Phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội

pdf 18 trang Gia Huy 18/05/2022 1830
Bạn đang xem tài liệu "Phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_huy_vai_tro_dong_luc_quan_trong_cua_kinh_te_tu_nhan_tro.pdf

Nội dung text: Phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội

  1. PHÁT HUY VAI TRÕ ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN TRONG CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, sự phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân đã huy động được các nguồn lực to lớn vào đầu tư và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đóng góp của kinh tế tư nhân chưa tương xứng với yêu cầu do những hạn chế từ nội lực của thành phần kinh tế này và những khó khăn, cản trở từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Bài viết trình bày khái quát về sự đóng góp của kinh tế tư nhân và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cản trở để phát triển mạnh mẽ thành phần kinh tế này nhằm phát huy ngày càng đầy đủ “vai trò động lực quan trọng”, góp phần phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững đất nước. Từ khóa: kinh tế tư nhân; động lực của nền kinh tế; nội lực; kinh tế phi chính thức; quản lý nhà nước. 1. Giới thiệu Trong các giai đoạn của quá trình xây dựng CNXH ở nước ta, kinh tế tư nhân đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Theo quan niệm trước đây về CNXH, kinh tế tư nhân gắn với sở hữu tư nhân về các tư liệu sản xuất chủ yếu bị coi là bộ phận kinh tế phi XHCN và là đối tượng cải tạo XHCN. Nhưng ngay trong giai đoạn này, kinh tế tư nhân vẫn tồn tại với những mức độ và dưới những hình thức khác nhau, đóng góp không nhỏ vào việc bảo đảm đời sống của người dân. Công cuộc đổi mới kinh tế được thực hiện trên nền tảng đổi mới tư duy kinh tế đã kh ng định nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế là một trong những đặc trưng kinh tế của thời kỳ quá độ lên CNXH. Trên cơ sở đó, kinh tế tư nhân đã được phát triển mạnh mẽ, trở thành lực lượng kinh tế trụ cột và có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các chủ thể kinh tế tư nhân đã có những đóng góp ngày càng lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm cho người lao động, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu và vào ngân sách nhà nước. Với thực tế đó, sự phát triển kinh tế tư nhân được kh ng định vai trò là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. 111
  2. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế tư nhân cũng còn nhiều yếu kém, bất cập. Tuy số lượng các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân ngày càng nhiều và chiếm tỷ trọng áp đảo trong hệ thống các loại hình tổ chức kinh doanh, nhưng đại bộ phận các cơ sở này có quy mô nhỏ bé, các nguồn lực sản xuất - kinh doanh và năng lực quản trị còn thấp kém, trình độ trang bị công nghệ lạc hậu và năng lực đổi mới công nghệ còn chưa đảm bảo, Hệ lụy tất yếu của tình trạng này là năng lực cạnh tranh của các cơ sở kinh tế tư nhân còn thấp kém. Điều đó không những dẫn đến hạn chế việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn là một thách thức lớn với chính các chủ thể kinh tế này trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc phát huy ngày càng đầy đủ hơn vai trò “động lực quan trọng của nền kinh tế” phụ thuộc trực tiếp vào năng lực nội sinh của các chủ thể kinh tế tư nhân. Để thực hiện yêu cầu này, một mặt, cần có sự nỗ lực của bản thân các nhà đầu tư tư nhân; mặt khác, đòi hỏi phải đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với các nguyên tắc thị trường. 2. Nội hàm “vai trò động lực” và sự phát triển quan điểm về vai trò của kinh tế tƣ nhân 2.1. Nội hàm vai trò động lực của kinh tế tư nhân Dù được hiểu theo nghĩa “lôi kéo” hay “thúc đẩy”, thực chất vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần là sự tác động ngày càng lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xem xét một cách tổng quát, vai trò động lực phát triển của kinh tế tư nhân được thể hiện trên những mặt chủ yếu sau đây: - Trực tiếp tạo ra khối lượng lớn sản phẩm và dịch vụ góp phần đáp ứng các nhu cầu trong nước, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. - Là lực lượng chủ yếu tạo việc làm cho người lao động và tạo điều kiện giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển. - Đóng góp phần quan trọng vào thu ngân sách nhà nước và tác động đến việc điều chỉnh phân bổ các nguồn lực theo yêu cầu bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội. - Tạo áp lực thúc đẩy đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế và thúc đẩy cải cách các doanh nghiệp nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển thể chế kinh tế thị trường. 112
  3. 2.2. Quá trình phát triển quan điểm của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân - Trước khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986: kinh tế tư nhân gắn với sở hữu tư nhân về các tư liệu sản xuất chủ yếu được coi là “bộ phận kinh tế phi XHCN” và là “đối tượng của cải tạo XHCN”. - Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) thừa nhận kinh tế tư nhân là một thành phần trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và yêu cầu “cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn với các bộ phận của thành phần kinh tế này”1. - Đại hội Đảng lần thứ X (2006) xác định “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”2. - Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) xác định “ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế ”3. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (6/2017) đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”4. Sự phát triển quan điểm của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân gắn liền với sự thay đổi tư duy nhận thức về thời kỳ quá độ lên CNXH, về mô hình kinh tế XHCN. Từ chỗ bị coi là bộ phận kinh tế đối lập với kinh tế XHCN và là đối tượng cải tạo XHCN, đến khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986), trên cơ sở kh ng định tính tất yếu của phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và phát triển nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận là một bộ phận hợp thành nền kinh tế nhiều thành phần. Với những đóng góp thực tế ngày càng to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2006, kinh tế tư nhân mới được xác định là “một động lực của nền kinh tế”. Và 10 năm sau, đến Đại hội Đảng lần thứ XII (2016), vai trò của kinh tế tư nhân được nâng lên là “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điều đó thường được coi là một bước tiến trong nhận thức. Nhưng bước tiến này mất khoảng thời gian khá dài với hệ lụy là nguồn lực to lớn trong nước không được huy động phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò quản lý vĩ mô nền kinh tế, Nhà nước đã thể chế hóa quan điểm và chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, bằng việc ban hành các 1 Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. NXB Chính trị quốc gia, 2005, trang 57. 2 Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X. NXB Chính trị quốc gia, 2006, trang 83. 3 Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. NXB Chính trị quốc gia, 2016, trang 103. 4 Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). 113
  4. đạo luật và cơ chế chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Các đạo luật và cơ chế chính sách này được chú trọng sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu và điều kiện phát triển nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Tinh thần chủ đạo của quá trình này là hướng tới thống nhất hóa về mặt pháp luật, bảo đảm sự bình đ ng trước pháp luật đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với hoàn thiện khung khổ pháp luật về đầu tư kinh doanh, công cuộc cải cách hành chính nhà nước cũng được xúc tiến theo tinh thần xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển, “Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh doanh của doanh nghiệp”. 3. Khái quát những đóng góp của kinh tế tƣ nhân 3.1. Đóng góp vào đầu tư phát triển Sự phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân đã góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực trong xã hội vào đầu tư phát triển. Tỷ trọng đầu tư từ kinh tế ngoài nhà nước trong nước có xu hướng tăng nhanh. Năm 2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 830.278 tỷ đồng, trong đó của của kinh tế nhà nước là 316.285 tỷ đồng, chiếm 38,1%, của kinh tế ngoài nhà nước là 299.487 tỷ đồng, chiếm 36,1%, của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 214.506 tỷ đồng, chiếm 25,8%; năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.485.096 tỷ đồng, trong đó của của kinh tế nhà nước là 557.496 tỷ đồng, chiếm 37,6%, của kinh tế ngoài nhà nước là 579.700 tỷ đồng, chiếm 39%, của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 347.900 tỷ đồng, chiếm 23,4%. Quy mô vốn đầu tư của kinh tế tư nhân ngày càng tăng và đến nay đã trở thành bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư xã hội (Biểu đồ 1). Việc thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới và những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã có tác động mạnh mẽ đến việc huy động các nguồn lực thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước vào đầu tư phát triển. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kinh doanh không ngừng gia tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2017 cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người, giảm 8,4% so với năm 20165. 5 Tổng cục Thống kê: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 (Nguồn: gso.gov.vn). 114
