được phân nhóm hát đuổi theo câu nhạc, hát đối đáp. Trò chơi rèn luyện thuộc tính âm nhạc: dựa vào âm sắc, cao độ, cường độ, thiết kế các trò chơi khác nhau như nghe tiếng hát tìm đồ vật, ai hát, sẽ giúp trẻ nhận biết các phương tiện diễn tả cơ bản của âm nhạc. Trò chơi rèn luyện trí nhớ âm nhạc: trẻ nhắc lại giai điệu khi nghe giáo viên đàn, nhìn tranh đoán tên bài hát, 2.2.2.2. Các đồ dùng, phương tiện được sử dụng để tổ chức trò chơi âm nhạc Đồ dùng không có âm thanh: đây là loại đồ chơi mô phỏng theo hình dáng của các nhạc cụ, được cắt dán lên bìa cứng hoặc vẽ trên xốp như: đàn Guitar, Mangdolin Tuy chỉ là đồ chơi mô phỏng, không có âm thanh phát ra nhưng hình dáng giống như nhạc cụ thật nên rất hấp dẫn đối với trẻ. Trong khi chơi, trẻ thường tưởng tượng và đóng vai là giáo viên âm nhạc, là nhạc công đệm đàn, là nhạc sĩ sáng tác để biểu diễn với những loại nhạc cụ này. Đồ dùng có âm thanh: là những nhạc cụ và dụng cụ âm nhạc có cấu trúc đơn giản, phong phú về hình dáng, màu sắc và kích thước. Các loại nhạc cụ này phổ biến như: Kèn Hamonica, Sáo dọc, Sáo ngang, Piano nhựa, Accordion nhỏ, Trống, Mõ, Xúc xắc các loại. Ngoài ra, khi xây dựng TCAN còn phải lưu ý tới vấn đề sử dụng thêm các đồ dùng và phương tiện trực quan khác như: cờ, hoa, mũ múa, trang phục và đạo cụ biểu diễn hoặc sử dụng hiệu ứng của các phần mềm âm nhạc nhằm tạo một không khí vui tươi, hào hứng, tâm thế sẵn sàng thể hiện khả năng âm nhạc trong trò chơi, điều đó làm tăng hiệu quả giáo dục của TCAN đối với trẻ. 2.2.2.2. Phương pháp và cách tiến hành dạy trẻ chơi trò chơi âm nhạc * Phương pháp dạy trẻ chơi TCAN Đối với các trò chơi với hát, vận động thường được tổ chức trong quá trình học hát, nghe, vận động theo nhạc với mục đích để trẻ cảm nhận tốt hơn và hào hứng hơn trong quá trình học. Tuỳ vào nội dung của từng hoạt động cụ thể như học thuộc bài hát, bài vận động theo nhạc hay nội dung nghe, GV có thể tổ chức trò chơi sao cho phù hợp. Khi tổ chức cho trẻ chơi, GV cần hướng dẫn cụ thể cách chơi và nội dung chơi để định hướng cho trẻ. Cách chơi có thể được sử dụng cho nhiều bài hát khác nhau nhưng không cần tạo ra tính thuần thục. Loại trò chơi này thường diễn ra ngắn và mang tính chất bổ trợ. Đối với các TCAN có cấu trúc riêng, đây là trò chơi được tổ chức dưới hình thức một nội dung trong hoạt động học. Với loại trò chơi này sẽ có những mục tiêu rõ ràng và cụ thể hơn nhằm rèn luyện cho trẻ về thuộc tính AN và trí nhớ AN. Do đó, cần phải thiết kế và thể hiện đầy đủ trong giáo án từ mục đích, chuẩn bị, tên trò chơi, cách chơi và luật chơi. * Cách tiến hành dạy trẻ TCAN GV hướng dẫn trẻ chơi theo các bước sau: 179
  4. Lê Thu Trang + Bước 1: Nêu tên trò chơi. + Bước 2: Giải thích cách chơi, luật chơi. + Bước 3: Hướng dẫn và chơi cùng với trẻ. Trong quá trình chơi, cần khuyến khích, động viên mọi trẻ cùng tham gia trò chơi. Với những TCAN mới, sau khi hướng dẫn cách chơi và luật chơi, GV chơi cùng để hướng dẫn trẻ. Với những TCAN trẻ đã biết, GV nên nâng cao độ khó của trò chơi để tạo sự hứng thú hơn cho trẻ. 2.3. Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non 2.3.1. Vài nét về thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non * Mục đích khảo sát: Bước đầu tìm hiểu về thực trạng tổ chức TCAN cho trẻ ở một số trường MN trên địa bàn Hà Nội để từ đó có những giải pháp giúp GV tổ chức TCAN tạo được hứng thú cho trẻ. * Các phương pháp khảo sát: khảo sát bằng phiếu Anket; Phương pháp trao đổi, đàm thoại; Phương pháp thống kê số liệu. * Đối tượng khảo sát: 112 GV đang dạy trẻ ở một số trường MN trên địa bàn HN như: MN Mai Dịch, MN Hoa Hồng, MN thực hành Linh Đàm, 2.3.2. Kết quả khảo sát thực trạng • Đôi nét về đối tượng điều tra Trong 112 GV tiến hành làm phiếu điều tra, hầu hết các GV đều có thâm niên công tác nhiều năm và có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo yêu cầu của bậc học GDMN. Về thâm niên công tác, các GV giảng dạy trên 10 năm chiếm 30% với số lượng 34 GV, chủ yếu là các GV có thâm niên giảng dạy từ 5 – 10 năm chiếm 45% với số lượng 51 GV, còn lại là GV công tác dưới 5 năm là 25%. Về trình độ học vấn, hầu hết các GV đều có trình độ chuyên môn về MN, trong đó có 68 GV chiếm 60% có trình độ đại học, 40% còn lại là GV có trình độ cao đẳng và trung cấp. • Kết quả khảo sát trên giáo viên Qua việc khảo sát thực trạng bằng phiếu trưng cầu ý kiến GV đã nhận được kết quả điều tra như sau: 100% GV nhận thấy được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tổ chức TCAN cho trẻ mầm non trong hoạt động GDAN; Hầu hết GV đều nhận thức được đúng về vai trò quan trọng của TCAN đối với trẻ mầm non. Bảng 1. Ý kiến của giáo viên về vai trò của TCAN STT Nội dung ý kiến SL Tỉ lệ % 1 Trẻ được ôn lại các bài hát, giai điệu mình đã học trên lớp thông 12 10,5 qua các trò chơi 2 Rèn luyện phản xạ nhanh nhạy của trẻ với âm nhạc 15 13,2 3 Giúp trẻ tập trung chú ý trong việc ghi nhớ và nhận ra giai điệu, 12 10,5 lời ca của tác phẩm 4 Trẻ thể hiện sự tự tin, hứng thú, cảm xúc của mình về bài hát 11 9,7 thông qua trò chơi 5 Tất cả các ý kiến trên 64 56,0 Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết các GVMN đều đã có nhận thức đúng về vai trò của TCAN đối với sự phát triển của trẻ. Phần lớn GV cho rằng khi chơi TCAN trẻ sẽ có được nhiều lợi ích như ôn lại các bài hát đã học, qua TCAN giúp rèn luyện phản xạ nhanh nhạy, giúp trẻ tập trung chú ý trong việc ghi nhớ và nhận ra giai điệu, lời ca của tác phẩm, giúp thể hiện hứng thú, cảm xúc của mình về bài hát. 180
  5. Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non - Kết quả nhận thức của GVMN về khái niệm TCAN được thống kê ở bảng dưới đây: Bảng 2. Ý kiến của giáo viên về khái niệm TCAN STT Khái niệm TCAN SL Tỉ lệ % 1 Là trò chơi gắn liền với mục đích dạy học 4 3,5 Là trò chơi giúp trẻ làm quen, ôn luyện các bài hát, giai điệu một 2 5 4,4 cách nhẹ nhàng, thoải mái 3 Là trò chơi có luật do người lớn nghĩa ra 5 4,4 Là hoạt động tổng hợp sử dụng tất cả các hoạt động GDAN khác 4 như: ca hát, vận động theo nhạc, nghe nhạc, nhảy múa, dưới 8 7,0 những hình thức hấp dẫn, vừa sức 5 Tất cả các ý kiến trên 92 80,7 Hầu hết GV nắm được khái niệm của TCAN với 92 GV chiếm 80,7%, chỉ còn một số ít GV lựa chọn các nội dung khác chiếm 19,3 %. Như vậy, phần lớn GV đã hiểu được khái niệm TCAN và điều này sẽ giúp GV có được cách nhìn nhận đúng cũng như thuận lợi trong việc thiết kế và tổ chức TCAN cho trẻ của lớp mình phụ trách. - Kết quả về mức độ tổ chức các dạng TCAN cho trẻ ở trường MN: Bảng 3. Thực trạng về mức độ tổ chức các dạng TCAN cho trẻ ở trường MN STT Mức độ tổ chức Các dạng TCAN Thường xuyên Thỉnh thoảng Không