Cách mạng công nghiệp 4.0: Sự thay đổi của marketing và các giải pháp công nghệ mới

pdf 9 trang Gia Huy 18/05/2022 2340
Bạn đang xem tài liệu "Cách mạng công nghiệp 4.0: Sự thay đổi của marketing và các giải pháp công nghệ mới", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfcach_mang_cong_nghiep_4_0_su_thay_doi_cua_marketing_va_cac_g.pdf

Nội dung text: Cách mạng công nghiệp 4.0: Sự thay đổi của marketing và các giải pháp công nghệ mới

  1. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0: SỰ THAY ĐỔI CỦA MARKETING VÀ CÁC GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MỚI INDUSTRY 4.0: THE CHANGE OF MARKETING AND THE NEW TECHNOLOGY SOLUTIONS Nguyễn Quang Hưng, Hà Hải Đăng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hungnq@uel.edu.vn TÓM TẮT Các cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực bao gồm Marketing. Thế giới có ba cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ và chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn được gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết này sẽ phác thảo mối quan hệ giữa Marketing và các cuộc cách mạng công nghiệp, đánh giá sự thay đổi của Marketing và phân tích các giải pháp công nghệ mới như Vạn vật kết nối, Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo. Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp thị 4.0. ABSTRACT The industrial revolutions changed the world and affected many fields including Marketing. The world has three industrial revolutions in the past and we are in the fourth industrial revolution, also known as Industry 4.0. This article will outline the relationship between Marketing and the industrial revolutions, evaluate the change of Marketing and analyze the new technology solutions as Internet of Things, Cloud, Big Data, Artificial Intelligence. Keywords: Industry 4.0, marketing 4.0. 1. Marketing: từ 1.0 đến 4.0 Marketing 1.0 xuất hiện đồng thời với cuộc Cách mạng Công nghiệp đầu tiên [1]. Khi đó các doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp vào sản xuất tập trung để phát triển sản phẩm, tăng năng suất hạ giá thành để phù hợp với khách hàng. Việc truyền thông sản phẩm đến khách hàng chỉ được sử dụng trên các phương tiện truyền thống như phát thanh, truyền hình, báo giấy Nội dung chỉ dừng ở mức cơ bản như tính năng, lợi ích của sản phẩm/dịch vụ hoặc có thêm cách thức sử dụng. Vì vậy, thông tin truyền tải chỉ một chiều từ doanh nghiệp đến khách hàng và không có chiều ngược lại là phản hồi từ khách hàng đến doanh nghiệp. Do đó, để đo lường hiệu quả của Marketing gặp nhiều khó khăn. Marketing 2.0 được bắt nguồn khi Công nghệ thông tin phát triển và Internet được phổ biến. Nhờ vậy khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin phong phú về nhiều sản phẩm/dịch vụ, biết thêm về doanh nghiệp và cách thức lựa chọn sản phẩm/dịch vụ phù hợp với mình. So với Marketing 1.0, khách hàng đã chủ động hơn và sản phẩm/dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn phải thỏa mãn cảm xúc cũng như làm nổi bật thương hiệu. Lúc này, doanh nghiệp phải biết tạo sự khác biệt khi có nhiều phân khúc khách hàng và chắc chắn không thể có sản phẩm/dịch vụ nào có thể làm hài lòng tất cả. Do đó, doanh nghiệp phải tìm ra phân khúc khách hàng tiềm năng nhất và làm ra sản phẩm/dịch vụ khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp cần tạo dựng thương hiệu và định vị được trong tâm trí khách hàng, hay nói cách khác là tìm ra nhóm khách hàng trung thành. Để đạt được điều đó, doanh nghiệp phải xem khách hàng là trung tâm và mọi hoạt động Marketing phải xoay quanh họ. Như vậy, Marketing không chỉ là truyền thông mà đã nâng lên chiến lược, để từ đó tác động đến các chuỗi hoạt động liên quan như định vị thương hiệu, phát triển sản phẩm, xác định giá và kênh phân phối. Marketing 3.0 phát triển khi máy tính và smartphone ngày càng phổ biến với mức giá rẻ hơn. Công nghệ tương tác lên ngôi, giúp khách hàng có thể tiếp cận thông tin ngay mọi lúc mọi nơi và cho phép họ kết nối cũng như chia sẻ với nhau. Các nhóm cộng đồng mạng được hình thành để trao đổi thông tin và 957
