Chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong điều kiện hội nhập AEC

pdf 13 trang Gia Huy 2930
Bạn đang xem tài liệu "Chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong điều kiện hội nhập AEC", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchuyen_dich_co_cau_lao_dong_o_viet_nam_theo_trinh_do_chuyen.pdf

Nội dung text: Chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong điều kiện hội nhập AEC

  1. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM THEO TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP AEC TRANSFORMING THE STRUCTURE OF LABOR IN VIETNAM BY QUALITY TECHNICAL QUALIFICATIONS IN CONDITIONS OF INTEGRATION AEC ThS. Hồ Thị Mai Sương Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam phải thực hiện các cam kết về tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao độngcó kỹ năng tay nghề. Hiện nay, lao động của Việt Nam được đánh giá có chất lượng thấp so với khu vực và trên thế giới. Do đó, gia nhập vào AEC sẽ có nhiều thách thức trong việc di chuyển lao động trình độ cao của Việt Nam sang các nước ASEAN, đồng thời đây cũng là cơ hội để nâng cao trình độ tay nghề của lao động. Do vậy, mục tiêu của bài viết là đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật ở Việt Nam khi tham gia vào AEC. Bằng phương pháp thống kê mô tả, phương pháp so sánh, đánh giá, bài viết đi sâu phân tích thực trạng và tác động của AEC đếnchuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật; từ đó đề ra các giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: AEC, chất lượng lao động, lao động,tự do di chuyển, trình độ chuyên môn kỹ thuật Abstract Joining the ASEAN Economic Community, Vietnam must fulfill commitments to free movement of goods, services, investment and skilled labor. At present, Vietnam's labor is assessed to have low quality compared to the region and the world. Therefore, joining the AEC will have many challenges in moving highly qualified labor of Vietnam to ASEAN countries, and this is also an opportunity to improve the skill level of labor. Therefore, the purpose of this study is to provide solutions to promote the shift of labor structure according to technical and professional qualifications in Vietnam when participating in the AEC. By means of descriptive statistics, comparative method, evaluation, article analyzes the status and impact of the AEC on labor restructuring according to professional qualification; From this point of view, solutions to improve the professional qualification for Vietnamese workers are now available. Keywords: AEC, quality of labor, labor, freedom of movement, professional qualification 1. Đặt vấn đề Trong thời gian qua, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng ở phạm vi khu vực và quốc tế. Mốc đánh dấu là Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998 và Tổ chức 83
  2. Thương mại Thế giới năm 2007. Đồng nghĩa với gia nhập vào các tổ chức, Việt Nam đã ký chính thức vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, cuối năm 2015, Việt Nam tham gia chính thức vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Điều này đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc hội nhập sâu vào nền kinh tế của khu vực và quốc tế cùng với các cam kết chặt chẽ về tiêu chuẩn lao động và dịch chuyển lao động. Theo quy định của AEC, sẽ có 8 ngành nghề, lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, điều tra viên và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được di chuyển tự do hơn. Như vậy, AEC được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Đứng trước ngưỡng cửa của AEC, Việt Nam sẽ gặp nhiều cơ hội khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang trong thời kỳ dân số vàng, theo Tổng cục Thống kê, ước tính đến năm 2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,4 triệu người, tăng 455,6 nghìn người so với năm 2015, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,7 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2016 ước tính 