sử dụng SL % SL % SL % 1 Trò chơi dựa vào nội dung và 29 25,4 73 64,0 12 10,5 cấu trúc AN 2 Trò chơi rèn luyện trí nhớ AN 106 93,0 8 7,0 0 0 3 Trò chơi rèn luyện thuộc tính 63 55,3 51 44,7 0 0 AN Bảng 3 cho thấy các dạng TCAN đều được GV tổ chức cho trẻ chơi với các mức độ chơi khác nhau. Về mức độ thường xuyên, nhìn vào bảng số liệu cho thấy trò chơi rèn luyện trí nhớ AN được các cô lựa chọn nhiều nhất, tiếp đến là dạng trò chơi rèn luyện thuộc tính AN và cuối cùng là dạng trò chơi dựa vào nội dung và cấu trúc AN. Ở mức độ thỉnh thoảng sử dụng và không sử dụng, bảng số liệu cho thấy dạng trò chơi dựa vào nội dung và cấu trúc AN chủ yếu ở nội dung này, lí do là vì dạng trò chơi này phù hợp hơn khi tổ chức trong quá trình trẻ học hát, nghe và vận động theo nhạc. - Kết quả khảo sát về mức độ hứng thú của trẻ khi tham gia vào các dạng TCAN: Bảng 4. Mức độ hứng thú của trẻ khi tham gia TCAN STT Mức độ hứng thú Các dạng TCAN Thường xuyên Thỉnh thoảng Không sử dụng SL % SL % SL % 1 Trò chơi dựa vào nội dung và 44 38,6 63 55,3 7 6,1 cấu trúc AN 2 Trò chơi rèn luyện trí nhớ AN 78 68,4 33 29,0 3 2,6 3 Trò chơi rèn luyện thuộc tính 49 43,0 59 51,8 6 5,2 AN 181
  6. Lê Thu Trang Bảng số liệu cho thấy mức độ hứng thú và rất hứng thú của trẻ đối với hoạt động TCAN là rất cao vì đây là đặc điểm nổi bật của TCAN. Trẻ MN luôn luôn muốn được vui chơi, được hoạt động và TCAN đã giúp trẻ thoả mãn được sự yêu thích đó. Tuy nhiên, qua số liệu cho thấy cùng với việc trao đổi với GV để hiểu hơn về nội dung này, tôi được biết các TCAN được tổ chức ở dưới trường MN hiện nay rất cũ, thường được tổ chức đi tổ chức lại nên nhiều khi cô chỉ cần nêu tên trò chơi là trẻ đã biết phải chơi trò chơi đó như thế nào. - Kết quả điều tra về mức độ sử dụng các công cụ hỗ trợ để tổ chức TCAN cho trẻ ở trường MN: Bảng 5. Mức độ sử dụng các công cụ hỗ trợ để tổ chức TCAN STT Mức độ sử dụng Công cụ hỗ trợ Thường xuyên Thỉnh thoảng Không sử dụng SL % SL % SL % 1 Dụng cụ AN thuộc bộ gõ 77 67,5 37 32,5 0 0 (phách tre, trống, sắc xô, ) 2 Nhạc cụ: đàn phím, guitar, 11 9,6 71 62,3 32 28,1 3 Đạo cụ (mô hình, nơ đeo 90 79,0 24 21,0 0 0 tay, ) 4 Thiết bị CNTT: máy tính, máy chiếu, phần mềm 82 72,0 32 28,0 0 0 powerpoint, 5 Phần mềm thiết kế trò chơi 4 3,5 12 10,5 82 72,0 Bảng số liệu cho thấy GVMN đã sử dụng khá tích cực các công cụ hỗ trợ như: các dụng cụ AN thuộc bộ gõ, các đạo cụ và thiết bị CNTT với tần suất sử dụng khá thường xuyên. Bởi đây là những công cụ mà hầu hết các trường MN đều được trang bị. Bên cạnh đó, nhạc cụ và một số phần mềm thiết kế trò chơi thì ít được sử dụng bởi những đặc thù riêng của mỗi loại. Phần lớn các GV không sử dụng phần mềm thiết kế trò chơi vì khó và không có thời gian nghiên cứu. Một số ít GV có tiếp cận với công cụ này thì chủ yếu đó là các GV trẻ mới ra trường. Với các nhạc cụ như đàn phím, guitar, ukulele, thì đòi hỏi người học phải có chút năng khiếu cũng như đầu tư thời gian, công sức để học. - Tìm hiểu về thực trạng những thuận lợi và khó khăn mà giáo viên mầm non gặp phải khi tổ chức cho trẻ mầm non chơi TCAN cho thấy: Thuận lợi lớn nhất hiện nay là GV có đủ cơ sở vật chất cũng như có không gian rộng rãi đảm bảo cho việc thiết kế và tổ chức trò chơi. Hầu hết các GV đều biết cách tổ chức hoạt động TCAN cho trẻ và trẻ đều khá hợp tác tham