Chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Cao Bằng hiện nay để hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

pdf 12 trang Gia Huy 18/05/2022 3620
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Cao Bằng hiện nay để hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchinh_sach_phat_trien_khu_kinh_te_cua_khau_o_cao_bang_hien_n.pdf

Nội dung text: Chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Cao Bằng hiện nay để hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

  1. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ CỬA KHẨU Ở CAO BẰNG HIỆN NAY ĐỂ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC 目前发展高平口岸经济区以帮助农产品销向中国的政策之状况 ThS. Nguyễn Thị Hương Giang Đại học Thương mại 阮氏香江硕士 商业大学 Tóm tắt Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng mới được thành lập năm 2014 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng thực sự đã có những đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và của Cao Bằng nói riêng sang nước láng giềng Trung Quốc. Tận dụng những lợi thế của Cao Bằng và của Việt Nam về mặt hàng nông sản, về đường giao thông thuận tiện, về các chính sách nhất quán, hòa hợp , Cao Bằng một mặt triển khai các chính sách của Nhà nước, mặt khác đã ban hành và thực thi các chính sách hiệu quả khác như chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách cạnh tranh, chính sách liên kết, hội nhập khác để vừa thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, vừa để tăng cả về lượng và trị giá, giá trị gia tăng của hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Bài viết đã phân tích thực trạng những chính sách đó của Cao Bằng và đưa ra những đề xuất, kiến nghị để các chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu có thể hỗ trợ hơn nữa hoạt động xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc trong thời gian tới. Từ khóa: Khu kinh tế Cửa khẩu, Cao Bằng, xuất khẩu, nông sản, Trung Quốc 摘要 高平省口岸经济区刚刚于2014年根据政府首相的议决成立,但已经给越南 出口活动,特别是给高平省向邻国的中国的出口活动 做出重大的贡献。利用越南和 高平省关于农产品、方便的交通路线、一贯和谐政策等优势,高平省一面展开国家政 策,另一面实施建设基础设施、竞争政策、链接政策、一体化等其它有效果的政策, 致力于一边促进高平口岸经济区的经济发展,一边增加销往中国的农产品的质量、数 量和附加值。本文已经分析高平这些政策的情况,并提出一些建议,有助于口岸经济 的发展政策在今后时间能够进一步发挥互助农产品销向中国的作用。 关键词:口岸经济区,高平省,出口,农产品,中国 Đặt vấn đề Kinh tế - thương mại vùng biên giới luôn là một vấn đề được quan tâm. Việt Nam có đường biên giới đường bộ dài tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia. Ở phía Bắc, 7 tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc, mở ra cơ hội giao thương, trao đổi hàng hóa và dịch vụ. 578
  2. Hoạt động tại các cửa khẩu của 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai có tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới trên bộ của Việt Nam và Trung Quốc. Các cửa khẩu thuộc tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên mặc dù có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ở mức thấp hơn, quy mô hoạt động còn nhỏ bé nhưng cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển hoạt động thương mại qua biên giới hai nước Việt - Trung. Cao Bằng là tỉnh biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có 332 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, với 03 khu kinh tế cửa khẩu chính (Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang), 03 cửa khẩu phụ (Pò Peo, Lý Vạn, Bí Hà), ngoài ra còn có các cặp chợ, điểm thông quan Những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Cao Bằng và các tỉnh tiếp giáp Trung Quốc đã đạt được những kết quả tích cực, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa - dịch vụ luôn sôi động. Mặt hàng xuất nhập khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng chủ yếu vẫn là hàng nông sản. Những năm gần đây, Nhà nước và tỉnh Cao Bằng đã có những chính sách thúc đẩy phát triển khu kinh tế cửa khẩu để hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, và thực tế đã đạt được nhiều thành công nhưng cũng tồn tại một số hạn chế. 1. Một số vấn đề lý luận về phát triển kinh tế tại các khu kinh tế cửa khẩu 1.1. Khái niệm khu kinh tế cửa khẩu Khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam do Chính phủ hoặc Thủ tướng thành lập, là một không gian kinh tế xác định, gắn với cửa khẩu quốc tế hay cửa khẩu chính của quốc gia, có dân cư sinh sống và được áp dụng những cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, sở tại nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất dựa trên việc quy hoạch, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững các nguồn lực.