53,3 triệu người, tăng 451,1 nghìn người so với năm 2015(Tổng cục Thống kê, 2016b). Theo Viện khoa học lao động và xã hội vàTổng cục thống kê (2016) thì tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2016 ước tính đạt 20,98%, cao hơn mức 20,78 % của năm 2015.Tuy nhiên, xét về chất lượng lao động thì Việt Nam là quốc gia được đánh giá là quốc gia có chất lượng lao động thấp, tỷ lệ lao động phổ thông cao hơn tỷ lệ lao động được qua đào tạo. 2. Cơ sở lý thuyết về chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật 2.1. Cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật Cơ cấu lao động (CCLĐ) có thể hiểu là một đại lượng kinh tế phản ánh số lượng lao động hợp thành nguồn lao động và thể hiện mối quan hệ tỷ lệ giữa các bộ phận đó so với tổng nguồn lao động theo một tiêu thức nhất định. Cơ cấu lao động có thể được phân chia theo nhiều cách tiếp cận khác nhau như: CCLĐ theo ngành kinh tế; CCLĐ theo trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật; CCLĐ theo thành thị, nông thôn; CCLĐ theo giới tính, độ tuổi; CCLĐ theo vùng kinh tế. Nếu phân loại cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thì có thể phân loại thành các nhóm: Lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; Công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ có bằng; Lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp; Lao động có trình độ cao đẳng trở lên. Trong đó, chuyên môn kỹ thuật được hiểu là trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề và khả năng sử dụng các ứng dụng khoa học công nghệ của người lao động. Trình độ chuyên môn kỹ thuật là trình độ chuyên ngành mà người lao động được đào tạo. 84
  3. 2.2. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật Chuyển dịch cơ cấu lao động là quá tình biến đổi, chuyển hóa khách quan từ cơ cấu lao động cũ sang cơ cấu lao động mới tiến bộ hơn, phù hợp với quá trình và trình độ phát triển kinh tế xã hội. “Chuyển dịch CCLĐ là sự thay đổi qua thời gian về tỷ trọng của từng bộ phận trong tổng số lao động theo một không gian, thời gian nào đó và diễn ra theo một xu hướng nào đó (tăng lên, giảm đi, )”(Phạm Quý Thọ, 2006, tr. 18) Chuyển dịch cơ cấu lao động là một quá trình vận động, chuyển hóa từ cơ cấu lao động này sang cơ cấu lao động khác, tiên tiến hơn phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia trong một giai đoạn nhất định. Hay nói một cách khác, chuyển dịch cơ cấu lao động là quá trình làm thay đổi cấu trúc và mối quan hệ lao động, cụ thể là phân bố và bố trí lực lượng lao động theo xu hướng tiến bộ, sử dụng hiệu quả nguồn lao động nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển nền kinh tế quốc gia. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế thì yêu cầu về lao động được qua đào tạo ngày càng cao. Nếu CCLĐ không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ trọng cao thì khả năng vào thị trường quốc tế rất khó. Như vậy, các quốc gia cần phải làm tăng CCLĐ qua đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật, giảm dần CCLĐ không qua đào tạo. Như vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong điều kiện hội nhập kinh tế chính là sự chuyển đổi từ CCLĐ không có chuyên môn kỹ thuật sang CCLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhằm đảm bảo yêu cầu của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. 3. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong điều kiện hội nhập AEC 3.1. Cộng đồng kinh tế ASEAN và quy định về tự do di chuyển lao động ASEAN được thành lập năm 1967, hiện nay bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á: Burunay, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngày 22/11/2015, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN" vào 31/12/2015.Nội dung của AEC được thực hiện với 04 trụ cột: một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều; Một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu (ILO & ADB, 2013).Trong thời gian đầu sau khi thành lập, AEC cho phép 8 ngành nghề được di chuyển tự do nội