gia nhiệt tình vào các TCAN. Qua điều tra và trao đổi với GVMN cho thấy GVMN còn gặp những khó khăn sau: + Các dụng cụ AN thuộc bộ gõ như trống, phách tre, sắc xô, hiện nay đang có ở trường MN đã cũ và không có thêm được những dụng cụ mới. Vì đó là những dụng cụ AN trẻ đã được sử dụng rất nhiều lần nên cũng dẫn đến việc trẻ ít có hứng thú. + Các TCAN còn ít và thường được tổ chức chơi lại nhiều lần nên GV rất mong muốn có thêm được những trò chơi mới để tổ chức cho trẻ. + Khả năng sử dụng các nhạc cụ như đàn phím và CNTT của GDMN vẫn còn chưa tốt và chưa thành thạo nên trong quá trình tổ chức các hoạt động cho trẻ còn nhiểu hạn chế. 2.4. Một số đề xuất giúp giáo viên dạy tốt hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non 2.4.1. Tập huấn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên 182
  7. Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non Tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho GV trong toàn trường hoặc trong từng khối để các GV có thể trao đổi cũng như cùng nhau chia sẻ về nhiều lĩnh vực trong giảng dạy cho trẻ mầm non của lớp mình nói chung và TCAN nói riêng. Qua đó thấy được những cái hay và chưa hay để có thể tiếp thu hoặc góp ý cho nội dung đó được tốt hơn. Những nội dung nào hay, phù hợp thì có thể xem xét và đưa vào giảng dạy. Những nội dung nào còn chưa ổn thì có thể góp ý, trao đổi và nếu hiệu quả thì có thể áp dụng. Về ứng dụng CNTT vào dạy hoạt động GDAN cho trẻ ở trường MN, việc chia sẻ các cách thức tiếp cận, cách học, cách ứng dụng CNTT vào trong từng hoạt động giảng dạy là nội dung nên được thực hiện. Đối tượng GV ở các trường thường có thâm niên công tác khác nhau, có những GV có thâm niên công tác lâu năm nhưng cũng có những GV mới ra trường, là những lớp GV trẻ. Với những GV lâu năm sẽ có những kinh nghiệm quý báu trong việc giảng dạy cũng như bao quát trẻ. Tuy nhiên, với đối tượng GV này lại hạn chế trong việc ứng dụng CNTT vào dạy trẻ. Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện cho các GV được tập huấn các khóa về ứng dụng CNTT trong giảng dạy cho trẻ thì việc sinh hoạt chuyên môn để các GV trẻ có thể chia sẻ, hướng dẫn cụ thể sẽ là điều hết sức hữu ích và hiệu quả. Hiện nay nhiều trường MN được trang bị một số loại đàn, tiêu biểu trong đó là đàn organ. Tuy nhiên, việc sử dụng đàn organ vào trong giảng dạy cho trẻ là rất ít. Để có thể biết chơi được các loại nhạc cụ nói chung và đàn organ nói riêng thì bên cạnh năng khiếu thì cũng đòi hỏi người học phải đầu tư rất nhiều về mặt thời gian, công sức và tiền bạc. Chính vì vậy, một số trường mặc dù đã trang bị đàn organ nhưng lại không được sử dụng. Nếu như để có thể đàn thành thạo được các bản nhạc phục vụ cho việc giảng dạy là quá khó đối với GV thì biết cách sử dụng đàn là nội dung có thể thực hiện được. Ví dụ khi tổ chức hoạt động TCAN cho trẻ, GV có thể sử dụng những bản nhạc đã được ghi âm sẵn, có thể tăng giảm tốc độ của bản nhạc, có thể cho trẻ nghe các âm sắc khác nhau của các nhạc cụ, Và để thực hiện được những thao tác cơ bản ở trên đàn organ thì các GV có thể tổ chức các cuộc trao đổi kinh nghiệm để chia sẻ, hướng dẫn lẫn nhau. 2.4.2. Thiết kế thêm các dụng cụ âm nhạc thuộc bộ gõ mới Trong thực tế hiện nay, ở các trường MN dụng cụ AN dùng cho trẻ trong các hoạt động AN nói chung và trong TCAN nói