Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (global innovation index - Gii) - Góc nhìn từ mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

pdf 13 trang Gia Huy 19/05/2022 3960
Bạn đang xem tài liệu "Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (global innovation index - Gii) - Góc nhìn từ mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchi_so_doi_moi_sang_tao_toan_cau_global_innovation_index_gii.pdf

Nội dung text: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (global innovation index - Gii) - Góc nhìn từ mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

  1. CHỈ SỐ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TOÀN CẦU (GLOBAL INNOVATION INDEX - GII) - GÓC NHÌN TỪ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 PGS.TS Vũ Cương Ths. NCS Ngô Quốc Dũng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Tóm tắt Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò của ĐMST lại càng quan trọng, vì về bản chất, ĐMST cũng là hạt nhân của cuộc cách mạng này. Vì thế, cần thiết phải đưa các chỉ số đo lường mức độ ĐMST của quốc gia vào hệ tiêu chí đánh giá một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện nay, có nhiều đề xuất khác nhau về việc lựa chọn chỉ số nào thể hiện được yêu cầu này. Bài viết tập trung phân tích tính chất, phương pháp đo lường và thực tế sử dụng chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index – GII) trong phân tích và báo cáo tăng trưởng, đồng thời lập luận cho sự phù hợp của chỉ số này với tư cách là một thước đo về ĐMST ở tầm quốc gia cho một nền kinh tế. Bài viết gồm 4 phần. Phần thứ nhất tóm tắt về cách hiểu và vai trò của ĐMST trong phát triển kinh tế, đặc biệt với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Phần thứ hai đi sâu phân tích bản chất, phương pháp đo lường và cách sử dụng chỉ số này trong phân tích tăng trưởng. Phần thứ ba trình bày việc sử dụng chỉ số này trong phân tích so sánh ĐMST của Việt Nam với các quốc gia khác. Cuối cùng, bài viết đưa ra những luận cứ để đề xuất sử dụng GII như một chỉ số cần thiết trong hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Từ khoá: Đổi mới sáng tạo, GII, năng lực cạnh tranh, cách mạng công nghiệp 4.0 1. Đổi mới sáng tạo và vai trò của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 1.1. Đổi mới sáng tạo Đổi mới sáng tạo (ĐMST) (Innovation) mới chỉ xuất hiện trong từ điển thuật ngữ thế giới vào nửa đầu thế kỷ thứ 20, với hàm ý hướng đến đánh giá sự tiến bộ của khoa học công nghệ (KHCN) và những tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế nói riêng và quá trình phát triển nói chung của một quốc gia. Theo Joseph Schumpeter (1934), ĐMST được chia ra thành 5 loại bao gồm: (i) đưa ra sản phẩm mới; (ii) đưa ra các phương pháp sản xuất mới; (iii) mở ra thị trường mới; (iv) phát triển các nguồn 119
  2. mới cung cấp vật liệu thô hay các loại đầu vào mới khác; (v) tạo ra cấu trúc thị trường mới trong một ngành. Schumpeter đã đặt nền móng cho một ngành khoa học nghiên cứu về ĐMST, một lĩnh vực đã và đang phát triển rực rỡ cho đến ngày nay. ĐMST được định nghĩa là việc đưa ra một sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) mới hoặc một sản phẩm được cải tiến đáng kể, hoặc đưa ra và thực hiện qui trình công nghệ mới, phương pháp tiếp thị mới, một phương pháp tổ chức mới trong hoạt động kinh doanh, trong tổ chức nơi làm việc hoặc trong quan hệ với bên ngoài (OECD, 2005). ĐMST thường cần tới nhiều loại hoạt động, không chỉ nghiên cứu và phát triển (R&D), mà còn những hoạt động khác như thay đổi về tổ chức, đào tạo, kiểm nghiệm, tiếp thị và đặc biệt là thiết kế. Hệ thống ĐMST coi ĐMST là trung tâm, là kết quả của học