[2] Tại các khu kinh tế cửa khẩu được áp dụng các loại hình kinh doanh: xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất nhập khẩu, các chi nhánh đại diện các công ty trong nước và ngoài nước, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch. 1.2. Điều kiện hình thành khu kinh tế cửa khẩu - Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được phê duyệt - Có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính - Kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia, giao lưu thuận tiện với các nước láng giềng qua cửa khẩu biên giới đất liền của nước bạn; có điều kiện thuận lợi và nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật - Đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp - Gắn kết giữa phát triển kinh tế với việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia tại khu vực biên giới - Không gây tổn hại đến văn hóa và môi trường 1.3. Đặc điểm của các khu kinh tế cửa khẩu - Khu kinh tế cửa khẩu thường nằm ở các vùng biên giới, cách xa trung tâm văn hóa - chính trị - xã hội của đất nước nên có sự khác biệt rất lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và chất lượng cuộc sống. 579
  3. - Khu kinh tế cửa khẩu thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu, hợp tác và cạnh tranh dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau, bình đẳng, các bên cùng có lợi. - Dân cư tại các khu kinh tế cửa khẩu với dân cư địa phương lân cận của các nước láng giềng có sự tương đồng với nhau về văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo 1.4. Vai trò của các khu kinh tế cửa khẩu Các khu kinh tế cửa khẩu có đóng góp rất lớn đối với kinh tế - xã hội địa phương và kinh tế - xã hội quốc gia, cụ thể: - Tạo điều kiện khai thác, phát huy tiềm năng, ưu thế các địa phương biên giới - Góp phần mở rộng giao lưu, buôn bán - Xây dựng các hệ thống phân phối, cung cấp trên các lĩnh vực - Góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân địa phương và các khu vực lân cận - Cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương 1.5. Chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam Ngay từ năm 1996, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu tiến hành thí điểm xây dựng khu kinh tế Móng Cái thông qua việc phê duyệt một số cơ chế ưu đãi cho khu kinh tế này. Trên cơ sở khu kinh tế Móng Cái, năm 1998, Chính phủ thí điểm ở quy mô rộng rãi hơn với việc phê duyệt chính sách ưu đãi cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo. Đây là lần đầu tiên, tên gọi Khu kinh tế cửa khẩu được sử dụng một cách chính thức. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới. Cuối tháng 12/2002, Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới. 2. Thực trạng chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc 2.1. Tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu và xuất khẩu nông sản của Cao Bằng Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, với 1 thành phố và 12 huyện, nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc với đường biên giới dài 332 km. Trung tâm tỉnh là thành phố Cao Bằng, cách thủ đô Hà Nội 286km theo đường quốc lộ 3, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 130km theo đường Quốc lộ 4A. Hiện nay, trên địa bàn Cao Bằng có 6 chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện việc giao thương với Trung Quốc, nhiều nhất trong các địa phương có biên giới với Trung Quốc, bao gồm: Chi cục hải quan cửa khẩu Tà Lùng, chi cục hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh, chi cục hải quan cửa khẩu Sóc Giang, chi cục hải quan cửa khẩu Bí Hà, chi cục hải quan cửa khẩu Pò Peo, chi cục hải quan cửa khẩu Lý Vạn. Tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Tổng diện tích tự nhiên của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là 30.130,34 ha, bao gồm 37 xã và 3 thị trấn. Ranh giới địa lý Khu kinh tế cửa khẩu tiếp giáp với các huyện: Nà Po, Tịnh Tây, Long Châu, Đại Tân (Quảng Tây, Trung Quốc), với tổng chiều dài biên giới khoảng 200 km (trong tổng số hơn 330 km đường biên giới của tỉnh Cao Bằng). Đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng có một vị trí địa lý rất quan trọng, khoảng cách kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc như: Trùng Khánh, Tứ 580
