Điều chỉnh cơ cấu nguồn lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

pdf 11 trang Gia Huy 18/05/2022 2450
Bạn đang xem tài liệu "Điều chỉnh cơ cấu nguồn lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdieu_chinh_co_cau_nguon_luc_cho_chuyen_doi_mo_hinh_tang_truo.pdf

Nội dung text: Điều chỉnh cơ cấu nguồn lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

  1. ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU NGUỒN LỰC CHO CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM ADJUSTING THE STRUCTURE OF RESOUURCES FOR TRANSFORMING VIETNAM ECONOMIC GROWTH MODEL TS. Nguyễn Bình Đức Trường Đại học Kinh tế quốc dân Tóm tắt Với những hạn chế, bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế. Bài viết phân tích một số vấn đề về cơ cấu các nguồn lực của mô hình tăng trưởng hiện nay, nêu những nguyên nhân chủ yếu và các giải pháp điều chỉnh cơ cấu, phân bổ lại nguồn lực nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế. Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế, nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng trưởng kinh tế Abstract With drawbacks and insufficiency of current economic growth model, Vietnam needs to transform growth model rigorously aiming at ensuring the sustainability of the economy. This article analyzes issues of resource structure of current growth model, points out some main causes and solutions for adjusting structure, relocating resources to transform Vietnam economic growth model toward improving productivity, quality, effectiveness and the resilience of the economy. Keywords: economic growth, economic growth model, resource and economic growth quality. 1. Những vấn đề về cơ cấu các nguồn lực của mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay Để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn duy trì mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu là dựa vào việc khai thác các nguồn lực vật chất (gồm vốn, lao động, tài nguyên). Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh về nhân công giá rẻ và nguồn tài nguyên sẽ dần mất đi, trong khi đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Do đó, mô hình tăng trưởng hiện tại đã tỏ ra lạc hậu và bộc lộ những vấn đề: Một là, những bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào vốn thể hiện rõ nét. i. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ vào sự đóng góp chủ yếu của vốn vật chất nhưng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng quy mô vốn đầu tư. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng 975
  2. vốn đầu tư chậm được cải thiện, hệ số ICOR vẫn còn cao (giai đoạn 2006-2010 là 6,96, giai đoạn 2011-2015 là 6,91)32. Các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng GDP Đơn vị tính: % Giai đoạn Tốc độ tăng GDP Vốn Lao động TFP 1990 - 2000 7,3 34 22 44 2001 - 2010 7,2 53 19 28 2011 -2015 5,91 53,42 16,25 30,33 Nguồn: Tổng cục thống kê (GSO), tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) & Viện Năng suất Việt Nam ii. Trong bối cảnh, tỷ lệ đầu tư/GDP luôn được duy trì ở mức cao, tiết kiệm trong nước không đủ đáp ứng, nên Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn bên ngoài, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, chất lượng nguồn vốn này chưa cao, chưa đóng góp nhiều vào nâng cao chất lượng tăng trưởng. Để tận dụng lợi thế của Việt Nam về tài nguyên và lao động rẻ, phần lớn các doanh nghiệp FDI có hàm lượng công nghệ thấp, thâm dụng lao động, lại không tuân thủ pháp luật về áp dụng tiêu chuẩn môi trường gây ô nhiễm môi trường. Trình độ lao động thấp, năng lực công nghệ yếu kém của các doanh nghiệp trong nước, sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước đã khiến cho quá trình chuyển giao công nghệ thông qua FDI chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009 (PCI, 2009), trong số gần 10.