Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

pdf 13 trang Gia Huy 3470
Bạn đang xem tài liệu "Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfbat_binh_dang_trong_phan_phoi_thu_nhap_va_mo_hinh_tang_truon.pdf

Nội dung text: Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

  1. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG PHÂN PHỐI THU NHẬP VÀ MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG BAO TRÙM Ở VIỆT NAM INCOME INEQUALITY AND INCLUSIVE GROWTH MODEL IN VIETNAM Phí Thị Hồng Linh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân linhph@neu.edu.vn TÓM TẮT Tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập là những nội hàm chính của quá trình phát triển, là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Vận dụng lý luận về mô hình tăng trưởng bao trùm, bài viết phân tích chỉ ra các bất cập trong mô hình tăng trưởng bao trùm dưới góc độ là các nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất bình đẳng phân phối thu nhập ở Việt Nam thời gian qua, gồm: (i) Những hạn chế trong tăng trưởng bao trùm theo góc độ không gian (giữa vùng động lực và vùng không động lực); (ii) Những hạn chế trong tăng trưởng bao trùm theo các loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, FDI và doanh nghiệp tư nhân) và (iii) Những hạn chế trong các chính sách phân phối, phân phối lại thu nhập và tài sản sản xuất. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các giải pháp khắc phục các hạn chế này để giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Tăng trưởng bao trùm, bất bình đẳng, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. ABSTRACT Being two main contents of the economic development, economic growth and income inequality are the top concerns of many countries, including Vietnam. However, over time, solving the relationship between economic growth and income inequality in Vietnam has revealed many limitations. Using the inclusive growth model, the study points out the inadequacies of the model as the causes of income inequality in Vietnam in recent years, including: (i) The limitations in inclusive growth from a spatial perspective (between dynamic and non-dynamic regions); (ii) The shortage in inclusive growth by type of enterprise (state-owned, FDI and private enterprise) and (iii) the inadequacies of income distribution policies, income and production property redistribution policies. Therefore, appropriate adjustments need to be made in order to solve the relationship between economic growth and income inequality in Vietnam in the future. Keywords: Inclusive growth, inequality, income inequality. 1. Giới thiệu Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, trong đó có vấn đề bình đẳng trong phân phối thu nhập trong quá trình phát triển là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, quan điểm “gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay từ đầu và trong toàn tiến trình phát triển” đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ từ Đại hội IX (2001) và tiếp tục được xác định trong “Báo cáo Việt Nam 2035”, đó là “Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, do đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu sâu sắc về hiện trạng này nhằm có những điều chỉnh phù hợp. Trong những năm gần đây, lý luận về mô hình tăng trưởng bao trùm đã được nghiên cứu phát triển và đưa vào báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế cũng như chương trình nghị sự của nhiều quốc gia như một cách thức để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Vận dụng lý luận này, bài viết này sẽ làm rõ các bất cập trong thực hiện mô hình tăng trưởng bao trùm dẫn tới các vấn đề bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam trong thời gian tới. 1132
  2. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết Thuật ngữ “tăng trưởng bao trùm” được nhắc đến đầu tiên trong các báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và ngày càng được sử dụng phổ biến trong các báo cáo kinh tế của nhiều tổ chức quốc tế, thậm chí đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Vậy tăng trưởng bao trùm là gì? Tại sao tăng trưởng bao trùm lại trở thành xu thế mới trong quá trình phát triển? Theo Ravallion và Chen (2003), tăng trưởng bao trùm đồng nhất với tăng trưởng vì người nghèo. Quan niệm này cũng được Habito (2009) ủng hộ. Theo Habito (2009), tăng trưởng bao trùm là tăng trưởng GDP dẫn đến giảm nghèo đáng kể. Với quan niệm như vậy, khái niệm tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng vì người nghèo có thể hoán đổi cho nhau. Tuy nhiên, quan niệm tăng trưởng bao trùm như vậy dường như không được ủng hộ. Rất nhiều các nhà nghiên cứu và các tổ chức đã cho rằng tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng vì người nghèo không thể hoán đổi cho nhau. Chẳng hạn: Kakwani và Pernia (2000) cho rằng, tăng trưởng bao gồm là ngụ ý về sự tham gia và chia sẻ lợi ích. Trong đó, sự tham gia liên quan đến quá trình tham gia tích cực của các nhóm xã hội nhằm bảo đảm cho sự tăng trưởng và việc mở rộng số lượng người tham gia đóng góp vào nền kinh tế (biểu hiện của tỷ lệ có việc làm); chia sẻ lợi ích liên quan đến việc phân phối kết quả, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tham gia. Grinspun (2004) cho rằng, tăng trưởng bao trùm bao gồm cả hai vấn đề là nghèo đói và giảm bất bình đẳng. Điều này ngụ ý rằng tăng trưởng bao trùm sẽ có lợi cho những người có thu nhập thấp hơn những người có thu nhập cao. Ali và Hwa Son (2007) cho rằng, tăng trưởng bao trùm là tăng trưởng không chỉ tạo ra các cơ hội kinh tế mới, mà còn là một cơ hội đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội được tạo ra cho tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo. Đây cũng là quan điểm của Klasen (2010). Theo Klasen (2010), tăng trưởng vì người nghèo tập trung vào những người dưới mức nghèo khổ, trong khi tăng trưởng bao trùm thì có thể nói chung chung hơn: tăng trưởng mang lại lợi ích cho tất cả các nhóm xã hội, bao gồm cả người nghèo, người nghèo, nhóm thu nhập trung bình và thậm chí người giàu có. Ianchovichina và Lundstrom (2009) cho rằng, tăng trưởng bao trùm là tăng tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô nền kinh tế, đồng thời san bằng sân chơi để đầu tư và tăng cơ hội việc làm hiệu quả. Rauniyar và Kanbur (2010) chỉ ra rằng, mặc dù không có định nghĩa chung về tăng trưởng bao trùm hay phát triển toàn diện, nhưng thuật ngữ này có thể được hiểu là sự tăng trưởng cùng với các cơ hội bình đẳng và bao gồm kinh tế, kích thước xã hội và thể chế. Theo CAFOD (2014), tăng trưởng bao trùm cần đảm bảo rằng các thực thể trong nền kinh tế, bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp được chia sẻ một cách công bằng những lợi ích của tăng trưởng. Như vậy, tăng trưởng bao trùm hàm ý sự tham gia và chia sẻ lợi ích, nếu chỉ tham gia mà không được chia sẻ lợi ích thì sẽ khiến cho kết quả tăng trưởng là không công bằng. Quan điểm này cũng được OECD (2015) đồng tình khi cho rằng, việc phân phối kết quả tăng trưởng nếu chênh lệch quá mức sẽ hình thành các nhóm thiểu số có tầm ảnh hưởng quá lớn trong nền kinh tế, các nhóm này có thể quay trở lại tác động tiêu cực đến sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn lực và hiển nhiên lúc này mức độ bao trùm của tăng trưởng sẽ bị tổn hại. Tổng hợp một số định nghĩa trên có thể hiểu tăng trưởng bao trùm là không để ai bị để lại phía sau trong quá trình tăng trưởng, có nghĩa là mọi người được tạo cơ hội và được tham gia một cách công bằng vào việc tạo ra tăng trưởng (cơ hội đầu tư, cơ hội tham gia, cơ hội việc làm, tiếp cận cơ sở hạ tầng ), đồng thời các kết quả của tăng trưởng cũng được phân phối một cách công bằng, từ đó, tăng trưởng bao trùm sẽ giúp giải quyết được cả vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng (bao gồm cả bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, bất bình đẳng giới ). 1133
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Như vậy, tăng trưởng bao trùm có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này sẽ nghiên cứu tăng trưởng bao trùm trong quan hệ với giải quyết bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam thời gian qua. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng các dữ liệu thứ cấp gồm các nghiên cứu có liên quan, các dữ liệu thống kê trong Niên giám thống kê của Tổng Cục Thống kê, số liệu thống kê từ Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình dân cư. Các thông tin, dữ liệu này được thu thập bằng phương pháp nghiên cứu tại bàn. Để xử lý các thông tin, dữ liệu đã được thu thập, bài viết sử dụng các phương pháp sau: (i) Phương pháp phân tích tổng hợp các nghiên cứu trước nhằm làm rõ nội hàm về tăng trưởng bao trùm; (ii) Phương pháp so sánh (bao gồm so sánh chuỗi và so sánh chéo) nhằm phân tích các dữ liệu thống kê thứ cấp để đánh giá thực trạng bất bình đẳng và tăng trưởng bao trùm, từ đó chỉ ra các bất cập trong thực trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam, làm cơ sở đề xuất các gợi ý giải pháp. 3. Kết quả và đánh giá Phân tích thực trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam theo chiều rộng (Hệ số Gini) và theo chiều sâu (Khoảng giãn cách thu nhập và tiêu chuẩn “40”) cho kết quả như sau: a. Hệ số Gini Hình 1: Hệ số Gini và tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2002-2016 Nguồn: Niên giám thống kê 2017 - Tổng Cục Thống kê (1) Hệ số Gini có xu hướng gia tăng, đạt mức khá cao Theo số liệu Tổng Cục Thống kê, trong giai đoạn từ 2002 đến nay, hệ số Gini của Việt Nam có xu hướng tăng lên, giai đoạn 2002 - 2010, hệ số Gini tăng từ 0,418 năm 2002 lên 0,433 năm 2010, giai đoạn 2012 - 2016 hệ số Gini cũng tăng từ 0,424 lên 0,431. Đồng thời, trong thời gian vừa qua, hệ số Gini của Việt Nam đã lớn hơn 0,4, theo chuẩn quốc tế thì giá trị hệ số Gini như vậy cho thấy bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của Việt Nam đã ở mức tương đối cao. (2) Hệ số Gini có xu hướng giảm ở các vùng có thu nhập cao, nhưng vẫn tăng lên ở các vùng có thu nhập thấp. Bảng 1: Hệ số Gini theo vùng kinh tế giai đoạn 2008 - 2016 2008 2010 2012 2014 2016 Đồng bằng sông Hồng 0,411 0,408 0,393 0,407 0,401 Trung du và miền núi phía Bắc 0,401 0,406 0,411 0,416 0,433 Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 0,381 0,385 0,384 0,385 0,393 Tây Nguyên 0,405 0,408 0,397 0,408 0,439 Đông Nam Bộ 0,410 0,414 0,391 0,397 0,387 Đồng bằng sông Cửu Long 0,395 0,398 0,403 0,395 0,405 Nguồn: Niên giám thống kê các năm từ 2009 đến 2017 – Tổng Cục Thống kê 1134
  4. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Bảng trên cho thấy: ở các vùng có thu nhập cao (Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng), hệ số Gini đã có xu hướng giảm, nhưng ở các vùng có thu nhập thấp (Trung du và miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long) hệ số Gini vẫn tăng lên. Đặc biệt, giai đoạn từ 2010 đến nay, Tây Nguyên là vùng có hệ số Gini tăng nhanh nhất và đến năm 2016 Tây Nguyên đã thành vùng có hệ số Gini lớn nhất trong 6 vùng kinh tế (0,439). (3) Mặc dù tốc độ gia tăng hệ số Gini giảm, nhưng thực chất bất bình đẳng vẫn gia tăng nhanh hơn Giai đoạn 2002 - 2010, trung bình hệ số Gini tăng 0,00188 đơn vị/năm, giai đoạn 2012 - 2016 trung bình tăng 0,00175 đơn vị/năm, tăng chậm hơn so với giai đoạn 2002 - 2010. Tuy nhiên, so sánh hệ số Gini giữa các vùng khi có cùng mức thu nhập cho thấy hệ số Gini vẫn tăng nhanh hơn, cụ thể: (i) Hệ số Gini của vùng Tây Nguyên cao hơn và cũng có xu hướng tăng nhanh hơn so với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2010, tăng 0,00517/năm, giai đoạn 2010 - 2016 tăng 0,00475/năm, các số liệu tương ứng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 0,00133 và 0,00438). (ii) Hệ số Gini của vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay (2010 - 2016) cao hơn và chưa có xu hướng giảm rõ ràng như vùng Đông Nam Bộ ở giai đoạn có mức thu nhập tương đương (giai đoạn 2008 -2014). (iii) Khi có cùng mức thu nhập với các vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên hiện nay thì Hệ số Gini của vùng Đông Nam Bộ (giai đoạn 2006 - 2010) đã có xu hướng giảm, trong khi đó ở hai vùng này hiện nay, hệ số Gini vẫn có xu hướng tăng khá nhanh, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. b. Hệ số giãn cách thu nhập Hệ số giãn cách thu nhập phản ánh mức độ gay gắt của bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa 2 đầu cực giàu nhất và nghèo nhất. Hệ số này được tính toán dựa trên phép chia giữa % thu nhập của 20% dân số giàu nhất với % thu nhập của 20% dân số có thu nhập thấp nhất. Kết quả như sau: (1) Khoảng giãn cách thu nhập ngày càng gia tăng Năm 2002 hệ số giãn cách thu nhập là 8,11, năm 2010 là 9,23; đến năm 2016, đã lên đến 9,79. Nếu so với chuẩn quốc tế thì mức giãn cách này đã chuyển từ cận dưới lên cận trên của tình trạng bất bình đẳng vừa. Hệ số giãn cách thu nhập gia tăng được tạo nên bởi tăng trưởng kinh tế (thể hiện qua mức thu nhập bình quân đầu người) có sự khác biệt ngày càng cao giữa các nhóm dân cư chia theo mức thu nhập và giữa các vùng kinh tế. Cụ thể: Bảng 2: Thu nhập bình quân đầu người theo nhóm hộ gia đình giai đoạn 2006 - 2016 (nghìn đồng - giá cố định 2010) Nghèo Giàu Năm Cả nước Cận nghèo Trung bình Khá (nhóm 1) (nhóm 5) 2006 1.019,00 295,05 510,54 734,67 1.086,40 2.468,17 2008 1.184,69 327,36 568,06 833,16 1.270,64 2.926,25 2010 1.387,10 369,4 668,8 1.000,40 1.490,10 3.410,20 2012 1.486,73 380,34 731,62 1.114,86 1.652,30 3.556,99 2014 1.805,25 451,83 899,54 1.350,00 1.937,37 4.390,24 2016 2.101,56 523,01 1.028,39 1.560,90 2.276,57 5.119,58 Nguồn: Tính toán từ Kết quả VHLSS 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016 TCTK Số liệu bảng trên cho thấy, sự giãn cách thu nhập tăng lên là do: thu nhập bình quân đầu người của nhóm có thu nhập cao nhất có xu hướng tăng nhanh hơn nhóm có thu nhập thấp nhất. Điều này cho thấy, các nhóm người nghèo nhất vẫn nhận được ít nhất các thành quả của tăng trưởng kinh tế. 1135
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Đơn vị tính: USD (giá so sánh năm 2010) Hình 2: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam theo vùng kinh tế Nguồn: Tính toán từ số liệu Điều tra mức sống dân cư của Tổng Cục Thống kê năm 2014, 2016 So sánh sự gia tăng thu nhập giữa các vùng kinh tế theo hình trên cho thấy: ở các vùng thu nhập bình quân đầu người cao (vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng) mức thu nhập bình quân đầu người tăng khá nhanh và hiện đang có khoảng cách khá lớn so với các vùng còn lại. Vùng có thu nhập thấp (Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên) thì tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cũng thấp. Điều này lại cho thấy người dân sống ở các vùng nghèo hơn cũng được hưởng lợi ít hơn các thành quả của tăng trưởng. (2) Hệ số giãn cách thu nhập vẫn tăng lên nhanh hơn Tốc độ tăng của hệ số giãn cách có xu hướng giảm đi, giai đoạn 2000 - 2010 là 0,14 đến giai đoạn 2010 - 2016 chỉ còn là 0,0983 nhưng không có nghĩa là mức độ tăng chậm lại. Do khi so sánh hệ số giãn cách của các vùng ở cùng mức thu nhập cho thấy: (i) Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên có cùng mức thu nhập, nhưng hệ số giãn cách của vùng Tây Nguyên cao hơn và cũng có xu hướng tăng nhanh hơn so với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2010, hệ số giãn cách tăng 0,236/năm, giai đoạn 2010 - 2016 tăng 0,184/năm, các số liệu tương ứng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 0,172 và 0,124). (ii) Hệ số giãn cách của vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay là 7,8 và giảm 0,03/năm, cao hơn và giảm chậm hơn so với vùng Đông Nam Bộ ở giai đoạn có mức thu nhập tương đương (giai đoạn 2008 - 2014 giảm 0,1095/năm). (iii) Khi có cùng mức thu nhập với các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên hiện nay thì hệ số co giãn của vùng Đông Nam Bộ (giai đoạn 2006 - 2010) đã có xu hướng giảm, trong khi đó ở hai vùng này vẫn có xu hướng tăng lên khá nhanh, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Hình 3: Hệ số giãn cách thu nhập của 20% dân số giàu nhất và nghèo nhất Nguồn: Tính toán từ Kết quả VHLSS 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016 TCTK (3) Hệ số giãn cách thu nhập có xu hướng giảm ở những vùng có tăng trưởng nhanh hơn và ngược lại, tăng lên ở nhưng vùng có tốc độ tăng trưởng thấp 1136
  6. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 (i) Ở các vùng tăng trưởng nhanh hơn hệ số giãn cách thu nhập có xu hướng giảm. Cụ thể, hệ số giãn cách của vùng Đông Nam Bộ giảm từ 9,03 năm 2002 xuống còn 6,8 năm 2016, ở vùng Đồng bằng sông Hồng giảm từ 8 năm 2010 xuống còn 7,8 năm 2016. (ii) Trong khi đó ở các vùng có thu nhập thấp (Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và vùng Tây Nguyên), hệ số giãn cách thu nhập có xu hướng tăng lên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng từ 6,1 năm 2002 lên 8,8 năm 2016, Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng từ 5,82 năm 2002 lên 7,9 năm 2016, Tây Nguyên tăng từ 6,39 năm 2002 lên 9,4 năm 2016. (iii) Ở vùng có thu nhập thấp nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hệ số giãn cách càng có xu hướng tăng nhanh (trung bình 0,2/năm giai đoạn 2010 - 2016, cao hơn so với giai đoạn 2002 - 2010 (0,185/năm). (4) Hệ số giãn cách thu nhập ở các vùng có thu nhập thấp cao hơn so với vùng có thu nhập cao. Hệ số giãn cách thu nhập thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (năm 2016 là 6,8), cao nhất ở vùng Tây Nguyên (9,4), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (8,8). Điều này cho thấy ở các vùng có thu nhập cao, thành quả của tăng trưởng kinh tế bắt đầu được phân phối nhiều hơn cho nhóm người nghèo, còn ở các vùng có thu nhập thấp, tăng trưởng kinh tế đang có lợi hơn cho nhóm người giàu. Đây chính là nguyên nhân khiến cho hệ số giãn cách của cả nước tăng lên. Tuy nhiên, do dân số tập trung đông ở 2 vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng mà ở những vùng này bất bình đẳng giảm đã làm cho xu hướng tăng bất bình đẳng trên cả nước chậm hơn. c. Tiêu chuẩn “40” Sử dụng tiêu chuẩn “40” do Ngân hàng Thế giới đưa ra để xác định % thu nhập của 40% dân số nghèo nhất, đây cũng là tiêu chí phản ánh mức độ gay gắt của bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, kết quả tính toán cho ở bảng dưới: Bảng 3: Tỷ lệ thu nhập của 40% dân số thu nhập thấp nhất (%) Giai đoạn 1990 - 2002 2002 - 2010 2010 - 2016 Tỷ lệ thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất 16,06 14,97 14,76 Số điểm% giảm tỷ lệ thu nhập của 40% dân số 0,141 0,137 0,032 