  2. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 tiếng nói cá nhân của khách hàng ngày càng quan trọng. Sự lan tỏa những thông tin này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của các khách hàng khác. Khi đó doanh nghiệp bắt buộc phải quan tâm đến các vấn đề chung xã hội. Lúc này, quyền lực của khách hàng ngày càng lớn và Marketing đã tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh. Nhưng không chỉ như vậy, Marketing 4.0 xuất hiện đồng thời với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khi nhiều lĩnh vực trong cuộc sống tham gia vào kỷ nguyên số, Marketing 4.0 ra đời để nắm bắt tất cả hành vi của khách hàng. Đây là xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp cần phải áp dụng để chạm được tới khách hàng. Những công nghệ số được ứng dụng trong Marketing 4.0 phải kể đến: - Internet of Things (vạn vật kết nối). - Cloud (điện toán đám mây). - Big Data (dữ liệu lớn). - AI (trí tuệ nhân tạo). Hình 1: Sự thay đổi từ Marketing 1.0 đến 4.0 [3] Trong thời đại 4.0 là kỷ nguyên của sự kết nối, khách hàng được tiếp cận với thông tin đa chiều nên họ có thể theo dõi và đánh giá doanh nghiệp có đúng như những gì đã truyền thông hay không. Như vậy, muốn phát triển thương hiệu, doanh nghiệp phải làm thế nào để cộng đồng chấp nhận. Thương hiệu cần được doanh nghiệp xây dựng dựa trên sự đồng hành, hợp tác, chia sẻ, sáng tạo, cùng với cộng đồng. Ngoài ra, những làn sóng thay đổi trong xu hướng nhận thức, tâm lý, hành vi của khách hàng diễn ra liên tục. Vì thế, doanh nghiệp phải biết linh hoạt khi sử dụng thông điệp và cách thức truyền tải đến khách hàng. 2. Các mô hình Marketing: từ quá khứ đến hiện tại 4P là mô hình Marketing cơ bản nhất, bao gồm: - Product (sản phẩm). - Price (giá). - Place (phân phối). - Promotion (quảng bá). Khi quan điểm Marketing chuyển sang lấy khách hàng làm trung tâm thì xuất hiện thêm mô hình 4C: - Customer Solutions (Giải pháp cho khách hàng). 958
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 - Customer Cost (Chi phí mà khách hàng bỏ ra có hợp lý với họ không). - Convenience (Khách hàng có cảm thấy thuận tiện hay không). - Communication (Tương tác và liên lạc với khách hàng bằng cách nào). Tiếp đó là mô hình 4E: - Experience (Trải nghiệm Sản phẩm). - Exchange (Sự trao đổi giá trị). - Everywhere (Có mặt khắp nơi, cần là có). - Evangelism (Sự truyền miệng). Hình 2: Các mô hình 4P – 4C – 4E [4] Bước sang Marketing 4.0, mô hình Marketing được nâng cấp thêm 4C mới. Khách hàng có quyền tham gia vào tất cả các khâu từ thiết kế sản phẩm đến định giá, phân phối và truyền thông cho sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Co-creative (Đồng sáng tạo): phát triển sản phẩm mới dựa trên chính ý tưởng và góp ý của nhiều khách hàng thông qua khảo sát ý kiến. Vì đáp ứng cho nhu cầu thực tế của khách hàng nên tỷ lệ bán được của sản phẩm/dịch vụ là rất cao. Một số khách hàng còn được tham gia vào quá trình thử nghiệm, dùng thử và cho ý kiến để cải tiến thành sản phẩm/dịch vụ hoàn chỉnh như mong muốn. Trong Marketing 4.0 thì cá nhân hóa và cho phép tùy biến sản phẩm dịch vụ là những giá trị quan trọng đem đến cho khách hàng. Ngoài ra vì tham gia vào quá trình hình thành sản