hỏi mang tính tương tác, qua tích lũy, xây dựng năng lực chuyên môn, qua học hỏi dựa trên khoa học và học hỏi dựa trên kinh nghiệm. Hệ thống ĐMST chú trọng đến việc khai thông, tăng cường tương tác giữa các thực thể, phát triển những thể chế hỗ trợ cho tương tác học hỏi, phát triển môi trường thân thiện cho ĐMST, tăng khả năng ứng phó, đáp ứng của hệ thống trước những cơ hội, hay thay đổi. Lundvall, Chaminade và Vang (2011) đề xuất định nghĩa về hệ thống ĐMST quốc gia như sau: “Hệ thống ĐMST quốc gia là một hệ thống mở, tiến hóa và phức tạp, bao gồm những quan hệ bên trong mỗi tổ chức và giữa các tổ chức, thể chế và cấu trúc kinh tế - xã hội, qui định tốc độ và đường hướng đổi mới cũng như việc xây dựng năng lực chuyên môn xuất phát từ quá trình học hỏi dựa trên khoa học và học hỏi dựa trên kinh nghiệm”. 1.2. Vai trò của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 Ngay từ Adam Smith (1776) đã khẳng định ĐMST có mối quan hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế, trong đó ĐMST là nguồn quan trọng của tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt trong quá trình toàn cầu hoá, các quốc gia có nền kinh tế mới nổi muốn bắt kịp các quốc gia đi trước thì chỉ có thể dựa vào sức mạnh của ĐMST. Khi phân tích về trường hợp của Nhật Bản, Christopher Freeman (1987) đã khẳng định: “nhìn tổng thể, tăng cường ĐMST giúp các quốc gia phát huy tối đa khả năng phát triển kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh có sẵn của quốc gia mình. Đồng thời, trong giai đoạn có nhiều thách thức và cơ hội, việc tăng cường ĐMST sẽ giúp một nền kinh tế vĩ mô có thể phát triển bền vững, lành mạnh và bắt kịp với sự phát triển toàn cầu”. 120
  3. Vai trò của ĐMST đối với tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia càng trở nên quan trong hơn khi đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. CMCN 4.0 có khả năng làm thay đổi triệt để cách sống, quan hệ và làm việc trong xã hội. Cuộc cách mạng này vượt xa những tiến bộ đạt được trong ba cuộc CMCN trước đó, bởi lẽ “ cơ khí hoá, điện khí hoá, tin học hoá và lúc này cả yếu tố vốn và con người thuần tuý không còn đóng vai trò quan trọng mà trái lại, tính ĐMST từ con người và ứng dụng tính ĐMST sẽ làm thay đổi toàn bộ mọi mặt của nền công nghiệp và nền kinh tế hiện hữu với tốc độ vô cùng nhanh chóng”. (Nguyễn Trọng Hoài, 2017). Tóm lại, tăng trưởng trong nền kinh tế hiện đại sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng theo đuổi, quản lý và tranh thủ tối đa những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. Đồng thời, hạt nhân của cuộc CMCN này chính là yếu tố ĐMST của cả quốc gia, từng ngành, lĩnh vực cho đến từng doanh nghiệp. Vì thế, đề cập đến mục tiêu phát triển trở thành nước công nghiệp hiện đại trong bối cảnh CMCN 4.0 không thể tách rời khỏi mục tiêu thúc đẩy ĐMST. Muốn vậy, vấn đề đầu tiên cần trả lời là thước đo nào có thể giúp chúng ta theo dõi được những tiến bộ trong ĐMST, làm cơ sở cho việc hoạch định và điều chỉnh chính sách hướng đến khai thác tối đa tiềm năng ĐMST trong nền kinh tế. 2. Thước đo đổi mới sáng tạo – Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2.1. Chỉ số đổi mới sáng tạo Ý tưởng về bộ Chỉ số Đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index, hay GII) do giáo sư Dutta của Viện INSEAD đề xuất năm 2007, với mục tiêu duy nhất nhằm xác định làm thế nào để có được những số liệu và phương pháp tiếp cận cho phép nắm bắt tốt hơn mức độ ĐMST và hiệu quả của hệ thống ĐMST của các quốc gia, nền kinh tế. Thách thức lớn là tìm số liệu phản ánh trung thực ĐMST trên thế giới. Các thước đo trực tiếp đầu ra của ĐMST hiện nay vẫn còn thiếu. Đa phần các thống