thu nhập thấp nhất bình quân năm Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê từ VHLSS Kết quả bảng trên cho thấy: Thứ nhất, tỷ trọng thu nhập của 40% dân số nghèo nhất giảm dần. Giai đoạn 1990 - 2000, nhóm 40% dân số nghèo nhất chiếm giữ 16,06% tổng thu nhập của nền kinh tế thì đến giai đoạn 2002 - 2010, nhóm này chỉ chiếm 14,97%, giai đoạn 2012 - 2016 còn 14,76%. So sánh giữa giai đoạn 2002 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2016 cũng cho thấy giai đoạn 2010 - 2016, tỷ trọng thu nhập của nhóm 40% dân số nghèo nhất giảm 0,032 điểm%/năm, ít hơn giai đoạn 2002 - 2010 (0,137 điểm%/năm). Kết quả này cũng cho thấy bất bình đẳng trong phân phối thu nhập vẫn có xu hướng tăng lên nhưng đã bắt đầu tăng chậm lại. Với tỷ trọng thu nhập của 40% dân số nghèo nhất dưới 17% thì bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của Việt Nam đang ở mức bất bình đẳng vừa theo cách phân loại của Ngân hàng Thế giới, nhưng đã chuyển từ cận dưới lên cận trên của bất bình đẳng vừa. Thứ hai, so sánh giữa hệ số giãn cách và “tiêu chuẩn 40” cho thấy mức độ bất bình đẳng xét theo tiêu chuẩn 40 tăng chậm hơn so với hệ số giãn cách, đó là do thu nhập của 20% dân số cận nghèo đã có sự gia tăng cao hơn, tốc độ tăng thu nhập của nhóm này chỉ sau nhóm thu nhập trung bình và cao hơn các nhóm còn lại, do đó tỷ trọng thu nhập của nhóm 20% dân số cận nghèo đã được cải thiện nhanh hơn. Điều này phản ánh nhóm 20% dân số nghèo nhất vẫn được nhận ít nhất các thành quả của tăng trưởng kinh tế. 1137
  7. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Từ các nội dung phân tích về bất bình đẳng trong phân phối ở Việt Nam thời gian qua có thể thấy một số vấn đề sau: Xét theo vùng kinh tế: - Các vùng thu nhập cao thì sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập theo chiều rộng có xu hướng giảm, tức là mối quan hệ giữa tăng trưởng với bình đẳng trong phân phối thu nhập ngày càng trở nên là mối quan hệ đồng thuận hơn. Tại các vùng này, cơ hội tham gia của những nhóm người có thu nhập thấp hơn vào việc tạo nên thành quả tăng trưởng đã tăng lên đáng kể và họ đã được phân phối kết quả tăng trưởng từ phần phối lần đầu. - Các vùng thu nhập bình quân đầu người thấp thì bất bình đẳng theo chiều rộng lại gia tăng trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Điều này phản ánh hiện tượng: tại đây, đã bắt đầu xuất hiện những điểm sáng tăng trưởng, đã xuất hiện các nhà đầu tư vào các vùng này; tuy nhiên, sự lan tỏa của tăng trưởng đến việc tạo cơ hội việc làm và có thu nhập từ phân phối lần đầu rất thấp. Theo các nhóm thu nhập: Bất bình đẳng theo chiều sâu ngày càng tăng, nhóm dân số nghèo vẫn là các nhóm tăng trưởng thu nhập thấp nhất. Điều này phản ánh việc tạo nên thành quả tăng trưởng chủ yếu thuộc về một số người, còn đại đa số người có thu nhập thấp chưa được tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế và chưa được hưởng thụ nhiều các thành quả của tăng trưởng kinh tế. Thực trạng về bất bình đẳng trong phân phối thu nhập nêu trên là do một số các vấn đề bất cập trong mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam thời gian qua như sau: Thứ nhất, tăng trưởng bao trùm theo góc độ không gian (giữa các vùng động lực và không động lực) còn hạn chế. Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã hình thành và phát triển khá nhiều các vùng động lực tăng trưởng. Trong phạm vi một địa phương, các phương án quy hoạch phát triển cũng đã hình thành được các vùng động lực tăng trưởng và các vùng chậm phát triển. Kết quả là các vùng động lực của các địa phương đã phát huy tác dụng và đạt mức tăng trưởng khá nhanh, thực hiện lan tỏa tốt đến các khía cạnh văn hóa, giáo dục, y tế, trình độ phát triển con người có sự gia tăng, tỷ lệ nghèo giảm đi. Tuy nhiên, những hạn chế trong các chính sách kết nối vùng động lực với các vùng chậm phát triển và các cơ hội phát triển cho người nghèo, vùng nghèo chính là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sự lan tỏa tích cực của vùng trọng điểm đến các vùng chậm phát triển ở góc độ họ không có các cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình tăng trưởng để trực tiếp cải thiện điều kiện sống, thực hiện sự tiến bộ xã hội, thể hiện: (1) Bản thân các vùng nghèo, vùng chậm phát triển ngoài việc tăng trưởng chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp, thì sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập lại có sự gia tăng, mức chênh lệch giữa người giàu với người nghèo về mức sống cũng tăng lên (như đã phân tích ở trên). (2) Mức độ phân hoá giữa các vùng động lực với vùng chậm phát triển trầm trọng hơn. Những hiện tượng trên là xuất phát từ việc Việt Nam chưa có chính sách tích cực nhằm gắn kết vùng nghèo với vùng phát triển để tạo cơ hội cho người nghèo, vùng nghèo được trực tiếp tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế để hưởng lợi trực tiếp từ thành quả tăng trưởng từ sự phát triển của vùng động lực. Cụ thể: (i) Chính sách về đăng ký nhân hộ khẩu và đăng ký nhân hộ khẩu thường trú và việc tuyển dụng việc làm không thuận lợi cho những người không có hộ khẩu thường trú đã tạo ra những rào cản di dân, làm cho thị trường lao động của Việt Nam bị phân mảng rất lớn, gây hiện tượng “bế quan tỏa cảng” hay sự “cô lập” đối với người lao động ở các vùng chậm phát triển, người lao động của các vùng này khó có khả năng di chuyển tới các vùng khác để trực tiếp tham gia hoạt động kinh tế. (ii) Chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối (cả phần cứng và mềm) các vùng trọng điểm với các vùng lân cận còn rất hạn chế. Theo thống kê điều tra mức sống dân cư, hiện nay có tới 70% người nghèo đang sống trong những địa phương không có đường kết nối với trung tâm. Điều này đã làm cho người lao động ở vùng chậm phát triển rất khó khăn nếu có ý định di chuyển lên vùng động lực 1138