khối bao gồm: kỹ sư, điều dưỡng, kiến trúc sư, khung chứng chỉ điều tra viên, bác sỹ, nha sỹ, kế toán và du lịch.Hiện nay, các thành viên của ASEAN đều hướng tới chiến lược phát triển kinh tế gắn với phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao. Để góp phần phát triển thương mại dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng năng suất thì vấn đề dòng tự do di chuyển lao động có trình độ, chất lượng cao trong AEC là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Dòng tự do di chuyển lao động trình độ cao trong nội khối thể hiện thông qua việc cho phép huy động và thúc dẩy dòng lao động trong 85
  4. các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo những quy định của nước tiếp nhận. Để đạt được mục tiêu chung thì AEC đề ra kế hoạch chung là thúc đẩy việc phát hành thực thi và giấy phép làm việc cho các nhà chuyên môn và lao động kỹ năng của ASEAN cho những người liên quan đến các hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Do đó, nội dung tự do hóa của vấn đề này chính là bãi bỏ tình trạng phân biệt việc làm. Nguồn lao động có trình độ cao như các chuyên gia, thợ lành nghề trong đó có nguồn lao động được đào tạo với chuyên môn sau và trình độ đào tạo đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ sẽ được di chuyển tự do hơn. Để thực hiện được nội dung này, hai vấn đề quan trọng liên quan đến thúc đẩy sự di chuyển tự do của lao động kỹ năng là hài hòa hóa tiêu chuẩn về giáo dục và đào tạo và ký hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) về đào tạo nghề.AEC sẽ đảm bảo sự thống nhất cao về tiêu chuẩn trình độ lao động giữa các quốc gia trong nội khối, đảm bảo người lao động có cơ hội phát triển kỹ năng, tay nghề của mình ở những môi trường khác nhau với mức thu nhập phù hợp. Điều này sẽ giúp các nước nâng cao được trình độ, chuyên môn kỹ thuật của nguồn lao động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực ở các quốc gia nội khối, trong đó có Việt Nam. 3.2. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật ở Việt Nam Theo Báo cáo lao động việc làm quý 3 năm 2016 của Tổng cục thống kê, tính đến quý 3/2016 cả nước có khoảng 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động chiếm khoảng 76,7% dân số. Trong đó, khoảng 53,3 triệu người có việc làm. Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động như hiện nay thì Việt Nam là quốc gia đang trong thời kỳ dân số vàng. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng như hiện nay, chất lượng lao động ở Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Đánh giá trên tiêu chí trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động Việt Nam đang tiếp tục cải thiện, đặc biệt là lao động qua đào tạo. Biểu đồ 3.1. Cơ cấu lao động có bằng cấp chứng chỉ giai đoạn 2005 - 2016 Đơn vị: % Nguồn: Viện khoa học Lao động và Xã hội (2016), Tổng cục Thống kê (2016b) 86
  5. Biểu đồ trên cho biết cơ cấu lao động có bằng cấp chứng chỉ trong giai đoạn 2005 đến 2016 với xu hướng tăng lên. Năm 2005, Việt Nam có 11,23 triệu lao động có trình độ CMKT chiếm 25,3% tổng LLLĐ. Trong đó có 6,1 triệu người có bằng cấp/chứng chỉ (bao gồm các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học) đạt 13,74% so với tổng số lao động đang có việc làm. Tỷ lệ này tăng đều qua các năm và đến năm 2015 cả nước có 28,05 triệu người có CMKT, chiếm 51,64% tổng LLLĐ. Tuy nhiên, chỉ có 10,56 triệu người có bằng cấp/chứng chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng LLLĐ (20,78%). Năm 2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật với bằng cấp/chứng chỉ từ 3 thanǵ trở lên là 11,42 triệu, chiếm 20,98% lực lượng lao động. Như vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong giai đoạn 2005 - 2016 đã có chuyển biến theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động, số lượng lao động không có trình độ chuyên môn giảm và tăng số lượng lao động qua đào tạo. Tính đến quý 3 năm 2016, tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ theo trình độ chuyên môn kỹ thuật có sự khác biệt, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng trở lên chiếm tỷ trọng lớn nhất và lao động qua dạy nghề lại chiếm tỷ lệ thấp. Biểu đồ 3.2. Cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật tính quý 3/2016 Đơn vị: % Nguồn: Viện Khoa học lao động và xã hội (2016) Biểu đồ 3.2 cho thấy tỷ trọng lao động qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong quý 3/2016, trong đó lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ cao nhất và trình độ cao đẳng nghề có tỷ lệ thấp nhất. Số lượng lao động có trình độ đại học và trên đại học là 4955,7 nghìn người chiếm 43,39%, tiếp theo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 1525,7 nghìn người. Nhóm lao động qua đào tạo nghề có khoảng 2770,6 nghìn người, trong đó, sơ cấp nghề chiếm 15,14%; trung cấp nghề 6,65% và thấp nhất là cao đẳng nghề chiếm 2,45%. Như vậy, sự chênh lệch trong cơ cấu đào tạo thể hiện qua hai nhóm, tỷ lệ đào tạo cao đẳng, đại học, trên đại học chiếm tỷ lệ cao (khoảng 56,78%) và đào tạo nghề chiếm tỷ lệ thấp (chỉ khoảng 24,24%). Thực trạng cho thấy lao động trực tiếp chiếm tỷ lệ thấp và lao động gián tiếp chiếm tỷ lệ cao. Điều này đặt ra vấn đề cần quan tâm 87
  6. trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo các trình độ nhằm đảm bảo yêu cầu khi tham gia cộng đồng kinh tế AEC, đặc biệt tăng tỷ lệ công nhân kỹ thuật cao. So sánh sự thay đổi trong cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật tại hai thời điểm là quý 3 năm 2015 và quý 3 năm 2016 nhằm đánh giá chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Bảng 3.1. Số lượng lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, quý 3/2015 và quý 3/2016 Q3/2015 Q3/2016 Tốc độ tăng Chỉ tiêu (nghìn người) (nghìn người) (%) Tổng cả nước 54319,3 54435,1 0,21 Không có trình độ CMKT 43329,1 43013,8 -0,73 Dạy nghề từ 3 tháng trở lên 2577,7 2770,6 7,48 TCCN 2133,2 2169,2 1,69 CĐCN 1534,7 1525,7 -0,59 ĐH, trên ĐH 4735,9 4955,7 4,64 Không xác định 8,7 0 Nguồn: Tổng cục thống kê (2016a) Lực lượng lao động cả nước quý 3 năm 2016 là 54435,1 nghìn người tăng lên 0,21% so với quý 3 năm 2015 (54319,3 nghìn người), trong đó lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật giảm đi 0,73% và lao động qua đào tạo tăng 4%. Đối với cơ cấu lao động theo trình độ, lao động qua đào tạo nghề (dạy nghề từ 3 tháng trở lên bao gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) tăng lên 7,48% (từ 2577,7 nghìn người ở quý 3/2015 lên 2770,6% vào quý 3/2016); trình độ đại học và trên đại học tăng lên 4,64% (tăng từ 4735,9 nghìn người lên 4955,7 nghìn người) và trung cấp chuyên nghiệp tăng 1,69% (tăng từ 2133,2 nghìn người lên 2169,2); trong khi đó cao đẳng chuyên nghiệp có xu hướng giảm với 0,59% (giảm từ 1534,7 nghìn người còn 1525,7 nghìn người). Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của Viện Khoa học lao động và xã hội vàTổng cục thống kê (2015), so với quý 4/2014, lao động có trình độ CMKT quý 4/2015 tăng ở 4 nhóm: đại học trở lên tăng 735 nghìn người (17,9%); cao đẳng chuyên nghiệp tăng 296 nghìn người (25,07%); trung cấp chuyên nghiệp tăng 132 nghìn người (6,6%) và sơ cấp nghề tăng 108 nghìn người (6,88%). Lao động có trình độ CMKT bị giảm ở 2 nhóm: cao đẳng nghề giảm 105 nghìn người (-36,99%); trung cấp nghề giảm 155 nghìn người (-17,83%). Đây là nguyên nhân dẫn đến việc không đạt được mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề trong giai đoạn 2011 - 2015. Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2016, chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ lao động đã có xu hướng tăng ở nhóm lao động qua đào tạo nghề. Nguyên nhân là do lĩnh vực đào tạo nghề Việt Nam đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mở rộng quy mô, mạng lưới và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng thị trường lao động, đặc biệt là việc tham gia vào AEC trong lĩnh vực đào tạo nghề. 88
