Chính sách chi ngân sách nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do - Thực trạng và khuyến nghị

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 1660
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách chi ngân sách nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do - Thực trạng và khuyến nghị", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchinh_sach_chi_ngan_sach_nha_nuoc_nham_thuc_day_xuat_khau_th.pdf

Nội dung text: Chính sách chi ngân sách nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do - Thực trạng và khuyến nghị

  1. CHÍNH SÁCH CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHẰM THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU THỦY SẢN CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH THỰC THI CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO - THỰC TRẠNG VÀ KHUYẾN NGHỊ STATE BUDGET SPENDING POLICIES TO PROMOTE VIETNAM'S SEAFOOD EXPORTS IN THE CONTEXT OF FREE TRADE AGREEMENTS IMPLEMENTATION - CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS PGS,TS. Lê Thị Kim Nhung ThS. Nguyễn Lê Đức Trường Đại họcThương mại Tóm tắt Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hỗ trợ tài chính từ NSNN luôn là vấn đề nhạy cảm trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do, chính sách tài chính cần phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp để đảm bảo khuyến khích phát triển xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà không vi phạm các quy định đã cam kết. Bài viết nghiên cứu về thực trạng chính sách chi NSNN giai đoạn 2011-2020 đối với chuỗi giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong mối quan hệ với các cam kết quốc tế khi gia nhập WTO, trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm hoàn thiện chính sách chi NSNN đối với việc thúc đẩy xuất khẩu thủy sản bền vững. Từ khóa: Chi NSNN, xuất khẩu thủy sản, hiệp định thương mại tự do, chuỗi giá trị, SCM Abstract In the context of deeper and wider international integration, financial support from the state budget is always a sensitive issue in the implementation of free trade agreements, how financial policies need to be adjusted to encourage the development of seafood export of Vietnamese enterprises, participating in the global value chain without violating the commitments. The paper reviews the current state of State budget spending policy in the period of 2011-2020 for Vietnam's seafood export value chain in relation to international commitments upon WTO accession, and propose some policy recommendations to improve the state budget spending policy for promoting sustainable seafood export. Keywords: Budget spending, seafood export, free trade agreement, value chain, SCM 1. Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, không chỉ vươn lên vị trí thứ tư trong nhóm mười mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mà còn vượt qua nhiều rào cản khắt khe của các quốc gia nhập khẩu. Hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, về trách nhiệm xã hội, môi trường và truy xuất nguồn gốc mà các thị trường khó tính đặt ra như thị trường Mỹ, EU, Những thành tựu đó, bên cạnh sự 459
  2. nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là sự đồng hành của Chính phủ trong việc xác lập môi trường pháp lý, môi trường cạnh tranh lành mạnh thông qua các Hiệp định được ký kết và có chính sách tài chính đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản phát triển một cách bền vững, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Trong đó, chính sách chi NSNN đóng vai trò rất quan trọng. Chính sách chi NSNN nhằm hỗ trợ cho ngành thủy sản giai đoạn trước khi gia nhập WTO và ký kết các Hiệp định thương mại tự do đa phần là chính sách trợ cấp trực tiếp, cho nên các chính sách đó đến nay không còn phù hợp với các điều ước quốc tế và các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hỗ trợ tài chính từ NSNN luôn là vấn đề nhạy cảm trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do, chính sách tài chính cần phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp để đảm bảo khuyến khích phát triển xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà không vi phạm các quy định đã cam kết. 2. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết về chính sách tài chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Trong nhiều năm qua, chính sách tài chính của các quốc gia đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu thủy sản là mảng đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, vì vậy đã có rất nhiều nghiên cứu cả ở trong và ngoài nước về vấn đề này. Có thể chỉ ra một số nghiên cứu điển hình như sau: Stephen Golub, Abir Varma (2014), Fishing export and economic development of least developed countries: Bangladesh, Cambodia, Comoros, Sierra Leone and Uganda, nghiên cứu về hoạt động khai thác thủy sản phục vụ xuất khẩu ở một số quôc gia kém phát triển trên thế giới thông qua nghiên cứu điển hình ở năm nước kém phát triển. Nghiên cứu cho thấy, tình trạng khai thác quá mức đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành công nghiệp thủy sản, đồng thời các quốc gia kém phát triển phải đổi mặt với các rào cản kỹ thuật của các quốc gia phát triển như chất lượng an toàn thực phẩm. Nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ các nước về đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý, giám sát việc khai thác, chế biến thủy sản xuất khẩu theo chuỗi giá trị. UNCTAD (2016), Sustainable fisheries: International trade, trade policy and regulatory issues, nghiên cứu đề cập đến các sáng kiến, khung pháp lý, quy chế quốc gia và quốc tế, các hiệp đinh khu vực và đa phương, các quy tắc ứng xử tự nguyện, các tiêu chuẩn và thể chế bảo tồn sinh vật biển, các thỏa thuận nghề cá, để ngăn chặn các hoạt động khai thác phá hoại. Nghiên cứu cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững, thúc đẩy việc bào tồn, khai thác và xuất khẩu thủy sản bền vững để đảm bảo lợi ích quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. OEDC (2006), Financial support to fisheres: Implications for sustainable development, nghiên cứu đề cập tới chính sách hỗ trợ tài chính cho ngành thủy sản ở các nước OECD. Zhang Jian Hua cùng các cộng sự (2016), Impact of trade policy reform on Vietnam fisheries export, nghiên cứu đăng trên Tạp chí Journal of economics and sustainable development. Nghiên cứu đánh giá tác động của những cải cách chính sách thương mại đối 460
  3. với hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giai đoạn 1990-2015, trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tabitha Grace Mallory (2016), Fisheries subsidies in China: Quantitative and qualitative asessment of policy coherence and effectiveness, nghiên cứu chính sách trợ cấp ngành khai thác thủy sản tự nhiên ở Trung Quốc, đánh giá tác động của chính sách theo tiêu chí tính hiệu quả và tính bền vững. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chính sách chi NSNN và chính sách Thuế đã có tác động làm tăng năng lực khai thác hải sản tự nhiên, giúp xóa đói giảm nghèo, cung cấp đáng kể thực phẩm cho thế giới nhưng nó gây tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái biển. South Centre (2017), The WTO`s fisheries subsidies negotiations, nghiên cứu đã đánh giá các vấn đề về sự lạm thác và khai thác bất hợp pháp, khai thác không báo cáo và vi phạm luật IUU, khẳng dịnh vai trò ngày càng tăng của các công cụ của Liên Hợp Quốc nhằm mục tiêu khai thác thủy sản bền vững. Các nghiên cứu tại Việt Nam về vấn đề này điển hình như: Trần Khắc Xin (2014), Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu ở khu vực Nam Trung Bộ; Phạm Minh Đạt (2014), Hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước đối với vượt rào cản kỹ thuật thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hồ Thị Hoài Thu (2018), Giải pháp tài chính hỗ trợ hộ ngư dân phát triển hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam. Các nghiên cứu đã cho thấy, mặc dù nhà nước đã có chính sách ưu đãi đối với ngành thủy sản, nhưng thực tế người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi do thiếu thông tin hoặc thủ tục vay vốn còn phức tạp, Vì vậy, xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam. Chính sách tài chính nhằm hỗ trợ cho ngành thủy sản giai đoạn trước khi gia nhập WTO và ký kết các Hiệp định thương mại tự do đa phần là chính sách trợ cấp trực tiếp, cho nên các chính sách đó đến nay không còn phù hợp với các điều ước quốc tế và các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hỗ trợ tài chính luôn là vấn đề nhạy cảm trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do, chính sách tài chính cần phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp để đảm bảo khuyến khích phát triển xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà không vi phạm các quy định đã cam kết. Đây chính là khoảng trống nghiên cứu cần được tiếp tục thực hiện. Chính sách tài chính đối với xuất khẩu thủy sản là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định hướng dẫn, công cụ và giải pháp tài chính tác động tới các chủ thể nằm trong chuỗi giá trị của hoạt động xuất khẩu thủy sản nhằm thúc đẩy ngành thủy sản của Việt Nam tham gia vào “sân chơi” theo những luật lệ chung của khu vực và thế giới, vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính sách tài chính đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản bao gồm: chính sách chi NSNN, chính sách tín dụng nhà nước, chính sách thuế, chính sách bảo hiểm. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến chính sách chi NSNN. Chính sách chi NSNN nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản không tác động trực tiếp vào khâu cuối cùng của chuỗi giá trị - khâu xuất khẩu, mà tác động vào các khâu tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản. Nội dung chi NSNN nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản gồm: (i) Chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất khẩu thủy sản; (ii) Chi đầu tư phương tiện khai thác thủy sản 461
  4. và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu; (iii) Chi cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm xác lập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chính sách chi NSNN đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng công cộng, tạo thuận lợi về giao thông, lưu thông hàng hóa và đầu tư phương tiện, công nghệ để nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để hạn chế việc chính phủ các nước hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, dẫn tới bóp méo thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, WTO đã có một Hiệp định riêng về trợ cấp và các biện pháp đối kháng - Hiệp định SCM (Subsidies and Countervailing Measures). Hiệp định SCM coi các trường hợp có trợ cấp là: Chính phủ trực tiếp cấp tiền (cấp vốn, cho vay ưu đãi hoặc góp vốn cổ phần) hoặc Chính phủ bảo lãnh các khoản vay; Chính phủ miễn các khoản thu lẽ ra doanh nghiệp phải đóng như các khoản thuế, phí; Chính phủ cung ứng các loại hàng hóa, dịch vụ hay tiêu thụ hàng hóa giúp một doanh nghiệp nào đó. Hiệp định SCM chia trợ cấp thành ba loại: - Trợ cấp “hộp hổ phách” là loại trợ cấp trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu, gây bóp méo thương mại, bị cấm áp dụng. Trên thực tế, hình thức trợ cấp “ hộp hổ phách” thông dụng nhất ở các nước là chương trình thu mua nông sản của Chính phủ để can thiệp vào thị trường. - Trợ cấp “hộp xanh lơ” là loại trợ cấp mang tính đặc thù không phổ biến, đối tượng nhận trợ cấp được giới hạn trong khuôn khổ các chương trình hạn chế sản xuất. - Trợ cấp “hộp xanh lá cây” là loại trợ cấp được phép áp dụng mà không khiếu kiện hay bị hạn chế. Trợ cấp này không có tác động bóp méo thương mại và không phải là hình thức trợ giá. Có năm nhóm trợ cấp được xem là thuộc trợ cấp “hộp xanh lá cây” gồm: (1) Trợ cấp cho các dịch vụ chung như trợ cấp cho ngiên cứu khoa học, kiểm soát dịch bệnh, đào tạo, khuyến nông, tư vấn, kiểm tra sản phẩm vì mục đích sức khỏe con người, tiếp thị thông tin thị trường, kết cấu hạ tầng nông nghiệp; (2) Trợ cấp nhằm mục tiêu dự trữ an ninh lương thực quốc gia; (3) Trợ cấp lương thực trong nước; (4) Hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai; (5) Hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất bao gồm: hỗ trợ thu nhập, hỗ trợ tài chính của nhà nước vào chương trình an toàn và bảo hiểm thu nhập cho nông dân, hỗ trợ hưu trí cho người sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu, hỗ trợ theo các chương trình môi trường, hỗ trợ theo các chương trình trợ giúp vùng. Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản, các Chính phủ phải xây dựng hệ thống chính sách tài chính hỗ trợ cụ thể, rõ ràng với những điều kiện chi tiết sao cho có lợi cho quốc gia mình mà không vi phạm hiệp định của WTO, cũng như không bị các nước nhập khẩu gây khó khăn. Những cam kết quốc tế là căn cứ quan trọng cho việc hoạch định chính sách tài chính thúc đẩy xuất khẩu thủy sản phù hợp. 3. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp tổng hợp, phân tích, quy nạp, phương pháp nghiên cứu tại bàn, phương pháp suy luận thông qua dữ liệu quá khứ và phương pháp thống kê kinh nghiệm. 462