  8. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 tham gia hoạt động kinh tế. Việc thiếu thông tin cũng làm cho họ bị bỏ lỡ nhiều cơ hội kiếm việc làm trên thị trường lao động. (iii) Những hạn chế về vốn ngân sách nhà nước, các chương trình dự án hoặc các nhà đầu tư trong việc đầu tư cải tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở chính khu vực chậm phát triển, khu vực nông thôn, đã làm cho khu vực này trở nên lạc hậu, không phù hợp với điều kiện mới để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển, hay các ý định du nhập nghề mới đến các vùng này, chưa tạo ra được dòng “di dân đảo” từ thành thị về nông thôn hay từ vùng động lực về các vùng chậm phát triển để đổi mới khu vực này. (iv) Những vùng nghèo, vùng chậm phát triển hay khu vực nông thôn nói chung, kinh tế thường là độc canh nông nghiệp. Vì thế, họ rất khó khăn tìm kiếm việc làm ở phi nông nghiệp, rất khó khăn khi muốn mở rộng giao lưu, trao đổi hàng hoá, nguồn nhân lực với các vùng phát triển. Trong khi đó, chính sách đào tạo nghề cho người lao động ở các vùng chậm phát triển lại chưa mạnh, chưa thiết thực, chưa gắn với địa điểm có nhu cầu lao động, thậm chí chưa có định hướng đào tạo cho họ. Điều đó dẫn đến: một mặt, người lao động ở vùng nghèo, vùng chậm phát triển không có năng lực, không đủ tự tin để di chuyển lên các vùng phát triển để làm việc, tự tạo thu nhập; mặt khác, các nhà đầu tư cũng không đủ động lực để hình thành các chi nhánh, hay các cơ sở vệ tinh trục xoay xung quanh điểm trung tâm ở các vùng phát triển, nhằm du nhập nghề mới vào các vùng chậm phát triển. Thứ hai, tăng trưởng bao trùm từ khía cạnh các loại hình doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Phân tích ở góc độ doanh nghiệp và tập trung vào khía cạnh tạo lập cơ hội cho các doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác nhau và các quy mô lớn/nhỏ khác nhau về môi trường kinh doanh cũng cho thấy sự thiếu bình đẳng. Mặc dù trong quá trình đổi mới kinh tế, Việt Nam đã chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp có quy mô khác nhau và thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt và bất bình đẳng về môi trường kinh doanh. Nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI vẫn nhận được ưu đãi nhiều hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các doanh nghiệp lớn vẫn được tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực và thành quả tăng trưởng. Cụ thể: - Đối với các doanh nghiệp nhà nước: khu vực kinh tế nhà nước của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng quá cao (so với các nước khác) trên mọi khía cạnh hoạt động của nền kinh tế; và vẫn có những đặc quyền đặc lợi riêng, được ưu đãi nhiều về các nguồn lực (về tài nguyên và đất đai và các lợi thế khác, nhất là lợi thế độc quyền tự nhiên và điều đó nhiều trường hợp làm bóp méo cả các quy luật của thị trường, trong khi đó hiệu quả kém và giảm sút. Xét mức độ ưu đãi trong tiếp cận nguồn lực, theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy: khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn dành được nhiều ưu đãi, đặc biệt trong khả năng tiếp cận với đất đai và tín dụng, với nguồn lực cơ sở hạ tầng cứng và mềm, tiếp cận lao động có kỹ năng so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và kể cả với doanh nghiệp FDI. Trong nội bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước, thì các doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển nhiều hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ. - Khu vực doanh nghiệp FDI: cũng đang được hưởng ưu đãi rất nhiều và trên mọi phương diện. Cụ thể: (i) Ưu đãi về sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội thuận lợi: các doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên tiếp cận đến các địa bàn có điều kiện hạ tầng thuận lợi như gần sân bay, bến cảng, đường cao tốc Vì thế, doanh nghiệp FDI tập trung nhiều ở các vùng điều kiện thuận lợi như Đông Nam Bộ (54,5%) và Đồng bằng sông Hồng (32,7%). Tình trạng này cho thấy chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo địa bàn chưa hiệu quả trong thu hút FDI tới những vùng khó khăn; (ii) Ưu đãi trong chính sách thuế đối với các doanh nghiệp FDI, thuế vừa ưu đãi về ngành nghề, vừa ưu đãi về lĩnh vực hoạt động, vừa ưu đãi về dự án đầu tư, dự án mở rộng, ưu đãi đầu tư lớn vào những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư ở Việt Nam. Kết quả là đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động: Tốc độ tăng về số nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI năm 2017 so với năm 2016 chỉ đạt 7% thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế 1139
  9. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22,6%). Thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thu được của doanh nghiệp FDI trung bình chỉ 10,7% (do họ tận dụng được các ưu đãi) trong khi thuế suất phổ thông là 20%. Mặc dù khu vực FDI tăng trưởng nhanh, với lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 181% và chiếm tới 48% tổng lợi nhuận doanh nghiệp (Báo cáo của Tổng Cục Thống kê năm 2017), trong khi đó, theo số liệu điều tra doanh nghiệp (năm 2017), thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước. Khoản thuế không bao gồm thuế gián thu của khu vực FDI nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước; (iii) Một ưu đãi nữa đối với doanh nghiệp FDI là việc chuyển tiền ra. Tốc độ tăng trưởng luồng tiền gửi về nước từ các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng lên rõ rệt, số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy luồng tiền ra thuần năm 2017 khoảng 10,6 tỉ đô la, chiếm khoảng 5% GDP, tăng 28% so với năm 2016 theo giá hiện hành và tăng gần 24% so với năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá. Chính vì các ưu đãi về thuế thu nhập và chuyển tiền ra nên hiện tượng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng, phức tạp, ngoài hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, còn hiện tượng chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam. Chính vì vậy, các mục tiêu lớn khi thu hút FDI là việc làm, thu ngân sách sách và chuyển giao công nghệ đều chưa đạt được. Thực tế, với khoảng 21.450 doanh nghiệp song lao động trong khu vực FDI chỉ chiếm 2,6 triệu trong tổng số 14,5 triệu lao động. Về thu ngân sách không được nhiều khi ưu đãi và chuyển giá quá lớn. Tương tự, mục tiêu chuyển giao công nghệ cũng không thành công. - Khu vực kinh tế tư nhân: Bản thân khu vực kinh tế tư nhân nói chung và các doanh nghiệp tư nhân của nước ta nhìn chung còn yếu: (i) Quy mô còn nhỏ (theo số