Tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã trong văn hóa hai miền bắc nam Trung Quốc
Bạn đang xem tài liệu "Tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã trong văn hóa hai miền bắc nam Trung Quốc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- tinh_gia_toc_va_tinh_cong_dong_lang_xa_trong_van_hoa_hai_mie.pdf
Nội dung text: Tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã trong văn hóa hai miền bắc nam Trung Quốc
- TẠP CHÍ KHOA HỌC HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF EDUCATION TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH JOURNAL OF SCIENCE Tập 17, Số 1 (2020): 107-116 Vol. 17 No. 1 (2020): 107-116 ISSN: 1859-3100 Website: Bài báo nghiên cứu* TÍNH GIA TỘC VÀ TÍNH CỘNG ĐỒNG LÀNG XÃ TRONG VĂN HÓA HAI MIỀN BẮC NAM TRUNG QUỐC Nguyễn Minh Trí Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Tác giả liên hệ: Nguyễn Minh Trí – Email: nguyenminhtrihcm@gmail.com Ngày nhận bài: 27-6-2019; ngày nhận bài sửa: 20-10-2019; ngày duyệt đăng: 15-12-2019 TÓM TẮT Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, đa dạng về văn hóa giữa các vùng miền. Trong đó, sự khác biệt hai miền Bắc – Nam là lớn nhất và rõ ràng nhất. Điều này có thể thấy rõ qua tính cách người Hán hai miền trên lĩnh vực văn hóa tổ chức. Người miền Bắc có xu hướng coi trọng gia tộc, người miền Nam có xu hướng coi trọng cộng đồng làng xã. Biểu hiện của tính gia tộc là tính mạnh mẽ và tính hướng ra quốc tế. Trong khi biểu hiện của tính cộng đồng làng xã là tính nhu mềm và xu hướng coi trọng trách nhiệm cộng đồng làng xã. Bài viết phác thảo bức tranh về đặc trưng tính cách văn hóa của người Hán hai miền Bắc Nam trên lĩnh vực văn hóa tổ chức, từ đó thấy được mức độ đóng góp của miền Bắc và miền Nam trong quá trình trong xây dựng hệ giá trị chung của Trung Quốc. Từ khóa: tính cách văn hóa Trung Quốc; tính cộng đồng; tính gia tộc; văn hóa Bắc Nam Trung Quốc 1. Dẫn nhập Trung Quốc là một nước có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời và liên tục. Tuy nhiên, nền văn hóa Trung Hoa (hoặc dân tộc Trung Hoa) không thuần nhất. Nền văn hóa Trung Hoa là sự kết hợp văn hóa của nhiều giống người khác nhau từ nguồn gốc tới ngôn ngữ, nghệ thuật, tính cách. Khi nói đến sự khác biệt ở Trung Quốc, thì “ngay cả trong một tỉnh cũng tồn tại sự khác biệt nhất định, nhưng sự khác biệt Nam Bắc chính là sự khác biệt lớn nhất, rõ ràng nhất” (Du Yu, 2010, p.3-4). Tính cách văn hóa được xác định là “hệ thống các giá trị tinh thần tương đối bền vững của một cộng đồng người (chủ thể) trong điều kiện không gian và thời gian sinh tồn cụ thể của họ” (Tran, 2016, p.60). Dựa vào sự phân chia Trung Quốc theo trục ngang thành hai miền Bắc Nam, kết hợp với sự phân chia theo trục dọc thành ba vùng Đông Bộ – Trung Bộ – Tây Bộ và do ranh giới giữa vùng Đông Bộ và Trung Bộ hẹp nên “miền Bắc” – Cite this article as: Nguyen Minh Tri (2020). The characteristic of appreciation of family and village community in Northern and Southern Chinese culture. Ho Chi Minh City University of Education Journal of Science, 17(1), 107-116. 107
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 1 (2020): 107-116 “miền Nam” ở đây được hiểu là sự đối lập nội bộ trong nửa phía Đông của đất nước Trung Quốc, với ranh giới là dãy Tần Lĩnh và dòng Hoài Hà (Tran, 2014, p.442-447). Việc nghiên cứu tính cách người Trung Quốc đã được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, nghiên cứu tính cách người Trung Quốc ở góc độ vùng miền, đặc biệt là hai miền Bắc – Nam với các các cặp tính cách đối xứng thì hầu như rất ít các công trình chuyên khảo đề cập. Mục tiêu của bài viết này là làm sáng tỏ sự khác biệt trong tính cách văn hóa giữa