Xu hướng tự do hóa thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 2790
Bạn đang xem tài liệu "Xu hướng tự do hóa thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfxu_huong_tu_do_hoa_thuong_mai_trong_hoat_dong_xuat_nhap_khau.pdf

Nội dung text: Xu hướng tự do hóa thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng XU HƯỚNG TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM TS. Phạm Thị Bạch Tuyết Trường Đại học Sài Gòn ptbtuyet.dhsg@gmail.com TÓM TẮT Quá trình tự do hóa thương mại quốc tế ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ trong ba thập kỉ qua với nhiều dấu mốc quan trọng và đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Nền kinh tế Việt Nam mở cửa mạnh mẽ, thực thi nhiều hiệp định thương mại quan trọng, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều khu vực và nhiều nước khác nhau. Quá trình tự do hóa đã giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt được nhiều thành tựu, góp phần đưa nền kinh tế của nước ta trở thành một thành tố tích cực của nền kinh tế toàn cầu. Dựa trên các tiêu chí đánh giá mức độ tự do hóa thương mại, bài viết phân tích đánh giá mức độ tự do hóa thương mại của Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và đề xuất một số kiến nghị nhằm tận dụng được những lợi ích từ tự do hóa mang lại. Từ khóa: tự do hóa thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa 1. Mở đầu Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới hiện nay. Phù hợp với xu thế đó, ngay sau khi thực hiện chính sách đổi mới kinh tế bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Việt Nam đã tìm mọi cách để mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, tăng cường trao đổi thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực mở rộng mối quan hệ quốc tế thông qua việc kí kết nhiều hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới như: tháng 7/1995 gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) tháng 6/1996 và đến tháng 11/1998 Việt Nam được kết nạp và trở thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Ngày 7/1/2007 sau khi trải qua 14 vòng đàm phán đa phương và kết thúc đàm phán song phương với 28 nước đối tác có yêu cầu, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại lớn nhất thế giới WTO. Đánh dấu quá trình mở cửa kinh tế, chủ động hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Cũng trong thời gian qua, quá trình tự do hóa thương mại của Việt Nam có những chuyển biến sâu sắc với việc Việt Nam tích cực và chủ động trong việc tham gia tiến trình đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. Tính đến tháng 11/2018, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia đàm phán thiết lập 16 FTA, trong đó có 10 FTA đã kí kết và có hiệu lực. Tham gia các FTA bên cạnh việc giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thế giới còn góp phần dỡ bỏ hàng rào thuế quan (thuế quan hàng hóa hầu hết là về 0%, còn lại là dưới 5%) và hạn chế các rào cản kỹ thuật tạo cơ hội cho hàng hóa nước ta có khả năng xâm nhập vào thị trường các nước, góp phần mở rộng mối quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Thực hiện tự do hóa thương mại bên cạnh mặt thuận lợi là thị trường được mở rộng, hàng rào thuế quan được xóa bỏ, hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh. Tuy nhiên các nước, để bảo hộ sản xuất trong nước, lại thiết lập những hàng rào phi thuế quan khác như các biện pháp phòng vệ trong thương mại, các quy định về giữ gìn môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa, các biện pháp chống bán 129
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phá giá, chống trợ cấp cũng ảnh hưởng khá lớn đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước ta. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi mà có tới 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vẫn chưa nhận thức rõ được những tác động của các biện pháp phi thuế quan đến sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp mình. Hơn nữa sản phẩm xuất khẩu của nước ta mới chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp, các nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn kém. Vì vậy, cần phải có những giải pháp và cơ chế phù hợp để có thể tận dụng triệt để những lợi ích mà tự do hóa thương mại mang lại cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta. 2. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu Tự do hóa thương mại là nền thương mại quốc tế trong đó các hoạt động thương mại diễn ra mà không vấp phải bất kỳ hàng rào cản trở nào nhằm làm cho hàng hóa được di chuyển một cách thuận lợi từ nước này sang nước khác trên cơ sở bình đẳng. Những hàng rào cản trở như thuế quan, các biện pháp phi thuế quan như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, xuất xứ hàng hóa được đặt ra để cản trở sự di chuyển tự do của hàng hóa và dịch vụ giữa các nước. Mục đích của tự do hóa thương mại là làm cho thị trường được mở rộng, hàng hóa được tự do di chuyển giữa các nước với nhau, nhờ đó tăng cường việc trao đổi buôn bán giữa các nước, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Hàng hoá xuất khẩu gồm toàn bộ hàng hoá có xuất xứ trong nước và hàng tái xuất, được đưa ra nước ngoài. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Hàng hoá nhập khẩu gồm toàn bộ hàng hoá có xuất xứ nước ngoài và hàng tái nhập, được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam. Để đánh giá mức độ tự do hóa thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, bài viết sử dụng các tiêu chí đánh giá như sau: - Vai trò của hoạt động xuất nhập khẩu trong nền kinh tế Việt Nam. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa là yếu tố đầu tiên để đánh giá mức độ tự do hóa thương mại của nước ta. Bởi vì hoạt động này càng lớn, tốc độ tăng trưởng càng nhanh chứng tỏ hàng hóa của nước ta ngày càng nhiều và đa dạng, đã được nhiều thị trường chấp nhận. Khi mức độ đa dạng hóa hàng hóa và thị trường ngày càng được mở rộng cho thấy mức độ tự do hóa thương mại càng lớn. Chỉ tiêu để đo lường là giá trị và tốc độ tăng của xuất nhập khẩu; thị trường và đối tác thương mại của Việt Nam; cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. - Độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam với thương mại quốc tế Tự do hóa thương mại sẽ thúc đẩy thương mại phát triển thông qua việc giảm thiểu và xóa bỏ từng bước, từng phần thuế quan và các hàng rào phi thuế quan gây cản trở đối với hoạt động thương mại quốc tế. Nhờ đó mức độ mở cửa của nền kinh tế càng lớn. Chỉ tiêu để đánh giá là số lượng dòng thuế cắt giảm và mức độ cắt giảm qua các cam kết mở cửa; tỉ trọng xuất, nhập khẩu/GDP; khả năng tận dụng các cam kết cắt giảm thuế quan của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. - Đánh giá mức độ kiểm soát hoạt động thương mại của nhà nước Để tự do hóa và thuận lợi hóa trong thương mại quốc tế, các nước thực hiện cắt giảm hàng rào thuế quan, nhưng các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước đó là các biện pháp phi thuế quan. Khi các biện pháp có tính kiểm soát và hạn chế đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu càng hạn chế thì mức độ tự do hóa thương mại càng cao. Đánh giá mức độ kiểm soát thương mại hàng hóa thông qua chỉ số về thuận lợi hóa trong hoạt động hành chính; các biện pháp phi thuế 130
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng quan với hàng rào kĩ thuật; các biện pháp phòng vệ thương mại; các biện pháp kiểm soát về xuất nhập khẩu khác. Bài viết chủ yếu sử dụng nguồn số liệu thứ cấp thu thập từ Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương để sử dụng phân tích, đánh giá mức độ tự do hóa thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam giai đoạn 1995 - 2017. Ngoài ra các thông tin và số liệu trong bài viết cũng kế thừa và tổng hợp từ các nghiên cứu đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí và các trang thông tin chính thức của các bộ ngành liên quan. Các phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu này là phương pháp thu thập, xử lí số liệu thống kê, phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp tài liệu, phương pháp bảng biểu, biểu đồ. 3. Kết quả nghiên cứu, thảo luận và hàm ý chính sách 3.1. Đánh giá mức độ tự do hóa thương mại của Việt Nam 3.1.1. Vai trò của hoạt động xuất nhập khẩu trong nền kinh tế Việt Nam - Xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta được mở rộng và duy trì ở mức tăng trưởng cao, ổn định trong nhiều năm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Theo Tổng cục Thống kê năm 1990 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mới đạt khoảng 5,156 tỉ USD thì đến năm 2017 đã tăng lên đạt 425,12 tỷ USD, gấp 82,5 lần trong vòng gần 30 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,75%/năm. Kim ngạch XNK tăng nhanh và liên tục nhờ những nỗ lực tự do hóa thương mại và thực thi các cam kết trong quá trình hội nhập với những dấu mốc quan trọng: Năm 1990 tổng kim ngạch XNK của nước ta mới chỉ đạt 5,156 tỉ USD, đến năm 1995 tăng lên đạt 13,604 tỉ USD, tăng 2,6 lần. Sau năm 1995 khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kì (7/1995), hoạt động ngoại thương của nước ta có sự phát triển nhanh chóng. Năm 1996 tổng kim ngạch XNK đạt 18,39 tỉ USD, đến năm 2000 tăng lên 30,12 tỉ USD. Ngày 10/12/2001 khi Hiệp định thương mại Việt - Mĩ ký kết và có hiệu lực đã mở ra cánh cửa cho hàng xuất khẩu Việt Nam tiếp cận với thị trường lớn nhất thế giới, tổng kim ngạch XNK tăng nhanh chóng đạt 36,45 tỉ USD năm 2002, tăng 16,6% so với năm 2001 [5]. Tháng 1/2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là bước tự do hóa thương mại lớn nhất đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện vào thương mại toàn cầu. Nhờ vậy hoạt động ngoại thương trong những năm 2007, 2008 tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2007 là năm ghi dấu mốc quan trọng của hoạt động ngoại thương Việt Nam với tổng kim ngạch XNK cả nước cán mốc đạt con số 100 tỉ USD (111,3 tỉ USD). Biểu đồ 1: Giá trị XNK hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 1990 - 2017 (triệu USD) 131