  5. 4. Thực trạng chính sách chi NSNN cho xuất khẩu thủy sản Thực hiện mục tiêu khuyến khích xuất khẩu thủy sản để ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong nhiều năm qua nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm định hướng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng - kỹ thuật cho ngành thủy sản bao gồm: chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão phục vụ khai thác thủy sản, chi NSNN cho quy hoạch và bảo vệ nguồn lợi để khai thác thủy sản, chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi trồng thủy sản. Từ 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 288/2005/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu , tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, theo đó, vốn NSNN đầu tư cho giai đoạn 2006-2010 là 245 tỷ đồng. Tiếp theo Quyết định 1349/2011/QĐ-TTg ngày 9/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạc khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tổng vốn NSNN hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là 1.911 tỷ đồng (đạt gần 30% so với nhu cầu vốn 6.393 tỷ đồng của quy hoạch). Kết quả đến 6/2015 cả nước có 39 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá, trong đó 14 khu cấp vùng với sức chứa 11.930 tàu cá, 25 khu cấp tỉnh với sức chứa 14.200 tàu cá. Đến 2020, cả nước có 124 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá gồm 20 khu cấp vùng và 104 khu cấp tỉnh với sức chứa khoảng 83.960 tàu cá. Song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão phục vụ khai thác thủy sản, vấn đề quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển cũng được Chính phủ đặc biệt chú trọng nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái biển, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Bảng 1: Các dự án đầu tư bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2012-2020 Tên dự án Nguồn vốn Tổng vốn đầu tư Giai đoạn (Tỷ đồng) Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ Đầu tư phát 50 2012-2015 liệu về nguồn lợi thủy sản trên toàn quốc triển Điều tra nguồn lợi hải sản ven bờ Sự nghiệp 40 2012-2015 môi trường Điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng Sự nghiệp 50 2012-2015 môi trường Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức Sự nghiệp 80 2012-2020 bảo vệ nguồn lợi thủy sản môi trường Tái tạo, bổ sung giống thủy sản tại một số Sự nghiệp 50 2012-2020 lưu vực sông và hồ chính kinh tế Đầu tư xây dựng thí điểm 2 Khu bảo tồn biển Đầu tư phát 40 2013-2020 Bạch Long Vĩ, Nam Yết triển Điều tra nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Sự nghiệp 100 2016-2020 Nam môi trường (Nguồn: Bộ NN và PTNT) 463
  6. Số liệu ở bảng trên cho thấy, từ năm 2020 đến nay Chính phủ đã quan tâm đầu tư nguồn lực tài chính cho việc điều tra nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái. Chi NSNN cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng với mức chi hàng năm hỗ trợ chương trình khoảng 500 - 600 tỷ đồng để triển khai các dự án cụ thể (Quyết định 332/QĐ-TTg ngày 3/32011 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020). Vì vậy, cơ sở hạ tầng như hệ thống đường, điện, kênh, mương, đê bao, cầu cống, đã được xây dựng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, NSNN còn đầu tư cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cấp tàu thuyền và các trang thiết bị phục vụ khai thác thủy sản. Chi NSNN cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ bao gồm: nghiên cứu cải tiến ngư cụ, nghiên cứu về trang thiết bị phục vụ khai thác, nghiên cứu ứng dụng ngư cụ chọn lọc phục vụ cho công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản Chính phủ đã tổ chức điều tra, nghiên cứu đánh giá tổng thể điều kiện tự nhiên, môi trường, nguồn lợi kinh tế - xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng thông tin thống kê thủy sản để hoạch định kế