Đặc điểm dân cư - Tộc người: Yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc hiện nay

pdf 8 trang Gia Huy 2740
Bạn đang xem tài liệu "Đặc điểm dân cư - Tộc người: Yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdac_diem_dan_cu_toc_nguoi_yeu_to_quan_trong_trong_chinh_sach.pdf

Nội dung text: Đặc điểm dân cư - Tộc người: Yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc hiện nay

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ - TỘC NGƯỜI: YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC TÂY BẮC HIỆN NAY Hoàng Xuân Trường Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên Email: truonghx@tnue.edu.vn Tóm tắt: Cũng như các khu vực miền núi và dân tộc khác ở Việt Nam, khu vực Tây Bắc là địa bàn có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây, các địa phương khu vực Tây Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung các tỉnh của Tây Bắc vẫn là những tỉnh phát triển chậm, thiếu ổn định. Trong định hướng phát triển bền vững cho Tây Bắc, hàng loạt những vấn đề cấp bách cần phải đặc biệt quan tâm, trong đó có vấn đề về dân cư - tộc người. Dựa trên những số liệu thống kê đáng tin cậy, với phương pháp tiếp cận cả định tính và định lượng, bài viết này tập trung vào phân tích thực trạng đặc điểm dân cư - tộc người ở khu vực Tây Bắc, từ đó chỉ ra những vấn đề cần giải quyết trong chính sách phát triển bền vững cho các tỉnh khu vực Tây Bắc. Từ khóa: Dân cư, khu vực Tây Bắc, phát triển bền vững, tộc người. 1. MỞ ĐẦU Từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, vấn đề môi trường và phát triển bền vững ngày càng được cộng đồng thế giới quan tâm với nhiều chương trình hành động được triển khai. Tuy nhiên với sự phát triển của sản xuất, gia tăng dân số và toàn cầu hóa, hàng loạt những vấn đề phát triển bền vững chưa được giải quyết. Việt Nam là một quốc gia còn nghèo nhưng Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm đến vấn đề môi trường và phát triển. Chúng ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế về phát triển bền vững như Tuyên ngôn Rio-92 và Chương trình hành động 21 (Agenda 21). Ở nước ta, các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc là “phên dậu” của quốc gia, là vùng lãnh thổ có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ mà cả an ninh năng lượng, trị thuỷ và đảm bảo môi trường sinh thái. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, tài nguyên, du lịch. Nhưng điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh tế đã tạo cho khu vực nhiều trở ngại, hạn chế bước đi lên trong sự nghiệp phát triển chung. Đối với khu vực Tây Bắc, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển bền vững trở nên cấp thiết. Bởi lẽ, đây là một trong những khu vực miền núi thuộc vào loại khó khăn nhất của nước ta. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có những vấn đề cơ bản thuộc về đặc điểm dân cư - tộc người. Nhận thức này đặt ra yêu cầu cần tập trung nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn để cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội để tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững phù hợp với tính đặc thù cho các tỉnh khu vực Tây Bắc. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Dựa trên lý thuyết về phát triển vùng địa phương, bài viết này sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Trong đó có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa định tính và định lượng. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các phương pháp như tổng hợp, thống kê, so sánh, tổng kết thực tiễn để có những kết luận khoa học. 3. NỘI DUNG Thực tế phát triển thời gian qua cho thấy, chúng ta đã có nhiều nỗ lực cho công cuộc phát triển khu vực Tây Bắc, nhưng cho đến nay tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa ở đây vẫn còn rất thấp. Sự lạc hậu trên tất cả các phương diện đang tạo ra một bức tranh nghèo nàn trong một thế giới phát triển ngày càng nhanh chóng, điều này đã hình thành nên những áp lực từ nội tại của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực này ngày một căng thẳng hơn. Trong định hướng phát triển bền vững, tiếp cận dưới góc độ dân cư - tộc người, Tây Bắc vẫn nổi lên những bất cập đó là: Chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng hiện đại hóa còn rất chậm; Tỷ lệ đói nghèo còn cao; trình độ dân trí thấp; công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, tỷ lệ học sinh đến lớp còn thấp; Công tác dân số và y tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; Thực hiện bảo vệ