hai miền đối với cặp trọng gia tộc và trọng cộng đồng làng xã trong lĩnh vực văn hóa tổ chức hai miền Bắc – Nam Trung Quốc, để từ đó có thể thấy được sự đóng góp của miền Bắc và miền Nam trong xây dựng hệ giá trị Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng chủ yếu phương pháp hệ thống cấu trúc và phương pháp loại hình. 2. Khái niệm, nguồn gốc của tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã 2.1. Khái niệm tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã “Gia tộc” là một từ gốc Hán (家族), được giải thích là “họ hàng” (Dao, 1932/2005, p.260). Ở góc độ gia đình, gia tộc được định nghĩa là “tập hợp gồm nhiều gia đình có cùng một tổ tiên” (Hoang Phe, 1988/2003, p.382) hay “thiết chế xã hội cổ truyền của người Việt Nam” (Tu dien Bach khoa Viet Nam, 2002, p.88). Tuy nhiên, cách định nghĩa của Từ điển Bách Khoa Việt Nam chưa thật sự thuyết phục vì gia tộc không chỉ là thiết chế xã hội của người Việt Nam mà còn của nhiều tộc người trên thế giới. Từ điển Bách khoa Trung Quốc định nghĩa gia tộc là “nhóm lợi ích (利益集团) hình thành dựa trên những điểm chung về huyết thống, hôn nhân, sinh mệnh, thường biểu hiện là một trung tâm hình thành chủ yếu dựa trên gia đình”1. Có thể thấy gia tộc là một tập hợp gia đình dựa trên mối quan hệ về họ hàng, hôn nhân. Đối với người Trung Quốc, tổ chức gia tộc không chỉ dừng lại ở một “tập hợp” rời rạc nhiều gia đình mà gắn kết trở thành “hệ thống các gia đình”. Hệ thống đó được xây dựng dựa trên mối quan hệ họ hàng và hôn nhân. Như vậy, tính gia tộc là sự gắn kết mật thiết giữa các thành viên dựa trên mối quan hệ về họ hàng, hôn nhân mà không phụ thuộc vào phạm vi cư trú. Nếu như gia tộc chủ yếu dựa trên yếu tố huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân thì cộng đồng làng xã lại dựa trên nhiều yếu tố khác. Đào Duy Anh (1932/2005) xác định “cộng đồng” cũng là một từ gốc Hán (共同体), có nghĩa là “cùng chung với nhau” (Dao, 1932/2005, p.103). Nhưng sự cùng chung này không chỉ có yếu tố họ hàng, hôn nhân mà còn “cùng chung sống” và “gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội” (Hoang, 1988/2003, p.212). Trong quá trình cùng chung sống đó, một tập đoàn người rộng lớn này có “những dấu hiệu, những đặc điểm xã hội chung về thành phần giai cấp, về nghề nghiệp, 1 108
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Minh Trí về địa điểm sinh tụ và cư trú. Cũng có những cộng đồng xã hội bao gồm cả một dòng giống, một sắc tộc, một dân tộc” (The National Council on compilation direction of Vietnamese Encyclopedia, 1995, p.601). Có thể hiểu tính cộng đồng làng xã là sự gắn kết mật thiết giữa các thành viên cùng chung sống ở không gian làng xã nhất định. 2.2. Nguồn gốc của tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã 2.2.1. Xét về môi trường tự nhiên Người miền Bắc sống trong môi trường tự nhiên tương đối khắc nghiệt, có khí hậu hàn đới, ôn đới, ôn đới ẩm; độ ẩm ở khu vực miền Bắc thấp, nhiệt độ thấp; lượng mưa ít (dưới 800 mm/năm); địa hình cao, nền đất vững chắc. Điều kiện tự nhiên này không thuận lợi cho việc trồng trọt. Muốn tồn tại trong môi trường này, người miền Bắc phải mạnh mẽ, có sự liên kết trên cơ sở họ hàng, huyết thống và không ngừng tìm vùng đất mới. Trong khi đó, người miền Nam sống trong môi trường tự nhiên tương đối thuận lợi, có khí hậu á nhiệt đới, nhiệt đới; độ ẩm cao; lượng mưa nhiều (trên 800 mm/năm); địa hình thấp; đất đai mềm xốp, phì nhiêu. Điều kiện này thuận lợi cho việc trồng trọt, đặc biệt là lúa gạo. Con người sống trong môi trường này có xu hướng không cần phải cố gắng nhiều, coi trọng cuộc sống ổn định hơn là di chuyển, thiên về sự gắn bó với cộng đồng làng xã nơi cư trú hơn là chinh phục tìm vùng đất