hoạch sản xuất cho từng vùng theo từng giai đoạn phát triển. Đồng thời nghiên cứu ứng dụng trang thiết bị dò cá, rada trên tàu khai thác cá, Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp tăng năng suất khai thác của tàu cá lên gấp 1,5 - 2 lần, đưa nghề khai thác hải sản của Việt Nam từ thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động gần bờ chuyển sang phát triển theo hướng cơ giới hóa, tăng cường khai thác vùng biển xa bờ, đẩy mạnh công tác thăm dò tiềm năng ngư trường. Bảng 2: Số tàu khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên Tiêu chí 2013 2014 2015 2016 2017 Tổng số (chiếc) 25.456 27.679 28.719 30.976 32.878 Tổng công suất 6.938,7 8.084,9 9.388,8 10.637,7 12.339 (nghìn CV) ( Nguồn: Niêm giám thống kê) Tuy nhiên, trình độ và năng lực đánh bắt xa bờ của Việt Nam còn thua xa các nước trong khu vực, số lượng tàu công suất lớn từ 750CV trở lên được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP còn khiêm tốn, số lượng tàu đánh bắt xa bờ mới ở mức 33.410 tàu/110.950 tổng số tàu và công nghệ bảo quản hải sản sau đánh bắt trên tàu còn hạn chế cần dược đầu tư thêm. Ở khâu nuôi trồng thủy sản, vấn đề đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống thủy sản và phòng ngừa dịch bệnh là rất quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu. Chi NSNN cho khâu này bao gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng nghiên cứu vùng sản xuất giống tập trung; ứng dụng thực hành nuôi trồng thủy sản theo thiêu chuẩn GAP; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản và cảnh báo dịch bệnh; đầu tư xây dựng trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm và khảo nghiệm vật tư, giống thủy sản cho nuôi trồng. Ngoài nguồn vốn đầu tư xây dựng, nguồn kinh phí cấp cho vận hành hàng năm cũng rất hạn chế, không đáp ứng 464
  7. nhu cầu của thực tiễn: Trung tâm quốc gia quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản ở khu vực miền Bắc được cấp 400 triệu đồng/ năm, khu vực miền Trung 530 triệu đồng/ năm, khu vực Nam Bộ là 550 triệu đồng/ năm; Trung tâm quốc gia quan trắc, cảnh báo môi trường biển là 550 triệu đồng/ năm. Kinh phí của NSNN địa phương cho hoạt động này ở cấp tỉnh cũng rất khiêm tốn và phụ thuộc vào từng địa phương: Cần Thơ, Ninh Thuận khoảng 20-30 triệu đồng/ năm, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, 50-100 triệu đồng/năm, Quản Nam, Kiên Giang, Bến Tre, 100- 250 triệu đồng/năm, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300-900 triệu đồng/năm. Bảng 3: Tổng hợp kinh phí của Dự án quan trắc giai đoạn 2015-2020 Nội dung chi Kinh phí toàn bộ Dự án (Tr đồng) 1. Kinh phí cho hoạt động quan trắc thường xuyên 71.685, 552 của hệ thống theo đối tượng nuôi 2. Mua sắm thiết bị phục vụ quan trắc 80.186,56 3. Đào tạo nhân lực quan trắc 2.800 4. Mạng lưới thông tin của Tổng cục 6.000 5. Kinh phí dự phòng đột xuất (10%) 16.067,211 6. Kinh phí quản lý, kiểm tra giám sát dự án (5%) 8.033,605 Tổng cộng 184.772,929 (Nguồn: Bộ NN&PTNT) Từ năm 2015, NSTW tài trợ cho đầu tư mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực và phân tích các thông số môi trường mà các Trung tâm quốc gia cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bênh thủy sản chịu trách nhiệm; NSĐF tài trợ cho hoạt động đo và phân tích các thông số môi trường mà địa phương đảm trách. Trong tổng kinh phí đầu tư cho dự án kể trên, nguồn vốn từ NSĐF là 27.653 triệu đồng. Đối với chế biến xuất khẩu thủy sản, NSNN đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ và xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ về chế biến thủy sản. Chế biến thủy sản được xác định là động lực phát triển cho khâu nuôi trồng và khai thác và dịch vụ hậu cần trong chuỗi giá trị ngành thủy sản. Để có thể đạt được các mục tiêu của quy hoạch phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu đến 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển chế biến thủy sản giai đoạn 2011-2015 là 13.384 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn NSNN là 1.872 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là 11.163 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn NSNN là 1.915 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2020, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chú trọng đầu tư vốn cho việc hiện đại hóa khâu chế biến thủy sản xuất khẩu, công nghệ chế biến đã có sự phát triển vượt bậc đã cho ra đời nhiều loại sản phẩm thủy sản xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như tôm IQF, mực Surimi, Sashimi, và các thực phẩm phối chế khác. Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, không thể không nói đến hoạt động xúc tiến thương mại. Từ năm 2008 đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản được gộp chung vào hoạt động xúc tiến thương mại của ngành Nông nghiệp do Cục Chế biến, 465
