Giáo trình Giới thiệu mỹ thuật vẽ tranh - Nguyễn Thị Kim Thanh

pdf 21 trang cucquyet12 3590
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Giới thiệu mỹ thuật vẽ tranh - Nguyễn Thị Kim Thanh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_gioi_thieu_my_thuat_ve_tranh_nguyen_thi_kim_thanh.pdf

Nội dung text: Giáo trình Giới thiệu mỹ thuật vẽ tranh - Nguyễn Thị Kim Thanh

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG Khoa Văn Hóa Nghệ Thuật Giáo trình Giới Thiệu Mỹ Thuật Vẽ Tranh Biên soạn: Nguyễn Thị Kim Thanh
  2. Lời nói đầu Giới thiệu Mĩ thuật & Vẽ tranh là học phần III của chương trình giảng dạy mĩ thuật ở hệ CĐSP tiểu học, tiếp sau học phần vẽ theo mẫu & vẽ trang trí. TLGD này được biên soạn dựa trên giáo trình Mĩ thuật và PPDH tập 1 của BGD – ĐT xuất bản năm 1998 kết hợp tham khảo một số tài liệu khác có liên quan đến Mĩ thuật và giảng dạy Mĩ thuật cùng thực tế giảng dạy của giảng viên. Tài liệu biên soạn dành cho sinh viên hệ CĐSP tiểu học năm thứ II, nhằm giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn môn Mĩ thuật theo phương pháp học tích cực. Xin trân trọng tiếp nhận ý kiến đóng góp xây dựng của quí Thầy Cô & đồng nghiệp để tài liệu giảng dạy được hoàn chỉnh hơn. Chân thành biết ơn. Tác giả Học phần III- Giới thiệu Mỹ Thuật Bài 1 - Vài điều cần biết khi xem tranh Bài 2- Tranh dân gian Việt Nam Bài 3 - Tranh cổ động biếm họa Bài 4 - Tranh vẽ của thiếu nhi Bài 5 - Vẽ tranh Cái đẹp trong cuộc sống & cái đẹp trong nghệ thuật 1. Cái đẹp trong cuộc sống: Là khái niệm chung cho cái đẹp trong tự nhiên và cái đẹp trong xã hội. a) Cái đẹp trong tự nhiên: • Là sự hài hòa về hình dáng,màu sắc của cảnh vật. • Tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người. • Gợi cảm xúc cho con người : con người thưởng thức, gửi tâm tình vào đó cảnh đẹp mới có hồn, có giá trị. Như vậy, cái đẹp trong tự nhiên: • Biểu hiện về màu sắc, hình dáng.
  3. • Gợi cho con người cảm xúc, say mê, rung động, sức sống dồi dào, hấp dẫn • Giúp con người cảm thấy niềm vui sống. • Khơi dậy trong con người khát vọng, tình yêu. b) Cái đẹp trong xã hội: . • Là mối quan hệ hài hòa giữa con người với nhau . • Mang tính lịch sử, tính giai cấp, tính Đảng, tính nhân dân, tính dân tộc. * Tóm lại: Cái đẹp trong cuộc sống: • Chính là hiện thực khách quan sinh động và hữu ích đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra xung quanh ta. • Đem lại cho chúng ta niềm say mê, sự phấn khởi, từ đó con người yêu đời hơn, sống đẹp hơn. 2. Cái đẹp trong nghệ thuật: • Chính là cái đẹp trong cuộc sống • Được người nghệ sĩ cảm xúc và chắt lọc những điển hình, tinh hoa đưa vào trong nghệ thuật (dưới dạng những hình tượng nghệ thuật). • Khiến người xem, người nghe rung động, tiếp nhận. Như vậy cái đẹp trong nghệ thuật: Là cái đẹp của cuộc sống nhưng ở mức độ cao hơn. Mang chiều sâu nhân văn, giúp con người hành động và suy nghĩ theo lẽ phải, theo cái đẹp, cái hoàn thiện. Thể loại và chất liệu tranh 1. Thể loại: a) Tranh phong cảnh: • Tranh vẽ cảnh vật là chủ yếu. (Phong cảnh biển, cảnh nông thôn, cảnh thành thị ). • Cũng có thể vẽ thêm hoạt động của con người, con vật cho cảnh sinh động hơn. b) Tranh sinh hoạt: • Miêu tả hoạt động của con người là chính. • Có kết hợp cảnh vật. • Tranh vẽ về sinh hoạt trên mọi lĩnh vực như lao động sản xuất, chiến đấu, học tập
  4. c) Tranh tĩnh vật: Tranh vẽ về đồ vật , con vật ở trạng thái tĩnh hay hoa, quả. d) Tranh chân dung: • Tranh vẽ người, diễn tả nét mặt là chủ yếu. • Có thể vẽ bán thân , toàn thân . Trong trường hợp này thì ngoài nét mặt còn chú ý đến đặc điểm của dáng điệu nhân vật . • Có thể vẽ chân dung 1 nhóm người. e) Tranh minh hoạ: Là thể loại tranh được vẽ để làm sáng tỏ một nội dung văn học. f) Tranh áp phích: Tranh vẽ tuyên truyền, cổ động. g) Tranh lịch sử: • Tranh có nội dung lịch sử. • Diễn tả nhân vật, phong cảnh, diễn biến lịch sử. Như vậy: mỗi thể loại có một đặc điểm riêng, đòi hỏi người vẽ phải đi sâu nghiên cứu, diễn tả để tranh không rơi vào trạng thái chung chung. 2. Chất liệu: Có nhiều chất liệu, mỗi loại chất liệu có đặc điểm, cách thể hiện và vẻ đẹp khác nhau. (Xem trang 160 ( 169 sách MT & PPDH tập 1) Cách phân tích & đánh giá một tác phẩm hội họa 1. Tìm hiểu về xuất xứ, bối cảnh lịch sử của tranh: • Tác giả là ai? Thân thế và sự nghiệp của tác giả. • Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh nào? • Vẽ bằng chất liệu gì? • (Xem thêm trang 169, 170 sách MT & PPDH tập 1). 2. Xem xét về nội dung và hình thức thể hiện: a) Nội dung: • Là cái mà bức tranh muốn nói lên. • Là nội dung của chính cuộc sống được phản ánh vào trong tranh. • Nội dung có vai trò quyết định. Một tác phẩm có giá trị nghệ thuật phải có:
  5. • Nội dung lành mạnh, tác động tích cực đến người xem, điển hình về nhân vật, khung cảnh. • Gợi sự rung động về cái đẹp của thiên nhiên, của con người. • Hướng người xem về những tình cảm tốt đẹp. b) Hình thức: Là sự vận dụng ngôn ngữ của hội hoạ làm sáng tỏ được nội dung chủ đề: Cách biểu hiện hình tượng, màu sắc có đáp ứng được yêu cầu chủ đề, tính tư tưởng, tính nghệ thuật? Một bức tranh đẹp phải có: • Bố cục chặt chẽ (có sự kết hợp hài hoà giữa các mảng, tạo nên nhịp điệu trong một không gian mở rộng hay ước lệ). • Màu sắc hài hoà, phù hợp nội dung chủ đề. • Xuất phát từ những rung cảm nghệ thuật chân thực của tác giả. c) Mối liên hệ: Nội dung và hình thức là một thể thống nhất trong 1 bức tranh: • Hình thức biểu hiện nội dung. • Nội dung chứa đựng trong hình thức. * Tóm lại: Một bức tranh đẹp, có giá trị nghệ thuật là bức tranh: • Thể hiện được trung thực cuộc sống, có sức khái quát cao. • Vận dụng được qui luật của nghệ thuật để phản ánh, sáng tạo một cách sâu sắc, chủ đề có tính chất điển hình. • Khêu gợi được xúc cảm thẩm mĩ, hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Phân tích khái quát một số tác phẩm hội họa A/ Giới thiệu tiểu sử một số tác giả Việt Nam và nước ngoài tiêu biểu: 1. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân: Sinh năm 1906 tại Hà Nội, theo học khoá II – trường Cao đẳng Mĩ Thuật Đông Dương (1926 – 1931). Sau khi học xong ông được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 1949, trường Mĩ Thuật kháng chiến được thành lập, ông được cử làm hiệu trưởng. Trước đó ông còn làm trưởng đoàn văn hoá kháng chiến Việt Bắc và giám đốc xưởng hoạ kháng chiến. Tháng 6 năm 1954, trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ ông đã anh dũng hy sinh ở chân đèo Lũng Lô.
  6. Cuộc đời ông tuy ngắn song sự nghiệp nghệ thuật của ông rất lớn lao. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau, tuy vậy, đặc biệt nhất vẫn là tranh sơn dầu. Một trong những tác phẩm thành công và sống mãi với thời gian là bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của ông được sáng tác năm 1943 bằng chất liệu sơn dầu với khuôn khổ 60cm x 45cm, hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đã cho chúng ta chiêm ngưỡng một nét đẹp truyền thống đáng trân trọng của người phụ nữ Việt Nam. 2. Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn: Sinh năm 1910 ở Kiến An – Hải Phòng. Con đường đến với nghệ thuật của ông được mở ra sau khi ông đã tốt nghiệp trường Bách Nghệ ở Hà Nội và làm việc ở Nha Trang. Năm 1931, ông thi đỗ vào khoá VII của trường Mĩ Thuật Đông Dương (1931 – 1936). Trong thời gian học ở trường, ông đã có nhiều tranh triển lãm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: sơn dầu, lụa, khắc gỗ. Các tranh của ông đều được tặng giải ngoại hạng. Trần văn cẩn có hai tác phẩm được giải nhất tại triển lãm các hoạ sĩ Việt Nam năm 1943, đó là “Em Thúy” (sơn dầu, khổ 45 x 60cm _ Bảo tàng Mĩ Thuật Hà Nội) và “Gội đầu” (khắc gỗ màu khổ 22 x 34cm). Trần Văn Cẩn đến với chất liệu sơn dầu sau khi đã vẽ nhiều tranh lụa. Do đó, khi ông vẽ sơn dầu, ta cũng thấy phảng phất đâu đó một chút kỹ thuật và phong cách của vẽ tranh lụa. Đó là sự kết hợp cách vẽ mềm mại, giản dị trên tranh lụa với lối vẽ mạnh mẽ, đậm nhạt rõ ràng của sơn dầu để tạo nên ở trần Văn Cẩn một phong cách vẽ sơn dầu rất riêng của Việt Nam. Trần Văn Cẩn có vinh dự là người hoạ sĩ đầu tiên vào thị xã Buôn Ma Thuột ngay sau khi phủ Tây Nguyên được giải phóng. Ông theo các đoàn quân chiến thắng tiến vào Sài Gòn và đã vẽ được nhiều kí hoạ đẹp, nóng hổi tính thời sự. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, được nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức (cũ) phong tặng danh hiệu Viện Sĩ Thông Tấn. 3. Hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung: Sinh tháng 2 năm 1912 tại quê ngoại ở xã Xuân Tảo, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Ông là sinh viên khoá V của trường Cao đẳng Mĩ Thuật Đông Dương (1929 – 1934). Từ năm 1936(1944 ông đã làm thư kí rồi tổng thư kí Hội khuyến học Mĩ Thuật và kỹ nghệ, giảng dạy tại trường Mĩ Thuật Đông Dương và nhiều trường tư thục ở Hà Nội , Huế , đồng thời viết và vẽ cho nhiều tạp chí, nhật báo Hà Nội. Ông được cùng với Tô Ngọc Vân và Nguyễn Thị Kim vào phủ Chủ Tịch vẽ chân dung Bác Hồ. 1962 Viện trưởng Viện Mĩ Thuật – Mĩ Nghệ, chỉ đạo việc cải tạo và xây dựng Viện Bảo tàng Mĩ Thuật. Ông viết nhiều sách về lịch sử Mĩ Thuật Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như : “Học hỏi lẫn nhau” (sáng tác năm 1960, khổ 92 x 92cm), “Công nhân cơ khí” (sáng tác 1962), “Tan ca, mời chi ra