kê hiện có đã phải tự điều chỉnh để nắm bắt được thước đo gián tiếp đầu ra của ĐMST bằng cách quan sát sự thay đổi trong các lĩnh vực dịch vụ hoặc tổ chức công, chứ chưa đo trực tiếp được các thành tố của ĐMST. GII là một bộ công cụ đánh giá, xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia hoặc nền kinh tế, được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện nhằm có được một bộ công cụ đo lường hệ thống ĐMST ở cấp quốc gia hoặc nền kinh tế. 2.1.1. Khung chỉ số GII Cách tiếp cận trong đánh giá ĐMST của WIPO được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là ĐMST dựa trên R&D mà nó bao trùm cả ĐMST trong tổ chức, thị 121
  4. trường Điều này thể hiện quan điểm cho rằng trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động, cũng như tính liên kết kinh tế của một quốc gia với các quốc gia hay nền kinh tế khác có tác động đến năng lực ĐMST quốc gia đó. Với cách tiếp cận này, GII được tích hợp từ số đo của bảy (07) trụ cột lớn (pillars), mỗi trụ cột lớn được tích hợp từ số đo của ba (03) trụ cột nhỏ (sub-pillar, hay nhóm chỉ số). Mỗi nhóm chỉ số bao gồm từ 02 đến 05 chỉ số thành phần (indicators), tổng thể có khoảng 70 - 80 chỉ số thành phần, thay đổi tùy từng năm. Năm 2017, có 81 chỉ số thành phần được sử dụng. Đến năm 2018, có 80 chỉ số thành phần được sử dụng. Có 03 chỉ số tổng hợp (index) chính được tính toán, đo lường gồm: (1) chỉ số tổng hợp về đầu vào ĐMST, (2) chỉ số tổng hợp về đầu ra ĐMST, và (3) chỉ số tổng hợp ĐMST, là trung bình cộng đơn giản của Chỉ số tổng hợp về Đầu vào và Chỉ số tổng hợp về Đầu ra. Ngoài ra, chỉ số về Hiệu quả ĐMST cũng được xem xét, theo đó, hiệu quả ĐMST được tính là tỷ lệ giữa Chỉ số Đầu ra trên Chỉ số Đầu vào. Tỷ lệ này cho biết một quốc gia tạo ra bao nhiêu đầu ra ĐMST ứng với số đầu vào ĐMST của quốc gia đó. Khung chỉ số được mô tả cụ thể theo sơ đồ sau: Hình 1: Khung chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu 2018 122
  5. 2.1.2. Phương pháp tính toán chỉ số ĐMST toàn cầu Các chỉ số thành phần sử dụng hoàn toàn số liệu thứ cấp, là kết quả đã được thu thập và phân tích trực tiếp hoặc đã được tính toán tổng hợp bởi các tổ chức khác. Có khoảng trên dưới 30 nguồn dữ liệu/cơ sở dữ liệu được sử dụng để lấy thông tin, số liệu phục vụ tính toán GII. Trong đó, các cơ sở dữ liệu của Ngân hàng thế giới và các tổ chức của Liên hợp quốc là nhiều nhất. Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các tổ chức nghiên cứu độc lập hoặc kết quả nghiên cứu, khảo sát của một số tổ chức khác cũng được sử dụng. Một số chỉ số được lấy dữ liệu ở nhiều nguồn khác nhau (tùy thuộc vào từng quốc gia/nền kinh tế có số liệu sẵn có và cập nhật hơn ở nguồn nào). Việc điều chỉnh phương pháp tính toán các chỉ số thành phần có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tổng hợp chỉ số nhóm và chỉ số GII của một số nước. Vì vậy, trong một số trường hợp, nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo GII đã phải điều chỉnh lại phương pháp tính toán chỉ số thành phần, ví dụ như một số chỉ số của WIPO, WTO. Với mỗi một chỉ số thành phần sử dụng dữ liệu cứng, số liệu của quốc gia/nền kinh tế nào có giá trị (value) cao nhất sẽ được điểm số (score) cao nhất là 100, các quốc gia/nền kinh tế có các giá trị tiếp theo sẽ được quy đổi tương ứng, căn cứ theo giá trị của chỉ số tiếp theo đó cho tới 0. Điểm số được tính đến mức hai số thập phân. Có một vài trường hợp đặc biệt là chỉ số nghịch, tức là giá trị càng thấp thì điểm số và thứ hạng càng cao. Thứ hạng của từng chỉ số được căn cứ vào điểm số, với mỗi một chỉ số, quốc gia/nền kinh tế nào có điểm số cao nhất được xếp hạng 1, điểm số thấp nhất sẽ xếp hạng cuối. Các trường