Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng đồng bằng Sông Hồng

pdf 12 trang Gia Huy 18/05/2022 2310
Bạn đang xem tài liệu "Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng đồng bằng Sông Hồng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdflien_ket_vung_tu_ly_luan_den_thuc_tien_phat_trien_nong_nghie.pdf

Nội dung text: Liên kết vùng từ lý luận đến thực tiễn phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng đồng bằng Sông Hồng

  1. LIÊN KẾT VÙNG TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG REGIONAL ALIGNMENT FROM THEORY TO PRACTICE IN HIGH-TECH AGRICULTURAL DEVELOPMENT IN RED RIVER DELTA TS. Đỗ Thị Thanh Loan - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương ThS. Nguyễn Văn Nam - Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II - Đà Nẵng Tóm tắt Liên kết vùng nhằm khai thác tốt tiềm năng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chính là ưu tiên hiện nay của khu vực kinh tế lớn thứ hai cả nước. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả muốn làm rõ lý luận về liên kết vùng, liên kết kinh tế; sự cần thiết liên kết vùng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phân tích đánh giá thực trạng từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của vùng gợi ý cho các vùng trọng điểm khác. Từ khóa: Liên kết vùng; liên kết kinh tế; vùng kinh tế; nông nghiệp công nghệ cao. Summary Regional alignment aims to fully take advantage of the potential development of agriculture and rural economy of Red River Delta, especially the high-tech agricultural development is prioritised in this second largest economy zone. In this article, the author identify the theory of regional alignment and economic link, and the necessity of regional alignment in developing high-tech agriculture as well as analyze and evaluate the situation to propose some solutions to develop high-tech agriculture in this area and other focal economic zones. Keywords: regional alignment, economic link, economic zone, high-tech agriculture. Đặt vấn đề: Liên kết phát triển nội vùng và liên vùng dựa trên cơ sở phân công lao động với các lợi thế so sánh khác nhau là tiền đề nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển vùng nói chung và phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nói riêng. Liên kết phát triển kinh tế là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường (KTTT) với các chuỗi ngành hàng được bố trí trên một không gian lãnh thổ nhất định, tạo nên các cực tăng trưởng. Khi các địa phương được thực thi các quyền hành trong khung khổ thể chế phân quyền, phi tập trung hóa với các lợi ích cụ thể sẽ là tiền đề để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các liên kết đầu tư phát triển trên không gian các vùng, các địa phương Đối với vùng ĐBSH để giữ vững vai trò “động lực, đầu kéo” của mình và tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), đòi hỏi phải xây dựng cách thức quy hoạch và triển khai thực hiện liên vùng, nhằm khai thác tối đa được các lợi thế so sánh chung của cả vùng và lợi thế riêng của từng địa bàn; thiết lập được chuỗi giá trị hỗ trợ trong nội bộ của vùng. 722
  2. I. Một số vấn đề lý luận liên kết vùng 1.1. Một số khái niệm liên quan Vùng kinh tế là gì? Cho đến nay, có nhiều quan điểm khác nhau, song việc phân định vùng kinh tế với tính cách là một bộ phận lãnh thổ của nền kinh tế quốc dân thường được dựa vào những dấu hiệu sau: chuyên môn hóa những chức năng kinh tế quốc dân cơ bản; tính tổng hợp, được hiểu theo nghĩa rộng như là mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lãnh thổ của vùng , coi vùng như là hệ thống toàn vẹn, một đơn vị có tổ chức trong bộ máy quản lý lãnh thổ nền kinh tế quốc dân [3]. Khi đề cập đến vùng kinh tế, có thể nhận thấy phân công lao động là tiền đề, là cơ sở hình thành và phát triển vùng. Sự phân công lao động theo ngành đã kéo theo phân công lao động theo lãnh thổ. Theo đó, vùng kinh tế có thể được xem là các không gian địa lý kinh tế có những nét tương đồng nhau, liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình tái sản xuất, dựa trên phân công lao động với các nguồn lực phát triển có lợi thế riêng. Theo đó, khi xác định vùng kinh tế cần chú ý đến nội dung cơ bản: - Chuyên môn hoá sản xuất của vùng kinh tế: Vùng kinh tế trước hết, phải là một vùng sản xuất chuyên môn hoá. Sự chuyên môn hoá nói lên chức năng sản xuất cơ bản và quyết định