Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến nền kinh tế Việt Nam – cách tiếp cận từ mô hình cân bằng tổng thể dạng động (dcge)

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 2600
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến nền kinh tế Việt Nam – cách tiếp cận từ mô hình cân bằng tổng thể dạng động (dcge)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_giam_thue_nhap_khau_den_nen_kinh_te_viet_nam_ca.pdf

Nội dung text: Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến nền kinh tế Việt Nam – cách tiếp cận từ mô hình cân bằng tổng thể dạng động (dcge)

  1. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÁC ĐỘNG CỦA GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM – CÁCH TIẾP CẬN TỪ MÔ HÌNH CÂN BẰNG TỔNG THỂ DẠNG ĐỘNG (DCGE) Nguyễn Thị Hương Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Việt Nam đã hội nhập sâu và mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới sau gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) cũng như thực hiện các cam kết thương mại song phương và đa phương với các nước. Trong đó, việc tiếp tục giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình hình sản xuất của các ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bài viết vận dụng mô hình cân bằng tổng thể động (DCGE) với dữ liệu Ma trận hạch toán xã hội Việt Nam 2012 (VSAM2012) mô phỏng tác động của giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đến nền kinh tế Việt Nam. Kết quả mô phỏng cho thấy việc cắt giảm thuế nhập khẩu làm cho cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế tăng trưởng dương cả trong ngắn hạn và dài hạn, thặng dư thương mại và gia tăng phúc lợi Hộ gia đình. Đặc biệt, các ngành thâm dụng vốn có cơ hội phát triển hơn là các ngành thâm dụng lao động. Từ khóa: cơ cấu ngành, nhập khẩu, xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế. 1. Giới thiệu Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam tiến hành mở cửa nền kinh tế và thực hiện các cam kết thương mại quốc tế. Mặc dù có những thay đổi vượt bậc trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn được bảo hộ khá cao. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đánh dấu bằng các sự kiện gia nhập các tổ chức quốc tế và ký kết các hiệp định kinh tế và thương mại, bao gồm: gia nhập ASEAN (1995), APEC (1998), kí kết hiệp định thương mại Việt Mỹ (2000), gia nhập WTO (2007), ký kết các hiệp định kinh tế và thương mại song phương và đa phương với các nước và gần đây nhất là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP (2015). Mục tiêu chính của các sự kiện này là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Mặc dù có những thay đổi vượt bậc trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn được bảo hộ. Vậy, việc tiếp tục giảm thuế nhập khẩu sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất của các ngành, tăng trưởng kinh tế, ngân sách và phúc lợi Hộ gia đình? Trong thời gian qua, có rất nhiều nghiên cứu phân tích tác động của giảm thuế nhập khẩu đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Các nghiên cứu này đã sử dụng mô hình kinh tế lượng và mô hình cân bằng tổng thể (CGE) trong phân tích thực nghiệm và mô phỏng tác động của giảm thuế nhập khẩu đến nền kinh tế. Đối với mô hình Kinh tế lượng, việc xây dựng mô hình không quá phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều dữ liệu, mỗi biến số cần chuỗi dữ liệu thời gian đủ dài để tính toán, xử lý. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc thu thập chuỗi dữ liệu thời gian còn nhiều bất cập nên kết quả nghiên cứu có nhiều hạn chế (Tào Thị Hoàng Anh, 2007). Hơn nữa, các mô hình kinh tế lượng không cho phép phân tích cơ chế tác động và biểu diễn mối quan hệ đa dạng, phức tạp giữa các ngành, các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế, ít được sử dụng trong nghiên cứu dự báo (Lê Quốc Phương và Đặng Huyền Linh, 2009). Trong khi đó, mô hình CGE cho phép mô tả chi tiết nền kinh tế theo từng ngành và biểu diễn mối liên hệ giữa các ngành bằng hệ thống các phương trình toán học. Mô hình CGE được xem là mô hình phù hợp nhất để nghiên cứu tác động của các chính sách kinh tế nói chung và chính sách thuế nói riêng đến nền kinh tế cũng như cơ cấu kinh tế của một nước (Shoven and Whalley, 1984). Tuy vậy, các nghiên cứu tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay chủ yếu sử dụng mô hình 22