hợp không có số liệu thì sẽ không được tính điểm và xếp hạng. Báo cáo GII năm 2018, xếp hạng 126 quốc gia, nền kinh tế trên cơ sở sẵn có của dữ liệu. Những quốc gia, nền kinh tế phải có dữ liệu cho tối thiểu 66% chỉ số trên tổng số 80 chỉ số (bao gồm 35 chỉ số đầu và và 18 chỉ số đầu ra). Dữ liệu sẵn có gần nhất của mỗi quốc gia, nền kinh tế và dữ liệu được chiết xuất tại thời điểm năm 2006. Để đảm bảo tính minh bạch và khả năng nhân rộng kết quả, những giá trị thiếu không được tìm cách bổ sung. Những giá trị thiếu được ghi “n/a” (không có số liệu) và không được xem xét điểm số và xếp hạng. GII 2018 bao gồm 80 chỉ số, xét theo nguồn dữ liệu, có thể chia thành ba nhóm sau đây: Dữ liệu định lượng/khách quan/dữ liệu cứng (57 chỉ số): Dữ liệu cứng (gồm 57 chỉ số) được lấy từ các nguồn thông tin công khai và không công khai của các cơ quan Liên Hợp Quốc, bao gồm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp 123
  6. Quốc (UNESCO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Ngân hàng thế giới (WB), Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp thuộc Ủy ban Châu Âu (JRC), công ty kiểm toán PwC, nhà xuất bản Bureau Van Dijk (BvD), hãng tin Thomson Reuters, tổ chức IHS Global Insight và Google, v.v Các chỉ số này thường được tính trong tương quan với dân số, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hoặc một số các yếu tố liên quan về quy mô khác. Việc tỷ lệ hóa theo quy mô với một số chỉ số quy mô liên quan là cần thiết nhằm phục vụ mục đích so sách giữa các nền kinh tế. Ví dụ, chỉ số 2.1.1 Chi tiêu cho giáo dục, % GDP Chỉ số tổng hợp/dữ liệu chỉ số chung (18 chỉ số): Các chỉ số tổng hợp được cung cấp bởi các cơ quan chuyên môn và các tổ chức hàn lâm như Ngân hàng thế giới, Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), Mạng lưới Hành chính công của Liên hợp quốc (UNPAN), Đại học Yale và Đại học Columbia, v.v Ví dụ chỉ số 1.1.1. Đảm bảo ổn định và an ninh chính trị, chỉ số 3.3.2. Hiệu quả logistics, chỉ số 3.3.3. Kết quả về môi trường, v.v Dữ liệu khảo sát/định tính/chủ quan/dữ liệu mềm (5 chỉ số). Là các chỉ số có dữ liệu được lấy từ cuộc Khảo sát Ý kiến Doanh nghiệp của Diễn đàn kinh tế thế giới. Các câu hỏi khảo sát được xây dựng để thu thập nhận thức chủ quan về các chủ đề cụ thể. Ví dụ chỉ số 5.2.1 Hợp tác đại học – doanh nghiệp, chỉ số 5.2.2 Quy mô phát triển của cụm công nghiệp, v.v 2.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng GII Các điểm số, xếp hạng từ năm này qua năm khác không so sánh trực tiếp được và nếu làm như vậy rất dễ dẫn đến những sai lệch. Kết quả xếp hạng của mỗi năm phản ánh vị trí tương đối của quốc gia/nền kinh tế trên cơ sở khung lý thuyết, các dữ liệu được sử dụng, và tổng thể các quốc gia được chọn tham gia xếp hạng của năm đó. Khi những yếu tố này thay đổi sẽ làm thay đổi kết quả xếp hạng. Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng hàng năm của một quốc gia/nền kinh tế, đó là: (i) thành tích tăng trưởng thực tế của quốc gia/nền kinh tế đó; (ii) những điều chỉnh về khung lý thuyết tính toán của WIPO (ví dụ như thêm, bớt chỉ số); (iii) cập nhật dữ liệu, cách xử lý giá trị ngoại biên, số liệu bị thiếu; và (iv) việc thêm hay bớt các quốc gia/nền kinh tế trong mẫu so sánh. 3. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam qua thước đo GII Năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 45, tăng 2 bậc so với năm 2017, đạt thứ hạng cao nhất từ trước tới nay. So với mức GDP, Việt Nam được đánh giá là thể hiện 124
