Xuất khẩu hàng hóa sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Thách thức về rào cản và giải pháp
Bạn đang xem tài liệu "Xuất khẩu hàng hóa sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Thách thức về rào cản và giải pháp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- xuat_khau_hang_hoa_sang_eu_trong_boi_canh_thuc_thi_evfta_tha.pdf
Nội dung text: Xuất khẩu hàng hóa sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Thách thức về rào cản và giải pháp
- XUẤT KHẨU HÀNG HÓA SANG EU TRONG BỐI CẢNH THỰC THI EVFTA: THÁCH THỨC VỀ RÀO CẢN VÀ GIẢI PHÁP EXPORT OF GOODS TO THE EU IN THE CONTEXT OF IMPLEMENTATION EVFTA: CHALLENGES ON BARRIERS AND SOLUTIONS PGS.TS. Phạm Công Đoàn ThS. Phạm Thị Thanh Hà Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi hiệp định EVFTA có những cơ hội to lớn về một thị trường lớn, được cắt giảm hầu hết các loại thuế quan, song cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về rào cản phi thuế quan (Non-Tarriff Barriers - NTBs) do việc EU sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (Safeguard Measures - SMs) chủ yếu là chống bán phá giá, biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật (TBT), yêu cầu phát triển thương mại bền vững (lao động, môi trường ). Ngoài ra, sự thiếu tương đồng của pháp luật Việt Nam với quy định của EU, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm thị trường, hiểu biết về EVFTA và kinh nghiệm đối phó với các rào cản đã cản trở lớn đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU. Bài viết đánh giá thực trạng xuất khẩu một số nhóm, mặt hàng chủ lực (giày dép, dệt may, thuỷ, hải sản, nông sản), những thách thức về rào cản phi thuế quan, những khó khăn, yếu kém trong đáp ứng các yêu cầu, quy định của EU về rào cản phi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực, từ đó trên cơ sở nhận thức về các cơ hội và thách thức của EVFTA đưa ra những giải pháp hữu hiệu vượt rào cản phi thuế quan, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này. Từ khóa: EVFTA, xuất khẩu hàng hóa, NTBs, TBT, SPS, phòng vệ thương mại (SMs) Abtract Exporting Vietnamese goods to the EU market in the context of the implementation of the EVFTA agreement will not only provide great opportunities for a large market and tariffs reduction but also many difficulties and challenges with Non-Tarriff Barriers (NTBs) due to EU's use of Safeguard Measures mainly for anti-dumping, Sanitary and Phytosanitary Measures (SPS) and Technical Barriers Technique (TBT). The lack of similarities between Vietnamese law and EU regulations, lack of market knowledge and experience, knowledge of EVFTA and experience in dealing with lawsuits have greatly hindered the export of Vietnamese goods to the EU. The paper assesses the export situation of some groups and key commodities (footwear, textiles, aquatic products, seafood and agricultural products) challenges of non-tariff barriers, difficulties and weaknesses in meeting the EU requirements and regulations on non-tariff barriers when exporting Vietnamese goods to the EU by Vietnamese businesses, especially when EVFTA takes effect, thereby basing on awareness of opportunities and challenges of EVFTA this paper aims to provide effective solutions to overcome non-tariff barriers and promote the export of Vietnamese goods to this market. Keywords: EVFTA, export of goods, NTBs, TBT, SPS, SMs 369
- 1. Đặt vấn đề Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA mở ra một thị trường rộng lớn với những cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhưng cũng gặp phải những rào cản lớn. Hiệp định EVFTA thực thi thì rất nhiều dòng thuế được cắt giảm, tuy nhiên hàng rào phi thuế quan, biện pháp phòng vệ thương mại và những công cụ khác nhau mà các nước nhập khẩu EU có thể áp dụng là những thách thức lớn đến xuất khẩu hàng Việt Nam. Thêm vào đó, pháp luật Việt Nam còn chưa tương thích với các quy định của EU; năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam còn yếu trên thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, trong số này có Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuado, Nhật Bản, ; doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu hiểu biết về thị trường, về EVFTA, thiếu kinh nghiệm về các vụ kiện và xử lý các vụ kiện; doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu của EU về xuất xứ, nhãn mác hàng hóa, tiêu chuẩn tiêu dùng, vệ sinh, an toàn lao động, lao động, môi trường, khả năng đáp ứng các lô hàng lớn, thời hạn nhanh ; cùng với cơ chế giám sát khắt khe, chặt chẽ của EU Nếu không đáp ứng được những quy định này thì dù có EVFTA doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng khó có thể mở rộng được xuất khẩu tới thị trường EU. Để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU rất cần phải có những giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức, khó khăn về rào cản và phải có sự đồng hành phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp. 2. Tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu Hà Công Anh Bảo và cộng sự (2019) trong bài viết” Thách thức khi tham gia FTA thế hệ mới của Việt Nam, từ kết quả điều tra các doanh nghiệp” đề cập khái quát về EVFTA, các rào cản thương mại từ quy định của EU khi thực thi EVFTA, từ đó trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn Việt Nam nhận định những thách thức đối với doanh nghiệp về hàng xuất khẩu Việt Nam trên các khía cạnh về thể chế, chính sách của Chính phủ còn chưa phù hợp với quy định FTA thế hệ mới (EVFTA) nhất là các quy định về lao động, công đoàn, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp; sự tranh thủ các quy dịnh FTA còn hạn chế; khả năng cạnh tranh yếu, thiếu nhận thức đầy đủ, chính xác về FTA và thị trường Từ đó đưa ra các giải pháp từ phía Chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp để vượt qua thách thức, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU. Phạm Thị Dự (2018) trong bài viết “Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa của Việt Nam khi hiệp định EVFTA có hiệu lực” đã nêu các thách thức về xuất xứ hàng hóa, khó đáp ứng các rào cản kỹ thuật (TBT), kiểm dịch động, thực vật (SPS), nguy cơ phòng vệ thương mại, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, thương hiệu yếu, Từ đó nêu ra các biện pháp về phía Chính phủ và doanh nghiệp vượt qua thách thức để thúc đẩy xuất khẩu hoàng hóa Việt Nam sang EU. Bùi Thị Việt Anh (2016) trong bài viết “Cơ hội và thách thức từ cam kết thương mại trong hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA) đối với doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam” nêu ra nững cơ hội, thách thức đối với xuất khẩu sản phẩm gỗ vào EU khi thực hiện cam kết EUFTA, những khó khăn của doanh nghiệp gỗ đáp ứng yêu cầu các cam 370