phương hướng sản xuất chủ yếu của vùng trong một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định. Chuyên môn hoá sản xuất vùng kinh tế là dựa vào những ưu thế của vùng để phát triển một số ngành có ý nghĩa đối với cả nước, hoặc có ý nghĩa đối với thị trường khu vực và thị trường thế giới. Những ưu thế của vùng là những điều kiện đặc thù về tự nhiên, kinh tế, dân cư, lịch sử, xã hội, văn hoá, khoa học kỹ thuật và công nghệ. - Phát triển tổng hợp nền kinh tế của vùng: Phát triển tổng hợp là bản chất của vùng kinh tế trong điều kiện KTTT nói chung và nền KKTT theo định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng. Nó xác định cơ cấu kinh tế hợp lý nhất của vùng ở từng giai đoạn, phản ánh các mối liên hệ kinh tế nội bộ vùng. Phát triển tổng hợp các ngành kinh tế của vùng có nghĩa là mỗi một vùng kinh tế phải là một hợp thể kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, có quan hệ về mặt tỷ lệ hợp lý và có khả năng hỗ trợ lẫn nhau. Sự phát triển tổng hợp kinh tế của vùng là một sự phát triển cân đối tối ưu của các ngành kinh tế tồn tại trong vùng. Muốn phát triển tổng hợp kinh tế của vùng, cần xác định rõ số lượng các ngành kinh tế khác nhau trong vùng tuỳ thuộc vào sự chuyên môn hoá và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của vùng. Trong mỗi vùng kinh tế, bên cạnh các ngành sản xuất chuyên môn hoá, cần phát triển hợp lý một hợp thể các ngành kinh tế khác để tạo ra sản phẩm nhằm thoả mãn đầy đủ nhất, kinh tế nhất, hợp lý nhất nhu cầu nguyên liệu, năng lượng, vật liệu xây dựng cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong vùng. Tổng hợp thể kinh tế vùng bao gồm ba nhóm ngành chủ yếu là: Các ngành sản xuất chuyên môn hóa; các ngành sản xuất bổ trợ và các ngành sản xuất phụ. Ở Việt Nam, các nhà lập quy hoạch vùng chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ cách quan niệm về vùng kinh tế và vùng kinh tế - xã hội của hệ thống xã hội chủ nghĩa (đặc biệt là Liên Xô), gắn chặt với sự phân công lao động xã hội của vùng trong cả nước, thể hiện bằng mặt cơ cấu xã hội của vùng. 723
  3. Theo tác giả Ngô Doãn Vịnh: Vùng kinh tế là một hệ thống kinh tế - xã hội lãnh thổ, bao gồm các mối liên hệ tương tác nhiều chiều giữa các bộ phận cấu thành: liên hệ địa lý, liên hệ về kỹ thuật, liên hệ về kinh tế và liên hệ về các mặt xã hội trong hệ thống cũng như với ngoài hệ thống. Mỗi vùng là một tập hợp các thành tố tự nhiên - kinh tế - xã hội. Đặc tính và trình độ phát triển của nó được phản ánh bởi cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội của nó (trong đó có cả cơ cấu các yếu tố tự nhiên bền vững). Có thể thấy, cơ cấu là thuộc tính quan trọng nhất của vùng; vùng này khác vùng kia là bởi cơ cấu của nó [12]. Theo Nghị định 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, thì vùng kinh tế - xã hội là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các hoạt động kinh tế - xã hội tương đối độc lập, thực hiện sự phân công lao động xã hội của cả nước. Đây là loại vùng phục vụ việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi vùng của đất nước [12]. Như vậy, dù quan niệm thế nào thì vùng kinh tế cũng cần được nhận diện qua các đặc trưng như: vùng là các địa phương có sự tương đồng về mặt địa lý, gần kề nhau, tương đồng về sản xuất, thu nhập bình quân trên đầu người, liên kết với nhau trong quá trình phát triển và có thể có chung một tổ chức liên kết [3]. Không gian kinh tế là gì? Các nhà kinh tế cho rằng, không gian kinh tế là nơi diễn ra mối quan hệ tương hỗ giữa hai tổng thể, đó là hoạt động kinh tế và các vị trí địa lý (bao gồm cả không gian sản xuất và không gian tiêu thụ). Theo đó, không gian kinh tế là sự kết hợp giữa hai tổng thể “các hoạt động kinh tế” và “các vị trí địa lý”; trong đó, mỗi tổng thể lại có những mối liên hệ bên trong, như đối với các hoạt động kinh tế, các ngành trong vùng đều có những mối liên hệ, quan hệ. Đây là cơ sở để xác định các mối quan hệ hợp lý cơ cấu ngành trong một vùng, nhằm tạo thành một không gian kinh tế mà trong đó các hoạt động sản xuất, thương mại của các vùng địa lý liên kết chặt chẽ với nhau [3]. Còn nhà kinh tế F.Perroux quy các không gian kinh tế về ba loại: (i) Không gian kinh tế xác định bằng quy hoạch. (ii) Không gian kinh tế coi như “trường lực” (bao gồm các trung tâm, các cực tăng trưởng. Mỗi trung tâm là một trọng tâm hút và đẩy và có một trường riêng, chồng lên trường của các trọng