Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế

pdf 9 trang Gia Huy 18/05/2022 2010
Bạn đang xem tài liệu "Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthuc_trang_va_giai_phap_phat_trien_ben_vung_du_lich_sinh_tha.pdf

Nội dung text: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế

  1. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH SINH THÁI MIỆT VƯỜN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ REALITY AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT SOLUTION OF GARDEN ECO-TOURISM IN MEKONG DELTA IN THE CONTEXT OF INTERNATIONAL INTEGRATION ThS. Lê Văn Hiệu - TS. Đào Ngọc Cảnh - Trường Đại học Cần Thơ ThS. Dương Thanh Xuân - Trường Đại học Tây Đô TÓM TĂT Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hương tất yếu của kinh tế thế giới, du lịch là lĩnh vực phản ánh rõ nét nhất xu hướng này. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các vườn cây trái đặc sản nhiệt đới và đã hình thành vùng trồng cây trái tập trung, được gọi là “Miệt vườn”. Trên cơ sở đó, đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành và phát triển loại hình du lịch đặc trưng của vùng là du lịch sinh thái miệt vườn. Bài viết này phân tích tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển loại hình du lịch độc đáo này ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế Từ khóa: du lịch miệt vườn, du lịch nông nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long Abstract International economic integration is the inevitable trend of the world economy, tourism sector is the most clearly reflected to this trend. Mekong Delta has many favorable conditions for the development of tropical fruits and has formed fruit-focus areas, known as "Miet vuon" (Land of Garden). On that basis, people have been forming and developing specific forms of garden eco-tourism in the Mekong Delta. This article analyzes potential to develop eco-tourism of garden in the Mekong Delta. Since then propose some solutions to develop these unique forms of tourism this in Mekong Delta in the context of international integration Keywords: tourism of gardens, agri-tourism, Mekong Delta 1. Đặt vấn đề Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Dải đất cao ven sông Tiền, sông Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ổn định, đất đai màu mỡ và nguồn nước ngọt quanh năm, nên từ lâu đã nổi tiếng với những vườn cây trái xanh tươi, trù phú cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đời sống miệt vườn hiền hòa, nhân hậu. 812
  2. Đến với ĐBSCL, khách du lịch luôn bị cuốn hút bởi những vườn cây trĩu quả, khung cảnh miệt vườn xanh tươi, thoáng đãng và sự mến khách của người dân địa phương. Đây chính là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn (DLSTMV). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: Sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL là du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng và sinh thái biển, du lịch MICE [10]. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu tiềm năng và thực trạng phát triển DLSTMV - một loại hình du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL. Từ đó, đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững DLSTMV ở vùng ĐBSCL phù hợp với xu thế hội nhập. 2. Khái quát về du lịch sinh thái miệt vườn 2.1. Khái niệm Khái niệm DLSTMV bắt nguồn từ các khái niệm “miệt vườn” và “du lịch miệt vườn”. 