Ảnh hưởng của phát triển công nghiệp-dịch vụ lên lợi nhuận của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

pdf 12 trang Gia Huy 18/05/2022 2740
Bạn đang xem tài liệu "Ảnh hưởng của phát triển công nghiệp-dịch vụ lên lợi nhuận của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfanh_huong_cua_phat_trien_cong_nghiep_dich_vu_len_loi_nhuan_c.pdf

Nội dung text: Ảnh hưởng của phát triển công nghiệp-dịch vụ lên lợi nhuận của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

  1. ẢNH HƯỞNG CỦA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP-DỊCH VỤ LÊN LỢI NHUẬN CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ IMPACTS OF INDUSTRIAL AND SERVICE DEVELOPMENT ON THE PROFIT OF VIETNAM’S AGRICULTURAL SECTOR IN THE CONTEXT OF INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION ThS. NCS. Phùng Minh Đức Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt: Bài viết này nhằm phân tích vai trò của phát triển công nghiệp và dịch vụ trong hiệu quả hoạt động nông nghiệp ở Việt nam theo phương pháp tiếp cận của kinh tế lượng không gian. Tác giả sử dụng bộ số liệu trong giai đoạn 2006-2012 từ điều tra Khảo sát mức sống hộ gia đình, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và một số điều tra khác được thực hiện bởi Tổng cục thống kê. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng trong tỉ trọng RGDP của khu vực công nghiệp-dịch vụ tác động tích cực đến lợi nhuận bình quân mỗi mét vuông đất canh tác trong nông nghiệp. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn vốn đầu tư, chính sách đào tạo nghề, cũng như vai trò của chính quyền địa phương trong nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành nông nghiệp ở Việt nam. Từ khóa: Nông nghiệp Việt nam, mối quan hệ nông nghiệp và công nghiệp-dịch vụ, lợi nhuận nông nghiệp. Abstract: This paper attempts to analyze the role of industrial and service development in agricultural productivity in Vietnam by using the spatial econometric approach. The author uses the datasets in 2006-2012 period taken from Vietnam Household Living Standard Survey, Provincial Competitiveness Index and other surveys conducted by the General Statistics Office. The results indicate that the increase in the RGDP proportion of industrial-service zones impacts positively on the average profit per square meter of farmland in each province. The output also points out the importance of the investment capitals, vocational training policies and the local government in improving the performance of the agricultural sector in Vietnam. Keywords: Agricultural profit, Agricultural and industrial-service relation, Vietnam’s Agriculture. 1. Giới thiệu Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cũng như những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp ở Việt nam. Những lợi thế truyền thống về sản xuất và cung ứng nông sản giá rẻ với số lượng lớn đang dần bị lấn át bởi các đối thủ đến từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới với những ưu thế vượt trội, cả về số lượng và chất lượng sản 855
  2. phẩm. Công nghệ sản xuất lạc hậu, cơ cấu sản xuất còn bất hợp lý, cùng với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế là những nguyên nhân chính đẩy ngành nông nghiệp lún sâu vào tình trạng “được mùa-rớt giá” trong một số năm gần đây. Căn bệnh dai dẳng này không những làm giảm thu nhập mà hơn thế, nó còn gây ra sự thua lỗ triền miên trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đói nghèo có thể sẽ tiếp tục đeo bám người nông dân, ảnh hưởng xấu đến sinh kế và tăng thêm những bất ổn về mặt xã hội. Để cải thiện năng lực cạnh tranh và tận dụng được những cơ hội của quá trình hội nhập, ngành nông nghiệp đứng trước nhiệm vụ tái cấu trúc sản xuất và kiến tạo động lực nhằm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững. Là một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi một cách nhanh chóng từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp Việt nam đã và đang đón nhận những tác động mạnh mẽ từ tốc độ phát triển cao ở khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp không thể chỉ dựa trên sự nỗ lực của riêng ngành nông nghiệp, mà phụ thuộc nhiều vào mức độ gắn kết của nó với công nghiệp-dịch vụ thông qua