phẩm/dịch vụ, khách hàng sẽ càng thỏa mãn khi thấy nhiều người khác sử dụng nên họ sẽ trở thành những người quảng bá tích cực nhất. Currency (Tiền tệ): với sự phát triển của Thương mại điện tử, mức giá của sản phẩm / dịch vụ sẽ không cố định mà được thay đổi linh hoạt theo thời gian. Với các dữ liệu được thu thập và phân tích, mức giá sẽ điều chỉnh theo hành vi của khách hàng để xác suất mua hàng được cao nhất. Nói cách khác, mức giá bây giờ sẽ dao động liên tục giống như tỷ giá tiền tệ trên thị trường. Communal Activation (Kích hoạt cộng đồng): với sự lên ngôi của nền kinh tế chia sẻ, phân phối hàng ngang trở thành kênh chiếm ưu thế. Khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ không trực tiếp từ doanh nghiệp mà từ những người khác đang có. Điều này giúp khách hàng được đáp ứng nhu cầu gần như ngay lập tức từ những người ở gần họ nhất. 959
  4. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Conversation (Trò chuyện): với sự bùng nổ của mạng xã hội, cách thức truyền thông cũng đã thay đổi. Khách hàng có thể trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, đánh giá thương hiệu, nhận xét về sản phẩm/dịch vụ và chia sẻ thông tin với mọi người thông qua các kênh trực tuyến. Vì vậy, doanh nghiệp phải biết cách quản lý truyền thông với khách hàng trên các kênh này. Hình 3: Các mô hình tương ứng với Marketing 1.0 đến 4.0 [2] 3. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào Marketing 3.1. Internet of Things (vạn vật kết nối) trong Marketing Internet of Things (IoT) là một hệ sinh thái gồm các thiết bị vật lý, thiết bị gia dụng và các đối tượng khác thu thập và trao đổi dữ liệu qua internet. Các thiết bị IoT được nhúng với các cảm biến, thiết bị máy tính và phần mềm cho phép chúng truyền dữ liệu. Các nền tảng và thiết bị IoT đang được triển khai rộng rãi trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất, nông nghiệp, vận tải, y tế, tự động hóa, quy hoạch đô thị và chăm sóc người cao tuổi. Morgan Stanley đã dự đoán vào năm 2020, 75 tỷ thiết bị sẽ được kết nối với IoT [6]. Truyền thông xã hội vẫn là kênh chính để các thương hiệu xây dựng cộng đồng và tương tác với họ. Các thiết bị công nghệ có thể đeo (ví dụ thiết bị theo dõi sức khỏe) cho phép người dùng chia sẻ suy nghĩ trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, dẫn đến sự phát triển của các cộng đồng mới tập trung vào người dùng các thiết bị đó. Điều này là cơ hội lớn cho các nhà tiếp thị, để kết nối với một nhóm người có cùng sự quan tâm và chuyển họ thành khách hàng tương lai. Sự phát triển của chatbot, trợ lý thông minh, cho phép người dùng mua sắm trực tuyến, kiểm tra trạng thái đơn hàng và định vị các cửa hàng, nhà hàng, sự kiện trong vùng lân cận thông qua các thiết bị này. Điều này mang đến cho các nhà tiếp thị cách tiếp xúc mới với khách hàng để duy trì kết nối. Trong tương lai các thiết bị mới sẽ tạo thành một mạng lưới nơi mọi thứ được kết nối với nhau, cho phép các nhà tiếp thị giao tiếp với khách hàng ở mức độ chi tiết hơn. Các thiết bị IoT tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ cho phép các nhà tiếp thị thu thập nhiều dữ liệu hơn về khách hàng. Tính khả dụng của dữ liệu sẽ cho phép các nhà tiếp thị thử nghiệm các ý tưởng mới và sử dụng kết quả cho các sáng kiến tiếp thị tiếp theo. Khi việc sử dụng các thiết bị IoT tiếp tục phát triển thì dữ liệu được tạo sẽ ngày càng nhiều hơn, cho phép các nhà tiếp thị tìm ra thị hiếu, sở thích và đặc điểm hành vi của người dùng. Tất cả điều này có thể được sử dụng để tăng cường các hoạt động tiếp thị hơn nữa. 960
