Chỉ số phát triển con người HDI - Góc nhìn của mục tiêu phát triển đất nước trong hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại

pdf 13 trang Gia Huy 19/05/2022 2930
Bạn đang xem tài liệu "Chỉ số phát triển con người HDI - Góc nhìn của mục tiêu phát triển đất nước trong hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchi_so_phat_trien_con_nguoi_hdi_goc_nhin_cua_muc_tieu_phat_t.pdf

Nội dung text: Chỉ số phát triển con người HDI - Góc nhìn của mục tiêu phát triển đất nước trong hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại

  1. CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI HDI - GÓC NHÌN CỦA MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG HỆ TIÊU CHÍ NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI TS. Nguyễn Quỳnh Hoa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trở thành nước công nghiệp là dấu mốc quan trọng của tất cả các quốc gia đang phát triển để có thể chuyển đổi thành nước phát triển, chính vì vậy việc lựa chọn các tiêu chí để nhận diện bước ngoặt này của các quốc gia là cần thiết và do đó cũng là các mục tiêu của rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiêu chí đánh giá nước CN phải được xác định toàn diện theo các tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia, và ngày nay thường người ta xem xét dưới góc độ phát triển bền vững, theo đó sẽ có 3 nhóm tiêu chí, đó là: (1) tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế; (2) tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội, và (3) tiêu chí đánh giá chất lượng môi trường. Với vai trò là mục tiêu cuối cùng của quá trình phát triển, bài viết tập trung vào lập luận để lựa chọn chỉ chỉ số phát triển con người (PTCN) – HDI là một tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội trong hệ tiêu chí đánh giá nước công nghiệp hiện đại và giá trị chuẩn của hệ số này để định vị trình độ của nước công nghiệp hiện đại là nằm trong khoảng từ 0,75 – 0,82. Đối chiếu với giá trị này ở Việt Nam, nhờ những thành tựu trong vòng 25 năm qua, HDI của Việt Nam đạt khoảng 0,82 - 0,91 so với mức giá trị chuẩn, cao hơn rất nhiều so với giá trị của thu nhập bình quân đầu người và cơ cấu kinh tế . Điều này cho thấy xét ở 3 khía cạnh của nước công nghiệp hiện đại, nếu sử dụng chỉ số HDI để đánh giá sự phát triển xã hội, Việt Nam sẽ về đích ở khía cạnh sớm hơn so với hai khía cạnh còn lại, và để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình về đích của khía cạnh xã hội, một số gợi ý chính sách được đặt ra trong đó tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện vấn đề giáo dục. 1. Đặt vấn đề Trong tiến trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu thế tất yếu nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu trở thành nước công nghiệp, hiện đại, văn minh và thịnh vượng. Điều này đặt ra sự cần thiết phải xác định thế nào là nước công nghiệp và khoảng thời gian để đạt được các tiêu chí đó làm căn cứ để hoạch định quan điểm, mục tiêu và giải pháp thực 86
  2. hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, về lý thuyết vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng, thống nhất về thế nào là nước công nghiệp, chính vì lẽ đó, có rất nhiều nghiên cứu đã và đang cố gắng để đưa ra được hệ tiêu chí nước công nghiệp. Trong các nghiên cứu đó, có thể kể đến các nghiên cứu của A. Inkeles (1993); Chenery và cộng sự (2009); Trương Văn Đoan (2007); Đỗ Quốc Sam (2009); Phạm Đình Thúy (2009); Bùi Tất Thắng (2013); Ngô Thắng Lợi và cộng sự (2014); Nguyễn Hồng Sơn và cộng sự (2014), Nguyễn Kế Tuấn (2015 - chủ biên); Lưu Bích Hồ (2015) Mặc dù có sự khác biệt về số lượng các tiêu chí cụ thể do sự khác biệt trong quan niệm về yêu cầu và mục đích của việc xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp hiện đại, tuy nhiên tất cả các nghiên cứu đưa ra ở trên đều tương đối đồng thuận khi cho rằng xem xét một nước trở thành nước CN hay chưa, thực chất là xem xét về trình độ phát triển của nước đó đã đạt được ở giai đoạn CN hay chưa (theo nghĩa chia quá trình phát triển kinh tế của một nước theo 3 giai đoạn: nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ). Như vậy tiêu chí đánh giá nước CN phải được xác định toàn diện theo các tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia, và ngày nay thường người ta xem xét dưới góc độ phát triển bền vững, theo đó sẽ có 3 nhóm tiêu chí, đó là: (1) tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế; (2) tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội, và (3) tiêu chí đánh giá chất lượng môi trường. Trong 3 nhóm tiêu chí đó, nhóm tiêu chí đầu thường được đánh giá theo thu nhập bình quân đầu người và cơ cấu kinh tế được coi là các tiêu chí đảm bảo điều kiện cần, tiêu chí về sự phát triển xã hội được coi các tiêu chí đảm bảo mục tiêu cuối cùng của quá trình phát triển. Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào việc bàn luận việc lựa chọn tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội để nhận diện đặc điểm của nước công nghiệp hiện đại, cũng như thực trạng tiêu chí đó ở Việt Nam và các giải pháp thúc đẩy đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. 2. Tiêu chí đánh giá tiến bộ xã hội của nước công nghiệp hiện đại Phát triển kinh tế là quá trình tăng tiến toàn diện về mọi mặt của nền kinh tế. Michael P. Todaro và cộng sự trong cuốn kinh tế phát triển tái bản lần thứ 11 (Todaro, M và Smith, S., 2012) định nghĩa phát triển kinh tế vừa là hiện thực vật chất vừa là trạng thái của tâm. Theo đó, phát triển kinh tế là một quá trình bao gồm ba nội dung có sự gắn kết và tác động qua lại lẫn nhau đó là: (1) tăng trưởng kinh tế; (2) thay đổi cấu trúc nền kinh tế; và (3) tiến bộ xã hội, trong đó tiến bộ xã hội là mục tiêu cuối cùng của quá trình phát triển. Trong quá trình phát triển, các quốc gia trên thế giới hiện có sự phân hóa thành hai nhóm nước là các nước phát triển và các nước đang phát triển. 87
  3. Tuy vậy, khái niệm nước phát triển không phải là tuyệt đối; hiện nay, ngay cả các nước phát triển nhất, như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản vẫn đang trong quá trình phát triển, do vậy Liên Hợp Quốc thường dùng thuật ngữ các nước công nghiệp để thay cho thuật ngữ nước phát triển. Như vậy, có thể thấy rằng trở thành nước công nghiệp là đích đến của hầu hết các quốc gia đang phát triển, và công nghiệp hóa là con đường tất yếu của tất cả các nước muốn phát triển trở thành nước công nghiệp. Chính vì lẽ đó, việc xác định bộ tiêu chí để nhận diện nước công nghiệp là điều cần thiết, cụ thể, bộ tiêu chí đó cần bao gồm các chỉ số thể hiện đặc điểm của nước công nghiệp và giá trị của các chỉ số. Trước tiên, các tiêu chí chỉ nên là các tiêu chí đo lường kết quả quá trình CNH của từng lĩnh vực chứ không nên bao gồm các tiêu chí quá chi tiết hay phản ánh các hoạt động có liên quan đến thực hiện CNH (Ngô Thắng Lợi và cộng sự, 2013). Thứ hai, giá trị của các chỉ số là căn cứ để xác định thời điểm có sự thay đổi về chất của các quốc gia từ trình độ nền kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang trình độ nền kinh tế công nghiệp, từ nước đang phát triển trở thành nước công nghiệp phát triển (trình độ phát triển ở giai đoạn cất cánh (CN) hay giai đoạn trưởng thành (CN hiện đại) nếu vận dụng lý thuyết “Phân kỳ các giai đoạn phát triển kinh tế” (Rostow, 1955)). Việc xác định giá trị chuẩn của các tiêu chí này thường dựa vào kinh nghiệm quốc tế các nước đã đạt được tiêu chuẩn nước CN có chú ý đến điều kiện của các quốc gia