các mối liên kết sản xuất cũng như quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Lewis (1954) đã cho rằng, công nghiệp với đặc trưng là quá trình tích lũy vốn nhanh chóng sẽ đạt được mức tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và mức thu nhập nhập hấp dẫn ở khu vực này sẽ kích thích quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp và tạo nên chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các nguồn lực được dịch chuyển về những nơi mà nó đóng góp được năng suất biên cao nhất sẽ là chìa khóa tạo nên tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế nói chung và từng khu vực kinh tế nói riêng. Đối với nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu giúp đẩy mạnh quá trình tích tụ vốn, đất đai và làm tăng năng suất lao động. Hơn nữa, tăng trưởng công nghiệp-dịch vụ nói chung, đặc biệt là tăng trưởng của các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp nói riêng sẽ làm tăng cầu nông sản, mang lại những cơ hội để thực hiện tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tiến bộ khoa học và công nghệ không ngừng được tạo ra từ khu vực công nghiệp và dịch vụ cũng hình thành nên những động lực tăng trưởng mới đối với nông nghiệp. Ở giai đoạn nền kinh tế “cất cánh”, tăng trưởng nhanh chóng ở một số ngành trọng điểm thuộc khu vực công nghiệp- dịch vụ sẽ trở thành động lực kích thích tăng trưởng ở các khu vực còn lại. Cơ cấu nông nghiệp trong lực lượng lao động và trong tổng GDP có xu hướng giảm dần, song năng suất và tăng trưởng nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên (Rostow, 1960). Bên cạnh mặt tích cực, quá trình theo đuổi công nghiệp hóa cũng bộc lộ những tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp tại một số quốc gia đang chuyển đổi, trong đó có Việt nam. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề, sự thu hẹp dần của quỹ đất nông nghiệp cũng như áp lực giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp là những vấn đề gây cản trở tăng trưởng nông nghiệp. Sự trì trệ trong hoạt động của các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp cũng tạo nên những rủi ro tiềm ẩn trong vấn đề tiêu thụ nông sản đầu ra, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Chiến lược xây dựng Nông thôn mới đang được Chính phủ nỗ lực thực hiện nhằm phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề giúp nông nghiệp bắt nhịp với tốc độ công nghiệp hóa. Mặc dù quá trình thực hiện bước đầu đã đạt được một số thành tựu, song nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt nam đang giảm dần trong vài năm trở lại đây (Nguyễn Đức Thành 856
  3. và cộng sự, 2012), làm dấy lên lo ngại về sự tụt hậu của nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Do vậy, cần có những đánh giá về vai trò của phát triển của công nghiệp-dịch vụ đối với nông nghiệp, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp cho nhiệm vụ tái cấu trúc và thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp ở Việt nam hiện nay. Bài viết này nhằm nghiên cứu tác động của phát triển công nghiệp và dịch vụ đến hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp tại các địa phương. Tác giả phân tích tác động này lên mức lợi nhuận bình quân của ngành nông nghiệp bởi gia tăng lợi nhuận bình quân sẽ làm gia tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống nông thôn. Hơn nữa, sự gia tăng về lợi nhuận sẽ thu hút sự quan tâm từ các tổ chức kinh tế xã hội cũng như kích thích các nguồn vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp nói chung. Về phương pháp nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp tiếp cận của kinh tế lượng không gian trên bộ số liệu với đơn vị phân tích cấp tỉnh trong giai đoạn 2006-2012, gồm 63 tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Cấu trúc của bài viết như sau: Phần tiếp theo trình bày tổng quan nghiên cứu thực nghiệm trong và ngoài nước về chủ đề nghiên cứu; phần thứ ba sẽ trình bày các mô hình phân tích thực nghiệm nhằm đánh giá tác động của công nghiệp-dịch vụ lên lợi nhuận nông nghiệp sử dụng phương pháp kinh tế lượng không gian với số liệu mảng; phần cuối cùng là kết luận và các khuyến nghị chính sách. 2. Tổng quan nghiên cứu về vai trò của công nghiệp-dịch vụ đối với phát triển nông nghiệp Nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa nông nghiệp với phát triển công nghiệp dịch vụ là chủ đề nhận được sự quan tâm rộng rãi tại nhiều quốc gia đang phát triển. Hầu hết các nghiên cứu đều đưa ra những bằng chứng khẳng định nông nghiệp là khu vực được hưởng lợi từ những thành quả của phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chẳng hạn, nghiên cứu của Matahir (2012) về chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Malaysia trong gian đoạn 1970-2009 cho thấy ảnh hưởng lan tỏa từ khu vực công nghiệp góp phần cải thiện đầu ra của nông nghiệp. Các nghiên cứu của Ragarajan (1982) về nền kinh tế Ấn độ và Koo & Lou (1997) về nền kinh tế Trung quốc trong giai đoạn 1988-1992 cũng thu được những kết quả tương tự. Đây cũng là kết luận khá phổ biến trong các phân tích thực nghiệm về các nền kinh tế đang chuyển đổi trên thế giới và phù hợp với các lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Lewis (1954), Rostow (1960) và Torado (1969), Ở chiều ngược lại, một số nghiên cứu lại tìm thấy bằng chứng về sự biến động ngược chiều giữa tăng trưởng nông nghiệp với công nghiệp-dịch vụ, chẳng hạn như nghiên cứu của Lin & Koo (1990) về nền kinh tế Trung quốc trong thời kỳ 1952-1988; hay nghiên cứu của Subramaniam & Reed (2009) về nền kinh tế Romania trong giai đoạn 1989-2007. Như vậy, tác động của công nghiệp và dịch vụ đối với nông nghiệp có thể không đồng nhất giữa các quốc gia, thậm chí sự khác biệt có thể xảy ra tại một quốc gia trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Sự khác biệt này có thể đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những khác biệt trong chiến lược phát triển kinh tế mà mỗi quốc gia theo đuổi, cũng như mức độ gắn kết giữa các khu vực kinh tế trong từng giai đoạn phát triển. 857
  4. Về phương pháp nghiên cứu, hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm đều sử dụng các mô hình kinh tế lượng với các phương pháp ước lượng khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm số liệu được thu thập tại mỗi quốc gia. Chẳng hạn, các nghiên cứu của Matahir (2012); nghiên cứu của Subramaniam & Reed (2009) đã sử dụng các chuỗi thời gian với phân tích đồng tích hợp, trong khi các nghiên cứu khác lại sử dụng phân tích hồi quy với số liệu mảng (Koo & Lou, 1997). Phân tích hồi quy với số liệu mảng là phương pháp được lựa chọn khá phổ biến tại các quốc gia đang phát triển, nơi mà việc thu thập số liệu được tiến hành trong khoảng thời gian hạn chế, không phù hợp với các phân tích chuỗi thời gian. Hơn nữa, phân tích số liệu mảng được đánh giá là phương pháp khá hiệu quả, bởi số liệu ở dạng này chứa đựng những thông tin của đối tượng nghiên cứu theo cả hai chiều không gian và thời gian (Baltagi, 2008). Ở Việt nam, do đặc thù về số liệu, đa số các nghiên cứu thực nghiệm về chủ đề này thường sử dụng phương pháp hồi quy với số liệu chéo (Ho, 2012), số liệu mảng với những phương pháp ước lượng truyền thống (Nguyễn Thị Cẩm Vân, 2015; Nguyễn Thị Minh và cộng sự, 2016), hoặc số liệu mảng theo phương pháp ước lượng của kinh tế lượng không gian (Phùng Minh Đức và Vũ Diệu Hương, 2016). Hầu hết các nghiên cứu đều khẳng định phát triển công nghiệp-dịch vụ tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp. Sự khác biệt giữa các nghiên cứu chủ yếu đến từ việc lựa chọn các đại diện cho các biến nghiên cứu trong mô hình hồi quy. Chẳng hạn, Ho (2012) lựa chọn mức tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) làm đại diện cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp, trong khi Nguyễn Thị Minh và cộng sự (2016) lại sử dụng mức lợi nhuận từ hoạt động trồng trọt; hay Phùng Minh Đức và Vũ Diệu Hương (2016) lại lựa chọn giá trị năng suất lao động nông nghiệp làm đại diện cho biến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đại diện của biến công nghiệp-dịch vụ trong các nghiên cứu thực nghiệm cũng rất đa dạng, gồm có: số dân phi nông nghiệp trên tổng dân số nông thôn (Ho, 2012), tỉ trọng RGDP nông nghiệp trong tổng RGDP của địa phương (Nguyễn Thị Minh, 2009; Nguyễn Thị Cẩm Vân, 2015; Phùng Minh Đức và Vũ Diệu Hương, 2016), hay mức chênh lệch RGDP bình quân đầu người giữa nông nghiệp với công nghiệp-dịch vụ (Nguyễn Thị Minh