2.1.1. Miệt vườn Theo Huỳnh Công Tín (2007), từ “miệt” có nghĩa là vùng, miền, một nơi nào đó ở vùng nông thôn. Miệt vườn chỉ những vùng đất cao ráo, có vườn cây ăn quả ở ven sông Tiền, sông Hậu, tiêu biểu cho vùng có mức sống, sinh hoạt cao ở ĐBSCL [8] Theo Sơn Nam (2005): Miệt vườn là tên gọi tổng quát cho những vùng đất cao ráo, có vườn cam quýt ở ven sông Tiền và sông Hậu. Ban đầu, miệt vườn chỉ có Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long; sau do điều kiện thủy lợi và kĩ thuật canh tác được cải thiện nên lan rộng sang các vùng lân cận như Cần Thơ, Cai Lậy, Cao Lãnh, Chợ Gạo, Bến Tre Miệt vườn phù hợp với vùng đất phù sa ven sông hoặc vùng đất cù lao ít phèn. Đời sống dân cư miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở ĐBSCL; vì vậy được gọi là văn minh miệt vườn [4]. Hình 1. Địa bàn phân bố của miệt vườn ĐBSCL [7] 813
  3. Sơn Nam (2005) cho rằng, miệt dùng để chỉ một khu vực nhỏ hơn so với miền. Chẳng hạn, người ở Mỹ Tho gọi Miệt Dưới để chỉ vùng Rạch Giá, Cà Mau; còn khi gọi Miền Dưới tức muốn nói đến vùng Hạ Châu164 (Tân Gia Ba, Mã Lai hoặc Nam Dương) [4]. Cần lưu ý là, danh xưng “miệt vườn” thường dùng để chỉ vùng có vườn cây trái tập trung ở ĐBSCL. Mặc dù nhiều nơi khác cũng có vườn nhưng không được gọi là miệt vườn, mà được gọi bằng những từ ngữ khác như: vùng trồng cây ăn trái hoặc địa bàn chuyên canh cây ăn quả, 2.1.2. Du lịch miệt vườn Có thể tạm định nghĩa: DLMV là một loại hình du lịch được hình thành dựa vào miệt vườn ở ĐBSCL. DLMV bao gồm các hoạt động chủ yếu như: tham quan miệt vườn, thưởng thức trái cây tại vườn, mua trái cây và các đặc sản địa phương, thẩm nhận những giá trị văn hóa miệt vườn, Cần lưu ý rằng, DLMV khai thác toàn bộ không gian và con người miệt vườn, với các thành phần là: (i) Sinh cảnh vườn cây ăn trái, (ii) Quy trình sản xuất và sản phẩm trái cây, (iii) Đời sống văn hóa của người dân địa phương và những giá trị nhân văn khác. 2.1.3. Du lịch sinh thái miệt vườn Để hiểu về khái niệm DLSTMV, cần phải hiểu khái niệm du lịch sinh thái (DLST). Hiện nay có nhiều định nghĩa về DLST. Lê Huy Bá (2009) cho rằng: “DLST là một loại hình du lịch lấy các hệ sinh thái đặc thù, tự nhiên làm đối tượng để phục vụ cho những khách du lịch yêu thiên nhiên, du ngoạn, thưởng thức những cảnh quan hay nghiên cứu về các hệ sinh thái. Đó cũng là hình thức kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế du lịch với giới thiệu về những cảnh đẹp của quốc gia cũng như giáo dục tuyên truyền và bảo vệ, phát triền môi trường và tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững” [1]. Theo Phạm Trung Lương (2002): “DLST là hình thức du lịch thiên nhiên có mức độ giáo dục cao về sinh thái và môi trường, có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường và văn hóa, đảm bảo mang lại các lợi ích về tài chính cho cộng động địa phương và các đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn” [2]. Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005): “DLST là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững” [3]. Từ đó, có thể định nghĩa như sau: DLSTMV là hình thức du lịch dựa vào hệ sinh thái vườn và các giá trị văn hóa bản địa của miệt vườn, có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương nhằm phát triển bền vững. DLSTMV có sự khác biệt nhất định với nhiều loại hình DLST khác ở chỗ hệ sinh thái vườn không phải là hệ sinh thái tự nhiên mà là hệ sinh thái nông nghiệp hoặc hệ sinh thái nhân văn. Trong hệ sinh thái vườn có sự gắn bó chặt chẽ giữa 3 thành phần cơ bản là: 164 Hạ Châu ở đây có nghĩa là các nước phía dưới của khu vực Đông Nam Á: Tân Gia Ba (Singapore), Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia). 814