cần đánh giá. Tiến bộ xã hội là một khái niệm phản ánh con đường tiến lên của xã hội được xem như một hệ thống toàn vẹn, hoàn chỉnh từ một hình thái thấp lên một hình thái cao hơn, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp hơn cho sự hoàn thiện bản chất con người. Kết quả của tiến bộ xã hội là việc con người ngày càng được thỏa mãn nhu cầu của mình, hay nói một cách khác là mở rộng năng lực của con người để sống cuộc sống mà họ chọn. Với quan điểm đó, tiến bộ xã hội chính là đảm bảo sự phát triển con người. PTCN có bốn chiều cạnh cơ bản: công bằng, bền vững, hiệu quả và trao quyền. (1) Công bằng (equity): Nếu phát triển là mở rộng các lựa chọn của con người, thì con người phải được hưởng một cách công bằng những cơ hội đó. Nếu phát triển thiếu đi sự công bằng thì nó hạn chế sự lựa chọn của rất nhiều cá nhân trong xã hội. Công bằng ở đây nên được hiểu là công bằng trong cơ hội chứ không nhất thiết phải công bằng trong kết quả đạt được. Điều đó có nghĩa rằng, công bằng trong cơ hội có thể không phải lúc nào cũng dẫn tới những sự lựa chọn hay kết quả giống nhau. Công bằng trong tiếp cận cơ hội đòi hỏi sự tái cấu trúc căn bản quyền lực trong các xã hội như phân phối tư liệu sản xuất; phân phối thu nhập công bằng, vì thế có thể được xem như là một khái niệm về quyền lực và là trọng tâm của mô 88
  4. hình PTCN. (2) Bền vững (Sustainability): Chiều cạnh này có thể được hiểu là các thế hệ tiếp sau có cơ hội được hưởng sự thịnh vượng mà thế hệ hiện tại đang hưởng. Khái niệm này rộng hơn nhiều so với khái niệm bền vững về tài nguyên thiên nhiên đã có trước đấy. Khái niệm bền vững ở đây được hiểu như là bền vững về cơ hội của con người, trong tất cả các dạng của vốn như: con người, tài chính, môi trường. Cái chúng ta cần bảo tồn để hướng tới sự bền vững theo khía cạnh PTCN không phải là bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, môi trường, mà chính là khả năng để tạo ra sự thịnh vượng cho con người như nhau. Chúng ta không cần phải giữ thế giới tự nhiên ở nguyên trạng của nó. Vì thế, khái niệm bền vững ở đây là một khái niệm có tính năng động để phù hợp với một thế giới đầy biến động chứ không phải là một bức tranh tĩnh. Tóm lại, vấn đề quan trọng của khái niệm bền vững trong PTCN là mọi người cần được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội phát triển, trong hiện tại và cả tương lai (Habul-ul-Haq 1995: 19). (3) Hiệu quả (Productivity): Một chiều cạnh quan trọng khác của khái niệm PTCN chính là tính hiệu quả. Khái niệm này có nghĩa là sự đòi hỏi đối với các đầu tư vào con người và một môi trường kinh tế vĩ mô để con người hiện thực hóa tối đa tiềm năng của họ. Tăng trưởng kinh tế vì thế là một thành phần quan trọng của các mô hình PTCN. Theo Halbul-ul-Haq, phần lớn các tài liệu viết về phát triển thường tập trung vào tính hiệu quả của những nỗ lực của con người. Có một vài mô hình phát triển đã dựa trên vốn con người, nhưng chúng lại thường xem con người chỉ như là phương tiện của sự phát triển. Tính hiệu quả ở đây cần được xem như là một phần của PTCN, có vai trò ngang bằng với các chiều cạnh khác. (4) Trao quyền (Empowerment): Khái niệm này hướng tới việc tránh hiểu PTCN như một khái niệm mang tính từ thiện, ban ơn. Sự trao quyền tập trung vào khía cạnh phát triển bởi con người, sự tham gia của con người vào các hoạt động và các quá trình kiến tạo nên cuộc sống của họ. Khái niệm trao quyền ngụ ý hướng tới một nền dân chủ chính trị mà ở đó con người có thể tác động vào những quyết định về cuộc sống của họ. Nó cũng đòi hỏi sự tự do về kinh tế để con người không bị ràng buộc bởi những quy định và điều chỉnh quá mức về kinh tế. Trao quyền nghĩa là tất cả các thành viên của xã hội dân sự được tham gia trọn vẹn vào quá