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước được điều tra, chỉ có 6,9% số doanh nghiệp có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI; 15% có khách hàng chính là doanh nghiệp nhà nước; 58% có khách hàng chính là các doanh nghiệp tư nhân trong nước khác. Đến nay, cũng chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp trong nước đáp ứng đủ điều kiện cung ứng những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp cho các doanh nghiệp FDI33. Điều này cho thấy, hiệu ứng tràn từ khu vực FDI đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất hạn chế. Tỷ trọng đầu tư so với GDP giai đoạn 2007-2014 ( %) 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 Đầu tư/GDP 42,7 38,2 39,2 38,5 34,6 33,5 30,4 31 Tăng trưởng GDP 8,46 6,31 5,32 6,78 5,89 5,25 5,42 5,98 Nguồn : Tổng cục thống kê (GSO) iii. Do năng lực về vốn trong nước thiếu nên Nhà nước luôn phải lo giải quyết những vấn đề ngắn hạn, tìm kiếm nguồn lực tài chính, sử dụng các ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư (trợ cấp, ưu đãi lãi suất, bảo lãnh tín dụng, ). Các giải pháp gia tăng vốn đầu tư này đã làm gia tăng sức sức ép lên giá cả khiến cho lạm phát luôn có nguy cơ bùng 32 33 Ngô Quang Trung. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1988- 2015: thực trạng và vấn đề. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 5 (456), tháng 05/2016. 976
  3. phát, khó kiểm soát, mặt bằng lãi suất khó duy trì ổn định ở mức thấp, gây khó khăn cho hoạt động tín dụng và đầu tư. iv. Vốn đầu tư vẫn còn tập trung quá lớn vào khu vực kinh tế nhà nước với hiệu quả thấp, gây nhiều lãng phí thất thoát. Điều này không chỉ lấn át đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, làm suy giảm hiệu suất đầu tư cho tăng trưởng, mà còn khiến thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công tăng nhanh. Cơ cấu đầu tư theo khu vực kinh tế giai đoạn 2010-2014 Đơn vị tính: % 2010 2011 2012 2013 2014* Kinh tế Nhà nước 38,1 37,0 40,3 40,4 38,2 Kinh tế ngoài nhà nước 36,1 38,5 38,1 37,6 38,4 Khu vực FDI 25,8 24,5 21,6 22,0 21,7 Tổng 100 100 100 100 100 Nguồn : Tổng cục thống kê (GSO) Bội chi ngân sách nhà nước và nợ công của Việt Nam Đơn vị tính: % 2015 2016 2010 2011 2012 2013 2014 Ước tính Ước tính Bội chi NSNN/GDP 5,5 4,4 5,36 6,6 5,3 - - Nợ công/GDP 51,7 50,1 50,2 54,5 60,3 64 64,9 Tốc độ tăng nợ công - 24,8 18,4 17,9 23,3 19,9 - Nguồn: Bản tin nợ công số 03- MoF (8/2014); Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước Quốc hội (10/2014); Báo cáo triển vọng thị trường- VPBank Securities (19/1/2015), Tổng cục Thống kê. v. Vốn đầu tư chiếm tỷ lệ cao trong GDP nhưng được phân bổ thiếu hợp lý. Việt Nam đầu tư quá mức vào hình thành vốn vật chất trong khi đầu tư vào yếu tố tạo nền tảng cho duy trì tăng trưởng dài hạn là vốn con người thì còn quá khiêm tốn. Tỷ trọng các khoản chi cho vốn con người trong tổng chi NSNN Đơn vị tính: % 2010 2011 2012 2013 Ước tính Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo 12,05 12,62 12,99 16,58 Chi sự nghiệp y tế 3,87 3,93 4,03 5,85 Chi sự nghiệp khoa học công nghệ 0,64 0,73 0,60 0,76 Nguồn: PGS, TS. Nguyễn Thị Nguyệt. Bội chi ngân sách nhà nước ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 5 (456), tháng 05/2016. Hai là, đóng góp của nguồn lực lao động cho tăng trưởng còn thấp và có xu hướng giảm dần là hạn chế lớn đối với một nước có nhiều tiềm năng lao động như Việt Nam. Nguồn gốc của hạn chế này xuất phát từ những bất cập: 977
  4. i. Lực lượng lao động dồi dào là lợi thế của Việt Nam nhưng chưa được khai thác triệt để cho tăng trưởng kinh tế. Số lượng lao động không ngừng gia tăng nhưng số lượng việc làm được tạo ra không tăng tương ứng. Kết quả là tình trạng thất nghiệp nhất là ở thành thị vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động Đơn vị tính: % Nguồn: TCTK và Bộ LĐTB&XH (2014, 2015) ii. Chất lượng lao động lại không chuyển biến đáng kể, tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo chậm được khắc phục đã khiến cho tình trạng khan hiếm và thiếu hụt lao động có kỹ năng trên thị trường càng ngày càng phổ biến. Những hạn chế này là rào cản rất lớn cho tăng trưởng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. iii. Sản xuất mang tính chất gia công giản đơn dựa vào nguồn lao động rẻ, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ bên ngoài, tạo ra giá trị gia tăng thấp là đặc điểm nổi bật của mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc điểm này không chỉ khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những tác động từ bên ngoài, mà còn dẫn đến cán cân thương mại luôn có nguy cơ bị thâm hụt, dự trữ ngoại hối suy giảm, làm gia tăng sức ép lên VNĐ, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Kim ngạch thương mại hàng hóa theo khu vực kinh tế Đơn vị tính: tỷ USD Nguồn: Tổng cục Hải quan iv. Mặc dù, năng suất lao động Việt Nam tăng liên tục nhưng chưa cao và thiếu ổn định. Tăng trưởng năng suất lao động nhiều năm qua còn dựa nhiều vào sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nhóm ngành nông- lâm- thủy sản có năng suất lao động thấp sang nhóm 978