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Các nhà tiếp thị đang sử dụng các chiến lược như email theo mục tiêu, video tùy chỉnh, đề xuất sản phẩm để cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa cho khách hàng. Các thiết bị IoT thể hiện vượt trội khi truyền tải thông điệp đến khách hàng. Sử dụng dữ liệu được thu thập từ các thiết bị IoT, các nhà tiếp thị có thể gửi tin nhắn hoặc quảng cáo được cá nhân hóa dựa trên mong muốn của khách hàng. Thông qua các thiết bị IoT, có thể khai thác nhiều dữ liệu rất khó thu thập với các kênh tiếp thị hiện có. Với sự trợ giúp của các phân tích dự đoán, có thể đo lường và nắm bắt thị hiếu hiện tại và quá khứ, thái độ, hành vi, vị trí của khách hàng và đưa ra đề xuất dựa trên các dữ liệu này. Điều này sẽ chuyển đổi Marketing sang các hình thức chủ động khi nội dung quảng cáo cải thiện mức độ tương tác và giúp tăng doanh số. Hình 4: Chiến lược Marketing với IoT là cốt lõi [7] Ví dụ minh họa: Công ty sản xuất ô tô General Motors trong năm 2017, tung ra nền tảng thương mại đầu tiên của ngành công nghiệp ô tô. Các tài xế trên xe General Motors có thể đặt hàng và trả tiền cho cà phê Starbucks yêu thích. Họ cũng có thể đặt chỗ ăn uống và tìm trạm xăng gần nhất, tất cả trong màn hình cảm ứng bảng điều khiển. Ứng dụng IoT cung cấp cho người dùng cơ hội để hoàn thành việc thường ngày của họ theo cách tiện lợi và hiệu quả hơn. 3.2. Cloud (điện toán đám mây) trong Marketing Tiếp thị trên đám mây là quá trình tiếp thị trực tuyến hàng hóa và dịch vụ thông qua các trải nghiệm kỹ thuật số tích hợp, qua đó chuyên biệt cho mọi người dùng cuối. Mục đích là sử dụng các phương thức quảng cáo để nhắm đến khách hàng thông qua những ứng dụng trực tuyến của các trang web truyền thông xã hội (ví dụ Facebook, Twitter ) và các cổng trực tuyến khác nhau. Những nền tảng cho tiếp thị đám mây được hỗ trợ bởi các bên thứ ba, các nhà tiếp thị cần đảm bảo tài liệu của họ tương thích với tất cả các thiết bị điện tử của khách hàng. Cloud Marketing cho phép doanh nghiệp giảm chi phí cho các tài liệu in như báo, thư tay, tạp chí và thay vào đó gửi nội dung quảng cáo tới khách hàng thông qua các định dạng kỹ thuật số. Điều này cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn và rẻ hơn để thu hút khách hàng, giảm chi phí in ấn và tăng hiệu quả. Cho phép doanh nghiệp sáng tạo thông qua các phương tiện tương tác để tạo ra phương pháp quảng cáo phù hợp và hiệu quả. Các nhà tiếp thị có thể kết hợp dữ liệu từ những nguồn dữ liệu của bên thứ ba, bao gồm email và khảo sát, để trực quan hóa trải nghiệm của khách hàng. Tiếp thị trên đám mây cho phép doanh nghiệp chỉ sản xuất quảng cáo khi có nhu cầu. Tài liệu có thể dễ dàng xóa đi khi chiến dịch 961
  6. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Marketing kết thúc, hoặc điều chỉnh để cập nhật cho khách hàng với các tùy chỉnh để đảm bảo tài liệu tiếp thị phù hợp với mục đích mong muốn và gởi đúng thời điểm. Hình 5: Các nền tảng trong Cloud Marketing [5] Ví dụ minh họa: Công ty phần mềm Adobe cung cấp giải pháp hỗ trợ tiếp thị đám mây với sự kết hợp của nhiều công cụ xử lý: Phân tích, Kiểm tra, Tiếp thị qua email, Quản lý nội dung, Quản lý đối tượng, Tiếp thị qua video Nó cũng bao gồm hệ thống riêng để kết nối tất cả các công cụ này. Người dùng có thể mua riêng từng công cụ hoặc kết hợp nhiều công cụ tùy vào nhu cầu và ngân sách. Dựa vào quy mô tổ chức và khả năng thực hiện của người dùng đối với dữ liệu sẽ xác định được nhu cầu đối với từng công cụ trong tiếp thị đám mây. 3.3. Big Data (dữ liệu lớn) trong Marketing Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, Dữ liệu lớn là phương thức để các nhà tiếp thị nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng tương tác với người