mới. 2.2.2. Xét về hoạt động kinh tế của chủ thể Từ thuở sơ khai, ở miền Bắc, loại hình kinh tế săn bắt – chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên lạnh, khô. Tổ chức xã hội gắn với loại hình kinh tế này có mục tiêu cơ bản là làm sao để có thể thường xuyên di chuyển một cách gọn gàng, nhanh chóng, thuận tiện. Việc di chuyển thường xuyên chỉ có thể diễn ra trên quy mô của một gia tộc, chứ không thể diễn ra trên quy mô của một cộng đồng quốc gia dân tộc. Mặt khác, loại hình nông nghiệp khô cũng có đặc trưng là “có thể tiến hành canh tác trên cơ sở số lượng vừa đủ của một đơn vị gia đình” (Chau, 2018, p.354). Trong khi đó, ở miền Nam, loại hình kinh tế trồng trọng phù hợp với điều kiện đất màu mỡ, khí hậu mát mẻ, lượng mưa nhiều. Khác với chăn nuôi, việc thu hoạch sản phẩm từ trồng trọt cần có quá trình lâu dài hơn, từ đó, con người cũng phụ thuộc với nhau hơn, đòi hỏi phải “định canh định cư” hơn là “du canh du cư”. Trong các loại hình nông nghiệp, trồng lúa nước là nghề có tính đặc thù, cần nhiều nắng và nước. Do vậy, nghề lúa nước phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, phụ thuộc vào nắng mưa, con nước. Mặt khác, cây lúa nước đến khi thu hoạch thì lại có tính vụ mùa rất cao, cần phải tập trung nhiều lao động vào một thời điểm nhất định. Cuộc sống như vậy rất cần đến sự mềm mỏng hơn là mạnh mẽ, tính trách nhiệm với cộng đồng làng xã hơn tính nguyên tắc của một gia tộc. 2.2.3. Xét về lịch sử tổ chức xã hội Miền Bắc là nơi phát tích sớm của đa số các triều đại Trung Quốc. Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, ảnh hưởng của chế độ tông pháp rất sâu sắc. Nhà nước được tổ chức trên cơ sở tông tộc, vốn do gia tộc tập hợp thành (Ren Dayuan, 2004/2008, p.274). Đây cũng là 109
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 1 (2020): 107-116 nơi xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giành quyền lực, thôn tính lẫn nhau hơn bất miền nào ở Trung Quốc. Theo thống kê trong 4500 năm của lịch sử quân sự Trung Quốc, từ thời đại Thần Nông trong truyền thuyết vào thế kỉ XXVI (TCN) đến năm 1911 – thời điểm Nhà Thanh sụp đổ – Trung Quốc có tổng cộng 3791 cuộc chiến tranh lớn nhỏ2. Trong số này có khoảng 65-70% xảy ra ở khu vực miền Bắc. Sống lâu trong môi trường như vậy, người miền Bắc dần quan tâm đến tính hướng ra quốc tế và tính mạnh mẽ. Cũng chính vì chiến tranh triền miên ở miền Bắc, nên một số lượng lớn người Hán ồ ạt di cư xuống miền Nam vừa lánh nạn vừa chinh phục các khu vực của miền Nam. Do hết lần này đến lần khác bị miền Bắc chinh phục, người miền Nam cảm thấy lo lắng cho cuộc sống hiện tại của mình, mong muốn có cuộc sống yên ổn, dung hòa. Người miền Nam cũng nhiều lần tiến hành “Bắc phạt”, nhưng trước sự mạnh mẽ, thiện chiến của người miền Bắc, đa phần họ đều thất bại. Theo Zhang Renfu (2009), cho đến thời Bắc Tống, số người giành chiến thắng trong các cuộc Bắc phạt chỉ có Hạng Vũ (项羽) quê ở Giang Tô, Tôn Kiên (孙坚) quê ở Chiết Giang, Lưu Dụ (刘裕) quê ở Giang Tô, Chu Du (周瑜) quê ở An Huy, Tạ Huyền (谢玄) quê ở Hà Nam, Chu Nguyên Chương (朱元璋) quê ở Giang Tô mà thôi. Trong đó, Chu Du và Tạ Huyền giành thắng lợi trong lúc phòng thủ (“dĩ thủ đãi công”). Chiến thắng miền Bắc một cách chân chính mà thống nhất toàn quốc, duy nhất có Chu Nguyên Chương đời nhà Minh sau này. Có thể thấy quê quán của những người này đều ở khu vực giáp ranh giữa hai miền Bắc – Nam với ranh giới là dãy Tần Lĩnh – dòng Hoài Hà. 3. Các biểu hiện của tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã Người Trung Quốc thường rất coi trọng gia tộc. Trong so sánh với văn hóa Việt Nam coi trọng làng xã, văn hóa Trung Quốc nói chung lại coi trọng gia tộc. Tuy nhiên, ở phạm vi hai miền