tâm khác). (iii) Không gian kinh tế coi như tổng thể đồng nhất. Trong những không gian cụ thể thì các nhà kinh tế cũng tập trung phân tích mối liên hệ kinh tế giữa các yếu tố kinh tế như: các lĩnh vực hoạt động, các ngành kinh tế, các đối tượng kinh tế Không gian kinh tế biến đổi khi xuất hiện những hoạt động mới và tiến bộ kỹ thuật. Từ việc tìm hiểu khái niệm vùng kinh tế và không gian kinh tế có thể thấy, hai khái niệm này không đồng nghĩa. Vùng kinh tế tất yếu phải liên tục, phải gồm những đơn vị địa lý, đơn vị không gian gần nhau, tiếp giáp nhau, có ranh giới chung với nhau. Trong khi đó, không gian kinh tế có thể gián đoạn, là một tổng thể kinh tế có thể gián đoạn, là một tổng thể có những dữ kiện kinh tế, phân bổ ở những vị trí phân tán được tập hợp lại theo những tiêu chuẩn nào đó. 724
  4. Cơ sở quan trọng để phát triển vùng - đó là phải tạo ra không gian kinh tế vùng và phải dựa trên quy luật tối ưu hóa không gian kinh tế trong bố trí các hoạt động của các ngành kinh tế, trên cơ sở tính toán chi phí so sánh chứ không thể dựa trên địa giới hành chính. Theo đó, việc xác định địa phương để bố trí các ngành nghề, các trung tâm thương mại phải tính đến các chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển thấp nhất. Rõ ràng, địa phương nào trong vùng có tổng chi phí sản xuất và vận tải thấp nhất khi tiếp cận thị trường sẽ là nơi có thể bố trí ngành công nghiệp hợp lý nhất trong vùng, kéo theo là thương mại của toàn vùng Từ sự liên kết vùng, các địa phương dựa trên quy hoạch tổng thể vùng, căn cứ vào lợi thế so sánh tĩnh và động của vùng để hình thành nên cơ cấu kinh tế hợp lý, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế của vùng có tính thống nhất trên cơ sở phân công lao động giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau và có tính đến yêu cầu của hội nhập KTQT [3]. Bàn về liên kết kinh tế, cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau trong đó, P.Samuelson với thuyết về “lợi thế so sánh” đã nhấn mạnh đến nội dung của liên kết kinh tế. Ông đưa ra ví dụ: có hai vùng, trong đó một vùng xét theo con số tuyệt đối là hữu hiệu hơn, có lợi hơn hoặc không có lợi bằng vùng kia. Nếu mỗi vùng tự sản xuất ra của cải, hay từng vùng chuyển sang chuyên môn hoá để tạo ra sản phẩm có lợi thế so sánh, tức là hiệu quả tương đối cao hơn thì việc trao đổi giữa hai vùng sẽ có lợi cho cả hai bên. Điều này cho chúng ta hiểu liên kết kinh tế là sự liên minh, kết hợp các quan hệ vật chất, tài chính giữa các chủ thể với nhau theo những thỏa thuận nhất định nhằm thực hiện các chương trình, mục tiêu nào đó để mang lại lợi ích chung của vùng, trong đó có lợi ích của các bên tham gia [9]. Còn các nhà kinh tế Việt Nam cho rằng: Liên kết kinh tế là sự thiết lập các mối quan hệ giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh, có thể giữa các doanh nghiệp thuộc cùng lĩnh vực hoạt động, giữa các đối tác cạnh tranh hoặc giữa các doanh nghiệp có các hoạt động mang tính chất bổ sung, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí, đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất - kinh doanh, tạo ra sức mạnh cạnh tranh, cùng nhau chia sẻ các khả năng, mở ra những thị trường mới [7]. Liên kết kinh tế giữa các địa phương trong phát triển nông nghiệp CNC vùng ĐBSH được hiểu là những hoạt động liên kết về̀ các vấn đề của kinh tế giữa các địa phương trong vùng nhằm tranh thủ những lợi thế so sánh, đem lại hiệu quả tốt ́ nhất trong phát triển kinh tê ć ủa địa phương. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSH với mục tiêu là tìm cách bù đắp thiếu hụt và khắc phục hạn chế của mình từ sự phối hợp hoạt động với đối tác. 1.2. Sự cần thiết phát triển ông nghiệp công nghệ cao Nông nghiệp CNC là khái niệm khá mới mẻ ở nước ta, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà các nhà kinh tế đưa ra khái niệm cho phù hợp. Chẳng hạn, Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: nông nghiệp CNC là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ. 725