- kết và đề xuất một số giải pháp cho doanh nghiệp gỗ trong xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường EU khi EUFTA có hiệu lực. Quang Sơn (2020) trong bài viết “Cơ hội mới của Việt Nam trước thị trường EU” đã đề cập đến những cơ hội cho xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản sang EU và những thách thức khi thực hiện cam kết trong EVFTA, từ đó nêu ra những giải pháp cho xuất khẩu những mặt hàng này. Phan Thị Hà My (2019) trong bài viết “Cơ hội và những vấn đề quan tâm đối với Việt Nam khi thực thi EVFTA” đã nêu những cam kết theo EVFTA, nhận định các cơ hội từ thị trường EU và yêu cầu đối với hàng Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Minh Khôi (2019), “Chủ động đối phó với hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế” nêu ra những nguyên tắc hàng rào phi thuế quan trong thương mại quốc tế, những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam đối với hàng rào phi thuế quan, từ đó đưa ra các giải pháp chủ động vượt rào cản phi thuế quan của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Nguyễn Thị Thu Thủy (2019), “Giải pháp vượt rào cản phi thuế quan nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU” đã phân tích thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, đánh giá mức độ đáp ứng của hàng thủy sản Việt Nam đối với các tiêu chuẩn của EU, từ đó nêu giải pháp đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và kiến nghị với Chính phủ và cơ quan hữu quan. Nguyễn Minh Phong (2018), “EVFTA - Cơ hội và giải pháp thích ứng” đã nêu những kỳ vọng về lợi ích trong cam kết EVFTA, từ đó đưa ra những giải pháp của Chính phủ và doanh nghiệp nhằm thích ứng với những yêu cầu của EVFTA. Vũ Thanh Hương (2017), “Hiệp định thương mại tự do VN - EU: Tác động đối với thương mại hàng hóa hai bên và hàm ý cho Việt Nam” đã nêu những vấn đề lý luận và thực tiễn về tác động của EVFTA, đánh giá thực tế tác động của EVFTA đến 8 nhóm ngành hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU, từ đó đưa ra hàm ý chính sách đối với Chính phủ và hàm ý cho doanh nghiệp về tăng cường nghiên cứu, nhận thức về các rào cản phi thuế quan TBTs, SPS, RoO, chống bán phá giá và giải pháp tăng cường phát triển hội ngành và liên ngành. Nguyễn Ngọc Hà (2019), trong bài viết “Tham gia FTA thế hệ mới: Lợi thế, thách thức và vấn đề đặt ra cho Việt Nam” đã phân tích các cơ hội và thách thức của Việt Nam khi thực hiện FTA thế hệ mới ở hai góc độ kinh tế và pháp luật. Huỳnh Minh Triết (2011), trong cuốn “Giáo trình Kinh tế Quốc tế”, đã đề cập đến lý luận về hàng rào phi thuế quan, trong đó có trình bày và phân tích các khái niệm và nội dung về hạn ngạch nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tự nguyện (VER), bán phá giá, trợ cấp, hàng rào kỹ thuật, Bên cạnh những nghiên cứu về xuất khẩu các nhóm hàng còn có một số nghiên cứu về xuất khẩu các mặt hàng cụ thể vào EU giai đoạn trước khi có hiệp định EVFTA; đề xuất các giải pháp dựa trên cơ sở dự báo khi EVFTA được ký kết đối với Nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp. Bài viết tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm vượt rào cản phi thuế quan đối với các nhóm hàng giày dép, dệt may, nông sản, thủy, hải sản là những nhóm mặt hàng chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà khả năng đáp ứng yêu cầu, qui định của EVFTA 371
- còn hạn chế; nghiên cứu tập trung vào rào cản phi thuế quan như chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật, rào cản về kiểm dịch động,thực vật, phòng vệ thương mại, yêu cầu phát triển bền vững, 2.2. Phương pháp nghiên cứu Để đạt được mục tiêu, bài viết sử dụng các phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn tin cậy từ các cơ quan quản lý nhà nước, phỏng vấn chuyên gia và dùng các phương pháp thống kê mô tả, phân tích, so sánh, khái quát hóa và dự báo, từ đó làm rõ thực trạng xuất khẩu một số nhóm mặt hàng sang EU còn hạn chế trong vượt các rào cản phi thuế quan, để đưa ra các giải pháp vượt rào cản ,thúc đẩy xuất khẩu những nhóm mặt hàng này vào EU nhờ nắm bắt, khai thác cơ hội và thế mạnh của Việt Nam trong xuất khẩu nhóm, mặt hàng này. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Một số rào cản phi thuế quan trong EVFTA Hàng rào phi thuế quan (Non - Tarrips Barriers) là hàng rào ngoài thuế làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa quốc tế nhằm duy trì và bảo hộ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Hàng rào phi thuế quan bao gồm: hạn ngạch, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, trợ cấp xuất khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch động, thực vật, phát triển bền vững Hàng rào kỹ thuật (Technical Barriers to Trade- TBT) là các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn, chất lượng, yêu cầu ghi nhãn, thông tin tiêu dùng, các thủ tục đăng kí nhập khẩu, các thủ tục kiểm tra chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo cam kết tại Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU thỏa thuận tăng cường thực hiện các qui tắc của Hiệp định về các Rào cản kĩ thuật đối với thương mại của WTO (Hiệp định TBT), trong đó Việt Nam cam kết tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong ban hành các qui định về TBT của mình; Ngoài ra, trong cam kết tại Hiệp định EVFTA còn bao gồm một số nội dung mới, chưa có trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết như giám sát thị trường, ghi dấu và ghi nhãn sản phẩm; Hiệp định qui định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó Việt Nam cam kết công nhận toàn bộ chứng nhận phù hợp về kĩ thuật đối với ô tô của EU theo các nguyên tắc của Hiệp định UNECE 1958 (hệ thống tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc) sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực; Việt Nam cam kết chấp nhận nhãn “Sản xuất tại EU” (Made in EU) cho các sản phẩm phi nông sản (trừ dược phẩm) đồng thời vẫn chấp nhận nhãn xuất xứ cụ thể ở một nước EU. Hiệp định về kiểm dịch động, thực vật (Sanitary and Phytosanitary Measures -SPS) là quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc/và quá trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó. Song về nguyên tắc SPS phải tránh sự cản trở không cần thiết đối với thương mại, không phân biệt đối xử, đảm bảo tính hài hòa, tương đương, minh bạch. Tại Hiệp đinh EVFTA, đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc liên quan đến SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật. Đặc biệt, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Việt Nam, chủ thể quản lý phía EU là cơ quan có thẩm quyền 372
- của từng nước thành viên EU cụ thể (nơi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam) chứ không phải là cơ quan chung cấp liên minh của EU. Ủy ban châu Âu chỉ chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong toàn thị trường EU. Phòng hộ thương mại (Safeguard Measures) là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng khi nhập khẩu chúng tăng lên. Các biện pháp cơ bản: chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp tự vệ. Trong Hiệp định EVFTA, nội dung về phòng vệ thương mại quy định các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và tự vệ song phương) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi Bên. Về cơ bản, nội dung về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu tuân thủ các quy định của WTO, đồng thời bổ sung thêm một số cam kết chặt chẽ về thủ tục nhằm tăng cường tính minh bạch hóa, đảm bảo tính công bằng như cam kết về minh bạch hóa, tham vấn, quy tắc lựa chọn mức thuế thấp hơn (nếu phù hợp với lợi ích và nhu cầu của Việt Nam), xem xét thêm về lợi ích công cộng khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh 3 biện pháp Phòng vệ thương mại thông thường, EVFTA quy định một cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trong trường hợp có sự gia tăng hàng nhập khẩu do cắt giảm thuế quan theo Hiệp định và gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, bên nhập khẩu được phép tạm ngừng áp dụng cam kết cắt giảm thuế quan theo Hiệp định đối với hàng hóa liên quan, hoặc tạm tăng thuế nhập khẩu trở lại mức thuế tối huệ quốc (MFN) áp dụng cho các thành viên WTO hiện hành hay mức thuế cơ sở ban đầu cho đàm phán (tùy theo mức thuế nào thấp hơn) [1]. FTA thế hệ mới (New Generation FTA) là hiệp định thương mại tự do (FTA) vượt ra khỏi khung khổ tự do hóa thương mại truyền thống, bao gồn các nội dung phi thương mại như lao động, môi trường, cam kết phát triển thương mại bền vững và một số nội dung khác. Các hàng rào trên là hàng rào bảo hộ mậu dịch, bảo hộ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Để thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ, Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp phải nhận thức đúng và đủ những rào cản này và có biện pháp hữu hiệu, chủ động vượt rào cản. 3.2. Khái quát thực trạng xuất khẩu hàng Việt Nam và các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU Việt Nam đã tham gia WTO, có quan hệ thương mại với 55 đối tác qua việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các Hiệp định Thương mại Tự do Thế hệ mới CPTPP và gần đây nhất (tháng 2 năm 2020) ký hiệp định EVFTA với EU. Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. 373
- EU là thị trường lớn với 28 quốc gia (nay còn 27 quốc gia, Anh đã ra khỏi khối này) với khoảng 500 triệu dân, GDP là 18.800 tỷ USD, với GDP bình quân đầu người gần 40000 USD, đứng thứ 3 thế giới (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) với thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 20% thế giới. Các mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn (hơn 1 tỷ USD) của Việt Nam vào EU gồm: dệt may, da giày, nông sản, thủy hải sản và lớn nhất là điện thoại, máy tính. Ngoài điện thoại, máy tính đáp ứng khá tốt các yêu cầu của thị trường EU thì các nhóm mặt hàng còn lại vẫn còn yếu về năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU; thường vướng các rào cản về bán phá giá, rào cản kỹ kỹ thuật (TBT), rào cản về kiểm dịch động, thực vật (SPS) và yêu cầu phát triển thương mại bền vững (lao động, môi trường, ). Kim ngạch xuất khẩu các nhóm mặt hàng trên được thể hiện trong Bảng 1 và Hình 1. Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang EU ĐVT: triệu USD Nhóm mặt Năm Năm So sánh STT Năm 2019 hàng 2017 2018 2018/2017 2019/2018 1 Giày, dép 4612,3 4677,8 5029,4 1,42% 7,51% 2 Dệt may 3733,3 4101,7 4261,9 9,87% 3,9% 3 Thủy, hải sản 1422,1 1435,2 1247,6 0,92% -13,07% 4 Cà phê 1365,4 1360,5 1157,7 -0,4% -14,91% 5 Đồ gỗ 751,4 779,1 846,6 3,69% 8,65% 6 Hạt điều 944,4 105,4 102,6 -89,8% -2,66% (Nguồn: Tổng cục Hải quan) Hình 1. Sự thay đổi của kim ngạch xuất khẩu một số nhóm mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang EU giai đoạn 2017 - 2019 (Nguồn: Tổng cục Hải quan) 374