  2. 408 Hoàng Xuân Trường môi trường bền vững còn chậm và nhiều bất cập. Những áp lực này nếu không tháo gỡ sẽ là một trong những tiền đề tạo nên những bất ổn trong tương lai. 3.1. Khái quát về phát triển bền vững Khái niệm phát triển bền vững lần đầu tiên được đưa ra năm 1980 trong cuốn sách “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) phát hành. Đến nay, có ít nhất 70 định nghĩa khác nhau về phát triển bền vững. Để cụ thể hóa định nghĩa, chúng tôi cho rằng khái niệm phát triển bền vững như sau: Phát triển bền vững là sự phát triển, trong đó đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhằm nâng cao mức sống cho tất cả mọi người, đồng thời vừa phải đảm bảo hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa, tinh thần, giữa thiên nhiên và con người, giữa tự nhiên và nhân tạo, giữa hiện tại và tương lai. Ý nghĩa quan trọng nhất của khái niệm phát triển bền vững là nó không chỉ đề cập đến vấn đề hiện tại mà còn đòi hỏi phải quan tâm đến sự phát triển của các thế hệ tương lai. Tùy vào điều kiện thực tiễn, mỗi quốc gia, địa phương, đô thị và nông thôn có những biến số, chỉ tiêu cụ thể để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách, điều hành phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững về mặt xã hội là một chỉ tiêu quan trọng. 3.2. Vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế của các tỉnh khu vực Tây Bắc Các tỉnh khu vực Tây Bắc gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có vị trí: phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phía Tây và Tây Nam giáp Lào; phía Đông Bắc giáp các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ; phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Thanh Hóa, Hà Tây. Với vị trí địa lý trên, khu vực Tây Bắc có khả năng giao lưu kinh tế với Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ, có điều kiện mở rộng giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế với Trung Quốc, Lào. Vị trí địa lý nêu trên cũng đặt ra đặc thù phát triển kinh tế - xã hội là phải gắn với bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ, gắn giữa phát triển kinh tế, củng cố chính trị với quy hoạch phát triển thống nhất quốc gia, gắn phát triển kinh tế nội địa với mở rộng kinh tế đối ngoại. 3.3 Tình hình thực hiện chính sách phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc Nhận thức rõ được tầm quan trọng và vị trí đặc biệt của vùng miền núi nói chung và Tây Bắc nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nên các khu vực này luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Điều đó được thể hiện thông qua hàng loạt các nghị quyết, chính sách lớn, các chương trình dự án đầu tư trực tiếp liên quan đến phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được thực hiện ở vùng miền núi và dân tộc, trong đó có địa bàn biên giới Tây Bắc như: Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Quyết định 72/CT-HĐBT ngày 13/3/1990 về một số chủ trương chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Chỉ thị số 525/TTg ngày 2/11/1993 về một số chủ trương chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 24/12/1996 về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 về phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền núi, Quyết định số 712/1997/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc thời kỳ 1996 - 2010, Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa, Quyết định số 186/1998/QĐ-TTg ngày 7/12/1998 về Phát triển kinh tế - xã hội ở sáu tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc thời kỳ 2001-2005, Quyết định số 07/2006/QĐ -TTg ngày 10/1/2006 về Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản miền núi và dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (Chương trình 135 giai đoạn II), đã xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới với tư tưởng chủ đạo là xây dựng cơ cấu kinh tế miền núi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc sinh sống ở miền núi, đưa miền núi thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết trên trong thực tế bước đầu đã đổi mới diện mạo nông thôn miền núi, vùng cao biên giới Tây Bắc, mang lại những tiến bộ đáng kể trong đời sống kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng của vùng. Phương thức sản xuất chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp, vùng núi cao còn chịu ảnh hưởng của kinh tế tự nhiên. Cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động dịch vụ về văn hóa, giáo dục, y tế còn nhiều yếu kém, bất cập. Nguyên nhân của thực trạng trên ngoài nguyên nhân khách quan, còn do những bất cập trong hoạch định chính sách phát triển bền vững. Các chương trình, dự án chú trọng nhiều đến đầu tư cơ sở hạ tầng mà chưa chú ý đúng mức đến đặc điểm dân cư - tộc người mang tính đặc thù ở khu vực Tây Bắc để đầu tư cho nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.