  7. họp để thi thợ giỏi” (sáng tác 1976, khổ 102 x 117cm) tất cả đều được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã có rất nhiều cống hiến với sự nghiệp Mĩ Thuật nước nhà. Ông được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3, Huân chương lao động hạng nhất. Ông mất ngày 22/9/1977 tại bệnh viện Hữu Nghị Việt- Xô. 4. Lêôna đờ VanhXi (Léonard de Vinci): Sinh 1452, mất 1519. Ở ông tập trung tài năng về nhiều mặt, cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Trong lĩnh vực nghệ thuật ông không chỉ là một danh hoạ mà còn là một nhà điêu khắc, nhà lý luận. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về luật phối cảnh , giải phẩu tạo hình Do hoàn cảnh lịch sử nên tranh của ông còn lại không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 20 tác phẩm, đều là những kiệt tác như: “Bữa tiệc vĩnh biệt” hay còn có tên là “Buổi họp mặt kín” vẽ trên tường Tu viện Thánh Maria Đen Graxơ ở Milăng (Santa Maria Della Grajie – Milan) tác phẩm này ngày nay đã bị hư hỏng nhiều. “Chân dung La Giôcông” được hoàn thành sau một thời gian dài (1502-1506), là một bức tranh chân dung nổi tiếng của Lêôna đờ Vanhxi. Ngoài 2 tác phẩm trên, ông còn nhiều tác phẩm khác như: “Đức Mẹ trong hang đá”, “Đức Mẹ và Thánh Anna”, “Lê-đa”, B/ Phân tích khái quát một số tác phẩm: (Xem thêm trang 172 - 180 sách Mĩ thuật & PPDH tập 1) 1. Đề tài chiến đấu: * “Du kích tập bắn”: (“Du kích La Hai”) – 1947 – tranh màu bột của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Trực tiếp quan sát đối tượng, hoạ sĩ sử dụng chất liệu màu bột, vẽ nhanh tại hiện trường. Bức tranh ghi lại buổi tập bắn của 1 tổ du kích gồm có cả công nhân, nông dân và những thành phần khác. Con người và thiên nhiên hoà vào trong cái nắng chói chang, rực rỡ điển hình của miền Nam Trung Bộ đã được lột tả trong tranh. Với hoà sắc đẹp, trong sáng đã tạo được một sắc thái mới trong nghệ thuật. Năm nhân vật ở những tư thế khác nhau rất động: người bò, người trườn, người núp, không một dáng điệu nào lặp lại. Họ đang tập bắn bên một bờ mương đầy nắng. Những hình dáng sinh động của họ được hoạ sĩ nắm bắt và phản ánh sắc xảo, do đó tạo nên tính hấp dẫn. Tính chất động trong bố cục còn mang lại cho tranh này một sức sống tự nhiên. Khung cảnh của bãi tập là ở giữa đồng quê thoáng đãng, xa xa phía trước là cảnh xóm làng với hoà sắc xanh thẳm của cây cối và ẩn hiện mấy mái nhà làm mục tiêu cho buổi luyện tập. Aùnh nắng rực rỡ trải trên nhân vật, trên bờ mương và trên xóm làng làm cho bức tranh gợi nhiều cảm xúc. Bức tranh đã vượt xa hiệu quả của ký hoạ. Đây cũng là một trong những đặc điểm sáng tác của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung trong thời gian ở miền Nam Trung Bộ.
  8. (xem thêm tranh“Du kích chống càn” của hoạ sĩ Trịnh Phòng trang 172, 173) 2. Đề tài nông nghiệp: (xem trang 174, 175 – Mĩ Thuật và PPDH tập 1) 3. Đề tài công nghiệp: * “Công nhân cơ khí” : (1962) tranh màu dầu của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Để phản ánh hoạt động sản xuất trong một phân xưởng cơ khí, Nguyễn Đỗ Cung vẽ cận cảnh. Ở vị trí trung tâm tranh, ông vẽ 1 nhóm 3 người đang quai búa chặt tấm kim loại lớn. Đằng xa có 3 nhóm người nữa cũng đang khẩn trương lao động bên máy. Mọi hoạt động của người và máy đều được ông diễn đạt hồn nhiên, phóng khoáng. Sự sắp xếp có trật tự, khoa học, biểu hiện tính hiện đại trong tranh của ông và cũng toát lên nhịp điệu “hiện đại” của sản xuất công nghiệp ở nước ta đầu những năm 60. Ông tập trung diễn tả vẻ đẹp trong những thao tác lao động của những người công nhân với một bố cục hợp lý. Đi vào phản ánh cuộc sống mới, ông khai thác vẻ đẹp của người công nhân mới của Việt Nam trong môi trường sản xuất công nghiệp sôi nổi, lạc quan tin tưởng. Dáng anh công nhân bên trái lấy đà quai búa, chao búa giữa 2 chân dạng ra chắc khỏe, đang gây chuyển động sắp vung búa lên, còn anh công nhân bên phải ở thế đối diện thì đang giơ cao búa lên, 2 tay nắm chắc cán, dùng sức chân kiểng, chuẩn bị nện mạnh búa xuống, 1 anh công nhân thứ 3 đang ngồi giữ rất thận trọng, để chặt dần tấm kim loại dày và lớn. Sự phối hợp động tác của 3 người thật nhịp nhàng nên làm cho tranh càng sống động. Về màu sắc, ông dùng một sắc độ hài hoà và bảng màu phong phú càng làm cho không khí lao động trong tranh thêm động hơn. Cả mảng nền nhà máy, nhóm nhân vật phía xa đều lẫn vào mảng sẫm tương phản ngược sáng với khung cửa lớn. Chiều sâu của tranh được thể hiện bằng phong cảnh thiên nhiên để mở rộng không gian của tranh và điểm tô cho tranh thêm đẹp. Trong tranh này, ông tả khẩu hiệu khá dài, mặc dù được cắt đoạn đầu, chỉ còn những chữ “ hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà” nhưng vẫn nhận ra được toàn câu. Tuy vậy, người ta không có cảm giác như tranh áp phích vì khẩu hiệu được ông nhấn chìm vào sắc độ sẫm, dường như chỉ để cho rõ thêm ý tranh. * “Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi”: tranh màu dầu (1976) của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Trong tác phẩm này Nguyễn Đỗ Cung đặt 3 nhân vật nữ công nhân vào trọng tâm của tranh, còn 2 bên là những hàng máy dệt. Chị ở giữa tay phải cầm thoi đi ra tắt máy, tay trái giơ lên làm mạnh thêm lời kêu gọi thành tên tranh. Bên cạnh trái, 1 chị xoay nghiêng ra nhìn theo nhưng tay còn điều khiển máy, miệng hơi nhếch cười hưởng ứng, còn chị ở bên phải, lùi một chút vào phía sau, vẫn chăm chú lao động dường như quên ca hết giờ. Ở đây, giữa máy móc và con người có sự hoà hợp, trong đó con người gắn bó với máy móc nhưng hoạt động thoải mái, ở tư thế làm chủ máy móc, nhân vật nào cũng chân chất và hóm hĩnh rất mực Việt Nam.