- Giày, dép là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 (sau máy tính, điện thoại) sang EU, là một trong những nhóm hàng có tăng trưởng dương (tăng 1,42% năm 2018 và tăng lên 7,51% năm 2019), do sản phẩm được EU ưa chuộng. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có sự thay đổi: sau một thời gian tăng trưởng nhanh (từ năm 2011 đến năm 2016, bình quân tăng 14%/năm) mặc dù bị áp thuế bán phá giá 10%, song được lợi thế trong cạnh tranh đối với đối thủ lớn là Trung Quốc (bị áp thuế 16,5%), 3 năm gần đây tăng trưởng đã chững lại dù EU đã bỏ thuế chống bán phá giá hàng giày, dép Việt Nam , song Việt Nam lại mất lợi thế với đối thủ cạnh tranh Trung Quốc do công nghệ cao hơn,chủ động về nguyên liệu và chi phí thấp. . Mặc dù từ 2014, EU có chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho các nước đang phát triển nhưng lại khống chế, không áp dụng GSP cho các nước xuất khẩu sản phẩm tương tự vượt quá 17,5% tổng lượng hàng các nước được hưởng GSP. Ngoài ra, còn rào cản xuất xứ hàng hóa cũng đè nặng lên hàng xuất khẩu giày, dép khi nguyên liệu quá phụ thuộc vào nước ngoài, giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp. Các rào cản về SPS, lao động, môi trường cũng là những vấn đề ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu mặt hàng này sang EU. Để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng giày, dép sang EU, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu, tránh bị lệ thuộc vào nước ngoài, tăng cường khai thác nguồn nguyên liệu ở các nước thuộc EU hoặc có quan hệ FTA với EU để khắc phục rào cản về xuất xứ; có hệ thống cảnh báo sớm để tránh kim ngạch tăng trưởng nóng, dễ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại của EU; đổi mới quản trị để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, khắc phục các rào cản SPS, lao động và môi trường. Dệt may là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 vào EU, có tốc độ tăng trưởng dương liên tục 3 năm gần đây, song cũng có xu hướng chậm dần. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có được kết quả như vậy là do hàng dệt may có những lợi thế cơ bản: EU chỉ áp thuế 8-12%, trong khi đó Mỹ áp thuế 17-18%; dệt may có lợi thế trong cắt, may, gia công với chi phí thấp, chất lượng được EU ưu chuộng cùng với ưu đãi GSP. Tuy vậy, điểm yếu mà hàng dệt may gặp phải là quy định về xuất xứ, trong chuỗi giá trị hàng dệt may thì khâu nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan (60%) là những nước không có quan hệ FTA với EU; vải là nguyên liệu chính song trong nước chỉ đáp ứng được 20%, còn lại là nhập khẩu; giá trị gia tăng thấp chỉ chiếm 50%. Điểm yếu lớn nhất là nguyên liệu rất thiếu, lại nhập tứ các nước không nằm trong EU. Sau nữa công nghệ, kĩ thuật chỉ đạt mức trung bình nên kém lợi thế so với một số đối thủ cạnh tranh lớn như Trung Quốc,Thái lan, Ấn độ Cùng với đó là phương thức gia nhập vào thị trường còn hạn chế về xây dựng và phát triển kênh phân phối, phát triển thương hiệu nên tăng trưởng xuất khẩu và hiệu quả xuất khẩu dệt may còn thấp. Dệt may còn dễ gặp phải các rào cản về lao động, môi trường, bên cạnh đó chất lượng sản phẩm còn chưa cao trong một thị trường có nhu cầu cao, khắt khe về chất lượng; liên kết các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may còn yếu, còn cạnh tranh lẫn nhau; khó khăn về đáp ứng lô hàng lớn, tốc độ giao hàng nhanh, ngoài ra còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng rất khắt khe của từng nước: tiêu chuẩn nguyên liệu (ISO 3758), tiêu chuẩn giặt (ISO 3759, 5077), độ hút ẩm (DIN 5411) Xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp dệt may còn phải tính đến những đối thủ cạnh tranh lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn độ, Pakistan, hiện đang đàm phán ký kết FTA với EU. Để khắc phục các rào cản, khó khăn và thách thức trên rất cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, chủ động hợp tác của Chính phủ, Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp dệt may. 375
- Thủy, hải sản là mặt hàng đứng thứ 4 trong xuất khẩu vào EU, có kim ngạch hơn 1 tỷ USD. 3 năm gần đây kim ngạch xuất khẩu vào EU có xu hướng giảm, đặc biệt năm 2019 giảm khá mạnh (13,07%) do bị rút thẻ vàng vì đánh bắt trái phép. Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù có những năm kim ngạch xuất khẩu giảm, song nhìn chung 3 năm gần đây vẫn tăng chậm. Điểm lợi thế là hàng thủy, hải sản có cơ cấu mang tính bổ sung đối với thị trường EU, không phải cạnh tranh trực tiếp; thị trường EU có nhu cầu lớn, thu nhập bình quân đầu người cao, sức mua lớn; và có sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, chuyển từ thịt sang nhóm thuỷ, hải sản. Chất lượng sản phẩm ngày càng cải thiện, uy tín, thương hiệu tăng, công nghệ chế biến luôn được cải tiến, Tuy nhiên, hàng thuỷ, hải sản cũng gặp những khó khăn do có những đòi hỏi khắt khe, những yêu cầu, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), xuất xứ, rào cản chống bán phá giá, chống trợ cấp, hạn chế lượng hàng xuất khẩu, rào cản kỹ thuật (TBT) điển hình là quy định về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn quản lý chất lượng, về bảo vệ môi trường và nguồn lợi, trách nhiệm xã hội. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng với những rào cản trên, hạn chế của hàng thủy, hải sản Việt Nam là chất lượng, quy cách các lô hàng chưa ổn định, giống chưa sạch, chưa có khả năng kháng bệnh cao, còn dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép ở sản phẩm, còn tình trạng đánh bắt trái phép, chưa quản lý tốt khai thác (bị áp thẻ vàng 2 năm kể từ tháng 10 năm 2017 dẫn đến tụt hạng từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 5, giảm nhiều kim ngạch xuất khẩu năm 2019 giảm 13,07% so với năm 2018), chi phí tăng cao do thời gian thông quan kéo dài (7-10 ngày) do bị kiểm tra gắt gao, đối tác nhập khẩu ngại mua, chuyển sang các đối tác ở nước khác. Hàng nông sản xuất vào EU 3 năm gần đây có xu hướng giảm khá mạnh, trong đó đặc biệt là cà phê và hạt điều (hạt điều qua 3 năm 2017 - 2019 giảm đến 90%, cà phê năm 2019 giảm gần 15% so với năm 2018). Mặc dù EU đã có ưu đãi về kiểm dịch động, thực vật (theo quy định SPS) đối với Việt Nam, song điểm yếu nhất vẫn là sự thiếu đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng, thu hoạch và bảo quản chưa tốt, vướng mắc về xuất xứ (khá nhiều nông sản, trong đó có hạt điều chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi: Bờ biển Ngà, Nigeria, , đây cũng là lý do vì sao kim ngạch xuất khẩu hạt điều vào EU giảm rất mạnh); nhiều lô hàng nông sản, thực phẩm, rau quả bị giám sát gắt gao về vệ sinh, an toàn thực phẩm: chứa nhiều hóa chất, chất cấm vượt quy định (mật ong 5 năm liền bị cấm nhập do dư lượng chất kháng sinh cao); doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu liên kết, công nghệ, kỹ thuật chế biến sau thu hoạch lạc hậu, dẫn đến chi phí cao, chất lượng thấp, hao hụt nhiều làm cho năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp. Theo VASEP, 40% doanh nghiệp nông sản khó khăn khi vượt các rào cản phi thuế quan, trong số này hai rào cản lớn nhất là kiểm dịch động, thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật (TBT). 