  3. Đặc điểm dân cư - tộc người: yếu tố quan trọng trong 409 chính sách phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc hiện nay 3.4. Đặc điểm dân cư - tộc người ở Tây Bắc - Các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc là địa bàn đất rộng, người thưa, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu thống kê năm 2018, Tây Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 37.324,1 km2, chiếm gần 11,3 % diện tích cả nước [2; tr. 42], nhưng số dân là 3.121,8 nghìn người, chiếm khoảng 3,3 % dân số cả nước. Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 01/4/2019: Tỉnh Điện Biên có 598,8 nghìn người; Lai Châu có 460,1 nghìn người; Sơn La có 1248,4 nghìn người; Hòa Bình có 8.54,1 nghìn người [1; tr. 157]. Nhìn chung, dân cư khu vực Tây Bắc phân bố không đều theo tỉnh. Số liệu cụ thể như trong Bảng 1. Bảng 1. Diện tích, dân số và mật độ dân số các tỉnh Tây Bắc năm 2018 và 2019 Diện tích Dân số Mật độ dân số 2 (km ) (Nghìn người) (Người/km2) Năm 2018 2018 2019 2018 2019 Cả nước 331235,7 94666,0 96208,984 286 290 Trung du và miền núi phía Bắc 95222,2 12292,7 13853,19 129 137 Tây Bắc 37324,1 3121,8 3161,4 84 85 Điện Biên 9541,2 576,7 598,8 60 63 Lai Châu 9068,8 456,3 460,1 50 51 Sơn La 14123,5 1242,7 1248,4 88 88 Hòa Bình 4590,6 846,1 854,1 184 186 [2; tr. 89]; [1; tr. 157, 201] Mật độ dân số của khu vực này là 85 người/km2, thấp nhất trong các vùng lãnh thổ và chỉ bằng 27,4 % mật độ dân số chung của cả nước 290 người/km2 và bằng 47 % khu vực Đông Bắc Bộ. Mật độ dân số của các tỉnh cao nhất là Hòa Bình cũng chỉ là 184 người/km2, Sơn La 88 người/km2, Điện Biên 60 người/km2 và Lai Châu là tỉnh có mật độ dân số thấp nhất cả nước chỉ 51 người/km2. Đơn vị cư trú cơ bản là bản/làng thường rất ít người; ít bản có trên 200 hộ. Các hộ lại sinh sống cách xa nhau. Đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã) thường có diện tích lớn hơn nhiều lần đơn vị hành chính tương ứng ở đồng bằng. Đặc điểm này khiến cho hoạt động kinh tế và tổ chức xã hội khó tạo được những hoạt động có quy mô đông người; công tác tuyên truyền, vận động tốn nhiều công sức, thời gian và lực lượng tham gia. Bảng 2. Tỷ suất sinh và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên các tỉnh ở khu vực Tây Bắc Đơn vị tính: ‰ 2010 2015 2016 2017 2018 Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ lệ Tỷ Tỷ Tỷ Tỷ Tỷ Tỷ lệ tăng Khu vực tăng dân tăng dân tăng dân tăng dân suất suất suất suất suất dân số tự số tự số tự số tự số tự sinh sinh sinh sinh sinh nhiên nhiên nhiên nhiên nhiên Cả nước 17,1 10,3 16,2 9,4 16,0 9,2 14,9 8,1 14,6 7,8 Điện Biên 24,2 16,9 23,4 17,3 20,3 13,3 23,5 16,8 21,6 17,2 Lai Châu 26,0 18,2 25,3 16,6 24,1 16,6 22,3 14,4 20,0 12,2 Sơn La 24,7 18,9 23,7 17,3 23,9 16,9 22,2 16,3 18,3 11,5 Hòa Bình 16,7 10,4 21,0 10,6 18,7 11,5 15,6 8,5 16,0 8,2 [2; tr.107]