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng CGE dạng tĩnh. Để có thể mô phỏng và dự báo tác động giảm thuế suất theo lộ trình đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong dài hạn, mô hình DCGE có nhiều ưu việt nổi trội (CIEM,2012). Bài viết này sử dụng DCGE với bộ dữ liệu Ma trận hạch toán xã hội Việt Nam năm 2012 để phân tích tác động của việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu đến các ngành kinh tế, tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại, ngân sách Nhà nước và phúc lợi Hộ gia đình cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điểm cân bằng ban đầu được so sánh với điểm cân bằng sau “cú shock thuế suất” để đo lường tác động của việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết. Kết quả phân tích giúp cho nhà quản lý kinh tế vĩ mô có cái nhìn tổng thể về những tác động của việc giảm thuế nhập khẩu đến nền kinh tế Việt Nam. Đây là cơ sở để Chính phủ thay đổi thuế suất các sắc thuế khác và lựa chọn các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp cho từng ngành, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định nguồn thu ngân sách và gia tăng phúc lợi Hộ gia đình. Bài viết trình bày cơ chế tác động của giảm thuế suất thuế nhập khẩu đến nền kinh tế, cấu trúc cơ bản của mô hình DCGE, dữ liệu cho mô hình, xây dựng kịch bản mô phỏng giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết của Việt Nam. Cuối cùng là thực hiện mô phỏng, phân tích đánh giá tác động của việc giảm thuế nhập khẩu đến cơ cấu ngành, tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại, ngân sách và phúc lợi Hộ gia đình và một số hàm ý chính sách. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu tác động của giảm thuế nhập khẩu đến nền kinh tế Việc cắt giảm thuế quan mang lại cơ hội cho quốc gia đang phát triển thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả trên cơ sở phát huy các ngành có lợi thế (World Bank, 2002) (Krueger, 1997). Xóa bỏ hàng rào thuế quan trong khuôn khổ các hiệp định FTA đã được kiểm chứng có tác động tích cực đối với các ngành khuyến khích xuất khẩu và cản trở phát triển các ngành bảo hộ nhập khẩu (Santos‐Paulino & Thirlwall, 2004). Từ thập niên 2000, khi Việt Nam từng bước hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do, đã có một số các nghiên cứu về sự tác động của việc cắt giảm thuế quan đến tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, và các vấn đề cơ bản của kinh tế vĩ mô như việc làm, tiền lương và bất bình đẳng thu nhập. Nguyễn Mạnh Toàn (2005) đã phát triển một mô hình CGE động cho nền kinh tế Việt Nam dựa trên dữ liệu I/O năm 2000 và SAM 1999 nhằm phân tích tác động của tự do hóa thương mại đến phân phối thu nhập ở Việt Nam, Trương Bá Thanh (2009) ứng dụng mô hình CGE tĩnh đánh giá mối quan hệ giữa tự do hóa thương mại và thay đổi cơ cấu kinh tế theo ngành của kinh tế Việt Nam, sử dụng bảng I/O 2000, kết hợp với SAM 1999 và các nguồn số liệu khác. Phát hiện từ việc mô phỏng xác định các ngành thâm dụng lao động sẽ nhiều lợi thế trong khi đó các ngành thâm dụng vốn và được bảo hộ cao sẽ gặp nhiều khó khăn. David Vanzetti & Phạm Lan Hương (2006), Cassing & cộng sự (2010), Dordi & cộng sự (2015), Nguyễn Đức Thành & Nguyễn Thị Thu Hằng (2015) sử dụng mô hình cân bằng tổng thể GTAP nhằm mô phỏng quá trình đổi mới chính sách thương mại và các hiệp định FTA. Kết quả nghiên cứu cho thấy những thay đổi phần lớn xảy ra trong ngành dệt may và dịch vụ. Với các tiếp cận tương tự, Viện Chiến lược Phát triển (2008) ứng dụng mô hình MIRAGE tập trung đánh giá tác động của việc cắt giảm mức thuế quan hợp nhất đến cơ cấu kinh tế, hoạt động sản xuất và thương mại. Kết quả mô phỏng cho thấy, việc cắt giảm thuế quan khi Việt Nam gia nhập WTO làm cho sản xuất các ngành may mặc, da giày, điện tử sẽ mở rộng, đồng thời tác động tích cực tới ngành chăn nuôi và sản xuất sản phẩm cơ khí; trong khi đó, qui mô sản xuất ngành nông lâm sản; chè, hạt tiêu, cà phê giảm. 2.2. Cơ chế tác động của giảm thuế nhập khẩu đến nền kinh tế Việc giảm thuế nhập khẩu tác động đến cơ cấu ngành kinh tế được thực hiện theo một cơ chế rất phức tạp, thông qua nhiều mối quan hệ ràng buộc và tác động qua lại, lan truyền qua nhiều khâu, nhiều vòng cho đến khi nền kinh tế đạt được cân bằng mới trong dài hạn. Trước hết, cắt giảm thuế nhập khẩu một hàng hóa sẽ làm giảm giá bán và tăng cầu đối với mặt hàng đó trong ngắn hạn, đồng thời làm giảm cầu đối với các mặt 23