Bắc – Nam Trung Quốc thì có sự khác biệt. Trong hoạt động tổ chức đời sống cộng đồng, người miền Bắc có xu hướng coi trọng gia tộc, trong khi người miền Nam lại có xu hướng coi trọng cộng đồng làng xã. Xu hướng coi trọng cộng đồng làng xã của miền Nam Trung Quốc nổi trội hơn khi được đặt trong quan hệ so sánh với miền Bắc Trung Quốc, còn khi so sánh với Việt Nam thì tính cộng đồng làng xã ở Việt Nam lại trội hơn. Sự khác biệt này có nhiều lí do, nhưng có lẽ chủ yếu xuất phát từ loại hình văn hóa. Theo Trần Ngọc Thêm, nếu so với phương Tây thì văn hóa Trung Hoa thiên về trọng tĩnh, nhưng nếu so với Việt Nam thì văn hóa Trung Hoa lại thiên về tính động, còn văn hóa Việt Nam thiên về tính tĩnh (Tran, 1996/2004, p.51). Tính gia tộc ở miền Bắc và tính cộng đồng ở miền Nam được biểu hiện ở rất nhiều phẩm chất, trong đó chúng tôi tập trung vào đặc điểm (1) tính hướng ra quốc tế ở miền Bắc 2hidao.baidu.com: 中国历史上有多少次战争- 110
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Minh Trí đối lập với tính cộng đồng làng xã ở miền Nam; và (2) tính mạnh mẽ ở miền Bắc đối lập với tính nhu mềm ở miền Nam. 3.1. Tính hướng ra quốc tế và tính coi trọng trách nhiệm cộng đồng làng xã Đặc điểm của gia tộc là được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ huyết thống, hôn nhân, dòng họ và không đặt nặng việc cố định nơi cư trú. Mặt khác, do trong huyết thống có dòng máu của du mục, nên người miền Bắc coi trọng việc di chuyển và “bình thiên hạ”. Triết lí xã hội và chính trị của Khổng Tử là tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ. Triết lí này đi từ bản thân con người, rồi đến gia đình họ, kế đến là quốc gia và cuối cùng là “thiên hạ”, mà không đề cập “cộng đồng” – một tổ chức trung gian giữa gia đình và nhà nước. Sách Đại học có viết: “Người xưa muốn đem cái đức sáng của mình làm tốt đẹp cho cả thiên hạ, thì trước phải làm cho nước mình thịnh trị, muốn trị được nước thì trước phải làm cho gia đình trật tự đâu vào đó ”, lại có chỗ viết: “ thân tu rồi gia mới tề, gia tề rồi mới trị quốc, nước trị rồi thiên hạ mới bình” (Tran, & Kieu, 2003, p.27-29). Theo Trần Ngọc Thêm (1996/2004), “coi trọng cái quốc tế, coi nhẹ cái quốc gia là một trong những nét đặc trưng của truyền thống văn hóa gốc du mục. Bản thân Khổng Tử đã trên một lần rời bỏ nước Lỗ quê hương đi đến các nước khác để tìm minh chủ” (Tran, 1996/2004, p.482). Không phải chỉ riêng Khổng Tử mà những người hiền tài thời của ông, những tráng sĩ thời Tam Quốc, khi không hài lòng với ông vua của mình thì có thể qua nước khác, tìm ông vua khác mà phục vụ. Họ đi tìm minh chủ chứ không có ý thức quốc gia. Bởi lẽ đối với người quân tử, việc “tìm được một minh quân quan trọng hơn việc làm gì cho đất nước của mình” và việc “các nhân tài thay đổi minh chủ là điều rất thường thấy” (Da Trach, 2007). Trong khi Khổng Tư ôm mộng “bình thiên hạ”, chu du khắp nơi để tìm minh quân, thì Lão Tử – luôn được hình dung như một ông già nông dân phương Nam – lại hài lòng với những “nước nhỏ ít dân” như những làng quê thanh bình đến mức “gà gáy chó sủa cũng nghe thấy”. Ở nơi đó, người dân cần cù, chất phát, thường sống bằng nghề “nam canh nữ chức” (男耕女织)”, tức là đàn ông làm ruộng, đàn bà dệt vải, sống bằng hình thức tự cung tự cấp, giống như người trong tranh “Đào Hoa Nguyên” (桃花源) của danh sĩ Đào Uyên Minh (陶渊明), đời Tấn (Fan Yong, 2009, p.77). Không chỉ người dân với nhau, mà ở những “nước nhỏ ít dân” đó, cả quân và dân đều cùng làm, cùng ăn và cùng chung sống với nhau. Trang Tử có nói: “Quân dân cùng chung sống với nhau, cùng cày ruộng để có cơm ăn, cùng dệt vải để có quần áo mặc” (Nguyen, 1994, p.496). Trong văn hóa truyền thống nông nghiệp, con người luôn gắn bó với miếng đất, mảnh vườn của mình. Chính nơi đó đã nuôi sống họ và cộng đồng. Nếu như trong chăn nuôi, người ta có thể di chuyển dễ dàng đàn gia xúc của mình từ nơi này đến nơi khác, thì người nông dân không thể di chuyển cả miếng đất, mảnh vườn đi theo mình. Họ gắn chặt với mảnh đất đó, với cộng đồng nơi họ cư trú. Khi không còn “canh nông” nữa thì cũng không dễ dàng rời bỏ quê hương mình, bởi “li nông bất li hương”(离农不离乡/离土不离 111