và cộng sự, 2016). Tương tự như nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh và cộng sự (2016), trong bài viết này tác giả quan tâm đến tác động của công nghiệp-dịch vụ lên mức lợi nhuận bình quân của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sự khác biệt sẽ đến từ bản chất của số liệu: Bộ số liệu trong Nguyễn Thị Minh và cộng sự (2016) với chiều dài 2 năm là một khoảng thời gian tương đối hạn chế, do đó mô hình hồi quy dạng mảng có thể sẽ cho các kết quả ước lượng với độ tin cậy chưa cao. Mặt khác, chênh lệch RGDP bình quân đầu người giữa nông nghiệp với công nghiệp-dịch vụ chỉ thể hiện được tác động của công nghiệp-dịch vụ đến nông nghiệp ở những địa phương có sự khác biệt lớn về trình độ phát triển giữa nông nghiệp với công nghiệp-dịch vụ. Các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, hoặc ở đó công nghiệp-dịch vụ chưa phát triển mạnh thì mức chênh lệch có thể sẽ không lớn, do đó có thể cho rằng vai trò này vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ. Trong bài viết của chúng tôi, biến tỉ trọng trong tổng RGDP của khu vực công nghiệp-dịch vụ đại diện cho quy mô công nghiệp-dịch vụ ở các địa phương sẽ là một lựa chọn phù hợp hơn trong hoàn cảnh này. Về phương pháp, bài viết sử dụng các mô hình hồi quy không gian, phương 858
  5. pháp này khi phân tích ở đơn vị cấp tỉnh sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với các phương pháp ước lượng truyền thống. Do đó, tác giả hy vọng bài viết sẽ cung cấp những phân tích sâu sắc hơn về vai trò của phát triển công nghiệp-dịch vụ đối với hiệu quả hoạt động của ngành nông nghiệp ở Việt nam hiện nay. 3. Các mô hình phân tích thực nghiệm 3.1. Mô tả số liệu Bộ số liệu mảng sử dụng trong nghiên cứu này được tổng hợp từ nhiều nguồn số liệu khác nhau trong giai đoạn 2006-2012, gồm có: Khảo sát mức sống hộ gia đình (VHLSS), được tiến hành 2 năm một lần trên toàn quốc, bởi Tổng cục thống kê (GSO) dưới sự tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB), đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), được tiến hành bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), cùng với các thông tin về cơ cấu tổng sản phẩm nội địa của địa phương (RGDP), vốn đầu tư nông nghiệp và diện tích đất nông nghiệp của 63 tỉnh và thành phố, được cung cấp bởi Tổng cục thống kê. Do VHLSS là cuộc điều tra được tiến hành 2 năm một lần, nên bộ số liệu sau khi kết nối sẽ gồm các năm: 2006, 2008, 2010 và 2012 với đơn vị phân tích cấp tỉnh, tổng cộng 252 quan sát gồm 63 tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Các thông tin được lấy từ bộ số liệu VHLSS các năm bao gồm tổng thu, tổng chi và chi phí cho các yếu tố sản xuất như phân bón, năng lượng, nhiên liệu, hạt giống, cây giống, đã được tác giả quy đổi theo mức giá so sánh năm 2010. Các thông tin được chiết xuất từ nguồn số liệu nói trên được giải thích như dưới đây: Profit: Lợi nhuận bình quân mỗi mét vuông đất canh tác của mỗi địa phương trong một năm, được tính từ bộ số liệu VHLSS qua các thông tin về tổng thu, tổng chi và diện tích đất canh tác được sử dụng trong một năm bởi các hộ nông nghiệp có trong mẫu điều tra. Profit là biến phụ thuộc trong mô hình hồi quy, đại diện cho hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp ở mỗi địa phương. Đơn vị: nghìn đồng/m2. Size: Tỉ trọng RGDP khu vực công nghiệp-dịch vụ trong tổng RGDP, đại diện cho quy mô công nghiệp-dịch vụ trên địa bàn. Biến size là biến độc lập chính của mô hình hồi quy, độ trễ 1 năm, nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của phát triển công nghiệp-dịch vụ đến hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp tại mỗi địa phương. Đơn vị tính: %. Invest: Tổng giá trị vốn đầu tư bình quân mỗi héc ta đất nông nghiệp của các địa phương, đại diện cho mức độ đầu tư của chính quyền địa phương cho hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, biến trễ 1 năm. Đơn vị tính: triệu đồng/héc ta. Labor: Tổng số lao động nông nghiệp trên tổng diện tích đất canh tác sử dụng trong một năm của địa phương. Labor được tính từ thông tin về các lao động trong độ tuổi 15-65 tham gia sản xuất trong các hộ nông nghiệp, được chiết xuất từ bộ số liệu VHLSS. Đơn vị tính: lao động/héc ta. Machine: Tổng số tiền chi cho năng lượng và nhiên liệu vận hành các loại trang thiết bị và máy móc dùng trong sản xuất nông nghiệp như: tưới, tiêu, ra hạt, sấy sản phẩm, trên tổng diện tích đất canh tác – số liệu VHLSS. Việc sử dụng máy móc trong 859