trình tạo lập và thực hành các quyết định. Sự trao quyền của mọi người đòi hỏi được tiến hành trên nhiều mặt: sự đầu tư vào giáo dục và sức khỏe, để từ đó con người có thể giành được những cơ hội khác. Trao quyền là một chiều cạnh quan trọng để phân biệt PTCN với các khái niệm phát triển khác. Chiều cạnh này yêu cầu đầu tư vào con người như một bước mở đầu để con người có thể tiếp cận một cách bình đẳng các cơ hội trên thị trường và nó bao gồm tất cả các sự lựa chọn trên các mặt như chính trị, xã hội, văn hóa, chứ không chỉ giới hạn trong sự lựa chọn về kinh tế. Tiếp cận dưới các chiều 89
  5. cạnh đó của phát triển con người, năm 1990, UNDP lần đầu tiên đưa ra chỉ số PTCN (Human Development Index-HDI) để đo lường mức độ PTCN của mỗi quốc gia trong báo cáo PTCN. Với chỉ số HDI, UNDP đã cố gắng định lượng những gì mà tổ chức này cho là những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển con người: sống một cuộc sống mạnh khoẻ và trường thọ, thu thập tri thức, và tiếp cận những nguồn lực cần thiết cho một mức sống tử tế. Hệ tiêu chí được UNDP đưa ra để đo đạc, đánh giá gồm hàng hoạt các chỉ số thành phần phản ánh chất lượng sống, năng lực sinh thể và năng lực tinh thần của con người. Cụ thể ở đây được phản ánh thông qua ba chỉ số cơ bản: chỉ số kinh tế, chỉ số giáo dục và chỉ số tuổi thọ và được tổng hợp lại thành một chỉ số, chỉ số phát triển con người (HDI). Mỗi năm kể từ năm 1990, UNDP tính toán giá trị HDI cho những nước trên thế giới mà số liệu cho phép và đánh giá sự tiến bộ tương đối của các nước trong việc cải thiện phát triển con người. Nhìn vào chỉ số PTCN, chúng ta có thể thấy chỉ số này có ý nghĩa trong việc thể hiện triết lí PTCN, đó là sự phát triển con người là toàn diện chứ không chỉ ở tiền bạc hay của cải. Một quốc gia có thể có mức thu nhập cao nhưng lại không thực hiện tốt các mặt khác của PTCN như giáo dục và sức khỏe và ngược lại, một quốc gia có thể không được giàu có về mặt thu nhập và kinh tế nhưng lại thực hiện các khía cạnh khác của PTCN rất tốt. Thêm vào đó, theo Sengupta Keya, chỉ số PTCN đưa ra các chỉ báo chi tiết phân tích các khía cạnh khác nhau của lĩnh vực y tế và giáo dục, cho thấy sức khỏe và giáo dục không chỉ đơn thuần là bộ phận cấu thành của vốn con người như cách nhìn trước đây mà bản thân những yếu tố này cũng là sự phát triển thiết yếu, do đó bằng việc phân tích chỉ số HDI, chúng ta có thể hiểu trong chừng mực nào đó sự phát triển của một quốc gia và nhóm người nào được hưởng lợi cũng như tham gia vào quá trình phát triển đó. Với những ưu thế đó, chỉ số PTCN (HDI) được biết đến nhiều nhất để đánh giá thành tựu của tiến bộ xã hội nói riêng và phát triển kinh tế nói chung và do đó HDI cũng cần là 1 tiêu chí trong hệ tiêu chí đánh giá nước công nghiệp hiện đại. Lựa chọn chỉ số PTCN (HDI) như là 1 tiêu chí đánh giá kết quả của tiến bộ xã hội trong hệ tiêu chí của các nước công nghiệp hiện đại cũng đã được 1 số nghiên cứu lựa chọn như nghiên cứu của Bùi Tất Thắng (2013); Nguyễn Hồng Sơn và cộng sự (2014), Nguyễn Kế Tuấn (2015 - chủ biên); Lưu Bích Hồ (2015) Mặc dù vậy hầu hết các nghiên cứu này đều đưa giá trị chuẩn của chỉ số HDI của nước CN hiện đại là 0,7. Việc xác định một mức giá trị của chỉ số HDI để đo kết quả của tiến bộ xã hội khi đạt được vị thế của nước công nghiệp hiện đại dưới một góc độ nào đó khiến giảm bớt được tính đa dạng trong việc lựa chọn con đường phát triển của các quốc gia. Giá trị 90