  5. Các nhà khoa học Trung quốc cho rằng: Việc ứng dụng những công nghệ mới như công nghệ vũ trụ, công nghệ tin học, laser, tự động hóa, năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học vào nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến tiến bộ khoa học - công nghệ, có thể hình thành công nghệ cao, công nghệ mới của ngành sản xuất nông nghiệp mới, đều có thể gọi là nông nghiệp CNC [14]. Tính tất yếu của liên kết vùng để phát triển nông nghiệp CNC: Liên kết vùng nhằm khai thác tốt tiềm năng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn khu vực ĐBSH, đặc biệt là phát triển lĩnh vực nông nghiệp CNC chính là ưu tiên hiện nay của khu vực kinh tế lớn thứ hai cả nước này. Điều này xuất phát từ những lý do cơ bản sau: Tập trung phát triển mô hình nông nghiệp CNC sẽ tạo nền tảng quan trọng đưa nền nông nghiệp vùng ĐBSH lên một tầm cao mới, tạo lực đẩy cho tái cơ cấu kinh tế nông nghiệph đạt hiệu quả, gắn với việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực chọn và tạo giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá đáng kể, đến lượt nó lại góp phần thúc đẩy tăng trưởng của vùng và của cả nền kinh tế quốc dân. Sự xuất hiện của các khu nông nghiệp CNC sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho những sáng tạo khoa học công nghệ. Thông qua đó, đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất nông nghiệp CNC, đồng thời chuyển hoá tri thức thành sức sản xuất, thành ưu thế thị trường, tạo cơ hội việc làm và đem lại lợi ích cho vùng. Phát triển các khu nông nghiệp CNC góp phần thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, hình thành lực lượng công nhân nông nghiệp với tác phong công nghiệp, tay nghề cao, làm chủ được công nghệ mới. Phát triển nông nghiệp CNC sẽ tạo điều kiện để gắn kết chặt chẽ và hiệu quả hơn vai trò của “Bốn nhà”. Theo đó, trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ xuất hiện và được nhân rộng ra các vùng khác. Cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt đã và đang loại bỏ những doanh nghiệp không chịu đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nông nghiệp CNC trên thế giới phát triển nhanh mạnh là nhờ sự năng động và sáng tạo của nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp nông nghiệp trong nước cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua này và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là CNC. Các khu nông nghiệp CNC sẽ đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Nông nghiệp CNC sẽ đáp ứng mục tiêu dài hạn trong phát triển nền nông nghiệp của nước ta: xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá, tập trung, có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế và nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Xây dựng quy trình CNC tạo ra chuỗi cung ứng, cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đáp ứng được ba yêu cầu: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ. Nông nghiệp CNC chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp, đến lượt nó nông nghiệp CNC lại là tiền đề, điều kiện thúc đẩy hình thành các trang trại tập trung, liên kết các nguồn lực để có quy mô về tài chính và điều kiện sản xuất lớn [5]. 726
  6. Như vậy, nông nghiệp CNC là hướng đi tất yếu để có được sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cao (nghĩa là những sản phẩm nông nghiệp CNC mới có thể có chỗ đứng trên thị trường), và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSH. Mối quan hệ giữa liên kết vùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Muốn phát triển nông nghiệp CNC thì tất yếu phải liên kết vùng. Nếu không thực hiện liên kết vùng sẽ không đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp CNC vì: Thực hiện tốt liên kết vùng thì sự phát triển của địa phương này sẽ kéo theo sự phát triển của địa phương kia. Thực hiện liên kết vùng nhằm phát huy chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực; xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng; quản lý tài nguyên nước; các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Liên kết vùng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương tham gia chuỗi sản xuất rau an toàn, chăn nuôi an toàn; các địa phương chủ động, tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ, ngăn chặn những hành vi vi phạm vệ sinh thú ý, sản phẩm động vật đưa vào thị trường. Muốn phát triển nông nghiệp CNC để tham gia vào thị trường lớn và huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối các địa phương. Liên kết vùng để cùng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc liên kết và đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, nhất là đối với khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch Liên kết vùng sẽ thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và trong nước trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao CNC trong nông nghiệp; thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Liên kết các địa phương nhằm quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp công lập của địa phương theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp được hưởng tối đa các ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tham gia liên kết sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Rõ ràng, liên kết vùng, liên kết kinh tế nhằm phát triển nông nghiệp CNC ở vùng ĐBSH là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và tham gia vào TPP. Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định: Xây dựng vùng ĐBSH thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế [4]. 727
  7. II. Thực trạng liên kết vùng ở Đồng bằng sông Hồng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao Sau hơn gần thập kỷ thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 của Chính phủ, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta nói chung và vùng ĐBSH nói riêng đã đạt được một số kết quả quan trọng, thể hiện trong các loại hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như các khu nông nghiệp công nghệ cao, các điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể: Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tương đối mạnh ở các địa phương trong vùng như: Cơ sở ứng dụng sản xuất giống và sản xuất cây trồng chất lượng cao 16 ha tại Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội; Trung tâm phát triển nông, lâm nghiệp với công nghệ cao ở Hải Phòng có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của I-xra-xen, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và bón phân có kiểm soát qua ống tưới của I-xra-xen cho năng suất cao gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống [13]. Hình thành những vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng CNC của vùng như: Các vùng sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội); mô hình 100 trang trại trồng nấm ở huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), sản lượng đạt 500 tạ/năm; mô hình trồng hoa áp dụng các công nghệ mới, như tạo giống tốt, vườn ươm, nhà lưới, kho mát bảo quản đóng gói tại huyện Mê Linh, có 1.000 ha chuyên sản xuất hoa cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu [13]. Thực trạng liên kết vùng ở ĐBSH trong phát triển nông nghiệp CNC còn nhiều bất cập, biểu hiện: hiệu quả giá trị gia tăng sản xuất công - nông nghiệp toàn vùng đã có sự tăng trưởng và xuất khẩu tăng cao nhưng nhập siêu vẫn lớn; các địa phương chưa biết khai thác tối đa thế mạnh của các tỉnh nói riêng và của vùng nói chung. Các địa phương trong vùng đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn “mạnh ai nấy làm”. Tình trạng diễn ra phổ biến hiện nay là tỉnh nào cũng có khu, cụm công nghiệp, chợ đầu mối nông sản, cố gắng thu hút đầu tư về địa phương bằng cơ chế chính sách riêng. Hầu hết, các địa phương đều có nhiều lợi thế về sản phẩm mũi nhọn nhưng chưa thể phát triển như mong muốn, chưa tạo ra thế mạnh của vùng; thậm chí, sự cạnh tranh giữa các tỉnh còn phá vỡ quy hoạch vùng. Trong khi, cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, thương mại, giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu của đối tác mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu cơ chế chính sách tốt để thu hút đầu tư. Các địa phương trong vùng đều có khó khăn chung về nguồn vốn đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp CNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động, để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp CNC, cần khoảng 140 tỷ đồng - 150 tỷ đồng (gấp 4 lần - 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của I-xra-xen cần ít nhất từ 10 tỷ đồng - 15 tỷ đồng, đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp nông nghiệp và các hộ kimh tế cá thể, tiểu chủ. 728
