Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người (GNI) trong hệ tiêu chí đánh giá nước công nghiệp

pdf 9 trang Gia Huy 19/05/2022 1780
Bạn đang xem tài liệu "Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người (GNI) trong hệ tiêu chí đánh giá nước công nghiệp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchi_tieu_thu_nhap_binh_quan_dau_nguoi_gni_trong_he_tieu_chi.pdf

Nội dung text: Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người (GNI) trong hệ tiêu chí đánh giá nước công nghiệp

  1. CHỈ TIÊU THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI (GNI) TRONG HỆ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NƯỚC CÔNG NGHIỆP GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn Trường Đại học Kinh tế quốc dân 1. VỊ TRÍ CỦA CHỈ TIÊU THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI TRONG HỆ TIÊU THÍ NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI Phát triển đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại gắn liền với quá trình chuyển đất nước từ trình độ nền kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang trình độ nền kinh tế công nghiệp, từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Các quá trình ấy gắn liền với việc thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH). Quan niệm một cách giản đơn, một đất nước đạt tới trình độ nước công nghiệp theo hướng hiện đại là đất nước đã hoàn thành quá trình CNH,HĐH. Trong điều kiện ngày nay, việc thực hiện CNH,HĐH luôn phải quán triệt yêu cầu phát triển bền vững với sự ràng buộc ước định lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Để xác định phương hướng và giải pháp đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần xây dựng có luận cứ khoa học hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo yêu cầu phát triển bền vững, hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại phải thể hiện toàn diện cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Nghĩa là, hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại phải bao gồm: tiêu chí phản ánh trình độ phát triển kinh tế; tiêu chí phản ánh trình độ phát triển xã hội; tiêu chí phản ánh chất lượng môi trường sinh thái Trong sự ràng buộc lẫn nhau giữa ba loại tiêu chí này, tiêu chí kinh tế giữ vị trí đặc biệt quan trọng: một mặt, sự cải thiện của các tiêu chí kinh tế phản ánh trình độ phát triển kinh tế và năng lực kinh tế để thực hiện yêu cầu phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; mặt khác, tiêu chí kinh tế chịu sự ràng buộc của tiêu chí xã hội và tiêu chí môi trường theo tinh thần tăng trưởng, phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Trên thế giới, một số định chế quốc tế đẫ đưa ra những tiêu chí khác nhau phản ảnh trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Ngân hàng Thế giới (WB) căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người để phân chia các quốc gia và vùng lãnh thổ thành 4 nhóm: 1/ Nhóm quốc gia thu nhập thấp; 2/ Nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp; 3/ Nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao; 4/ Nhóm quốc gia thu nhập cao. Đây cũng là cách mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng để xác định chính sách hỗ trợ với các quốc gia thành viên có trình độ phát triển khác nhau. Còn Chương trình Phát triển Liên 63
  2. hợp quốc (UNDP) lại dựa vào Chỉ số Phát triển Con người (HDI) để phân loại các quốc gia nhằm thực hiện tôn chỉ mục đích của mình. Trong khi đó, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) lại đánh giá mức độ công nghiệp hóa của mỗi quốc gia chủ yếu căn cứ vào giá trị gia tăng hàng công nghiệp chế tạo (MVA) tính bình quân đầu người, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo và tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Ở Việt Nam, khi nghiên cứu về nước công nghiệp theo hướng hiện đại, các nhà khoa học cũng đề xuất các chỉ tiêu cụ thể khác nhau trong tiêu chí đánh giá trình độ phát triển kinh tế. GS. Đỗ Quốc Sam đề xuất các chỉ tiêu: GDP/người; Tỷ trọng