  9. Ở đây Nguyễn Đỗ Cung không miêu tả một cuộc họp trong giờ sản xuất, cũng không phản ánh một cảnh sinh hoạt mà chọn một thời điểm khẩn trương cao độ là lúc giáp giờ tan ca, chủ đề của tranh càng quá rõ, bộc lộ là họp để thi chọn thợ giỏi. Tranh bằng chất liệu sơn dầu song lại cho ta những cảm giác gần gũi với nghệ thuật truyền thống. Lối vẽ sơn dầu của ông không có gì xa lạ với sơn dầu Châu Aâu nhưng lại mang rõ sắc thái Việt Nam: khoẻ trong bố cục, trong hình khối, đường nét lại có những nét quen thuộc trong nhịp điệu những mảng màu lớn bẹt ở tranh dân gian của ta và sự phảng phất khối hình ở nghệ thuật điêu khắc cổ. Tương quan của các mảng sáng – sẫm với những chuyển sắc từ quần áo công nhân dệt đến máy móc, mọi cái đều tạo thành một hoà điệu về không gian. Tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc về tư thế, dáng vóc con người công nhân mới của thời đại. Tác phẩm này đã được xếp giải nhất tại cuộc triển lãm Mĩ Thuật toàn quốc năm 1976. 4. Đề tài chân dung: * “Thiếu nữ bên hoa huệ”: tranh màu dầu của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. Tác giả vẽ một cô gái thành thị chiếm hầu hết diện tích bức tranh. Cô gái trong dáng ngồi nghiêng, uyển chuyển, đầu cúi, tay trái đặt nhẹ nhàng trên mái tóc, tay phải nương nhẹ cánh hoa. Bố cục như vậy làm nổi bật chủ đề: trầm tư, suy nghĩ, đượm vẻ buồn – toát lên nét đẹp dịu dàng của cô gái Hà Nội thời trước. Màu sắc trong tranh nhẹ nhàng: màu trắng và ghi xám của áo, màu hồng của làn da, màu xanh nhẹ của hình hoa kết hợp với màu đen nâu của tóc, các khoảng tối tạo nên hoà sắc trầm, hấp dẫn, diễn tả được nét đẹp mềm mại, dịu dàng, trong trắng của một cô gái trẻ. “Thiếu nữ bên hoa huệ” là một tác phẩm đẹp, có sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem. (xem thêm tranh chân dung của hoạ sĩ Lêôna đơ Vanh-Xi và tranh của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn trang 178, 180) Xuất xứ Theo các nhà cổ học và nghiên cứu nghệ thuật thì nghệ thuật dân gian (hội hoạ) có thể xuất hiện ở thời Lý, thời Hồ và được phát triển mạnh vào thời Lê. (trang 181 sách MT & PPDH tập 1). Có nhiều dòng tranh như: Đông Hồ(Bắc Ninh), Hàng Trống(Hà Nội), Kim Hoàng(Hà Tây), Sình(Huế), Hiện nay còn thấy chủ yếu là của 2 dòng tranh lớn: tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành – Bắc Ninh) và tranh hàng Trống (phố Hàng Trống – Hà Nội). Rất ít tài liệu để nghiên cứu nên khó xác định niên đại và tác giả. Nội dung và thể loại 1. Nội dung: • Thể hiện những vấn đề thiết yếu của cuộc sống người lao động.
  10. • Phản ánh những tâm tư, tình cảm, ước mơ chính đáng của người lao động. 2. Thể loại: a) Tranh chúc tụng: • Chúc nhau có cuộc sống bình yên, may mắn, giàu có. • Các tranh: “Đại cát”, “Vinh hoa”, “Phú quí”, “Tiến tài, tiến lộc”, b) Tranh lịch sử: • Tỏ lòng biết ơn, ca ngợi công đức người xưa đã xây dựng, bảo vệ đất nước. • Các tranh: “Hai bà Trưng”, “Bà Triệu”, “Thánh Gióng”, c) Tranh sinh hoạt: • Diễn tả cảnh sinh hoạt ở nông thôn vui vẻ, đầm ấm. • Cổ vũ, ca ngợi người lao động sản xuất. • Các tranh: “Cày cấy”, “Đánh vật”, “Hứng dừa”, “Chợ quê”, d) Tranh châm biếm: • Phê phán những hủ tục. • Đả kích những thói hư, tật xấu của xã hội phong kiến đương thời. • Các tranh: “Thầy đồ cóc”, “Đánh ghen”, “Đám cưới chuột”, e) Tranh thờ: (của miền xuôi và miền ngược) • Để thờ cúng • Các tranh: “Bà chúa thượng ngàn”, “Ông Hoàng thập điện”, “Ngũ hổ”, “Cầu hoa”, Tranh biếm họa Là lối vẽ lấy diễn hình làm chính, nhằm bảo vệ cái tốt, châm biếm, đả kích những cái xấu. Được chia 3 loại: 1. Tranh đả kích: • Dùng công kích quyết liệt, không khoan nhượng đối với kẻ thù, bảo vệ chính nghĩa. • Hình ảnh, nét vẽ được cường điệu tối đa. 2. Tranh châm biếm:
  11. • Phê phán những hủ tục, thói hư tật xấu trong nội bộ quần chúng • Hình tượng được khuyếch trương vừa phải, mang tính chất gây vui, gây cười, nhằm răn đe, giáo dục đối tượng. 3. Tranh vui: (hài hước, khôi hài) • Không chế giễu ai, chỉ nhằm gây được tiếng cười tinh nghịch, vui vẻ. • Hình ảnh được thể hiện ngộ nghĩnh, hóm hĩnh, gây được niềm vui, sự sảng khoái tinh thần cho người xem. Hình thức 1. Bố cục: • Không vẽ từ một điểm nhìn cố định. • Bố cục từ cách nhìn tầm cao, ước lệ về không gian, thời gian, không chú ý chiều sâu, chỉ nêu một vấn đề cụ thể. • Có phần chữ nằm trong bố cục chung. • Cách phân phối mảng rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. • Cảnh trọng tâm được nêu bật về hình và màu, giúp người xem dễ cảm nhận ngay chủ đề. 2. Màu sắc: • Màu tươi, rực rỡ nhưng không loè loẹt. • Sử dụng màu từ thiên nhiên, màu phẩm. (xem thêm trang 183, 184 sách MT & PPDH tập 1) 3. Đường nét: • Giữ cho màu sắc đằm trên giấy, tạo nét hài hoà chung. • Tranh Đông Hồ: nét viền đen chắc, khỏe nhưng không thô cứng. • Tranh Hàng Trống: nét viền thanh mảnh, uyển chuyển, nhẹ nhàng. Kỹ thuật • Tranh được in từ bản khắc bằng gỗ lên giấy. • Tranh Đông Hồ: dùng màu từ thiên nhiên in trên giấy điệp • Tranh Hàng Trống: in nét đen rồi tô hoặc vờn, phẩy màu. • Tranh thường được bán vào dịp tết nên còn gọi là tranh tết. • Tranh dân gian đã lưu lại ở người xem những ấn tượng tốt đẹp, được đánh giá cao ở trong nước và trên thế giới.