  4. Xuyên, Quý Châu và Quảng Tây thuận lợi hơn các khu vực khác của nước ta. Theo tính toán, tuyến vận tải này nếu được hình thành ra biển qua cảng Hải Phòng (Việt Nam) sẽ rút ngắn được khoảng cách vận chuyển khoảng 1.100 km so với vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh này ra cảng gần nhất của Trung Quốc. Trong triển vọng, khu kinh tế cửa khẩu sẽ phát triển là một trong những đầu mối giao thông giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như các nước ASEAN với Trung Quốc, trong khuôn khổ xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu và Quảng Tây phía Tây Nam Trung Quốc có diện tích tự nhiên trên 980.000 km2, dân số khoảng 194 triệu người, GDP danh nghĩa năm 2011 khoảng 790 tỷ USD, GPD bình quân đầu người khoảng 4.000 USD, giá trị xuất khẩu khoảng 100 tỷ USD/năm. Riêng thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) có dân số khoảng 33 triệu, tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 50%; được coi là động lực cho phát triển vùng Tây và Tây Nam Trung Quốc, là trung tâm cơ giới đứng thứ 3 Trung Quốc, đứng đầu về sản xuất xe mô tô. Trùng Khánh còn là 1 trong 9 trung tâm sản xuất thép, 1 trong 3 trung tâm sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc và nhiều sản phẩm hóa chất khác. Với khí hậu ôn hòa nhiệt đới, nhiệt độ chưa bao giờ xuống thấp quá 0ºC vào mùa đông, nên điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp. Các nông sản đặc trưng của địa phương như: rau, hạt dẻ, hạt điều, sắn củ, rất phù hợp cho hoạt động xuất khẩu, đóng góp cùng các nông sản khác từ các địa phương để phục vụ hoạt động thương mại cửa khẩu. Đây là những điều kiện thiết yếu quan trọng cho tỉnh Cao Bằng khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế biên mậu và tham gia vào liên kết kinh tế khu vực. 2.2. Những chính sách quốc gia về phát triển kinh tế cửa khẩu Về cơ chế chính sách trước đây, các khu kinh tế cửa khẩu được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001 của Chính phủ về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới và Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 53. Trong giai đoạn này, các khu kinh tế cửa khẩu được thành lập và hoạt động theo Quy chế hoạt động riêng do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Do được ban hành tại nhiều thời điểm khác nhau, do vậy trong các Quy chế hoạt động này còn một số điểm không giống nhau. Sau khi ban hành Nghị định số 29/2008/NĐ-CP: Nghị định số 29/2008/NĐ-CP được ban hành nhằm thống nhất áp dụng cơ chế chính sách cho tất cả các khu kinh tế cửa khẩu. Các Quy chế hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu đã ban hành trước đây được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hiện hành. Về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 2/3/2009 về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu; Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg ngày 10/7/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 21 Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg; Quyết định số 100/2009/QĐ-TTg ngày 30/7/2009 về việc ban hành quy chế hoạt động của khu phi thuế quan trong khu kinh tế Từ năm 2006 đến năm 2014 trung ương đã ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng biên giới, trong đó đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế biên mậu từ các nguồn vốn: Trái phiếu chính phủ, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới (Chương 581
  5. trình 120), chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng (Nghị quyết 37, chương trình 135, chương trình 134, Nghị quyết 30a). Trong khi đó, Trung Quốc có 3 chính sách phát triển biên giới đất liền nằm trong 3 hệ thống chính sách lớn: (1) Chính sách Đại khai thác miền Tây (2) Chính sách “Hưng biên phú dân” (3) Chính sách tự trị dân tộc 2.3. Những chính sách về phát triển kinh tế cửa khẩu Cao Bằng nhằm hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 20/2014/TT-TTg, ngày 11/3/2014 về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng và đang được triển khai. Với Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh giai đoạn 2011-2015 - số 10- CT/TU ngày 