  5. Nguồn: Niên giám thống kê 3.2.Đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước Với việc thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, cơ cấu theo thành phần kinh tế ở nước ta đang biến đổi theo hướng: tỷ trọng thành phần kinh tế nhà nước (thực chất là các doanh nghiệp nhà nước) trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngày càng giảm; tỷ trọng thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong nước và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, trong đó thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ cao. Hiện nay, thành phần kinh tế tư nhân trong nước là lực lượng có đóng góp lớn nhất vào GDP (Biểu đồ 2). Nguồn: Niên giám thống kê 115
  6. Năm 2010, GDP của cả nước đạt 2.157.828 tỷ đồng, của kinh tế nhà nước là 633.187 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,34%, của kinh tế ngoài nhà nước trong nước là 926.928 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,96%, của kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 326.967 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,15% (còn lại 270.746 tỷ đồng là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, chiếm tỷ trọng 12,55%); Năm 2016, GDP của cả nước đạt 4.502.733 tỷ đổng, của kinh tế nhà nước là 1.297.274 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,81%, của kinh tế ngoài nhà nước trong nước là 1.916.263 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,52%, của kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 837.093 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,59% (còn lại 452.103 tỷ đồng là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, chiếm tỷ trọng 10,04%). 3.3. Đóng góp vào giải quyết việc làm Trong quá trình đổi mới kinh tế, lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng ngày càng giảm do thu hẹp số lượng và phạm vi lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này, sự phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần to lớn vào giải quyết việc làm cho người lao động. Với ưu thế về mức đầu tư cho một chỗ làm việc không cao và khả năng thu hút rộng rãi nhiều loại lao động khác nhau, kinh tế tư nhân trong nước là lực lượng chủ yếu tạo việc làm mới thu hút lực lượng lao động tăng lên hàng năm. Tính chung, các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân, bao gồm các loại hình doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các cơ sở cá thể phi nông nghiệp, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Bình quân hàng năm, kinh tế tư nhân giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động (Bảng 1). 116
  7. Bảng 1. Tổng số lao động trong các cơ sở kinh tế ngoài nhà nước (1.000 người)6 2010 2012 2013 2014 2015 2016 Doanh nghiệp 5.983 6758 6.854 7.148 7.712 8.600 Cơ sở cá thể phi nông nghiệp 7.413 7.947 7.733 7.954 7.987 8.262 Nguồn: Niên giám thống kê Đóng góp của kinh tế tư nhân trong việc giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động không chỉ có ý nghĩa về kinh tế (huy động nguồn nhân lực vào hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, tạo thêm sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội), mà còn có ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc (góp phần ổn định đời sống của người lao động và gia đình họ, hạn chế các tiêu cực xã hội ). 3.4. Đóng góp vào nguồn thu ngân sách Các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân cũng có đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước. Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, “Mức đóng góp của các doanh nghiệp ngoài nhà nước vào Ngân sách nhà nước năm 2016 là 434,7 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 45% tổng thu, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010-2016. Tiếp đến là các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 29%, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất và có mức đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu cao nhất so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại có mức đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất với 250,9 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 26%, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010-2016”. Trong khi kh ng định vai trò tích cực của kinh tế tư nhân trong việc đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước, nhiều người cho rằng sự chênh lệch về mức và tỷ lệ đóng góp này “là một sự bất công”. Bởi lẽ, “Tuy chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo mức lợi nhuận thấp hơn so với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp, mức tăng bình quân giai đoạn 2010-2016 6 Chỉ tính lao động có việc làm chính thức tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh có đăng ký, không tính lao động có việc làm phi chính thức trong khu vực kinh tế chính thức và trong khu vực kinh tế phi chính thức. 117
  8. chỉ là 8,4%/năm. Các doanh nghiệp nhà nước năm 2016 tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp, mức tăng bình quân giai đoạn 2010-2016 là 9,4%/năm. Còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp, mức tăng bình quân giai đoạn 2010-2016 là 17.3%/năm” 7. Tóm lại, mặc dù chưa có được những điều kiện thuận lợi nhất trong đầu tư và kinh doanh, nhưng sự phát triển của các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân đã có đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu đó chính là cơ sở của sự đổi mới tư duy quan điểm về vai trò của thành phần kinh tế tư nhân, coi lực lượng này là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. 4. Hai yếu tố cơ bản cản trở phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân Trong khi kh ng định vai trò ngày càng lớn của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước, cũng cần thấy rằng vai trò ấy chưa được phát huy đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và từ bất cập trong công tác quản lý nhà nước với kinh tế tư nhân. 4.1.Những khó khăn, cản trở từ bản thân kinh tế tư nhân Nội lực là yếu tố cơ bản bảo đảm sự phát triển mạnh, có hiệu quả và bền vững của bản thân các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân và phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nội lực của kinh tế tư nhân nước ta còn thấp kém đang là một trong những khó khăn, cản trở lớn với việc phát huy vai trò của thành phần kinh tế này. Tuy chiếm vị trí áp đảo về số lượng và tỷ trọng trong hệ thống các doanh nghiệp của cả nước, nhưng tuyệt đại bộ phận các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất - kinh doanh “siêu nhỏ” với sự hạn chế về nguồn lực tài chính, năng lực quản trị, trang bị công nghệ và khả năng đổi mới, sáng tạo. Theo số liệu năm 2015 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số 442.485 doanh nghiệp có 427.710 doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân (trong nước), chiếm tới gần 96,7%. Trong số này, số doanh nghiệp sử dụng dưới 9 lao động là 7 Nguyên Mẫn: Bất công cho doanh nghiệp tư nhân (Nguồn: vneconomy.vn, 5/2/2018). 118
  9. 301.033 đơn vị, chiếm trên 68%, số doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động trở lên chỉ là 4.897 đơn vị, chiếm 1,11%; số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng là 271.616 đơn vị, chiếm tới 61,4%, trong đó, số doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng là 184.385 đơn vị, chiếm 41,7%, chỉ có 6.300 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 200 tỉ đồng, chiếm trên 1,4%. Bên cạnh các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, ở nước ta còn tồn tại lực lượng đông đảo các hộ cá thể phi nông nghiệp có đăng ký kinh doanh. Năm 2016, cả nước có 4.909.827 cơ sở kinh tế cá thể (hộ cá thể) với 8.261.870 lao động, bình quân mỗi cơ sở chỉ có 1,68 lao động. Sự hạn chế về nguồn lực gắn liền với sự hạn chế về trang bị công nghệ và khả năng đổi mới công nghệ. Năm 2015, trong khi chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp, nhưng vốn kinh doanh bình quân hàng năm của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 49,77% tổng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp, giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn chỉ chiếm 36,9%; trang bị tài sản cố định bình quân 1 lao động chỉ đạt 173,4 triệu đồng, bằng 23,5% của doanh nghiệp nhà nước và 62,9% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ lụy tất yếu của tình trạng này là, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân còn thấp kém so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2015, doanh thu thuần của các doanh nghiệp này chỉ bằng 54,2% tổng doanh thu của các doanh nghiệp; thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động chỉ bằng 65% của doanh nghiệp nhà nước và 83% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; lợi