Thực trạng trẻ béo phì, nguyên nhân và biện pháp

pdf 4 trang Gia Huy 21/05/2022 2360
Bạn đang xem tài liệu "Thực trạng trẻ béo phì, nguyên nhân và biện pháp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthuc_trang_tre_beo_phi_nguyen_nhan_va_bien_phap.pdf

Nội dung text: Thực trạng trẻ béo phì, nguyên nhân và biện pháp

  1. THỰC TRẠNG TRẺ BÉO PHÌ, NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP ThS.BS. Đặng Thị Thu Hà Khoa Giáo dục Mầm non - Trường CĐSP Trung ương Tóm tắt Béo phì được biết đến như là sức khỏe cộng đồng quan trọng ở nhiều nước. Ở Việt Nam, bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em cũng có xu hướng gia tăng. Đây là gánh nặng kép của dinh dưỡng cộng đồng, vậy làm thế nào giúp trẻ có được hành lang an toàn của hai bờ vực thẳm, một bên là thừa cân béo phì, một bên là suy dinh dưỡng, muốn giải quyết được vấn đề này chúng ta phải có cái nhìn tổng thể từ thực trạng để đưa ra các biện pháp phù hợp giúp làm bớt tỷ lệ mắc bệnh béo phì ở trẻ em hiện nay. Từ khoá: Béo phì, dinh dưỡng, tỉ lệ mắc bệnh Đặt vấn đề Trước năm 1995, các cuộc điều tra dịch tễ học cho biết: ở nước ta chưa thấy xuất hiện vấn đề thừa cân béo phì liên quan đến sức khỏe, bệnh mạn tính và dinh dưỡng cộng đồng. Tỷ lệ thừa cân béo phì gần như không có. Từ năm 2000 đến nay, đã có liên tục các thông báo về tình hình thừa cân béo phì phổ biến trên diện rộng ở nhiều loại đối tượng. Nếu như năm 2000 tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tại Việt Nam chỉ là 0,62% thì 10 năm sau con số này đã là 5,6% (tương đương khoảng 400.000 trẻ). Tỷ lệ này tại Đà Nẵng là gần 10%, TP HCM 9,6%, Hà Nội 6,2%. Sau hơn một năm đưa ra chương trình phòng chống béo phì thì tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi có thừa cân béo phì vẫn tiếp tục gia tăng. Vậy cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và từ đó giúp những người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ có cách chăm sóc khoa học, hạn chế tối đa nguy cơ thừa cân béo phì xảy ra với trẻ. Nội dung 1. Khái niệm Béo phì là hậu quả của tình trạng mất cân bằng năng lượng, trong đó năng lượng ăn vào vượt quá năng lượng tiêu hao song song với giảm hoạt động thể lực trong một lối sống tĩnh tại. 2. Một số nguyên nhân 2.1. Khẩu phần ăn và thói quen ăn uống - 74 -
  2. Khi chế độ ăn cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu, nếp sống làm việc tĩnh tại, ít tiêu hao năng lượng sẽ làm cân nặng cơ thể tăng lên. Vì ăn uống vốn là sự thích thú của con người, nên con người khó kiểm soát chế độ ăn của mình nhất là đối với trẻ em. Thói quen ăn quá nhiều chất béo và tinh bột, ăn nhiều vào bữa tối, thích ăn thức ăn chứa nhiều năng lượng (đường mật, nước ngọt, bánh kẹo ). Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng gần đây cho thấy, mức tiêu thụ gạo, thịt thay đổi rất nhiều, đặc biệt là thịt tăng lên rất nhanh (từ 11g/người/ngày vào những năm 80 đến năm 2010 đã tăng lên 84g). Trong khi đó cá, rau kỳ vọng tăng lên nhiều thì thay đổi rất ít. Cộng thêm mỗi gia đình hiện nay chỉ sinh 1-2 con, tình yêu của bố mẹ, cả nhà đều dồn vào con, chăm sóc quá kỹ lưỡng nhưng kiến thức đôi khi không đúng, thực hành dinh dưỡng không hợp lý dẫn đến trẻ bị thừa cân béo phì. Một nghiên cứu gần đây tại Hà Nội cho thấy có đến 53% bà mẹ không hề biết con nặng hơn mức chuẩn. Một số cha mẹ vẫn còn cho rằng trẻ con phải bụ bẫm, mập mạp mới đáng yêu. Ngay cả khi đến khám dinh dưỡng, bác sĩ bảo con đủ cân nặng, chiều cao thì bố mẹ vẫn muốn con lên cân nữa để dư một tý. "Thêm vào đó, thực phẩm chế biến sẵn hiện khá phổ biến, nhiều người cho con ăn như một cách thể hiện đẳng cấp, sài sang, hoặc đơn giản là để tiết kiệm thời gian. Trong khi loại thực phẩm này lại nhiều chất béo, nhiều đường, ít vi chất dinh dưỡng - yếu tố giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao”. 2.2. Hoạt động thể lực Hoạt động thể lực là yếu tố hết sức quan trọng đối với tình trạng thừa cân béo phì, tham gia vào thiết lập cân bằng giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng ăn vào. Mặt khác, hoạt đông thể lực còn giúp chuyển hóa tích cực. Cùng với yếu tố ăn uống, sự gia tăng tỷ lệ béo phì thường đi song song với giảm hoạt động thể lực trong lối sống tĩnh tại. Một số nhóm nghiên cứu nhận thấy nhóm thừa cân béo phì thường dành nhiều thời gian xem tivi, giải trí nhiều hơn, nhưng hoạt động thể dục thể thao lại ít hơn so với trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường.Yếu tố vận động của trẻ trong xã hội hiện nay giảm rất nhiều. Giờ đây trẻ sống trong phòng điều hòa, không toát mồ hôi; quạt tay được thay bằng quạt điện; chỗ chơi không có; bắt ngồi học nhiều, trẻ xem tivi, máy tính nhiều Vì thế, sự tiêu hao năng lượng giảm, trong đó năng lượng đưa vào không ngừng gia tăng, dẫn đến tỷ lệ béo phì gia tăng là một điều tất yếu. 2.3. Yếu tố di truyền Trong gia đình có cha mẹ béo phì thì khả năng thừa cân béo phì của trẻ cao hơn. Có bằng chứng cho rằng gen là nhân tố quan trọng của việc di truyền bệnh béo phì. - 75 -