29/4/2011, Cao Bằng đã và đang từng bước bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế cửa khẩu, trong đó đã xây dựng kế hoạch cải tiến hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu và quy định đối với người nước ngoài đến du lịch tại khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng quy định riêng về hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tà Lùng; duy trì thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, đáp ứng kịp thời lưu thông biên giới, giữ vững an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị. Sau Quyết định 01/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng về Quy chế quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới của tỉnh Cao Bằng tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây - Trung Quốc) được phép tham gia các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg và 139/2009/QĐ-TTg (sửa đổi bổ sung Quyết định 254). Cao Bằng cũng đã tăng cường trao đổi với các cấp chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây - Trung Quốc để cùng thực hiện thỏa thuận, hợp tác nâng cấp cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu lên thành cửa khẩu quốc tế, cặp cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng, Lý Vạn - Thạch Long thành cửa khẩu chính; trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc về kết nối giao thông từ Tứ Xuyên - thành phố Trùng Khánh - Quảng Tây (Trung Quốc) - Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - tới các nước ASEAN và quốc tế để trình Chính phủ hai nước phê duyệt; tổ chức quản lý, xây dựng, nâng cấp và kết nối giao thông tại cửa khẩu, chợ biên giới, quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện thông quan tại các cửa khẩu và chợ biên giới. UBND tỉnh Cao Bằng nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới để thực hiện các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại. Các lực lượng chức năng chủ động xây dựng phương án chống buôn lậu, gian lận và tiêu thụ hàng giả hàng năm, phối hợp triển khai thực hiện. Đã xây dựng chiến lược sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm hình thành những mặt hàng chủ lực, ổn định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ngoài nước, tạo điều kiện đẩy mạnh quan hệ thương mại, tăng thu ngân sách cho tỉnh. 582
  6. Hoạt động và các cơ chế, chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng thực hiện theo: 1) Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. 2) Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. 3) Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12-11- 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14-3-2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. 4) Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu và các văn bản khác có liên quan. Trong những năm qua, tiếp tục triển khai thực hiện: 5) Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với nước có chung biên giới. 6) Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với nước có chung biên giới. 7) Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. 8) Thông tư số 13/2009/TT-BCT ngày 03/6/2009 của Bộ Công Thương quy định xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu, lối mở biên giới nằm ngoài các khu kinh tế cửa khẩu 9) Thông tư số 42/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 quy định hàng hoá được sản xuất từ nước có chung biên giới nhập khẩu vào nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới hình thức mua, bán trao đổi hàng hoá cư dân biên giới. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn huy động hơn 530 tỷ đồng thực hiện phát triển kinh tế cửa khẩu; riêng nguồn vốn bố trí đầu tư hạ tầng cơ sở trong giai đoạn này là 518,8 tỷ đồng. Trong đó, Cửa khẩu Trà Lĩnh đầu tư 175,7 tỷ đồng; Cửa khẩu Tà Lùng đầu tư 130,1 tỷ đồng; Cửa khẩu Sóc Giang đầu tư 11,5 tỷ đồng; các cửa khẩu còn lại đầu tư 201,5 tỷ đồng. Đã hoàn thành các dự án đường 205 thị trấn Hùng Quốc - Cửa khẩu Trà Lĩnh; nhà để xe và chốt Biên phòng, Trạm kiểm soát liên hợp Tà Lùng; cải tạo, nâng cấp Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Tà Lùng; cải tạo Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Sóc Giang; hệ thống cấp nước Cửa khẩu Đức Long; đường trục chính Cửa khẩu Đức Long Đang tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp, như: Đường thị trấn Cửa khẩu Tà Lùng, Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Trà Lĩnh, đường vào lối mở Nà Đoỏng; cải tạo nâng cấp đường thị trấn Đông Khê - Cửa khẩu Đức Long, Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Lý Vạn, Trạm kiểm soát liên hợp tại lối mở Nà Lạn Ngày 14 tháng 5 năm 2015, tỉnh Cao Bằng và thành phố Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) đã ký thỏa thuận khung về hợp tác xuất khẩu nông sản, hải sản và hoa quả qua cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản, hải sản, hoa quả tươi theo hợp đồng thương mại quốc tế từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. 583
  7. 2.4. Thực trạng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng 2.4.1. Kết quả đạt được - Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua các cửa khẩu ở Cao Bằng là hạt điều nhân, mía cây nguyên liệu, gạo, hàng tiêu dùng Hàng hóa nhập khẩu tập trung vào: phân đạm, ferosilic (một loại hợp kim với thành phân chính là sắt và silic), than cốc Tháng 11/2015, Theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, với 2,02 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 33,4% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sắn và các mặt hàng từ sắn lại chiếm số lượng lớn nhất các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Bảng 1: Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tháng 11/2015 Cộng dồn đến hết tháng Số liệu báo cáo Mặt hàng ĐVT báo cáo Lượng Trị giá (USD) Lượng Trị giá (USD) Hàng thủy sản USD 39.815.616 405.755.007 Hàng rau quả USD 93.638.438 1.083.403.308 Hạt điều Tấn 5.122 37.358.169 43.524 304.451.354 Cà phê Tấn 2.377 6.120.682 25.905 65.482.443 Chè Tấn 670 1.140.755 7.186 11.006.474 Gạo Tấn 79.459 33.045.323 2.023.775 819.914.162 Sắn và các sản phẩm từ sắn Tấn 251.571 82.900.137 3.352.085 1.064.973.147 (Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam) - Giai đoạn 2011-2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng đạt 1.900,24 triệu USD (trong đó xuất khẩu là 828,52 triệu USD, nhập khẩu là 1.071,71 triệu USD). Tổng thu thuế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu là 834,412 tỷ đồng. Tổng thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu giai đoạn 2011-2015 là: 615,2 tỷ đồng, trong đó: năm 2011: 37,2 tỷ đồng, năm 2012: 77,9 tỷ đồng, năm 2013: 206,9 tỷ đồng, năm 2014: 143,7 tỷ đồng, dự kiến 2015: 150 tỷ đồng. Bảng 2: Trị giá xuất, nhập khẩu của Cao Bằng tháng 11/2015 ĐVT: USD Tỉnh Xuất khẩu Nhập khẩu Cao Bằng Tháng 11/2015 11 tháng 2015 Tháng 11/2015 11 tháng 2015 75.032 1.636.141 1.163.424 25.637.943 (Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam) 584
  8. Bảng 3: Thuế hải quan qua các cửa khẩu Cao Bằng giai đoạn 2006-2015 (ĐV: tỷ đồng) Giai đoạn Giai đoạn Giai đoạn Giai đoạn 2006-2010 2011-2013 2013-2015 Số thuế hải quan 283 495 >600 (Nguồn: Hải quan Cao Bằng) - Công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập biên cho người và phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới cửa khẩu được thực hiện đúng thủ tục, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho khách du lịch và nhân dân xuất nhập cảnh qua khu vực cửa khẩu. Giai đoạn 2011-2015 có 2.464.162 lượt người và 131.059 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh. - Công tác thu hút vốn đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu đã đạt được kết quả tích cực. Tính đến 15/5/2015, đã có 46 dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh (trong đó có 08 dự án đầu tư có vốn nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 30,855 triệu USD và 38 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 2.953 tỷ đồng). Hiện nay đã có 20 dự án đi vào hoạt động bước đầu có hiệu quả góp phần tạo công ăn, việc làm cho người lao động (hơn 200 lao động, với thu nhập từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng) và tăng thu ngân sách cho địa phương. 