  6. các công đoạn từ sản xuất, thu hoạch cho tới bảo quản sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện năng suất và đảm bảo chất lượng nông sản, giúp đem lại lợi nhuận cao hơn. Đơn vị tính: Nghìn đồng/héc ta. Pesti: Tổng số tiền chi cho các loại thuốc bảo vệ thực vật trên tổng diện tích đất canh tác – số liệu từ VHLSS – đại diện cho mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước dịch bệnh, giúp cải thiện năng suất và chất lượng nông sản, dự kiến sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận nông nghiệp. Đơn vị tính: triệu đồng/héc ta. Seed: Tổng số tiền chi cho hạt giống và cây giống trên tổng diện tích đất nông nghiệp – số liệu từ VHLSS – đại diện cho hoạt động R&D trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Việc sử dụng các loại giống mới có thể đem lại năng suất và chất lượng nông sản cao hơn, đạt lại mức lợi nhuận cao hơn trên cùng một diện tích đất canh tác. Đơn vị tính: nghìn đồng/mét vuông. Educ: Tổng số lao động đã qua đào tạo nghề trên tổng số lao động nông nghiệp của địa phương – số liệu VHLSS. Trong đó bao gồm các lao động có tham gia sản xuất nông nghiệp và đã trải qua ít nhất một khóa đào tạo nghề, hoặc có trình độ đại học cao đẳng trở lên, hoặc có kỹ năng cao trong sản xuất nông nghiệp. Lao động được đào tạo nghề thường có kỹ năng làm việc và năng lực tổ chức hoạt động sản xuất nông nghiệp tốt hơn so với các lao động phổ thông, do đó educ dự kiến sẽ có ảnh hưởng tích cực đến giá trị của biến phụ thuộc trong mô hình. Đơn vị tính: %. Gov: Chất lượng thể chế, đại diện bởi điểm đánh giá của chỉ số chi phí không chính thức trong điều tra Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phạm vi từ 0 đến 10. Điểm cho thành phần này cao ngụ ý chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong việc cải cách các thủ tục hành chính và đạt hiệu quả cao hơn trong quản lý và điều hành nền kinh tế, có thể tác động tích cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh nói chung cũng như đối với nông nghiệp nói riêng. 3.2. Một số thống kê mô tả Bảng 1 thống kê về số lượng các tỉnh, thành phố theo tỉ trọng trong tổng RGDP của khu vực công nghiệp-dịch vụ trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Giá trị 69.8% là trung bình của biến size trong mẫu nghiên cứu. Bảng 1: Thống kê về số lượng tỉnh, thành phố theo quy mô công nghiệp-dịch vụ Tỉ trọng công nghiệp-dịch 2005 2007 2009 2011 vụ Trên 69.8% 20 26 37 42 Dưới 69.8% 43 37 26 21 Tổng 63 63 63 63 Nguồn: Tính toán của tác giả trên bộ số liệu Số liệu thống kê ở Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2005-2011 chứng kiến sự gia tăng về mức độ công nghiệp hóa một cách nhanh chóng tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc: Số lượng tỉnh, thành phố có tỉ trọng công nghiệp-dịch vụ trong tổng RGDP trên mức 860
  7. 69.8% đã tăng từ 20 lên 42 trong tổng số 63 tỉnh và thành phố, trong khi số địa phương ở dưới mức 69.8% giảm từ 43 xuống còn 21 tỉnh trong cùng thời kỳ. 25 20 t bình quân bình t 15 ọ ng tr ồ 10 n tr ậ i nhu i ợ 5 L 0 20 40 60 80 100 Tỉ trọng công nghiệp dịch vụ trong tổng RGDP profit Fitted values Hình 1: Tương quan giữa phát triển công nghiệp-dịch vụ và lợi nhuận nông nghiệp Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên bộ số liệu Hình 1 biểu thị mối liên hệ giữa lợi nhuận nông nghiệp bình quân với phát triển công nghiệp-dịch vụ tương đối rõ nét: biến profit có xu hướng biến động thuận chiều với biến size, phần nào thể hiện được mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp-dịch vụ với nông nghiệp trên bộ số liệu là phù hợp với các phân tích về mặt lý thuyết. Bảng 2: Thống kê mô tả các biến số Biến số N Mean Std. Dev. Min Max Profit 252 1.828787 1.550018 0.3764681 23.58984 Size 252 69.80442 14.82092 28.48119 99.15677 Invest 252 2.608525 2.933635 0.045075 25.71525 Labor 252 1.733182 0.9667461 0.2310615 6.866215 Machine 252 301.0638 721.6016 0 10195.31 Pesti 252 0.7363769 0.6412001 0.0534131 4.882813 Seed 252 0.1077854 0.2715017 