dùng, tăng doanh thu, giảm chi phí và thu hút khách hàng theo nhiều cách khác nhau. Dữ liệu lớn được phân tích để kiểm tra các dịch vụ mới được tung ra trên thị trường hoặc lợi ích của nó và các cơ hội khác vẫn còn tồn tại trên thị trường. Nhân viên bán hàng có thể áp dụng phương thức này để tìm kiếm khách hàng tiềm năng có giá trị và mở rộng cơ hội hiện có. Với sự trợ giúp của Big Data, các công ty có thể đo lường chi tiêu và tập trung hơn vào mục tiêu chính. Các công ty có thể tạo những chiến dịch tiếp thị để thu hút khách hàng đến với họ nhiều hơn. Khách hàng đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn trước khi chọn một thương hiệu. Dữ liệu lớn được sử dụng để cung cấp thông tin chính xác hơn về khách hàng bằng cách tương tác với họ để có được thông tin như họ là ai, họ thích hay không thích gì, thời gian chính xác và địa điểm liên hệ với họ Điều này sẽ cho phép các thương hiệu hiểu rõ và sau đó giải quyết các yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, giúp kiểm soát tốt hơn mối quan hệ với họ. Dữ liệu lớn còn được sử dụng để biết thêm về các đối thủ cạnh tranh đã có, những đối thủ mới tham gia vào ngành và hỗ trợ công ty đổi mới, nắm bắt, tạo ra giá trị giúp vượt trội so với các đối thủ. 962
  7. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Hình 6: Tác động của Big Data đến Marketing [8] Ví dụ minh họa: Công ty truyền thông INFUSE có các giải pháp tạo ra nhu cầu của người dùng bao gồm quảng bá thương hiệu, tiếp thị theo mục tiêu, tiếp thị nội dung và bảng điều khiển thông tin. Nền tảng độc quyền lấy từ cơ sở dữ liệu trên toàn thế giới gồm 54 triệu chuyên gia của 24 lĩnh vực bao gồm công nghệ, truyền thông, bất động sản, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng, để giúp các công ty B2B nhắm mục tiêu đúng đối tượng và thu hút sự quan tâm. 3.4. AI (trí tuệ nhân tạo) trong Marketing Khi các giải pháp công nghệ tiên tiến phát triển thông minh hơn, khách hàng cũng trở nên thông minh hơn. Nhờ phương tiện truyền thông xã hội và các công cụ tìm kiếm nhanh chóng, mọi người tìm thấy những gì họ cần nhanh hơn bao giờ hết. AI có thể phân tích các mẫu tìm kiếm này và giúp các nhà tiếp thị xác định những lĩnh vực chính nên tập trung. Các nhà tiếp thị đã dùng những giải pháp tiếp thị dựa trên tài khoản, nhưng AI có thể phân tích sâu hơn với lượng dữ liệu phong phú có sẵn, quảng cáo trực tuyến trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn. Các giải pháp AI có thể đào sâu vào tìm kiếm từ khóa, hồ sơ xã hội và dữ liệu trực tuyến khác cho kết quả chính xác hơn. Với AI, các nhà tiếp thị đưa dữ liệu và nhắm mục tiêu lên cấp độ hoàn toàn mới. Phân tích đối tượng vượt qua cấp độ nhân khẩu học điển hình, để hiểu từng khách hàng trên góc độ cá nhân. Giờ đây, các nhà tiếp thị có thể sử dụng AI để xác định khách hàng hoặc người mua tiềm năng và cung cấp nội dung lý tưởng phù hợp nhất với họ. Dịch vụ khách hàng là một lĩnh vực khác mà AI sẽ đóng vai trò rất lớn trong tương lai. Sắp tới, các chức năng trò chuyện và kênh tương tác trực tiếp với khách hàng sẽ được điều hành bởi các chatbot AI. Nhiều công ty có thể tiết kiệm thời gian và nhân lực với các giải pháp này. Các chatbot AI cũng có quyền truy cập vào toàn bộ dữ liệu, thông tin và lịch sử tìm kiếm trên Internet, khiến chúng hoạt động hiệu quả hơn nhiều. AI không chỉ được sử dụng để khám phá những thông tin ẩn giấu, nó còn có thể được dạy và học cách kết hợp những thông tin chưa được khám phá trước đó vào các chiến dịch Marketing mới, tối ưu hóa tiếp cận với khách hàng với cách phù hợp nhất. Theo thời gian, các giải pháp AI này sẽ trở nên thông minh hơn, loại bỏ sự lãng phí, tăng đáng kể chuyển đổi và thúc đẩy quá trình ra quyết định theo thời gian thực. 963