2.4.2. Một số hạn chế khi phát triển khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng Do thời gian phát triển chưa lâu, vừa triển khai vừa nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nên bên cạnh một số kết quả bước đầu đã đạt được, trong thời gian qua phát triển kinh tế tuyến biên giới, nhất là các khu kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như sau: - Thứ nhất: Quy hoạch, thành lập khu kinh tế chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng thực tế Việc lập quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu và các cửa khẩu còn nhiều bất cập, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Các cửa khẩu chính nằm trong khu kinh tế đang được điều chỉnh quy hoạch; các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cửa khẩu tiếp tục được điều chỉnh để triển khai, như: Quy hoạch điều chỉnh thị trấn cửa khẩu Tà Lùng và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tà Lùng; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Hùng Quốc và khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh. - Thứ hai: Thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu gặp nhiều khó khăn, đóng góp của các khu kinh tế cửa khẩu vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương còn khiêm tốn Do thời gian phát triển chưa lâu, nên kết quả thu hút đầu tư của các khu kinh tế cửa khẩu còn khiêm tốn, chưa thu hút được các dự án động lực thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế. Thực tế cho thấy để một khu kinh tế cửa khẩu có thể phát triển tốt cần có dự án động lực, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và thương mại phát triển. Tuy nhiên, khu kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng hiện nay chưa đáp ứng được cả 3 yếu tố này nên rất khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu. 585
  9. Hiện nay, các khu kinh tế cửa khẩu do mới thành lập, đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng nên mức độ phát triển, vai trò động lực và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương và phát triển vùng còn khiêm tốn. Các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu kinh tế cửa khẩu còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Thứ ba: Các khu kinh tế cửa khẩu ở phía Bắc nói chung và tỉnh Cao Bằng chưa được định hướng thu hút các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, chưa tạo được sự liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động Các khu kinh tế đều có chung định hướng đầu tư, do đó chưa phát huy được lợi thế so sánh dẫn đến sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các khu kinh tế cửa khẩu. Đồng thời, các khu kinh tế chưa thể hiện được mối quan hệ liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động mặc dù một số khu kinh tế có vị trí địa lý và các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông kết nối để hình thành mối quan hệ này. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là do công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực phát triển khu kinh tế cửa khẩu chưa thực sự rõ ràng, hợp lý; chưa có cơ chế, chính sách định hướng đầu tư, liên kết theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù từng khu kinh tế. Thứ tư: Cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu còn một số bất cập - Hiện nay, Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 quy định quản lý cửa khẩu biên giới đất liền mới chỉ quy định về mô hình cửa khẩu tại các cửa khẩu quốc tế, các cửa khẩu phụ, các điểm thông quan, các lối mở chưa có mô hình về cơ sở hạ tầng và cơ cấu tổ chức hoạt động theo một chuẩn mực. - Tại cửa khẩu mới có 3 lực lượng: Hải quan, biên phòng và kiểm dịch. Nhưng cơ quan, máy móc kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu là chưa có, các văn bản pháp luật chưa đề cập việc bố trí các cơ quan này tại các cửa khẩu. - Bộ Luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự hiện nay chưa quy định cho cơ quan Hải quan được thực hiện hoạt động điều tra, khởi tố đối với các loại tội phạm về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trốn thuế, vi phạm môi trường Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống buôn lậu của cơ quan Hải quan. - Văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa thực sự bao quát hết các khía cạnh hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu với những đặc thù khác của khu công nghiệp, khu chế xuất về quy hoạch, về thành lập và cơ chế hoạt động. Nhiều quy định đối với khu công nghiệp được áp dụng chung cho các khu kinh tế trong khi khu kinh tế có những sự khác biệt về quy mô, chức năng, mục tiêu phát triển. Thứ năm: Nguồn lực phát triển khu kinh tế cửa khẩu còn hạn chế Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng mới được đầu tư, đưa vào sử dụng, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Bởi vậy, yếu tố nguồn lực lúc này là rất quan trọng. Nhưng do không đủ nguồn lực để đầu tư đồng bộ nên đường sá, kho tàng, bến bãi phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn thiếu, giảm đi lợi thế cạnh tranh. Thực tế, hiện nay, số lượng cung ứng 586