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 1 (2020): 107-116 乡). Theo Nguyễn Ngọc Thơ (2011), tính cộng đồng và tính dân chủ cao trong lối sống tập thể, dung hợp trong tiếp nhận văn hóa là những đặc trưng cơ bản của văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước phương Nam (Nguyen, 2011, p.50). Khi đối diện với sự tấn công của các thế lực bên ngoài, hai miền thể hiện sự khác nhau trong việc tập hợp lực lượng để phản kháng và xác định đối tượng phản kháng. Người miền Nam có xu hướng phát huy tính cộng đồng cùng nhau đoàn kết chống lại lực lượng bên ngoài, trong khi người miền Bắc có xu hướng “mượn tay” lực lượng bên ngoài (quốc tế) để “chống lại các phe phái khác ở bên trong” (He, 2012). Khi bàn về hai miền Bắc – Nam Trung Quốc trong bài viết “Bắc Trung Quốc và Nam Trung Quốc” (北中国与南中国), Pan Guangdan (2009) cho rằng Cách mạng Tân Hợi xuất phát từ miền Nam và cũng chính lực lượng cách mạng miền Nam đã bắt buộc hoàng đế thoái vị. Nhìn chung, tính cách cộng đồng của người Trung Quốc cực kì yếu ớt, vì vậy không thể chọn phương thức chính trị có tính dân chủ. Nhưng cách mạng Tân Hợi đã xây dựng một chính phủ dân chủ. Đây lại là công việc do người miền Nam làm. Cũng theo Pan Guangdan, “tính trách nhiệm cộng đồng của người Trung Quốc không phải không có nhưng chỉ có thể thấy được ở miền Nam” (Pan, 2009, p.21). Theo triết lí âm dương, cực âm sẽ sinh dương mà cực dương sẽ sinh âm. Tính quốc tế một khi quá được đề cao có thể dẫn đến coi nhẹ quốc gia. Con người sẵn sàng ra đi để tìm “minh chủ” hơn là ở lại trung thành với đất nước. Ở điểm này, Lưu Á Châu, một vị tướng của quân đội Trung Quốc đã cho rằng: “Người Trung Quốc dốc lòng trung thành với cá nhân, chứ không dốc lòng trung thành với đất nước. Ai có lợi cho mình thì mình theo người đó” (Luu, 2010, p.140). Ngược lại, nếu tính trách nhiệm với cộng đồng làng xã quá được đề cao, có thể dẫn đến thủ tiêu vai trò cá nhân trong cộng đồng. 3.2. Mạnh mẽ và nhu mềm Người miền Bắc sống ở nơi được coi là trung tâm của các cuộc đấu tranh chính trị Trung Quốc, nơi mà sự thịnh suy của vương triều đều có liên quan đến vận mệnh sinh tử của cá nhân. Để có thể tồn tại trong môi trường như vậy, tính cách của người miền Bắc trở nên mạnh mẽ hơn. Theo Zhang Renfu (2009), cá tính mạnh mẽ đó kết hợp với phẩm chất “giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục”3, chính là khí khái lẫm liệt bất khả xâm phạm, phong cách mạnh mẽ (Truong, 2009, p.32). Ngược lại, người miền Nam sống ở nơi được coi là “vùng tĩnh” (静态区域) yên bình với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, là nơi người miền Bắc “chạy loạn dạt về phương Nam”. Sống lâu ngày trong môi trường đó, tính cách người miền Nam thể hiện sự hài hòa, lãng mạn và có phần cầu an. 3 Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (富不能淫贵 , 贫贱不能移 , 威武不能屈 ) 112
