Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Trà Vinh một số vấn đề cần quan tâm

pdf 7 trang Gia Huy 2860
Bạn đang xem tài liệu "Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Trà Vinh một số vấn đề cần quan tâm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdau_tu_truc_tiep_nuoc_ngoai_fdi_o_tra_vinh_mot_so_van_de_can.pdf

Nội dung text: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Trà Vinh một số vấn đề cần quan tâm

  1. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) Ở TRÀ VINH MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM FOREIGN DIRECT INVESTMENT (FDI) IN TRA VINH PROVINCE SOME CONCERNED ISSUES ThS. Huỳnh Minh Phúc1 Tóm tắt – Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được tái lập năm 1992 với xuất phát điểm kinh tế thấp so với các tỉnh khác trên cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, tỉnh Trà Vinh đã tận dụng lợi thế thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần tăng trưởng kinh tế. Bài viết tập trung phân tích thực trạng thu hút FDI ở tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2005 – 2019 đối với những doanh nghiệp FDI đã được cấp phép hoạt động, cũng như sự tác động về nguồn thu ngân sách, vốn đầu tư sản xuất xã hội, số lượng lao động có việc làm và mức tăng trưởng kinh tế; đồng thời, bài viết đề ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI ở tỉnh Trà Vinh trong những năm tiếp theo. Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng trưởng kinh tế, tỉnh Trà Vinh. 1. MỞ ĐẦU Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI) là loại hình kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn, tự thiết lập các cơ sở sản xuất kinh doanh cho riêng mình; họ đứng chủ sở hữu, tự quản lí, khai thác hoặc thuê người quản lí; họ khai thác cơ sở này hoặc hợp tác với đối tác nước sở tại để thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh và tham gia quản lí, cùng với đối tác nước sở tại chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Xét theo tỉ lệ bỏ vốn của nhà đầu tư nước ngoài và mức độ tham gia quản lí của nhà đầu tư, có bốn hình thức đầu tư trực tiếp sau đây: hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), doanh nghiệp liên doanh (JVC), doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác liên doanh [1, tr17]. Trà Vinh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Diện tích tự nhiên 2.341 km2, dân số trên 1,1 triệu người với 03 dân tộc chính là Kinh – 1 Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh; Email: phuc30@gmail.com 41
  2. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” Khmer – Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30% dân số. Với vị trí tiếp giáp biển Đông, chiều dài 65 km bờ biển, tỉnh Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng về đầu tư, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế [2, tr3]. Trong quá trình hội nhập quốc tế, ý nghĩa của đầu tư và thu hút vốn đầu tư nước ngoài càng quan trọng, đặc biệt đối với nền kinh tế có xuất phát điểm thấp ban đầu như ở Trà Vinh (tái lập tỉnh năm 1992). Vì vậy, lợi thế thu hút nguồn vốn FDI có thể bổ sung kịp thời tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh [3, tr4]. Việc thu hút vốn FDI luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh quan tâm. Đây là một nhân tố quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, nguồn vốn FDI ở tỉnh Trà Vinh đã đem lại những tác động tích cực về mặt kinh tế, xã hội. Vốn FDI đóng góp cho nguồn thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, làm tăng khả năng huy động các nguồn vốn khác; qua đó, vốn FDI góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tăng trưởng GRDP tỉnh Trà Vinh trong sáu tháng (tháng 1 đến tháng 6) năm 2019 đạt 17%, đây là mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là mức cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long [4, tr2]. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, hội nhập, bên cạnh những mặt tích cực, vấn đề thu hút FDI của tỉnh cũng còn tồn tại những hạn chế bất cập cần được phân tích, đánh giá thêm nhằm tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút nguồn vốn này trong những năm tiếp theo [4, tr3]. 2. THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ ĐÓNG GÓP CỦA FDI ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH TRÀ VINH HIỆN NAY 2.1. Thực trạng FDI ở tỉnh Trà Vinh Từ khi tái lập đến nay, tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện hai dự án liên doanh đầu tư với nước ngoài với số vốn 1,4 triệu USD năm 1995. Hiện nay, có 40 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép đầu tư với tổng nguồn vốn 3,110.89 triệu USD. Dòng vốn này hiện nay đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh [5, tr37]. Kết quả nguồn vốn FDI và số lượng lao động tạo ra từ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ năm 2005 đến nay như sau: 42