3.3. Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực 3.3.1. Cơ hội đối với xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU Ngày 12/2/2020 EU đã phê chuẩn Hiệp định FTA với Việt Nam và nếu được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thì trong năm 2020 EVFTA chính thức có hiệu lực. Việc ký kết EVFTA được ví như “Con đường cao tốc hướng Tây” cho hàng hóa của Việt Nam sang 376
- EU được mở, không chỉ có thế EU còn là khu vực nhiều tiềm năng tài chính và công nghệ có thể giúp gia tăng đầu tư và hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, ngay lập tức 85% dòng thuế tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu sẽ được dỡ bỏ; số dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ gần 100% sau 7 năm. Đây được xem là cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường lớn thứ 3 thế giới về quy mô GDP (18.800 tỷ USD), với GDP bình quân đầu người 40.000 USD và dân số trên 580 triệu người. Lợi thế nữa là Việt Nam sớm ký được Hiệp định EVFTA so với các đối thủ cạnh tranh lớn khác về hàng giày, dép, thủy, hải sản, dệt may và nông sản như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan, Thông qua việc EU dỡ bỏ thuế quan cho hàng Việt Nam và mặc dù có những quy định khắt khe, chặt chẽ về hàng nhập khẩu vào EU, song được thực hiện có lộ trình 10 năm, có thể đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam nếu nỗ lực, cố gắng có thể thực hiện được. Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng được cải thiện, đặc biệt là thủy, hải sản; EU có nhu cầu lớn về các nhóm hàng của Việt Nam: dệt may, giày, dép, nông sản, thủy, hải sản, trong khi đó các nước EU sản xuất chủ yếu là ô tô, máy bay, dược phẩm. Theo nghiên cứu từ dự án Mutrap thì khi EVFTA được thực thi thì mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ được đa dạng hóa hơn, đặc biệt là hàng nông sản, thủy, hải sản. Cùng với những cơ hội mới về thị trường EU sau khi ký EVFTA, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Bộ, ngành, hiệp hội với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Chính phủ, Bộ, ngành ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy đảm bảo sự tương thích với các quy định của EVFTA. Chính phủ, Hiệp hội VASEP ban hành các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát tàu cá, nâng cao năng lực thực thi pháp luật chống khai thác, đánh bắt trái phép (IUU), hợp tác với EU trong xử lý thẻ vàng. Cục phòng vệ thương mại tăng cường phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp xử lý các biện pháp phòng vệ của nước ngoài, trong đó có EU, tập trung vào thuế chống bán phá giá, lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ do tăng trưởng nóng hàng xuất khẩu; các mặt hàng chủ yếu của EU như sợi, dệt, thủy sản, nông sản rất may là so với các thị trường lớn khác (Hoa Kỳ, Trung Quốc) các biện pháp phòng vệ thương mại của EU không nhiều (áp thuế chống bán phá giá giày, dép (2005-2011), thẻ vàng đối với cá (2017-2019), mạnh nhất là 5 năm cấm xuất mật ong sang EU và một số vụ việc khác). Song cần lưu ý rằng hội nhập càng mạnh, càng sâu thì các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng ở các nước nhập khẩu càng tăng. Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần phải có hệ thống cảnh báo tốt và có các biện pháp chủ động đối phó. Theo Dự báo tình hình xuất khẩu sang EU của Bộ Kế hoạch - Đầu tư sau khi EVFTA có hiệu lực, với việc cắt giảm thuế quan mạnh thì kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU có thể tăng 20% năm 2020; 42,7% vào năm 2025, 44,37% vào năm 2030 so với trước khi ký EVFTA trong đó các mặt hàng giầy, dép, dệt may, nông sản, thủy hải sản có lợi thế lớn. Tuy vậy để đạt được kết quả ấn tượng trên thì Chính phủ, doanh nghiệp và hiệp hội phải đồng hành vượt qua các khó khăn thách thức từ rào cản thương mại của EU. 377
- 3.3.2. Thách thức về các rào cản phi thuế quan đối với xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU Các thách thức về rào cản đối với hàng giầy, dép, dệt may, thủy, hải sản, nông sản đối với EU khi EVFTA có hiệu lực: Mặc dù được hưởng ưu đãi thuế quan, song hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức về các rào cản phi thuế quan như: Hàng rào kỹ thuật (TBT); Kiểm dịch động thực vật (SPS); Phòng vệ thương mại; Yêu cầu về phát triển bền vững thương mại (lao động, môi trường), cụ thể: Đối với mặt hàng giày, dép, rào cản lớn nhất là xuất xứ hàng hóa khi mà nguyên vật liệu sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào các nước không có quan hệ FTA với EU (60-70% nguyên liệu da, giày nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan); chất lượng các lô hàng thiếu sự đồng nhất; các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giày, dép quy mô nhỏ, thiếu liên kết, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; mặt hàng đơn điệu; công nghệ còn lạc hậu; chi phí cao, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh thấp; các nước còn nghi ngờ Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Nếu không khắc phục được các rào cản này thì với các quy định ngặt nghèo, cùng với tăng cường các biện pháp phi thuế quan của nước nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu giày, dép khó tăng. Đối với hàng dệt may: Cũng tương tự mặt hàng giày, dép, hàng dệt may lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc (58%), Đài Loan (12%), hai nước này không có quan hệ FTA với EU và Hàn Quốc (16%) nên dễ bị rào cản về xuất xứ; doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may