  8. Thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều kiện cần để thực hiện phát triển nông nghiệp CNC. Thực tế ở nước ta nói chung và vùng ĐBSH nói riêng, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu. Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2015, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông thôn chiếm 68,8%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo đạt 13,9%. Rõ ràng, trình độ thấp kém của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ở vùng ĐBSH đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng CNC thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Hiện tại mật độ giao thông nông thôn trên cả nước còn thấp (0,59km/km2); trong đó, mật độ đường huyện chỉ là 0,14km/km2, với tỷ trọng 0,55km/1.000 dân; đường xã là 0,45km/km2 và 1,72km/1.000 dân. Thì khu vực nông thôn ĐBSH, mật độ này có cao hơn (khoảng 1,16km/km2), song còn xa mới đạt được tỷ lệ hợp lý (trung bình ở các nước phát triển tỷ lệ chiều dài ki-lô-mét đường nông thôn trên diện tích khoảng 8,86km/km2)[13]. Như vậy, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Điều này sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp CNC ở các khu vực có hạ tầng nông thôn kém phát triển. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là khó khăn trở ngại lớn của ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp CNC sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Sự liên kết hoạt động khoa học - công nghệ giữa các tỉnh, thành trong nước còn rời rạc. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả và tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án. Mức độ liên kết giữa nghiên cứu khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp, các hợp tác xã, nông dân Do đó, nhiều đề tài, dự án chưa theo kịp những đòi hỏi từ thực tế sản xuất và đời sống [13]. Hơn nữa, giữa các địa phương trong vùng đang có sự “phân mảnh” về thể chế và không chỉ nằm ở phạm vi các tỉnh, giữa chính quyền trung ương và địa phương, mà còn giữa những bộ, ngành với nhau; thậm chí xung đột lợi ích trong phát triển. Điều này đã dẫn đến việc đầu tư trùng lắp, dàn trải, nhỏ lẻ, chậm phát huy hiệu quả, không có nhiều công trình tầm cỡ với “lợi thế dùng chung” cho cả vùng [14]. Nguyên nhân dẫn đến liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSH hiện nay chưa đạt được hiệu quả như: chính sách phát triển của các địa phương chưa có sự đồng nhất; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; các thủ tục hành chính gây cản trở việc liên kết; thị trường còn sơ khai, kém phát triển cũng ảnh hưởng đến thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế giữa các địa phương của vùng. Hơn nữa, sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành và các thủ tục hành chính gây cản trở làm cho việc liên kết 729
  9. giữa các địa phương trong vùng chưa đạt được hiệu quả. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như các doanh nghiệp công nghiệp ở một số địa phương trong vùng chủ yếu có quy mô nhỏ, phân bố rời rạc, chưa kết nối được thành hệ thống nên rất khó để liên kết với nhau. Chính điều này, đã làm giảm tính cấp bách của việc phải thiết lập liên kết kinh tế trong cùng địa phương cũng như giữa các địa phương với nhau; cơ chế điều phối kinh tế của các địa phương hiện nay cũng là một rào cản lớn đối với liên kết. Rõ ràng, để có sự thống nhất, cần phải xây dựng được cơ chế điều phối trên cơ sở xây dựng những cơ chế liên kết hữu hiệu và khung pháp lý đặc thù. Việc xây dựng một cơ chế pháp lý rõ ràng trong liên kết, chỉ huy và phối hợp các nguồn lực phát triển để phá vỡ thế luẩn quẩn hiện nay là rất cần thiết. Theo đó, việc quy hoạch phải theo sản phẩm thế mạnh của vùng, của từng tỉnh với mối quan hệ gắn bó chặt chẽ ngành hàng. Những điều này đòi hỏi cần tổ chức lại quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng [14]. Như vậy, mối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong nội bộ vùng để phát triển nông nghiệp CNC còn nhiều tồn tại, bất cập Thực trạng này, đòi hỏi Nhà nước phải thật sự vào cuộc, ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp nhằm hình thành không gian kinh tế mang tính liên vùng, gắn chặt không gian kinh tế của vùng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. III. Giải pháp thực hiện liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Hồng 3.1. Các điều kiện để thực thi liên kết vùng bền vững Các nhà nghiên cứu vùng và liên kết vùng trên thế giới và khu vực không ngừng bổ sung vào các cơ sở thực tiễn và lý luận cho việc phát triển vùng và liên kết vùng bền vững. Điển hình là Capello, Richard Wave, Isard Walter v.v đã tổng kết các cơ sở quan trọng tạo lập liên kết nội vùng và liên vùng như sau: Thứ nhất, các lợi thế so sánh vùng có vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thống phân công lao động và chuyên môn hóa; và do đó hình thành mối liên kết nội vùng và liên vùng. Thứ hai, lợi thế quy mô nhờ chuyên môn hóa: Lợi