  8. Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối chủ trì (QĐ 20/2008/QĐ-BNN). Chương trình xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020 (QĐ 1844/2009/QĐ-BNN-CB) đã xác định xúc tiến thương mại hàng thủy sản là một nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại hàng nông sản. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản còn được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương chủ trì. Chi NSNN cho xúc tiến thương mại thủy sản giai đoạn 2011-2015 là 687.500 triệu đồng, giai đoạn 2016-2020 là 906.250 triệu đồng tăng 20% so với giai đoạn 2011-2015 đã đem lại những thành tựu đáng kể: công tác thông tin, dự báo thị trường được cải thiện, từ đó có những tham mưu, đề xuất chính sách kịp thời, giúp tháo gỡ hiệu quả các hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, xử lý nghiêm những lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo tại các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. * Những thành tựu đạt được: Từ thực trạng chi NSNN cho ngành thủy sản ở trên có thể thấy rằng, chính sách chi NSNN của Việt Nam thuộc các chương trình hỗ trợ “hộp xanh lá cây” , không vi phạm các điều cấm trong Hiệp định SCM của WTO và đã đem lại nhiều thành tựu đáng kể, tạo tiền đề cho ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng nhu cầu khắt khe và khó tính của các nước nhập khẩu. Có thể tổng kết là: - Nguồn vốn đầu tư của NSNN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng - kỹ thuật, cảng biển, bến bãi neo đậu tàu thuyền, hệ thống kênh mương thủy lợi, các trung tâm nghiên cứu, đã thúc đẩy nhanh quá trình điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa, nâng cao năng suất nuôi trồng, đánh bắt, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy sản cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành dịch vụ. Đây chính là tiền đề để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt nam. - Chi NSNN đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản phát triển toàn diện trên tất cả các khâu của chuỗi giá trị từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu. Với nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền, một số cơ sở vật chất kỹ thuật nghề cá được đầu tư nâng cấp đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng đánh bắt thủy sản, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản ở Việt Nam. - Chi NSNN đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất ngư nghiệp, định hướng đầu tư cho thành phần kinh tế tư nhân khai thác sản phẩm thủy sản mới đầy tiềm năng. Việc đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ chế biến thủy sản đã có bước phát triển vượt bậc, trình độ chế biến thủy sản đông lạnh của Việt Nam được đánh giá là tiên tiến so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến thủy sản đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản từ những mặt hàng thủy sản sơ chế , đến nay sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng và phong phú, các mặt hàng chế biến sâu, giá trị gia tăng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu ngày đa dạng của thị trường trong và ngoài nước. 466