  3. 3. Tác hại của thừa cân - béo phì đối với sức khỏe của trẻ 3.1. Ảnh hưởng tới sức khỏe Theo các chuyên gia, trẻ bị thừa cân béo phì ở tuổi ấu thơ rất dễ bị tình trạng này khi trưởng thành, để lại nhiều hậu quả. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành. 3.2. Ảnh hưởng về mặt tâm lý Trẻ béo phì dễ bị mặc cảm tự ti do bạn bè trêu chọc, phân biệt đối xử làm ảnh hưởng tới tâm lý và khả năng học tập của trẻ, thậm chí có những biểu hiện tiêu cực. Chính vì vậy, các em ngày càng xa lánh bạn bè không muốn tham gia các hoạt động tập thể. Các tổn thương tâm lý này kéo dài nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ kéo dài tới tuổi trưởng thành làm cho trẻ khó hòa nhập cộng đồng, có tư tưởng nổi loạn, thậm chí có những hành vi làm ảnh hưởng tới tính mạng bản thân. 3.3. Ảnh hưởng về kinh tế gia đình Hậu quả về kinh tế có thể chia ra làm 2 loại: Hậu quả trực tiếp và gián tiếp. - Hậu quả trực tiếp đó chính là chi phí dành cho chữa bệnh béo phì và các bệnh liên quan do béo phì gây ra. - Hậu quả gián tiếp là việc giảm năng xuất sản phẩm do bệnh béo phì gây ra cho người lao động. 4. Một số biện pháp cho các bậc phụ huynh khi trẻ bị thừa cân béo phì Đối với trẻ thừa cân – béo phì cần có chế độ ăn phù hợp, không nên đặt mục tiêu giảm cân lên hàng đầu. Bữa ăn của trẻ phải cân đối hợp lý, đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng như can xi, sắt, kẽm Duy trì cân nặng hiện tại hoặc tăng cân ít hơn so với mức tăng cân trung bình theo tuổi, tăng cường phát triển chiều cao. Trong khẩu phần, chú trọng việc cung cấp các chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, chỉ giảm năng lượng chút ít (nếu cần thiết), gia tăng năng lượng tiêu hao thông qua các hoạt động thể lực. 4.1. Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp - Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, chế độ ăn cân đối hợp lý bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. - Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa. Nên chế biến các món luộc, hấp, trộn sa lát - Uống đủ nước, đủ sữa, nên uống sữa không đường. - Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt và các thực phẩm nhiều chất xơ như ngô, khoai So với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt. - 76 -
  4. Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ vận động. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội Hướng dẫn, động viên, khen ngợi tạo điều kiện cho trẻ có lối sống năng động, tham gia làm các công việc ở nhà: lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc 4.2. Rèn luyện thói quen cho trẻ - Không bắt trẻ nhịn đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn. - Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga. - Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem sữa đặc có đường, đồ ăn chiên xào. - Không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolate, kem, nước ngọt trong nhà. - Không nên cho trẻ ăn nhiều vào lúc tối trước khi đi ngủ. - Tránh cho trẻ nhai kẹo cao su làm cho trẻ lúc nào cũng muốn nhai - Hạn chế ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng Kết luận Nước ta trong những năm gần đây, do sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, đời sống nhân dân ta ngày càng được nâng cao, tình trạng thiếu dinh dưỡng ngày một giảm đi thì ngược lại tình trạng thừa dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự dư thừa cân nặng dẫn đến thừa cân, béo phì sẽ kéo theo sự gia tăng các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, vữa xơ động mạch, sỏi thận, xương khớp, ung thư Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải có những hiểu biết về thừa cân, béo phì để giúp trẻ có một lối sống lành mạnh, một thói quen ăn uống hợp lý. Để có sức khoẻ tốt nên luôn giữ cho trẻ có một thân hình lý tưởng thông qua một chế độ dinh dưỡng cân đối, nghiêm túc và một chế độ vận động, tập luyện hợp lý thường xuyên. Tài liệu tham khảo 1. Đặng Thị Thu Hà, Hoàng Thương Huyền, Trần Minh Đức (2018), Vệ sinh- dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi mầm non. Nhà xuất bản ĐH Quốc gia. 2. Phạm Kim Huệ (2015), Các bệnh dinh dưỡng có ý nghĩa cộng đồng. Nhà xuất bản Y học. 3. Nguyễn Thị Lâm (2007), Hướng dẫn thực hành nuôi dưỡng trẻ. Nhà xuất bản Y học. 4. Phan Thị Trung Ngọc (2013), Các vấn đề dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Nhà xuất bản Y học. - 77 -