liệu thống kê 2017, có tới 31,33% GDP của Việt Nam được tạo ra từ kinh tế gia đình, tính chất sản xuất quy mô nhỏ, đơn giản, kỹ thuật lạc hậu đã chứa đựng nhiều những khó khăn, hạn chế trong điều kiện nền kinh tế mở cửa, hội nhập cạnh tranh gay gắt hiện nay); (ii) Rất thiếu các năng lực, các nguồn lực cần thiết. Các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém về quản trị công ty, trình độ công nghệ và hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận thị trường; (iii) Thiếu sự liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển. Tỉ lệ doanh nghiệp tư nhân có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước rất thấp, tương ứng chỉ có 6,9% và 15%. Trong khi đó, các rào cản đối với khối kinh tế tư nhân còn khá nhiều: (i) Còn có sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận nguồn lực và trong nhận thức của hệ thống chính trị; (ii) Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao, thiếu sự an toàn, minh bạch; (iii) Quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ một cách hiệu quả; Chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; (iv) Môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh; (v) Đặc biệt, tỷ lệ huy động các loại thuế và phí vào ngân sách còn lớn đã thiếu khuyến khích các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Đối với vấn đề nộp thuế, theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng Cục Thống kê thể hiện ở bảng 4: Bảng 4: Tăng trưởng bình quân doanh thu, lợi nhuận, mức nộp thuế và vốn của các khu vực kinh tế giai đoạn 2011 - 2016 (%) Doanh Lợi Mức nộp thuế thu nhập Mức nộp thuế Vốn thu nhuận doanh nghiệp DN nhà nước 18,62 20,81 8,6 9,6 11,75 DN ngoài nhà nước 11,89 17,44 20,73 20.86 17,067 Doanh nghiệp FDI 18,62 25,47 8,6 7,7 16,28 Nguồn: Điều tra doanh nghiệp - Tổng Cục Thống kê Bảng số liệu trên đã phản ánh một bức tranh tương phản giữa kết quả kinh doanh với nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp ngoài nhà nước so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Trong khi tăng trưởng doanh thu (11,89% - giai đoạn 2011 - 2016) và lợi nhuận (17,44%) của khu vực doanh 1140
  10. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 nghiệp ngoài nhà nước thấp nhất (chỉ bằng 63,9% về doanh thu của cả 2 khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước và về lợi nhuận thì bằng 68% của khu vực FDI và 85% của doanh nghiệp nhà nước) nhưng mức thuế phải nộp đã tăng trưởng 20,76%, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 20,86%, tốc độ tăng trưởng gấp xấp xỉ 2,5 lần so với mức tăng trưởng nộp thuế của 2 khu vực còn lại. Thực tế, trong giai đoạn 2011 - 2018, tỷ lệ GDP của khu vực tư nhân chỉ đạt khoảng 38 - 39%, nhưng theo số liệu tính toán từ điều tra doanh nghiệp (năm 2016) thì tỷ lệ thuế thu được của khu vực này lên tới 43,82% trong tổng thu thuế và phí, tương ứng với 37,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28,36% vào GDP cả nước (bằng 75% mức của doanh nghiệp tư nhân) nhưng đóng góp vào thuế so với tổng thu thuế của cả nước chỉ là 24,36% (chỉ bằng 56% của doanh nghiệp tư nhân) và 21,94% trong tổng thu ngân sách nhà nước (bằng 58% khu vực doanh nghiệp tư nhân). Các con số tương ứng của khu vực FDI là 31,82% (so với tổng GDP), 25,29% (so với tổng thu thuế) và 19,28% (có với tổng thu ngân sách nhà nước). Thứ ba, tăng trưởng bao trùm từ khía cạnh chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập và tài sản sản xuất nhằm bảo đảm gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện bình đẳng trong phân phối thu nhập còn nhiều bất cập. Trước hết, là xu hướng tích tụ tài sản sản xuất (đất đai, tài chính) vào một nhóm ngày càng gia tăng. Phù hợp với nền kinh tế thị trường, Việt Nam đang thực hiện chính sách phân phối theo tài sản sản xuất, tuy nhiên hiện nay đang tồn tại sự bất công bằng trong tiếp cận tài sản sản xuất. Trong nông nghiệp, diễn biến của thị trường đất đai qua 27 năm (1992 - 2019) đã dẫn đến sự phân hoá, xuất hiện nhóm hộ giàu có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp hơn các nhóm hộ còn lại. Đồng thời, tỷ lệ các hộ gia đình không có đất nông nghiệp ở nông thôn có xu hướng tăng lên do chính sách thu hồi đất nông nghiệp sử dụng cho phát triển công nghiệp hoặc thương mại dịch vụ, đã dẫn đến người nông dân có biểu hiện bị bần cùng hoá (mất đất, mất việc làm). Nhóm hộ giàu đã sử dụng và khai thác đất sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, còn lại các nhóm có ít hoặc không có đất thì kết quả sử dụng đất nông nghiệp đã không đem lại nhiều nguồn thu cho họ. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tại các vùng nông thôn, miền núi, các vùng tăng trưởng chậm thì tăng trưởng kinh tế đem lại cho người giàu nhiều nguồn lợi hơn, còn ngược lại người nghèo được hưởng ít thành quả của tăng trưởng cho thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cũng như vậy, ở thành thị, quá trình tích tụ đất sản xuất cũng ngày càng tăng lên, cơ hội làm giàu ngày càng nhiều hơn cho các “đại gia đất” ở thành thị, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh lĩnh vực đất đai và bất động sản. Ngược lại, nó cũng gây khó cho các nhà sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ và siêu nhỏ hoặc kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất. Tương tự như thị trường đất đai, thị trường tài chính cũng có sự phân hoá ngày càng lớn, cơ hội tiếp cận thị trường tài chính có sự khác biệt khá rõ ràng giữa các nhà đầu tư lớn và nhỏ. Đặc biệt, các nhà đầu tư tài chính nhỏ, họ vừa có khả năng tài chính hạn hẹp lại vừa khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Những sự phân hóa trong sở hữu nguồn lực đã là nguyên nhân dẫn đến sự phân hoá thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, tiềm ẩn các cơ hội khác nhau, hay đúng hơn là bất công bằng trong cơ hội tạo thu nhập. Tiếp đó là những bất cập trong chính sách phân phối lại thu nhập, gồm: bất cập trong hệ thống thuế và chính sách trợ cấp, an sinh xã hội không có lợi cho người nghèo, vùng nghèo. Hệ thống thuế đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập, xét đến cùng thì có lợi cho người giàu, vùng giàu nhưng bất lợi cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Biểu hiện: (i) Hiện nay thuế chưa bao quát được hết các nguồn thu. Trong cơ cấu thu thuế, chỉ khoảng trên 30% là thuế trực thu (trong khi đó ở các nước phát triển, thuế trực thu chiếm tới trên 75% tổng thu thuế). Nhiều khoản thuế trực thu chưa áp dụng, vì thế cơ hội tạo thu nhập của nhiều bộ phận trong xã hội thuận lợi hơn mức trung bình đã không phải nộp thuế; (ii) Tính công bằng chưa cao: Đối với các vùng động lực, vùng trọng điểm, có nhiều ưu đãi thuận lợi cho tăng trưởng, nhưng lại chưa có chính sách điều tiết thu nhập thông qua chính sách thuế hay nghĩa vụ đóng góp của các vùng này vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế trên phạm vi cả nước hay đối với các vùng nghèo, người nghèo, khắc phục khó khăn cho các vùng 1141