  3. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hàng thay thế và tăng cầu các mặt hàng bổ sung. Người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng tăng sử dụng hàng nhập khẩu, thay vì trước đây sử dụng hàng hóa đó được sản xuất trong nước. Do vậy, những ngành được bảo hộ cao sẽ gặp nhiều khó khăn và có khả năng phải cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, các ngành trước đây ít được bảo hộ sẽ được hưởng lợi do các nước đối tác cũng dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với sản phẩm của các ngành này, nên sẽ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Cắt giảm thuế nhập khẩu còn tác động trực tiếp đến ngân sách của chính phủ, giá các yếu tố đầu vào cho các ngành sản xuất, làm thay đổi chi phí sản xuất và giá bán của các ngành. Chính phủ có thể phải thay đổi các chính sách, trong đó có chính sách thuế để đảm bảo ổn định nguồn thu. Doanh nghiệp sẽ phải thay đổi chiến lược sản xuất, đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn, điều chỉnh nhu cầu về lao động, vốn và các nguồn lực khác cho sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài, vay nợ, xuất khẩu và nhập khẩu cũng có sự thay đổi, dẫn đến có sự thay đổi tỷ giá trên thị trường ngoại hối. Thay đổi giá tương đối trên các thị trường sẽ điều chỉnh tỷ lệ tiết kiệm cũng như cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình và chính phủ, đầu tư của doanh nghiệp, sản lượng sản xuất của từng ngành, dịch chuyển lao động, vốn và đất đai sang các ngành có lợi thế - tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Các nguồn lực được giải phóng từ ngành ít hoặc không còn lợi thế sẽ chuyển dịch đến các ngành có lợi thế phát triển. 2.3. Cấu trúc cơ bản của mô hình DCGE Mô hình CGE có nền tảng vững chắc dựa trên lý thuyết cân bằng kinh tế Walrasian. Theo đó, các chủ thể trong nền kinh tế kinh tế luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình, tạo ra cơ chế ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau, thu nhập của chủ thể này chính là chi phí/ chi tiêu của chủ thể khác, không có một chủ thể nào có quyền lực tuyệt đối trên thị trường mà phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại và phát triển; cung - cầu trên các thị trường quyết định mức giá cả của hàng hóa, lao động và chi phí sử dụng vốn làm cho nền kinh tế luôn có khuynh hướng trở về trạng thái ổn định, cân bằng. Về nguyên lý, mô hình CGE thiết lập các giới hạn (ràng buộc) về thu nhập/tiêu dùng và nguồn lực sử dụng, nhằm bảo đảm rằng các hộ gia đình, chính phủ chỉ có thể chi tiêu trong phạm vi ngân sách/ thu nhập của mình và các doanh nghiệp sử dụng các yếu tố sản xuất không thể vượt quá tổng nguồn lực sẵn có. Chính các ràng buộc về nguồn lực và ngân sách trong quá trình tối đa hóa lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế đã thiết lập nền tảng cho việc phân tích lợi ích của các chủ thể kinh tế trên các cân bằng thị trường thông qua sự liên kết. 24
  4. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Hình 1. Cấu trúc cơ bản của mô hình DCGE Theo mô hình này, nền kinh tế ban đầu được giả định đang ở vị trí cân bằng, nghĩa là với thuế suất và mức giá cả hiện tại, tổng cung trên tất cả các thị trường đang ở thế cân bằng với tổng cầu của nó. Dưới tác động của các kịch bản thay đổi về thuế suất, nền kinh tế sẽ dịch chuyển từ điểm cân bằng cũ sang điểm cân bằng mới. Tại điểm cân bằng mới của nền kinh tế có thể ước lượng được sự thay đổi của các ngành, tính toán được những ảnh hưởng lên từng ngành nói riêng và lên toàn bộ nền kinh tế nói chung. Đối với mô hình DCGE, nền kinh tế không chỉ hướng đến cân bằng trong ngắn hạn mà còn chỉ ra xu hướng dịch chuyển theo thời gian để hướng đến cân bằng trong dài hạn. Mô hình CGE được sử dụng để tính toán trong nghiên cứu này là mô hình động, chuẩn cho nền kinh tế mở, qui mô nhỏ, chấp nhận giá và cạnh tranh theo định hướng thị trường. Cấu trúc lý thuyết của mô hình được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu của Dervis et al.