Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới hiện nay và ứng phó của Việt Nam

pdf 16 trang Gia Huy 18/05/2022 2430
Bạn đang xem tài liệu "Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới hiện nay và ứng phó của Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfxu_huong_bao_ho_thuong_mai_tren_the_gioi_hien_nay_va_ung_pho.pdf

Nội dung text: Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới hiện nay và ứng phó của Việt Nam

  1. XU HƯỚNG BẢO HỘ THƯƠNG MẠI TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY VÀ ỨNG PHÓ CỦA VIỆT NAM TRADE PROTECTION TRENDS AND RESPONSIBILITIES OF VIETNAM PGS.TS Phan Thế Công ThS. Hồ Thị Mai Sương Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Từ nhiều năm qua, chính sách thương mại của các nước trên thế giới đang thể hiện rõ hai xu thế đối ngược nhau, bao gồm tự do hóa thương mại và bảo hộ thương mại. Trong xu thế nhiều quốc gia bị thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, các biện pháp bảo hộ hay hạn chế thương mại được những quốc gia này thực hiện nhằm bảo vệ sản xuất trong nước như các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, bao gồm: tăng thuế nhập khẩu, trợ cấp, hạn ngạch, Bài viết đã chỉ ra các biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới và các tác động của việc hạn chế thương mại đến thương mại quốc tế. Đồng thời phân tích các ứng phó của Việt Nam trước xu thế bảo hộ thương mại của các quốc gia nhằm thích ứng với xu thế mới trong thương mại toàn cầu. Từ khóa: Chủ nghĩa bảo hộ; Bảo hộ thương mại, Hạn chế thương mại; Tự do hóa thương mại. Abstract For many years, trade policies of countries around the world have clearly shown two opposing trends, including trade liberalization and trade protection. In the trend of many countries with large and prolonged trade deficits, trade protection or restrictive measures are implemented by these countries to protect domestic production such as tariff and non-tariff barriers, including: increasing import taxes, subsidies, quotas, etc. The article has pointed out the manifestations of world trade protectionism and the effects of trade restrictions on international trade. At the same time, analyze Vietnam's responses to the countries' trade protectionism trend in order to adapt to the new trend in global trade. Keywords: Protectionism; Trade protection, Trade restriction; Trade liberalization. 1. Đặt vấn đề Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại tăng trưởng cao cho thương mại quốc tế đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế cho nhiều quốc gia trên thế giới. Xu thế phát triển toàn cầu được đánh dấu bằng sự ra đời của Hiệp định chung về thế quan và mậu dịch (GATT) - tiền thân của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ra đời vào năm 1995, WTO là tổ chức quốc tế duy nhất đưa ra các nguyên tắc thương mại giữa các quốc gia trên thế giới trong đó các thành viên sẽ đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trao đổi thương mại giữa các thành viên. 257
  2. Các quốc gia trên thế giới đã thu được nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Theo báo cáo của WTO (2019), hiện nay các thành viên của WTO đã thực hiện 120 biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại góp phần tăng tổng giá trị thương mại do các biện pháp này khoảng 544,7 tỷ USD. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã chứng minh sự đóng góp của toàn cầu hóa khoảng 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống ở các nước đang phát triển. Đồng thời theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển có thể tăng thêm thu nhập 142 tỷ USD mỗi năm nếu các biện pháp bảo hộ thương mại được gỡ bỏ hoàn toàn. (Nguyễn Mại, 2018) Việt Nam đã thực hiện quá trình đổi mới từ năm 1986, mở cửa thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực. Mốc quan trọng khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 đã đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Trong quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam, các hiệp định song phương và đa phương được đàm phán và ký kết, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam như thu hút đầu tư nước ngoài; cắt giảm thuế quan của hàng hóa xuất nhập khẩu tạo nên cơ hội cạnh tranh; Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên thế giới đã xuất hiện một xu hướng đối lập với tự do hóa thương mại chính là chủ nghĩa bảo hộ. Các quan điểm ủng hộ cho bảo hộ thương mại đưa ra các lý lẽ giải thích nguyên nhân mà các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế thương mại. Các nguyên nhân đó liên quan đến an ninh quốc phòng của quốc gia, giải quyết thâm hụt thương mại, giải quyết việc làm, bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ và đảm bảo thương mại công bằng. Hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ đã có xu hướng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới và biểu hiện của nó cũng rất đa dạng như việc Mỹ thực hiện các biện pháp thuế quan đối với các hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, gây nên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018; hoặc sự kiện Anh rút khỏi EU. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ cũng là những biểu hiện cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế thương mại trên thế giới. Trước tình hình đó, Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ vấn đề bảo hộ thương mại của các quốc gia là bạn hàng. Hiện nay, Việt Nam đã và đang thúc đẩy quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới nhằm tận dụng được các lợi thế của tự do thương mại. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong quan hệ thương mại quốc tế. Đặc biệt, xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều quốc gia như Mỹ cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần chủ động trong việc theo dõi các biến động về quan hệ kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới để có thể có những biện pháp ứng phó kịp thời theo nhiều kịch bản khác nhau. 2. Tổng quan về chủ nghĩa bảo hộ thương mại Theo Amadeo (2017), bảo hộ thương mại là chính sách bảo vệ nền công nghiệp trong nước với nước ngoài - chính sách này tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các quốc gia. Chính sách bảo hộ có ý nghĩa trong ngắn hạn nhưng nó lại làm giảm khả năng 258
  3. cạnh tranh của các quốc gia và các ngành công nghiệp của quốc gia đó trong thương mại quốc tế. Chủ nghĩa bảo hộ là tổng hợp các chính sách của chính phủ nhằm giúp các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh với nước ngoài trong một lĩnh vực công nghiệp cụ thể, bằng cách nâng giá bán của các sản phẩm nước ngoài, giảm chi phí cho các nhà sản xuất trong nước và hạn chế sự gia nhập của các nhà sản xuất nước ngoài vào thị trường nội địa. Các quan điểm bảo vệ chủ nghĩa bảo hộ thương mại cho rằng các biện pháp hạn chế thương mại nhằm mục đích an ninh quốc phòng, giải quyết thâm hụt thương mại, giải quyết việc làm, bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ và đảm bảo thương mại công bằng (Abboushi, 2010). Chủ nghĩa bảo hộ thương mại là một thuật ngữ kinh tế học để chỉ việc các quốc gia áp dụng các biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước cạnh tranh của nước ngoài như nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn lao động, môi trường, xuất xứ, hoặc các chính sách thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng. Chính sách này nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ đối thủ cạnh tranh nước ngoài với mức giá thấp hơn. (Nguyễn Mại, 2018) Abboushi (2010) cho rằng các phương thức nhằm bảo hộ sản xuất trong nước bao gồm: Sử dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu; áp dụng trần hạn ngạch đối với số lượng hàng hóa nước ngoài được bán ở thị trường trong nước, trong đó hạn chế cung cấp và tăng giá sản phẩm nhập khẩu; các biện pháp rào cản liên quan đến sản phẩm nhập khẩu; trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước như giảm thuế, trợ cấp tiền mặt; kiểm soát tiền tệ. Cùng quan điểm trên, Amadeo (2017) đã đưa ra bốn công cụ cơ bản để bảo hộ thương mại bao gồm chính sách thuế, chính sách trợ cấp, hạn ngạch và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách được sử dụng nhiều nhất chính là chính sách thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, dịch vụ tăng lên làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên nhanh chóng và trở nên kém cạnh tranh với các hàng hóa trong nước. Đây là phương pháp tốt nhất đối với các quốc gia có nhiều hàng hóa nhập khẩu giống như Mỹ. Demir and Sepli (2017) phân chia các biện pháp bảo hộ thương mại bao gồm hai loại: biện pháp thuế quan và phi thuế quan. Biện pháp thuế quan chủ yếu là thuế nhập khẩu - làm tăng giá của hàng nhập khẩu từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm nhập khẩu. Các biện pháp phi thuế bao gồm: Hạn ngạch nhập khẩu; Cấm nhập khẩu; Kiểm soát tiền tệ nước ngoài; Hệ thống đa tiền tệ, Thuế nhập khẩu biến đổi, bán phá giá, thành lập Cartels; Trợ cấp cho các ngành sản xuất kinh doanh trong nước; Trợ cấp xuất khẩu, thuế xuất khẩu; Hạn chế xuất khẩu tự nguyện; Nghĩa vụ đóng góp trong nước; Chính sách mua hàng của các tổ chức công; Tiêu chuẩn sức khỏe, an ninh và môi trường, Áp dụng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thương mại và trí tuệ. Ngoài ra, Yalcin, Felbermayr, and Kinzius (2017) cho rằng các biện pháp bảo hộ thương mại bao gồm những rào cản phi thuế như trợ cấp, các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại), các hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các hiệp định về việc sử dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS). Như vậy, chủ nghĩa bảo hộ chính là xu thế các quốc gia sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại như thuế, trợ cấp, hạn ngạch, bán phá giá, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của nước ngoài. 259