  6. chuẩn của chỉ số HDI của một nước công nghiệp hiện đại nên được xác định dựa trên các căn cứ: (i) Đây là mốc khi một quốc gia chuyển từ nước đang phát triển sang nước phát triển; (ii) Căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế các nước đã đạt được tiêu chuẩn nước CN có cùng xu hướng lựa chọn con đường phát triển. Trước tiên, để trở thành nước phát triển, các tiêu chí đo lường 3 khía cạnh nội dung của phát triển kinh tế phải ở mức cao, hiện tại đối chiếu với tiêu chí phân chia các quốc gia theo trình độ PTCN, mức phát triển con người cao phải có giá trị HDI nằm trong khoảng từ 0,701 đến 0,796 (UNDP, 2017), tuy nhiên cần phải lưu ý là ngưỡng phân chia này có xu hướng tăng theo thời gian bởi các quốc gia luôn không ngừng nỗ lực đạt tiến bộ xã hội (ngưỡng PTCN cao năm 2010 là 0,664 – 0,792 (UNDP, 2010), đến 2012 là 0,681 – 0,796 (UNDP, 2013). Thứ hai, trong số các nước đã đạt tiêu chuẩn của nước công nghiệp, Hàn Quốc là nước đã lựa chọn mô hình phát triển toàn diện trong quá trình phát triển, mô hình phát triển Việt Nam đang lựa chọn, thêm vào đó, các điều kiện phát triển của Hàn Quốc khi bắt đầu quá trình phát triển có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đối chiếu với quá trình phát triển của Hàn Quốc, giá trị HDI của Hàn Quốc năm 1990 (năm 1990 tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực của khu vực nông nghiệp trong GDP của Hàn Quốc chỉ còn 8,4% <10% là ngưỡng cơ cấu kinh tế của nước công nghiệp) là 0,731, đến năm 1996 (năm Hàn Quốc trở thành thành viên của OECD đánh dấu trở thành nước phát triển), giá trị HDI của nước này đạt giá trị 0,792 (báo cáo phát triển con người 2016, UN 2017). Đối chiếu với các căn cứ trên, theo quan điểm của bài viết, giá trị HDI để định vị Việt Nam là nước công nghiệp hiện đại nên nằm trong khoảng từ 0,75 – 0,82. 3. Thực trạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam Tính đến năm 2015, giá trị HDI của Việt Nam đạt 0,683 đứng thứ 115/188 nước về trình độ phát triển con người, được xếp loại nước có trình độ phát triển con người trung bình. Xét về thứ hạng thì chỉ số HDI của Việt Nam thấp hơn phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á, cụ thể Thái Lan (87/188); Malaysia (59/188), Philippine (116/188), Singapore (5/188). Trong giai đoạn từ 1990 – 2015, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng trong 25 năm qua từ 0,477 năm 1990 đã tăng lên 0,683 năm 2015 (tăng 43,2%). Bảng 1 dưới đây trình bày kết quả của HDI và của các khía cạnh cấu thành chỉ số HDI trong giai đoạn từ năm 1990 – 2015. Theo đó, tuổi thọ bình quân đầu người đã tăng 5,4 năm trong vòng 25 năm, số năm đi học trung bình tăng 4,1 năm và số năm đi học trung bình kì vọng tăng 4,8 năm và thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 278,4%. 91
  7. Bảng 1: Xu hướng của chỉ số HDI và các khía cạnh thành phần trong giai đoạn 1990 - 2015 GNI /người Số năm đi Số năm đi Tuổi thọ Năm 2011 USD- học trung học trung HDI bình quân PPP bình thực tế bình kì vọng 1990 1.410 70,5 3,9 7,8 0,477 1995 2.020 72 4,6 9,3 0,531 2000 2.615 73,3 5,4 10,6 0,576 2005 3.423 74,3 6,4 11,3 0,617 2010 4.314 75,1 7,5 12 0,655 2011 4.513 75,3 7,6 12,2 0,662 2012 4.707 75,5 7,8 12,3 0,668 2013 4.899 75,6 7,9 12,5 0,675 2014 5.098 75,8 7,8 12,6 0,678 2015 5.335 75,9 8,0 12,6 0,683 Nguồn: Báo cáo phát triển con người năm 2016 Tuy nhiên tiến bộ của Việt Nam là không đồng đều. Từ năm 1990 - 2000 chỉ số HDI tăng nhanh với tốc độ 1,92%/năm từ 1990 đến năm 2000, và bắt đầu giảm xuống ở các giải đoạn sau đó, giai đoạn 2000 – 2010, tốc độ tăng HDI trung bình đạt 1,28%/ năm, đến giai đoạn 2010 – 2015 giảm xuống mức 0,99%/ năm. Như vậy tính chung cho cả giai đoạn trong 15 năm từ năm 2000-2015 thì tốc độ tăng HDI của Việt Nam chỉ đạt 1,15%/năm thấp hơn so với nhóm nước HDI trung bình (1,23%/năm) và khu vực Đông Á- Thái Bình Dương (1,28%/năm). Qua đó ta thấy sự thay đổi chậm của chỉ số HDI của Việt Nam trong giai đoạn cuối đã kéo sự tiến bộ về chỉ số HDI sau những nước có cùng trình độ phát triển. Nguyên nhân của