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Minh Trí Người miền Bắc với tính cách mạnh mẽ của mình, thể hiện và duy trì sự nhiệt tình đối với mục tiêu chính trị mà họ theo đuổi. Khi gặp trở ngại, họ không những không giảm mức độ nhiệt tình đối với chính trị mà trái lại còn có thêm động lực mạnh mẽ để tiếp tục theo đuổi mục tiêu đó. Trong khi đó, người miền Nam tuy có lí tưởng xã hội, nhưng khi gặp trắc trở thì dễ trở nên ưu tư và bi quan (Truong, 2009, p.34). Sự ưu tư và bi quan đó khiến cho người miền Nam dễ trở nên mềm yếu. So với người miền Bắc, người miền Nam có cuộc sống tương đối an lành và yên ổn, nên khi gặp khó khăn, trắc trở thường dễ ưu tư và cầu an. Từ thực tiễn cuộc sống như vậy, các tác giả miền Nam sáng tác thơ thường có lời “lâm li, ủy mị”, trong khi các tác giả miền Bắc với tính cách thượng võ, dũng mãnh, ngang tàng, nên thơ thường có lời ca “hùng hồn, nhiều khi gần như thô tục” (Nguyen, 1966/1997, p.179). Thơ miền Nam thường tả nỗi u sầu của người khuê phụ, cảnh nến hồng gác tía, kể hết mọi nỗi sầu khổ tương tư. Trong khi đó, thơ của miền Bắc lại lấy đề tài ngay ở cảnh sắc hoang vu của miền này với giọng thơ cởi mở, hào phóng, chất phác. Trong số đó, đáng chú ý là bài “Sắc lặc ca” (敕勒歌): “Dòng sông Sắc lặc/ Dưới núi Âm Sơn/ Trời như liều vải bao trùm bốn phương/ Trời xanh xanh, đất mênh mông, gió lay dưới có thấy bầy trâu dê”. Chính nhờ vào khí lực của mấy câu thơ này mà một vị đại tướng của Bắc triều, sau khi bại trận ông đã khích lệ được quân sĩ, khiến lòng quân lại phấn khởi, để trở lại chiến trường (Lam, 1935/2001, p.45-47). Khi nói chuyện thì giọng của người miền Bắc, đặc biệt là giọng Bắc Kinh “rõ ràng, sáng sủa, thanh điệu nặng nhẹ chuyển biến rõ ràng”, còn giọng của người miền Nam, đặc biệt là giọng của phụ nữ Tô Châu, “ngọt ngào, mềm mại”, “chỗ xuống chỗ lên như đợt sóng”. Khi cất lên tiếng ca, giọng của người miền Bắc cao mà vọng đi xa, giọng ca đó “như gió lốc bay tung trên ngọn núi”, ngược lại giọng của người miền Nam thấp, “nghẹn ngào như thở vắn than dài, như rên rỉ vì hen suyễn lâu ngày” (Lam, 1935/2001, p.43-44). Tính cách mạnh mẽ của người miền Bắc và tính nhu mềm của người miền Nam còn được đánh giá thông qua đặc tính phụ nữ (Ai Yun, 2009; Du Yu, 2010). Phụ nữ miền Nam nhẹ nhàng, khép kín, phụ nữ miền Bắc thì mạnh mẽ, phóng khoáng. Phụ nữ miền Nam thường thể hiện sự thùy mị, nhẹ nhàng, coi trọng cuộc sống kinh tế và thường rời xa chính trị. Phụ nữ miền Bắc thì nhiệt huyết, thô kệch, nhiệt tình với chính trị và coi trọng việc làm quan. Đặc điểm này có thể thấy rõ qua danh hiệu “hoàng hậu chính thức đầu tiên”4 và “nữ hoàng đế duy nhất”5 trong lịch sử Trung Quốc đều thuộc về phụ nữ miền Bắc, trong khi danh hiệu “nữ tỉ phú”6 lại thiên về phụ nữ miền Nam. 4 Lã Hậu (241-180 TCN) 5 Võ Tắc Thiên (624-705) 6 113
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 1 (2020): 107-116 Trong khi đó, theo Trần Phú Huệ Quang (2012), tính “tự cường” và tính “khiêm nhu” còn thể hiện ở cách làm chính trị hai miền mà điển hình là lí thuyết của Khổng Tử và Lão Tử. Khổng Tử mưu cầu “bình thiên hạ”, trong khi Lão Tử vui với “nước nhỏ ít dân”. Khổng Tử cho rằng muốn quy thuận được thiên hạ, người cai trị phải làm sáng, làm lớn cái đức của họ, làm tôn nghiêm cái vị thế của họ, làm uy nghiêm cái tư thế của họ. Lão Tử thì lại cho rằng muốn thiên hạ quy thuận thì người cai trị phải đứng sau thiên hạ. Có thể thấy rằng tính mạnh mẽ và tính nhu mềm là một cặp giá trị biểu hiện của tính gia tộc và tính cộng đồng làng xã. Song, tính mạnh mẽ và tính nhu mềm chỉ có thể là giá trị nếu được đặt đúng vào không gian, thời gian và chủ thể. Mạnh mẽ quá mức có thể dẫn đến gia trưởng, độc đoán và không phát huy được tác dụng. Câu chuyện về một sĩ quan quân đội người miền Bắc Trung Quốc ra lệnh cho một đội quân người miền Nam cất bước đi được Lâm Ngữ Đường (1935/2001) nêu ra là một ví dụ điển hình. Khẩu lệnh mạnh mẽ, dứt khoát của người miền Bắc đã không phát huy được tác dụng khi đến miền Nam, thay vào đó là giọng điệu uyển chuyển, gợi cảm lại mang đến hiệu quả. Ngược lại, nếu nhu mềm quá mức có thể dẫn đến yếu đuối, hèn nhát. Câu chuyện về 100 binh lính Nhật có thể áp giải đến 50.000 tù binh người Trung Quốc tới tỉnh Giang Tô, miền Nam để xử bắn cũng là một ví dụ điển hình (Luu, 2010, p.147). 