  7. tốt hơn mức độ phát triển của quốc gia mình. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), năm 2018, Việt Nam đứng thứ nhất trong nhóm các nước có cùng mức thu nhập (nhóm thu nhập trung bình thấp) và trong khu vực khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương, Việt Nam đứng thứ 9. Bảng 1. Xếp hạng về chỉ số GII và các chỉ số thành phần của Việt Nam, giai đoạn 2013-2018 2013 2014 2015 2016 2017 2018 Nhóm chỉ số và trụ cột về ĐMST* (142) (143) (141) (128) (127) (126) Nhóm chỉ số đầu vào ĐMST 89 100 78 79 71 65 1. Thể chế 122 121 101 93 87 78 2. Nguồn nhân lực và nghiên cứu 98 89 78 74 70 66 3. Cơ sở hạ tầng 80 99 88 90 77 78 4. Trình độ phát triển của thị trường 73 92 67 64 34 33 5. Trình độ phát triển kinh doanh 67 59 40 72 73 66 Nhóm chỉ số đầu ra ĐMST 54 47 39 42 38 41 6. Sản phẩm tri thức và công nghệ 51 49 28 39 28 35 7. Sản phẩm sáng tạo 66 58 62 52 52 46 Tỷ lệ hiệu quả ĐMST 17 5 9 11 10 16 Chỉ số GII 76 71 52 59 47 45 Ghi chú: (*) Số liệu đặt trong ngoặc sau năm xếp hạng là tổng số quốc gia được xếp hạng trong năm đó Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu các năm Xếp hạng của Việt Nam về chỉ số đầu vào có xu hướng đi lên trong giai đoạn 2014 - 2018. Đồng thời, Việt Nam đã có thay đổi tích cực trong xếp hạng của các chỉ số đầu ra trong năm 2015 và năm 2017, tuy nhiên đến năm 2018 lại có biểu hiện suy giảm nhẹ. Tỷ lệ Hiệu quả ĐMST của Việt Nam năm 2018 cũng được đánh giá là tốt (xếp hạng 16). Kết quả này là do ảnh hưởng tích cực bởi xếp hạng cao hơn của chỉ số đầu vào (xếp hạng 65) so với chỉ số đầu ra (xếp hạng 41). Ngay từ những năm đầu tiên mà GII được công bố (2008)4, Việt Nam đã đạt một thứ hạng khá tốt (đứng thứ 64 về chỉ số chung, thứ 66 về chỉ số đầu vào và 63 về chỉ số đầu ra, trong tổng số 130 nước có số liệu xếp hạng), mặc dù tại thời điểm đó, GNI bình quân của Việt Nam đạt 3.897 USD (giá so sánh năm 2001, theo PPP). Cũng 4 Năm 2007 là năm đầu tiên GII được công bố. Trong năm đó, Việt Nam đứng thứ 65 về GII, trong khi Singapore đứng thứ 7, Malaysia thứ 26 và Thái Lan thứ 34. Tuy nhiên, trong năm đó chỉ có 103 nước được xếp hạng. Đây là năm có số lượng nước xếp hạng thấp nhất. Vì thế, để hợp lý hơn, chúng tôi sử dụng số liệu năm 2008 là năm có 130 nước được xếp hạng, làm mốc chuẩn so sánh. 125
  8. tại Báo cáo 2008, Singapore với mức thu nhập bình quân đầu người theo GNI vào khoảng 63.092 USD, đã xếp thứ hạng 5 về chỉ số GII, số liệu tương tự của Malaysia là 20.041 USD, đứng thứ 25 về chỉ số GII. Thái Lan là 12.294 USD và đứng thứ 44 về chỉ số GII. Như vậy, Việt Nam kém Singapore 59 bậc, Malaysia 39 bậc và Thái Lan 20 bậc. Theo Báo cáo về GII năm 2018, Việt Nam xếp hạng 45, với 37,9/100 điểm (xem Bảng 2). Trước đó, năm 2017, vị trí của Việt Nam đã tăng liền 12 bậc so với năm 2016 và xếp thứ 9 trong nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Singapore là quốc gia duy nhất trong khu vực lọt vào danh sách 10 nước có GII tốt nhất toàn cầu. So với một số quốc gia trong khu vực có tham gia xếp hạng, Việt Nam thấp hơn Singapore (5) 40 bậc, Malaysia (35) 10 bậc, thấp hơn Thái Lan (44) 1 bậc. Bảng 2. Xếp hạng GII của một số nước năm 2018 Chỉ số GII Chỉ số đầu vào Chỉ số đầu ra Thứ hạng Điểm Thứ hạng Điểm Thứ hạng Điểm Việt Nam 45 37.9 65 42.17 41 33.7 Singapore 5 59.8 1 74.23 15 45.43 Malaysia 35 43 34 52.07 39 34.26 Indonesia 85 29.8 90 37.12 73 22.47 Thái Lan 44 38 52 44.49 45 31.51 Campuchia 98 26.7 103 33.06 84 20.32 Philippines 73 31.6 82 39.14 68 23.98 Trung Quốc 17 53.1 27 55.13 10 50.98 Nguồn: Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu 2018 Như vậy, sau 10 năm, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách 19 bậc so với Singapore, 29 bậc so với Malaysia. Đặc biệt, nếu so sánh với Thái Lan (một quốc gia được xếp vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình cao), có