tình trạng trên là, HDI của Việt Nam thấp bị chi phối chính bởi chỉ số về giáo dục không cải thiện suốt giai đoạn 2010- 2013 do số năm đi học trung bình không thay đổi. Xét về chỉ số thành phần thì chỉ số giáo dục vẫn là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất đóng góp vào chỉ số HDI, cụ thể: giai đoạn 2000-2015, chỉ số giáo dục đóng góp đến 51,52% trong tăng trưởng của chỉ số HDI, tiếp đến là chỉ số về thu nhập đóng góp đến 38,74% và tuổi thọ là 9,73%. Như vậy, so với các nước trong khu vực thì xu hướng này của Việt Nam trái ngược với Trung Quốc (chỉ số thu nhập đóng góp cao nhất, đạt 46,37%), tuy nhiên có cùng xu hướng với các nước có chỉ số HDI cao như Nhật Bản, Hàn Quốc và nước có chỉ số HDI trung bình như Thái Lan. 92
  8. Bảng 2: Tỷ lệ đóng góp của các chỉ số trong thay đổi HDI của Việt Nam 2000-2015 % đóng góp của % đóng góp của % đóng góp của giáo dục thu nhập tuổi thọ Việt Nam 51,52 38,74 9,73 Trung Quốc 40,97 47,03 12,00 Nhật Bản 60,61 14,09 25,30 Hàn Quốc 31,10 32,70 36,20 Lào 42,07 32,58 25,34 Thái Lan 55,04 25,71 19,25 Nguồn: Tính toán từ số liệu của Liên Hợp Quốc Sử dụng cách tiếp cận tính chỉ số công nghiệp hóa để đánh giá mức độ đạt được tiêu chí nước công nghiệp của chỉ số HDI bằng cách tính tỷ lệ giữa giá trị nhận được của từng tiêu chí bộ phận so với giá trị chuẩn của tiêu chí đó (đối với các chỉ tiêu nhận giá trị nhỏ hơn hoặc bằng giá trị chuẩn), ta có thể thấy giá trị HDI hiện tại của Việt Nam so với mức giá trị chuẩn vào khoảng 0,82 - 0,91. Điều này cho thấy xét dưới khía cạnh xã hội, Việt Nam đang nằm ở cuối giai đoạn 3 – giai đoạn hoàn thiện. Mức độ đạt được nhóm tiêu chí xã hội cao hơn nhiều so với tiêu chí kinh tế và tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, cụ thể, nhóm tiêu chí thu nhập bình quân mới chỉ đạt của giai đoạn 1 (giai đoạn mở đầu) và nhóm tiêu chí cơ cấu ngành kinh tế đang đạt mức đầu của giai đoạn 2. Điều này cho thấy nếu xét theo 3 khía cạnh nội dung của phát triển, khía cạnh xã hội của nước công nghiệp phát triển được xác định dựa vào chỉ số HDI sẽ về đích sớm hơn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ về đích nước công nghiệp hiện đại theo chỉ số HDI vào thời điểm nào sẽ rất khó xác định vì giá trị HDI được cấu thành bởi 3 khía cạnh và sự cải thiện chỉ số HDI phụ thuộc rất lớn vào mức độ lan tỏa của tăng trưởng tới phát triển con người, trong khi tác động của tăng trưởng đến phát triển con người ở Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Chỉ số tăng trưởng vì con người (GHR) của Việt Nam giai đoạn 1990-2015 mặc dù vẫn có giá trị dương, như vậy tăng trưởng kinh tế vẫn có tác động tích cực đến sự thay đổi chỉ số phát triển con người. Tuy nhiên nếu xét cụ thể thì chỉ số GHR ngày càng có xu hướng giảm, cụ thể: Nếu giai đoạn 1990- 2000, 1% tăng GNI/người cải thiện được 0,303% thay đổi của chỉ số HDI, thì con số này giảm còn 0,249% cho giai đoạn 2000-2010 và chỉ đạt 0,208 cho giai đoạn 2010- 2015. Như vậy giai đoạn 2010-2015, sự tác động của tăng trưởng kinh tế đến chỉ số phát triển con người của Việt Nam ngày càng yếu đi (sự tác động của tăng trưởng kinh tế đến HDI chỉ bằng 60% so với giai đoạn 1990-2000). Với giả thiết Việt Nam sẽ duy 93