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam, Tổng cục Thống kê, www.gso.gov.vn Giai đoạn từ 2010 - 2017 kim ngạch XNK của nước ta liên tục đạt được những cột mốc quan trọng: Năm 2011 quy mô XNK đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỉ USD chỉ sau 4 năm (203,6 tỉ USD năm 2011). Con số 300 tỉ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (2015 với 327,7 tỉ USD) và chỉ 2 năm sau đã cán mốc 400 tỉ USD (425,12 tỉ USD năm 2017). Sau 10 năm (2007 - 2017) tổng kim ngạch XNK của nước ta đã tăng gấp 4 lần với tốc độ tăng trưởng đạt 17,5%/năm, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước (6,1%/năm). Đây là những thành tựu nổi bật đánh dấu sự thành công của nước ta trên con đường mở cửa, hội nhập quốc tế trong thời kì đổi mới đất nước. - Thị trường xuất nhập khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng, cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực Từ một nền kinh tế bị bao vây cấm vận, quan hệ đối tác thương mại chủ yếu là các nước khối xã hội chủ nghĩa trước đây, đến nay Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế mở với độ mở cửa thương mại lớn (trên 170%), có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có quan hệ mật thiết với các nền kinh tế chủ chốt của thế giới như Hoa Kì, EU, Nhật Bản. Năm 2017, Việt Nam có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 28 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đa phần thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn thuộc khu vực châu Á. Năm 2017 trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 284,78 tỷ USD, tăng tới 25,7% so với năm 2016 và là châu lục chiếm tỷ trọng cao nhất (67%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Tiếp theo là thị trường châu Mỹ với kim ngạch XNK đạt gần 68 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 57,9 tỷ USD, tăng 12,8%; châu Đại Dương đạt 7,76 tỷ USD, tăng 24,3% và châu Phi là 6,69 tỷ USD, tăng 24,8% so với năm 2016 [6]. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu của những thị trường truyền thống như ASEAN và các quốc gia Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) và tăng dần tỷ lệ xuất khẩu đến các thị trường như EU, Hoa Kỳ. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới thị trường Hoa Kỳ tăng từ 3,1% năm 1995 lên 19,4% năm 2017. Tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu tới thị trường EU cũng tăng từ 12,2% năm 1995 lên 17,9% năm 2017. Năm 2017, Hoa Kỳ và EU là hai thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của nước ta với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 40 tỷ USD. Đây cũng là hai thị trường mà Việt Nam xuất siêu với giá trị trên 20 tỷ USD. Sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian qua cho thấy những thành công trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững thị phần ở những thị trường truyền thống trong châu lục như ASEAN và các quốc gia Đông Bắc Á, Việt Nam còn thành công trong việc mở rộng xuất khẩu đến nhiều thị trường mới, đặc biệt có thể xuất khẩu đến những thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Hoa Kỳ, EU. Điều đó cho thấy chất lượng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của nước ta ngày càng được cải thiện và khẳng định được vị thế trên thị trường toàn cầu. - Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của nước ta đang dần chuyển dịch rõ nét theo hướng giảm dần tỷ lệ của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, giảm từ 47,9% năm 1990 xuống 13,2 % năm 2017; tăng dần tỷ lệ của nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, tăng từ 26,4% năm 1990 lên 37,2% năm 2017, cũng như nhóm hàng công nghiệp nặng và khóang sản, tăng từ 25,7% năm 1990 lên 49,6 năm 2017. Ngoài ra, tỉ lệ nhóm hàng thô hoặc mới sơ chế cũng giảm từ 74,6% năm 1991 xuống còn 16,3% năm 2017; hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng từ 25,4% lên 83,6% trong cùng thời kì [5]. Nhờ vậy mà nhiều sản phẩm xuất khẩu của nước ta đạt hiệu quả kinh tế cao, cạnh tranh được trên thị trường và đáp ứng được các yêu cầu của nhiều thị trường khó tính. Hiện nay, nước ta đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, Hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại góp phần làm cho hàng hóa của nước ta có cơ hội được xâm nhập vào thị trường các nước do các rào cản thương mại dần được xóa bỏ, thực thi các ưu đãi về 132