  12. Tranh cổ động 1. Khái niệm: • Tranh cổ động còn gọi là tranh tuyên truyền hoặc áp-phích. • Là loại tranh đặt ở hè phố, nơi công cộng. • Dùng để biểu thị, nói rõ một vấn đề gì đó, thường là quảng cáo, tuyên truyền, cổ động cho vấn đề chính trị, kinh tế thương mại và các hoạt động nghệ thuật. 2. Tính chất và đặc điểm: • Tính chiến đấu, cổ vũ, tuyên truyền • Tính cụ thể, rõ ràng, cô đọng, đơn giản. • Tính trang trí, tượng trưng, khái quát cao. • Màu sắc tươi vui, rực rỡ, hấp dẫn, không nệ thực. 3. Hình thức thể hiện: • Hình ảnh phải mang tính khái quát, đơn giản, dễ hiểu, mang nhiều yếu tố trang trí để dễ nhận ra ngay nội dung từ xa. • Màu sắc phải tươi vui, rực rỡ, không lệ thuộc theo thực tế, miễn sao hấp dẫn, lôi cuốn người xem, không bị khung cảnh xung quanh lấn át. • Chữ cần ngắn gọn, phù hợp với bố cục chung. Phân tích khái quát một số tranh (Xem thêm trang 184 ( 189 sách MT & PPDH tập 1) 1. Tranh Đông Hồ: * Gà “Đại cát”: Đại cát là điềm lành lớn. Gà “Đại cát” có ý chúc mừng mọi người, mọi nhà đón xuân tốt lành. “Đại cát” bố cục 2 phần, có đại tự (chữ lớn) ở phần trên, được đóng khung và trang trí hoa văn xung quanh như một bức tranh trướng. Hình gà trống vẽ ở phần dưới, ít nét, giản lược để thích hợp với bức trang trí nhưng đủ gợi lên một phong thái trang nghiêm, hào hoa, phù hợp với 2 chữ “Đại cát”. Chú gà trống đang rướn mình lên, chân co, chân ruỗi, dương cánh vỗ, nét lông đuôi như múa, tư thế toàn thân như đang say sưa cất tiếng gáy vang, chúc tụng những điều tốt lành, may mắn. Theo quan niệm xưa, tiếng gà trống gáy âm vang đến đỉnh núi cao xua tan đêm tối, khiến ma quỷ phải lánh xa. Vì thế, ngày tết đầu năm nhân dân có tục dán tranh gà ở cửa để cấm ma quỷ và cầu mong tốt lành. Gà trống oai vệ, hùng
  13. dũng còn là biểu tượng cho sự thịnh vượng và năm đức tính tốt mà nam giới cần có: ”Văn, vũ, dũng, nhân, tính”. • Mào đỏ của gà trống tựa như chiếc mũ cánh chuồn là văn. • Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm dùng để đấu chọi là vũ. • Thấy địch thủ, gà trống dũng cảm, bất khuất đấu chọi đến cùng là dũng. • Kiếm được mồi, cùng gọi nhau ăn là nhân. Gà trống gáy “canh” không bao giờ sai, đánh thức người dậy đúng giờ để lo công việc đồng áng là tín. * “Gà mái túc mồi”: Có lẽ ở nông thôn ít có hình ảnh nào rất bình dị nhưng gợi được nhiều ý nghĩa về sự vui vẻ, sum họp, gia đình đầm ấm, sự sinh sôi bằng hình ảnh 1 gà mẹ với đàn gà con ríu rít vây quanh. Nghệ sĩ dân gian bắt được hình ảnh đầy biểu tượng đó, dựng nên bức tranh “Gà mái túc mồi” một tác phẩm thuộc loại đặc sắc nhất của tranh Đông Hồ và của cả tranh dân gian nói chung. Một gà mái đang đứng ngậm mồi vừa bắt được túc gọi đàn con qui tụ lại. Nhờ bố cục và đường nét với các màu nâu, xanh thẫm, xanh nhạt, một ít màu vàng đặt trên nền trắng điệp óng ánh đã làm nổi bật được hình ảnh đàn gà và gợi được một không khí vui tươi trìu mến như một vườn trẻ, với những âm thanh ríu ra ríu rít. Từ tranh gà trống cho đến tranh này, dần dần mới hiểu ra vì sao cụ Tú Xương lại dùng 1 từ tượng thanh để tả bức tranh gà: “Om sòm trên vách bức tranh gà”. Bức tranh vốn bất động thế mà chỉ treo lên vách nó đã đủ gây om sòm rồi, cái om sòm này do hình ảnh vui mắt và màu sắc tương phản như cãi cọ nhau mà vẫn hoà hợp trong tranh tạo nên. Với những ai giàu tưởng tượng và thích thú với tranh gà lợn, có thể thấy âm thanh của tranh cũng góp phần phá được bầu không khí tĩnh mịch của những nếp nhà vào dịp cuối đông. Gà mẹ ngậm con mồi, mắt mở to, lông và cánh như xù lên để giữ mồi và tỏ ra đắc thắng khoe với đàn gà con. Có đúng 10 chú gà con, con số tròn, không hơn, không kém, mỗi con mỗi vẻ, không con nào giống con nào. Chúng đứng ở các vị trí ngẫu nhiên nhưng tạo ra sự cân xứng cho toàn khung tranh, đông đúc nhộn nhịp nhưng lại rất thoáng, mỗi con một tư thế, đùa vui nhảy múa, nhưng tất cả đều hướng cặp mắt ngây thơ về phía mẹ. Màu lông, màu cánh gà con giống màu lông mẹ nhưng lại lọt ra một chú có bộ lông vàng hoàn toàn để cho khỏi đơn diệu. Nét đặc sắc của bức tranh là bố cục và việc thể hiện đường nét, những nét đậm, khỏe, chắc nịch, giản dị nhưng sinh động. Bộ lông gà mẹ là một bút pháp tài hoa, rất thực nhưng lại nhằm hiệu quả trang trí. Những nét vẽ từng chiếc lông đuôi thật ít, tiết kiệm, cũng như những vảy ở chân gà mẹ chứng tỏ một sự quan sát tinh tường. Bức tranh đã đạt tới một sự hài hoà cao độ. * “Đám cưới chuột”: Hình ảnh rất ngộ nghĩnh, vui nhộn, diễn tả cảnh một đàn chuột đang trên đường rước dâu về. Bố cục tranh được chia làm 2 vế liên kết với nhau. Vế dưới: đi đầu là chú rễ chuột đầu đội mũ cánh chuồn, đang cưỡi ngựa, liền theo sau có 2 chú