(1982), Vargas & F.Schreiner et al. (1999), Hosoe (2001); Chen (2004) và Toàn (2005). Mô hình bao gồm ba khối cân bằng: Khối cân bằng động, khối cân bằng tạm thời và khối cân bằng dài hạn, cho phép mô phỏng hoạt động và mối quan hệ trong dài hạn của năm thực thể chủ yếu của nền kinh tế: doanh nghiệp, chính phủ, hộ gia đình, hoạt động đầu tư và phần còn lại của thế giới (ROW) (Hình 1). Trong mô hình, có l thị trường lao động, n thị trường hàng hóa và một thị trường ngoại hối. Tổ hợp giá cân bằng được xác định khi tất cả các thị trường đạt được trạng thái cân bằng. 2.4. Dữ liệu Dữ liệu cho mô hình DCGE trong nghiên cứu này là Ma trận hạch toán xã hội Việt Nam năm 2012 (VSAM2012). Bảng 1. Bảng SAM vĩ mô Việt Nam năm 2012 (đvt: 1000 tỷ VND) Ngành Ngành Nhân Hộ gia Nhà Đầu Nước Tổng Thuế kinh tế sản phẩm tố SX đình nước tư ngoài thu Ngành 9,087 9,087 kinh tế Ngành 5,890 2,014 192 882 2,597 11,575 sản phẩm Nhân tố 2,889 2,889 sản xuất Hộ gia đình 2,602 75 160 2,837 Nhà nước 665 10 675 Thuế 308 70 287 665 Tiết kiệm 690 408 -216 882 Nước ngoài 2,418 133 2,551 Tổng chi 9,087 11,575 2,889 2,837 675 665 882 2,551 Nguồn: CIEM (2016) Lý thuyết về hạch toán xã hội do Richard Stone khởi xướng, sau đó được Pyatt và Thorbecke hoàn thiện. Ma trận hạch toán xã hội (SAM) đã được quan tâm ở các nước đang phát triển vào những năm 1970. SAM cung cấp bức tranh tổng thể về nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định; cho phép nghiên cứu toàn diện hơn các mối quan hệ sản xuất - phân phối - tiêu dùng trong nền kinh tế (Thorbecke, 2005). Tại Việt 25
  5. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (the Central Institution for Economic Management - CIEM) đã phối hợp với các tổ chức quốc tế dưới sự hỗ trợ của cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (Danish International Development Agency - DANIDA) xây dựng và công bố các bảng SAM Việt Nam các năm 1999, 2000, 2003, 2007, 2011, 2012. VSAM2012 sử dụng trong nghiên này được chi tiết theo 63 ngành kinh tế, 7 nhân tố sản xuất (6 nhân tố lao động, 1 nhân tố vốn), 20 nhóm Hộ gia đình. 2.5. Kịch bản mô phỏng Dưới tác động của tự do hóa thương mại nói chung, các hàng rào thuế quan phải dần được gỡ bỏ theo lộ trình cam kết. Thuế suất thuế nhập khẩu trung bình năm cơ sở (năm 2012) của từng ngành được tính bằng giá trị thuế nhập khẩu trên giá trị nhập khẩu và được trình bày trên bảng 2. Bảng 2. Thuế suất thuế nhập khẩu (%) các ngành Mã ngành C1 C2 C3 C4 C5 C6 C7 C8 C9 C10 C11 C12 C13 Thuế suất 5,0 8,6 0,2 5,1 1,3 9,4 43,9 24,3 3,0 1,0 1,6 1,7 1,3 Mã ngành C14 C15 C16 C17 C18 C19 C20 C21 C22 C23 C24 C25 Thuế suất 1,4 8,9 8,9 0,3 7,3 0,0 0,0 0,0 0,0 0,0 0,0 0,0 Nguồn: Tính toán của tác giả từ VSAM2012 Có thể thấy rằng, việc nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng bị hạn chế nhiều hơn so với việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và đầu tư cơ bản. Đồ uống, thuốc lá, chế biến thủy sản, dệt may, giày da cũng còn chịu mức thuế suất cao. Trong xu thế hội nhập, thuế suất các mặt hàng nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể: Theo kết quả đàm phán thuế quan trong WTO của Việt Nam được VCCI, 2010 tổng hợp thì: Số dòng thuế có cam kết là 10.600 dòng và mức giảm thuế bình quân toàn biểu thuế khoảng 23% (từ mức là 17,4% năm 2006 xuống còn 13,4%). Trong đó: Số dòng thuế cam kết giảm khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5% số dòng của biểu thuế); nhóm mặt hàng có cam kết cắt giảm thuế nhiều nhất bao gồm: dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, hàng chế tạo khác, máy móc thiết bị điện, điện tử, thịt (lợn, bò), phụ phẩm. Số dòng thuế giữ ở mức thuế hiện hành (cam kết không tăng thêm): khoảng 3.700 dòng (chiếm 34,5% số dòng của biểu thuế). Số dòng thuế ràng buộc theo mức thuế trần (cao hơn mức thuế suất hiện hành với 3.170 dòng thuế (chiếm 30% số dòng của biểu thuế), chủ yếu là đối với các nhóm hàng như xăng dầu, kim loại, hoá chất, một số phương tiện vận tải. Theo VCCI (2015), Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương (tính đến năm 2015); trong đó, có 2 Hiệp định mới ký kết trong tháng 5/2015 là FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (VCUFTA). Năm 2015 cũng là năm khởi đầu của lộ trình cắt giảm thuế quan ở mức cao nhất và tiến tới thực hiện cam kết cuối cùng về xóa bỏ thuế suất thuế nhập khẩu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; bao gồm: Hiệp định ATIGA vào năm 2018, ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) năm 2020 và ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) năm 2021. Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA đều được cam kết thực hiện trong vòng 10 năm cho từng giai đoạn và được quy định cụ thể đối với từng hiệp định (VCCI, 2015). Riêng cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước trong Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan (Kim Thủy, 2015). 26