  4. (i) Con người (nông dân miệt vườn); (ii) Thiên nhiên (điều kiện sinh thái tự nhiên); (iii) Sản xuất nông nghiệp (vườn cây ăn trái). Như vậy, DLMV và DLSTMV có sự khác nhau chủ yếu ở hình thức tổ chức du lịch. DLMV có thể hiểu là: Tất cả các hình thức tổ chức du lịch dựa vào miệt vườn; còn DLSTMV là: Hình thức tổ chức DLST, bảo đảm các nguyên tắc DLST gắn với hệ sinh thái vườn. 2.2. Đặc điểm phát triển du lịch sinh thái miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long Miệt vườn ĐBSCL là địa bàn trồng cây ăn trái tập trung quy mô lớn đã hình thành và phát triển khá lâu đời. Theo Borri (1998; dẫn theo Phan Văn Nhẫn, 2014), nghề làm vườn thương phẩm ở ĐBSCL có từ thế kỉ XVII thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang ngày nay với việc chuyên canh cau. Sang thế kỉ XVIII, các vườn cây ăn trái phát triển rộng khắp ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh, [6] Đến đầu thế kỉ XX, với sự ra đời của hệ thống kênh đào, không gian miệt vườn ngày càng được mở rộng. Trong thời kỳ 1954 - 1975, do chiến tranh, kinh tế vườn không phát triển. Thời kỳ 1975 - 1985, người dân trở về quê, tập trung sức phát triển kinh tế vườn nhưng vì thiếu vốn, giống, phân bón; lũ lụt và do chính sách của Nhà nước không phù hợp nên kinh tế vườn không đạt được như mong đợi, thậm chí còn suy giảm, sản xuất thêm manh mún, diện tích đất vườn bị thu hẹp. Từ năm 1986 đến nay, người dân thật sự được làm chủ mảnh vườn của mình; cơ cấu cây trồng, mùa vụ được chuyển đổi nhanh chóng; quy trình sản xuất mới được áp dụng, nên kinh tế vườn phục hồi và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao [6]. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL năm 2015 đạt 307,06 nghìn ha, chiếm 37,5% so với cả nước với nhiều loại đặc sản: xoài, chuối, bưởi, chôm chôm, sầu riêng Trong những năm gần đây, trái cây ĐBSCL đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, v.v với mức tăng trưởng mạnh mẽ [9]. Miệt vườn ĐBSCL không chỉ cung cấp sản phẩm trái cây cho thị trường mà toàn bộ hệ sinh thái vườn là điều kiện cho phát triển du lịch. Do địa hình thấp, dễ bị ngập nước trong mùa lũ nên các nhà vườn đã cải tạo bằng cách đào mương lên liếp, tôn cao mặt vườn để trồng cây ăn trái. Mương trong vườn vừa đóng vai trò là hệ thống tưới tiêu nước, vừa được dùng để nuôi thủy sản. Ở những vườn có diện tích lớn thì mương còn được dùng để vận chuyển vật tư nông nghiệp và chuyên chở sản phẩm trái cây khi thu hoạch. Hệ sinh thái vườn là một dạng của hệ sinh thái nông nghiệp. Ở miệt vườn, người dân chuyên canh cây ăn trái, ươm giống cây trồng hoặc trồng hoa kiểng. Miệt vườn ĐBSCL có nhiều loại đặc sản nổi tiếng như: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, quít hồng Cái Bè (Tiền Giang); bưởi Năm Roi Bình Minh, chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long); dâu Hạ Châu Phong Điền (Cần Thơ), v.v Về khía cạnh sinh thái, vườn cây ăn trái có chức năng điều hòa vi khí hậu, tạo không khí trong lành, thoáng mát. Gắn liền với hoạt động sản xuất của các nhà vườn là đời sống thanh bình, nhân hậu và mến khách của người dân, được ca ngợi là “văn minh miệt vườn”. 815
  5. Vì vậy, miệt vườn đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Theo khảo sát của Nguyễn Trọng Nhân và cộng sự. (2013) áp dụng cho 160 khách du lịch với thang đo Likert 5 mức độ cho thấy: du khách cho rằng DLMV khá hấp dẫn (3,56 điểm) và họ cảm thấy khá hài lòng đối với chuyến đi (3,61 điểm) [5]. 3. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long 3.1. Tình hình phát triển DLSTMV tại Đồng bằng Sông Cửu Long Như ta đã biết, xuất phát từ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn, ẩm thực và nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước đối với miệt vườn mà DLMV ra đời. Theo Nguyễn Khắc Viện và ctg. (1989), DLMV ở ĐBSCL được hình thành vào thập kỉ 80 của thế kỉ XX, mà những điểm đến đầu tiên là cù lao An Bình, Bình Hòa Phước (tỉnh Vĩnh Long) và cồn Phụng (tỉnh Bến Tre) [12]. Nhìn chung, sản phẩm trái cây và nghề làm vườn ở ĐBSCL được khai thác khá hiệu quả để tạo thành DLMV - loại hình du lịch đặc thù của vùng. Đến với miệt vườn ĐBSCL, khách du lịch rất thích thú với không gian xanh mát, yên bình của nhà vườn, họ được tự tay hái và thưởng thức trái cây tươi ngon tại vườn, được xem và trải nghiệm việc thu hoạch trái cây hay mua về làm quà. 3.2. Những kết quả đã đạt được Hoạt động du lịch đã giúp các nhà vườn giải quyết tốt hơn “đầu ra” cho sản phẩm miệt vườn: Việc bán trái cây cho khách du lịch đã đem lại nhiều lợi ích cho nhà vườn hơn bán cho thương lái vì giá bán được cao hơn, lại không bị ép giá và không phải lo khâu thu hoạch, bảo quản. Các nhà vườn ở cù lao An Bình (Vĩnh Long) cũng như nhiều nơi khác ở ĐBSCL đã sáng tạo mô hình “bao bụng” rất thú vị: Khi du khách vào vườn, chủ vườn thu một mức phí nhất định và khách được thoải mái hái trái cây tại vườn ăn bao nhiêu tùy thích, nếu mua mang về thì tính tiền riêng. Do điều kiện khí hậu ổn định, ít có thiên tai nên ở nơi đây bốn mùa đều có hoa thơm trái ngọt. Hiện nay, các nhà vườn đã áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến để cho sản phẩm trái cây quanh năm phục vụ du khách. Nhiều nhà vườn trên cùng một địa bàn còn phối hợp với nhau để điều chỉnh thời điểm ra hoa, đậu trái nhằm thu hoạch luân phiên giữa các hộ dân để kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm miệt vườn phục vụ khách du lịch. Ngoài thưởng thức trái cây, khách có thể nằm võng nghỉ trưa dưới bóng cây rợp mát hoặc tham gia chương trình tát mương bắt cá, tự tay nướng tôm cá để thưởng thức tại nhà vườn. Du khách còn được nhà vườn chiêu đãi những món ăn miệt vườn hấp dẫn như: gà thả vườn nấu cháo hay làm gỏi xé phay, cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng hoặc lươn um lá nhàu, ốc nấu tiêu, v.v Khách có thể đi bộ, đi xe đạp hoặc ngồi xuồng ba lá do người dân miệt vườn chèo xuồng đưa khách len lỏi qua các dòng kênh rợp bóng cây xanh hoặc đi du thuyền trên sông để ngắm cảnh sông nước hiền hòa, nghe biểu diễn đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đặc biệt, du khách còn có thể tham gia chương trình du lịch homestay (nghỉ tại nhà dân) để thâm nhập đời sống miệt vườn. Khách sẽ được trực tiếp tham gia vào các công 816
  6. việc của nhà vườn như: trồng và chăm sóc cây, thu hoạch trái cây; tham gia chế biến các món ăn miệt vườn; thưởng thức các chương trình văn nghệ dân gian hoặc tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương, v.v Theo Nguyễn Trọng Nhân và cộng sự. (2013), các hoạt động của du khách tại miệt vườn ĐBSCL khá đa dạng và phong phú (hình 2). Hình 2. Các hoạt động du lịch tại miệt vườn ĐBSCL [5] Nhìn chung, DLSTMV ở ĐBSCL đã hướng đến các yêu cầu của DLST như: (i) Dựa vào các điều kiện tự nhiên trong hệ sinh thái nông nghiệp; (ii) Gắn với bản sắc văn hoá địa phương miệt vườn; (iii) Có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương; (iv) Nhằm phát triển du lịch bền vững. 3.3. Những tồn tại và nguyên nhân. Việc phát triển DLSTMV cũng còn nhiều bất cập và hạn chế. Trên thực tế, công tác tổ chức phát triển giữa các địa phương còn mang tính cục bộ thiếu liên kết dẫn đến có sự trùng lặp trong ý tưởng và sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó nhiều người đánh đồng giữa DLSTMV với DLMV, họ “vô tư” treo biển: “Vườn du lịch sinh thái” nhằm thu hút khách du lịch nhưng không tuân thủ nguyên tắc DLST. Do chạy theo lợi nhuận, một số nơi, đã biến DLMV thành các tụ điểm kinh doanh ăn uống hoặc vui chơi giải