4. Kết luận Trong lĩnh vực văn hóa tổ chức, do sự khác biệt về môi trường tự nhiên, môi trường tộc người và bối cảnh xã hội, nên tính cách văn hóa hai miền Bắc Nam Trung Quốc có sự khác biệt rõ rệt theo hướng người miền Bắc thiên về coi trọng gia tộc, người miền Nam thiên về coi trọng trách nhiệm với cộng đồng làng xã. Tính gia tộc ở miền Bắc có biểu hiện là tính hướng ra quốc tế và tính mạnh mẽ. Trong khi đó, tính cộng đồng có biểu hiện giá trị là tính coi trọng trách nhiệm với cộng đồng làng xã và tính nhu mềm. Các biểu hiện giá trị này tạo thành các cặp đối lập nhau giữa hai miền Bắc Nam Trung Quốc: coi trọng hướng ra quốc tế – coi trọng trách nhiệm cộng đồng làng xã; tính mạnh mẽ – tính nhu mềm. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt giá trị thì tính gia tộc ở miền Bắc và tính cộng đồng làng xã ở miền Nam cũng có những mặt phi giá trị. Hướng ra quốc tế quá mức có thể dẫn đến coi nhẹ quốc gia, quá coi trọng sự mạnh mẽ dễ dẫn đến bảo thủ, độc đoán và coi thường sự mềm mỏng; quá coi trọng trách nhiệm với cộng đồng làng xã dễ dẫn đến ít quan tâm đến lợi ích cá nhân, coi trọng nhu mềm quá mức có thể trở nên tính xấu là nhát sợ; thường hay thỏa hiệp. Do vậy, trong quá trình giao tiếp để phát huy những mặt giá trị và hạn chế mặt phi giá trị, người miền Bắc dần dần bổ sung tính coi trọng trách nhiệm với cộng đồng làng xã và tính nhu mềm; tương tự, người miền Nam cũng dần bổ sung tính hướng ra quốc tế và tính mạnh mẽ. Tuyên bố về quyền lợi: Tác giả xác nhận hoàn toàn không có xung đột về quyền lợi. 114
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Nguyễn Minh Trí TÀI LIỆU THAM KHẢO Ai Yun (2009). Southern women and Northern women [Nanfang nuren yu beifang nuren]. Yao Songliu (editor). Northern and Southern people [Bei ren yu nan ren]. Beijing: China Personnel Press, 63-70. Chau Thi Hai (20018). Vietnamese and Southeast Asian Chinese [Nguoi Hoa Viet Nam va Dong Nam A]. Hanoi: National Political Publishing House. Da Trach (2007). People in the view of Confucianism [Con nguoi trong cai nhin cua Nho giao]. Retrieved from Dao Duy Anh (compile) (1932/2005). A summary but complete Chinese – Vietnamese dictionary [Han Viet tu dien gian yeu]. Hanoi: Culture and Information Publishing House. Du Yu (2010). Chinese characteristic map [Zhongguo ren renge ditu]. Jin Cheng Press. Fan Yong (2009). Chinese's cultural characteristic [Zhongguo ren de wenhua xingge]. Central Compilation and Translation Press. Hoang Phe (chief editor) (1998/2003). Vietnamese dictionary [Tu dien tieng Viet]. Hanoi – Danang: The Center of Lexicography Publishing House. He Xuefeng (2012). Discussing about the regional differences in China's rural area from the view of the village's social structure [Lun zhongguo nongcun de quyu chayi - Cunzhuang shehui jiegou de shijiao]. Open Time Magazine, Issue 10, 2012- Lam Ngu Duong (1935/2001). My Country and My People [Trung Hoa dat nuoc con nguoi] (Translation of Tran Van Tu). Hanoi: Culture and Information Publishing House. Luu A Chau (2010). Faith and Morality, printed in China's Political system Reform Issues [Niem tin va dao duc, Van de cai cach he thong chinh tri cua Trung Quoc] (behind the controversial statements of Prime Minister Wen Jiabao) (Nguyen Van Lap, editor), special References, Vietnam News Agency, 96-164). Nguyen Hien Le (1966/1997). Overview of the Chinese literary history [Dai cuong Van hoc su Trung Quoc]. Tre Publishing House. Nguyen Ngoc Tho (2011). Baiyue culture in Lingnan region in relation