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng thuế quan Vì vậy, số lượng và giá trị các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới ngày càng tăng. Nếu như năm 2001 (năm BTA có hiệu lực) Việt Nam chỉ có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm dầu thô, dệt may, thủy sản, giày dép với tổng giá trị đạt 8,53 tỉ USD thì đến năm 2007 (chính thức là thành viên của WTO) đã có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và năm 2009 tăng lên 13 mặt hàng, đạt giá trị 41,61 tỉ USD. Năm 2010 có 18 nhóm hàng nằm trong “Câu lạc bộ tỷ đô” và xuất hiện nhóm hàng chế tạo mới có hàm lượng công nghệ cao hơn như điện tử, máy tính; linh kiện điện tử, dây cáp điện, sản phẩm từ chất dẻo Năm 2017 sản phẩm xuất khẩu chủ lực tăng lên mạnh mẽ với 29 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD, tổng kim ngạch đạt 195,93 tỷ USD, chiếm 91,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, có tới 5 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giầy dép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Các nhóm hàng này đều tập trung vào các ngành chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta trong thời gian qua. Với ưu thế của điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất các sản phẩm nông nghiệp vùng nhiệt đới, nước ta đã biết khai thác hiệu quả để phục vụ cho xuất khẩu. Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 25,82 tỉ USD, chiếm 12,1% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD như thủy sản đứng thứ 6 với 8,32 tỉ USD, hạt điều đạt 3,52 tỉ USD, rau quả đạt 3,5 tỉ USD, cà phê 3,24 tỉ USD, gạo 2,62 tỉ USD, [6]. Trong đó nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được các thị trường khó tính như Hoa Kì, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc chấp nhận và ngày càng ưu chuộng. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, mặc dù cơ cấu mặt hàng và tỉ trọng giá trị các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta tăng lên nhanh chóng, sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng hơn nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào một số sản phẩm truyền thống như khai thác tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ, than đá), khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên như sản phẩm nông sản (gạo, cao su, cà phê, hạt điều ), thủy sản, lâm sản (gỗ và sản phẩm từ gỗ), khai thác lao động giá rẻ (dệt may, da giày, hàng điện tử). Hơn nữa tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhóm hàng chủ lực, nhất là dựa vào 4 nhóm trụ cột xuất khẩu, chiếm 52,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, nước ta tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng thực ra vẫn chủ yếu là các sản phẩm gia công hoặc lắp ráp sử dụng nhiều lao động giá rẻ, hàm lượng công nghệ thấp. 3.1.2. Độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam với thương mại quốc tế - Số lượng dòng thuế cắt giảm nhiều và mức độ cắt giảm sâu qua các cam kết mở cửa thị trường. Việc tham gia vào các tổ chức kinh tế và kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương bên cạnh việc giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thế giới còn góp phần dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn chế các rào cản kỹ thuật tạo cơ hội cho hàng hóa nước ta có khả năng xâm nhập vào thị trường các nước. Đối với các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa về thuế nhập khẩu trung bình khoảng 90% dòng thuế, như ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) là 90% dòng thuế, ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) là 87%, ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) là 87%, riêng hiệp định ASEAN (ATIGA) là hiệp định nội khối thì mức độ cam kết tự do hóa lên đến gần 98%. Đến năm 2016, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao như ATIGA đạt khoảng 91%, ASEAN-Trung Quốc 83,5% số dòng thuế về mức 0% và ASEAN - Hàn Quốc là 81,2% (Bảng 1) [3]. Bảng 1: Lộ trình cam kết của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết TT FTA Thời điểm có Thời điểm kết Mức độ tự do Mức độ tự do hiệu lực thúc lộ trình hóa cuối lộ trình hóa năm 2016 1 ATIGA 1999 2018 98% 91% 133
