Hoạt động thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị - Hiện trạng và những khó khăn, vướng mắc

pdf 8 trang Gia Huy 18/05/2022 2160
Bạn đang xem tài liệu "Hoạt động thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị - Hiện trạng và những khó khăn, vướng mắc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhoat_dong_thu_hut_dau_tu_vao_tinh_quang_tri_hien_trang_va_nh.pdf

Nội dung text: Hoạt động thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị - Hiện trạng và những khó khăn, vướng mắc

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 HOẠT ĐỘNG THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO TỈNH QUẢNG TRỊ - HIỆN TRẠNG VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ATTRACTION OF INVESTMENT INTO QUANG TRI PROVINCE - PRACTICES AND DIFFICULTIES TS. Lê Hoàng Việt Lâm, TS. Lưu Thanh Hùng, TS. Phan Công Chính Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an; ThS. Lê Thị Thương Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị. Email: lehoangvietlam@yahoo.com ĐT: 0909.504.696. Tóm tắt Thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, mà còn góp phần ổn định chính trị, tạo mối liên kết giữa các tỉnh lân cận, các vùng kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này hiện tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Bài viết đi vào chỉ rõ hiện trạng thu hút đầu tư, đặc biệt là những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị, từ đó đưa ra những định hướng chính sách và các khuyến nghị (đặc biệt là chỉ rõ những bất cập trong hệ thống chính sách, quy định của pháp luật hiện hành) nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn. Từ khóa: Doanh nghiệp; đầu tư; Quảng Trị; thu hút đầu tư. Abstract Attracting investment into Quang Tri province has a special and important meaning. This not only has created socio-economic development but also contributed to political stability and creating links among neighboring provinces and economic regions. The article indicates the practice of attracting investment, especially advantages and difficulties in investment attraction in Quang Tri province. On that basis, some orientations on policies and recommendations (especially insufficiencies in the system of policies and current legal provisions) to handle difficulties to contribute to improve the effectiveness of investment attraction in the province are prososed. Keywords: Business; investment; investment attraction; Quang Tri. 1. Khái niệm công cụ và phương pháp nghiên cứu 1.1. Các khái niệm công cụ Hoạt động đầu tư (gọi tắt là đầu tư) là quá trình sử dụng các nguồn lực về tài chính, lao động, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản vật chất khác nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng các cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế. Theo cách hiểu thông thường, thuật ngữ “đầu tư” thường được hiểu trên 2 nghĩa: Nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Đầu tư theo nghĩa rộng là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về cho người đầu tư các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt được các kết quả đó. Nguồn lực có thể là tiền, là tài nguyên thiên nhiên, là sức lao động và trí tuệ. Các kết quả đạt được có thể là sự tăng thêm các tài sản tài chính, tài sản vật chất, tài sản trí tuệ và nguồn lực. Còn đầu tư theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm những hoạt động sử dụng các nguồn lực ở hiện tại nhằm đêm lại cho nền kinh tế - xã hội những kết quả trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã sử dụng để đạt được các kết quả đó. Từ những phân tích trên có thể hiểu: Đầu tư là hoạt động sử dụng các nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất, nguồn lực lao động và trí tuệ để sản xuất kinh doanh trong một thời gian tương đối 487
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 dài nhằm thu về lợi nhuận và lợi ích kinh tế xã hội. Trong bài viết này, việc thu hút đầu tư được hiểu theo nghĩa dưới dạng “đầu tư kinh doanh”. Theo đó, “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư” (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2014, 3). 1.2. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện bài viết, phương pháp chủ yếu được nhóm tác giả sử dụng là phân tích tư liệu đã có nhằm thu thập các thông tin thứ cấp về các vấn đề có liên quan đến đề tài nghiên cứu. Trước hết, đề tài thu thập và tham khảo các tài liệu là công trình nghiên cứu đã xuất bản, bao gồm: 1. Các công trình nghiên cứu về đầu tư; 2. Các nghiên cứu liên quan đến hiện trạng thu hút đầu tư tại tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là những bất cập, thiếu sót trong hoạt động thu hút đầu tư ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng Từ đó, nhóm tác giả đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả việc thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị trên cơ sở các kết quả nghiên cứu. Phương pháp chuyên gia cũng được tác giả lựa chọn nhằm lấy ý kiến đánh giá, nhận xét, quan điểm cá nhân của những người có chuyên môn. Nhóm tác giả lựa chọn một số chuyên gia đang công tác tại Đại học An ninh nhân dân, Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp cận và lấy thông tin tham khảo phục vụ cho quá trình nghiên cứu. 2. Hiện trạng hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị Tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hút và cấp chủ trương đầu tư cho 215 dự án, với tổng vốn đầu tư 127.475 tỷ đồng (trong đó có 35 dự án nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 74.726 tỷ đồng). Ước tính cả nhiệm kỳ (giai đoạn 2016 - 2020), tỉnh cấp chủ trương đầu tư khoảng 300 dự án, với tổng vốn đầu tư 150.000 tỷ đồng. So với giai đoạn 2011 - 2015, tăng 176 dự án và 116.435 tỷ đồng3. Tính riêng trong 9 tháng năm 2019 đã cấp chủ trương đầu tư cho 63 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 39.019 tỷ đồng; ước giá trị giải ngân khoảng 5.000 tỷ đồng (Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019). Một số lĩnh vực thu hút các nhà quan tâm đầu tư tăng đột biến so với nhiệm kỳ 2011 - 2015 đó là: Lĩnh vực năng lượng, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 25 dự án, với tổng số vốn 82.397 tỷ đồng; chế biến gỗ 34 dự án, với tổng số vốn 1.454 tỷ đồng; nông nghiệp, thủy sản 17 dự án, với tổng vốn 1.324 tỷ đồng; lĩnh vực du lịch, dịch vụ 15 dự án, với tổng vốn 3.800 tỷ đồng (Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019). Một số dự án lớn như: Cảng biển Mỹ Thủy, Điện gió Liên Lập - 48MW, Điện gió Tân Linh - 48MW, Điện gió Hướng Tân - 48MW, Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2, Nhà máy điện gió GELEX 1,2,3, Nhà máy điện gió Phong Liệu, Nhà máy điện gió Phong Nguyên, Nhà máy điện gió Phong Huy, Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo, Thủy điện Bản Mới, Có 30 dự án đã khởi công thực hiện với tổng vốn giải ngân ước đạt trên 5.000 tỷ đồng. Một số dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu đạt hiệu quả cao như: Nhà máy may xuất khẩu Hòa Thọ, Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Trị, Trạm nghiền xi măng Quảng Trị, nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền; Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa; Nhà máy sản xuất nước uống tăng lực Super Horse (Thái Lan), Nhà máy sản xuất săm lốp xe máy Camel (Thái Lan); Nhà máy dệt may Phong Phú, Nhà máy dệt may Hoà Thọ Đặc biệt, dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị (Công suất thiết kế 120.000 m3 sản phẩm/năm, vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng) cùng với nhà máy gỗ MDF số 1 đã tạo ra sản lượng gỗ 200.000 m3 đưa Quảng Trị đứng vị trí tốp đầu của cả nước về sản xuất gỗ MDF (Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019), góp phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua. 488
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 3. Những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị 3.1. Những thuận lợi Thứ nhất, Quảng Trị có vị trí chiến lược, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia về đường bộ, đường sắt Bắc Nam và đường biển, tiếp giáp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, Quảng Trị là điểm đầu, điểm kết nối trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (East-West Economic Corridor - EWEC), cả hai nhánh của tuyến hành lang này đều hợp với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A hình thành một đặc điểm khác biệt của tỉnh Quảng Trị so với các địa phương khác của miền Trung. Đây là hai trục liên kết vùng có ý nghĩa chiến lược về hợp tác khu vực trong không gian hội nhập hiện nay, có vai trò là cầu nối trong việc tập kết trung chuyển giao thương hai luồng hàng hóa Bắc - Nam và Đông - Tây cũng như là điểm kết nối, trung chuyển khách cho các tuyến du lịch lớn cho con đường di sản miền Trung đến với Hành lang kinh tế Đông - Tây và ngược lại. Ngoài ra, Quảng Trị có kết nối đường bộ tốt với các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đồng thời là cửa ngõ đầu ra của Hành lang kinh tế Đông - Tây của ASEAN. Vì vậy mặc dù dân cư của tỉnh là không cao (hơn 600 ngàn dân), nhưng lại nằm trong vùng có quy mô thị trường lớn (gần 20 triệu người nếu tính toàn vùng) và đang có xu hướng tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người trong vùng ở mức trung bình so với thế giới. Đặc biệt, với việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến đường nối từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay đến Cảng Mỹ Thủy vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và phê duyệt quy hoạch chung xây dưng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tại Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016, Quảng Trị đã và đang trở thành một tỉnh có lợi thế lớn, có giá trị nền tảng trong tương lai. Thứ hai, Quảng Trị có quỹ đất sạch với diện tích lớn đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô lớn: Hiện nay Quảng Trị là một trong số ít các địa phương có quỹ đất sạch, đặc biệt là đất ven biển với diện tích lớn với mức độ tập trung cao, không bị manh mún, chia cắt, hầu như không có tranh chấp, chi phí giải tỏa đền bù thấp nên có đủ điều kiện để đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô đất từ 300 ha trở lên, phục vụ các dự án tổ hợp du lịch, sân golf cao cấp; các dự án đầu tư khu công nghiệp; cảng biển, logistics; điện gió, năng lượng; phát triển đô thị quy mô lớn hiện đại Thứ ba, với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, riêng có của tỉnh với hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước và thế giới1 như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam) Đây sẽ là cơ hội để đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, du lịch gắn với loại hình du lịch lịch sử và du lịch tâm linh kết nối với các tour, tuyến du lịch với các địa phương khác. Thứ tư, là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, các chính sách ưu đãi của Quảng Trị dành cho các nhà đầu tư khá thông thoáng, đặc biệt là việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, các ưu đãi về thuế, đất đai, giá đất, các chi phí sử dụng lao động, chi phí liên quan đến đầu tư đều rẻ hơn so với các địa phương khác. Thứ năm, Quảng Trị có nguồn nhân lực trẻ, cần cù, chịu khó, có ý chí vươn lên. Chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị có khát vọng phát triển; luôn sẵn sàng đón nhận và sự cam kết đối với nhà đầu tư về một môi trường đầu tư an toàn, đảm bảo phát triển chắc chắn với các thể chế quản trị hiện đại và sự kết nối, liên kết mạnh với bên ngoài. 3.2. Những khó khăn, vướng mắc Một là, về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội: Quảng Trị có vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, thị trường và sức mua nhỏ bé. Bên cạnh đó, là một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề và khắc nghiệt của khí hậu: hạn hán kéo dài vào mùa hè dẫn đến việc không cung cấp đủ điện năng để duy trì sản xuất, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho hoạt động của các dự án đặc biệt là các dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, 489
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Hai là, về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, được bố trí không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng, do vậy hệ thống cơ sở hạ tầng chưa thật sự đảm bảo cho việc thu hút đầu tư cũng như hoạt động của dự án đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị chưa có các công trình hạ tầng quan trọng như cảng biển, sân bay, kho ngoại quan quy mô, nhằm phục vụ việc vận chuyển, bảo quản hàng hóa do đó gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Ba là, về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư: Chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 và được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành tại Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND ngày 21/9/2016; Tuy nhiên, kinh phí hàng năm của Tỉnh dành cho công tác ưu đãi, hỗ trợ đầu tư còn hạn hẹp, không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư Bốn là, về chất lượng nguồn lao động: Vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng lao động có nhiều biến động, trình độ lao động phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn lao động có trình độ chuyên môn, lành nghề, lực lượng lao động chất lượng cao, lao động trong các ngành nghề truyền thống Năm là, về tiếp cận nguồn vốn: Hầu hết các dự án đầu tư ngoài nguồn vốn chủ sở hữu đều phải huy động vốn vay của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục vay vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng biến động khó lường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bảo đảm thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết. Sáu là, về sự tham gia xúc tiến đầu tư của người dân, doanh nghiệp tại địa phương: Hoạt động xúc tiến đầu tư còn đơn phương do chính quyền các cấp thực hiện mà thiếu sự liên kết, phối hợp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư thường rất khó khăn do người dân đòi đền bù với mức giá quá cao. Bảy là, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư (như Luật Đầu tư (2014), Luật Bảo vệ môi trường (2014) và Luật Doanh nghiệp (2014) và một số văn bản pháp luật khác còn chồng chéo, không có sự thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau đã gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ cũng như thực hiện các hoạt động cấp phép đầu tư, quản lý doanh nghiệp. 