nông nghiệp/GDP; Tỷ lệ lao động nông nghiệp; Tỷ lệ đô thị hóa. PGS.TS. Bùi Tất Thắng đề xuất các chỉ tiêu: GDP/người; Tỷ lệ nông nghiệp trong GDP; Tỷ lệ lao động nông nghiệp; Giá trị gia tăng công nghiệp chế tác/giá trị gia tăng công nghiệp; Tỷ lệ đô thị hóa; Sản lượng điện/người. GS.TS. Ngô Thắng lợi đề xuất các chỉ tiêu: GDP/người; Cơ cấu ngành kinh tế; Cơ cấu lao động; Tỷ trọng công nghiệp chế biến/GDP; Độ mở nền kinh tế; Tỷ lệ xuất khẩu hàng chế tác/Xuất khẩu hàng hóa; Tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghệ cao/Xuất khẩu hàng hóa. GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn đề xuất các chỉ tiêu: GNI/người; Cơ cấu ngành kinh tế; Cơ cấu lao động; Chỉ số Kinh tế tri thức (KEI)1 Việc liệt kê các đề xuất về các chỉ tiêu cụ thể của tiêu chí kinh tế đánh giá nước công nghiệp nêu trên cho thấy chỉ tiêu thu nhập tình bình quân đầu người có sự thống nhất gần như tuyệt đối. Xem xét một cách tổng quát, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người phản ánh tiềm lực kinh tế và năng lực kinh tế của mỗi quốc gia trong việc thực hiện các yêu cầu nâng cao trình độ công nghệ, cải thiện đời sống dân cư và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong phân tích kinh tế, chỉ tiêu này được đặt trong mối quan hệ tương hỗ với các chỉ tiêu khác tiêu của tiêu chí kinh tế đánh giá nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỬ DỤNG CHỈ TIÊU THU NHẬP ĐỂ TÍNH THU NHẬP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI Thông thường, thu nhập để tính thu nhập bình quân đầu người của mỗi quốc gia có thể sử dụng một trong các chỉ tiêu: (1) Tổng sản phẩm trong nước (Gross Domestic Product - GDP); (2) Thu nhập quốc gia (Gross National Income – GNI). Các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp này đều phản ánh toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động kinh tế của một quốc gia. Vấn đề quan trọng đặt ra là sử dụng chỉ tiêu nào tính toán thu nhập bình quân đầu người có thể phản ánh được thực chất năng lực và trình độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) phản ánh tổng giá trị các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được tạo ra từ các yếu tố sản xuất nằm trong phạm vi một quốc gia 1 Xem nội dung cụ thể của các đề xuất trên trong sách chuyên khảo: Phát triển đất nước thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Nguyễn Kế Tuấn chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2015. 64
  3. hoặc vùng lãnh thổ trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm) không tính đến ai là chủ sở hữu các yếu tố đó. GDP được tính theo giá hiện hành hoặc giá so sánh (giá cố định). GDP tính theo giá hiện hành thường được dùng để nghiên cứu cơ cấu kinh tế (theo ngành, theo thành phần kinh tế hoặc theo vùng lãnh thổ), mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách và giữa kết quả sản xuất với vốn đầu tư. GDP tính theo giá so sánh đã loại trừ sự biến động của giá cả qua các năm dùng để tính tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. GDP tính theo ngoại tệ (thường là Đô la Mỹ - USD) được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc so sánh GDP của các quốc gia khác nhau để đánh giá trình độ phát triển kinh tế. Có hai phương pháp tính GDP theo ngoại tệ: (1) Tính theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân hàng năm; (2) Tính theo sức mua tương đương (PPP). Hiện nay, việc so sánh năng lực kinh tế và sự giàu mạnh của các quốc gia thường sử dụng chỉ tiêu GDP tính theo tỷ giá hối đoái thực tế. Tuy nhiên, việc so sánh này lại không phản ánh những sự khác biệt trong giá cả sinh hoạt ở các quốc gia khác nhau. Việc tính toán và so sánh GDP tính theo PPP nhằm khắc phục hạn chế này. Tuy nhiên, kết quả chính xác của sự so sánh ấy lại phụ thuộc vào một số yếu tố chủ quan trong tính toán (chẳng hạn, sự khác nhau trong chính sách tỷ giá hối đoái, trong các loại hàng hóa được lựa chọn để tính toán so sánh của các quốc gia). Do vậy, trong phân tích và so sánh quốc tế hiện nay, chỉ tiêu GDP