  4. 3. Nhận diện chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới trong giai đoạn hiện nay 3.1. Sự hình thành của bảo hộ thương mại trên thế giới trong giai đoạn hiện nay Sự phát triển của tự do hóa thương mại trong tương lai chắc chắn là một vấn đề mà hầu hết các nước trên thế giới đều thúc đẩy tiến tới. Tuy nhiên, tự do hóa thương mại song phương hay toàn cầu vẫn là một vấn đề đang được tranh cãi. Do những lợi ích về kinh tế và thương mại của việc tự do hóa toàn cầu, nên xu hướng giảm thuế của các quốc gia trong tương lai giúp gỡ bỏ các rào cản nhập khẩu. Tuy vậy, tốc độ cắt giảm thuế của các quốc gia có sự phát triển về kinh tế khác nhau có thể sẽ khác nhau. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển, vốn đã có mức thuế nhập khẩu thấp sẽ có tốc độ tự do hóa thương mại chậm. Trong khi đó, các nước đang phát triển, với mức thuế nhập khẩu cao và nhu cầu tiêu dùng đa dạng sẽ có động lực hơn trong việc thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng song hành là chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Nhiều nước trên thế giới đã gia tăng nhanh chóng các biện pháp hạn chế thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó bao gồm cả xu hướng bảo hộ thương mại bằng thuế quan và phi thuế quan. Về các biện pháp thuế quan, các quốc gia phát triển có mức thuế quan thấp, nhưng tốc độ cắt giảm sẽ chậm hơn, các quốc gia đang phát triển có mức thuế quan cao nhưng có tốc độ cắt giảm thuế quan sẽ nhanh hơn. Tại Mỹ, một trong các hành động lập pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ngừng đàm phán FTA với EU, tiếp đó là áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với sản phẩm của nhiều nước như nhôm, thép cuốn; đặt ra yêu sách với Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách mở cửa thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ (Nguyễn Mại, 2018). Mỹ kể từ năm 2016 các chính sách thương mại của Mỹ chuyển trọng tâm sang áp dụng các chính sách nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và củng cố nền kinh tế. Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là các chính sách hạn chế thương mại mà Mỹ đã thực hiện trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2015 - 2017, Mỹ đã thực hiện thêm 133 vụ điều tra chống bán phá giá mới được Mỹ khởi xướng. Tính đến cuối tháng 7 năm 2018, có khoảng 340 lệnh áp thuế chống bán phá giá và 109 lệnh thuế chống trợ cấp được Mỹ duy trì. Hơn nữa, năm 2018, Mỹ đã thực hiện cách tiếp cận mới trong chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump, đưa ra nhiều biện pháp có tính chất hạn chế thương mại với phạm vi và quy mô ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với các biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống. Tháng 3 năm 2018, Mỹ tuyên bố tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép của các nước xuất khẩu vào Mỹ sau khi đã điều tra và kết luận rằng nhôm và thép nhập khẩu gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tiếp theo, các mặt hàng như ô tô, u-ra-ni-um cũng được Mỹ điều tra. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng xuất pháp từ cách tiếp cận này. Mỹ điều tra việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với rất nhiều sản phẩm của nước này và yêu cầu đánh thuế theo mức độ mà Trung Quốc vi phạm. Quy mô của gói ấp thuế ban đầu là 50 tỷ USD, và đến năm 2018 đã tăng lên 250 tỷ USD sau khi Trung Quốc tiến hành trả đũa gói áp thuế ban đầu. (Cục phòng vệ thương mại, 2019) Sự kiện Brexit - nước Anh đã rời khỏi EU là một vấn đề hết sức quan trọng thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Nước Anh và EU sẽ phải đàm phán lại các thỏa thuận 260
  5. về thương mại. Nếu các thỏa thuận với EU theo các hiệp định thương mại tự do ưu đãi của EU thất bại sau Brexit thì nước Anh sẽ trở lại theo các quy tắc của WTO, theo đó các mức thuế sẽ cao hơn so với các hiệp định ưu đãi của EU. Hiện nay, EU chiếm khoảng một nửa thương mại hàng hóa của Anh, do đó, nếu sau Brexit không đạt được các thỏa thuận theo hiệp định thương mại tự do EU thì phần lớn thương mại của Anh sẽ bị áp dụng mức thuế cao. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế trên thế giới đang thực hiện chính sách thương mại theo hướng hạn chế nhập khẩu bằng nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu. Về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp trả đũa Mỹ bằng cách áp thuế lên hàng hóa của Mỹ. Một số quốc gia khác trên thế giới ủng hộ quan điểm bảo hộ thương mại, đã thực hiện các biện pháp áp thuế nhập khẩu cao nên các sản phẩm này khó cạnh tranh với các sản phẩm trong nước. Do đó, người tiêu dùng được mua các sản phẩm trong nước với mức giá thấp hơn; người sản xuất được bảo hộ nên có thể bán nhiều sản phẩm của mình thu được mức lợi nhuận cao hơn. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đang có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy, các biện pháp hạn chế thương mại trên thế giới được áp dụng ngày càng rộng rãi. Theo Bộ Công Thương (2019), trong khoảng giữa tháng 10 năm 2017 đến giữa tháng 5 năm 2018, các thành viên của WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại chiếm tới 40% tổng số lượng các biện pháp thương mại mà các nước đã thực hiện, trong đó 137 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ. Theo thống kê của Cục phòng vệ thương mại (2019), trong năm 2018, các nước trên thế giới đã khởi xướng mới 140 vụ kiện phòng vệ thương mại trong đó có 87 vụ chống bán phá giá, 37 vụ chống trợ cấp và 16 vụ tự vệ. Đối với biện pháp chống bán phá giá, số vụ việc mới áp dụng trên số vụ khởi xướng ở Mỹ là nhiều nhất với 9/16, tiếp theo là Canada với 5/6 vụ, Ấn Độ 5/3 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 2/3 vụ, Trung quốc 1/6 vụ, Ác-hen-ti-na 1/9 vụ. Đối với biện pháp chống trợ cấp, số vụ việc mới áp dụng trên số vụ khởi xướng ở Mỹ vẫn là nhiều nhất với 10/14 vụ, Canada 2/2 vụ, EU 1/2 vụ. Ngoài ra, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan - Trung Quốc, cũng đã khởi xướng biện pháp chống trợ cấp. Đối với biện pháp tự vệ, trên thế giới có 04 biện pháp tự vệ được khởi xướng và áp dụng ở các nước EU, Nhật Bản, Indonesia và SACU. Bên cạnh đó, cũng có một số quốc gia cũng đã khởi xướng biện pháp tự vệ như Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippin, Chi lê. 261