4. Định hướng chính sách nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư vào Quảng Trị 4.1. Định hướng chung Thứ nhất, tiến hành rà soát, điều chỉnh và quy hoạch lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị, trong đó tập trung lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm dựa trên lợi thế để ưu tiên đầu tư phát triển gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, dựa vào vốn như hiện nay sang phát triển dựa vào công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thứ hai, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đât sạch cho các doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Trong điều kiện giới hạn của ngân sách Tỉnh, cần nghiên cứu phát huy vai trò của hình thức hợp tác công - tư (Public Private Pertnership - PPP) trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Thứ ba, trong dài hạn, kiên trì sự lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh, từ đó phải lựa chọn, phải đi mời gọi và phải tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ để họ trở thành “con sếu đầu đàn” cho từng lĩnh vực cụ thể nhằm tạo sức lan tỏa, tạo động lực và dẫn dắt phát triển. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. PCI tập hợp 10 thành phần để đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. PCI loại trừ ảnh hưởng của các 490
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 điều kiện truyền thống ban đầu (các yếu tố cơ bản, gần như không thể thay đổi trong ngắn hạn như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô của thị trường và nguồn nhân lực). Tỉnh cần phấn đấu các chỉ số còn lại như chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời cần hoàn thiện bộ máy hành chính đủ năng lực cung cấp các dịch vụ hành chính công, sẵn sàng đối thoại và hành động cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thứ năm, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh: tiếp tục hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách mới đãi ngộ và thu hút nhân tài nhằm thu hút lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao, đặc biệt là con em trong tỉnh đã được đào tạo về làm việc. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo lao động có tay nghề cao; xây dựng cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh với các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước Đầu tư nguồn nhân lực cho tỉnh cần hướng đến mục tiêu đáp ứng nhân lực cho các ngành mũi nhọn, chú trọng kỹ năng nghề nghiệp, công nghệ thông tin và ngoại ngữ Anh; vì vậy cần chú trọng phát triển mạng lưới trường sơ cấp nghề và trung cấp nghề, thay vì tập trung phát triển hệ thống trường đại học, cao đẳng. Khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp đầu tư góp vốn vào các trường đào tạo nghề, tham gia xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, thực hành và tuyển dụng lao động từ các trường nghề. Thứ sáu, huy động nguồn lực đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, tập trung phục vụ du lịch; thương mại biên giới và thương mại đầu mối; hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng hải, y tế, giáo dục, khoa học và chuyển giao công nghệ. Thứ bảy, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng: Lựa chọn các dự án để triển khai mô hình công tư đối tác (PPP) nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường giao lưu liên kết hợp tác với các địa phương trên thế giới có điều kiện và lĩnh vực phát triển tương đồng. Chủ động đa dạng hóa các nội dung, hình thức và chủ thể liên kết để tận dụng tối đa các nguồn lực trong hợp tác phát triển liên vùng duyên hải miền Trung (nhất là với các địa phương cận kề như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng ). Thứ chín, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, xem việc xúc tiến, thu hút đầu tư là công việc của cả hệ thống chính trị với sự liên kết thống nhất của toàn dân, toàn xã hội. 4.2. Kiến nghị cụ thể liên quan đến các quy định của pháp luật, đặc biệt là những điểm không hợp lý, không thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật như Luật Đầu tư (2014), Luật Bảo vệ môi trường (2014) và Luật Doanh nghiệp (2014) *. Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư: 1. Về thủ tục cấp chủ trương đầu tư a) Sự không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường về quy định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cụ thể: - Tại điểm c khoản 1 Điều 33; điểm c khoản 1 Điều 34 và điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Đầu tư (quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư) chỉ yêu cầu đề xuất đầu tư về nội dung đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư; đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường mà không yêu cầu phải có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Mặt khác, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định: Cơ quan đăng ký đầu tư không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này. 491
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để quyết định chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đề nghị có quy định thống nhất về thời điểm lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong trình tự thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án. b) Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư, thì hồ sơ năng lực tài chính có thể là cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ Theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai thì nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án, có vốn thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án và có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân khác. Điều này dẫn đến có sự mẫu thuẫn, chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục thẩm định năng lực tài chính để cấp chủ trương đầu tư, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư. Vì vậy, nhóm tác giả đề nghị có quy định thống nhất và hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư trong trường hợp thuê đất thực hiện dự án đầu tư. 2. Về thẩm định công nghệ dự án đầu tư: Sự bất cập giữa Luật Đầu tư và Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN ngày 30/3/2016 về thẩm định công nghệ dự án, cụ thể: - Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư chỉ yêu cầu giải trình công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này (dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ) gồm các nội dung: Tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính. - Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN ngày 30/3/2016 quy định: Thông tư này quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định công nghệ của dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là thẩm định công nghệ). Điều này có nghĩa là phải thực hiện thẩm định công nghệ đối với toàn bộ các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đều phải thẩm định công nghệ. Nhưng thời điểm thẩm định công nghệ thì chưa được hướng dẫn cụ thể trước hay sau khi quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do đó nhóm tác giả đề nghị có quy định cụ thể về thời điểm thực hiện thẩm định công nghệ cho phù hợp với Luật Đầu tư. 3. Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Tại khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư đã quy định rõ các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy hứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 37 quy định: “Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư” là mâu thuẫn khi sau 5 ngày có chủ trương, cơ quan đăng ký đầu tư phải cấp Giấy hứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 36. Do đó, đề nghị sửa nội dung khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư, như sau: “Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư”. 4. Quy định cụ thể về sự phù hợp với quy hoạch: Tại khoản 2 Điều 32 Luật Đầu tư quy định Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này 492
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 thực hiện tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không phải trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Trong thực tế có nhiều loại quy hoạch (quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, ) được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để thuận tiện trong quá trình thực hiện, đề nghị sửa đổi bổ sung phù hợp với quy hoạch cụ thể (như quy hoạch phát triển kinh tế; quy hoạch ngành hoặc quy hoạch sử dụng đất; ). 5. Quy định về thời gian giãn tiến độ đầu tư Khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư quy định tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định trường hợp dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì thời điểm tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng. Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai thì tổng thời gian chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng là 48 tháng kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng, dài hơn quy định tại Luật Đầu tư 24 tháng. Do đó, chúng tôi đề nghị sửa đổi thời gian gia hạn sử dụng đất của Luật Đất đai phù hợp với thời gian giãn tiến độ đầu tư của Luật Đầu tư. 6. Về ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án Trong thực tế thực hiện thẩm định, cấp chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, có một số trường hợp nhà đầu tư đã thực hiện dự án trước thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Hiện nay, do có nhu cầu được thuê đất với thời hạn 50 năm để phát triển ổn định, lâu dài nên những nhà đầu tư này đã lập hồ sơ trình cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Do những dự án thuộc đối tượng này đã thực hiện nên đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xem xét quy định miễn thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án; hoặc nếu phải thực hiện ký quỹ đảm bảo thì hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện, thời điểm hoàn trả ký quý *. Về sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp: 1. Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, quy định giới hạn các trường hợp phải thay đổi thông tin cổ đông sáng lập chỉ còn một trường hợp là cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua. Tại Điểm b Khoản 1 Điều 32 Luật Doanh nghiệp quy định: “Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết”. Để tránh mẫu thuẫn nói trên, đề nghị sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 32 này như sau:“Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết”. 2. Điểm c Khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp quy định chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị khi “Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên điều hành của Hội đồng quản trị”. Nhưng trong Luật Doanh nghiệp từ Điều 149 đến Điều 156 không có khái niệm “thành viên điều hành của Hội đồng quản trị” mà chỉ có “thành viên Hội đồng quản trị”. Điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn, khiếu nại trong quá trình tổ chức họp HĐQT. Do đó đề nghị sửa đổi Điểm c Khoản 4 Điều 153 nói trên thành: “Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên Hội đồng quản trị”. 493
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Các ghi chú 1Quảng Trị có đầy đủ các đặc điểm địa hình của địa phương miền Trung, các khu vực đồi núi đan xen sông ngòi, cánh rừng nguyên sinh (Rú Lịnh, Đakrông, trằm Trà Lộc ), các vịnh và bãi biển đẹp (Cửa Tùng, Cửa Việt , Cồn Cỏ ) vẫn còn giữ nét hoang sơ với mật độ dân cư thấp, phù hợp cho các dự án phát triển du lịch với quy mô lớn, không gian khám phá rộng rãi cho khách du lịch. Ngoài ra, còn có tiềm năng phát triển du lịch nghiên cứu văn hóa dân tộc như: Lễ hội dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, lễ hội truyền thống cách mạng; du lịch nghiên cứu tâm linh như lễ kiệu La Vang Bên cạnh đó, có thể xem cả Quảng Trị như một “bảo tàng chiến tranh” lớn của Việt Nam và thế giới với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của đất nước và thế giới hàm chứa giá trị lớn lao với các nhà nghiên cứu lịch sử, chính khách và có khả năng tạo sự khác biệt, hấp dẫn du khách rất riêng của tỉnh Quảng Trị so với các địa phương khác như: Thành Cổ Quảng Trị, hàng rào điện tử Macnamara, Làng địa đạo Vịnh Mốc, căn cứ Khe Sanh, làng Vây, sân bay Tà Cơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 2Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 133 dự án, với tổng vốn đầu tư 33.565 tỷ đồng (trong đó có 59 dự án nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 12.485 tỷ đồng). TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), “Luật Bảo vệ môi trường”, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 6-21. 2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), “Luật Doanh nghiệp”, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 8. 3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), “Luật Đầu tư”, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, 1-14. 4. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị (2015), “Báo cáo tổng kết hoạt động đầu tư vào Quảng Trị năm 2015), 1-13. 5. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị (2016), “Báo cáo tổng kết hoạt động đầu tư vào Quảng Trị năm 2016), 1-12. 6. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị (2017), “Báo cáo tổng kết hoạt động đầu tư vào Quảng Trị năm 2017), 1-14. 7. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị (2018), “Báo cáo tổng kết hoạt động đầu tư vào Quảng Trị năm 2018), 1-15. 8. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị (2019), “Báo cáo hoạt động đầu tư vào Quảng Trị 9 tháng đầu năm 2019), 1-13. 494