lại phải đối đầu, cạnh tranh với các đối thủ lớn: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, đồng thời nếu không được kiểm soát tốt thì công nghệ, kỹ thuật của Trung Quốc sẽ thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam; doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều lao đông, tay nghề thấp, điều kiện làm việc, môi trường còn hạn chế nên rất dễ mắc các rào cản về phát triển bền vững (lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội ); công nghệ, kỹ thuật chỉ đạt trình độ trung bình: công nghệ xơ, dệt, nhuộm yếu; quản trị doanh nghiệp còn yếu nên chi phí cao; hiểu biết pháp luật thị trường EU còn yếu. Do đó, nếu không khắc phục triệt để những hạn chế yếu kèm này sẽ khó đạt được kết quả như dự báo. Đối với hàng thủy hải sản: thách thức chủ yếu của rào cản phi thuế quan là các biện pháp hạn chế số lượng và giá tri nhập khẩu vào EU, áp hạn ngạch hoặc cấm xuất khẩu, quy định giá tối đa được bán tại thị trường EU, cộng thêm các khoản thuế, phụ thu; các rào cản kỹ thuật và kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường (tiêu chuẩn ISO 14020, IUU) và an toàn trong tiêu dùng, dư lượng hóa chất, chất kháng sinh, quy định về trách nhiệm xã hội ; cùng với các biện pháp, thủ tục hành chính: thanh toán, đặt cọc, quảng cáo, quá trình kiểm tra hàng hóa thông quan EU là một thị trường khó tính với nhiều quy định phức tạp, bên cạnh quy định chung còn có các quy định riêng từng nước. Thực tế hàng thủy, hải sản Việt Nam vào EU đã gặp những vướng mắc về dư lượng kháng sinh, thẻ vàng với tàu đánh bắt cá trái phép (xuất sứ). Mặc dù đã từng bước xác định vị thế, uy tín, thương hiệu song chất lượng hàng thủy, hải sản còn thiếu đồng nhất, chưa đồng đều giữa các lô hàng, chất lượng con giống còn thấp, kiểm soát đánh bắt hải sản chưa tốt, còn hiện tượng đánh bắt ở hải phận nước khác, chất lượng thủy, hải sản nguyên liệu chế biến chưa được kiểm soát chặt chẽ, truy suất nguồn gốc còn lỏng lẻo, thiếu quy hoạch tổng thể. 378
- Đó cũng là lý do vì sao kim ngach xuất khẩu hàng thủy, hải sản những năm gần đây có xu hướng giảm sút. Khi EVFTA được thực hiện, dự báo các biện pháp phi thuế quan sẽ tăng lên, sẽ khó khăn hơn cho hàng thủy, hải sản. Đối với hàng nông sản: cũng như hàng thủy hải sản rào cản lớn nhất là kiểm dịch động thực vật (SPS) rau, quả Việt Nam dễ vướng mắc do thiếu tính đồng nhất về quy cách, chất lượng; thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch chưa tốt, tổ chức sản xuất, chế biến, công nghệ chế biến chưa hiện đại khó đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, chế biến; ngoài ra một số nguyên liệu cho hàng xuất khẩu mắc về quy tắc xuất sứ (hạt điều kim ngạch giảm mạnh vì nguyên liệu chủ yếu nhập từ các nước Gana, Nigieria, là những nước không có FTA với EU; quy mô sản xuất, chế biến nhỏ, manh mún khó áp dụng công nghệ cao để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn EU; thiếu hoặc không tiếp cận được với thông tin về EVFTA thị trường EU (theo một kết quả điều tra 77% doanh nghiệp không có thông tin đầy đủ về EVFTA, chỉ trông chờ vào thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước, do đó rất khó khăn trong xuất khẩu vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về luật pháp và thị trường); quản trị doanh nghiệp còn yếu, chi phí cao và dễ mắc các quy định về sử dụng lao động, môi trường. Do đó Chính phủ, Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm mới khắc phục được các hạn chế, yếu kém để vượt rào cản, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU, mặc dù hàng nông sản là một trong số những hàng nhiều triển vọng do nhiều cơ hội mà EVFTA tạo ra 3.4. Một số giải pháp chủ yếu vượt rào cản, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực EVFTA chính thức có hiệu lực khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (dự kiến trong kỳ họp tới đây của Quốc hội, sau khi EU đã phê duyệt tháng 2 năm 2020). Để thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng giày, dép, dệt may, thủy, hải sản, nông sản sang thị trường EU cần có sự đồng hành với các giải pháp của Chính phủ, Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các nhóm mặt hàng này. 3.4.1. Giải pháp chung Về phía chính phủ, Bộ, ngành: Chính phủ cần bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp quy đảm bảo sự tương thích với yêu cầu, quy định của EU, của EVFTA, đồng thời tăng cường sự tuyên truyền, hướng dẫn và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Các Bộ, ngành trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp, phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành với hiệp hội và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện nhằm tạo dựng cơ hội, vượt qua những thách thức và khắc phục những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp với lộ trình và biện pháp cụ thể, hiệu quả. Về phía các hiệp hội nhóm, ngành hàng: Cần chủ động nắm bắt thông tin, kinh nghiệm quốc tế về xử lý các vụ kiện và khởi kiện đối tác nhập khẩu; Chuẩn bị các luận cứ xác thực, chặt chẽ để kiến nghị với Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong xử lý các vụ kiện; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cho các doanh nghiệp hiểu biết về EVFTA, về thị trường EU; Đào tạo kiến thức và kinh nghiệm trong xuất khẩu, hạn chế các vụ kiện và các biện pháp phòng vệ thương mại của đối tác. Về phía các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu: Cần chủ động nắm bắt thông tin 379