nhuận trước thuế chỉ chiếm 27,23% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp; tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1,84, bằng 33% của doanh nghiệp nhà nước và gần 32% của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thiếu vốn kinh doanh là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi việc tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, năng lực cạnh tranh thấp kém được đánh giá là thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Một điểm yếu khác của khu vực kinh tế tư nhân là sự hạn chế về năng lực quản lý điều hành. Số doanh nghiệp được quản lý một cách khoa học, như chú trọng xây dựng chiến lược kinh doanh làm cơ sở thực hiện các hoạt động đầu tư 119
  10. dài hạn, xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm xác lập vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần quy mô nhỏ, thường xử lý kinh doanh theo kiểu tình thế, kinh doanh ngắn hạn, thậm chí chụp giật, tìm kiếm lợi nhuận bằng nhiều thủ đoạn khác nhau (trốn thuế, lậu thuế, làm hàng nhái, hàng giả ). Ngoài các loại hình doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ, kinh tế tư nhân còn một bộ phận thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Bộ phận này thường được gọi là khu vực kinh tế phi chính thức (Informal Sector)8. Bên cạnh những tác động tích cực nhất định (tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận người lao động; cung cấp một cách thuận tiện một số sản phẩm, dịch vụ nhỏ lẻ cho người tiêu dùng, ), hoạt động kinh tế phi chính thức có nhiều tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội. Các tác động tiêu cực chủ yếu là: Ảnh hưởng đến nguồn thu của Ngân sách nhà nước do không đăng ký và nộp thuế; Không phản ánh quy mô thực của nền kinh tế do không thống kê được; Tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và không bình đ ng với các chủ thể có đăng ký kinh doanh; Người lao động làm việc trong khu vực này không được bảo đảm các quyền lợi theo quy định của pháp luật; tạo môi trường cho sự sách nhiễu của một bộ phận công chức nhà nước Ngoài ra, một số hoạt động kinh tế phi chính thức được coi là bất hợp pháp, phá vỡ thuần phong mỹ tục, làm băng hoại đạo đức xã hội (làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, buôn bán ma túy, mại dâm, ). Quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức ở nước ta là khá lớn và có những tác động tích cực và tiêu cực cả về kinh tế và xã hội9. Kiểm soát hoạt động của khu vực kinh tế này vẫn đang là vấn đề nan giải. 8 Trong các ấn phẩm kinh tế, bộ phận này còn được gọi là Kinh tế ngầm (Underground Economy), Kinh tế bóng đen (Shadow Economy), Kinh tế không được giám sát (Non-observed Economy; Unobserved Economy). 9 Do nằm ngoài kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, nên không thể có số liệu thống kê chính thức về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức. Có nhiều ước lượng khác nhau về quy mô của khu vực kinh tế này: có tài liệu đánh giá bằng khoảng 25 - 30% GDP, tương đương 55 - 60 tỷ USD GDP, thậm chí có tài liệu đánh giá lên tới 50% GDP. Tất cả các đánh giá này đều được coi là không chính xác. (Nguồn: Kinh tế ngầm ở đâu? Thanhnien.vn, ngày 26/2/2018). 120
  11. 4.2. Bất cập trong quản lý nhà nước về kinh tế Bất cập này thể hiện tập trung trong việc thực hiện các chức năng của quản lý nhà nước với kinh tế tư nhân theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Cụ thể là: - Trong việc thực hiện chức năng định hướng phát triển: Các cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương đã dành nhiều công sức, thời gian và tiền của cho công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành. Nhưng các quy hoạch ấy chưa bảo đảm luận cứ khoa học, chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, nên không phát huy được vai trò định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh của các nhà đầu tư. - Trong việc thực hiện chức năng tạo môi trường: Dẫu Nhà nước có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển, nhưng hiện vẫn đang tồn tại hàng loạt yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân. Đó là: Tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đ ng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến tồn tại “khoảng trống pháp luật”; Các cân đối vĩ mô (cán cân ngân sách, cán cân thương mại ) chứa đựng những yếu tố bất ổn định; Các điểm nghẽn phát triển chậm được giải tỏa - Trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát: Còn lúng túng trong việc thực hiện kết hợp giữa “tiền kiểm” và “hậu kiểm” trong cấp đăng ký kinh doanh và kiểm soát hoạt động của các loại hình doanh nghiệp tư nhân. Thiếu sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp Cũng cần phải nói thêm một cản trở khác đang tồn tại trong tư duy, nhận thức. Trong thực tế, vẫn còn tồn tại dưới những hình thức khác nhau của tư tưởng e ngại, chệch hướng XHCN khi thực hiện chủ trương cho phép phát triển kinh tế tư nhân không hạn chế về quy mô trong những ngành và lĩnh vực pháp luật không cấm. Sự e ngại này dẫn đến cơ chế, chính sách lúc mở, lúc thắt, các hành vi ngăn cấm, thậm chí hình sự hóa hoạt động kinh tế thông thường, không tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế tư nhân. 121