thể thấy Việt Nam có một sự cải thiện rất rõ nét về thứ hạng của GII. Năm 2008, thu nhập của Việt Nam bằng khoảng 1/3 Thái Lan, kém 20 bậc về chỉ số GII, thì đến năm 2018, thu nhập của Thái Lan gấp 2,55 lần nhưng chỉ số GII của Việt Nam chỉ xếp sau 1 bậc. Theo suy luận, nếu mục tiêu phấn đấu là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao (tương đương với mức GNI bình quân đầu người của Thái Lan năm 2008), thì với động lực cải cách thể chế vẫn duy trì được như hiện nay để tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho ĐMST và với sự hỗ trợ của CMCN 4.0, hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam có thể đạt thứ hạng từ 30-35 về GII (ở mức tương tự như Malaysia hiện nay hoặc tốt hơn, và rút ngắn khoảng cách với Singapore thêm từ 10-15 bậc nữa). 126
  9. Các điểm mạnh và yếu trong chỉ số ĐMST ở Việt Nam Việt Nam được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của ĐMST (bao gồm sản phẩm của tri thức và công nghệ và sản phẩm sáng tạo). Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài cho phép Việt Nam đạt thứ hạng cao ở chỉ số về “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài”, cũng như “Lan truyền tri thức”, hay “Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”. Điểm số Xếp hạng Thể chế 80 78 70 60 56.2 Nguồn nhân lực và nghiên Sản phẩm sáng tạo 50 66 cứu 40 46 30 30 20 35 10 0 32.4 Sản phẩm tri thức và công 35 40.4 33 Cơ sở hạ tầng nghệ 78 30 54.3 Trình độ phát triển kinh66 Trình độ phát triển của thị doanh trường Hình 2. Điểm và xếp hạng 7 trụ cột trong chỉ số ĐMST của Việt Nam năm 2018 Nguồn: Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu 2018 Việt Nam được đánh giá là còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “tỷ lệ lao động nữ có trình độ”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”, “xuất khẩu dịch vụ ICT”, “nhập khẩu dịch vụ ICT”. Bảng 3: Điểm mạnh và điểm yếu trong chỉ số ĐMST của Việt Nam Điểm mạnh Điểm yếu Tỷ số Hiệu quả ĐMST (xếp hạng 16) 1.3. Môi trường kinh doanh (xếp hạng 103) 2.1. Giáo dục (xếp hạng 18) 1.3.2 Mức độ dễ dàng trong việc giải 2.1.1 Chi tiêu cho giáo dục (xếp hạng quyết các khoản nợ (xếp hạng 107) 29) 2.2.3 Tỷ lệ di chuyển nhân lực cấp đại học 127
  10. cao đẳng ở trong nước (xếp hạng 99) 2.3.4 Điểm xếp hạng trung bình của 3 4.1.1 Mức độ dễ dàng tiếp cận tín dụng trường đại học hàng đầu trong bảng xếp (xếp hạng 26) hạng đại học thế giới QS (xếp hạng 78) 4.1.2 Tín dụng trong nước cho khu vực 4.2. Đầu tư (xếp hạng 109). tư nhân (xếp hạng 19). 4.3.2. Mức độ cạnh tranh trong nước (xếp 4.3.3 Quy mô thị trường nội địa (xếp hạng 101). hạng 33). 5.3. Tiếp nhận tri thức (xếp hạng 25) 5.3.2 Nhập khẩu công nghệ cao (xếp 5.1.1 Lao động trong các dịch vụ thâm hạng 4) dụng tri thức (xếp hạng 95). 5.3.4 Giá trị ròng của Dòng vốn vào về 5.1.5 Lao động nữ được tuyển dụng có đầu tư trực tiếp nước ngoài (xếp hạng bằng cấp cao (xếp hạng 78) 25). 5.3.3 Nhập khẩu dịch vụ ICT (xếp hạng 122) 6.2. Tác động của tri thức (xếp hạng 19) 6.2.1 Tốc độ tăng năng suất lao động 6.1.2 Đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế (xếp hạng 6). theo nước xuất xứ, căn cứ theo Hiệp ước 6.3. Lan tỏa tri thức (xếp hạng 21) về Hợp tác sáng chế (xếp hạng 88). 6.3.2 Xuất khẩu công nghệ cao (xếp 6.3.3 Xuất khẩu dịch vụ ICT (xếp hạng hạng 1) 120) 7.1.1 Đăng ký nhãn hiệu theo nước xuất 7.2.3 Thị trường giải trí và truyền thông xứ (xếp hạng 18) toàn cầu (xếp hạng 56). 7.2.5 Xuất khẩu sản phẩm sáng tạo (xếp hạng 7). Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu 2018 Ngoài ra, một trong những điểm yếu của Việt Nam đó là việc thiếu số liệu và số liệu thiếu tính cập nhật. Việt Nam thiếu số liệu của 06 chỉ số và có 09 chỉ số có số liệu không cập nhật. Việc thiếu số liệu chỉ số thành phần sẽ ảnh hưởng đến việc tính toán chỉ số ĐMST của Việt Nam. 4. Khả năng sử dụng GII trong bộ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại 128