  3. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” Bảng 1: Số lượng, nguồn vốn và số việc làm mới do doanh nghiệp FDI hoạt động ở tỉnh Trà Vinh Năm 2005 – 2010 2011 – 2015 2016 – 2019 Tổng Số lượng 13 12 15 40 Nguồn vốn 103.88 2.606,73 400.28 3.110,89 Lao động 25.477 7.527 7.850 40.854 (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh [4, tr4]) Theo kết quả ở Bảng 1, giai đoạn 2005 – 2010 có 13 doanh nghiệp FDI được cấp phép hoạt động với nguồn vốn 103.88 triệu USD, giải quyết việc làm cho 25.477 lao động, chiếm 2,32% dân số của tỉnh. Trong đó, 19.583 nghìn công nhân làm việc tại Công ty TNHH giày da Mỹ Phong (phân xưởng Trà Cú, Phước Hưng và Tiểu Cần). Giai đoạn 2011 – 2015, 12 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động với số vốn đầu tư là 2.606,73 triệu USD, gấp 25 lần so với trước đây, giải quyết việc làm cho 7.527 lao động, chiếm 0,68% dân số của tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2019, 15 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động với nguồn vốn đầu tư 400.28 triệu USD, giải quyết việc làm cho 7.850 lao động, chiếm 0,71% dân số của tỉnh [5, tr39]. Trong tổng số 40 doanh nghiệp FDI, có 13 doanh nghiệp đầu tư dưới hình thức liên doanh, chiếm 32,5%, còn lại đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài. Hình 1: Biểu đồ mô tả nguồn vốn FDI đầu tư và giải quyết số lượng lao động ở tỉnh Trà Vinh 50,000.00 25,477 7,527 7,850 103.88 Nguồn vốn 2,606.73 Lao động 0.00 400.28 Nguồn vốn Lao động 2005 - 2011 - 2010 2016 - 2015 2019 (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh [4, tr4]) Với tổng nguồn vốn đầu tư 3.110,89 triệu USD, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 có số vốn đầu tư cao nhất 2.606,73 triệu USD, chiếm 83,79%. Công ty có vốn đầu tư lớn nhất giai đoạn này là Công ty Janakuasa (Malaysia). Công ty Janakuasa 43
  4. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 với số vốn 2.406,80 triệu USD, chiếm 92,33% nguồn vốn giai đoạn này. Giai đoạn 2005 – 2010 có nguồn vốn đầu tư FDI thấp nhất (103,88 triệu USD). Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực gia công, sản xuất các mặt hàng may mặc, giày da xuất khẩu. Công ty có vốn đầu tư cao nhất giai đoạn này là: Công ty TNHH một thành viên CY Vina (Hàn Quốc): 27,97 triệu USD và Công ty TNHH giày da Mỹ Phong (Đài Loan): 20 triệu USD. Giai đoạn 2005 – 2010 được xem là giai đoạn có tỉ lệ lao động cao nhất trong tổng số 40.854 lao động từ doanh nghiệp FDI với 25.477 lao động, chiếm 62,36%, trong đó, 225 lao động nước ngoài. 2.2. Những đóng góp của nguồn vốn FDI đến kinh tế – xã hội Trà Vinh Kết quả thu hút vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh đã làm tăng nguồn thu ngân sách, bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động. GDP bình quân đầu người từ 14,9 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 tăng lên 33,425 triệu đồng người/năm vào năm 2015, dự kiến, năm 2019 tăng lên mức khoảng 44,32 triệu đồng/người/năm. Những đóng góp của nguồn vốn FDI đến sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh như: Một là, làm tăng, bổ sung vốn sản xuất kinh doanh bình quân năm của các doanh nghiệp đang hoạt động phân theo loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, doanh nghiệp FDI có năm chiếm đến 3.696 tỉ đồng, khoảng 23,75% gấp bốn lần năm 2010 [4, tr.5]. Hình 2: Tỉ trọng nguồn vốn FDI đóng góp vào vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động theo từng năm (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh (2014-2019) [6, tr99]) Nhìn chung, vốn sản xuất kinh doanh bình quân của các doanh nghiệp đang hoạt động từng năm có xu thế tăng, năm 2018 đạt 91.194 tỉ đồng, tăng 23,70% so với năm 2017. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước có mức tăng cao đạt 73.344 tỉ 44
  5. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” đồng, tăng 31,47%. Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm, đạt 3.037 tỉ đồng. Hai là, nâng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành tăng qua các năm. Quy mô nền kinh tế năm 2019 theo giá hiện hành đạt 59.636 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người ước tính 59,09 triệu đồng, tương đương 2.538 USD, tăng 236 USD so với năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp FDI đóng góp 1.854 tỉ đồng, chiếm 32,16%. Cụ thể: Hình 3: Tổng sản phẩm FDI đóng góp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Đơn vị: Tỉ đồng) (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh (2014-2019) [6, tr100]) Từ Hình 3, chúng ta có thể khẳng định doanh nghiệp FDI có đóng góp rất quan trọng đối với tỉnh Trà Vinh. Từ năm 2014 đến nay, mức đóng góp hằng năm của các doanh nghiệp FDI trên 1.000 tỉ đồng. Năm 2019 đạt 1.854 tỉ đồng, hơn gấp đôi năm 2010. Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI còn góp phần tạo ra việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 2005 – 2010 có 25.477 lao động trong các doanh nghiệp FDI, chiếm 2,43% dân số của tỉnh. Giai đoạn 2011 – 2015 có 7.527 lao động, chiếm 0,72% dân số của tỉnh. Giai đoạn 2016 – 6/2019 có 7.850 lao động, chiếm 0,75% dân số của tỉnh [6, tr103]. 3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM Tuy nguồn vốn FDI có nhiều đóng góp, như tăng tổng vốn đầu tư, giải quyết việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập bình quân nhưng đến nay, tỉnh Trà Vinh vẫn chưa có sự bứt phá trong thu hút, sử dụng vốn FDI, trong khi những mục tiêu về nâng cao trình độ khoa học – công nghệ, phát huy lan tỏa đến phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh chưa được như kì vọng. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, khu vực này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập thể hiện ở những mặt sau: Thế mạnh về vị trí, địa lí chưa được tận dụng hợp lí. Tỉnh Trà Vinh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển dịch vụ logistics, giao thương vận chuyển hàng hóa xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng giao 45