  10. các dịch vụ giao nhận, kho tàng, bến bãi, bao bì, đóng gói, bảo quản hàng hóa còn quá mỏng so với khối lượng hàng hóa được xuất nhập khẩu qua biên giới. Bên cạnh đó, nguồn thông tin về chính sách của cả 2 quốc gia và quốc tế cũng là một cản trở trong sự phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Sự thiếu thông tin hoặc thông tin đến chậm, hoặc không nắm bắt thông tin, làm cho sự ứng phó với những thay đổi thiếu linh hoạt. Điều này đặc biệt quan trọng trong giao thương biên mậu với Trung Quốc khi mà quốc gia này luôn có những sự thay đổi chính sách thường xuyên và mang tính chất “bất thình lình”. Ngoài ra, chính sách phát triển thương mại biên giới của Việt Nam với Trung Quốc vẫn chưa có chiến lược lâu dài, gây ra sự bị động, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động thương mại biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản. Những mặt hàng nông sản nếu không được bảo quản mà thời gian thông quan quá lâu, không có kho bãi lưu giữ cẩn thận sẽ giảm chất lượng, thậm chí không đủ tiêu chuẩn sau khi thủ tục thông quan xong. Hiện nay thủ tục thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu theo Hệ thống VNACCS/VCIS, theo đó, thời gian trung bình để giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ xuống còn 34 giờ, còn hàng xuất khẩu cũng chỉ cần 6 giờ, thay vì 16 giờ như trước. 3. Một số hàm ý chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc Hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng chủ yếu là hàng nông sản, bởi vậy, những chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng một mặt để khắc phục những hạn chế đã nêu ra, nhưng mặt khác chủ yếu để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản. 3.1. Chính sách xây dựng đồng bộ kết cấu cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Cơ sở hạ tầng là điều kiện nguồn lực cơ bản đầu tiên để phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, thu hút nguồn vốn, ưu đãi đất đai, giải ngân bước đầu tạo nên một cơ sở hạ tầng cơ bản cho sự phát triển. Ngoài ra, cần thực hiện chính sách xây dựng đường giao thông để tăng cường sự kết nối Cao Bằng với các địa phương khác, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, đặc biệt cần thiết cho hàng nông sản. Đẩy mạnh việc hình thành tuyến hành lang kết nối giao thông để vận chuyển hàng hóa từ Thành Đô - Trùng Khánh - Bách Sắc (Trung Quốc) đến Cao Bằng - Hà Nội, Hải Phòng (Việt Nam) đi các nước ASEAN, sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi để hàng hóa của 2 bên trao đổi hợp tác với nhau về nhiều mặt như: xây dựng nguồn năng lượng, khai thác khoáng sản, du lịch xuyên quốc gia, kỹ thuật nông nghiệp, giao thông vận tải, trao đổi giao lưu hàng hóa và quản lý cửa khẩu. Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng quy mô hơn với các phân khu phục vụ thương mại - dịch vụ - du lịch - công nghiệp - nông, lâm nghiệp, tạo thành khu thu hút đầu tư, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Thu hút đầu tư các cơ sở hạ tầng mềm, như các dịch vụ logistic, dịch vụ xúc tiến thương mại để hỗ trợ, rút ngắn thời gian thông quan. 587
  11. 3.2. Chính sách cạnh tranh Khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ mang lại tiềm lực phát triển cho mỗi địa phương. Cao Bằng cần tận dụng khu kinh tế cửa khẩu để có sự bứt phá. Mặc dù khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng được xây dựng sau, nhưng Tỉnh cần đầu tư để khai thác lợi thế, tạo sự khác biệt và nâng cao sức cạnh tranh. Sự cạnh tranh đến từ chính sách thông quan linh hoạt, hạ tầng đầy đủ, giảm chi phí cho các doanh nghiệp Điều này muốn đạt được, thì những chính sách về nguồn lực phải được thực hiện triệt để, tận dụng đường biên giới tương đối bằng phẳng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, tận dụng hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động