  11. Việt Nam có khát vọng trở thành một nước có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới. Tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao. Nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, có năng lực cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Các ngành kinh tế hiện đại và kinh tế tri thức được phát triển trong mạng lưới các đô thị hiện đại kết nối tốt và hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, xây dựng một xã hội hiện đại, sáng tạo, dân chủ; một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình cũng là những mục tiêu được đặt ra cho Việt Nam thịnh vượng vào năm 2035 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng thế giới, 2016). Để đạt được những mục tiêu như vậy, tăng trưởng kinh tế cần phải đi đôi với ĐMST. ĐMST là động lực cho việc tạo ra các giá trị gia tăng của nền kinh tế. Với ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng việc sử dụng GII trong bộ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại là hết sức cần thiết vì những lý do sau đây: Thứ nhất, ĐMST là then chốt để tăng trưởng năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Vì thế, ngay cả khi không đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá và CMCN 4.0 thì việc theo dõi sự tiến bộ trong ĐMST vẫn là cần thiết mà hệ thống thống kê chính thức của Việt Nam hiện chưa có. Hơn thế nữa, như đã phân tích ở trên, vai trò của ĐMST lại càng trở nên quan trọng khi đặt vào bối cảnh CMCN 4.0 vì ĐMST chính là linh hồn của cuộc cách mạng này. Chính vì thế, khi phân tích các yếu tố để chuyển đổi nền công nghiệp nước ta theo định hướng của CMCN 4.0, Nguyễn Trọng Hoài (2017) đã đề xuất một khung phân tích như sau: Nền công Chuyển đổi cơ cấu ngành ĐMST ở doanh nghiệp, cơ nghiệp Việt công nghiệp quan nghiên cứu Nền công Nam hiện đại: nghiệp Việt tập trung vào Nam tiệm cận các ngành sản thành tựu xuất thâm dụng CMCN 4.0 vốn và lao Nâng cao chất Phát triển m ạnh mẽ Thể chế kinh động, khai thác lượng nguồn công nghệ thông tin tế thúc đẩy tài nguyên nhân lực và truyền thông ĐMST Hình 3. Khung phân tích các yếu tố để chuyển đổi nền công nghiệp theo định hướng của CMCN 4.0 trong bối cảnh Việt Nam Nguồn: Nguyễn Trọng Hoài (2017) Rõ ràng trong khung phân tích này, ĐMST đều là khâu then chốt để chuyển đổi nền công nghiệp nước ta như hiện nay sang tiệm cận thành tựu của CMCN 4.0. Do đó, cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy, đưa yếu tố ĐMST và thước đo ĐMST vào bộ tiêu chí là cần thiết 129
  12. Thứ hai, GII là một chỉ số được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu hoặc báo cáo của các tổ chức quốc tế khi so sánh hoặc phân tích về tăng trưởng giữa các quốc gia. Chẳng hạn, trong các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới hay OECD, GII vẫn thường xuyên được viện dẫn để so sánh trình độ ĐMST của Việt Nam so với các nước có cùng mức thu nhập, hay theo dõi sự thay đổi thứ hạng của chỉ số tổng hợp này cũng như các chỉ số thành phần của GII. Thứ ba, GII là một chỉ số sẵn có, khách quan, dễ phân tích và không tốn chi phí để thu thập. Như đã phân tích ở trên, việc truy cập thông tin về chỉ số này là hoàn toàn miễn phí. Kết quả so sánh và xếp hạng các quốc gia theo GII được cập nhật hàng năm. Đây là một lợi thế hơn hẳn của GII so với nhiều chỉ số khác, ví dụ như chỉ số nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index – KEI). Mặc dù KEI cũng nhằm đo lường khả năng