  7. 3.3. Triển vọng chuyển dịch cơ cấu lao động và những yêu cầu đặt ra đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam trong điều kiện hội nhập AEC Triển vọng chuyển dịch cơ cấu lao động Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, các thành viên trong khối sẽ đối mặt với những cạnh tranh gay gắt mang tính toàn diện, trong đó có yếu tố lao động có trình độ, kỹ năng cao. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải đầu tư cho dịch vụ giáo dục đào tạo và dạy nghề. Đào tạo hướng tới đáp ứng nhu cầu xã hội, không chỉ đảm bảo yêu cầu trong nước mà phải đáp ứng tiêu chuẩn chung mà AEC đưa ra. Hợp tác khu vực cũng rất cần thiết để phát triển và chuẩn hóa các khung công nhận kỹ năng và để chia sẻ các thông lệ tốt nhất giúp thu hẹp mọi khoảng cách về kỹ năng. Sự thay đổi lao động theo kỹ năng cao, trung bình và thấp được dự báo cho các quốc gia đến năm 2025 do tác động của AEC. Các quốc gia có sự biến động lớn về nhu cầu lao động theo kỹ năng như Indonesia, Philippin và Việt Nam. Biểu đồ 3.3. Thay đổi ước tính về lao động theo kỹ năng, 2010 - 2025 Nguồn: ILO và ADB (2013) Đối với Việt Nam, sự chuyển đổi cơ cấu dưới tác động của hội nhập AEC sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về các trình độ kỹ năng khác nhau. Dự báo của ILO và ADB cho thấy từ năm 2010 đến 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng mạnh nhất (27,9%), tiếp theo là lao động có trình độ kỹ năng thấp (22,6%). Các chính sách thương mại trong khuôn khổ hội nhập AEC sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong 2 nhóm kỹ năng trên lên gấp đôi trong giai đoạn từ 2010 đến 2025. Trong khi đó, tăng trưởng về việc làm trong nhóm nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao thấp hơn nhiều, chỉ tăng ở mức 13,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia và Philippin và cao hơn so với Lào, Campuchia và Thái Lan. Đây là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước và cạnh tranh với nguồn lực của các quốc gia trong khu vực. 89
  8. Giai đoạn 2016 - 2025, tăng trưởng kinh tế phục hồi và kết quả từ những cải cách cơ cấu kinh tế, đồng thời thực hiện các chính sách đổi mới trong giáo dục đào tạo sẽ làm tăng nguồn cung lao động qua đào tạo. Hơn nữa, đây là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng, đặc biệt tác động của AEC. Khi gia nhập vào AEC, Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định từ các hiệp định, trong đó việc công nhẫn lẫn nhau, chuyển đổi vể kỹ năng trong một số lĩnh vực và một số nghề sẽ tạo điều kiện cho lao động của các nước của ASEAN có thể tham gia thị trường lao động bên ngoài với mức lương hợp lý, hấp dẫn hơn. Đây chính là sự tự do di chuyển lao động trong nội khối các nước ASEAN. Do đó, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ theo hướng nâng cao chất lượng lao động, tăng số lượng lao động qua đào tạo. Bảng 3.2. Dự báo một số chỉ tiêu về lao động từ năm 2017 - 2020 Chỉ tiêu 2017 2018 2019 2020 2025 Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 56,26 57,04 57,77 58,56 62,02 (triệu người) Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (%) 77,76 77,89 77,92 78,03 75,70 Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%) 55,96 58,00 59,89 61,75 69,46 Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo 22,39 23,34 24,18 25,34 32,97 có bằng cấp/chứng chỉ (%) Nguồn: Viện khoa học Lao động và Xã hội (2016) Theo dự báo của Viện Khoa học Lao động và xã hội, thì tỷ lệ lao động qua đào tạo giai đoạn 2017 - 2025 có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2017đạt 55,96%, tăng lên gần 69,46% năm 2020, trong đó, tương ứng tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ cũng sẽ tăng từ 22,39% năm 2017 lên 32,97% năm 2025. Những yêu cầu đối với nguồn lao động ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập AEC Chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật theo hướng tích cực là một triển vọng tác động của việc gia nhập AEC. Tuy nhiên, những quy định khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN đã đặt ra thách thức lớn đối với việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động. Với thực trạng nguồn lao động của Việt Nam hiện nay đã đặt ra yêu cầu đối với việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nâng cao trình độ và chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay, tỷ lệ đào tạo đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ cao trong khi tỷ lệ đào tạo nghề chiếm tỷ lệ thấp. Biểu đồ 3.2. cho thấy sự chênh lệch trong cơ cấu đào tạo thể hiện qua hai nhóm, tỷ lệ đào tạo cao đẳng, đại học, trên đại học chiếm tỷ lệ cao (khoảng 56,78%) và đào tạo nghề chiếm tỷ lệ thấp (chỉ khoảng 24,24%). Tuy nhiên, xét về chất lượng đào tạo, một trong những chỉ tiêu có thể đánh giá đó là việc giải quyết việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, thì chương trình đào tạo đại học hiện nay chủ yếu là dựa vào năng lực sẵn có và chủ yếu là lý thuyết. Do đó, tỷ lệ sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng là rất ít. Từ thực tế này, 90
  9. ngay trong năm 2007, Bộ Giáo dục và Ðào tạo phát động phong trào "Nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội". Hơn nữa, việc gia nhập AEC đòi hỏi lao động trình độ đại học đảm bảo tiêu chuẩn chung của khu vực, đặc biệt lao động phải có trình độ ngoại ngữ được di chuyển tự do. Như vậy, mặc dù tỷ lệ qua đào tạo đại học đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng chúng ta cần chú ý đến chất lượng. Do đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học đaṕ ứng nhu cầu xã hội phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, AEC cho phép sự di chuyển tự do của các nguồn lao động có trình độ cao như các chuyên gia, thợ lành nghề thông thạo ngoại ngữ. Trong khi đó, tỷ lệ lao động của Việt Nam qua đào tạo nghề vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Theo ILO vàADB (2013), đến năm 2025, Việt Nam nằm trong số sáu nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) có hơn một nửa việc làm yêu cầu tay nghề cao sẽ được đảm nhiệm bởi những ứng viên không đủ trình độ. Biểu đồ 3.4. Mức độ không đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, trình độ giáo dục các ngành nghề kỹ năng cao, 2025 Lao động không đáp ứng nhu cầu tăng thêm theo AEC (trục đơn vị trái - nghìn) Lao động không đáp ứng nhu cầu tăng thêm theo đường cơ sở (trục đơn vị phải - %) Tỷ lệ lao động không đáp ứng được yêu cầu so với số lao động tay nghề cao (trục đơn vị phải) Nguồn: ILO và ADB (2013) Biểu đồ trên cho thấy, Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu lao động không đáp ứng tiêu chuẩn trong thị trường lao động của ASEAN, chiếm hơn 30%. Tỷ lệ này thấp nhất so với các nước còn lại (Indonesia chiếm 63%; Campuchia và Lào gần bằng 59%; Thái Lan chiếm gần 55% và Philippin khoảng 45%).Điều này đòi hỏi đào tạo nghề Việt Nam cần mở rộng quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu từ AEC, nguồn lao động Việt Nam cần đảm bảo chất lượng. Theo tiếp cận và phạm vi nghiên cứu, bài viết tập trung vào yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đại học đồng thời mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Điều này có thể khẳng định 91
  10. lại tầm quan trọng của việc cải thiện giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn trình độ, kỹ năng trong khu vực và quốc tế. 4. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật trong điều kiện hội nhập AEC Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệu hiện nay, Việt Nam tham gia nhiều vào các hiệp định với việc mở rộng lĩnh vực hội nhập như việc di chuyển tự do lao động kỹ năng cao của AEC. Điều này đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động thông qua thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nân cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Các nhóm giải pháp chủ yếubao gồm: Thúc đẩy đổi mới và phát triển giáo dục đại học nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. 