  6. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng Trong các Hiệp định thương mại đã ký kết, các mặt hàng được giảm thuế suất được chi tiết theo ngành hẹp (theo từng loại sản phẩm). Tuy nhiên, trong VSAM2012 ngành được gộp thành 63 ngành sản phẩm. Bên cạnh đó, mỗi Hiệp định ký kết lại giảm thuế suất cho các sản phẩm khác nhau và thời gian hiệu lực khác nhau. Lộ trình giảm thuế của các hiệp định cũng khác nhau, do đó, trong nghiên cứu này, tác giả giả định là tất cả các dòng thuế sẽ tiến tới mức cuối cùng 0%. Cho nên, kịch bản giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ được xây dựng như sau: Thuế suất thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% đến năm 2025, giả định các loại thuế còn lại không đổi. 3. Kết quả mô phỏng và bàn luận 3.1. Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến tăng trưởng kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế Giảm thuế suất thuế nhập khẩu làm GDP tăng 7,87% trong dài hạn, GDP nông nghiệp giảm 6,67%, GDP công nghiệp tăng 13,73%, GDP dịch vụ tăng 6,4%. Mặc dù GDP của nhóm ngành dịch vụ có tăng nhưng không theo kịp sự tăng lên mạnh mẽ về GDP trong nhóm ngành công nghiệp nên làm cho tỷ trọng GDP nhóm ngành dịch vụ trong toàn nền kinh tế có xu hướng giảm nhẹ. Chính sự tăng giảm không đều về GDP trong các nhóm ngành mà làm cho cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp 2,54 điểm % (từ 46,75% lên 49,29%) và giảm tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp và dịch vụ tương ứng là 2,02 điểm% (từ 14,97% xuống 12,95%) và 0,52 điểm % (từ 38,28% xuống 37,76%) (Bảng 3). Trong nhóm ngành công nghiệp, có sự tăng lên mạnh mẽ GDP ngành sản xuất thiết bị phụ tùng (tăng 138,83%) làm tăng mạnh tỷ trọng ngành này trong nền kinh tế (từ 4,38% lên 9,70%) . Điều này khẳng định được vai trò của nhóm ngành chế tạo trong nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế sẽ dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nhận thấy rằng, với kịch bản giảm thuế nhập khẩu, các ngành thâm dụng vốn có cơ hội phát triển hơn là các ngành thâm dụng lao động. Kết quả này có các điểm khác biệt so với nghiên cứu trước đây của Nguyễn Mạnh Toàn (2005), David Vanzetti & Phạm Lan Hương (2006), Cassing & cộng sự (2010), Dordi & cộng sự (2015), Nguyễn Đức Thành & Nguyễn Thị Thu Hằng (2015). Sự khác biệt về kết quả nghiên cứu này là do: (1) thuế suất thuế nhập khẩu hiện nay đã giảm mạnh so với trước đây nên mức độ tác động của việc giảm thuế suất không nhiều, (2) các ngành thâm dụng lao động không còn lợi thế về lao động giá rẻ mà chịu áp lực của việc tăng chi phí tiền lương; trong khi đó các ngành thâm dụng vốn hưởng lợi do máy móc thiết bị nhập khẩu rẻ hơn khi giảm thuế nhập khẩu. Bảng 3. Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến GDP Tốc độ tăng GDP (%) Cơ cấu GDP (%) Mã Ngành Ngắn hạn Dài hạn Năm gốc Ngắn hạn Dài hạn Nông nghiệp -0,33 -6,67 14,97 14,83 12,95 C1 Trồng trọt -1,10 -9,93 9,49 9,34 7,93 C2 Chăn nuôi 2,72 2,58 2,30 2,35 2,19 C3 Lâm nghiệp -6,88 -26,55 0,50 0,46 0,34 C4 Thủy sản 1,03 0,68 2,67 2,68 2,49 Công nghiệp 0,35 13,73 46,75 46,65 49,29 C5 CN khai thác -0,38 0,76 7,27 7,21 6,80 C6 Chế biến thủy sản -3,40 -6,43 0,82 0,78 0,71 C7 Đồ uống 2,81 3,26 1,07 1,10 1,03 C8 Thuốc lá 1,33 -10,23 0,16 0,16 0,13 C9 CB thực phẩm -1,77 -10,31 3,25 3,18 2,71 C10 CN hóa chất -5,08 -14,28 1,75 1,66 1,39 27