  12. 5. Giải pháp phát huy vai trò động lực của kinh tế tƣ nhân Cụ thể hoá quan điểm và chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XII, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế tư nhân. Đó là: Thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân. Ngày 3/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Nghị quyết đã xác định 5 nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường kinh doanh an toàn, ít rủi ro nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đ ng theo cơ chế thị trường; Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đ ng; Tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực; Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân. Trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, các cấp ủy Đảng và chính quyền từ trung ương đến địa phương đều đã ban hành Chương trình hành động cụ thể trong phạm vi trách nhiệm của mình để thực hiện yêu cầu “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra hiện nay là tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động ấy. 122
  13. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, xin đề cập thêm một số ý kiến góp phần khắc phục những khó khăn, cản trở để kinh tế tư nhân phát huy ngày càng đầy đủ vai trò “động lực quan trọng” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 5.1. Về phía các chủ thể kinh tế tư nhân Việc nâng cao nội lực là yêu cầu tất yếu bảo đảm sự phát triển có hiệu quả và bền vững của mỗi chủ thể kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Đó cũng là điều kiện quan trọng hàng đầu để kinh tế tư nhân phát huy vai trò “động lực quan trọng của nền kinh tế”. Tuy nhiên, khi nội lực, khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân còn hết sức thấp kém, vấn đề lại không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Bởi vậy trước mắt, các chủ thể kinh tế tư nhân cần chú ý một số điểm cơ bản sau đây: - Từng cơ sở sản xuất - kinh doanh tư nhân cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, hoạt động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng. Đồng thời, xem xét khả năng chuyển dần chất lượng cạnh tranh giá rẻ sang các chất lượng khác như tạo sự khác biệt sản phẩm, chú trọng chất lượng, kiểu cách mẫu mã sản phẩm, chọn các thị trường ngách - Thiết lập và mở rộng quan hệ liên kết giữa các cơ sở sản xuất - kinh doanh tư nhân trong nước với nhau và quan hệ liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thực hiện điều này vừa để phát huy lợi thế và khắc phục yếu thế vốn có của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân nước ta, vừa là cách thức tham gia từng bước vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. - Lựa chọn loại hình tổ chức kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển, tạo nền tảng để thực hiện các yêu cầu đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng cạnh tranh. Kinh nghiệm các nước phát triển và từ thực tiễn phát triển thể chế kinh tế thị trường ở nước ta cho thấy: sự phát triển mạnh mẽ loại hình doanh nghiệp nhiều chủ sở hữu thuộc các hình thức sở hữu khác nhau, đặc biệt là công ty cổ phần, là xu hướng chủ đạo trong phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh. Các loại hình doanh nghiệp này có những ưu thế nổi trội trong việc thu hút rộng rãi các nguồn vốn vào đầu tư phát triển, đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. - Nâng cao năng lực quản trị phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường theo hướng hiện đại. Học tập tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp 123