0.0044966 2.777009 Educ 252 0.2629874 0.2276474 0 0.9767442 Gov 252 6.471565 0.7285939 4.516176 8.611316 Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên bộ số liệu Một số thống kê cơ bản của các biến số trong Bảng 2 cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương về mức độ sử dụng các đầu vào sản xuất, chẳng hạn như machine, pesti và seed. Độ phân tán của các biến này đều tương đối cao so với giá trị trung bình cùng với khoảng biến thiên khá rộng. Tương tự như vậy, độ phân tán của các biến invest và educ cũng khá lớn, ngụ ý mức độ đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp và đào tạo lao động cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Do đó, có thể kỳ vọng rằng các biến được tác giả lựa chọn sẽ giúp giải thích được sự khác biệt về mức lợi nhuận nông nghiệp bình quân giữa các địa phương trên toàn quốc. 861
  8. 3.3. Mô hình và phương pháp ước lượng Các phân tích hồi quy với đối tượng phân tích là các tỉnh và thành phố trong phạm vi một quốc gia thường gặp phải vấn đề tồn tại các tương tác theo không gian địa lý giữa các quan sát. Điều này thường bị bỏ qua trong các phương pháp ước lượng với số liệu mảng truyền thống dựa trên giả định mẫu quan sát được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Hậu quả là phương sai sai số của các hệ số ước lượng có thể lớn hơn rất nhiều so với mức thông thường và làm giảm độ tin cậy của các kết quả ước lượng. Nghiêm trọng hơn, nó có thể mang lại những ngộ nhận và các khuyến nghị sai lầm về chính sách (Anselin, 1988). Các mô hình kinh tế lượng không gian thường được áp dụng trong trường hợp này gồm có: mô hình sai số không gian (SEM), mô hình tự hồi quy không gian (SAR), mô hình tự hồi quy sai số không gian (SAC), mô hình với trễ không gian (SDM), Các kiểm định I- Moran về sự tồn tại của các mối liên hệ không gian, cùng với các kiểm định LM Error và LM Lag về sự tồn tại các tương tác của sai số không gian và trễ không gian của các biến số trong mô hình là những căn cứ để lựa chọn mô hình ước lượng phù hợp với bộ số liệu hiện có. Việc bóc tách các tác động không gian trong các mô hình hồi quy sẽ đảm bảo các kết quả ước lượng thu được có độ tin cậy cao hơn so với các phương pháp ước lượng truyền thống (LeSage & Pace, 2009). Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình số liệu mảng sai số không gian theo mô tả dưới đây: Profitit = β0 +β1Sizeit +β2Investit +β3Laborit + β4Machineit +β5Pestit + β6Seedit +β7Educit +β8Govit +(λWuit +εit) trong đó, i và t là các chỉ số theo đơn vị chéo (tỉnh, thành phố) và thời gian (năm); W là ma trận trọng số không gian; Wuit là trễ không gian của sai số ngẫu nhiên và εit là các sai số ngẫu nhiên. Các biến số trong mô hình như đã xác định trong mục 3.1. Trước hết, tác giả chạy mô hình SEM1 với danh sách các biến nêu trên và quan tâm đến kết quả ước lượng của hệ số β1, từ đó xác định xu hướng và mức độ tác động của biến size đến biến phụ thuộc. Tiếp theo, tác giả thực hiện mô hình SEM2 với cùng danh sách biến sau khi đã phân nhóm biến size thành biến giả gồm 4 phạm trù – bao gồm các biến size_1, size_2, size_3, size_4 – theo tứ phân vị của từng năm riêng biệt, trong đó size_1 được chọn làm phạm trù cơ sở. Việc phân nhóm này nhằm so sánh sự khác biệt về mức độ tác động của phát triển công nghiệp-dịch vụ lên nông nghiệp giữa 4 nhóm tỉnh, đồng thời giúp nhận biết được ở mức độ nào thì công nghiệp-dịch vụ có ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất nông nghiệp. 3.4. Kết quả phân tích thực nghiệm Các kiểm định I-Moran và LM Error đều khẳng định có sự phụ thuộc không gian giữa các quan sát trên bộ số liệu và việc áp dụng các mô hình ước lượng với sai số không gian là phù hợp (xem Phụ lục). Kết quả ước lượng được báo cáo trong Bảng 3 cho một số nhận xét như sau: Hệ số ước lượng của biến size trong mô hình SEM1 dương và có ý nghĩa thống kê ở mức dưới 1% ngụ ý sự phát triển của khu vực công nghiệp-dịch vụ tác động thuận chiều tới mức lợi nhuận bình quân của ngành nông nghiệp. Cụ thể, sự gia tăng 1% tỉ trọng công 862