thường được sử dụng đồng thời cả cách tính theo tỷ giá hối đoái thực tế và theo sức mua tương đương để bổ sung, hỗ trợ nhau. Tuy quy mô GDP trực tiếp phản ánh quy mô kinh tế, nhưng lại không phản ánh chính xác thực lực kinh tế của một quốc gia. Do không tính đến chủ sở hữu các yếu tố sản xuất tạo ra sản phẩm và dịch vụ cuối cùng trên phạm vi lãnh thổ quốc gia, nên nếu đóng góp vào GDP chủ yếu từ các chủ sở hữu nước ngoài, thì dù quốc gia này có quy mô GDP lớn, nhưng lại không có thực lực kinh tế mạnh để bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững trong trung hạn và dài hạn. Trong khi đó, chỉ tiêu Tổng thu nhập quốc gia (GNI) lại có khả năng khắc phục được hạn chế này. Chỉ tiêu Tổng thu nhập quốc gia (GNI) phản ánh tổng thu nhập lần đầu được tạo ra từ các yếu tố thuộc sở hữu của quốc gia tham gia vào hoạt động kinh tế trên lãnh thổ quốc gia và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Tổng thu nhập quốc gia bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cộng với chênh lệch giữa thu nhập của người thuộc quốc gia đó ở nước ngoài gửi về và thu nhập của người nước ngoài ở quốc gia đó gửi ra nước ngoài cộng với chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được từ nước ngoài và thu nhập sở hữu trả nước ngoài. Nói một cách giản đơn, mức GNI của một quốc gia được tính toán dựa trên quyền sở hữu của tổ chức và công dân thuộc quốc gia ấy không tính đến phạm vi lãnh thổ. Tương tự như chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu GNI cũng được tính bằng giá hiện hành (giá thực tế) và giá so sánh, bằng tỷ giá hối đoái thực tế và sức mua tương đương. Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc sử dụng chỉ tiêu GNI không thay thế hoàn toàn 65
  4. chỉ tiêu GDP, mà hai chỉ tiêu này được sử dụng đồng thời trong sự bổ sung cho nhau khi nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô ở phạm vi mỗi quốc gia cũng như phạm vi toàn cầu. Trong việc xác định thu nhập bình quân đầu người với tư cách chỉ tiêu chủ yếu của tiêu chí kinh tế đánh giá nước công nghiệp theo hướng hiện đại, để phản ánh thực lực và nội lực của nền kinh tế quốc gia, nghĩa là phản ánh thực chất trình độ phát triển kinh tế của quốc gia, cần sử dụng chỉ tiêu GNI chứ không phải chỉ tiêu GDP. Thực tế cho thấy, một quốc gia có thể có GDP và GDP bình quân đầu người cao nhưng dựa trên cơ sở khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô (trường hợp các nước xuất khẩu dầu mỏ), hoặc dựa trên cơ sở thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để khai thác lợi thế về nhân công và tài nguyên tự nhiên (trường hợp một số nước đang phát triển), không thể coi là nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại do nội lực nền kinh tế còn thấp kém. Việc thay thế tính chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người để đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia từ GDP/người sang GNI/người đã được Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện. Trước năm 2000, thu nhập bình quân đầu người trong Báo cáo Phát triển Thế giới do WB công bố hàng năm được tính bằng chỉ tiêu GDP. Từ năm 2000 trở lại đây, cùng với sự thay đổi trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), chỉ tiêu này đã được thay thế bằng chỉ tiêu GNI. Theo trình độ phát triển chung của thế giới, mức GNI/người được sử dụng để phân chia các nhóm nước theo trình độ phát triển cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Trong Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2010, WB phân chia nhóm các nước thu nhập thấp có GNI/người là 935 USD trở xuống, nhóm trung bình thấp từ 936 USD đến 3.705 USD, nhóm trung bình cao từ 3.706 USD đến 11.455 USD và nhóm thu nhập cao từ 11.456 USD trở lên; năm 2014, các chỉ tiêu của các nhóm nước trên được WB điều chỉnh tương ứng là: 1.035 USD trở xuống; từ 1.036 đến 4.085 USD; từ 4.086 USD đến 12.615 USD; từ 12.616 USD trở lên. Từ những phân tích trên đây, tham khảo tiêu chí phân chia các nước theo trình độ phát triển kinh tế của Ngân hàng