  5. ngành công nghiệp- dịch vụ có năng suất lao động cao, chưa dựa nhiều vào sự tăng năng suất lao động của nội bộ các ngành. Do đó, tăng trưởng GDP Việt Nam mới chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của tăng quy mô lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động, việc dựa vào sự đóng góp của tăng năng suất lao động ngành vẫn còn thấp. Điều này bộc lộ yếu điểm về tính hiệu quả và chất lượng tăng trưởng các ngành. Vì thế, đây là thách thức lớn đối với chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới đây. Đóng góp của các nhân tố đến tăng trưởng GDP thời kỳ 2006 -2013 HấĐơn vị tính: % 2006 -2010 2011 -2013 2006 - 2013 1. Tốc độ tăng GDP 6,42 5,64 6,06 2. Ảnh hưởng của tăng năng suất lao động 1,88 2,55 2,13 ngành đến tăng GDP 3. Ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu lao 1,67 0,99 1,41 động ngành đến tăng GDP 4. Ảnh hưởng của tăng quy mô lao động 2,77 2,10 2,52 ngành đến tăng GDP 5. Tỷ phần đóng góp của tăng năng suất lao 29,75 45,21 35,15 động ngành vào tăng GDP 6. Tỷ phần đóng góp của chuyển dịch cơ cấu 26,42 17,55 23,26 lao động ngành vào tăng GDP 7. Tỷ phần đóng góp của tăng quy mô lao 43,83 37,24 41,59 động vào tăng GDP Nguồn: GS,TS Tăng Văn Khiên, TS Đặng Văn Lương. Phân tích biến động năng suất lao động và ảnh hưởng của năng suất lao động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ 2006- 2013. Tạp chí Quản lý kinh tế, số 70, tháng 9/2015. Ba là, vai trò của nguồn lực khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế rất hạn chế. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng kinh tế chiếm tỷ lệ thấp đã phản ánh tính chất lạc hậu về công nghệ và hiệu quả ngày càng thấp của mô hình tăng trưởng ở Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Trong đó, nổi bật là: Hàm lượng công nghệ trong giá trị sản phẩm và trình độ công nghệ các ngành kinh tế còn thấp; hoạt động chuyển giao công nghệ, nhất là chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả như mong muốn; hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) trong nước còn hạn chế trên nhiều mặt; từ tổ chức, cơ cấu bộ máy của các tổ chức khoa học, cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học, chất lượng của các công trình nghiên cứu đến năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, 2. Những nguyên nhân chủ yếu Thứ nhất, tư duy ưu tiên mục tiêu tăng trưởng nhanh Trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, tăng trưởng kinh tế nhanh là yêu cầu bức xúc của Việt Nam để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát 979
  6. triển. Với tiềm lực tài chính có hạn, năng lực quản lý còn hạn chế, Nhà nước khó có thể vừa tập trung tạo lập và củng cố nền tảng của tăng trưởng, vừa đáp ứng đòi hỏi của tăng trưởng cao. Trong trường hợp này, thay vì phải chọn phương án hướng tới mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn và hiệu quả cao, tức là củng cố nền tảng của tăng trưởng, thì lựa chọn phương án tăng đầu tư, nhất là đầu tư vào vốn vật chất, để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh. Theo đó, Nhà nước luôn phải lo giải quyết những vấn đề ngắn hạn, tìm kiếm nguồn lực tài chính, sử dụng các ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư (trợ cấp, ưu đãi lãi suất, bão lãnh tín dụng, bảo hộ sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước). Nhiều địa phương mong muốn có “sức bật nhanh” về kinh tế, đã quyết định đầu tư tràn lan, gây nên những hậu quả khôn lường cả về kinh tế và xã hội. Trong nhiều trường hợp, ẩn sau cuộc chạy đua đó là căn bệnh thành tích và kỳ vọng giành được vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho địa phương mình càng nhiều càng tốt. Vì vậy, cho dù Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đã dốc sức cho tăng trưởng, song tốc độ tăng trưởng còn dưới mức tiềm