  9. nghiệp-dịch vụ trong tổng RGDP ở mỗi địa phương giải thích cho mức tăng xấp xỉ 0.015 đơn vị của biến profit, tương ứng với mức gia tăng bình quân 0.015 nghìn đồng trên mỗi mét vuông đất canh tác trong điều kiện các yếu tố khác không đổi. Hơn nữa, hệ số của các biến size_2, size_3 và size_4 trong mô hình SEM2 dương và có ý nghĩa thống kê ở mức dưới 1% cũng đem lại kết luận tương đối thống nhất với mô hình SEM1. Hệ số của các biến size_2 và size_3 chênh lệch không đáng kể (tương ứng 0.330 và 0.399) cho thấy không có sự khác biệt rõ ràng về mức độ tác động của công nghiệp-dịch vụ lên lợi nhuận nông nghiệp giữa nhóm 2 và nhóm 3 – những địa phương mà công nghiệp và dịch vụ đã tương đối phát triển. Tuy nhiên, hệ số size_4 khác biệt tương đối lớn với các nhóm còn lại (0.591) ngụ ý: ở các địa phương thuộc nhóm phát triển cao nhất, mức độ tác động của công nghiệp-dịch vụ lên nông nghiệp cũng lớn nhất. Điều này có thể giải thích là các địa phương trong nhóm 4 thường đã trải qua một thời gian chuyển đổi công nghiệp hóa tương đối dài, cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã kịp chuyển đổi và tạo ra được mối gắn kết với công nghiệp-dịch vụ chặt chẽ hơn so với các địa phương còn lại. Chẳng hạn, việc chuyển đổi từ canh tác trồng lúa theo các phương pháp truyền thống sang trồng các loại rau và hoa màu với kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ của các vùng đô thị cũng giúp sản xuất nông nghiệp tại các địa phương này đạt mức lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, các địa phương thuộc nhóm 2 và nhóm 3 vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp-dịch vụ, sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp-dịch vụ còn chưa chặt chẽ có thể là nguyên nhân làm giảm bớt mức độ của tác động này. Bảng 3: Tác động của công nghiệp - dịch vụ đến lợi nhuận nông nghiệp Biến độc lập Mô hình SEM1 Mô hình SEM2 0.0149177 Size (0.000) 0.3302505 Size_2 (0.009) 0.3990592 Size_3 (0.004) 0.5915718 Size_4 (0.000) 0.0661319 0.0706688 Invest (0.000) (0.000) 0.163678 0.1817702 Labor (0.013) (0.005) 0.0014626 0.0014651 Machine (0.000) (0.000) 0.2351507 0.2424424 Pesti (0.011) (0.008) 0.9693904 0.9619252 Seed (0.000) (0.000) Educ 0.4700166 0.5319009 863
  10. (0.026) (0.013) 0.1427026 0.1375232 Gov (0.030) (0.036) -1.437516 -0.7524699 _cons (0.004) (0.096) 0.4688788 0.4502203 λ (0.001) (0.001) R-sq 0.7115 0.7112 Số quan sát 252 252 Ghi chú: Số trong ngoặc đơn là giá trị P-value của các hệ số ước lượng tương ứng Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên bộ số liệu Hệ số của các biến độc lập khác cũng khá thống nhất giữa hai mô hình ước lượng. Trong đó, hệ số của biến pesti dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% cho thấy hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước các dịch bệnh đối với các loại cây trồng. Hệ số của biến machine và seed dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% cũng cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các yếu tố khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp giúp gia tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập từ các hoạt động nông nghiệp. Mặt khác, hệ số của các biến labor và educ dương và có ý nghĩa thống kê ở mức xấp xỉ 1% khẳng định vai trò của nguồn vốn con người trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cải thiện nguồn vốn con người bằng cách đầu tư vào các hoạt động đào tạo và trang bị các kỹ năng nghề nghiệp đối với các lao động nông nghiệp sẽ làm gia tăng kỹ năng và kiến thức, giúp họ chủ động và nhạy bén hơn trong việc ra các quyết định sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hệ số của các biến gov và invest dương và có ý nghĩa thống kê ngụ ý các biện pháp cải thiện năng lực thể chế, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh và đảm bảo đà tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. 4. Kết luận và khuyến nghị Bài viết đã cung cấp thêm một bằng chứng thực nghiệm khẳng định vai trò của công nghiệp-dịch vụ đối với hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Việt nam. Các kết luận trong bài viết cho thấy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đang diễn ra một cách nhanh chóng đồng thời sự phát triển ở khu vực công nghiệp-dịch vụ đã lan truyền mạnh mẽ đến khu vực nông nghiệp, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu của công nghiệp hóa, đồng thời khuyến khích phát triển ở các ngành sản xuất có mối liên hệ mật thiết với nông nghiệp – chẳng hạn như công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp – là những biện pháp cần thiết nhằm tăng cường sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ. Sự gắn kết này sẽ làm giảm bớt những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa và tạo thành những tiền đề quan trọng giúp ngành nông nghiệp bước vào giai đoạn sản xuất với quy mô lớn và đạt hiệu quả cao hơn. 864