  6. Hình 1. Cơ cấu nhóm hàng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới Nguồn: Bộ Công Thương (2019) Về cơ cấu hàng hóa áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì phạm vi áp dụng rộng với nhiều nhóm hàng hóa. Trong giai đoạn 2017 - 2018, sản phẩm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cao nhất là nhóm hàng sắt, thép với 40,2% lớn hơn rất nhiều so với nhóm hàng hóa tiếp theo là nhựa và sản phẩm nhựa với 11,2%; nhóm hàng hóa xe cộ và phụ tùng với 10,2%. Các sản phẩm sản xuất từ sắt, thép cũng nằm trong danh mục sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm 9%. Trong các cuộc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng hộ thương mại, các quốc gia có xu hướng mở rộng phạm vi về thị trường và mặt hàng; các vụ điều tra đều đặt ra các yêu cầu khắc khe hơn nhằm đưa ra mức độ bảo hộ cao; gia tăng các biện pháp phi truyền thống. 3.2. Tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại tới thương mại thế giới Theo WTO (2019), hiện nay, các biện pháp hạn chế thương mại đã được các thành viên WTO áp dụng đã gia tăng một cách nhanh chóng với khoảng 102 biện pháp, bao gồm các biện pháp tăng thuế, tăng các hạn chế định lượng, thắt chặt thủ tục hải quan, tăng thuế nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa, 262
  7. Hình 2. Tác động của các biện pháp bảo hộ thương mại đến thương mại quốc tế giai đoạn 2012 - 2019 (Đơn vị: Tỷ USD) Nguồn: WTO (2019) Trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2012 đến tháng 10 năm 2019, tổng giá trị thương mại bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các biên pháp bảo hộ thương mại có nhiều sự biến động. Giai đoạn tháng 10 năm 2012 đến tháng 10 năm 2013, tác động này là 201 tỷ USD, trong khi giai đoạn tháng 10 năm 2016 đến tháng 10 năm 2017 lại giảm còn 79 tỷ USD. Con số này lại tăng nhanh chóng trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 10 năm 2019. Giai đoạn từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 10 năm 2019, tổng giá trị thương mại bị ảnh hưởng do việc áp dụng các biện pháp này dự tính khoảng 747 tỷ USD - tăng khoảng 27% so với năm 2017 (ở mức 588 tỷ USD). Đây là con số lớn nhất trong giai đoạn 2012 - 2019. Những mặt hàng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế nhập khẩu mới này tập trung vào: khoáng sản và dầu đốt (17,7%); máy móc thiết bị cơ khí (13%); máy móc, bộ phận điện (11,7%) và; kim loại quý (6%). Theo WB (2020), các nước G20 đã thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại từ năm 2018 đã ảnh hưởng đến thương mại thế giới với tổng giá trị hơn một nghìn tỷ đô la chiếm gần 7% thương mại toàn cầu. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ tác động đến hai nước mà còn tác động đến các nước thứ ba. Năm 2019 đánh dấu sự leo thang căng thẳng của cuộc chiến trang thương mại Mỹ - Trung, các biện pháp áp thuế mới được thực hiện trên hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai quốc gia, dẫn đến thiệt hại lớn cho thương mại quốc tế. Cuộc chiến này có tác động đến các mối quan hệ thương mại trên thế giới như giữa Mỹ với EU hay giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo dự báo của OECD (2020), thương mại quốc tế và GDP của hai nước Mỹ, Trung và của toàn cầu sẽ có sự khác nhau sau khi hai nước ký kết được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1 năm 2020. Thỏa thuận giai đoạn 1 đi đến thống nhất Trung Quốc cam kết mua ít nhất 200 tỉ USD các sản phẩm nông nghiệp cùng những hàng hóa và dịch vụ khác của Mỹ trong vòng hai năm 2020 - 2021, hơn mức cơ bản là 186 tỉ USD trong năm 2017. 263
  8. Hình 3. Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong giai đoạn 2020 - 2021 trước và sau khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 (đơn vị: %) Nguồn: OECD (2020) Căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung làm giảm GDP của toàn cầu và GDP của Trung Quốc và Mỹ, đồng thời tác động làm giảm thương mại quốc tế. Tuy nhiên, dưới tác động của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một đã giảm tác động tiêu cực đến thương mại và GDP toàn cầu. Cụ thể, thương mại quốc tế giảm 1% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2021 sau khi Mỹ - Trung ký kết thỏa thuận thương mại thay vì 1,4% theo dự đoán nếu không có thỏa thuận thương mại giai đoạn một. GDP của Trung Quốc cũng được dự báo giảm khoảng 1% nếu không thỏa thuận. Các chỉ tiêu GDP của Mỹ và GDP của toàn cầu cũng được dự báo