năng, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện và sự lãng phí nguồn lực trở nên phổ biến. Thứ hai, những hạn chế về nguồn lực tăng trưởng theo chiều sâu - Về vốn con người, còn nhiều yếu tố bất cập: Số người bước vào tuổi lao động ngày càng gia tăng gây áp lực cho việc thực hiện chiến lược áp dụng công nghệ hiện đại. Lao động nông – lâm – ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao là rào cản thay đổi công nghệ, chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại. Cơ cấu lao động bất hợp lý, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có chất lượng cao còn thấp34, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chậm được khắc phục. Theo Báo cáo Vốn con người năm 2013 (The Human Capital Report) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số vốn con người của Việt Nam đứng thứ 70/122 nước xếp hạng. Ở khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Lào và Capuchia và kém xa với các quốc gia khác về chỉ số này. Đặc biệt trong đó 02 chỉ số quan trọng phản ánh khả năng tăng trưởng theo chiều sâu là Năng lực sáng tạo (Capacity for inovation) và mức độ thu tiếp thu công nghệ (Firm level technology absorption), chúng ta đều xếp hạng cuối cùng trong trong khu vực ASEAN (Chỉ số năng lực sáng tạo Việt Nam xếp hạng 7/8; chỉ số mức độ thu tiếp thu công nghệ xếp hạng 8/8). - Trình độ khoa học công nghệ còn hết sức thấp kém, là lý do hạn chế hiệu quả tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng giá trị gia tăng, khiến cho Việt Nam chịu thua thiệt trong thương mại quốc tế. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng trong dài hạn khi các dấu hiệu lợi thế về lao động rẻ ở nước ta đang mất dần và năng lực cạnh tranh tăng trưởng bị giảm sút đi một cách tương đối. Thứ ba, những bất hợp lý trong chính sách đầu tư và hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư Sự bất hợp lý trong chính sách đầu tư đã gây ra những méo mó trong phân bổ và sử dụng nguồn vốn này. Trong thời gian qua, Việt Nam đã quá tập trung vào đầu tư vốn vật 34 Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Hiện Việt Nam có tới 84,6% lao động chưa qua đào tạo, trong khi đó, con số này các nước ASEAN là khoảng 30%. Nguồn: Đặng Trường Minh. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 6(121), 2013. 980
  7. chất, trong khi đó đầu tư cho vốn nhân lực, công nghệ và những yếu tố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn chưa thực sự được coi trọng. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế quá phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước kém hiệu quả, gây thất thoát lãng phí, tham nhũng, rút ruột công trình, dự án, chưa phát huy được vai trò tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư khác nên đã dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công tăng cao. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này: các chính sách về quản lý đầu tư chưa thật đồng bộ, thiếu các quy định, chế tài cụ thể; tình trạng khép kín trong đầu tư xây dựng; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đầu tư chưa chặt chẽ và nghiêm túc; sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát đầu tư còn mang tính hình thức; sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ quản lý nhà nước các cấp, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi bất chính. Những bất cập trên ảnh hưởng trước mắt là làm cho đầu tư trở nên kém hiệu quả và lâu dài là khả năng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng. Thứ tư, năng lực và kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô còn hạn chế Mấy năm gần đây, một số tiêu chí quan trọng trong cân đối vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục không tốt như: bội chi ngân sách, nợ chính phủ tăng lên; nhập siêu và cán cân thanh toán tài khoản vãng lai bị thâm hụt, gây sức ép lên tỷ giá đồng tiền Việt Nam; những biến động về tỷ giá, về giá vàng đã gây ra xáo động không đáng có. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do năng lực và kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô còn hạn nhiều chế. Các can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như xuất khẩu gạo, xuất nhập khẩu ô tô, tỷ giá hối đoái, đầu tư xây dựng cơ bản còn thường xuyên và phổ biến đã khiến cho cơ chế thị trường bị thu hẹp đáng kể. Trong đó, có không ít quyết định hành chính với những thay đổi thiếu tính dự báo đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp và người dân. Phần lớn các can thiệp hành chính chỉ tập trung vào những vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế trong khi những vấn đề dài hạn chưa thấy được quan tâm. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa đồng bộ. Việc phân cấp cho các tỉnh, địa phương về một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội là cần thiết, song điều này cũng dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hệ quả là cơ cấu ngành và vùng bị phân tán, cạnh tranh lẫn nhau, đầu tư chồng chéo lãng phí (cảng biển, sân bay, sân golf, )35. 3. Giải pháp điều chỉnh cơ cấu các nguồn lực nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Một là, đổi mối tư duy về mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng kinh tế. Cốt lõi của tư duy này là: giải quyết vấn đề tốc độ tăng trưởng kinh tế phải trên nền tảng giải quyết vấn đề chất lượng tăng trưởng. Theo đó, trong dài hạn cần chấm dứt quan 35 Chỉ tính riêng 11 tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Khánh Hòa với chiều dài hơn 600km thì tỉnh nào cũng có cảng biển: cảng Cửa Lò (Nghệ An); cảng Vũng Áng (Hà Tỉnh); cảng Hòn La (Quảng Bình); cảng Cửa Việt (Quảng Trị); cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế); cảng Tiên Sa (Đà Nẵng); cảng Kỳ Hà (Quảng Nam); cảng Dung Quất (Quảng Ngãi); cảng Quy Nhơn (Bình Định); cảng Vũng Rô (Phú Yên); cảng Nha Trang (Khánh Hòa). 981
  8. điểm phải đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh với mọi giá nhờ vào dốc sức gia tăng vốn đầu tư. Hai là, nâng cao hiệu quả của mô hình tăng trưởng kinh tế trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu nguồn lực. Việt Nam phải điều chỉnh cơ cấu nguồn lực nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Cụ thể là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, tăng cường ảnh hưởng của yếu tố TFP, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tập trung các nguồn lực cho các ngành, các lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Ba là, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hướng tới duy trì tăng trưởng dài hạn và có hiệu quả. Trong điều chỉnh cơ cấu đầu tư cần chú ý mấy vấn đề cơ bản sau đây: - Giới hạn quy mô đầu tư: nhiều năm qua, Việt Nam luôn ưu tiên chạy theo mục tiêu tăng trưởng nhanh dựa vào gia tăng vốn đầu tư. Kết quả là Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, để đổi lấy điều đó, Việt Nam đã luôn phải nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư, chấp nhận nền kinh tế nóng lên cùng với việc chứa đựng nhiều nguy cơ lạm phát khó kiểm soát và những rủi ro do bất ổn kinh tế vĩ mô, trong khi đó, tăng trưởng vẫn không đạt được mức tiềm năng. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, quy mô đầu tư từ 30% đến dưới 40%GDP36 là giới hạn an toàn về độ nóng của nền kinh tế đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. - Tăng cường đầu tư theo chiều sâu đối với các yếu tố nguồn lực làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, Việt Nam cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng các nguồn lực bao gồm: + Đầu tư cho kết cấu hạ tầng nhằm hỗ trợ hoạt động của các khu vực kinh tế, nhất là khu vực FDI. + Mở rộng đầu tư cho y tế, giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực. + Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là năng suất lao động ở khu vực ngoài Nhà nước và trong các ngành nông- lâm- ngư nghiệp. Đây là khu vực và ngành có năng suất lao động thấp nhưng phạm vi hoạt động rộng khắp nền kinh tế quốc dân và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lao động xã hội. - Tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, giảm dần tỷ trọng đầu tư vốn nhà nước. Đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước vừa chứa đựng yếu tố thiếu hiệu quả vừa không an toàn cho ngân sách nhà nước và những nguy cơ đe dọa lạm phát cao. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư và duy trì tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, cần coi trọng các chính sách khuyến khích mở rộng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân. Để làm được điều này cần tập trung vào 3 hướng chủ yếu: 36 Theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013- 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định 339/QĐ- TTg, ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ) thì giới hạn quy mô đầu tư hàng năm giai đoạn 2013 - 2020 là khoảng 30% - 35%GDP. 982