riêng chủ yếu là các dụng cụ mua sẵn như trống, phách tre, sắc xô, và các dụng cụ này trẻ được làm quen và sử dụng nhiều vì vậy trẻ sẽ thấy chán và không còn hứng thú khi sử dụng các dụng cụ này. Vì vậy, để giờ học được hấp dẫn và tạo được hứng thú cho trẻ thì sáng tạo các dụng cụ AN mới sẽ là việc làm cần thiết. Các dụng cụ đơn giản chỉ là những vật liệu đã từng qua sử dụng hoặc là những vật liệu có sẵn trong thiên nhiên, những vật liệu xung quanh chúng ta. Ví dụ như vỏ sò, cốc, thìa bằng sắt, hay từ quả dừa khô, cô có thể tách đôi quả dừa để làm dụng cụ gõ đệm. Trên đó GV có thể trang trí thật hấp dẫn, có thể dán hình hoặc dùng sơn vẽ lên để tạo được sự hấp dẫn cho dụng cụ mới này. Khi dạy, cô giới thiệu với trẻ đây là dụng cụ gì (cô tự đặt tên), làm từ đâu và như thế nào, cách sử dụng, sau đó cô hướng dẫn và cho trẻ sử dụng dụng cụ AN đó. Tuy nhiên, để có thể sáng tạo thêm được các dụng cụ AN mới thì cũng đòi hỏi GV phải bỏ thời gian, công sức của mình để có thể tìm hiểu, thu thập và làm thử để xem các dụng cụ đó có phù hợp, có đảm bảo độ an toàn và có khả thi không khi tiến hành đưa vào giới thiệu và dạy trẻ. 2.4.3. Tổ chức một số trò chơi âm nhạc mới TCAN đang được tiến hành ở trường MN hiện nay chủ yếu sử dụng các trò chơi đã cũ như: Chiếc ghế AN; Nghe tiếng hát tìm đồ vật; Hát theo hình vẽ; Những trò chơi này mặc dù cũng đã được GV nâng cao độ khó trong khi tổ chức chơi nhằm tạo hứng thú cho trẻ tuy nhiên để chơi trong một thời gian dài thì cũng sẽ làm trẻ ít hứng thú hơn. Vì vậy việc thiết kế và tổ chức các TCAN mới là nội dung cần thiết mà các GV cần dành thời gian để nghiên cứu. * Trò chơi “Đi câu” 183
  8. Lê Thu Trang - Mục đích: Rèn luyện trí nhớ, sự tập trung chú ý, phản xạ nhanh của trẻ. - Chuẩn bị: không gian lớp học rộng rãi, thoáng mát; mũ đội đầu hình con vật: tôm, cá, cua, ếch. - Cách chơi: + Vẽ một vòng tròn khoảng 5 – 7 trẻ đứng vừa để làm ao. 2 trẻ đứng ngoài làm sẽ đóng vai là người đi câu. + Các trẻ còn lại đội mũ và đóng vai là tôm, cua, cá, ếch (các loài vật dưới nước) và làm động tác giống như các con vật mình đóng vai. GV chuẩn bị các bài hát theo các chủ đề này. Khi các bài hát được bật lên, các con vật sẽ tự do bơi lội, nhảy thoải mái trong, ngoài vòng tròn và hát bài hát đang được nghe. + Khi cô hô “Dừng lại” và gọi tên con vật cần bắt thì 2 người đi câu phải bắt nhanh con vật đó. Các con vật khi nghe hiệu lệnh dừng lại của cô thì phải lập tức nhảy lại vào ao để không bị người đi câu bắt được. - Luật chơi: Nếu con vật được GV gọi tên mà không kịp nhảy lại vào ao và bị người đi câu bắt được sẽ thua. Bạn nào bị bắt sẽ thay bạn làm người đi câu và trò chơi tiếp tục. * Trò chơi “ Hát với tôi ” - Mục đích: Rèn luyện trí nhớ âm nhạc, sự nhanh nhẹn, khéo léo, phản xạ nhanh và sự tập trung chú ý của trẻ. - Chuẩn bị: Không gian lớp học thoáng mát rộng rãi. - Cách chơi: + Chia thành từng nhóm cho trẻ chơi. + Các nhóm trẻ đứng thành vòng tròn, 1 trẻ đứng trong vòng tròn và hát bài hát GV yêu cầu. Khi trẻ ở giữa hát, cứ mỗi tiếng lại đập nhẹ vào vai của một bạn. Trẻ phải tập trung chú ý nghe hiệu lệnh của cô, khi cô hô “Dừng” thì lập tức trẻ không hát nữa và dừng ở bạn nào thì bạn đó lại tiếp tục tiến vào trong vòng tròn để tiếp tục chơi. - Luật chơi: Khi hiệu lệnh của cô yêu cầu trẻ dừng lại và trẻ khác tiếp