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 2 ACFTA 2005 2020 90% 83,5% 3 AKFTA 2007 2021 87% 81,2% 4 AANZFTA 2009 2022 90% 53,5% 5 AIFTA 2010 2024 78% 12,3% 6 AJCEP 2008 2025 87% 30,4% 7 VJEPA 2009 2016 92% 37,4% 8 VCFTA 2014 2030 89% 28,5% 9 VKFTA 2015 2029 88% 82,68% 10 VN-EAEU FTA 2016 2027 88% 52,4% Xét về lộ trình cắt giảm thuế, FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA năm 2018, tiếp đó là ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) năm 2020 và ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) năm 2021. Các FTA còn lại việc giảm thuế sẽ được thực hiện theo lộ trình qui định cho các bước cắt giảm dần đều từng năm để đạt mức thuế suất cuối cùng theo cam kết. (AJCEP: 2008 – 2018 – 2024, VJEPA: 2009 – 2019 – 2025, AANZFTA: 2010 – 2018 – 2020, và AIFTA: 2010 – 2018 – 2021). Như vậy, với lộ trình cam kết như trên, có thể thấy rằng mức độ và phạm vi xóa bỏ thuế quan, đặc biệt là thuế nhập khẩu của Việt Nam trong các hiệp định FTA là khá rộng và toàn diện. Theo đó, trong vòng 3-5 năm tới (2017 - 2021) sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến tới tự do hóa thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính. Bên cạnh đó, việc mở rộng FTA với nhiều đối tác không những giúp Việt Nam đa dạng hóa và giảm dần phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống mà còn mang đến nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Thời gian tới, khi các cam kết FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ và EU có hiệu lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam. - Làm tăng độ mở cửa của nền thương mại nước ta Sự tăng nhanh về quy mô nhập khẩu hàng hóa kể từ sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN cho thấy độ mở của nền kinh tế nước ta ngày càng cao, thể hiện ở tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa trong tổng GDP tăng nhanh qua từng giai đoạn, tương ứng với mức độ hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, đồng thời cũng phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn này (Bảng 2). Bảng 2: Tỷ trọng xuất, nhập khẩu hàng hóa so với GDP của Việt Nam qua một số năm (%) Năm Xuất khẩu hàng hóa/GDP Nhập khẩu hàng hóa/GDP Xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP 1995 26,2 39,2 65,4 2000 46,4 49,6 96,0 2005 56,3 63,8 120,1 2008 64,3 82,8 147,1 2010 65,3 76,6 141,9 2015 83,8 85,7 169,5 2017 86,0 85,1 171,1 Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam, Tổng cục Thống kê, www.gso.gov.vn 134
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Với tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP ngày càng tăng chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng lớn và đang thành công trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, với độ mở lớn như vậy, nền kinh tế nước ta cũng nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương hơn với các biến động lớn trên thị trường thế giới. Điều này được thể hiện khá rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009, đã làm cho giá trị xuất nhập khẩu của nước ta sụt giảm, kim ngạch XNK tăng trưởng âm (-9,0% năm 2009) và độ mở cửa XNK/GDP giảm xuống còn 127,3% năm 2009 so với 147,1% năm 2008. So với các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, những quốc gia điển hình cho mô hình phát triển kinh tế hướng ra xuất khẩu (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia ) có thể thấy rằng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2007, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 59,46 tỉ USD, chỉ bằng 0,6 lần so với Indonesia, bằng 0,5 lần của Thái Lan, thua 3,6 lần so với Singapore, thua 13,6 lần so với Trung Quốc. Nhưng đến năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, với giá trị đạt 212,43 tỉ USD, cao hơn Thái Lan (173,86 tỉ USD), Malaysia (167,15tỉ USD), chỉ sau Singapore với chênh lệch không đáng kể (244,13 tỉ USD), thu hẹp khoảng cách với các nước như Nhật Bản (468,61 tỉ USD) và Hàn Quốc (343,47 tỉ USD). Điều đó chứng tỏ, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã biết tận dụng những cơ hội từ mở cửa thị trường để đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong nước hướng ra xuất khẩu. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước như Malaysia, Thái Lan và Indonesia cho thấy, mặc dù các nước này phát triển theo mô hình hướng ngoại, dựa vào xuất khẩu, nhưng hiện nay các nước này đang nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa để chiếm lĩnh thị trường trong nước, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, bên cạnh đó các nước cũng chú trọng đầu tư ra nước ngoài nhằm khẳng định được vị thế của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Việt Nam hiện nay cũng đi theo mô hình hướng ngoại, song các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chưa có thương hiệu, vẫn chỉ dừng lại ở việc gia công, lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. - Mức độ tận dụng các ưu đãi từ các FTA của hàng xuất khẩu Việt Nam còn thấp Việt Nam đang tham gia vào sân chơi toàn cầu, xu hướng cam kết mở cửa thị trường hàng hóa ngày càng sâu rộng. Các FTA được thông qua, có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước sẽ được tăng cường và mở rộng, cơ hội đem đến cho nước ta là khá lớn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng và khai thác được hết các lợi thế do FTA đem lại. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA đạt 33,4 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Trong đó, đứng đầu là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tận dụng ưu đãi thuế quan với trị giá 9,2 tỷ USD, tiếp theo là thị trường Hàn Quốc và ASEAN với trị giá lần lượt là 7,6 tỷ USD và 6,5 tỷ USD. Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, thị trường Chile chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VCFTA cao nhất với 69%; đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc với tỷ lệ tận dụng là 51%. Các thị trường còn lại tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn thấp. So với năm 2016 (tỷ lệ tận dụng 36%) thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2017 thấp hơn là 34% [6]. Điều đó cũng có nghĩa là còn tới 66% Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế từ các FTA cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta. 3.1.3. Đánh giá mức độ kiểm soát hoạt động thương mại của nhà nước Để thực hiện việc quản lí nhà nước về hoạt động ngoại thương đạt hiệu quả, đảm bảo mục tiêu ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng theo các quy định của thương mại quốc tế, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện thuận lợi hóa về thương mại như: Ngày 12/6/2017, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Quản lý ngoại thương, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Luật Quản lý ngoại thương được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân và tính cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ ngoại thương để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. 135
  8. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Bên cạnh đó nhà nước cũng tiến hành cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Đến năm 2017 Bộ Công thương đã thực hiện rà soát, đơn giản hóa đối với 183 thủ tục hành chính, gồm: bãi bỏ 49 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 134 thủ tục hành chính. Thực hiện cấp phép là chứng từ thương mại đầu tiên của Việt Nam đến Cơ chế một cửa ASEAN, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước cũng như bảo vệ người tiêu dùng, Việt Nam cũng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp phi thuế quan khác như một công cụ để quản lý nhập khẩu bước đầu có những bước tiến. Việt Nam đã và đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Tuy nhiên các vụ điều tra về phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài của Việt Nam còn khá ít, từ năm 2009 đến 2017 mỗi năm chỉ từ 1 đến 2 vụ. Có thể nói Việt Nam hầu như không tạo ra rào cản nào đáng kể đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Biểu đồ 2: Số lượng vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 2009 đến 2017 Nguồn: Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2017, Tổng cục Thống kê Việt Nam 3.2. Một số kiến nghị Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ kinh tế quốc tế, kéo theo đó là xu thế tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ ở quy mô khu vực và thế giới. Các FTA xuất hiện ngày càng nhiều và hợp tác ngày càng sâu rộng hơn. Việc cắt giảm các hàng rào thương mại thông qua các FTA được kí kết trong khu vực cũng như trên toàn cầu sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại truyền thống giúp cho hoạt động thương mại được mở rộng hơn. Trong những năm tới, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế và tự do hóa thương mại vẫn là động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể. Hiện nay, chúng ta đang đàm phán 3 FTA là RCEP, Việt Nam – EFTA, Việt Nam – Israel, đặc biệt là 2 FTA quan trọng gồm CPTPP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/12/ 2018 và FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán, chờ ngày kí kết. Việc thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA ) sẽ thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội cho thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các thị trường lớn trong khu vực và trên thế giới. Để có thể hội nhập thành công và tận dụng được những lợi ích từ tự do hóa mang lại thì: Nước ta tiếp tục đẩy mạnh phát triển để thực hiện thành công quá trình CNH - HĐH, nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế thì việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, nhất là vốn đầu tư FDI và thị trường quốc tế vẫn hết sức quan trọng. Chiến lược công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu vẫn là con đường phát triển chủ đạo của Việt Nam, cùng với đó là phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chúng ta cần phải đổi mới tư duy và nhận thức về phát triển kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ phát triển kinh tế phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên dưới dạng thô sang chế tạo, chế biến, kết hợp giữa phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, khai thác các yếu tố về mặt 136