- đầy đủ, chính xác về EVFTA, thị trường và đối tác nhập khẩu; chủ động dự báo tình hình thị trường để có giải pháp đáp ứng nhu cầu hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục hành chính trong nhập khẩu, thông quan hàng hóa; Dự báo nguy cơ vụ kiện và các biện pháp phòng vệ thương mại để chủ động đối phó. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp cần chuẩn bị đầy đủ thông tin, sổ sách, chứng từ, kế toán tài chính và các minh chứng một cách minh bạch, đầy đủ, chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước và hiệp hội trong xử lý tranh chấp, giảm thiểu tối đa sự thiệt hại; Tăng cường sự liên kết, liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp để có thể thực hiện hiệu quả đầu tư khoa học, công nghệ, kỹ thuật sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả, đồng thời có thể đáp ứng được các lô hàng lớn, tốc độ nhanh theo yêu cầu của đối tác, giảm chi phí từ lợi thế quy mô, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu; Tăng cường đào tạo kiến thức và kinh nghiệm quản trị, đổi mới quản trị, tái cấu trúc sản xuất và kinh doanh gắn với nhu cầu, đòi hỏi của thị trường trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường EU và thế giới, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thị trường EU cần đa dạng hóa thị trường, đối tác để tránh rủi ro khi thị trường biến động; Nắm bắt thông tin về các nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại từ cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp chủ động đối phó; Tăng cường các yếu tố, điều kiện về cơ sở vật chất, quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn ISO trong sản xuất, xuất khẩu và các tiêu chuẩn ISO về lao động, môi trường để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của EU; Tăng cường đổi mới, đa hạng hóa mặt hàng, lô hàng chất lượng và năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu. 3.4.2. Giải pháp cụ thể đối với các nhóm, mặt hàng Đối với mặt hàng giày, dép: Vấn đề lớn nhất là vướng các quy định về xuất xứ hàng hóa do giày, dép Việt Nam sử dụng nhiều nguyên liệu từ các nước không có trong EU, không có quan hệ FTA với EU nên trước mắt cần tăng cường tìm các nguồn nguyên liệu tại EU và các nước có quan hệ FTA với EU, về lâu dài các doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước hoặc đầu tư các cơ sở sản xuất tại EU; Hoàn thiện quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra và đáp ứng quy trình, quy chuẩn sản xuất của EU, theo đó cần đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị; Đầu tư hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu; Tăng cường liên kết chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, đảm bảo chủ động trong sản xuất và xuất khẩu; Đảm bảo tính minh bạch trong sản xuất, xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa, tránh dư luận xấu là Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá, không minh bạch về xuất xứ nên ảnh hưởng thương hiệu, uy tín của hàng xuất khẩu, đồng thời tránh được các nguy cơ bị kiện, áp các biện pháp phòng vệ thương mại. Đối với hàng dệt may: Sức ép lớn nhất là EU là môt thị trường khó tính với những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cao về sản phẩm và yêu cầu trong sản xuất và tiêu dùng, đồng thời phải đối đầu với các đối thủ cạnh tranh lớn để khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Pakistan. Cũng như hàng giày, dép, dệt may bị phụ thuộc và phải nhập nguyên liệu nhiều từ các nước không nằm trong EU, không có quan hệ FTA với EU, trong số này có Trung Quốc là nước chúng ta phụ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là nguyên liệu phải nhập đến 70% từ Trung Quốc và Đài Loan. Trong tương lai, khi Trung Quốc, Thái Lan (đang đàm phán FTA với EU) có quan hệ FTA với EU thì vấn đề xuất xứ hàng dệt may sẽ được giải quyết, song trước mắt 380
- doanh nghiệp dệt may cần chủ động nhập nguyên liệu từ các nước có quan hệ FTA với EU và nội bộ EU, về lâu dài để đảm bảo chủ động và hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may thì các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư sản xuất sợi và vải mới đảm bảo gia tăng được giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất và xuất khẩu (trên mới đạt chỉ 50%). Các doanh nghiệp dệt may cần tăng cường đầu tư, hiện đại hóa công nghệ, kỹ thuật hiện còn lệ thuộc Trung Quốc, lạc hậu, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp; Tăng cường liên kết chuỗi (do các doanh nghiệp dệt may hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa) để vừa có thể đầu tư, hiện đại hóa (hiện công nghệ chỉ đạt mức trung bình), vừa hiệu quả, quy mô lớn, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp FDI trong nước để đáp ứng tốt các yêu cầu về quy mô và thời hạn giao hàng nhanh của đối tác. Việc đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cùng với đó cần nâng cao năng lực quản trị để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo thu nhập và điều kiện làm việc, yếu tố môi trường để không phạm điều kiện, yêu cầu về phát triển bền vững thương mại của EU. Đối với thủy, hải sản: Doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch nguồn nguyên liệu, tránh đánh bắt cá trái phép để dẫn tới việc áp thẻ vàng trong thời gian vừa qua; Tuân thủ điều luật thủy sản mới và các quy định về nguồn gốc xuất xứ; Tăng cường các biện pháp trong nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản, đặc biệt là khâu con giống hiện rất yếu, hiệu quả thấp; Giảm dư lượng khánh sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm, đáp ứng yêu cầu SPS và tiêu chuẩn tiêu dùng của EU; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phân phối, xây dựng hình ảnh, uy tín và thương hiệu sản phẩm vốn còn yếu; Đầu tư, hiện đại hóa công nghệ, kỹ thuật từ nuối trồng, đánh bát, chế biến và bảo quản để giảm chi phí và nâng cao chất lượng ản phẩm. Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chủ yếu và doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động thủ công, môi trường và điều kiện chưa tốt, nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn nên cần tuân thủ các quy định về sử dụng lao động, môi trường và điều kiện làm việc, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, trong đó đáp ứng yêu cầu về phát triển thương mại bền vững của EU. Đối với hàng nông sản: Rào cản lớn nhất đối với hàng nông sản Việt Nam vào thị trường EU là kiểm dịch động, thực vật (SPS), tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất, chế biến, tiêu chuẩn tiêu dùng của EU; khả năng đáp ứng các lô hàng lớn, giao nhanh và hàng đảm bảo chất lượng, một số mặt hàng vướng về nguồn gốc, xuất xứ Ngoài gạo thì rau, quả, hạt, cà phê là những mặt hàng xuất khẩu lớn. Tuy vậy, điểm yếu là sản xuất nông sản quy mô nhỏ, manh múm, nên khó kiểm soát chất lượng, năng suất thấp, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu nên chi phí cao, chất lượng thấp, hao hụt nhiều. Do đó rất cần thực hiện liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu; Hiện đại hóa sản xuất và công nghệ chế biến, bảo quản. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ và thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU về mặt hàng, tiêu chuẩn tiêu dùng của EU, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, bảo quản, xuất khẩu; thủ tục hành chính, thông quan, Với hạt điều (hiện xuất khẩu giảm mạnh, song bị EU thực hiện quy định về xuất xứ với lý do nguyên liệu chủ yếu nhập từ Gana, Nigeria là những nước không nằm trong EU) thì Nhà nước cần có quy hoạch trồng điều theo hướng mở rộng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu và cạnh tranh trên thị trường EU. Về mặt hàng mật ong, tiềm năng sản xuất và xuất khẩu tương đối khá, tuy vậy từ 2007 mặt hàng bị cấm nhập vào EU do không đảm bảo quy định về vệ sinh an toàn thực 381
- phẩm theo quy định của SPS; mặc dù từ năm 2014 EU đã bắt đầu nhập lại (các nước nhập khẩu lớn có Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha) nhưng vẫn có những hạn chế về dư lượng các chất glycerine, chỉ số HMF và các tạp chất, đặc biệt là Carbendazim và các hóa chất biến đổi Gen. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm này cần phải có các biện pháp đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc và được cấp chứng nhận HACCP và các giới hạn cho phép về các tiêu chuẩn tiêu dung, dư lượng hóa chất và tạp chất của EU; tăng lượng nuôi tự nhiên, hạn chế thức ăn nhân tạo, mật hoa nhân tạo và chú trọng trong khâu chế biến, bảo quản.Về gạo nên tập trung sản xuất và xuất khẩu các loại có chất lượng cao thay vì chỉ tập trung loại chất lượng thấp, số lượng nhiều nhưng giá trị và giá trị gia tăng thấp. Kết luận EU là một thị trường lớn, nhu cầu cao, khó tính với những quy định khắt khe. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có những mặt hàng chủ lực, kim ngạch xuất khẩu lớn như giày, dép, giày da, thủy, hải sản, nông sản. Song khi được hưởng lợi về thuế suất thì hàng Việt Nam có thể gặp phải những rào cản phi thuế quan, và thuế được các nước nhập khẩu sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước. Bài báo tập trung phân tích thực trạng xuất khẩu các nhóm, mặt hàng giày, dép, dệt may, nông sản, thủy, hải sản của Việt Nam vào EU; đánh giá khả năng đáp ứng các yêu cầu của EU, chỉ ra hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; nhận định cơ hội và đặc biệt là thách thức về hàng rào phi thuế quan khi xuất khẩu sang EU trong bối cảnh EVFTA được ký kết và có hiệu lực, từ đó nêu ra các giải pháp hữu hiệu đối với quản lý Nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu sang EU đối với 4 nhóm, mặt hàng vừa có lợi thế vừa có nguy cơ lớn bị áp các rào cản phi thuế quan. Do vấn đề nghiên cứu đề cập đến phạm vi rộng và phức tạp nên bài báo còn chưa đi sâu, nghiên cứu cụ thể, chi tiết những vấn đề quản trị doanh nghiệp, những cơ chế, chính sách cụ thể của Nhà nước. Để hoàn thiện, chúng tôi sẽ thực hiện ở các nghiên cứu tiếp theo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo cáo thuyết minh về hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngày 28 tháng 4 năm 2020, đăng tại Website: quochoi.vn 2. Bùi Thị Việt Anh (2016), Cơ hội và thách thức từ cam kết thương mại trong hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA) đối với doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu EU - 38-Mutrap. 3. Hà Công Anh Bảo và các cộng sự, Thách thức khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt nam từ kết quả điều tra doanh nghiệp, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam: Từ chiến lược tham gia đến thách thức khi thực thi, TP. Hồ Chí Minh, tr. 289-304. 4. Phạm Thị Dự (2018), Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa của Việt Nam khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Việt Nam 2018, Truy cập từ website: 20thuc%20voi%20linh%20vuc%20thuong%20mai%20hang%20hoa%20cua%20Viet %20Nam%20khi%20EVFTA%20co%20hieu%20luc.pdf 382
- 5. Nguyễn Ngọc Hà (2019), Tham gia FTA thế hệ mới: Lợi thế, thách thức và vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Truy cập từ website: doi/tham-gia-fta-the-he-moi-loi-the-thach-thuc-va-van-de-dat-ra-cho-viet-nam- 309173.html 6. Vũ Thanh Hương (2017), Hiệp định thương mại tự do VN - EU: Tác động đối với thương mại hàng hóa hai bên và hàm ý cho VIệt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế. 7. Minh Khôi (2019), Chủ động đối phó với hàng rào phi thuế quan trong giao dịch quốc tế, Tạp chí tài chính, số tháng 3/2019. 8. Phan Thị Hà My (2019) trong bài viết “Cơ hôi và những vấn đề đặt gia đối với Việt Nam khi tham gia EVFTA”, Tạp chí tài chính, kỳ 1 tháng 7/2019, truy cập từ website: viet-nam-khi-tham-gia-evfta-311080.html 9. Nguyễn Minh Phong (2018), EVFTA - Cơ hội và giải pháp thích ứng, Tạp chí Ngân hàng, số 22/2018. 10. Quang Sơn (2020), Cơ hội mới của Việt Nam trước thị trường EU, Truy cập từ website của Tạp chí tài chính: viet-nam-tren-thi-truong-eu-319430.html 11. Nguyễn Thị Thu Thủy (2019), Giải pháp vượt rào cản phi thuế quan nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, Tạp chí Công thương, số tháng 9/2019. 12. TS Huỳnh Minh Triết (2011), Giáo trình Kinh tế Quốc tế, NXB Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 13. Website của Bộ Công thương: 14. Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 15. Website của Tổng cục Hải quan: 16. Website của Tổng cục Thống kê: 17. Website của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): 18. Website của Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 19. Website của Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam: 20. Website của Hiệp hội Lương thực Việt Nam: 21. Website của Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam: 383