  9. * Một số hạn chế Bên cạnh những thành tựu quan trọng đem lại, chính sách chi NSNN đối với ngành thủy sản cũng bộc lộ một số điểm hạn chế như: - Chi NSNN cho thủy sản mặc dù tăng qua các năm nhưng vẫn ở mức thấp, không tương xứng với sự đóng góp của ngành thủy sản vào nền kinh tế. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,3 tỷ USD đóng góp 3,88% vào tổng kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế và đóng góp 22,82% vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư cho thủy sản giai đoạn 2011-2017 chỉ chiếm khoảng 5% vốn đầu tư cho toàn ngành nông nghiệp. - Cơ cấu vốn đầu tư của NSNN còn chưa hợp lý, đầu tư dàn trải và thiếu tập trung. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập như: (i) Mức đầu tư cho giai đoạn 2015-2020 chưa đáp ứng yêu cầu bình quân hàng năm tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2014. Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn NSNN cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ (chưa quy định đối với các hạng mục như hệ thống xử lý nước thải, nhà phân loại, nhà điều hành, sân và đường nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng), đặc biệt là nơi neo đậu của tàu có kích thước lớn, tàu vỏ thép. Nghị định 67/NĐ-CP có quy dịnh vốn đối ứng của địa phương nhưng nhiều địa phương không đủ ngân sách để đầu tư, do vậy đầu tư không đồng bộ, các cảng cá không có mái che và hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất, chưa có hạng mục đầu tư đối với nạo vét luồng lạch, đặt phao tiêu, biển báo để tàu ra vào cảng thuận lợi, tránh trú bão ở các cảng cá loại I và khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng. (ii) Đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản của các địa phương ven biển còn thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cẩu của thực tiễn. Hệ thống kênh cấp, thoát chưa tách riêng, việc vận hành các cống đầu kênh còn bất cập, chưa đáp ứng cho yêu cầu cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản. Thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản còn nhiều hạn chế là nguyên nhân tác động làm giảm năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản. - Chi NSNN cho đầu tư xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản tuy đã được quan tâm nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, nhiều chương trình xúc tiến thương mại chưa sát với thực tế, bộ máy và chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại vẫn còn chưa mang tính hệ thống, chưa có chiến lược dài hạn cho hoạt động xúc tiến thương mại, các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực này cũng chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ quan quản lý vẫn hoạt động theo hướng trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức các đoàn, chương trình xúc tiến thương mại, mà chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp trong vấn đề này như cải thiện hệ thống thông tin, đào tạo nhân lực. Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp vì vậy cũng có xu hướng tự thực hiện xúc tiến thương mại theo nhu cầu kinh doanh và mở rộng thị trường của từng đơn vị. Tuy nhiên, chỉ có các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh, có truyền thống sản xuất kinh doanh từ lâu và ít nhiều đã xây dựng được uy tín trên thị trường mới có thể tham gia, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được với các hoạt động xúc tiến thương mại ở quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường quốc tế. 467
  10. 5. Một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trở thành yêu cầu cấp thiết cho các sản phẩm thủy sản . Sự phụ thuộc lẫn nhau, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi đó rào cản kỹ thuật bảo hộ thủy sản ngày càng tinh vi hơn, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm xã hội, môi trường, quy định về khai thác bất hợp pháp IUU, điều kiện nuôi tương đồng trong Đạo luật Farm Bill của Mỹ, sẽ là những thách thức lớn mà chúng ta phải vượt qua khi tham gia vào sân chơi lớn của thế giới. Trong bối cảnh đó, chính sách chi NSNN nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng thực thi trợ cấp “hộp xanh lá cây” để tránh vi phạm Hiệp định SCM của WTO, cụ thể như sau: Thứ nhất, về chi NSNN xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác thủy sản. - Rà soát, đanh giá tình hình thực hiện, kết quả triển khai các quyết định đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, so sánh đối chiếu với quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, trên cơ sở đó có những điều chỉnh phù hợp trong phân bổ vốn đầu tư của NSNN, đáp ứng kịp thời với sự đổi mới cơ cấu đội tàu đánh bắt đang thay đổi nhanh theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. - Cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hệ thống cảng cá, bến cá, thúc đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức PPP, PPC, PPI, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư để giảm bớt gánh nặng của NSNN. - Cần tập trung vốn NSNN để đầu tư xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng như: kè chắn sóng, nạo vét luồng ra vào cảng, công trình neo buộc tàu, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu, hệ thống xử lý nước thải, Thứ hai, đối với khâu nuôi trồng, chế biến thủy sản. Cần tăng cường chi NSNN cho xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững. Nhà nước cần nghiên cứu quy hoạch khu vực sản xuất giống tập trung, khu vực nuôi, quy hoạch hệ thống sản xuất thức ăn và dịch vụ phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên cơ sở phân vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Sau khi quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản được phê duyệt, cần phổ biến rộng rãi, công khai và yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch của địa phương phù hợp với quy hoạch vùng. Ngân sách trung ương cần đầu tư 100% vốn cho các dự án do Bộ, ngành Trung ương quản lý đối với hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống tập trung; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các Trung tâm giống thủy sản quốc gia, Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp quốc gia và cấp vùng. Thứ ba, Chính phủ cần có những điều chỉnh để nâng cao hiệu quả hỗ trợ của nhà nước đối với nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp và người dân như: (i) hỗ trợ nghiên cứu đổi mới công nghệ; (ii) hỗ trợ tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện và làm chủ công nghệ; (iii) hỗ trợ xây dựng và đạt các tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm, quản lý quy trình sản xuất và môi 468
  11. trường; (iv) hỗ trợ phân tích, đánh giá, định giá, kết nối cung cầu; (v) hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức KHCN, xác lập, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Thứ tư, tăng cường chi NSNN cho đào tạo nguồn nhân lực như: (i) hỗ trợ đào tạo ngư dân để làm chủ công nghệ đánh bắt hiện đại, hỗ trợ đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép; (ii) tổ chức các lớp học để phổ biến kiến thức về nuôi, khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản, các kỹ thuật cơ bản về xử lý bảo quản thủy sản sau đánh bắt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 6. Kết luận Để xuất khẩu thủy sản phát triển một cách bền vững, cần có một sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu. Chính sách chi NSNN nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản phải tác động theo chuỗi giá trị bao gồm chủ yếu các khâu sản xuất (khai thác, nuôi trồng), khâu chế biến và khâu xuất khẩu thủy sản sao cho hiệu quả mà không vi phạm các cam kết và thông lệ quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Thị Mai Anh (2018), Đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2013-2017, Tạp chí Công thương số tháng 10/2018. 2. Lê Thị Mai Anh (2019), Phát triển chuỗi giá trị hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Tài chính số tháng 8/2019. 3. Bộ NN&PTNT (2015), Báo cáo tổng hợp quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. 4. Bộ NN&PTNT (2017), Báo cáo tổng hợp đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tăng trưởng bền vững. 5. Bộ NN&PTNT (2017), Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản 6. Bộ Thương mại (2007), Các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam, Hà Nội 2007 7. Doãn Thị Mai Hương ((217), Phát triển bền vững thủy sản xuất khẩu của Việt Nam , Tạp chí Tài chính 8. OEDC (2006), Financial support to fisheres: Implications for sustainable development. 9. Tabitha Grace Mallory (2016), Fisheries subsidies in China: Quantitative and qualitative asessment of policy coherence and effectiveness, Marine Policy. 10. Stephen Golub, Abir Varma (2014), Fishing export and economic development of least developed countries: Bangladesh, Cambodia, Comoros, Sierra Leone and Uganda. 11. UNCTAD (2016), Sustainable fisheries: International trade, trade policy and regulatory issues. 12. Zhang Jian Hua, Do Thi Thao (2016), Impact of trade policy reform on Vietnam fisheries export, Journal of economics and sustainable development. 469