chính là xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, khu kinh tế của khẩu Cao Bằng cần có chính sách thúc đẩy khả năng gia tăng giá trị. Giá trị mới được tạo ra nhờ tổ chức sản xuất trong khu kinh tế cửa khẩu thông qua các doanh nghiệp. Giá trị hình thành do chênh lệch giá cả các yếu tố sản xuất, sản phẩm, dịch vụ trong nước và nước láng giềng. Các mặt hàng nông sản vận chuyển từ trong tỉnh và các địa phương đến khu cửa khẩu, cần có khu vực cho các doanh nghiệp thực hiện việc phân loại, bảo quản, chế biến hay sơ chế. Những hoạt động này góp phần tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu. Dịch vụ du lịch gắn liền với các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản tại chỗ này cũng có cơ hội thu hút khách, tăng cơ hội quảng bá, tăng lợi thế so sánh cho sản phẩm. Chính việc phân loại lại, bảo quản, chế biến tại chỗ này là cơ hội để đánh giá lại chất lượng nông sản, tăng khả năng xuất khẩu. 3.3. Chính sách liên kết, hội nhập với vấn đề an ninh Trong bối cảnh thế giới luôn biến động cả về kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt các chính sách đối ngoại, biên mậu của Trung Quốc thì việc liên kết phát triển thương mại giữa các địa phương, vùng sẽ là một giải pháp tốt để ổn định, phát triển cho Cao Bằng. Cao Bằng phải thường xuyên có những thông tin liên quan đến xúc tiến thương mại cho các địa phương, để lượng nông sản xuất khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu đạt được mức cao, trở thành cầu nối quan trọng giữa Trung Quốc với doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong nước. Hoạt động thương mại biên giới luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ và có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy, nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động thương mại biên giới cần được triển khai thường xuyên. Cùng với việc phân cấp, phân quyền, bố trí công việc phù hợp là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tại khu kinh tế cửa khẩu. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác xúc tiến thương mại cần hoạt động chuyên nghiệp hơn, cần được trang bị các kiến thức cơ bản về thị trường xuất khẩu và về ngoại ngữ. Đội ngũ thương nhân cũng cần được chia sẻ nhiều thông tin hơn về thị trường, sản phẩm, chính sách không chỉ trong nước mà cả của thế giới, đặc biệt là của Trung Quốc. Cần khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý tích cực học hỏi, tham chiếu kinh nghiệm quản lý các khu kinh tế cửa khẩu khác thành công và chưa thành công cả trong nước và quốc tế để vận dụng có hiệu quả vào khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng. Nên mạnh dạn xây dựng quan hệ kết nghĩa hoặc hợp tác giữa khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng với các khu kinh tế cửa khẩu khác ở Việt Nam hoặc ở các nước để tranh thủ khai thác các cơ hội xuất hiện nhờ mở rộng quan hệ. 588
  12. Tài liệu tham khảo 1. Báo Cao Bằng, baocaobang.vn, Cơ hội để Cao Bằng phát triển (2014). 2. Báo Công Thương, baocongthuong.vn, Cao Bằng: Ưu tiên phát triển kinh tế cửa khẩu. 3. Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng, Vài nét giới thiệu về Cao Bằng. 4. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định 1531/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 “Về việc phê duyệt Đề án “ Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. phat-trien-khu-kinh-te-cua-khau-Viet-Nam-vb205875.aspx 5. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn(2015), Phát triển các khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Hà Giang, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 6. GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, Nguyễn Thị Thu Hiền (2015), Chính sách phát triển tuyến biên giới đất liền của Trung Quốc, Viện nghiên cứu Trung Quốc. 7. PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (2015), Một số kinh nghiệm quốc tế về thu hút nguồn lực vào phát triển khu kinh tế cửa khẩu và bài học đối với khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, Đại học Kinh tế Quốc dân. 8. TS. Vũ Hoàng Linh, Viện Kinh tế Việt Nam (2015), Thương mại biên giới Việt - Trung: hạn chế của mô hình hiện tại và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, Nghiên cứu kinh tế số 444 - tháng 5/2015. 589