  14. chuột, 1 chú cầm lọng che và 1 chú cầm biển nghênh hôn. Tiếp sau đó là 4 chú chuột khác đang khiêng 1 chiếc kiệu. Hai chú khiêng ở phía trước chăm chú nhìn thẳng về phía trước và chân đều bước, hai chú khiêng ở phía sau thì ngoái nhìn về phía sau như xem đoàn đi phía sau đã đến chưa, hay nói chuyện với những người phía sau, ngồi trong kiệu là cô dâu chuột. Chú rễ chuột ngoái đầu nhìn cô dâu chuột với vẻ sung sướng, còn cô dâu thì đưa tay lên vẫy đáp lại chàng. Vế trên là 4 chú chuột khác: 2 chú đi sau thổi kèn, 2 chú đi trước cầm cá và chim dâng cho con mèo đang ngồi đón đầu. Trên nền vàng tươi của tranh, các chú chuột đều có các màu giống nhau: nâu, đen, xanh lá và trắng điệp, kể cả chiếc kiệu cũng mang những màu ấy, duy có con mèo ngồi phía trên đầu tranh là toàn một màu trắng và con chuột đi sau cùng ở phía dưới tranh toàn một màu đen đối lại như để thay đổi cho khỏi nhàm mắt. Đây là một bức đặc sắc của nghệ thuật tranh Đông Hồ nhằm đả kích tệ tham nhũng, thói cá lớn nuốt cá bé của giai cấp thống trị. Người dân thấp cổ bé miệng bị bọn quan lại chèn ép, áp bức nhưng không thể nói trực tiếp nên họ mượn hình ảnh con vật vẽ châm biếm tệ tham nhũng, hối lộ của các vị quan quyền thời phong kiến. Ở đây, việc “nghênh hôn” là việc vui mừng trong họ nhà chuột nhưng muốn được yên thân thì phải có lễ vật hối lộ hậu hĩnh cho ông Mèo. 2. Tranh Hàng Trống: * “Chợ quê”: Chợ là gương mặt kinh tế của một xã hội. Tuy vậy, chợ quê khác với chợ thành phố, chợ quê Việt nam ngày xưa còn mang cả sắc thái văn hoá; ngoài việc trao đổi, mua bán hàng hoá, đây còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò, nhắn gửi cho nên trong dân gian thường nói “Đi chơi chợ”. Nhìn vào hai bức tranh của Hàng Trống vẽ về cảnh chợ quê chúng ta thấy kỹ thuật vẽ có hơi khác so với tranh Đông Hồ. Ở đây, hình vẽ trau chuốt hơn, màu sắc nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn, nét khắc viền đen thanh mảnh, mềm mại, khác với nét viền đậm chắc khoẻ của tranh Đông Hồ (điều này ta sẽ còn gặp ở những tranh sau của Hàng Trống, kể cả tranh thờ). Ở một số tranh chúng ta còn thấy được tác giả đã tận dụng độ loang của màu nước được vẽ trực tiếp bằng cọ mềm để tô, tạo độ chuyển đậm nhạt trên gương mặt, tay chân, trên người các nhân vật trong tranh như ở các tranh “Thợ cày với con bò”, “Thợ bừa với con trâu”, “Múa sư tử”, “Thất đồng”, tranh “Tố nữ” Qua hai tranh “Chợ quê” của Hàng Trống tác giả đã khắc hoạ được cảnh sinh hoạt nhộn nhịp ở khu chợ và tính chất của nó. Tranh chợ quê cho ta một khái niệm về sinh hoạt kinh tế của một đất nước nông nghiệp lạc hậu, người dân còn lam lũ, đói nghèo. Trong chợ, ngoài cảnh mua bán, còn cảnh chè chén, người ăn xin, kẻ cắp, thầy bói các hạng người được nghệ nhân bày ra, lột tả tinh thần một cách hàm súc. * “Thợ bừa với con trâu”:
  15. Trong tranh vẽ một phụ nữ tóc búi cao, vấn khăn gọn gàng đang ngồi tựa vào cái bừa để nghỉ, chiếc nón lá được máng ở sau lưng và một tay đang cầm quạt để quạt đi những giọt mồ hôi cho đỡ nóng, cạnh bên, con trâu đã được tháo bừa cũng đang đứng nghỉ và quay nhìn bà chủ như biết ơn, trên lưng trâu có hai con chim sáo đang đậu. Cả người và vật cũng nghỉ ngơi trên bờ ruộng có những bụi cỏ. Bứctranh mô tả phút nghỉ ngơi của người nông dân sau buổi lao động vất vả trên đồng ruộng. Đó là phút nghỉ ngơi thoải mái đầy sảng khoái, phút chốc như quên hết mọi sự mệt nhọc trên đời. Đông Hồ cũng có tranh này, về bố cục và hình ảnh trong tranh giống hệt như tranh này, chỉ có khác là tranh của Đông Hồ không tô màu vào các hình vẽ mà chỉ có nét viền đậm, chắc khỏe để định hình người và vật trên nền tranh màu vàng đất của giấy điệp. * “Bịt mắt bắt dê”, “Rồng rắn”: Những trò chơi của trẻ em thời xưa đã được tác giả nghệ nhân diễn tả lại. Tranh “Bịt mắt bắt dê” vẽ một em bịt mắt bằng một dải khăn đang quơ tay tìm bắt các bạn, còn những em khác thì vỗ tay hò reo, chạy xung quanh, có em sợ bị bắt nên chạy ra xa, có một em táo tợn lẻn ra sau lưng gõ lên đầu em bị bịt mắt, một em chạy vấp té lăn cù dưới nền đất. Trong tranh “Rồng rắn” ta thấy đúng như tên gọi của trò chơi. Các em ôm nhau thành một hàng dài đi vòng vèo quanh sân như con rồng, con rắn, miệng như hát mấy câu đồng dao của trò chơi. Em làm thầy thuốc đứng riêng ở phía trước và đang giơ tay đuổi bắt các em phía sau trong đoàn rồng rắn, còn em dẫn đầu đoàn cũng dang hai tay ra cản, không cho thầy thuốc bắt người của mình. Cả hai tranh đều diễn tả các em đang chơi ngoài sân đất có cỏ và cùng có người lớn ngồi trong nhà nhìn ra xem các em chơi cũng như các câu chữ nôm ở góc tranh dẫn giải ngụ ý của tác giả. Trong cả hai tranh tác giả đều sử dụng những màu tươi như đỏ, cam, xanh để phù hợp với cảnh vui chơi nhộn nhịp tươi vui hồn nhiên của lũ trẻ. * “Thất đồng”: Tranh vẽ 7 đứa trẻ con đang chơi quanh cây đào: đứa ôm gốc cây, đứa trèo lên cây hái quả đưa xuống, đứa đứng dưới đưa 2 tay đỡ lấy, đứa tay cầm hoa, cầm chim, đứa công kênh cho đứa kia rướn cao lên vịn cành đào còn cây đào thì đầy trái và hoa, mọc trên nền đất phủ một lớp cỏ xanh non mơn mởn. Màu sắc bức tranh thật tươi vui. Ở đây, tác giả đã tận dụng độ loang để gợi khối trên mặt, trên tay chân, da thịt của những đứa bé nhưng màu quần áo thì không được gợi khối. “Thất đồng” là 7 đứa trẻ nhỏ, hình ảnh con cái đông đàn khỏe mạnh. Người Việt Nam xưa cho rằng đông con là có phúc, đó cũng là quan niệm phổ biến của cư dân trồng lúa nước, cần nhiều sức lao động lại cũng còn phải chống thiên tai, địch hoạ và dịch bệnh cho nên ước mơ “đông đàn, dài lũ” là sự đảm bảo đầu tiên cho hạnh phúc của mỗi gia đình.