  7. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng C11 Luyện kim -1,33 7,68 2,51 2,47 2,51 C12 Sản xuất thiết bị phụ tùng -2,80 138,93 4,38 4,24 9,70 C13 Sản xuất Sp dầu mỏ -3,61 -19,10 1,07 1,02 0,80 C14 Ô tô, xe máy 7,42 5,01 1,74 1,86 1,69 C15 Dệt may -2,37 -3,24 4,44 4,31 3,99 C16 Giày da -1,86 -7,41 2,96 2,89 2,54 C17 Điện, nước, ga 2,09 6,48 3,20 3,25 3,16 C18 Các SP công nghiệp khác 0,36 1,14 6,45 6,44 6,05 C19 Xây dựng 8,25 15,93 5,66 6,10 6,09 Dịch vụ 1,17 6,40 38,28 38,51 37,76 C20 Bán buôn, bán lẻ 0,15 10,47 9,67 9,63 9,91 C21 Khách sạn, nhà hàng 0,64 1,92 2,74 2,75 2,59 C22 Vận tải 1,13 8,69 3,80 3,82 3,83 C23 Tài chính 0,82 2,93 4,20 4,21 4,01 C24 Các dịch vụ kinh doanh khác 2,51 5,93 8,18 8,33 8,03 C25 Dịch vụ công 1,38 4,60 9,69 9,77 9,39 Tổng 0,56 7,87 100,00 100,00 100,00 Nguồn: Kết quả mô phỏng từ mô hình 3.2. Tác động của giảm thuế suất thuế nhập khẩu đến nhập khẩu, xuất khẩu Khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống, nhập khẩu sẽ tăng. Tuy vậy, điều này không phải lúc nào cũng dẫn đến thâm hụt thương mại mà còn phụ thuộc vào xuất khẩu. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đển xuất khẩu: (1) giá một số mặt hàng nhập khẩu giảm xuống giúp giảm chi phí sản xuất hàng xuất khẩu, làm tăng năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu; (2) các đối tác FTA cũng cắt giảm thuế quan, nên cũng sẽ gia tăng nhập khẩu từ các nước này (một phần nhu cầu gia tăng này sẽ được hàng xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng). Cắt giảm thuế quan dự báo sẽ gây nên nhiều thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, GO nông nghiệp giảm, xuất khẩu giảm mạnh và nhập khẩu ngày càng tăng (Bảng 4). Như vậy, kết quả này là trùng hợp với các nghiên cứu định lượng cũng sử dụng mô hình CGE của Nguyễn Chân & Trần Kim Dung (2001), David Vanzetti & Phạm Lan Hương (2006) và Viện chiến lược phát triển (2008). Cùng với sự tăng lên về kết quả sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này cũng tăng mạnh trong dài hạn (38%); trong đó, có sự đóng góp đáng kể của ngành sản xuất thiết bị phụ tùng (tăng 180,76%), ngành luyện kim (tăng 9,26%), ô tô xe máy (tăng 6,26%). Do các ngành này sử dụng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị đầu vào được nhập khẩu với chi phí thấp hơn làm giảm giá thành sản xuất của các sản phẩm, trong đó có sản phẩm xuất khẩu, điều này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu. Theo kịch bản giảm thuế nhập khẩu, trong dài hạn, tốc độ tăng xuất khẩu (28,02%) cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (26,3%); vì vậy, có thể nói rằng Việt Nam càng hội nhập thì càng có khả năng thặng dư thương mại và có thể đạt được mục tiêu về tăng trưởng xuất, nhập khẩu như đã đề ra trong “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến 2030” là phải tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030 về xuất khẩu và tăng trưởng dưới 10% về nhập nhẩu (Bộ Công Thương, 2011). Như vậy, giảm thuế nhập khẩu có tác động rất mạnh lên tăng trưởng xuất khẩu một số ngành sản xuất tại Việt Nam, nhưng có thể làm tăng nhập khẩu trên diện rộng, đối với mọi loại hàng hóa. Điều này, một mặt đem lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua việc được tiêu dùng hàng hóa giá rẻ hơn, chất 28
  8. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng lượng tốt hơn, nhưng mặt khác, cũng cảnh báo sự cạnh tranh gay gắt hơn trong tất cả các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Tóm lại, việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp; giảm tỷ trọng nông nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng dịch vụ giảm nhưng sản lượng trong lĩnh vực này có xu hướng tăng lên; trong đó, các ngành dịch vụ đóng vai trò động lực trong nền kinh tế tăng mạnh. Điều đó cho thấy nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực trong xu thế hội nhập; cơ cấu ngành không còn thiên về các dịch vụ truyền thống. Trong công nghiệp, các ngành sản xuất tư liệu sản xuất đã phát huy được vai trò chủ lực và phát triển, nhất là ngành sản xuất máy móc thiết bị. Kết quả giảm thuế nhập khẩu cũng hàm ý rằng, công nghiệp Việt Nam không còn dựa vào những ngành thâm dụng lao động và chế biến giản đơn mà dần chuyển sang nền công nghiệp theo hướng hiện đại hóa trong quá trình hội nhập. Bảng 4. Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến nhập khẩu, xuất khẩu Nhập khẩu Xuất khẩu % tăng Cơ cấu (%) % tăng Cơ cấu (%) Ngắn Dài Năm Ngắn Dài Ngắn Dài Năm Ngắn Dài hạn hạn gốc hạn hạn hạn hạn gốc hạn hạn NN 2,27 4,09 8,42 8,41 6,94 -5,30 -25,06 5,89 5,69 3,45 C1 2,89 4,85 3,48 3,50 2,89 -7,00 -36,88 3,65 3,47 1,80 C2 4,05 6,16 0,56 0,57 0,47 -0,25 -0,25 0,12 0,12 0,09 C3 1,53 3,17 4,35 4,32 3,55 -6,50 -19,12 0,57 0,54 0,36 C4 5,34 13,82 0,02 0,02 0,02 -1,27 -1,32 1,55 1,57 1,20 CN 2,21 29,69 85,46 85,34 87,76 -1,56 38,00 79,11 79,48 85,27 C5 3,07 7,84 3,07 3,09 2,62 -0,55 -0,12 9,62 9,77 7,51 C6 8,77 23,67 0,48 0,51 0,47 -3,45 -7,96 4,84 4,77 3,48 C7 11,62 30,67 0,04 0,05 0,05 -2,48 -2,14 0,76 0,76 0,58 C8 10,74 31,17 0,23 0,25 0,24 -1,87 -3,69 0,21 0,21 0,16 C9 6,29 16,67 5,07 5,27 4,69 -2,13 -8,24 10,66 10,65 7,64 C10 0,44 4,33 11,81 11,59 9,76 -1,77 -4,91 1,44 1,44 1,07 C11 1,47 14,86 13,40 13,28 12,18 -1,72 9,26 3,50 3,51 2,99 180,7 C12 2,57 85,52 22,52 22,57 33,08 -0,85 17,52 17,73 38,42 6 C13 1,31 4,40 11,23 11,12 9,28 -0,23 2,01 0,07 0,07 0,06 C14 9,83 17,45 1,80 1,93 1,68 -2,78 6,25 1,01 1,00 0,84 C15 -0,46 0,96 7,40 7,19 5,91 -1,66 0,11 11,99 12,03 9,37 C16 1,15 -0,58 1,13 1,11 0,89 -2,27 -11,38 7,10 7,09 4,92 C17 6,11 13,50 0,12 0,12 0,11 -3,24 -3,45 0,02 0,02 0,01 C18 3,71 20,06 7,16 7,25 6,80 -1,36 1,61 10,36 10,43 8,23 C19 9,63 0,00 0,00 0,00 0,00 1,38 0,00 0,00 0,00 0,00 DV 4,52 9,54 6,12 6,25 5,31 -3,22 -3,76 15,01 14,82 11,28 C20 3,38 16,69 0,05 0,05 0,04 -5,18 -6,35 5,33 5,16 3,90 C21 5,91 7,65 0,69 0,71 0,59 -2,17 -3,23 3,94 3,94 2,98 C22 3,60 7,86 0,64 0,65 0,55 -1,68 1,66 3,86 3,87 3,07 C23 3,73 7,14 2,25 2,28 1,91 -3,18 -5,04 0,65 0,64 0,48 C24 4,51 10,96 0,83 0,85 0,73 -2,55 -5,69 0,28 0,28 0,21 29
  9. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng C25 5,40 13,29 1,67 1,72 1,50 -2,97 -12,00 0,94 0,93 0,65 NK 2,36 26,30 100 100 100 -2,03 28,02 100 100 100 T Nguồn: Kết quả mô phỏng từ mô hình 3.3. Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến ngân sách Nhà nước và phúc lợi Hộ gia đình Thuế nhập khẩu giảm làm cho ngân sách giảm là điều không thể tránh khỏi (giảm 1,44% trong ngắn hạn). Tuy nhiên, giảm thu thuế nhập khẩu lại đi kèm với gia tăng kim ngạch thương mại và mở rộng kinh tế, từ đó lại tạo điều kiện tăng thu từ các sắc thuế khác. Cho nên, trong dài hạn tuy rằng giảm thuế nhập khẩu nhưng ngân sách tăng 3,97%. Kết quả ngân sách tăng là do tăng nguồn thu từ các sắc thuế khác: thuế GTGT tăng 19,33%, thuế TNDN tăng 12,40%, thuế TNCN tăng 8,18%. Nguồn thu từ thuế TNDN, thuế GTGT chiếm trên 80% thu ngân sách Nhà nước (tính toán từ VSAM2012), vì vậy, tăng thu từ các sắc thuế này có thể bù đắp khoản thuế nhập khẩu giảm do hội nhập. Bảng 5. Tác động của giảm thuế nhập khẩu đến Ngân sách và phúc lợi Tốc độ tăng (%) Ngắn hạn Dài hạn Thu ngân sách từ thuế -1,14 3,97 - Thuế nhập khẩu -18,39 -100,00 - Thuế giá trị gia tăng 0,38 19,33 - Thuế thu nhập doanh nghiệp 0,81 12,40 - Thuế thu nhập cá nhân 1,21 8,18 Phúc lợi Hộ gia đình - 2,71 Nguồn: Kết quả mô phỏng từ mô hình Việc thay đổi thuế suất thuế nhập khẩu có nhiều khả năng gây ra bất bình đẳng về thu nhập và sự biến đổi trong phúc lợi hộ gia đình. Do đó, nghiên cứu tiến hành kiểm tra tác động của việc thay đổi thuế suất thuế nhập khẩu đến phúc lợi hộ gia đình. Kết quả cho thấy, trong dài hạn, phúc lợi hộ gia đình tăng (2,71%). 4. Kết luận và hàm ý chính sách Sử dụng mô hình CGE động, bộ dữ liệu VSAM2012 cùng với phần mềm GAMS, nghiên cứu này đã lượng hóa mức độ tác động của của giảm thuế nhập khẩu đến các ngành và cả nền kinh tế trong dài hạn. Giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho kết quả phù hợp với định hướng của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu ngành, về tăng trưởng cũng như tình hình thặng dư thương mại, tăng phúc lợi Hộ gia đình. Tuy nhiên, trước mắt cần thực hiện các giải pháp để khắc phục hậu quả của thâm hụt ngân sách nhà nước. Giảm thuế nhập khẩu làm cho nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp; giảm tỷ trọng nông nghiệp và dịch vụ. Nền công nghiệp Việt Nam không còn dựa vào những ngành có lợi thế về lao động giá rẻ mà dần chuyển sang phát triển các ngành cần lao động có kỹ năng để không những tận dụng các lợi thế so sánh hiện có mà còn giúp tạo thêm những lợi thế mới. Vì vậy, chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy, phát triển những ngành có hàm lượng công nghệ cao nhằm tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ cũng cần cân nhắc các chính sách hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, thay vì gia công là chủ yếu như hiện nay. Mặc khác, khi các nguồn lực được tập trung vào các 30