  11. Bên cạnh những chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hóa, cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách tập trung các nguồn vốn đầu tư phát triển, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm đạt được năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Hơn nữa, cần chăm lo công tác đào tạo nghề đối với lao động nói chung, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cho các lao động đang trực tiếp hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm kích thích cải thiện chất lượng lao động trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, cải cách các thủ tục hành chính cũng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm cải thiện chất lượng thể chế, góp phần tạo dựng môi trường pháp lý hoàn thiện và lành mạnh, tạo chất xúc tác cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu Tiếng Việt Nguyễn Đức Thành, Ngô Quốc Thái, Vũ Minh Long, Hoàng Thị Chinh Thon (2012). Tổng quan kinh tế Việt nam 2012. Bài nghiên cứu NC-30 Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà nội. Nguyễn Thị Cẩm Vân (2015). Các mô hình phân tích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Tr. 126-129. Nguyễn Thị Minh (2009). Dịch chuyển cơ cấu và tăng trưởng kinh tế ở Việt nam: Một phân tích định lượng. “Tăng trưởng chuyển đổi cơ cấu và chính sách kinh tế ở Việt nam thời kỳ đổi mới” – Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, trang 123-140. Nguyễn Thị Minh, Phùng Minh Đức, Nguyễn Liên Hương, Nguyễn Văn Trượng, Lê Thị Anh (2016). Vai trò của công nghiệp-dịch vụ trong hiệu quả hoạt động nông nghiệp của các hộ gia đình nông thôn Việt nam. Tạp chí Kinh tế và phát triển, số 224 tháng 02/2016, Tr. 23-30. Phùng Minh Đức và Vũ Diệu Hương (2016). Tác động của công nghiệp-dịch vụ lên năng suất lao động của ngành nông nghiệp Việt nam: Một phân tích thực nghiệm. Tạp chí Kinh tế và phát triển, số đặc biệt tháng 09/2016, Tr. 29-37. Tài liệu Tiếng Anh Anselin L., (1988). Spatial Econometrics: Methods and Models, Kluwer Academic Publishers, Dordrecht. Baltagi, B. (2008). Econometric Analysis of Panel Data (Vol. 1). John Wiley & Sons. Koo, W.W. and Lou, J. The Relationship between the Agricultural and Industrial Sectors in Chinese Economic Development. Ag. Econ. Rpt. No. 368, Dept, 1997. LeSage, J. P.; Pace, R. K. (2009). Introduction to spatial econometrics. Boca Raton, FL: CRC Press Lewis, W.A. (1954). Economic Development with Unlimited Supplies of Labor. Manchester School of Economic and Social Studies 22:139-191. 865
  12. Matahir, H. (2012). The Empirical Investigation of the Nexus between Agricultural and Industrial Sectors in Malaysia. International Journal of Business and Social Science. Vol. 3 No 8, 2012. Rangarajan, C. (1982) Agricultural Growth and Industrial Performance in India. Research Report 33, International Food Policy Research Institute. Rostow, W.W. (1960). The Stages of Growth: A Non-Communist Manifesto. Cambridge, U.K.: Cambridge University Press. Subramaniam, V., & Reed, M. (2009). Agricultural inter-sectoral linkages and its contribution to economic growth in the transition countries. In International Association of Agricultural Economists Conference, Beijing, China. Todaro, M. P. (1969). A Model of Labor Migration and Urban Unemployment in Less Developed Countries. The American Economic Review, 138-148. Phụ lục: Kiểm định tồn tại tương quan không gian I-Moran LM Error LM Error LM Lag LM Lag Mô hình Test (Burridge) (Robust) (Anselin) (Robust) 9.2962 28.6902 26.2316 2.7125 0.2539 SEM1 (0.0000) (0.0000) (0.0000) (0.0996) (0.6143) 9.4040 28.9535 19.5155 10.3283 0.8903 SEM2 (0.0000) (0.0000) (0.0000) (0.0013) (0.3454) Ghi chú: Số trong ngoặc đơn là giá trị xác suất của các thống kê kiểm định tương ứng 866