  4. 410 Hoàng Xuân Trường - Các tỉnh Tây Bắc có tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên thuộc hạng cao của cả nước và mức giảm tỷ lệ gia tăng dân số lại thấp so với các khu vực khác. Phát triển dân số giữa các tỉnh trong khu vực cũng có sự khác biệt khá lớn. Số liệu cụ thể trong Bảng 2. Trong quá trình phát triển, sự gia tăng dân số đóng vai trò hai mặt. Một mặt, dân số là lực lượng tạo ra của cải vật chất và các dịch vụ cho xã hội. Ở những nơi tài nguyên và nguồn vốn sẵn có, dân số và lao động khan hiếm, việc tăng dân số và lao động có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngược lại, ở những nơi kém phát triển như Tây Bắc, dân số đông, trong khi nguồn vốn hạn hẹp, khó có khả năng sử dụng lao động một cách đầy đủ và có hiệu quả. Tăng dân số ở các vùng này chỉ làm gia tăng sức ép tỷ lệ phụ thuộc đối với lực lượng lao động, tăng số người tiêu thụ, tác động mạnh đến môi trường, do đó tất yếu sẽ kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao nên dân số các tỉnh khu vực Tây Bắc có cơ cấu trẻ hơn so với cả nước và các vùng phát triển khác. Bảng 3. Tỷ trọng cơ cấu độ tuổi dân số ở Tây Bắc năm 2019 Cơ cấu độ tuổi Tỷ trọng dân số (%) Chỉ số già hóa Khu vực 0-14 tuổi 15-64 tuổi 65 tuổi trở lên (%) Toàn quốc 24,3 68,0 7,7 48,8 Trung du và miền núi phía Bắc 28,1 65,3 6,6 36,3 Điện Biên 34,3 61,3 4,4 19,3 Lai Châu 35,8 60,5 3,7 15,7 Sơn La 31,7 63,6 4,7 23,0 Hòa Bình 26,1 67,2 6,7 42,4 [1; tr.207] Tỷ trọng trẻ em 0 - 14 tuổi trong tổng dân số của vùng (trung bình 31,9 %) luôn cao hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước (24,3 %). Cơ cấu dân số trẻ tạo sức ép lớn đối với đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo và tạo việc làm cho thế hệ trẻ, đồng thời cũng là nguồn tăng nhanh dân số trong tương lai. - Các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc là địa bàn tập trung nhiều nhất các dân tộc thiểu số ở nước ta, hình thái cư trú phân tán, xen kẽ và sắc thái văn hóa có những đặc thù: Đặc điểm dân số học đáng chú ý ở các tỉnh khu vực Tây Bắc là có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, chiếm trên 50 % tổng số dân. Đây cũng là khu vực rất điển hình về quan hệ dân cư - tộc người trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, ở các tỉnh Tây Bắc có 43/54 dân tộc đang sinh sống, các dân tộc có dân số đông là Kinh, Mường, Thái, Dao, H'Mông, Tày, Nùng, Dao, Trong đó, dân tộc Kinh sống tập trung nhiều nhất ở Hòa Bình với 31 % dân số của tỉnh; ở Lai Châu chiếm 19,36 %; dân tộc Thái sống nhiều nhất ở Sơn La chiếm 55,22 % dân số; ở Lai Châu chiếm 35,75 % dân số; dân tộc Mông sống nhiều nhất ở Lai Châu chiếm 25,13 % dân số và sống rải rác hầu như ở khắp nơi trên các đỉnh núi cao; dân tộc Mường sống tập trung chủ yếu ở Hòa Bình, chiếm 60,3 % dân số. Ngoài ra còn rất nhiều các dân tộc khác như Khơ Mú, Dao, Hà Nhì, Cống, Giáy, Hà Nhì, Kháng, Khơ Mú, La hủ, Lự, Mảng, Mường, Phù Lá, Si La, Tày, Hoa, Xinh Mum, Lào, La Ha, Mỗi dân tộc chỉ có vài vạn người, thậm chí có dân tộc chỉ có vài nghìn người hoặc vài trăm người sống xen kẽ với các dân tộc khác. Tính chất đa sắc tộc của dân cư Tây Bắc làm nổi bật tính đa dạng trong bản sắc văn hóa các dân tộc của khu vực. Việc cư dân các tộc người sống xen kẽ đặt ra yêu cầu trong phát triển kinh tế phải nắm vững tập quán sản xuất, canh tác. Mặt khác, việc