4.1. Thúc đẩy đổi mới và phát triển giáo dục đại học Trong xu thế hội nhập, việc đổi mới giáo dục đại học là nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, cần phải thúc đẩy việc đổi mới và phát triển giáo dục đại học hơn nữa nhằm tạo nguồn lao động trình độ và chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế. Các hướng thực hiện bao gồm: - Nâng cao hiệu quả trong quản lý về giáo dục đại học: + Hoàn thiện các văn bản pháp luật, các chính sách hỗ trợ đổi mới toàn diện giáo dục đại học như cơ chế tài chính, cơ chế chính sách phát triển đội ngũ giảng viên. + Rà soát, đánh giá và quy hoạch mạng lưới các trường đại học trên cả nước theo hướng từng bước đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và thế giới. + Thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các trung tâm ứng dụng như trung tâm dữ liệu quốc gia, hệ thống thư viện điện tử. + Có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học. - Các cơ sở đào tạo cần chủ động trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên + Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên theo hướng ứng dụng và hội nhập quốc tế. + Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên. + Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên theo xu hướng hội nhập. - Tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp + Hợp tác trao đổi thông tin: Phát huy vai trò của các trung tâm hướng nghiệp, quan hệ doanh nghiệp là cầu nối giữa trường đại học với thị trường lao động; Thường xuyên tổ chức các hội thảo hoặc các buổi ngoại khóa, thực tế giữa doanh nghiệp và sinh viên. + Hợp tác đào tạo: Cùng nghiên cứu để đưa ra chương trình đào tạo vừa đảm bảo khung chương trình chung vừa đảm bảo nhu cầu thực tiễn; các doanh nghiệp phải đóng vai 92
  11. trò truyền tải kiến thức thực tế; Đẩy nhanh vấn đề đổi mới phương pháp đào tạo, giúp sinh viên chủ động và tự nghiên cứu; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên theo hướng ứng dụng thực tiễn; Đa dạng hóa nội dung và hình thức liên kết, chú trọng vào vấn đề phát triển kỹ năng cho sinh viên. + Hợp tác hỗ trợ tài chính: Các doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ tài chính cho các trường đại học để đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy và học tập trong những nội dung cam kết và ký kết; hỗ trợ nhà trường tổ chức cho các giảng viên tham quan, thực tập để nâng cao chuyên môn thực tế tại doanh nghiệp. - Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học + Xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế + Thúc đẩy liên kết đào tạo, giảng dạy với các trường đại học trên thế giới + Tranh thủ mọi sự hỗ trợ từ các nước trên thế giới trong các hợp tác về lĩnh vực giáo dục đại học 4.2. Mở rộng đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề - Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề + Mở rộng mạng lưới đào tạo nghề trên khắp cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn. + Chú trọng đầu tư cho đào tạo ngành nghề thủ công, đặc biệt là ở các làng nghề truyền thống. Theo đó, đào tạo nghề cho 3 đối tượng như sau: Đào tạo cho lao động phổ thông chưa biết nghề; Đào tạo kiến thức, kỹ năng mới cho những người biết nghề nhưng tay nghề chưa đủ mức để thành thợ giỏi; Đào tạo nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ cho nghệ nhân. - Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo + Thường xuyên rà soát các chương trình, tài liệu, học liệu cũ để tái bản mới phù hợp với những kiến thức mới và sự phát triển các ngành nghề được đào tạo. + Chuẩn hóa chương trình, tài liệu, học liệu dạy nghề theo các cấp đào tạo: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề + Chú trọng hơn nữa về các nghành nghề trọng điểm quốc gia, xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu thực tế đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. + Liên kết đào tạo với các doanh nghiệp nhằm phát triển chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng ứng dụng cao nhằm nâng cao tay nghề cho người học. - Nâng cao chất lượng giáo viên đào tạo nghề + Sắp xếp, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề. + Thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên. + Hoàn thiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề. + Tổ chức tham quan, học tập kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên tại các cơ sở liên kết, các doanh nghiệp đối tác nhằm nâng cao chuyên môn thực tế. 93