một nền kinh tế có thể sáng tạo, vận dụng và truyền bá tri thức (Vũ Cương, 2017), nhưng chỉ số này rất khó thu thập thông tin. Trong tất cả các nghiên cứu gần đây của Việt Nam cũng chỉ viện dẫn được đến kết quả KEI năm 2012, và qua khảo sát của chúng tôi, hiện cũng chưa có kết quả cập nhật hơn để có thể tiếp cận dễ dàng trên trang web. Cuối cùng, các chỉ số đầu vào của GII rất phù hợp với nhiều khung nghiên cứu về ĐMST. Chẳng hạn, nếu so sánh với khung phân tích của Nguyễn Trọng Hoài ở trên thì GII có thể cung cấp rất nhiều thông tin để theo dõi về mức độ ĐMST ở doanh nghiệp (nhóm chỉ số 5) và các cơ quan nghiên cứu (nhóm chỉ số 2), chất lượng nguồn nhân lực (nhóm chỉ số 2), công nghệ thông tin và truyền thông (nhóm chỉ số 3) hay thể chế (nhóm chỉ số 1). Vì thế, sử dụng GII còn cho phép phân tích các chuỗi số liệu theo thời gian để phân tích sự thay đổi của các yếu tố thành phần phù hợp với các khung lý thuyết đã xây dựng để nghiên cứu về quá trình chuyển đổi nền công nghiệp nước ta. Tóm lại, GII là một nguồn thông tin có giá trị, khách quan, cho phép chúng ta có thể tự theo dõi sự tiến bộ về ĐMST của mình qua thời gian cũng như vị thế tương đối so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Các nội dung khác nhau của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đều có thể được phản ánh qua không chỉ một chỉ số so sánh quốc tế. Tính chất tổng hợp của chỉ số gợi ý cho chúng ta về nội hàm của các đối tượng nghiên cứu, và cho phép phân tích đa chiều các nhân tố ảnh hưởng. Chính vì thế, đây là một chỉ số thích hợp để đưa vào hệ tiêu chí về một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mặc dù vậy, cũng cần thận trọng trong việc sử dụng GII vì nhiều chỉ số thành phần chứa đựng cả các dữ liệu khách quan và chủ quan, phương pháp tính có thể gây lệch hướng trong phân tích, hoặc quan niệm về bản chất của các tiêu chí hoặc tiêu chí thành phần chưa thực sự thống nhất giữa các nước. Kết hợp giữa các nguồn số liệu so sánh quốc tế với số liệu thống kê chính thức trong nước là cách tiếp cận hợp lý nhất khi xây dựng Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 130
  13. TÀI LIỆU THAM KHẢO 11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (2016), Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ. Hà Nội. 12. Cornell University, INSEAD, and WIPO (2018), The Global Innovation Index 2018: Energizing the World with Innovation. Ithaca, Fontainebleau, and Geneva. 13. Freeman, C. và Soete L. (1997). The Economics of Industrial Innovation, Routledge, UK. 14. Joseph Schumpeter (1934), The Theory of Economic Development, Harvard University Express. 15. Joseph Schumpeter (1934), The Theory of Economic Development. 16. Lundvall, BÂ., Chaminade C. và Vang J. (2011), Handbook of Innovation System and Developing Countries: Building Domestic Capacity in a Global Setting, Edward Elgar Publishing 17. Nguyễn Trọng Hoài (2017), CMCN lần thứ tư và bối cảnh Việt Nam: Khung phân tích, hiện trạng và các gợi ý chính sách, bài viết đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại: Áp dụng cho Việt Nam trong bối cảnh của toàn cầu hoá và CMCN 4.0, NXB Đại học Kinh tế quốc dân. 18. OECD (2005), Glossary of Statistical Terms, 19. OECD (2005), Oslo Manual: Guidelines for Collecting and Interpreting Innovation Data, 3rd Edition. OECD and Statistical Office of the European Communities. 20. Vũ Cương (2017), Các chỉ số so sánh quốc tế có thể tham khảo khi xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hoá và CMCN 4.0, bài viết đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại: Áp dụng cho Việt Nam trong bối cảnh của toàn cầu hoá và CMCN 4.0, NXB Đại học Kinh tế quốc dân. 131