Thế giới, xin đề xuất: 1/ Trong tiêu chí kinh tế phản ánh nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nên sử dụng chỉ tiêu Tổng thu nhập quốc gia (GNI) để tính toán chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. Điều này, một mặt, phản ánh đúng thực lực và nội lực phát triển kinh tế của đất nước; mặt khác, bảo đảm sự phù hợp với xu hướng chung của thế giới và so sánh quốc tế. 2/ Mức GNI/người của Việt Nam ở thời điểm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (hoàn thành công cuộc CNH,HĐH, chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp hóa) trong khoảng cận trên của nhóm nước có thu nhập trung bình cao và cận dưới của nhóm nước có thu nhập cao. Mức này sẽ được điều chỉnh thích ứng với sự điều chỉnh tiêu chí phân loại các nước theo trình độ phát triển của WB. Nếu tính theo công bố của WB năm 2014, mức này nằm trong khoảng 12.000 - 12.600 USD/người. 66
  5. 3. PHƯƠNG HƯỚNG NÂNG CAO THU NHẬP QUỐC GIA BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI 3.1. Một số vấn đề đặt ra Trải qua hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu mang tính lịch sử. Quy mô thu nhập của toàn bộ nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tính theo GDP và GNI đều có sự gia tăng đáng kể. Tổng thu nhập Thu nhập bình quân đầu người Chênh lệch Theo Theo Chênh lệch Theo Năm Theo GNI Lượng GNI GDP Lượng GDP (tỷ (tỷ VND) (tỷ % (triệu (triệu (triệu % VND) VND) VND) VND) VND) 2005 897.222 914.001 - 16.779 98,16 10,890 11,093 0,203 98,16 2010 2.075.578 2.157.828 - 82.250 96.19 23,872 24,818 - 0,946 96,19 2015 3.977.609 4.192.862 -215.253 94,87 43,372 45,719 - 2.347 94,87 2017 4.764.958 5.005.975 - 241.017 95,19 50,869 53,442 - 2.573 95,19 Nguồn: Tính theo Niên giám thống kê 2017 Từ những số liệu ở bảng có thể rút ra hai nhận xét sau đây: 1/ Tổng thu nhập của nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tính theo GNI đều nhỏ hơn tính theo GDP. Trong thời kỳ 2005 - 2017, tỷ lệ chênh lệch GNI/GDP dao động trong khoảng 98,16% - 94,78%, nhưng chênh lệc tính theo giá trị tuyệt đối ngày càng lớn: tính chung cho cả nền kinh tế, GNI thấp hơn GDP là 16.779 tỷ đồng, năm 2017 lên tới 241.017 tỷ đồng. Tương tự, lượng chênh lệch thu nhập bình quân đầu người tính theo GNI so với tính theo GDP năm 2005 chỉ là 0,203 triệu, nhưng năm 2017 đã lên tới 2,573 triệu đồng. Quy đổi ra đô la Mỹ, mức GDP/người của Việt Nam năm 2017 là 2.384 USD và GNI/người là 2.270 USD. Với mức này, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp theo tiêu chí phân chia các quốc gia và vùng lãnh thổ theo trình độ phát triển của WB (1.036 – 4.085 USD/người). Nghĩa là, khoảng cách từ trình độ hiện tại tới chuẩn nước công nghiệp hiện đại còn rất lớn (2.270 USD/người so với 12.000 – 12.600 USD/người). 2/ Mức GNI/người thấp hơn GDP/người không phải là tình trạng riêng của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mà là tình trạng phổ biến của các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn trong khu vực ASEAN, tỷ lệ GNI/GDP năm 2016 của Indonesia là 96,6%, của Malaysia là 97,2%, của Singapore là 96,8% và của Thailand là 95%. Vấn đề là từ số liệu thống kê về GDP và GNI cần xem xét đánh giá thực chất nội lực của nền kinh tế quốc dân. Phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khu vực kinh tế FDI chiếm 67
  6. vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam2. Đồng thời, nước ta cũng thực hiện đầu tư ra nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu lao động, thu hút nguồn kiều hối từ nước ngoài3. Về hình thức, tình hình nêu trên được đánh giá là phù hợp với xu hướng phát triển chung của các nước, đặc biệt là các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa. Nhưng về thực chất, nội lực kinh tế nước ta còn thấp kém, mang đậm nét của một nền nền kinh tế gia công, lệ thuộc vào nước ngoài. Tỷ trọng áp đảo của khu vực FDI vào xuất khẩu là một trong những ví dụ minh chứng cho điều này. Nếu năm 2011, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 49,4%, thì năm 