  16. Theo quan niệm cổ: cây đào có tính trừ ma quỷ, quả đào tượng trưng cho sự trường sinh bất lão. Sách chu Lễ viết:”Tháng trọng xuân hoa đào nở, nam nữ kết nghĩa vợ chồng”. Hoa đào biểu trưng hoà hợp, sinh sôi. Thất đồng tíu tít chơi quanh gốc đào, vin cành bẻ hoa, hái quả, ngụ ý ước mơ của dân gian xưa. 3. Tranh thờ Hàng Trống: * “Bà chúa Mẫu Thoải”: Mẫu Thoải là thánh mẫu của vùng sông nước, uy nghi trong trang phục trắng. Có 2 ngọc nữ đứng chầu hai bên, dâng tiến hoa quả. Tương truyền, Mẫu Thoải nguyên là con gái của Lạc Long Quân ở hồ Động Đình trong truyền thuyết Việt Nam xưa. Chồng bà là Kình Xuyên, con vua trên mặt đất. Bà vốn hiền từ, nhân ái nhưng Kình Xuyên lại có vợ lẻ là Thảo Mai rất gian giảo. Thảo Mai hay đơm đặt, bịa chuyện, gièm pha nói xấu bà. Kình Xuyên không xét hư thực, đày bà vào nơi rừng xanh núi thẳm. Nỗi khổ đau oan trái của bà thấu tới muôn loài nên ngày ngày bà được muôn thú dâng tiến hoa quả nuôi dưỡng. Có người hàn sĩ tên Liễu Nghi thi hỏng, bỏ nhà đi ngao du vùng sơn cước để giải buồn. Liễu Nghi gặp bà, hiểu chuyện và đem thư của bà kể nỗi oan ức gửi về cho vua cha Lạc Long Quân. Lạc Long Quân nổi giận cho bắt Kình Xuyên, trị Thảo Mai và đón bà về thủy phủ Động Đình. * “Thần hổ”: Thần hổ tượng trưng cho các vị thần tướng trấn giữ các vùng Đông, tây, Nam, Bắc và trung cục. Hổ vốn là con vật thật nhưng đã được thần thánh hoá thành con vật tượng trưng cho sức mạnh. Việt Nam, nước nhiệt đới, lại có nhiều hổ, thường gây tai hoạ cho con người, thành hình ảnh khiếp sợ trong dân gian, vì thế, nhân dân cho rằng hổ có một sức mạnh thiêng liêng trừ diệt được ma quỷ. Có thần hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa thì tà ma quỷ dữ không dám thâm nhập, nên ở các đền, miếu hay các đình làng, trên bức bình phong xây chắn trước mặt, thường vẽ hay đắp nổi hình tượng ông Hổ và “Ngài” cũng được trong dân gian cùng các tín đồ “đồng bóng” tôn thờ. Hình tượng Hổ trở thành một đề tài phổ biến của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Các tranh vẽ về Thần Hổ có nhiều kiểu khác nhau, có tranh vẽ từng vị thần hổ một, có tranh lại vẽ “Ngũ hổ” (5 hổ chung vào một tranh theo các vị trí nhất định của từng vị), nhưng dù là vẽ theo kiểu nào thì các tranh vẽ Thần Hổ đều có bố cục chặt chẽ, màu sắc phong phú và rất đẹp đã miêu tả được đúng hình tượng đứng, ngồi của các vị thần hổ, mỗi vị đều có một sắc màu riêng, có dáng vẻ uy nghi khác nhau và đều có sức sống mãnh liệt toả ra từ ánh mắt, nét mặt, chòm râu và ngời lên khí thế như thực của vị chúa sơn lâm linh thiêng đầy uy quyền. Ở các bức tranh thờ, nếu chúng ta đem tước bỏ đi phần tín ngưỡng dùng thuyết giáo luân hồi khuyên nhủ người ta làm điều thiện, tránh điều ác để khi chết đi phần hồn được lên cõi niết bàn, không phải bị giam cầm ở nơi địa ngục thì đây cũng là sản phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực.