  10. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng ngành thâm dụng vốn và công nghệ cao, các ngành thâm dụng lao động và nông nghiệp sẽ có thể bị mất dần lợi thế, vì vậy cần phải có chính sách để hỗ trợ và giảm thiểu các thiệt hại của các ngành này. Ngoài ra, khi các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến cho thu ngân sách từ thuế giảm làm cho Chính phủ phải tìm cách bù đắp khoản thâm hụt này bằng các nguồn khác như tăng các loại thuế khác, tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên nhằm giữ ổn định cán cân ngân sách. Tuy nhiên, kết quả mô phỏng cho thấy giảm thu thuế nhập khẩu lại đi kèm với gia tăng kim ngạch thương mại và mở rộng kinh tế, từ đó lại tạo điều kiện tăng thu từ các sắc thuế khác. Cho nên, trong dài hạn tuy rằng giảm thuế nhập khẩu nhưng ngân sách tăng 3,97%. Vì vậy, Chính phủ không nhất thiết phải tăng thuế suất các sắc thuế khác để bù đắp phần giảm thuế nhập nhẩu. Trong bối cảnh nợ công tăng cao hiện nay, giải pháp tăng vay nợ không thể thực hiện. Do vậy, tùy từng giai đoạn và mục tiêu chính sách, các biện pháp cân bằng cán cân ngân sách này cần phải được cân nhắc để đảm bảo được sự ổn định vĩ mô và khuyến khích được sản xuất và tiêu dùng, tránh gây ra những mâu thuẫn với các nỗ lực chính sách khác. Trước mắt, các chính sách nên tập trung vào cắt giảm chi tiêu thường xuyên. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cassing, J. và cộng sự (2010), Báo cáo Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đối với kinh tế Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam. [2] Chen, K. (2004), An Illustrative CGE model, Graduate School of International Corporation Studies (GSICS), Kobe University. [3] CIEM (2016), Ma trận hạch toán xã hội (SAM) Việt Nam năm 2012, NXB Lao động xã hội, Hà Nội. [4] Hosoe, N. (2001). Computable General Equilibrium with GAMS, National Graduate Institute for Policy Studies. [5] Kim Thủy (2015). Những nội dung cam kết về thuế quan trong TPP [Trực tuyến]. Địa chỉ: tpp/1093124/ [Truy cập: 20/06/2016]. [6] Krueger, A. O. (1997), "Free trade agreements versus customs unions", Journal of Development Economics, 54(1), 169–187. [7] Lê Quốc Phương, Đặng Huyền Linh (2009), “Tình hình xây dựng và ứng dụng mô hình kinh tế tại một số cơ quan, tổ chức ở Việt Nam”, Chuyên san dự báo Thông tin khoa học Thống kê, 21-30. [8] Nguyễn Đức Thành & Nguyễn Thị Thu Hằng (2015), Tác động của TPP và AEC lên nền kinh tế Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội. [9] Nguyen Manh, T. (2005), The Long-Term Effect of Trade Liberalization on Income Distribution in Vietnam: A Multi- Household Dynamic Computable General Equilibrium Approach, Kobe University, Japan. [10] Santos‐Paulino, A., & Thirlwall, A. P. (2004), "The impact of trade liberalisation on exports, imports and the balance of payments of developing countries", The Economic Journal, 114(493), 50–72. [11] Shoven and Whalley (1984), Applied General-Equilibrium Models of Taxation and International Trade: An Introduction and Survey, 22(3), 1007-1051. [12] Tào Thị Hoàng Anh (2007), Đổi mới và hoàn thiện các chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Mã số: 5.02.09, Chuyên ngành: Tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng, Học viện Tài chính Hà Nội. [13] Thorbecke. (2005), The use of social accounting matrices in modeling the 26th General Conference of The International Association for Research in Income and Wealth Cracow, Poland. [14] Trương Bá Thanh (2009), Mô hình cân bằng tổng thể ứng dụng trong nghiên cứu cơ cấu ngành và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng. 31
  11. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng [15] VCCI (2015), Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA [Trực tuyến]. Địa chỉ: [Truy cập: 20/06/2016]. [16] Viện Chiến lược phát triển (2008), Đánh giá tác động của gia nhập WTO tới nền kinh tế Việt Nam sử dụng mô hình cân bằng tổng thể (CGE), Diễn Đàn Kinh Tế và Tài Chính, Khóa Họp Lần 7, Triển Vọng Phát Triển Của Việt Nam Một Năm Sau Khi Gia Nhập WTO, Đà Nẵng. [17] World Bank (2002), Building institutions for markets, World Development Report 2002. 32