  11. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 chậm phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp từ các loại thuế, phí và các loại đóng góp khác nhau ở khu vực nông thôn đang tạo ra gánh nặng cho nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp. Chính sách thuế giá trị gia tăng nhằm điều tiết thu nhập thông qua việc mua hàng hoá của các đối tượng khác nhau, nhưng lại không có lợi cho người nghèo. Hiện nay, ở Việt Nam tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế giá trị gia tăng như nhau, bất kể mức thu nhập thế nào và mua loại hàng hóa gì. Trong khi đó, các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, và dùng nhiều hàng hoá đắt đỏ hơn, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thì 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Việt Nam chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế giá trị gia tăng, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế giá trị gia tăng. Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo. Hệ thống an sinh xã hội đang phát triển, nhưng mạng lưới này mới chỉ bao phủ một tỷ lệ nhỏ dân số ở Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội trong tổng số doanh nghiệp mới đạt trên 30%. Các hộ gia đình hưởng lợi từ sự trợ giúp còn rất hạn hẹp. Trung bình người dân hưởng lợi mới chỉ nhận được từ mạng lưới an sinh tương đương 5% thu nhập của hộ gia đình. Những dữ liệu nghiên cứu, khảo sát mức sống ở Việt Nam cho thấy phúc lợi xã hội đã đem lại lợi ích cho những hộ khá giả nhiều hơn các hộ nghèo. Ngoài một số chính sách như cho vay đối với học sinh nghèo, hay những khoản tài trợ qua các chương trình tài trợ của các tổ chức xã hội hay cá nhân cho người nghèo, nhìn chung, Việt Nam vẫn chưa có những chính sách giá khác nhau đối với các nhóm người có thu nhập khác nhau, hay cụ thể hơn là người nghèo, những người dễ bị tổn thương trong xã hội chưa có được chính sách giá thấp khi tham gia dịch vụ công. Nhà nước cũng đã có những chính sách hướng tới bảo vệ người nghèo như chính sách bình ổn giá, nhưng nội dung hay cách thức tổ chức thực hiện bình ổn giá lại không thuận lợi cho người nghèo và nhiều khi, các thành phần không nghèo lại được hưởng lợi từ chính sách này. Trợ cấp về giáo dục, trợ cấp y tế cũng hạn chế khi số tiền trợ cấp còn quá nhỏ so với chi phí khiến cho người nghèo không đủ trang trải chi phí học hành, chi phí khám chữa bệnh. Trong khi đó, còn sơ hở trong quản lý đối tượng được hưởng trợ cấp dẫn tới người giàu cũng được hưởng ưu đãi, gây ra tình trạng bất công bằng giữa các đối tượng được trợ cấp. Từ những phân tích trên cho thấy cần thực hiện một số giải pháp nhằm thực hiện mô hình tăng trưởng bao trùm, giảm thiểu gia tăng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam, cụ thể: Thứ nhất, cần hoàn thiện chính sách phát triển và kết nối các vùng động lực với vùng chậm phát triển nhằm thực hiện mô hình tăng trưởng bao trùm theo góc độ không gian. Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát huy lợi thế các vùng động lực nhằm tăng trưởng nhanh và thực hiện hiệu ứng lan tỏa tích cực. Theo đó, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện các chính sách: (i) Hỗ trợ việc chuyển các lợi thế so sánh ở mỗi vùng động lực thành các lợi thế cạnh tranh; (ii) Chính sách ưu tiên thu hút đầu tư; (iii) Các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế trong vùng động lực phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại và chất lượng cao; (v) Chính sách tái phân phối nguồn thu nhập của các vùng động lực. Hai là, chính sách đối với các vùng chậm phát triển nhằm thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong tăng trưởng nhanh, bao gồm: (i) Tăng cường đầu tư hỗ trợ vùng nghèo, người nghèo, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng để rút ngắn tình trạng cách biệt; (ii) Thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội và đẩy mạnh xã hội hoá công tác xoá đói giảm nghèo. Ba là, chính sách kết nối vùng động lực với vùng chậm phát triển tạo điều kiện cho các vùng chậm phát triển trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra tăng trưởng kinh tế, bao gồm: (i) Chính sách tạo sự kết nối thuận lợi giữa vùng chậm phát triển với các vùng động lực hay các trung tâm kinh tế, đó là các chính sách liên quan đến xóa bỏ chính sách đăng ký nhân, hộ khẩu thường trú và thay bằng chính sách quản lý theo căn cước công dân, đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối vùng động lực với vùng chậm phát triển; (ii) Ưu tiên đào tạo nghề cho lực lượng lao động phổ thông ở các vùng chậm phát triển để mở rộng cơ hội tìm 1142