  9. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng khoa học công nghệ, lao động có trình độ và chất lượng tạo ra các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xây dựng thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách kinh tế vĩ mô và hệ thống luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhằm thu hút có hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng xuất khẩu. Rà soát, hệ thống hóa, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế phù hợp với các cam kết quốc tế, tuân thủ lộ trình thực hiện, đáp ứng đầy đủ nội dung và mức độ đã cam kết trên cơ sở đảm bảo tối ưu lợi ích đất nước. Đẩy mạnh các đàm phán song phương và đa phương nhằm mở rộng thị trường. Rà soát các FTA đã ký kết để đánh giá hiệu quả hội nhập, thực hiện tốt các cam kết mà Việt Nam đã kí kết, tham gia có hiệu quả vào các vòng đàm phán thương mại thế giới; xây dựng và triển khai chiến lược đàm phán các FTA với các đối tác mới, trong đó tính đến tỉ trọng thương mại hai chiều, thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu Việt Nam, năng lực về vốn, tiềm lực khoa học - công nghệ, quan hệ chính trị ổn định và các tiêu chí phù hợp khác. Nhà nước cũng ban hành các quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa phù hợp với các cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. Tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp các cam kết quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Kịp thời cung cấp thông tin nhanh và hiệu quả cho các doanh nghiệp về các cam kết, tạo điều kiện dễ dàng để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm thông tin và hiểu rõ nội dung các hiệp định đã kí kết, khả năng tận dụng các ưu đãi và cách khắc phục các rào cản thương mại đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà doanh nghiệp hướng tới. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro với các đối tác để giúp các doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất đồng thời với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng của sản phẩm từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới. 4. Kết luận Quá trình hội nhập và tự do hóa thương mại của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên con đường phát triển, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuẩn mực của quan hệ thị trường thế giới. Việt Nam đã kí kết hàng loạt các Hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ để xác định khuôn khổ pháp lí cho mở rộng buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và các nước đối tác, gắn kết các hoạt động kinh tế trong nước với thị trường thế giới, đưa hàng hóa của Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm được nhà nước ưu tiên phát triển. Việc Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tham gia ngày càng nhiều vào các hợp tác song phương và đa phương vừa là cơ hội nhưng cũng là những thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp phù hợp để có thể tận dụng được các lợi ích mà tự do hóa mang lại. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Châu Âu (2008), Đánh giá tác động tổng thể khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO đến thay đổi xuất nhập khẩu và thể chế, mutrap.org.vn. [2] Bộ Thương mại, Viện nghiên cứu thương mại (2016), Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, NXB Công thương, Hà Nội. [3] Lê Thị Thanh Huyền (2016), Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Vài đánh giá và trao đổi, Truy cập từ trao-doi/trao-doi-binh-luan/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te- 137
  10. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cua-viet-nam-vai-danh-gia-va-trao-doi-115506.html [4] Quốc hội, Luật quản lí ngoại thương, Luật số: 05/2017/QH14 ban hành ngày 12/06/2017. [5] Tổng cục Thống kê Việt Nam, Niên giám thống kê Việt Nam các năm, NXB Thống kê, Hà Nội [6] Tổng cục Thống kê (2018), Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2017, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. [7] Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu tự do thương mại quốc tế ở Việt Nam. 138