  9. + Tạo cơ hội bình đẳng cho khu vực tư nhân tiếp cận các nguồn lực, nhất là đất đai và vốn; + Nhà nước cần hạn chế đến mức tối đa đầu tư phát triển doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước chỉ nên tập trung phát triển các doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực then chốt, trọng yếu và các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng; + Nghiên cứu ban hành hệ thống các chính sách đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước bao gồm: đẩy mạnh huy động nguồn vốn trong dân cư, qua các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công. Trong đó, chủ yếu là giải quyết 2 nội dung cơ bản: (i) Phân bổ hợp lý đầu tư công; (ii) quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công. - Trong phân bổ đầu tư công cần chú ý 2 vấn đề sau: + Khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải trong phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, cần tập trung vốn vào những dự án trọng điểm có tác động lan tỏa đến sự phát triển kinh tế- xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn. + Xác định mục tiêu ưu tiên trong chi tiêu của Nhà nước vào việc khắc phục các điểm nghẽn đã tồn tại lâu nay: cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực; thể chế kinh tế thị trường. Thực hiện điều này cũng có nghĩa, thay vì quan tâm đến làm kinh tế, Nhà nước tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập khuôn khổ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, định hướng cho các hoạt động kinh tế nhằm làm cho tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước. - Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công, trước hết phải tập trung giải quyết 4 vấn đề: (i) Công khai hóa và minh bạch hóa thông tin về đầu tư công; (ii) xây dựng và áp dụng quy trình về xác định, thẩm định, lựa chọn, phân bổ vốn đầu tư và thực hiện vốn đầu tư nhà nước; (iii) Giám sát và chế tài xử lý các vi phạm về đầu tư công; (iv) Hoàn thiện khung pháp luật về đầu tư công. Năm là, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ. - Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, bao gồm các giải pháp hình thành thị trường công nghệ, các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ. - Hướng dẫn lựa chọn chuyển giao công nghệ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và du nhập công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. - Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính cho khoa học theo hướng mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị khoa học. - Nâng cao hiệu lực pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo nhằm tạo động lực cho các hoạt động phát minh, sáng chế. Sáu là, tận dụng ưu thế của cơ chế thị trường nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực. 983
  10. Theo đó, phát triển thị trường các yếu tố sản xuất và cải thiện môi trường kinh doanh là 2 nội dung trọng tâm cần giải quyết trong những năm tới. - Về phát triển thị trường các yếu tố sản xuất: + Đối với thị trường bất động sản: Hình thành cơ chế giá đất, giá bất động sản theo nguyên tắc thị trường. + Đối với thị trường lao động: Đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm; Thúc đẩy dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, đô thị; xây dựng hệ thống thông tin thống kê về thị trường lao động. + Đối với thị trường khoa học - công nghệ: Hình thành các doanh nghiệp khoa học, công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Gắn kết hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, tư vấn, mua bán công nghệ, giám định, đánh giá, chuyển giao công nghệ. + Đối với thị trường tài chính: tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, phát triển thị trường chứng khoán, từng bước làm cho thị trường này trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển. - Về cải thiện môi trường kinh doanh: để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất kinh doanh thì trước hết, Việt