điều tiết, phân bố thành phần dân cư các dân tộc ở từng vùng cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp phục vụ nhu cầu phát triển bền vững. Bên cạnh những điểm tương đồng, mỗi dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc còn có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Nơi đây hội tụ của nhiều dòng văn hóa, nhiều bản sắc văn hóa tộc người. Tinh hoa văn hóa các dân tộc thiểu số thể hiện trong kho tàng văn hóa dân gian, y phục, trang sức và hoa văn, luật tục, trong kiến trúc nhà ở, cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng, giữa con người với môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp, trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc còn tồn tại những phong tục tập quán lạc hậu, tác động tiêu cực đến sinh hoạt kinh tế - xã hội như thói quen sản xuất tự cấp tự túc, tập quán canh tác một vụ, chậm hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến đổi mới kinh tế. Một bộ phận có
  5. Đặc điểm dân cư - tộc người: yếu tố quan trọng trong 411 chính sách phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc hiện nay tập quán du canh định cư, gây tác hại lớn đối với sản xuất và đời sống. Các tệ nạn tảo hôn, ma chay, cúng bái, mê tín dị đoan, hội hè kéo dài, vừa tốn kém của cải, vừa tiêu phí, làm hạn chế đến việc đầu tư nguồn lực vật chất và thời gian lao động sản xuất. - Các dân tộc thiểu số ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc có trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất so với cả nước: Ở Tây Bắc, tỷ lệ nhập học của các cấp học phổ thông thấp so với mức trung bình cả nước, trong khi đó tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học lại cao so với tỷ lệ chung của cả nước. Số liệu như trong Bảng 4 dưới đây: Bảng 4. Tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học, THCS, THPT Đơn vị tính: % Cấp học Tiểu học THCS THPT Tỷ lệ đi Tỷ lệ dân số Tỷ lệ Tỷ lệ dân số trong Tỷ lệ đi Tỷ lệ dân số trong học trong độ tuổi đi đi học độ tuổi đi học học độ tuổi đi học Khu vực chung học nhưng chung nhưng không đi học chung nhưng không đi không đi học học Cả nước 101,0 1,2 92,8 6,6 72,3 25,9 Điện Biên 99,6 2,1 87,9 12,1 53,2 45,6 Lai Châu 99,6 2,8 85,8 13,5 42,1 54,6 Sơn La 100,4 1,9 90,3 9,6 56,2 40,2 Hòa Bình 100,6 0,8 97,0 2,4 78,7 18,5 [1; tr. 264] Năm 2019, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết ở Điện Biên đạt 73,1 %, ở Lai Châu là 64,4 %, ở Sơn La là 78,9 %, là những tỉnh có tỷ lệ thấp nhất cả nước, tỉnh Hòa Bình cao hơn cả (96,3 %). Trong khi tỷ lệ này của cả nước là 95,8 %, của khu vực trung du và miền núi phía Bắc là 89,9 %. Ngược lại, tỷ lệ không biết đọc biết viết của Điện Biên (26,9 %), Lai Châu (35,6 %), Sơn La (21,1 %) lại cao nhất cả nước (tỷ lệ trung bình của cả nước là 4,2 %) [1; tr. 264]. Bảng 5. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đạt được (%) Trình độ Không có chuyên Sơ cấp Trung cấp Cao đẳng Đại học Khu vực môn kỹ thuật trở lên Cả nước 80,8 3,1 3,5 3,3 9,3 Trung du miền núi phía Bắc 81,9 3,4 4,8 3,2 6,7 Điện Biên 83,7 1,8 4,7 3,0 6,9 Lai Châu 85,6 1,3 4,3 2,4 6,4 Sơn La 86,1 2,3 4,0 2,4 5,2 Hòa Bình 84,0 1,7 4,9 3,2 6,2 [1; tr. 268] Mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú dành cho trẻ em đồng bào các dân tộc thiểu số được xây dựng đến cấp huyện, song quy mô nhỏ bé nên chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của các cháu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ đi học của trẻ em giảm nhanh ở các lứa tuổi và bậc học cao hơn (trung học cơ sở trở lên). Cùng với đó, sự chênh lệch về trình độ học vấn của dân cư Tây Bắc với các khu vực khác về chất lượng ngày càng lớn. Đồng thời, chênh lệch về trình độ học vấn giữa các dân tộc trong khu vực có nguy cơ ngày càng cách xa, làm cho giáo dục - đào tạo chưa thực sự hỗ trợ một cách có hiệu quả trong việc xoá đói - giảm nghèo cho
  6. 412 Hoàng Xuân Trường đồng bào các dân tộc trong vùng. Tình trạng này phổ biến hơn ở các dân tộc có dân số dưới 1 vạn người như Cống, Bố Y, Si La, Mảng, La Hủ, Cơ Lao, Lự. Cùng với những tồn tại về giáo dục - đào tạo, lực lượng lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao so với cả nước. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thấp, tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao so với mức trung bình của cả nước. Tỷ trọng người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao (đại học, cao đẳng trở lên) rất thấp, đang là trở ngại lớn trong quá trình đổi mới và tiếp thu khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo thống kê, năm 2018, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo: Điện Biên (15,4 %), Lai Châu (14,9 %), Sơn La (14,6 %), Hòa Bình (16,8 %). Trong khi của Trung du và miền núi phía Bắc là 18,2 %, cả nước là 21,9 % [2; tr. 160]. Năm 2019, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo mặc dù có tăng lên nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước: Điện Biên (16,1 %), Lai Châu (15,7 %), Sơn La (14,2 %) thấp nhất cả nước, Hòa Bình cao hơn cả (19,2 %). Trong khi tỷ lệ này của cả nước là 23,1 % [1; tr. 275]. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực còn biểu hiện ở chỉ số phát triển nguồn nhân lực mà chỉ số này của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc luôn đứng ở vị trí thấp nhất trong cả nước từ khoảng 45 đến trên 60. Chất lượng nguồn nhân lực thấp và các khó khăn, hạn chế đối với giáo dục hiện tại là cản trở đối với tăng trưởng bền vững và giảm nghèo các tỉnh khu vực Tây Bắc không chỉ trong thời gian trước mắt mà sẽ là thách thức lâu dài đối với vùng này. Đồng thời, số lượng nguồn nhân lực trình độ thấp cũng đồng nghĩa với việc cường độ khai thác các nguồn tài nguyên của vùng (đất, rừng, nguồn nước, khoảng sản, ) diễn ra nhanh hơn, quy mô và phạm vi lớn hơn, tất yếu dẫn đến mất cân bằng về sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của vùng. - Đời sống kinh tế của nhân dân còn thấp và phát triển không đều giữa các dân tộc và giữa các tiểu vùng: Tây Bắc vẫn là một trong những vùng nghèo nhất cả nước. GDP/người chỉ bằng 61,1 % so với mức trung bình của cả nước, tỷ lệ huy động ngân sách và tích luỹ đầu tư từ GDP đều thấp so với cả nước. Thu không đủ chi, tỉnh