  12. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 kiếm việc làm ở các vùng động lực; (iii) Chính sách du nhập nghề mới và hình thành các chi nhánh, cơ sở sản xuất trực thuộc các công ty lớn thuộc vùng động lực ở các vùng chậm phát triển, giải pháp này còn làm giảm sức ép của sự di cư lao động, giảm tải áp lực cho khu vực đô thị và các thành phố; (iv) Chính sách phân phối lại thu nhập trực tiếp và gián tiếp giữa vùng động lực với vùng chậm phát triển. Thứ hai, cần hoàn thiện các chính sách bảo đảm công bằng trong cơ hội phát triển và phân phối thu nhập đối với các loại hình doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu bao trùm từ góc độ doanh nghiệp Một là, các chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước: Cần xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào nhà nước cần rút ra, thực hiện đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp còn lại, áp dụng cơ chế thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối. Hai là, chính sách đối với doanh nghiệp FDI: Cần tạo sân chơi tốt cho khu vực này trong thời gian tới và song cũng cần làm cho nó có tác động tích cực đến nền kinh tế và tới các loại hình doanh nghiệp khác theo yêu cầu của tăng trưởng bao trùm, theo đó, cần một trong những nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là cần có các chính sách quản lý chặt chẽ, trong đó chính sách chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI. Ba là, các chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân: Cần đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn về năng lực trình độ cũng như năng lực quản trị. Chính sách thúc đẩy liên kết khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp FDI, hướng tới mục tiêu chuyển giao công nghệ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong nước trong tăng trưởng kinh tế, bằng cách phối hợp hoặc có thể yêu cầu các doanh nghiệp FDI khi lập dự án xin cấp phép đầu tư phải lập hồ sơ chuỗi và công bố các cấu phần tiềm năng cho doanh nghiệp nội địa và liên kết với các doanh nghiệp nội địa trong sản xuất. Thứ ba, cần hoàn thiện chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập và tài sản sản xuất nhằm bảo đảm gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện bình đẳng trong phân phối thu nhập Một là, hoàn thiện chính sách phân phối hợp lý thu nhập cho tiêu dùng - đầu tư: (i) Cần cân đối tích luỹ - tiêu dùng; (ii) Trong phần dành cho tiêu dùng, cần phân chia rõ làm 2 khoản với tỷ lệ cân đối phù hợp đó là: phần chi tiêu của nhà nước và chi cho tiêu dùng dân cư. Phần chi tiêu của nhà nước cần có xu hướng giảm đi nhất là phần chi cho tiêu dùng của chính phủ và gia tăng tỷ trọng chi cho tiêu dùng dân cư, nhất là các khoản chi cho phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao và các sự nghiệp phúc lợi xã hội. Hai là, điều chỉnh, phân phối lại đất đai, tài chính nhằm bảo đảm sự đồng đều trong sở hữu tài sản của các hộ gia đình, xoá bỏ gốc rễ của khả năng sinh ra bất bình đẳng khi áp dụng phân phối theo tài sản. Nhà nước cần thực hiện cải cách, điều chỉnh ruộng đất, cho thuê đất với giá rẻ hơn và có thời hạn đối với những nhà sản xuất quy mô nhỏ hoặc mới khởi nghiệp đăng ký kinh doanh. Cải cách tài chính, ưu tiên cho vay vốn với lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà nước phải có cơ chế để những người nghèo, nhất là nông dân nghèo được tiếp cận các yếu tố “đầu vào” của sản xuất (tín dụng, phân bón, hạt giống ) và phương tiện tiếp thị. Ba là, hoàn thiện các chính sách phân phối lại thu nhập bảo đảm bình đẳng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh: (i) Hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%, nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% lên theo lộ trình, thực hiện mức thuế suất lũy tiến giá trị gia tăng cao hơn đối với các hàng hoá cao cấp, xa xỉ, hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) Đa dạng hoá và gia tăng thuế suất đối với các thuế trực thu liên quan đến thu nhập cao và thu nhập do cơ hội phát triển thuận lợi hơn; (iii) Tăng cường chính sách phân phối lại gián tiếp thông qua các chính sách xã hội khi tiếp cận dịch vụ công của người nghèo. 1143
  13. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 4. Kết luận Những phân tích trên cho thấy bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, tăng trưởng kinh tế đang có lợi hơn cho vùng giàu, người giàu, trong khi vùng nghèo, người nghèo chưa được tham gia cũng như hưởng lợi nhiều các thành quả của tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là mô hình tăng trưởng bao trùm của Việt Nam còn nhiều hạn chế, cả ở khía cạnh tạo ra tăng trưởng (theo góc độ không gian, các loại hình doanh nghiệp) và khía cạnh phân phối thành quả của tăng trưởng (các chính sách phân phối, phân phối lại thu nhập và tài sản sản xuất). Vì vậy, cần có những giải pháp điều chỉnh giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ali, I. and Son, H.H. (2007). „Measuring Inclusive Growth‟, Asian Development Review, Vol. 24, No. 1: 11–31. [2] CAFOD (2014), What is “inclusive growth”?, London, CAFOD [3] Grinspun, A (2004), Pro-poor growht: Finding the Holy Grail (one Pager 6), New York, NY: International Poverty Center, United Nations Development Programme. [4] Habito, C.F. (2009). „Patterns of Inclusive Growth in Asia: Insights from an Enhanced Growth- Poverty Elasticity Analysis‟, ADBI Working Paper Series, No. 145. Tokyo, Asian Development Bank Institute. [5] Ianchovichina, E. and Lundstrom, S. (2009), Inclusive Growth Analytics: Framework and Application, Policy Research Working Paper, No. 4851. Washington, DC, World Bank. [6] Kakwani, N. and Pernia, E. (2000), What is Pro-poor Growth?, Asian Development Review: Studies of Asian and Pacific Economic Issues, Vol. 18, No. 1. Mandaluyong City, Philippines, Asian Development Bank. [7] Klasen (2010) Klasen, S. (2010), Measuring and Monitoring Inclusive Growth: Multiple Definitions, Open Questions, and Some Constructive Proposals, ADB Sustainable Development Working, Paper Series, No12, Mandaluyong City, Philippines, Asian Development Bank [8] Ngân hàng Thế giới - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Việt Nam 2035 Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ, NXB Hồng Đức, Hà Nội. [9] OECD (2015), All on board: Making Inclusive Growth happend, OECD Publishing, Paris. [10] Rauniyar, G. and Kanbur, R. (2010). Inclusive Development: Two Papers on Conceptualization, Application, and the ADB Perspective. Mandaluyong City, Philippines, Asian Development Bank. [11] Ravallion và Chen (2003) Ravallion, M. and Chen, S. (2003). „Measuring Pro-poor Growth‟, Economics Letters, Vol. 78: 93–99. [12] Tổng Cục Thống kê (2014), Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam 2014, NXB Thống kê, Hà Nội. [13] Tổng Cục Thống kê (2016), Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam 2016, NXB Thống kê, Hà Nội. [14] Tổng Cục Thống kê, Niêm giám thống kê các năm 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2017, NXB Thống kê, Hà Nội. 1144