thế này tác động lan tỏa đến các vùng khác nhờ sử dụng các nguyên liệu đầu vào và kiến thức, lao động có kỹ năng v.v Với quy mô thị trường và chi phí giao thông giảm sẽ hình thành nên các cụm trung tâm công nghiệp với các cụm ngành có liên kết chuỗi với nhau, hay là hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp gắn liền với nó là công nghiệp chế biến, cơ khí và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng chuyên canh đó. Thứ ba, sự đồng thuận về thể chế và các nhóm xã hội chia sẽ lợi ích chung trong đó có lợi ích phát triển riêng của địa phương. Sự đồng thuận giữa quản lý vĩ mô và các chủ thể kinh tế vi mô khác như doanh nghiệp, hộ gia đình, đồng thuận giữa nội vùng và liên vùng, trong đó có liên vùng quốc tế. Thứ tư, sự đồng bộ về cơ chế chính sách, khung khổ thể và quản trị vùng trên các khía cạnh: Đảm bảo các quyền về tài sản (cả hữu hình và vô hình), tạo khung khổ cho việc xây dựng và thực hiện các loại hợp đồng và cung cấp đầy đủ thông tin cho các chủ thể; Tạo 730
  10. ra sự công khai, minh bạch trong các chính sách và hoạt động của bộ máy công quyền; Tạo điều kiện cho sự tham gia của dân cư vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Thứ năm, hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại với các loại hình hạ tầng khác nhau. Hạ tầng trong nhiều trường hợp quyết định sự thành công hay thất bại của các mối quan hệ liên kết nội vùng (Mushi, 2003) và liên vùng (Capello, 1998) [14]. 3.2. Các giải pháp chủ yếu ĐBSH được đánh giá là địa bàn có nhiều lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp CNC, nhưng các khu nông nghiệp CNC ở các tỉnh thuộc vùng này hiện còn rất hạn chế với “nền nông nghiệp chiếu manh”, vì vậy trong thời gian tới, vùng ĐBSH bước đầu cần tập trung làm tốt các nhóm giải pháp sau: Một là, thống nhất các chính sách thu hút đầu tư cho địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung: Để có một nền nông nghiệp phát triển cao, hiệu quả, bền vững, cần nâng cao nhận thức và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đang,̉ chính quyền đối với việc đầu tư hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các khu, điểm, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Để tránh tình trạng các địa phương ban hành chính sách thu hút đầu tư tràn lan như hiện nay, trong thời gian tới Chính phủ cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các yêu cầu sau: Nghiên cứu và ban hành chính sách thống nhất cho vùng kinh tế ĐBSH, không để tình trạng mỗi địa phương mỗi chính sách, kể cả chính sách do Trung ương và địa phương ban hành. Khi ban hành chính sách phát triển cho vùng, Chính phủ cần phải tham vấn từ tất cả các địa phương trong vùng, tránh trường hợp các chính sách tạo ra lợi thế cho địa phương này nhưng gây bất lợi cho địa phương khác. Đặc biệt, xóa bỏ tình trạng các địa phương tranh thủ “xin xỏ” trung ương để được hỗ trợ cho các chính sách ưu đãi riêng. Cần tạo lập cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế vùng, ưu tiên các vùng sản xuất nông nghiệp quản trị hiện đại quy mô lớn. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực nông nghiệp với các nước có nền nông nghiệp phát triển. Tạo ra nguồn lực và động lực cho phát triển nông nghiệp CNC của vùng ĐBSH. Hai là, xây dựng cơ chế điều phối vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng: Thực hiện định hướng chuyển dịch CCKT nông nghiệp của vùng trong thời gian tới, phải xây dựng cơ chế liên kết phối hợp giữa các địa phương để điều phối các hoạt động chung trong vùng nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chất vùng và liên vùng, đồng thời phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương; tiếp tục rà soát, điều chỉnh công tác quy hoạch bảo đảm sự phát triển gắn kết, hài hòa giữa các tỉnh, thành phố. Đồng thời, để giữ vững vai trò “động lực, đầu kéo” của mình, vùng ĐBSH cần phải xây dựng cách thức quy hoạch và triển khai thực hiện liên vùng, nhằm khai thác tối đa được các lợi thế so sánh chung của cả vùng và lợi thế riêng của từng địa bàn; thiết lập được chuỗi giá trị hỗ trợ trong nội bộ của vùng. Hơn nữa, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, vùng cần phải tiếp tục 731