thu ngân sách cao nhất như Hòa Bình cũng mới đảm bảo được 59 % của chi, còn tỉnh thu thấp như Lai Châu chỉ đảm bảo được 35 % của chi thường xuyên. Đây là khu vực đứng đầu về tỷ lệ hộ nghèo và cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của các vùng kinh tế cả nước, trong đó vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Tây Bắc, mức chênh lệch gấp 2,9 lần so với vùng thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Đông Nam Bộ [4]. Trong số các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 của cả nước, các xã ở Tây Bắc chiếm tới 39,2 %. Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đói cao nhất là Lai Châu và Sơn La. Một số dân tộc trên địa bàn Tây Bắc được xem là đang tụt hậu so với các dân tộc khác chẳng hạn như người Khơ Mú, Mông, Si La, Pà Thẻn, Mảng. Trình độ phát triển không đều giữa các dân tộc đặt ra yêu cầu trong chính sách phát triển kinh tế bền vững ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc phải tính toán đầy đủ các khía cạnh đặc thù, tạo cơ hội để các dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển, khắc phục những rào cản. Thu nhập bình quân đầu người/1 tháng ở Tây Bắc thấp nhất so với các vùng trong cả nước. Năm 2018 thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng của đồng bào khu vực Tây Bắc chỉ đạt 1,676 triệu, thấp hơn 2,3 lần so với mức bình quân cả nước (3,873 triệu), thấp hơn 3,3 lần so với vùng thu nhập cao nhất là Đông Nam Bộ (5,525 triệu) [3; tr. 349]. Tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm phần lớn trong thu nhập của dân cư (31,3 %). Dù là tộc người nào, sống ở vùng thấp chân núi, vùng giữa hay vùng cao, cư dân Tây Bắc đều lấy trồng trọt, trong đó trồng lúa làm nguồn sống chính. Thương mại dịch vụ chưa phát triển. Phân tích dưới góc độ chính sách cho thấy khả năng khuyến khích phát triển ngành phi nông nghiệp ở nông thôn thông qua hỗ trợ, ưu đãi còn thiếu và chưa mạnh. Tỷ trọng thu nhập từ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương nghiệp vẫn thấp nhất cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói, đó là do: Tập quán lạc hậu, thiếu vốn, ít tiếp cận với hỗ trợ sản xuất, cơ sở hạ tầng về giáo dục và y tế ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, thiếu lao động kỹ thuật, tập quán sản xuất lạc hậu (các cấp), môi trường điều kiện sản xuất của người nghèo khó khăn (đất, khuyến nông) (dân trí thấp), cơ sở hạ tầng nông thôn lạc hậu, thị trường kém phát triển (cấp huyện, xã), do biến động phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng. Tóm lại, những yếu tố về đặc điểm dân cư - tộc người nêu trên đã tác động vừa gián tiếp, vừa trực tiếp đến tình hình phát triển bền vững các tỉnh khu vực Tây Bắc. Thực tế này cho thấy, việc thực hiện (và để đạt được) các mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc là vấn đề hết sức khó khăn, và đây cũng là một trong những trở ngại, thách thức lớn đối với chiến lược phát triển bền vững của toàn khu vực trong tương lai. Điều này cũng là những gợi mở để lựa chọn hình thức và các giải pháp cụ thể phát triển một vùng kinh tế đặc thù.