  6. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” thông trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều tuyến đường chưa được mở rộng, hệ thống cảng biển mới hình thành, chưa đồng bộ, hệ thống phát triển dịch vụ cảng biển chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Công nghệ lạc hậu, việc chuyển giao công nghệ không được như kì vọng. Công nghệ mà các doanh nghiệp FDI ở tỉnh Trà Vinh sử dụng chủ yếu vẫn là công nghệ ở mức trung bình, thấp và có xu hướng ngày càng bị tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực. Với hạn chế trong chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu làm “gia công” cho các doanh nghiệp FDI. Hệ quả là giá trị gia tăng tạo ra rất thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại ít có khả năng cải tiến công nghệ, nâng cấp sản phẩm, chủ động tham gia chuỗi cung ứng hay được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI. Xuất hiện các vấn đề về lao động, việc làm. Mặc dù khu vực doanh nghiệp có vốn FDI đang tạo việc làm nhưng một tình trạng khá phổ biến diễn ra ở nhiều doanh nghiệp FDI là việc sa thải người lao động trên 35 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề tìm kiếm, bố trí việc làm mới cho người lao động. Ngoài ra, nó còn tạo tâm lí bất an và các vấn đề tiêu cực khác. Ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều dự án FDI không tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường như gia tăng ô nhiễm, xói mòn và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên. Chính sách thu hút đầu tư. Chưa phát huy được hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp FDI ở tỉnh Trà Vinh chủ yếu gồm hai hình thức: góp vốn 100% và liên doanh JVC. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THU HÚT NGUỒN VỐN FDI Ở TỈNH TRÀ VINH HIỆN NAY Để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI, trong thời gian tới, các cơ quan cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Một là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai, cụ thể hóa các quyết định của Đảng và Nhà nước về cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI phát triển. Trong đó, nâng cấp và phát triển cảng biển huyện Duyên Hải, cải tạo Quốc lộ 53, 53B, 54, 60, chú trọng triển khai đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi (trên Quốc lộ 60) nối Trà Vinh – Sóc Trăng, nâng cấp tuyến đường Khu Kinh tế Định An [5, tr40]. Hai là, việc thu hút nguồn vốn FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng. Tỉnh Trà Vinh cần phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập. Tận dụng môi trường hội nhập quốc tế, tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút vốn FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng từ nhiều quốc gia phát 46
  7. Hội thảo Khoa học “Các vấn đề đương đại trong lĩnh vực Kinh tế, Luật: Từ lí thuyết đến thực tiễn” triển; khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia – họ nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại [2, tr3]. Ba là, tạo dựng một khuôn khổ pháp lí thích hợp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ. Tăng cường công tác xúc tiến và đánh giá kết quả thu hút vốn FDI là kinh doanh bền vững (có thể thực hiện bằng một công trình nghiên cứu khoa học khách quan), tác động lan tỏa về công nghệ, kĩ năng và việc kết nối với doanh nghiệp của tỉnh phải được chuyển hóa thành chính sách phát triển [1, tr24]. Bốn là, cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng chính phủ điện tử, tăng tính hiệu quả và minh bạch. Chuyển hướng ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính và các dịch vụ hiện đại khác, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0 [7, tr2]. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Nguyễn Minh Kiều. Tác động của FDI và phát triển của tài chính đến tăng trưởng kinh tế các quốc gia ASEAN giai đoạn 1995 - 2014. Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. 2016; số 50 (5): tr.16-24. [2]. Tỉnh ủy Trà Vinh. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kì 2015 – 2020; 2015: 2-3. [3]. Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Trà Vinh quý II và 6 tháng năm 2019; 2019: 3-19. [4]. Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Trà Vinh. Báo cáo tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Trà Vinh 6 tháng đầu năm 2019; 2019: 2-5 [5]. Nguyễn Hồng Hà. Mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tỉnh Trà Vinh. Tạp chí Phát triển và Hội nhập. 2016; số 26: 36-40. [6]. Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh. Niên giám thống kê Trà Vinh giai đoạn 2014- 2019. NXB. Thống kê; 6/2020: 99 - 110. [7]. Phạm Quốc Trụ. Hội nhập quốc tế: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. 2014. Truy cập từ te/2014-hoi-nhap-quoc-te-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien [Ngày truy cập 22/11/2020]. 47