  14. nhỏ ở các làng nghề Nhật Bản: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương - (Think globally, act locally)”. 5.2. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước Việc thực hiện thực chất và có hiệu quả đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng xây dựng “Nhà nước kiến tạo phát triển” và “Chính phủ liêm chính” sẽ là một yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do Chương trình hành động của Chính phủ đã nêu toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, nên trong bài viết nhỏ này chỉ xin đề cập một số ý kiến liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Phát huy vai trò của Nhà nước trong việc định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh của các chủ thể kinh tế tư nhân. Sự định hướng rõ ràng, ổn định và có đủ độ tin cậy là một trong những cơ sở để huy động các nguồn lực từ các chủ thể kinh tế tư nhân vào đầu tư phát triển, đưa hoạt động đầu tư - kinh doanh của họ góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu chung của toàn bộ nền kinh tế. Bởi lẽ, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng để xác định chiến lược đầu tư - kinh doanh và yên tâm thực hiện hoạt động đầu tư - kinh doanh lâu dài. Để phát huy vai trò định hướng phát triển đầu tư và kinh doanh, có hai điểm cơ bản cần được chú ý: - Nâng cao chất lượng các chiến lược và quy hoạch phát triển. Đổi mới nội dung của các chiến lược và quy hoạch được xây dựng. Phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của khoa học công nghệ, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ cần quan tâm phân tích đánh giá khoa học và chính xác các điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và thách thức, dự báo có cơ sở khoa học các xu hướng phát triển của thị trường và của khoa học công nghệ để đưa ra những định hướng chung về sự phát triển và những điều kiện cơ bản cần bảo đảm để thực hiện định hướng phát triển ấy. Trong chiến lược và quy hoạch phát triển, cần thể hiện định hướng phân vai các thành phần kinh tế trong thực hiện đầu tư phát triển. Tinh thần chung là: kinh tế nhà nước sẽ tập trung vào đầu tư phát triển các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng, các ngành và lĩnh vực liên quan trực tiếp đến an ninh - quốc phòng; các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ được phát triển không hạn chế 124
  15. trong các ngành, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa thông thường, tham gia cùng Nhà nước trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành, các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. - Xây dựng các các chính sách kinh tế vĩ mô trên cơ sở các định hướng phát triển đã xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển. Để hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế, Nhà nước cần ban hành và chỉ đạo thực thi hàng loạt chính sách kinh tế vĩ mô theo tinh thần tạo ra những kích thích để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào những lĩnh vực và những vùng lãnh thổ mà Nhà nước mong muốn. Các chính sách ấy phải thể hiện rõ những ưu đãi cao với lĩnh vực sản xuất, với đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa công nghệ, với hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ các nông sản chủ lực, với hình thành các cụm liên kết công nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Về cải thiện môi trường luật pháp - Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, luật pháp phải được coi là công cụ chủ yếu của Nhà nước trong quản lý kinh tế vĩ mô. Hành xử theo pháp luật không phải chỉ là nghĩa vụ của các đối tượng điều chỉnh của pháp luật, mà cũng là trách nhiệm của chính các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ công chức nhà nước. - Tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế đồng bộ phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường. Điều chỉnh hệ thống luật pháp trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và các ràng buộc của các định chế kinh tế - tài chính quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. - Khuyến khích các chủ sở hữu đưa tài sản vào đầu tư - kinh doanh, bảo vệ các nhà đầu tư - kinh doanh bằng việc xây dựng và thực thi pháp luật về sở hữu, chế độ bảo vệ quyền tự do kinh doanh, pháp luật về hợp đồng, thương mại, cạnh tranh và chống độc quyền theo đúng định chế và tập quán thương mại quốc tế. - Coi trọng việc bảo đảm điều kiện thực thi pháp luật: nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; bảo đảm mọi nhà kinh doanh đều có thể tiếp cận dễ dàng hệ thống pháp luật kinh tế; mở rộng dịch vụ tư vấn pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm pháp luật, bảo 125