giảm dưới 1%. Theo nghiên cứu của Đinh Văn Sơn (2019), số lượng các vụ điều tra và các vụ tranh chấp về phòng vệ thương mại được thống kê bởi WTO cho thấy luôn ở mức cao, thậm chí tỷ lệ các vụ tranh chấp liên quan chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức cao nhất trong số các vụ tranh chấp được đưa ra cơ quan giải quyết tranh chấp bởi WTO. Trong đó, chống bán phá giá là biện pháp được sử dụng phổ biến hơn cả. Hàng xuất khẩu của các nước luôn có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, những năm gần đây, các nước còn thực hiện đánh thuế chống bán phá giá nhằm đảm bảo thương mại công bằng, tránh trường hợp nước bị áp thuế chống bán phá giá đưa hàng hóa qua một nước khác để xuất khẩu nhằm tránh thuế chống bán phá giá đang còn hiệu lực. Vì vậy, trong những năm tới, việc sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, thậm chí kết hợp các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, và biện pháp chống bán phá giá tránh lẩn thuế vẫn tiếp tục được các quốc gia coi trọng và sử dụng nhằm đảm bảo thương mại công bằng và phát triển bền vững. Như vậy, mặc dù các quốc gia ủng hộ các biện pháp bảo hộ thương mại đưa ra các nguyên nhân cho việc áp dụng các biện pháp này là do an ninh quốc gia, giải quyết việc 264
  9. làm, bảo vệ nền công nghiệp non trẻ, nhưng các các phân tích cho thấy, nó lại có tác động tiêu cực đến thương mại các quốc gia và thương mại toàn cầu. 4. Ứng phó của Việt Nam trước xu thế bảo hộ thương mại trên thế giới 4.1. Thực trạng về các ứng phó của Việt Nam trước xu thế bảo hộ thương mại trên thế giới Trong điều kiện hiện nay, khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại của một số nước đang có xu hướng gia tăng thì Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các hoạt động mở rộng nền kinh tế với sự tham gia các hiệp định song phương và đa phương. Theo Văn kiện đại hội Đảng lần thứ 12, Việt Nam “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Việt Nam được đánh dấu mốc quan trọng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chính là việc trở thành thành viên của ASEAN (1995). Hội nhập sâu và rộng vượt qua giới hạn khu vực khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới WTO vào năm 2007. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tham gia vào các FTA đã mang lại rất nhiều cơ hội và tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tác động đến cải thiện NSLĐ. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 11 FTA khu vực và song phương, bao gồm: FTA trong khối ASEAN (AFTA); 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác (với 06 đối tác là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ốt-xtrây-lia và Niu Di-lân); 4 FTA song phương (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản; FTA Việt Nam - Chi Lê, FTA Việt Nam - Hàn Quốc và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thỏa thuận FTA ASEAN - Hồng Kông; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo AFTA, đến năm 2018, các nước ASEAN đã xóa bỏ từ 96,3%-100% dòng thuế cho Việt Nam (thuế suất nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng của Sing-ga-po, Ma-lai-xia, In-đô- nê-xia, và Phi-líp-pin đều bằng 0% nên 50% kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN không sử dụng C/O mẫu D). Đối với 05 FTA giữa 10 nước ASEAN với 6 nước đối tác, thời gian để hoàn thành việc cắt giảm thuế của các nước ASEAN cũng đã gần hoàn thành. Đối với EVFTA, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam mở rộng đáng kể những cơ hội đầu tư và thương mại, vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn 27 thị trường của Liên minh châu Âu (EU), vốn là những thị trường lớn nhất của các sản phẩm điện tử của Việt Nam. Ngoài ra, EVFTA cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn dòng đầu tư chất lượng cao hơn từ EU. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với 265
  10. khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Bảng 1. Số lượng các hiệp định FTA song phương và đa phương của Việt Nam STT FTA Hiện trạng Đối tác FTAs đã có hiệu lực 1 AFTA Có hiệu lực từ 1993 ASEAN 2 ACFTA Có hiệu lực từ 2003 ASEAN, Trung Quốc 3 AKFTA Có hiệu lực từ 2007 ASEAN, Hàn Quốc 4 AJCEP Có hiệu lực từ 2008 ASEAN, Nhật Bản 5 VJEPA Có hiệu lực từ 2009 Việt Nam, Nhật Bản 6 AIFTA Có hiệu lực từ 2010 ASEAN, Ấn Độ 7 AANZFTA Có hiệu lực từ 2010 ASEAN, Úc, New Zealand 8 VCFTA Có hiệu lực từ 2014 Việt Nam, Chi Lê 9 VKFTA Có hiệu lực từ 2015 Việt Nam, Hàn Quốc 10 VN - EAEU Có hiệu lực từ 2016 Việt Nam, Nga, Belarus, FTA Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan 11 CPTPP Có hiệu lực từ 30/12/2018, Việt Nam, Canada, Mexico, (Tiền thân là có hiệu lực tại Việt Nam từ Peru, Chi Lê, New Zealand, Úc, TPP) 14/1/2019 Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia 12 AHKFTA Có hiệu lực tại Hồng Kông ASEAN, Hồng Kông (Trung (Trung Quốc), Lào, Quốc) Myanmar, Thái Lan, Singapore và Việt Nam từ 11/6/2019 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực 13 EVFTA Ngày 12/2/2020, Nghị viện Việt Nam, EU (27 thành viên) châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. FTA đang đàm phán 14 RCEP Khởi động đàm phán tháng ASEAN, Trung Quốc, Hàn 3/2013, hoàn tất đàm phán Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, văn kiện New Zealand 266