trí. Một số nhà vườn sử dụng dàn âm thanh công suất lớn để biểu diễn nhạc hiện đại nhằm thu hút giới trẻ đến với nhà vườn. Một số nhà vườn khác lại thu hút du khách bằng dịch vụ cưỡi đà điểu hoặc nuôi nhốt thú phục vụ khách tham quan, v.v Những hoạt động như vậy đi ngược với nguyên tắc DLST và không thể coi là DLSTMV. Từ những tồn tại trên có thể nhận thấy nguyên nhân cốt lõi là do định hướng tổ chức của các địa phương còn thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn, chưa có sự liên kết chặt chẽ để biến DLSTMV trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng. 4. Giải pháp phát triển du lịc sinh thái miệt vườn Đồng bằng sông Cửu Long Để phát triển bền vững DLSTMV ở ĐBSCL nhằm phát huy các tiềm năng thế mạnh của vùng, theo chúng tôi cần thực hiện các giải pháp chủ yếu như sau: 817
  7. 4.1. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái miệt vườn Trên cơ sở phân vùng sinh thái nông nghiệp và những đặc điểm văn hóa của mỗi địa phương trong vùng ĐBSCL, cần quy hoạch phát triển những loại hình sản phẩm DLSTMV phù hợp, độc đáo của mỗi địa phương để tránh tình trạng trùng lắp gây nhàm chán đối với du khách. Việc quy hoạch phát triển DLSTMV cần gắn với việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lí cho sán phẩm trái cây từng địa phương, góp phần phát triển thương hiệu điểm đến du lịch. 4.2. Thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn Sản phẩm miệt vườn trước hết là sản phẩm nông nghiệp; vì vậy, phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tiêu chuẩn “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” (VietGAP) để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn. Nhiều địa phương ở miệt vườn ĐBSCL như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ đã tích cực triển khai quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông hộ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc giúp nhà vườn đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn không những góp phần phát triển nông nghiệp, mà còn tạo cơ sở cho phát triển DLSTMV bền vững. 4.3. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Để tăng cường thu hút và lưu giữ khách, các nhà vườn cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm DLSTMV. Từ những định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương để xác định sản phẩm du lịch chủ lực của từng địa bàn. Đồng thời cần mở rộng và nâng cao chất lượng các loại sản phẩm du lịch mới như: quà lưu niệm và đặc sản địa phương, văn hóa nghệ thuật dân gian, làng nghề cổ truyền, lễ hội trái cây và các lễ hội truyền thống của địa phương, v.v 4.4. Tăng cường giáo dục môi trường cho người dân và khách du lịch Giáo dục môi trường là một trong những tiêu chí cơ bản của DLST. Vì vậy, để phát triển DLSTMV cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân địa phương và khách du lịch về phát triển du lịch xanh, về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt cần quan tâm xây dựng hệ thống nhà vệ sinh và hệ thống thu gom, xử lý chất thải tại các điểm du lịch; tổ chức tập huấn về du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm; hưởng ứng các phong trào hành động vì môi trường như “Giờ Trái đất”, “Làm cho Trái đất sạch hơn”, 4.5. Phát triển du lịch cộng đồng và tăng cường phối hợp các bên liên quan Trên thực tế, việc phát triển du lịch tại miệt vườn ở ĐBSCL hiện nay vẫn chủ yếu do từng hộ nông dân thực hiện mà chưa có sự liên kết giữa các gia đình cùng làm du lịch trên địa bàn. Vì vậy, cần tăng cường gắn kết cộng đồng trong phát triển DLSTMV. Đồng thời, cần xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp các bên liên quan, bao gồm: (i) Khách du lịch; (ii) Cộng đồng dân cư địa phương; (iii) Chính quyền sở tại; (iv) Doanh nghiệp lữ hành. Cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng du lịch cho nông dân tham gia DLSTMV. Đồng thời cũng cần đào tạo và bồi dưỡng những người tham gia vào chuỗi sản 818