  12. + Tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học ứng dụng cho giáo viên dạy nghề. + Ngoài kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các giáo viên dạy nghề. + Tăng cường kiểm định chất lượng đào tào nghề, thường xuyên tổ chức kiểm định năng lực, trình độ chuyện môn, kỹ thuật của giáo viên dạy nghề - Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trong đào tạo nghề + Đầu tư, nâng cấp phòng học, trung tâm thực hành, xưởng cơ khí, phòng thí nghiệm cho các cơ sở đào tạo nghề. + Đầu tư cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu trong ngành công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. + Tận dụng cơ hội từ các nguồn vốn ODA để trang trải kinh phí hỗ trợ cho việc đầu tư trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo nghề, phù hợp với tiêu chuẩn đào tạo nghề quốc tế. + Tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong việc hợp tác hỗ trợ tài chính nhằm đầu tư phát triển các cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thực tập. - Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo hướng hội nhập + Hoàn thiện và xây dựng hệ thống đào tạo nghệ theo khung trình độ quốc gia với khung tham chiếu ASEAN. + Áp dụng các tiêu chí khu vực ASEAN để đánh giá các cơ sở đào tạo nghề và đội ngũ giáo viên dạy nghề. + Ký kết các hiệp định công nhận văn bảng chứng chỉ với ASEAN để tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động tự do trong khối kinh tế. + Phải tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập vào thị trường lao động khu vực và quốc tế. + Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề trong nước với các cơ sở đào tạo nghề của các nước trong khu vực ASEAN KẾT LUẬN Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nói riêng và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu và rộng trong đó có các quy định về lao động. Điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với việc nâng cao chất lượng nguồn lao động của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là lao động có trình độ, kỹ năng cao. Theo các cam kết quốc tế, lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động vượt qua biên giới quốc gia. Chính nhu cầu thiết yếu trong hội nhập đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hơn nữa, nội tại nền kinh tế phát triển cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nâng cao được trình độ chuyên môn kỹ thuật cần phải có các giải pháp đồng bộ. Một mặt cần đổi mới và phát triển giáo dục đại học; mặt khác cần mở rộng đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. 94
  13. TÀI LIỆU THAM KHẢO Hồ Thị Mai Sương. Tăng cường liên kết trường đại học - doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở Việt Nam", 2015 Đại học Thương Mại - Hà Nội. ILO& ADB 2013. ASEAN Community 2015: Managing integration for better jobs and shared prosperit. Bangkok, Thailand. Phạm Quý Thọ 2006. Chuyển dịch cơ cấu lao động trong xu thế hội nhập quốc tế, Hà Nội, NXB Lao động xã hội Tổng cục Thống kê 2016a. Báo cáo điều tra lao động việc làm, quý 3 năm 2016. Hà Nội. Tổng Cục Thống Kê. 2016b. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 [Online]. Hà Nội: Tổng cục thống kê GSO. Available: abid=621&idmid= &ItemID=16174. Viện Khoa học Lao động và Xã hội 2016. Xu hướng dân số, lao động, việc làm giai đoạn 2010 - 2015 và dự báo giai đoạn 2016 - 2025. Báo cáo nhiệm vụ thường niên năm 2015. Viện Khoa học Lao động và Xã hội & Tổng cục Thống kê 2015. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam. Bản tin cập nhật thị trường lao động hằng quý. Viện Khoa học Lao động và Xã hội & Tổng cục Thống kê 2016. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam Bản tin cập nhật thị trường lao động hằng quý. 95