tục chơi không hát tiếp được câu hát bỏ dở thì sẽ thua cuộc. * Trò chơi “Nắm tay nhau” - Mục đích: Phát triển tai nghe nhạc, sự chú ý và phản xạ nhanh nhạy của trẻ. - Chuẩn bị: Không gian lớp học rộng rãi, thoáng mát; các bài hát, bản nhạc có thể tăng giảm được tốc độ. - Cách chơi: + GV có thể tổ chức cho trẻ chơi theo từng nhóm. + Các nhóm trẻ nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn nhỏ. Khi nhạc bật, trẻ nắm tay nhau cùng hát, đung đưa theo bải hát, bản nhạc hoặc đi theo chiều kim đồng hồ và không được rời tay nhau. Khi nhạc dừng, trẻ phải lập tức ngồi xuống, khi nào có nhạc lại đứng lên chơi tiếp. Khi nhạc nhanh hoặc chậm thì trẻ phải vận động hoặc đi nhanh cho phù hợp với tốc độ của nhạc. - Luật chơi: Khi nhạc dừng, nếu trẻ nào ngồi xuống chậm hoặc khi ngồi xuống không còn nắm tay nhau nữa thì bạn đó sẽ thua. 3. Kết luận Trẻ mầm non học tập thông qua chơi vì vậy hoạt động vui chơi đóng vai trò hết sức quan trọng. Trẻ luôn muốn được chạy nhảy, vui chơi và TCAN là một trong những hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn và có thể đáp ứng được mong muốn đó của trẻ. Để trẻ có thể tham gia hưởng ứng một cách nhiệt tình, hứng thú trong hoạt động TCAN thì GVMN cần phải đầu tư thời gian và công sức để có thể thay đổi, sáng tạo những trò chơi mới, cách dạy mới và ứng dụng những cái mới vào giảng dạy cho trẻ. Có như vậy thì hoạt động GDAN nói chung và TCAN nói riêng sẽ thêm phần hiệu quả và thành công. 184
  9. Thực trạng tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Thu Hương, 2010. Tuyển chọn Trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo chủ đề, theo các độ tuổi. Nxb Giáo dục Việt Nam. [2] Lý Thu Hiền, 2007. Trò chơi âm nhạc cho trẻ mầm non từ 2 đến 6 tuổi theo hướng tích hợp chủ đề. Nxb Giáo dục Hà Nội. [3] Phạm Thị Hòa, 2013. Giáo dục âm nhạc, tập 2. Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội. [4] Bùi Đức Thịnh, 2006. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. [5] Nguyễn Tôn Nhan, Phú Văn Hẳn, 2013. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội. [6] Hoàng Phê, 2016. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Hồng Đức. [7] Nguyễn Ánh Tuyết, 2000. Trò chơi trẻ em. Nxb Phụ nữ Hà Nội. [8] Ngô Thị Nam, Trần Minh Trí, Trần Nguyên Hoàn, 1996. Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Tập 1, 2. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [9] Nguyễn Anh Việt, 2017. Một số vấn đề cảm thụ âm nhạc của trẻ. Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 12, tr 67-70; 96. ABSTRACT The status of organization of music game activities for preschoolers Le Thu Trang Falculty of Early Childhood Education, Hanoi National University of Education Music games are one of the attractive activities that preschooles love very much. It’s help children satisfy their needs to play, sing and move and is a means of contributing to the comprehensive development of personality for them. The article examines the reality of organizing music games for children in some preschools in Hanoi to see the advantages and disadvantages of teachers. From there, some suggestions are given to help preschool teachers teach music games well to meet the current educational innovation requirements. Keywords: music game, music education, preschoolers, preschool teachers. 185