  8. phẩm du lịch như hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, các cấp lãnh đạo và quản lí địa phương, v.v 4.6. Tăng cường thông tin, quảng bá du lịch Để du khách biết đến các điểm du lịch và các sản phẩm DLSTMV ở ĐBSCL nhiều hơn, các hoạt động kinh doanh du lịch cần gắn liền với các hoạt động thông tin, quảng bá bằng các giải pháp như: (i) Bố trí thêm các biển báo, bảng quảng cáo DLSTMV trên các trục giao thông và các phương tiện giao thông; (ii) Tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh hoặc phim video về DLSTMV; (iii) Xây dựng trang web cho các điểm DLSTMV, 5. Kết luận Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng ĐBSCL những nguồn tài nguyên quý giá để trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của cả nước, được mệnh danh là “vựa lúa”, “vựa trái cây” của Việt Nam. Đây chính là cơ sở để hình thành và phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nhất là DLSTMV ở ĐBSCL. Hiện nay, các sản phẩm DLSTMV đang ngày càng có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Nhìn chung, DLSTMV ở ĐBSCL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng còn không ít khó khăn hạn chế. Sự phát triển DLMV nói chung và DLSTMV nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của vùng, chưa đạt hiệu quả cao và bền vững. Vì vậy, phát triển nông nghiệp miệt vườn gắn với DLSTMV theo hướng nông nghiệp xanh, du lịch xanh và bền vững là giải pháp tất yếu vừa góp phần khai thác và phát huy những giá trị đặc trưng của hệ sinh thái miệt vườn, vừa tạo ra những lợi ích kinh tế để nâng cao đời sống cho những người địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Với những tiềm năng và thế mạnh nổi bật về DLSTMV dựa trên sự ưu đãi thiên nhiên mà khó có nơi nào có được, chắc chắn trong một tương lai không xa, ĐBSCL sẽ thực sự trở thành địa bàn DLSTMV hàng đầu của của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Huy Bá (chủ biên), 2009. Du lịch sinh thái. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. 2. Phạm Trung Lương, 2002. Du lịch sinh thái, những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Luật Du lịch Việt Nam, 2005. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 4. Sơn Nam, 2014. Nét sinh hoạt xưa & Văn minh Miệt vườn, Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh. 5. Nguyễn Trọng Nhân, Trần Thị Hoàng Anh và Nguyễn Thị Diệu Mơ, 2013. Đánh giá của du khách đối với du lịch miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 36/2013. 6. Phan Văn Nhẫn, 2014. Kinh tế vườn trong phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 7. Scitic, 1997. Văn minh sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (CD-ROM). Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh. 819
  9. 8. Huỳnh Công Tín, 2007. Từ điển Từ ngữ Nam Bộ. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 9. Tâm Thời, Nhung Huệ, 2016. Phát triển cây ăn quả, từ sản xuất đến thị trường, Báo Nhân Dân, ngày 30/8/2016. 10. Tổng cục Du lịch, 2012. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. truy cập 20/8/2015. 11. Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, 2010. Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020. Hà Nội. 12. Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), 1989. Đất nước Việt Nam (Sách lưu hành nội bộ dành cho hướng dẫn viên du lịch). Công ty Tuyên truyền quảng cáo du lịch. Hà Nội. 820