  8. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Hình 7: AI chưa được đẩy mạnh trong Marketing [9] Ví dụ minh họa: Dự án khởi nghiệp Gong cung cấp các giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp các công ty bán hàng B2B chốt được nhiều giao dịch hơn bằng cách tự động ghi âm, sao chép và phân tích nội dung của tất cả các cuộc gọi, trao đổi trên web và email để định hướng chính sách bán hàng. Nhờ vậy, khách hàng được tiếp cận chính xác hơn với đầy đủ thông tin và điều này đã tác động tích cực đến quyết định mua hang. 4. Kết luận Ứng dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực Marketing là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, nơi mà sự kết nối diễn ra mạnh mẽ không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với các thiết bị. Để thành công trong thời đại 4.0, các nhà tiếp thị cần nắm bắt các xu hướng công nghệ trong tương lai cũng như biết cách kết hợp chúng với nhau. Từ đó đưa ra chiến lược Marketing sao cho phù hợp với thực tế của lĩnh vực kinh doanh và khả năng của doanh nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong kinh doanh nói chung và trong Marketing nói riêng khi bắt buộc phải thay đổi để nắm bắt xu hướng của thời đại. Một số doanh nghiệp lớn với bề dày lịch sử lại có thể gặp nhiều khó khăn khi không theo kịp sự thay đổi và tác động của những công nghệ mới. Một số doanh nghiệp vẫn áp dụng công nghệ 4.0 nhưng không thành công do chưa xác định rõ nhu cầu hoặc nhân lực trong công ty chưa thực sự phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn lên nếu triển khai công nghệ 4.0 kịp thời và đúng đắn. Nhờ khả năng linh hoạt mà các doanh nghiệp này dễ dàng chuyển đổi các mô hình hoạt động hoặc vận dụng tùy biến từng công nghệ mới trong mỗi thời điểm khác nhau. Giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thiết kế hoạt động Marketing trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể kết hợp nhiều cách thức với nhau. Ví dụ đầu tư ở mức cơ bản với chi phí không quá cao để đánh giá hiệu quả đem lại và điều chỉnh dựa vào kết quả. Các công ty cũng có thể vừa sử dụng đơn vị thứ ba cung cấp nền tảng công nghệ vừa xây dựng đội ngũ nhân lực cho nền tảng đó để có thể chuyển đổi từ thuê ngoài sang tự vận hành. Giai đoạn hiện nay được xem là thời điểm vàng để Marketing theo xu hướng 4.0 và những doanh nghiệp tiên phong sẽ có nhiều cơ hội thành công không chỉ trong nước mà còn trên quốc tế. 964
  9. INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Thảo Nguyên (2019), Marketing 4.0 là gì & doanh nghiệp của bạn cần dịch chuyển thế nào, Gobranding website. [2] Vũ Quỳnh Nhung (2017), “Marketing 4.0 và những ứng dụng của mô hình 4Cs trong tiếp thị sản phẩm dịch vụ thư viện hiện đại”, Đại học Văn hóa Hà Nội. [3] Đặng Thanh Vân (2018), Thương hiệu 4.0 - Đồng sáng tạo thương hiệu bằng sự ủng hộ từ cộng đồng, Thanhs branding website. [4] Vinalink (2016), Marketing 4P – 4C – 4E là gì và giải nghĩa phân tích chuyên sâu, Vinalink website. [5] Wikipedia (2019), Cloud marketing, Wikipedia website. [6] Staff Writer (2018), What is IoT and why should marketers care about it, Martechadvisor website. [7] Arch G. Woodside and Suresh Sood (2016), Vignettes in the two-step arrival of the internet of things and its reshaping of marketing management’s service-dominant logic, Journal of Marketing Management. [8] Big Data and Marketing team (2016), Evolving marketing ecosystem around Big Data, Tatvasoft website. [9] Lindsay Tjepkema (2019), What is Artificial Intelligence marketing and why is it so powerful, Emarsys website. 965