2017, tỷ lệ này đã lên đến 71%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp chế biến như điện thoại và linh kiện, máy tính, hàng điện tử và linh kiện, chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI, phần đóng góp của Việt Nam chỉ là lao động lắp ráp sản phẩm - khâu đơn giản nhất và có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm. Trong khi khẳng định vai trò tích cực của khu vực FDI trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng cần thấy rằng việc thu hút và quản lý khu vực kinh tế này chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Phần lớn các dự án FDI nhằm vào khai thác lợi thế về tài nguyên và nguồn nhân lực dồi dào, chi phí thấp, tác động của các doanh nghiệp FDI đến cải nâng cao trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập và lan tỏa, lôi kéo khu vực kinh tế trong nước còn nhiều hạn chế. Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu hàng hóa dựa vào khu vực kinh tế này tiềm ẩn những rủi ro đe dọa sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước tuy có những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được xác định là “động lực quan trọng của nền kinh tế”, nhưng nội lực còn hết sức hạn chế. Đại bộ phận các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế này có quy mô nhỏ bé, trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý còn thấp kém. 3.2. Phương hướng cải thiện chỉ tiêu thu nhập quốc gia bình quân đầu người (GNI/người) Mức GNI/người phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: (1) Quy mô, tốc độ và chất lượng tăng quy mô Tổng thu nhập quốc gia; (2) Quy mô dân số và năng lực quản lý tốc độ tăng dân số. Do vậy, để nâng cao mức GNI/người, một mặt, phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đồng thời với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng theo yêu cầu bền vững; mặt khác, phải thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý tăng dân số gắn với cải thiện chất lượng dân số. Điều này có nghĩa, để nâng cao mức 2 Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 24.803 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 319,613 tỷ USD, năm 2017 khu vực này đóng góp tới 19,63% vào GDP của cả nước. (Nguồn: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, www.gso.gov.vn). 3 Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã có 1.318 dự án FDI ở nước ngoài với số vốn đăng ký là 22,096 tỷ USD; số lượng lao động xuất khẩu năm 2017 lên tới 134.751 người; lượng kiều hối năm 2017 đạt mức 13,81 tỷ USD (Nguồn: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, www.gso.gov.vn). 68
  7. GNI/người đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau trong mối quan hệ ràng buộc nhau. Đây là chủ đề có phạm vi rộng và nội dung phức tạp. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chỉ xin trình bày một số ý kiến khái quát về phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI trong việc tăng GNI để góp phần trực tiếp vào việc nâng cao mức GNI/người. Nâng cao năng lực kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nghị quyết đã xác định rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế tư nhân. Ngày 3/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW. Chương trình hành động này đã xác định 5 nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp ủy Đảng và chính quyền từ trung ương đến địa phương cũng đều xây dựng Chương trình hành động cụ thể trong phạm vi trách nhiệm của mình để thực hiện yêu cầu “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra hiện nay là tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động ấy. Trong bài viết này, chỉ xin đề cập một số ý kiến về sự nỗ lực nâng cao năng lực kinh tế của bản thân các chủ thể kinh tế tư nhân để phát huy vai trò “động lực quan trọng” và góp phần tăng nội lực kinh tế của đất nước. Những hạn chế về nội lực còn thấp kém của khu vực kinh tế tư nhân không thể khắc phục trong “một sớm, một chiều”. Trong thời gian trước mắt, các chủ thể kinh tế tư nhân cần chú ý một số điểm cơ bản sau đây: - Từng cơ sở sản xuất - kinh doanh tư nhân cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, hoạt động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng. Đồng thời, xem xét khả năng chuyển dần chất lượng cạnh tranh giá rẻ sang các chất lượng khác như tạo sự khác biệt sản phẩm, chú trọng chất lượng, kiểu cách mẫu mã sản phẩm, chọn các thị trường ngách - Thiết lập và mở rộng quan hệ liên kết giữa các cơ sở sản xuất - kinh doanh tư nhân trong nước với nhau và quan hệ liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thực hiện điều này vừa để phát huy lợi thế và khắc phục yếu thế vốn có của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân nước ta, vừa là cách thức tham gia từng bước vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. - Lựa chọn loại hình tổ chức kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển, tạo nền tảng để thực hiện các yêu cầu đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng cạnh tranh. Kinh 69
  8. nghiệm các nước phát triển và từ thực tiễn phát triển thể chế kinh tế thị trường ở nước ta cho thấy: sự phát triển mạnh mẽ loại hình doanh nghiệp nhiều chủ sở hữu, chủ yếu là công ty cổ phần, là xu hướng chủ đạo trong phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh. Các loại hình doanh nghiệp này có những ưu thế nổi trội trong việc thu hút rộng rãi các nguồn vốn vào đầu tư phát triển, đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. - Nâng cao năng lực quản trị phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường theo hướng hiện đại. Học tập tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ ở các làng nghề Nhật Bản: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”. - Khuyến khích và hỗ trợ chuyển một bộ phận các hoạt động kinh tế phi chính thức thành các hoạt động kinh tế chính thức. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, việc thu hút nguồn vốn này phải chuyển mạnh sang các yêu cầu về chất lượng, góp phần tích cực vào việc nâng cao nội lực của nền kinh tế. Trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề cơ bản sau đây: - Về lĩnh vực thu hút FDI: ưu tiên cho các ngành công nghệ cao, tiêu hao năng lượng thấp và bảo đảm chất lượng môi trường, hạn chế các dự án vào các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả nguồn tài nguyên, - Về đối tác đầu tư: đa dạng hóa các đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh việc tăng cường thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư từ Tây Âu và Bắc Mỹ. Dành ưu tiên cho các nhà đầu tư sở hữu công nghệ nguồn, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) có tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ mạnh. - Về yêu cầu thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư: trong khi tôn trọng lợi ích hợp pháp của các đối tác nước ngoài trong việc thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cần đặc biệt quan tâm các giải pháp thực hiện các mục tiêu về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, phát huy tác động lan tỏa của khu vực FDI đến thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp trong nước, hình thành mạng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước. - Về quản lý thực hiện đầu tư: hoàn thiện cơ chế chính sách và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, như chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, gây ô nhiễm môi trường, không tuân thủ các quy định về chính sách với người lao động và các quy định về sử dụng lao động trong nước. 70
  9. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ XI và Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCHTW khóa XII. 2. Nguyễn Kế Tuấn (chủ biên): Phát triển đất nước thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. NXB Khoa học xã hội, 2015. 3. Nguyễn Kế Tuấn: Phát triển đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 11/2016. 4. Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Gso.gov.vn. 5. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2017. NXB Thống kê, 2018. 71