  7. Đặc điểm dân cư - tộc người: yếu tố quan trọng trong 413 chính sách phát triển bền vững ở khu vực Tây Bắc hiện nay Đơn vị tính: 1.000 VND 4500 3873.8 4000 3500 3097.6 3000 2637.3 2500 1999.8 2000 1387.1 1500 1676.2 995.2 1444.7 1000 1269.7 998.8 500 740.9 549.6 0 2008 2010 2012 2014 2016 2018 Cả nước Tây Bắc Biểu đồ 1. Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng của cả nước và khu vực Tây Bắc [Nguồn: 3; tr. 349] 3.6 7.9 11.3 0.3 41.6 2.1 2 4.1 27.2 Tiền lương tiền công Nông nghiệp Lâm nghiệp Thủy sản Công nghiệp Xây dựng Thương nghiệp Dịch vụ Khác Biểu đồ 2. Cơ cấu thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo nguồn thu (%) [Nguồn: 3; tr.359] 4. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Phát triển bền vững mặc dù còn là vấn đề rất mới, nhưng đó là con đường tất yếu để phát triển toàn diện các quốc gia, các vùng trên thế giới hiện nay. Với vị trí quan trọng của vùng dân tộc và miền núi Tây Bắc trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước, Đảng và Chính phủ đã có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ đó, các tỉnh khu vực Tây Bắc đã có những bước phát triển quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đẩy nhanh tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khu vực
  8. 414 Hoàng Xuân Trường Tây Bắc vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức rất lớn cần phải giải quyết, trong đó đáng lưu ý là tác động từ những vấn đề về đặc điểm dân cư, tộc người. Để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững cho Tây Bắc, đòi hỏi phải thực hiện nhiều chiến lược hành động ưu tiên, với hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong phạm vi bài viết của mình, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị như sau: Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức rằng phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Bắc là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế quốc dân. Đó là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, trước hết là sự nghiệp của các dân tộc khu vực Tây Bắc. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực phải được coi như khâu đột phá trong sự nghiệp phát triển bền vững ở Tây Bắc, hướng tới đào tạo toàn diện, đồng bộ về số lượng chuyên môn, ngành nghề, coi trọng về chất lượng. Cần coi việc phát triển giáo dục và nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển bền vững hiện tại và tương lai. Nhà nước cần có chính sách đảm bảo nguồn nhân lực, phát huy tinh thần tự lực, ý thức vươn lên của các dân tộc và phát huy nguồn lực ở cộng đồng với sự tham gia của người dân. Thứ ba, phát huy tối đa các nguồn lực bên ngoài kết hợp với thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo sự thay đổi căn bản trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Thứ tư, phát triển kinh tế đi liền với thực thi đồng bộ các giải pháp về an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư Tây Bắc nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ năm, phát triển văn hóa theo hướng kết hợp văn hóa hiện đại với nền văn hóa truyền thống của các dân tộc. Chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc ít người ở vùng cao, vùng sâu và vùng xa. Phát triển bền vững là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự đổi mới nhận thức, đồng tình tham gia thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhất là đồng bào các dân tộc. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân khu vực Tây Bắc sẽ phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. [2]. Tổng cục Thống kê (2018), Niên giám thống kê năm 2018, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. [3]. Tổng cục Thống kê (2019), Kết quả Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2018, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. [4]. UNDP & CEMA (2012), Dự án Tăng cường năng lực cho công tác xây dựng và thực hiện các chính sách dân tộc (EMPCD), Hà Nội. CHARACTERISTICS OF POPULATION AND ETHNICITY: IMPORTANT FACTOR FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT POLICY IN THE NORTHWEST REGION TODAY Hoang Xuan Truong Thai Nguyen University of Education - TNU Abstract: Similar to other mountainous and ethnic areas in Vietnam, the Northwest is considered to be of importance for the country-wide socio-economic development and national security. During the renovation period, especially in the recent years, the Northwest Vietnam has undergone many positive changes. However, the provinces within the region are generally still slow-growing and underdeveloped. Under the direction of Sustainable Development for the Northwest Vietnam, a number of issues that need special attention have been identified, including population and ethnicity. Employing both qualitative and quantitative approaches to research, this article analyzes the current situation of population and ethnic characteristics in the Northwest Vietnam. It also aims to put forwards recommendations regarding policy for local sustainable development. Keywords: Population, Northwest Vietnam, sustainable development, ethnicity.