  9. trì được tốc độ tăng trưởng giá trị HDI như trong giai đoạn 2010 – 2015 và thúc đẩy được tác động lan tỏa của tăng trưởng tới chỉ số phát triển con người, Việt Nam sẽ đạt được tiêu chí tiến bộ xã hội theo chuẩn của nước công nghiệp hiện đại vào khoảng năm 2035. 4. Gợi ý một số chính sách để sớm đạt được mục tiêu HDI của nước công nghiệp hiện đại Để thúc đẩy quá trình gia tăng chỉ số HDI để sớm đưa Việt Nam cán đích tiêu chí tiến bộ xã hội của nước công nghiệp hiện đại, trong thời gian tới Việt Nam nên tập trung vào cải thiện tốc độ tăng thu nhâp bình quân đầu người và giáo dục, những giải pháp cần tập trung là: Thứ nhất, nhóm giải pháp nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Một là, Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình đổi mới mô hình cần chú trọng đến dấu hiệu lợi thế so sánh và sự sẵn có nguồn lực ở trong nước, trong sự so sánh tương quan với các yếu tố nguồn lực của thị trường hàng hóa và dịch vụ quốc tế để lựa chọn những ngành, sản phẩm có hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu. Hai là, Bên canh đó cần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch, đặc biệt phải tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, làm được điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng nhanh và trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, ngoài ra đối với các doanh nghiệp Nhà nước cũng hoạt động hiệu quả hơn và trở thành công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách cơ cấu và định hướng tổ chức thị trường. Ba là, cần kiểm soát lạm phát và duy trì các cán cân vĩ mô ở mức hợp lý bằng cách thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, chính sách tỷ giá linh hoạt, đồng thời đảm bảo tính bao trùm của tăng trưởng bằng việc làm cho chính sách tài khóa lũy tiến hơn, bao gồm cả giảm dần và đi đến chấm dứt trợ giá cho sử dụng năng lượng hóa thạch kèm theo các biện pháp phù hợp để bảo vệ người nghèo, tiết kiệm chi thường xuyên, đưa vào áp dụng luật thuế tài sản Bốn là, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh cải cách trong nước song hành với nỗ lực tăng cường hội nhập quốc tế, bao gồm thực hiện hiệu quả cải cách hành chính công và chống tham nhũng quyết liệt; đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực đầu tư công; tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp, khu vực tư nhân; cải thiện tính hiệu quả và linh hoạt của thị trường lao động. 94
  10. Năm là, phát triển thị trường vốn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo. Đặc biệt có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trung bình và công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, nhóm giải pháp cải thiện về giáo dục. Một là, Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung trình độ quốc gia về giáo dục tương thích với các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo phân luồng trong hệ thống, đặc biệt là phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo. Hai là, Tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục: - Chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ và khoa học quản lý, từng bước vận dụng chuẩn của các nước tiên tiến; công khai về chất lượng giáo dục, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính của các cơ sở giáo dục; thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đại học. - Nâng cao chất lượng của giáo viên và các cán bộ quản lý giáo dục. - Đổi mới chương trình, tài liệu dạy học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học dựa trên nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, vận dụng có chọn lọc một số chương trình tiên tiến trên thế giới, phát huy vai trò của các trường trọng điểm trong từng khối ngành, nghề đào tạo để thiết kế các chương trình liên thông. Phát triển các chương trình đào tạo đại học theo hai hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng Ba là, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội; đảm bảo nguồn lực tài chính cho một số cơ sở giáo dục Việt Nam đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Bốn là, tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội. Thứ ba, nhóm giải pháp cải thiện tuổi thọ và nâng cao sức khỏe của người dân. Một là, phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế: 95