to the traditional culture of Vietnam [Van hoa Bach Viet vung Linh Nam trong moi quan he voi van hoa truyen thong Viet Nam] (scientific instructor: Tran Ngoc Them, Chen Yi Yuan). Pan Guangdan (2009). Northern and Southern China [Bei zhongguo yu nan zhongguo]. Yao Songliu (editor). Northern and Southern people [Bei ren yu nan ren]. Beijing: China Personnel Press, 20-29. Ren Dayuan (2004/2008). Chinese culture types and characteristics [Zhongguo wenhua leixing he tedian]. Zhang Dainian & Fang Keli (chief editor). Introduction to Chinese Culture [Zhongguo wenhua gailun]. Beijing: Beijing Normal University Press, 265-284. Tran Ngoc Them (1996/2004). Finding out about Vietnamese cultural identity: A look at the system of type [Tim ve ban sac van hoa Viet Nam: Cai nhin he thong loai hinh]. Ho Chi Minh City: General Publishing House. 115
- Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 17, Số 1 (2020): 107-116 Tran Ngoc Them (chief editor) (2014). The Culture of Mekong Delta Vietnamese [Van hoa nguoi Viet vung Tay Nam Bo]. Ho Chi Minh City: The Culture–Literature and Arts Publishing House. Tran Ngoc Them (2016). Vietnam's value system from tradition to modernity and the way to the future [He gia tri Viet Nam tu truyen thong den hien dai]. Ho Chi Minh City: The Culture– Literature and Arts Publishing House. Tran Phu Hue Quang (2012). Comparing the differences between the two lines of ideology in North and South China: Confucianism and Taoism [So sanh khac biet hai dong tu tuong Nam Bac Trung Quoc: Nho gia va Dao gia]. Retrieved from –cuu/van–hoa–the–gioi/van–hoa–trung–hoa–va–dong–bac– a/2216–tran–phu–hue–quang–so–sanh–khac–biet–hai–dong–tu–tuong–nam–bac–trung– quoc.html Tran Trong Sam, & Kieu Bach Vu Thuan (2003). The Confucian Four Books [Tu Thu]. Hanoi: People’s Army Publishing House. The National Council on compilation direction of Vietnamese Encyclopedia (1995). Vietnamese Encyclopedia [Tu dien bach khoa Viet Nam]. 1. Hanoi: Encyclopedia Publishing House. The National Council on compilation direction of Vietnamese Encyclopedia (2003). Vietnamese Encyclopedia [Tu dien bach khoa Viet Nam]. 3. Hanoi: Encyclopedia Publishing House. Zhang Renfu. (2009). Cultural Psychological Structure of Northern and Southern China [Zhongguo nenbei wenhua xinli jiegou]. Yao Songliu (editor). Northern and Southern people [Bei ren yu nan ren]. Beijing: China Personnel Press, 30-36. THE CHARACTERISTIC OF APPRECIATION OF FAMILY AND VILLAGE COMMUNITY IN NORTHERN AND SOUTHERN CHINESE CULTURE Nguyen Minh Tri Department of Tourism of Ho Chi Minh City Corresponding author: Nguyen Minh Tri – Email: nguyenminhtrihcm@gmail.com Received: June 27, 2019; Revised: October 20, 2019; Accepted: December 15, 2019 ABSTRACT China is a huge country with many differences between regions. Among those differences, the cultural differences between north and south are the largest and clearest. They have been shown in many fields, especially in the act of organizing culture. The northern has trend to appreciate family, the southern has trend to attach importance to village community. The expression of the characteristic of family is intenseness and toward internation. Meanwhile, the expression of the characteristic of village community is softness and the tendency of appreciation responsibility of village community. The article outlines the picture of the northern and southern Chinese cultural characteristics in the act of organizing culture, therefrom we can know the contributions of the North and South to building the value system of China. Keywords: Chinese cultural characteristics; village community; family; Northern and Southern Chinese culture 116