  11. 15 Việt Nam - Khởi động đàm phán tháng Việt Nam, EFTA (Thụy Sĩ, Na EFTA FTA 5/2012 uy, Iceland, Liechtenstein) 16 Việt Nam - Khởi động đàm phán tháng Việt Nam, Israel Israel FTA 12/2015 Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập ( cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018) Các nỗ lực để thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam được thể hiện thông qua tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ qua các năm. Theo Tổng cục hải quan (2019), kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2012 - 2019, cán cân thương mại thăng dư liên tục trong giai đoạn 2016 - 2019, năm 2015 đánh dấu sự thâm hụt cán cân thương mại. Hình 4. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giai đoạn năm 2011-2019 (đơn vị: tỷ USD) Nguồn: Tổng cục Hải quan (2020) Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 114,5 tỷ USD và tăng nhanh vào năm 2017 với 215,1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu năm 2012 cũng đạt với giá trị tương đương với 113,8 tỷ USD và tăng nhanh vào năm 2017 với 213 tỷ USD. Giá trị xuất nhập khẩu gia đoạn 2012 - 2014 xấp xỉ nhau thể hiện qua cán cân thương mại thấp. Năm 2015 đánh dấu nhập siêu với giá trị 3,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh trong 3 năm 2017, 2018 và 2019 với cán cân thương mại thặng dư tương ứng là 2,1 tỷ USD, 6,8 tỷ USD và 11,12 tỷ USD. Trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 36,69 tỷ USD) so với năm 2018. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%. 267
  12. Bảng 2. Kim ngạch XNK theo khối nước và một số thị trường lớn năm 2019 Tỷ trọng xuất khẩu (%) Tỷ trọng nhập khẩu (%) Thị trường 2017 2018 2019 2017 2018 2019 - ASEAN 10,1 10,07 9,4 13,3 13,42 12,7 - Trung Quốc 16,6 16,95 15,7 27,6 27,65 29,8 - Nhật Bản 7,9 7,74 7,7 7,9 8,03 7,7 - Hàn Quốc 6,9 7,48 7,5 22,1 20,07 18,5 - EU(28) 17,9 17,2 15,7 5,7 5,87 5,9 - Mỹ 19,4 19,52 23,2 4,4 5,93 5,7 Nguồn: Tổng cục Hải quan (2020) Trong giai đoạn 2017 - 2019, thị trường xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam lớn nhất là Mỹ, tiếp theo là thị trường EU và Trung Quốc. Năm 2017, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 19,4% đạt 41,6 tỷ USD tăng 8,2% so với năm 2016. Thị trường EU đứng thứ hai về tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam với gần 38,3 tỷ USD chiếm 17,9%, nhưng có tốc độ tăng so với năm 2016 cao hơn thị trường Mỹ là 12,7%. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 16,6% đạt gần 35,5 tỷ USD. Năm 2019, thị trường Mỹ vẫn tiếp tục giữ vị trí số một trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,35 tỷ USD tăng với tốc độ nhanh 29,1% so với năm 2018. Điều này giúp thị trường Mỹ chiếm 23,2 % trong tỷ trọng các thị trường xuất khẩu Việt Nam. Thị trường Trung Quốc và EU với tỷ trọng bằng nhau 15,7%. Thị trường nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này lớn nhất là thị trường Trung Quốc chiếm 27,6% năm 2017 với 58,3 tỷ USD tăng lên 29,8% năm 2019 với giá trị 75,45 tỷ USD. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc chiếm 22,1% năm 2017 và 18,5% năm 2019, nếu xét về giá trị nhập khẩu thì trong thời gian này không thay đổi với gần 47 tỷ USD. Cùng với quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do FTA của Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội cũng như thách thức liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong các FTA thế hệ mới, các quy định về thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các quốc gia thành viên được quy định với tiêu chuẩn cao hơn so với quy định của WTO. Do đó, với vai trò là các nước nhập khẩu, Việt Nam có thể dựa vào các quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA thế hệ mới nhằm thực hiện các biện pháp này phù hợp nhằm hạn chế các thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đối với các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ các nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động nắm bắt được các quy định nhằm chủ động hơn đối với các biện pháp này khi các doanh nghiệp Việt Nam bị áp dụng. 268
  13. 4.1.2. Các biện pháp phòng vệ thương mại Bối cảnh hiện nay là tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để tăng thuế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước. Đối với hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam, trong xu thế bảo hộ thương mại, các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam ngày càng được bảo hộ chặt chẽ bằng các biện pháp bán phá giá, trợ cấp, thì vấn đề pháp luật phòng vệ thương mại cần thiết được xây dựng ở Việt Nam nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp trong nước. Năm 2018, Luật Quản lý ngoại thương được xây dựng, ban hành và chính thức có hiệu lực đã giúp việc điều tra, áp dụng và xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại có cơ sở pháp lý mạnh và đầy đủ. Các Nghị định, thông tư hướng dẫn về phòng vệ thương mại đã được ban hành, thay thế cho các văn bản dưới luật về lĩnh vực này. Các biện pháp phòng vệ đã được khởi xướng và áp dụng ở Việt Nam chủ yếu dưới hai hình thức là biện pháp chống bán phá giá và tự vệ thương mại. Điển hình là vụ chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Đài Loan. Năm 2014, Việt Nam đã áp dụng mức thuế bán phá giá từ 3,07% đến 37,29%. Đến năm 2016 và 2018 với các cuộc kiểm tra, rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá mặt hàng này và đã có sự điều chỉnh mức thuế áp dụng đối với các nước. Vụ việc chống bán phá giá đối với thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc với mức thuế từ 3,17% đến 38,34%. Sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc bị Việt Nam áp mức thuế chống bán phá giá từ 20,48% đến 29,17%. Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn hoặc quét vécni hoặc phủ plastic hoặc phủ loại khác có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc; một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc. Một số biện pháp tự vệ đã được khởi xướng và áp dụng ở Việt Nam như kính nổi dùng trong xây dựng, dầu thực vật tinh luyện, bột ngọt, phôi thép và thép dài, tôn màu, phân bón các loại DAP và MAP. Đối với các mặt hàng xuất khẩu, hiện nay, Việt Nam đang có giao thương với 200 quốc gia trên thế giới, nhưng hàng hóa Việt chỉ mới xuất khẩu hơn 50 nước. Tuy nhiên, theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết năm 2019, đã có trên 164 biện pháp PVTM được khởi xướng điều tra và áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, 91 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp bán phá giá, 18 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, 21 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM và 33 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Hàng hóa là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM sẽ ngày càng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Việt Nam liên tiếp phải đối phó với sự "bùng nổ" các vụ kiện phòng vệ thương mại trong khi năng lực tài chính và khả năng ứng phó của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước còn yếu. Với dự báo, việc gia tăng các rào cản về thương mại sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu. Một số nguyên nhân cơ bản của vấn đề trên bao gồm: 269
  14. - Luật pháp về phòng vệ thương mại ở Việt Nam đã được quy định trong Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2018. Mặc dù, các quy định liên quan đến phòng vệ thương mại được đưa ra trong Luật này về cơ bản đã phù hợp với quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức đầy đủ; đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước chưa chủ động trong việc nhắm bắt pháp luận về phòng vệ thương mại nhằm áp dụng trong trường hợp cần thiết bảo vệ sản xuất trong nước. - Hệ thống cảnh báo sớm đã được vận hành ở Việt Nam trong một thời gian dài, tuy nhiên cơ sở dữ liệu, hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, chưa đầy đủ nên chưa hiệu quả. - Vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp né tránh, không cung cấp thông tin, thậm chí ém thông tin, dữ liệu, số liệu hàng hóa xuất khẩu. Điều này làm cho không chỉ một doanh nghiệp xuất khẩu mà tất cả doanh nghiệp ngành hàng đó đều bị thiệt hại. - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sử dụng hoặc ứng phó có hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại. Nhiều doanh nghiệp còn bị động, chưa nhận thức rõ ràng về nguy cơ xảy ra các vụ kiện và các hệ quả bất lợi của các vụ kiện này đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp và ngành hàng. 4.2. Giải pháp ứng phó trước xu hướng bảo hộ thương mại thế giới của Việt Nam Trên cơ sở đánh giá các nguyên nhân của những tồn tại đặt ra của Việt Nam trước xu thế bảo hộ thương mại thế giới, đặc biệt là các vấn đề về phòng vệ thương mại. Một số giải pháp sau đây sẽ là hướng giải quyết cơ bản đối với các doanh nghiệp và cơ quản quản lý nhà nước. 4.2.1. Giải pháp đối với doanh nghiệp - Doanh nghiệp trong nước cần chủ động nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại, đặc biệt là trong các quy định của FTA thế hệ mới nhằm nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong các quy định của các hiệp định nhằm chủ động trong các vụ bị khởi kiện và các vụ khởi kiện. Điều này giúp các doanh nghiệp tối đã quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ thương mại quốc tế. - Nhận thức được các nguy cơ bị khiếu kiện, điều qua và các nhóm mặt hàng thường bị khởi kiện để xây dựng kế hoạch chủ động phòng nghĩa và xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đồng thời, tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước. - Cần chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, các số liệu liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu về thông tin đồng thời phối hợp tối đa với cơ quan có liên quan tại các nước nhập khẩu trong các vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. - Các doanh nghiệp cần thực hiện cách làm ăn chân chính, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đồng thời cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một ít các doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. - Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể phân tán rủi ro vì khi các 270