  11. hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế theo hướng sau: - Trước mắt, cần tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, từng tỉnh, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. - Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng: giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu - Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, cần quy hoạch và tổ chức lại không gian sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết vùng; phát triển sản xuất quy mô nông trại thay cho kinh tế hộ gia đình; liên kết sản xuất chặt chẽ với tiêu thụ, trên cơ sở nông trại quy mô lớn và doanh nghiệp nông nghiệp là động lực chính; gắn tổ chức sản xuất với chuỗi giá trị liên kết vùng, liên kết với các chuỗi giá trị quốc tế, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản phẩm; phát triển kinh tế hợp tác nông trại trên cơ sở cùng tham gia tổ chức lại sản xuất, đầu tư. - Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ và các vùng kinh tế trọng điểm khác, để thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước. Tích cực hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác, tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, có chính sách ưu đãi cho các ngành công nghiệp mũi nhọn cần ưu tiên phát triển trong vùng trên cơ sở quy hoạch phát triển chung đã phê duyệt, trong đó cần chỉ rõ địa phương nào được ưu tiên phát triển lĩnh vực gì, sản phẩm gì nhằm phát huy lợi thế so sánh. - Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, rất cần có tổ chức chủ trì điều phối cho toàn vùng, vừa bảo đảm tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Đổi mới hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chú trọng nghiên cứu, bổ sung các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng. Từ đó, đưa ra quy định cụ thể và thực thi cơ chế điều phối vùng kinh tế. - Vùng ĐBSH cần chủ động xây dựng các đề án xin quy hoạch các tiểu vùng liên kết các vùng sản xuất nông nghiệp trong vùng như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa đặc sản, vùng cây ăn quả để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn có cùng chung về chiến lược, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, hệ thống quản lí chất lượng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu [9]. - Các địa phương cần tạo cơ chế để doanh nghiệp nông nghiệp được toàn quyền sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp vào việc ứng dụng kết quả khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ. Có cơ chế khuyến khích hình thành mối liên kết trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao, tiếp nhận các sản phẩm khoa học công nghệ giữa các viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn 11tỉnh, thành phố. 732
  12. Như vậy, chỉ có liên kết vùng chặt chẽ mới tìm được “tiếng nói chung”, tạo ra sự thống nhất, nhằm đưa ra những giải pháp đồng bộ mang tính lâu dài đảm bảo cho tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSH đạt hiệu quả cao. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2012), Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. [2]. Nguyễn Văn Bộ, Đào Thế Anh, Ứng dụng công nghệ cao trong nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam. [3]. Vũ Hùng Cường (2007), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam. [4]. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009. [5]. Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khu vực Đồng bằng sông Hồng (2012). [6]. Phạm Ngọc Dũng (2002), Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công - nông nghiệp ở vùng lãnh thổ đồng bằng sông Hồng: Thực trạng và giải pháp, Hà Nội. [7]. Dương Đình Giám (07/2003), Về vấn đề liên kết kinh tế ở Việt Nam hiện nay, Thời báo Kinh tế Việt Nam. [8].Ngô Đình Lập (05/2006), Gia nhập WTO doanh nghiệp cần sự liên kết, Vietnamnet. [9].Đỗ Thị Thanh Loan (2015), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật. [10]. Bùi Văn Tuấn, “Liên kết kinh tế giữa các địa phương trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng”, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội. [11]. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, Báo cáo khảo sát: “Liên kết giữa các địa phương trong phát triển vùng tại Cộng hòa liên bang Đức”, Hà Nội 2011. [12]. Ngô Doãn Vịnh, 2003. Nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Học hỏi và sáng tạo, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, [13]. Nguyễn Hữu Nhơn, Những khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta, Tạp chí Kinh tế & Dự báo, 8/2016. [14]. Các trang Websites: trien-vung -dong -bang- song-hong luoc/20135/11876.vgp 733