  16. đảm sự bình đ ng trước pháp luật của mọi công dân, mọi tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội. Về cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô - Điều chỉnh mô hình tăng trưởng, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu, coi tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Trên cơ sở đó, điều chỉnh cơ cấu ngành và cơ cấu vùng kinh tế, điều chỉnh cơ cấu thị trường và cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh đầu tư bảo đảm các yếu tố về hạ tầng và nhân lực cho sự tăng trưởng cao, có hiệu quả và bền vững. - Hoàn thiện các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tạo lập sự ổn định bền vững của các cân đối kinh tế vĩ mô, đặc biệt là cán cân thương mại, cán cân thanh toán. Tăng cường dự trữ quốc gia, tạo cho Nhà nước có một công cụ vật chất mạnh để đối phó một cách chủ động với những biến động kinh tế vĩ mô. - Thống nhất điều kiện kinh doanh và điều kiện tiếp cận các yếu tố sản xuất của các loại hình doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau. Hoàn thiện cơ chế bình đ ng và không phân biệt hình thức sở hữu trong việc lựa chọn đối tượng được huy động tín dụng, được nhận sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước. Khuyến khích và hỗ trợ chuyển một bộ phận các hoạt động kinh tế phi chính thức thành các hoạt động kinh tế chính thức Đây là một nhiệm vụ cần thiết nhưng hết sức phức tạp không những đối với Việt Nam mà còn với tất cả các nước trên thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề khác nhau: Thống nhất nhận diện các hoạt động kinh tế phi chính thức; Phân loại các hình thức hoạt động kinh tế phi chính thức; Đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của từng hình thức; Xác định rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sự tồn tại và phát triển các hoạt động kinh tế phi chính thức; Đề xuất các biện pháp phù hợp với từng hình thức hoạt động kinh tế phi chính thức để từng bước chuyển chúng thành hoạt động kinh tế chính thức Trong việc phân loại và đánh giá các hoạt động kinh tế phi chính thức, những hoạt động kinh tế phi chính thức trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục và dẫn đến băng hoại đạo đức, lối sống cần được ngăn chặn và xóa bỏ ngay trong ngắn hạn bằng những chế tài pháp luật nghiêm khắc. Với các hoạt động kinh tế phi chính thức còn lại, căn cứ vào tính chất, vị trí, phạm vi tác động và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước để xác định loại hoạt động cần chuyển thành hoạt 126
  17. động kinh tế chính thức, loại hoạt động vẫn duy trì dưới hình thức kinh tế phi chính thức. 6. Kết luận Ngay trong thời kỳ bị coi là “kinh tế phi XHCN” và là đối tượng cải tạo XHCN, kinh tế tư nhân ở nước ta vẫn tồn tại với những mức độ, hình thức khác nhau và có đóng góp không nhỏ vào việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, được chính thức được thừa nhận là một bộ phận cấu thành nền kinh tế, kinh tế tư nhân đã được phát triển mạnh mẽ và đóng góp ngày càng to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để phát huy ngày càng đầy đủ vai trò “động lực quan trọng của nền kinh tế” đòi hỏi phải tăng cường nội lực của các chủ thể kinh tế tư nhân bằng chính sự nỗ lực của chính họ. Nhưng sự nỗ lực ấy sẽ chỉ mang lại kết quả mong muốn khi có sự hỗ trợ phù hợp và có hiệu quả của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vậy, để phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân phải thực hiện đồng bộ các biện pháp từ cả phía các chủ thể kinh tế tư nhân và phía cơ quan quản lý nhà nước các cấp. 127
  18. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện các Đại hội lần thứ VI, X và XII. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII). 3. Chính phủ: Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 4. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2016. Nhà xuất bản Thống kê, 2017. 5. Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và năm 2017. Gso.gov.vn. 6. Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia tiếng Việt: Kinh tế ngầm. 7. Vũ Hùng Cường (Chủ biên): Kinh tế tư nhân - Một động lực cơ bản cho phát triển. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2016. 8. Nguyên Mẫn: Bất công cho doanh nghiệp tư nhân. Vneconomy.vn, 5/2/2018. 9. Nguyễn Kế Tuấn (Chủ biên): Vấn đề sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2010. 10. Nguyễn Kế Tuấn: Những yếu tố cản trở phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Hội thảo khoa học do Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, 9/2016. 11. Nguyễn Kế Tuấn: Một số vấn đề về xu hướng phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, 10/2017. 12. Nguyễn Kế Tuấn và Nguyễn Kế Nghĩa: Hoàn thiện thể chế để phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh. Hội thảo khoa học quốc gia do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, 11/2017. 128