  15. doanh nghiệp tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường có thể tạo cơ sở cho các nước khởi kiện hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi có sự gia tăng đột biến hàng nhập khẩu của Việt Nam. 4.2.2. Giải pháp đối với Cơ quan quản lý Nhà nước - Các bên liên quan phải triển khai đầy đủ Luật Quản lý Ngoại thương 2017 và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại theo hướng minh bạch, công khai, phù hợp với cam kết quốc tế. Từ đó tạo điều kiện cho quá trình thực hiện, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, đồng thời giúp các doanh nghiệp, các bên liên quan có thể dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận thông tin, quy định pháp luật về phòng vệ thương mại. - Trong thời gian tới, để mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu và bảo vệ được các doanh nghiệp sản xuất trong nước, Chính phủ cần ban hành quy định pháp lý về chế tài đối với những doanh nghiệp không phối hợp đầy đủ vào quá trình kháng kiện vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc kháng kiện. - Ưu tiên là phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Điều này nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để phân tích nguy cơ bị nước ngoài khởi kiện hoặc nguy cơ hàng nhập khẩu gia tăng đột biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước. - Bộ Công Thương cần thúc đẩy các chương trình phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông để phổ biến sâu rộng hơn nữa lĩnh vực phòng vệ thương mại tới các đối tượng liên quan. 5. Kết luận Chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay là một xu thế mới trên thế giới tồn tại song song với tự do hóa thương mại. Các biện pháp hạn chế thương mại có tác động tích cực nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của nước ngoài, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp còn non trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động tiêu cực của các biện pháp hạn chế thương mại đến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các quốc gia cũng như thương mại toàn cầu. Trước tình hình đó, với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam cần phải chủ động ứng phó với xu thế mới nhằm thích ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện nay, với phương châm thúc đẩy đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt gần đây có hai FTA là CPTPP và EVFTA, Việt Nam đang từng bước tận dụng các lợi thế của tự do hóa thương mại nhằm đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hơn nữa, hiện nay các quốc gia đã gia tăng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Từ năm 2018, Việt Nam đã hoàn thiện các chính sách pháp luật nhằm tăng cường tính pháp lý trong việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm nhập khẩu. Trong tương lai, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội trong quan hệ thương mại quốc tế để chủ động ứng phó tốt với nhiều sự thay đổi trong đó có chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Ghi chú: Bài viết là một phần của đề tài cấp Nhà nước “Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại” mã số ĐTĐLXH.02/20, GS.TS. Đinh Văn Sơn làm chủ nhiệm. 271
  16. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Abboushi, S. (2010). Trade protectionism: Reasons and outcomes. Competitiveness Review: An International Business Journal, 20(5), 384-394. doi:10.1108/ 10595421011080760 2. Amadeo, K. (2017). Trade protectionism: 4 methods with examples, pros and cons. 5, 2017. 3. Bộ Công Thương. (2019). Báo cáo xuất nhập khẩu việt nam năm 2018. Retrieved from Nhà xuất bản Công Thương: 4. Cục phòng vệ thương mại. (2019). Báo cáo phòng vệ thương mại 2018. Retrieved from Bộ Công Thương: 5. Demir, M. A., & Sepli, A. (2017). The effects of protectionist policies on international trade. 3(2), 136-158. 6. Đinh Văn Sơn. (2019). Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại việt nam 2018 - 2019: Bảo hộ thương mại và tác động đến xuất khẩu hàng hóa việt nam 7. Nguyễn Mại. (2018). Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch - vấn đề của việt nam. Retrieved from 20180504224208703.htm 8. OECD. (2020). Oecd economic outlook, interim report march 2020. 9. Tổng cục Hải quan. (2020). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của việt nam tháng 12 và năm 2019. Retrieved from KeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=1734&Category=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch %20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20k%E1%BB%B3&Group=Gi%E1%BB%9Bi%20t hi%E1%BB%87u 10. WB. (2020). Global economic prospects slow growth, policy challenges: World Bank Publications. 11. WTO. (2019). Report shows trade restrictions by wto members at historically high levels. Retrieved from dgra_12dec19_e.htm 12. Yalcin, E., Felbermayr, G., & Kinzius, L. (2017). Hidden protectionism: Non-tariff barriers and implications for international trade: Study on behalf of the bertelsmann foundation: ifo Institute, Leibniz Institute for Economic Research at the University of Munich, ifo Center for International Economics. 272