  17. Đặc điểm tâm lý & ngôn ngữ tạo hình của học sinh tiểu học 1. Đặc điểm tâm lý: • Ham hoạt động, ham hiểu biết, rất thích vẽ. • Trẻ ở đâu thường vẽ cảnh vật và con người ở đó. 2. Đặc điểm ngôn ngữ tạo hình (tranh vẽ): - Cách vẽ: các em thường vẽ: • Theo cách nhìn từ tầm cao, liệt kê sự vật chứ không theo qui luật nào. • Không theo thực tế mà theo cảm xúc, trí nhớ, trí tưởng tượng. • Hình vẽ, bố cục ngộ nghĩnh, thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ. - Màu sắc: các em thường dùng màu: • Tươi vui, rực rỡ, đậm đà • Nguyên chất, ít pha trộn • Không phụ thuộc màu sắc của tự nhiên. Mức độ thể hiện tranh của học sinh tiểu học Để có cơ sở đánh giá khả năng thể hiện tranh của học sinh tiểu học, cần căn cứ vào các đặc điểm cụ thể sau: 1. Căn cứ vào tâm lý lứa tuổi của cấp học để xem xét kết quả bài làm. 2. Bố cục thể hiện chủ đề rõ, đẹp, hợp lý. 3. Hình ảnh, tính cách nhân vật, khung cảnh phù hợp chủ đề. 4. Màu sắc phù hợp chủ đề (đẹp). Có mảng chính, mảng phụ hợp lý, tương đối đúng độ đậm nhạt. 5. Không phạm lỗi bố cục nhiều. Căn cứ 5 tiêu chuẩn trên để cho điểm từng bài làm, từng lớp cho phù hợp. Chú ý: • Không nên nhận xét khe khắt, quá chi li. • Không nên đòi hỏi quá nhiều đối với bài làm của học sinh. • Nhận xét, cho điểm bài cần có tính chất động viên. Phân biệt tranh & ảnh 1. Tranh vẽ:
  18. • Là tác phẩm hội hoạ. • Do hoạ sĩ dùng các chất liệu của hội hoạ để vẽ bằng cảm xúc, tình cảm của chính mình. • Người vẽ có thể thêm, bớt, dời đổi chi tiết cảnh vật thực cho bố cục hoàn chỉnh, đẹp hơn. • Hoạ sĩ có thể nhớ lại hoặc tưởng tượng để vẽ. 2. Ảnh chụp: • Là tác phẩm nhiếp ảnh • Do ống kính và phim ảnh tạo nên dưới sự tác động của nhiếp ảnh gia. • Chụp đúng theo thực tế, không thể thêm, bớt, dời đổi. • Không chụp được cảnh không có trong thực tế. Khái niệm về vẽ tranh 1.Khái niệm: Vẽ tranh là phân môn mang tính chất tổng hợp nhiều yếu tố như: hình họa, ký họa, màu sắc, phương pháp sắp xếp(bố cục hình mảng, đậm nhạt, xa gần, ) nhằm ghi lại, tạo nên hình ảnh 1 cảnh sinh hoạt hoặc nêu lên 1 vấn đề trong cuộc sống. 2.Hình thức vẽ tranh: có 2 hình thức: 1. Vẽ tranh theo đề tài: là vẽ tranh theo một chủ đề cho trước. 2. Vẽ tự do: là vẽ tranh theo chủ đề tự chọn, theo ý thích. 3. Sự giống nhau giữa hai hình thức trên: • Đều là vẽ tranh • Tính chất giống nhau: • Tổng hợp nhiều phân môn của ngành hội hoạ. • Hình ảnh cô đọng, điển hình, không kể lể như tranh truyện • Trình tự tiến hành giống nhau. Một số nguyên tắc về bố cục tranh Có nhiều cách bố cục nhưng có 3 dạng bố cục thường được sử dụng: 1. Bố cục hình tháp (tam giác): tạo sự chắc chắn, vững vàng cho bức tranh. (H 1 ) 2. Bố cục theo chiều ngang (hình vuông, chữ nhật): tạo thế cân bằng, ổn định. (H 2 ) 3. Bố cục đường lượn (dạng hình tròn): dễ tạo sự mềm mại, uyển chuyển. (H3 )
  19. Muốn có bố cục đẹp vẫn phải dựa vào tính chất và yêu cầu của chủ đề để lựa chọn. Cần chú ý một số điều cơ bản khi làm bố cục tranh. Những điều cần tránh: • Dồn bố cục về một phía làm tranh mất cân đối. • Đặt các mảng hình đăng đối cùng tỷ lệ • Đặt một mảng quá lớn vào giữa tranh • Đặt các đường xiên chéo vào góc tranh • Đặt đường chân trời vào giữa, chia tranh thành hai phần bằng nhau Những điều cần làm: • Chủ đề tác phẩm (ý chính) phải có vị trí xứng đáng về hình, mảng và màu. • Phân bố hình mảng to, nhỏ phải tạo được sự nhịp nhàng. Cách xây dựng một bức tranh Trình tự tiến hành: 1. Nghiên cứu, lựa chọn chủ đề: • Đề tài rộng nên cần nghiên cứu, lựa chọn một khía cạnh, một chủ đề phù hợp cảm xúc, khả năng thể hiện, chọn hình tượng phù hợp cho khỏi lạc đề. • Nhớ lại những cảnh đã nghe, đã thấy trong thực tế để làm phác thảo. Đi thực tế để tìm hiểu cuộc sống và lấy thêm tài liệu cho tranh. 2. Làm phác thảo: • Làm phác thảo đen trắng (tìm bố cục): tìm cách sắp xếp các hình ảnh, cảnh vật sao cho: o Hài hoà về hình mảng, đậm nhạt. o Tạo cho người vẽ chủ động khi tìm phác thảo màu. • Làm phác thảo màu: dựa vào hình mảng và độ đậm nhạt của phác thảo đen trắng để tìm màu. 3. Tìm hình: • Tìm hình ảnh cho phù hợp chủ đề và mảng trong phác thảo. • Hình ảnh nghiên cứu từ thực tế sinh động. 4. Thể hiện: • Phóng to tranh theo khuôn khổ dự kiến. • Thể hiện đúng tinh thần phác thảo.
  20. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Lăng Bình-Phạm Thị Chỉnh-TS.Nguyễn Quốc Toản - Mỹ thuật & PPDH, tập 3 – NXB Giáo Dục 2001. 2. Ưng Thị Châu-Trịnh Thiệp - Mỹ thuật & PPDH, tập 1 (tái bản lần 6, có chỉnh lý) – NXB Giáo Dục 1998. 3. Ưng Thị Châu-Trịnh Thiệp - Mỹ thuật , tập II – NXB hà Nội 1992. 4. Khương Huân- Chu Quang Trứ- Nguyễn Trân - Nguyễn Đỗ Cung – NXB Văn Hoá 1987. 5. Phan Ngọc Khuê-Đặng Nam-Nguyễn Bá Vân - Tranh dân gian Việt Nam – NXB Văn Hoá Dân Tộc -Hà Nội 1995. 6. Nguyễn Thị Kim Thanh – Nét đẹp văn hoá trong tranh dân gian VN – Luận văn tốt nghiệp ĐHMT 2000. 7. Mỹ thuật lớp 8 – NXB Giáo dục 1997. 8. SGK mới ở Tiểu học – NXBGD, 2002. 9. Mỹ thuật – Tạp chí Hội Mỹ thuật TP.HCM 1993. 10.Mỹ thuật thời nay – Tạp chí Hội NSTH VN 1994.