Nam cần tập trung vào các nội dung sau: + Nâng cấp cơ sở hạ tầng. Muốn vậy cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: (1) Cần nâng cao chất lượng quy hoạch từ công tác dự báo, xây dựng, rà soát điều chỉnh, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch nhằm phân bổ có hiệu quả và quản lý chặc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; (2) Đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân và nước ngoài cho phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, giải pháp then chốt nhất là hoàn thiện khung pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hình thức đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân. + Cải cách thủ tục hành chính. Cần tiếp tục rà soát, cắt bỏ những quy trình bất cập, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, chuẩn hóa các thủ tục qua cơ chế một cửa nhằm giảm các chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền tạo sự chủ động cho các địa phương xem xét và giải quyết yêu cầu của nhà đầu tư, các doanh nghiệp một cách nhanh chóng và thuận tiện. + Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Trong điều kiện còn nhiều ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước như hiện nay, trước hết cần khắc phục tình trạng phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Theo đó, hướng chủ đạo là phải tiến hành cắt giảm những hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp này, đặc biệt là những hỗ về tiếp cận vốn, đất đai, tiếp cận thông tin. Cụ thể là: • Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp nhà nước. • Xác định rõ nguyên tắc và làm rõ giới hạn về sự can thiệp của Nhà nước bằng biện pháp hành chính vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. 984
  11. • Mở rộng vai trò của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. • Tăng cường hoạt động giám sát tài chính và quản trị rủi ro đối với doanh nghiệp nhà nước. • Công khai, minh bạch hóa các thông tin về pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước và chính quyền các cấp nhằm tạo điều doanh nghiệp và người dân tiếp cận được dễ dàng. • Hoàn thiện khung pháp luật cho nền kinh tế thị trường theo nguyên tắc chủ đạo là đảm bảo quyền tự do cạnh tranh thị trường một cách bình đẳng. Trong đó, những năm tới các lĩnh vực cần ưu tiên hoàn thiện các khung pháp luật là: khung pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, khung pháp luật về đảm bảo quyền tự do kinh doanh, khung pháp luật về cải thiện môi trường kinh doanh, khung pháp luật về khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền phù hợp với thông lệ quốc tế, cải cách hành chính, khung pháp luật về thúc đẩy phát triển các các loại thị trường, khung pháp luật về quản lý đầu tư công, khung pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khung pháp luật về đảm bảo an sinh xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo đầu tư, ngày 23/03/2016 . icor-d41472.html 2. GS,TS Tăng Văn Khiên, TS Đặng Văn Lương. Phân tích biến động năng suất lao động và ảnh hưởng của năng suất lao động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ 2006- 2013. Tạp chí Quản lý kinh tế, số 70, tháng 9/2015. 3. Đặng Trường Minh (2013). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam hiện nay: Thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 6 (121), 2013. 4. PGS, TS. Nguyễn Thị Nguyệt (2016). Bội chi ngân sách nhà nước ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 5 (456), tháng 05/2016. 5. PGS.TS. Trần Đình Thiên và các cộng sự (2015). Kinh tế Việt Nam năm 2014: Tổng quan vĩ mô. Hội thảo Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015. 6. Thủ tướng chính phủ (2013). Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013- 2020 Ban hành kèm theo Quyết định 339/QĐ- TTg, ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ. 7. Nguyễn Anh Tuấn (2016). Năng suất lao động Việt Nam 2015 - Những con số nổi bật. Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam. trung-uong/12710-nang-suat-lao-dong-viet-nam-2015-nhung-con-so-noi-bat.html (Thứ tư, 13/07/2016 - 14:04) 8. Ngô Quang Trung (2016). Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn 1988- 2015: thực trạng và vấn đề. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 5 (456), tháng 05/2016 985