  11. - Kiện toàn và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương; vừa củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, vừa phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu; tăng cường đầu tư phát triển y tế công lập đi đôi với việc khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học hiện đại gắn với y học cổ truyền. - Củng cố, phát triển mạng lưới y tế dự phòng theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối đơn vị nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống. - Hoàn thiện mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; phát triển kỹ thuật y học ngang tầm khu vực, đủ khả năng khám và điều trị hầu hết các bệnh có yêu cầu kỹ thuật cao ở tuyến trung ương; củng cố, nâng cao năng lực hoạt động các bệnh viện tuyến tỉnh; sắp xếp các bệnh viện đa khoa tuyến huyện theo địa bàn cụm dân cư; mở rộng mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, mạng lưới các bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng cơ sở y tế kết hợp quân - dân y, đặc biệt là ở các khu vực biên giới và hải đảo. Củng cố, phát triển và hiện đại hoá mạng lưới vận chuyển cấp cứu cả trên bộ và trên biển. Hai là, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ba là, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS và an toàn vệ sinh thực phẩm Bốn là, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng Năm là, phát triển đội ngũ nhân lực và khoa học kĩ thuật y tế 96
  12. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO: - Alex Inkeles, 1993, “Industrialization, Modernization and the Quality of Life”, International Journal of Comparative Sociology, 34(1-2):1-23, January 1993. DOI10.1163/002071593X00283 - Bộ chính trị, 2018, Nghị quyết số 23-NQ/TW về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 22/3/2018 - Bùi Tất Thắng, 2013, “Bàn thêm về tiêu chí nước công nghiệp”, Tạp chí Quản lý Kinh tế, số 51, 2013 - Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng CSVN từ ĐH 8 đến ĐH 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật - Đỗ Quốc Sam, 2009, “Thế nào là một nước công nghiệp”, Tạp chí cộng sản, tháng 8/2009 - Lưu Bích Hồ, 2015, Một số ý kiến về việc xác định tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trình bày tại hội thảo Tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại (26/02/2015) - Haq, Mahbul-ul (1995), Reflections on Human Development, New York: Oxford University Press. - Ngô Thắng Lợi và cộng sự, 2014, Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới – Vấn đề đảnh mạnh CNH – HĐH đất nước - Ngô Thắng Lợi (chủ biên), 2017, Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: cơ sở lý luận - thực trạng – định hướng đến năm 2030, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2017. - Nguyễn Đình Thúy, 2009, Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phản ánh một nước công nghiệp theo quan điểm của Đảng, Đề tài khoa học cấp Bộ - Nguyễn Kế Tuấn (chủ biên), 2015, Phát triển đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 2015. - Nguyễn Hồng Sơn và cộng sự, 2014, “CNH- HĐH ở Việt Nam: Tiêu chí và mức độ hoàn thành”, Tạp chí những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 217, 2014 - Syrquin, Moshe; Chenery, Hollis. 1989. "Three decades of industrialization". The World Bank economic review. Vol. 3, no. 2 (May 1989), pp. 145-181. 97
  13. - Trương Văn Đoan, 2007, “Về tiêu chuẩn một ngước công nghiệp Việt Nam”, trong cuốn Phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007. - UNDP (2010), Human Development Reports 2010, New York: Oxford University Press - UNDP (2013), Human Development Reports 2010, New York: Oxford University Press. - UNDP (2017), Human Development Reports 2016, New York: Oxford University Press. 98